Khoa học với văn hóa

09:26 CH @ Thứ Ba - 18 Tháng Tư, 2006

I. Ý nghĩa và chủng loại của văn hóa

Khoa học tức là một thứ văn hóa.

Muốn biết khoa học là thứ văn hóa gì, cần phải biết trước cái bổn thể của khoa học là vật gì.

Muốn biết bổn thể của khoa học cần phải đem khoa học mà so sánh với các thứ văn hóa khác.

Muốn so sánh khoa học với các thứ văn hóa, trước hết phải biết rõ ý nghĩa của toàn thể văn hóa.

Ý nghĩa của văn hóa, xưa nay các nhà học vấn vì cuộc biến thiên của thời đại và nghệ thuật, dụng công giải thích rất nhiều, không thể dùng một vài lời mà thuật lại cho hết. Những lời giải thích trọng yếu thì: về đời cổ cho là "phàm chủ nghĩa nào có thể cải lương được kiểu sanh hoạt mọi rợ, và tăng tiến được trình độ học thuật, tức là văn hóa"; về gần nay phần nhiều cho là: "phàm chủ nghĩa nào có thể trừ được sự chướng ngại cho loài người và tăng tiến được nền hạnh phúc của loài người, tức là văn hóa".

Theo như hai thuyết nói trên mà chia riêng chủng loại, thì nguồn suối của văn hóa có thể tóm lại làm ba thứ lớn. Phàm những văn hóa có thể bỏ sự chướng ngại của loài người đối với thần linh mà khiến cho loài người tăng tiến hạnh phúc thì để vào một môn. Môn đó tức là tôn giáo. Phàm những văn hóa có thể bỏ sự chướng ngại cho tri thức của loài người, mà khiến cho loài người tăng tiến được hạnh phúc về tinh thần, thì để vào một môn. Môn đó tức là triết học. Phàm những văn hóa nào có thể bỏ sự chướng ngại ở con đường tri thức của loài người mà khiến cho loài người tăng tiến được hạnh phúc về vật chất thì để vào một môn. Môn đó tức là khoa học. Tha hồ các nhà học vấn đem văn hóa mà tách bạch làm bao nhiêu loài, cũng không ra khỏi phạm vi ba môn văn hóa đó.

Theo ba thứ văn hóa đó mà tìm nguồn xét ngọn thì ở thế giới, không cứ nước nào, đều phải công nhận tôn giáo là thứ văn hóa khai sáng sớm nhất. Vì rằng: trong khi loài người mới bắt đầu khai hóa, đối với hiện tượng của võ trụ và ý nghĩa về nhân sanh quan (conception de la vie), không cứ khảo sát về dĩ vãng, về hiện tại, hay là suy tưởng về lương lai, đều là mù mù mờ mờ, chẳng biết chi hết; dầu cho lên một bực nữa cũng chỉ biết nên làm như vậy mà không biết tại sao mà làm vậy.

Trong lúc đó, loài người vì tình ý phát động, cũng muốn biết những sự mà mình chưa biết, nhưng vì tri thức chưa đủ, mới tưởng rằng bên trên loài người còn có ông nào đứng làm chúa tể, ông đó vẫn chi phối hết thảy các việc mà mình không thấy. Bởi các tư tưởng đó, mới đem hết những sự không thể giải thích, phó cho quỷ thần và thượng đế sai khiến. Việc gì cũng cứ theo mạng lệnh của thượng đế và quỷ thần, tự mình chỉ đứng vào địa vị vô tri vô giác. Các nguồn suối của tôn giáo, đại khái như thế.

Tánh trời của loài người, thường vẫn mỗi ngày mỗi cầu cho tiến bộ. Tỷ như thời đại thái cổ, do bực thân thể trần truồng, lên bực may quần sắm áo; do bực ăn sống nuốt tươi mà lên bực nấu nướng ăn chín; do bực nằm hang ở nội, lên bực xây dựng cửa nhà; do bực đi lại không thông, lên bực đóng xe đóng thuyền v.v... Phàm thuộc về vấn đề sanh hoạt của loài người, việc gì cũng cầu cho mỗi ngày mỗi tấn tới, mỗi ngày mỗi cải lương. Vì rằng loài người đã có tánh "biết", mới đem năng lực về bụng nghĩ của mình mà mở mang tri thức, giải quyết những vấn đề không thể giải quyết. Đó là nguồn suối của triết học.

