Khi báo điện tử lên ngôi

04:22 CH @ Thứ Năm - 22 Tháng Mười Hai, 2005
Với lợi thế nhanh, sức chứa thông tin khổng lồ và khả năng tương tác nhiều chiều giữa toà soạn và bạn đọc, báo điện tử đang ''tiếm ngôi'' của báo giấy. Ghi chép của phóng viên VietNamNet từ chuyến đi khảo sát báo chí Pháp.

Hiện nay, ở một số quốc gia có nền báo chí phát triển như Pháp, Mỹ, phần lớn các báo giấy đều có xu hướng lên mạng. Một số báo lớn, có uy tín ở Pháp như Le Monde, Liberation, L'Express đều có bản điện tử, trong đó, L'Express và Le Monde trên mạng đã hoạt động được 10 năm.

Trong bối cảnh báo điện tử và báo miễn phí đang lấn sân báo giấy, việc đưa các bài viết trên báo giấy cộng thêm tin tức, hình ảnh, video mới nhất lên Internet đang là một trong những giải pháp nhằm giữ chân độc giả.

Lý giải nguyên nhân tại sao báo mạng lại thu hút được nhiều bạn đọc, bà Dorothee Tromparent - Phóng viên, chuyên gia truyền thông đa phương tiện thuộc trường Đại học báo chí Lille, Pháp cho biết, ''có hai lý do chính. Thứ nhất, báo giấy không còn sức lôi cuốn như trước kia. Thứ hai, việc cập nhật thông tin nhanh, hình ảnh minh hoạ đẹp cũng khiến độc giả bị báo mạng cuốn hút''.

Theo bà Tromparent, trong vòng 2-3 năm tới, báo điện tử sẽ phát triển mạnh ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Pháp, nơi 90% người dùng Internet thích xem báo mạng.

Xu hướng này không chỉ giới hạn ở báo viết hay tạp chí. Hiện nay ở Pháp, nhiều đài phát thanh và hàng chục kênh truyền hình cũng lần lượt phát sóng các chương trình qua Internet. Canal Web là một trong những công ty đầu tiên của Pháp, cùng với nouvo.com tiên phong trong lĩnh vực truyền hình trên mạng.

Mạng Internet đã giảm thiểu rào cản giữa các phương tiện truyền thông. Các bản tin trên mạng đang trở nên đa phương tiện, đa dịch vụ và đa hỗ trợ. Một bản tin ''đặc sắc'', đa phương tiện thực sự đã được tập đoàn Radio France cho ra mắt. Theo đó, cùng một lúc nghe bình luận, người dùng Internet còn có thể tham khảo nguồn tin mà phóng viên thu thập, xem hình ảnh được ghi lại từ hiện trường....

Ngoài ưu thế có gắn kèm các phương tiện nghe nhìn, báo mạng còn có khả năng chứa thông tin tư liệu cực lớn. Khi truy cập một bài báo trên mạng, ngay lập tức độc giả có thể vào xem các bài có liên quan với chỉ một cú nháy chuột vào đường link gắn kèm. Đây là một khả năng mà báo giấy không thể có.

Trò chuyện với VietNamNet, ông Eric Mettout, tổng biên tập báo mạng L'Express nói: ''với một hệ thống lưu trữ dữ liệu lớn, độc giả có thể tìm được những bài viết của báo L'Express được đăng từ cách đây hơn một chục năm. Hiện nay, một số bài viết của L'Express báo giấy đã xuất hiện trên mạng cùng với lúc báo in được phát hành''.

Bên cạnh những thế mạnh nổi bật trên, báo mạng còn có khả năng tương tác nhiều chiều. Đơn giản nhất là trao đổi thông tin hai chiều giữa toà soạn với bạn đọc, theo đó, độc giả có thể viết thư bày tỏ ý kiến về nội dung một bài báo mới được đăng tải trên Internet. Dựa trên những ý kiến đóng góp, toà soạn có thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ để có những điều chỉnh cần thiết. Tiếp đó, báo điện tử còn là cầu nối giúp độc giả bày tỏ trực tiếp những mối quan tâm của họ tới một nhân vật nào đó thông qua các cuộc hỏi đáp trực tiếp trên mạng.

Cùng lúc cuốn hút độc giả của báo giấy, báo điện tử còn lấy đi quảng cáo, nguồn lợi nhuận quan trọng của báo giấy. Với Internet, khi mua hàng, người dùng có thể so sánh cùng lúc sản phẩm của các hãng khác nhau với vài cú nháy chuột. Trong khi đó, ít ai có đủ kiên trì để xem hàng chục các tờ rơi hay nhiều số báo để tìm ra một nơi có giá cả hợp lý nhất.

Hiện nay, quảng cáo là một trong những nguồn thu quan trọng của báo điện tử bên cạnh việc bán tư liệu cho các thuê bao. Ông Yan Chapellon, Tổng biên tập báo điện tử Le Monde cho hay, 50% doanh thu của báo này có từ quảng cáo.

Trên thế giới, hầu hết các báo điện tử cung cấp thông tin miễn phí, ngoại trừ một số báo chuyên ngành thu được tiền do cung cấp những thông tin chuyên biệt.

Với sức phát triển mạnh mẽ và những thế mạnh như vậy, liệu báo điện tử có làm báo viết bị triệt tiêu hay không đang là một câu hỏi được nhiều người đặt ra.

Câu trả lời chắc chắn là không. Các chuyên gia truyền thông cho hay, dù sự cạnh tranh giữa báo mạng, báo viết và các phương tiện truyền thông là gay gắt song các hình thức này sẽ không tiêu diệt lẫn nhau mà chỉ bổ sung cho nhau, làm đa dạng thông tin mà thôi.

Nguồn:VietnamNet
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Kỹ thuật số thay đổi phong cách phát tin tức

    16/11/2005TV đang trải qua giai đoạn chuyển đổi quan trọng trong cách chọn và truyền tin bởi khách hàng ngày càng muốn được cung cấp nhiều hơn những dịch vụ trực tuyến theo yêu cầu.
  • Báo điện tử đang “nuốt dần” báo giấy!?

    10/11/2005Hoàng HảiSố lượng báo giấy phát hành đã giảm đều đặn trong suốt nhiều năm qua chủ yếu là do tin tức được cập nhật quá nhanh chóng qua truyền hình và Internet. Các phương tiện truyền thông điện tử ngày nay đã phát triển với mức độ cực kỳ nhanh chóng và đã giành giật được một số lượng độc giả khổng lồ từ báo giấy
  • Đọc thông tin miễn phí trên trang thu phí

    17/06/2005Yahoo Search Subscriptions - cho phép tìm tin trên những site bắt buộc phải trả tiền mới đọc được - là động thái mới của nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến hàng đầu của Mỹ nhằm củng cố niềm tin và sự trung thành của khách hàng.
  • Hai bất cập trong quản lý Internet

    23/12/2004TS Nguyễn Quang ATrong năm qua viễn thông và Internet ở VN tiếp tục có bước phát triển nhanh. Tuy nhiên, Internet VN chưa phát triển vì một số chính sách không còn phù hợp...

Nội dung khác