Còn đến nguồn suối của khoa học, thì cũng bởi lẽ loài người mỗi ngày mỗi cầu tiến bộ, mỗi ngày mỗi cầu cải lương, nhân thấy phương pháp khi trước dùng để giải quyết những vấn đề võ trụ và những vấn đề nhơn sanh, rất hư huyền, không có chi là chắc chắn, mới kiếm lấy một phương pháp thiết thực để giải quyết những vấn đề đó. Ví như chỉ nhờ phương pháp tôn giáo mà giải quyết, tức là chỉ nhờ sự giả thác và sự mê tín, chẳng có gì là chứng cớ đích xác; hay là chỉ nhờ phương pháp của triết học mà giải quyết, cũng là chỉ nhờ sự suy lường và sự tưởng tượng, cũng chẳng có gì là chứng cớ đích xác. Về sau tánh "biết" của người ta đã tiến bộ, biết đem những vấn đề hoài nghi, theo sự thiệt mà nghiệm đi xét lại, để kiếm lấy phương pháp giải quyết, đó là rễ gốc sanh ra khoa học.


II. Sự xung đột và sự điều hòa của ba thứ văn hóa

Ba thứ văn hóa chi phối cuộc sanh hoạt của loài người và giải quyết hiện tượng của võ trụ, theo dấu cũ của lịch sử thì hình như ở bên Âu Mỹ từ đời thượng cổ tới thế kỷ XIV, có thể kêu là thời đại tôn giáo; từ thế kỷ XV tới thế kỷ XVIII, có thể kêu là thời đại triết học; từ thế kỷ XIX đến bây giờ có thể kêu là thời đại khoa học. Trong ba thời đại đó, trừ ra thời kỳ rất cổ, là thời kỳ tánh "biết" của loài người chưa phát đạt lắm, thế lực chi phối sự sanh hoạt chỉ có tôn giáo làm chúa tể, n trở về trước còn từ sau khi Socrates, Platon, Aristote đã ra đời, thì mầm nhánh triết học đã lần lần mọc ra. Về sau, thời đại càng lâu, tri thức của loài người càng phát đạt, những sự mê tín giả thác càng ngày càng bị đánh đổ, cho nên các nhà tôn giáo thường thường nổi lên chống lại với các nhà triết học. Tới thế kỷ khoảng giữa [1] thì tôn giáo và triết học xung đột nhau luôn. Từ khi Roger Bacon, Fransis Bacon và Galileo Galilée đã giáng sanh thì nền móng của khoa học lần lần vững chãi. Sau nầy tri thức của loài người càng phát đạt nữa, phương pháp nghiên cứu sự biết càng hoàn toàn, khoa học càng bị hai phe tôn giáo và triết học thù ghen. Bởi vậy từ thế kỷ XVIII mà đi, ba phe tôn giáo, triết học và khoa học thường theo riêng sự "biết" của mình mà cùng nhau cãi lộn, lúc thì xung đột, lúc thì điều hòa, đến bây giờ vẫn chưa yên định.

Theo như lời của phe tôn giáo thì ở đời duy có tôn giáo là thứ văn hóa có thể cấp cho loài người những tri thức cần dùng, ngoài tôn giáo ra không có chi là thứ hai. Tôn giáo không những có thể cung cấp cho loài người những tri thức có hình mà lại có thể cung cấp những tri thức không hình [2] ; chẳng những chi phối được cuộc sanh hoạt trong khi còn sống, mà lại có thể chi phối cuộc sanh hoạt ở khi đã chết; chẳng những biết rõ những việc quan hệ đến loài người, mà lại biết rõ những việc quan hệ đến thần linh. Đối với những lời trách bị của các nhà triết học và các nhà khoa học thì phe tôn giáo cho rằng đó là họ nói mỉa nói dèm, phá hoại sự tín ngưỡng của loài người, xâm phạm vẻ tôn nghiêm của thần linh, làm giảm bớt hạnh phúc về tinh thần của loài người, nói vắn tắt thì họ gây vạ cho loài người.

Theo như lời của hai phe triết học và khoa học thì loài người cần có tri thức, tri thức có đích xác thì mới có thể dựng nên công việc. Tri thức của các nhà tôn giáo chỉ là sự mê tín không thiệt, còn tri thức của hai phe triết học và khoa học cống hiến cho loài người, thì cái gì cũng có thể chứng minh rõ ràng, thiệt là cái cột làm cho loài người nương dựa. Họ lại nói rằng: sự mê tín của các nhà tôn giáo tức là bức tường che lấp cái cửa "chân lý", sự hy sanh của các nhà tôn giáo, tức là cái máy phá hoại sự tự do của loài người, cho nên tôn giáo đối với con đường tiến hóa của loài người, đối với hạnh phúc khoái lạc của đời người, đều làm trở ngại hết thảy.

Từ thế kỷ thứ XVIII mà đi, triết học mỗi ngày mỗi phát đạt, khoa học mỗi ngày xương minh, trong hai phe đó lại vì bên nào bên nấy đều mở lớn bờ cõi của mình, thành ra thường thường cùng nhau xung đột. Sự trọng yếu nhứt trong cuộc tranh luận của hai phe thì là phương pháp mở mang tri thức. Theo như ý kiến của các nhà triết học thì sự mở mang tri thức nếu chỉ do ngũ quan quan sát một cách trực tiếp thì phần nhiều sanh ra sai lầm, tất phải tựa vào sự suy nghĩ ở trong bụng thì mới có bằng cớ đáng tin. Ví như đi coi hát bóng, mình thấy núi sông, người, vật đều hoạt động như đồ "sống", ai không nghĩ tưởng là cảnh thiệt, kỳ thiệt chỉ là một tấm "phim" dài nối nhau mà thay đổi, lại còn có nhiều hiện tượng ở nơi vô hình, nếu không dùng bụng nghĩ thì không thể tìm ra tri thức đích xác. Theo như ý kiến của phe khoa học thì cho rằng: phương pháp mở mang tri thức phải chia làm hai thứ, một thứ dùng bụng nghĩ cũng có thể kiếm ra, như phép kỷ hà đại số trong khoa "toán", một thứ thì phải dùng ngũ quan mà quan sát mới có thể biết được, tỷ như nước, lúc cực nóng thì lên trăm độ hàn thử biểu, lúc cực lạnh thì xuống tới độ 0, trong đó biến hóa những sao, nếu không nhờ ngũ quan mà quan sát, chỉ chắc ở lý tưởng trong bụng, e rằng muôn muôn năm nữa cũng không biết sự biến hóa đó ra thế nào?

Tới hồi gần nay, đối với sự xung đột của ba thứ văn hóa, có nhiều người chủ trương điều hòa. Họ lấy cớ rằng: hiện tượng ở trong võ trụ quan (conception de l'univers) và nhân sanh quan rất là phiền phức, muốn đem những hiện tượng phiền phức ấy mà giải quyết cho gọn gàng, không phải tinh lực một người có thể làm được mà cũng không phải một thứ học thuyết có thể bao quát được hết. Tất phải chia môn xẻ loại mỗi người mỗi khoa, thì cái "biết" của mình về võ trụ quan và nhân sanh quan mới có thể vừa nhiều vừa chắc. Bởi vậy hiện nay học thuật có khoa chuyên môn, học giả có nhà chuyên môn, đem những vấn đề quan hệ đến võ trụ quan và nhân sinh quan chia ra ba thứ sau nầy:

1.Việc gì?

2.Là thế nào?

3.Bởi vì đâu?

Muốn đem ba câu hỏi trên mà trả lời cho rõ ràng gẫy gọn thì phải chia từng môn mà nghiên cứu, mới có thể tường tận không sót chỗ nào. Khoa học là văn hóa để nghiên cứu câu hỏi thứ nhứt, triết học là văn hóa để nghiên cứu câu hỏi thứ hai, tôn giáo là văn hóa để nghiên cứu câu hỏi thứ ba. Trong khi nghiên cứu ba câu hỏi đó, các nhà học giả vì muốn nới rộng phạm vi của mình, và vì sự lựa chọn tài liệu tự nhiên có khi phải ra ngoài giới hạn của mình, mà thêm lời nghị luận hoặc phê bình đến giới hạn của văn hóa khác. Cái đó tự bên giới hạn khác kia, cũng nên coi là sự khuyên nhau giúp nhau, phe nọ lợi dụng lấy phe kia, phe kia gây dựng cho phe nọ, để cùng tăng tiến cho loài người cuộc sanh hoạt hoàn toàn về tinh thần và về vật chất. Chớ nên công kích lẫn nhau, phá hoại lẫn nhau, làm giảm bớt hạnh phúc về sự sanh hoạt của loài người.

Cái thuyết đó nghe cũng có lẽ.

Tóm xem những lẽ nói trên thì khoa học ở trong văn hóa đã chiếm được địa vị rất trọng yếu. Song le, nhiều người chưa hiểu, bàn đến tình hình đại khái của khoa học. Một thì nói rằng: khoa học chỉ biết thực nghiệm và phát minh, làm ra vô số những thứ học vấn thuần về công lợi như là xe lửa mới, tàu thủy mới, máy bay mới, và các thứ thuốc mới v.v...; hai thì nói rằng: khoa học chỉ biết quan sát và thí nghiệm, lợi dụng phép quy nạp mà nghiên cứu hết thảy những vật có hình, thuần là thứ học vấn về vật chất. Như vậy là coi cái phạm vi khoa học rất hẹp, coi cái giá trị khoa học rất rẻ.

Muốn trừ khỏi sự hiểu lầm đó, phải đem ý nghĩa của bổn thể khoa học mà nói cho rõ ràng.

Vào thế kỷ XVI, XVII trong khi Francis Bacon mới dựng nên ngọn cờ khoa học, phương pháp của ông, vốn là đối với sự quan sát những sự ở võ trụ, trước hết dùng ngũ quan mà xem xét, rồi sau dùng cách thiệt nghiệm mà nghiệm xem sự xem xét đó có thiệt chắc hay không. Đến sau, cái phương pháp đó càng ngày mở rộng, tới thế kỷ XVIII, ý nghĩa của khoa học lại thay đổi một cuộc rất lớn, nhiều người nói rằng: khoa học là dùng phương pháp có manh mối mà nghiên cứu nhân lý. Wolf quyết định cái định nghĩa cho khoa học có nói rằng: "Phàm những cái dạy cho ta dò xét nguyên lý một cách "có manh mối" thì ta gọi là khoa học"; coi đó biết rằng thế kỷ XVIII cũng đã biết phạm vi khoa học, không phải chỉ riêng về vật chất. Vì cái lẽ đó, cho nên đến thế kỷ XIX, trong khi khoa học thạnh hành, các nhà tôn giáo và các nhà triết học đều dùng phương pháp khoa học mà nghiên cứu phạm vi của mình. Nói cho phải, thì từ thế kỷ XIX, giọc trận của tôn giáo và triết học đã bị khoa học đánh tan. Những nhà tôn giáo nói về sự quan hệ của thần với người, đều dùng phương pháp có manh mối và có thiệt chứng, và lại đem những sách cũ mà thay đổi nhiều chỗ để bổ cứu những điều cổ nhân còn thiếu, và làm cho hiệp với làn sóng tư tưởng mới.

Triết học cũng vậy, ví như gần nay, môn tâm lý học của phần đông những nhà triết học các nước, đều dùng phương pháp khoa học, lập ra nhà thí nghiệm rất hoàn toàn, hết sức xét đi xét lại. Cả đến bổn thể của triết học tức là môn học "ở ngoài hình thức", cũng đều đem những lý luận không hoàn toàn không trật tự như thuở trước mà chỉnh đốn lại, sửa sang lại.

Cứ vậy thì ở trong văn hóa, cái thứ học vấn có thể mở mang sự "biết" đích xác cho loài người tức là khoa học, cái công sửa lại tôn giáo, đổi lại triết học, cũng là công của khoa học. Nói về sự "đem ra mà dùng" thì ở Âu châu Mỹ châu, cái công làm cho nước nhà giàu mạnh, làm cho xã hội tốt đẹp, làm cho loài người tinh khôn, cũng là công của khoa học.

Khoa học thật là một vật thần thông biến hóa ở thế giới này vậy.


Thần chung, Sài Gòn, số 20 (29.1.1929); số 23 (1.2.1929); số 24 (2.2.1929)


[1]Sau này sẽ được dịch là: trung cổ, trung thế kỷ, trung đại.
[2]“có hình / không hình” ở đây dùng để dịch “phisique / methaphysique”.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Gia tài văn hóa của Việt Nam

    05/04/2019Phan NgọcTại sao có một bề dày văn hóa mà Việt Nam chưa bao giờ giàu có cả? Bởi vì, bề dày văn hóa như một kho vàng, tuy nhiên phải vất vả đào bới mới có được và từng cá nhân một phải làm cho chính minh. Nhưng trước hết phải có người chỉ cho anh ta thấy kho vàng đã. Do đó, phải có một chính trị sáng suốt của anh ta, cho anh ta và vì anh ta. Và xây dựng những tổ chức để cùng nhau dào bới...
  • Xã hội tri thức và vài suy nghĩ về con đường hội nhập

    15/05/2018Phan Đình DiệuSinh thời, Norbert Wiener, cha đẻ của Điều khiển học (Cybernetics) đã dự báo: "Chúng ta đang làm biến đổi môi trường của ta tận gốc rễ đến mức rồi ta phải tự biến đổi chính mình để tồn tại được trong môi trường mới đó".
  • Văn hóa và Tăng trưởng

    25/11/2016Nguyễn Trần BạtỞ đâu con người có năng lực nhận thức tốt hơn, có năng lực và điều kiện hưởng thụ tốt hơn, có điều kiện để tư duy một cách tự do và sáng tạo hơn, có sức cạnh tranh tốt hơn, tóm lại, ở đâu con người cảm thấy hạnh phúc thì ở đó có sự phát triển....
  • Vai trò của nhân tố văn hoá trong nền văn minh

    26/05/2016TS. Hồ Sĩ QuýTới tận hôm nay, những định nghĩa về văn hóa được coi là có giá trị nhất vẫn chưa làm thỏa mãn giới nghiên cứu. Vì thế việc định nghĩa khái niệm này còn đang được xem như một điều thách thức - những định nghĩa mới, xuất phát từ những cách hiểu khác nhau tiếp tục xuất hiện...
  • Trí thức và nửa trí thức: Đến cả sự nhợt nhạt cũng giống nhau đáng sợ

    16/05/2016Ngô Tự LậpTrích đăng từ bài “Giáo dục, Trí thức và nửa đường còn lại” của Ngô Tự Lậpbàn về trí thức và nửa trí thức.
  • Sự hình thành bản thể luận văn hóa

    10/11/2014TS. Đỗ Minh HợpCó thể phân biệt ba giai đoạn cơ bản trong tiến trình phát triển của bản thể luận - bản thể luận tự nhiên (cổ đại), bản thể luận nhận thức (cận đại) và bản thể luận văn hoá (hiện đại). Không có ý định đi sâu vào đề tài này, chúng tôi chỉ muốn nêu bật sự khác nhau cơ bản giữa ba hình thức này của bản thể luận...
  • Nhận diện những hiện tượng phản văn hóa

    27/10/2014Phùng HiểnỞ nước ta, nhiều năm gần đây cùng với sự xuất hiện các giá trị văn hóa mới, những hiện tượng phản văn hóa ngày một gia tăng. Nhận định và đấu tranh với các phản văn hóa không phải một việc đơn giản. Có những phản văn hoá lại nhân danh văn hóa, nhân danh chủ nghĩa nhân đạo tồn tại như những mẫu mực sống của một cộng đồng người nhất định...
  • Văn hoá và Tương lai

    17/05/2014Nguyễn Trần BạtTương lai không phải là của văn hoá, tương lai là của con người với tư cách là một thực thể văn hoá. Trình độ nhận thức của con người đã đạt đến mức con người nhận thấy văn hoá trở thành quan trọng....
  • Khoa học cứng và khoa học mềm

    03/12/2010Laurent Mucchielli, Đặng Mộng Lân dịchKhoa học cứng và khoa học mềm: khác nhau về đối tượng giữa khoa học về tự nhiên và các khoa học về con người và xã hội, nhưng cùng một phương pháp tiến hành...
  • “Chỉ gìn giữ văn hóa không đủ, còn phải phát triển văn hóa”

    24/03/2006Thạch LựuNgười phụ nữ giữ trọng trách Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc Hội gọi công việc của mình là làm PR cho nước Việt Nam. Trong suốt quá trình đi giới thiệu Việt Nam, văn hóa là lĩnh vực mà bà Ninh chú trọng và có ý thức gạn đục khơi trong những đóng góp của người ngoài để làm quà cho những người làm văn hóa trong nước. Đôi khi món quà ấy không phải lúc nào cũng ngọt ngào…
  • Cách mạng khoa học – công nghệ và nền kinh tế tri thức

    15/03/2006TS. Lê Thị Kim ChiMọi nền kinh tế đều có các lĩnh vực sản xuất, lưu thông và tiêu dùng. Các lĩnh vực đó hợp thành một hệ thống thống nhất, có sự tác động qua lại, trong đó lĩnh vực sản xuất đóng vai trò quan trọng nhất. Do đó, đánh giá trình độ phát triển của một nền kinh tế, trước hết phải căn cứ vào trình độ phát triển của lĩnh vực sản xuất, trong đó yếu tố có tính cách mạng nhất là công cụ sản xuất...
  • Văn hoá là sự kết tinh của những sáng tạo

    09/03/2006Trương Gia BìnhSự khác nhau của các thời đại văn minh đó dựa trên những căn bản nào? Các nguồn lực quyết định sự tiến bộ trong mỗi thời đại văn minh là gì? Động lực thúc đẩy các quốc gia phát triển trong mỗi thời đại văn minh ở đâu?
  • Nghĩ về nền văn hóa mới và cơ hội mới

    28/01/2006Phan NgọcChúng ta đang bước vào thời đại mới của nền văn hóa mới, với sự phát triển nhanh chóng của văn minh, của kỹ thuật, công nghệ. Bản thân kỹ thuật, công nghệ là biểu hiện, là tài sản chung cho trí tuệ loài người, không phụ thuộc riêng vào một dân tộc nào, và theo phép biện chứng của C.Mác, thì khi kỹ thuật sản xuất thay đổi, đời sống tinh thần cũng thay đổi...
  • Có chăng nền kinh tế tri thức?

    19/12/2005Đoàn Tiểu LongKinh tế tri thức chỉ là một phần của xã hội tri thức, trong đó mọi người đều có khả năng tiếp cận và sử dụng các tri thức chung của toàn nhân loại để phục vụ cho công việc và cuộc sống của mình...
  • Một vài suy nghĩ về văn hóa Việt Nam

    10/12/2005Là một nhà nghiên cứu văn học, GS Hà Minh Đức rất quan tâm đến sự phát triển của nền văn hoá dân tộc vì theo ông văn hoá gắn với sự phát triển chung của đất nước, với mỗi con người, mỗi cuộc đời. Dưới đây, Tạp chí xin giới thiệu đôi điều suy nghĩ của GS về văn hoá Việt Nam.
  • Văn hóa Internet

    15/10/2005Phạm Kim HưngHãy bắt đầu bằng việc tưởng tượng ra một cuộc sống không có điện thoại...
  • Văn hóa và văn minh

    27/10/2005Theo nghĩa cơ bản của nó, thuật ngữ “văn hóa” nghĩa là sự cải thiện hay sự hoàn thiện bản chất. Nông nghiệp cải thiện đất đai và thể dục phát triển cơ thể. Vậy văn hóa con người là sự phát triển tất cả các khía cạnh thuộc bản chất con người – đạo đức , trí tuệ và xã hội. ...
  • Toàn cầu hoá và sự đa dạng văn hoá

    18/07/2005Dương Thuấn, Mai Văn HaiVăn hoá Việt Nam đang có nguy cơ bị văn hoá nước ngoài lấn át và mất dần đi bản sắc dân tộc! Đã có không ít bài viết cảnh báo về vấn đề này và bày tỏ sự quan ngại đó. Thực tế có đáng lo như vậy hay không? Trước tình hình toàn cầu hoá nhanh chóng như hiện nay, hội nhập là tất yếu, không có con đường nào khác nếu muốn phát triển. Để làm sáng tỏ về vấn đề này, chúng tôi muốn nói đến việc toàn cầu hoá và sự đa dạng văn hoá.
  • xem toàn bộ