Lãng quên Liệt sĩ, là đang sống vật vờ bên ngoài Tổ quốc
17-2-2012
"Quân đội..." chẳng nói gì!
"Cựu chiến binh" chẳng thấy gì!
"Đại đoàn kết"... cũng rứa.
...
Bác Dứa đi chơi...
Xóm nghèo.
Mẹ già lọm khọm... tay run nén nhang.
Cay mắt... Oan?
Ngày này... năm ấy...
con ơi!
17-2-2009
5 giờ 30 sáng 17 tháng 2
năm hai ngàn lẻ chín
tôi vội vã xuống tàu
tìm người bán báo dạo…
Mấy chục măng sét báo xanh- tím- vàng -nâu
chẳng báo nào nhắc một dòng về biên giới
im như thể chưa hề biết tới
một sớm mai –giờ này này cách nay 30 năm
ở sân ga này hối hả những đoàn quân,
Im và im
như chưa hề biết tới một bình minh
máu đã nhuộm thắm sắc đào sơn cước
giây phút này, 30 năm trước…
Ôi Hà Nội , trái tim hồng cả nước
những huyết thư tuổi trẻ lên đường
cả Việt Nam rạo rực máu Lạc Hồng
máu cha ông truyền từ ngày “Sát Thát”
tất cả lên đường
nhằm biên cương phía Bắc!
ba mươi năm
Hà Nội sáng mai này
tôi cầm trên tay
những măng sét báo lặng câm
“Tuổi Trẻ” màu xanh
“Thanh Niên” màu tím…
“Công an” màu nâu
“Mua bán” màu vàng…
"Vedete" hôm nay
"Giá nhà đất thôi tăng"
"Đánh bạc on-lai"
chuẩn bị tăng giá điện"
...
Có măng sét báo nào hôm nay in màu đỏ hay không?
Chỉ cần một sắc đỏ
lặng im
vẫn cháy lòng tưởng nhớ
Khi chúng ta không dám nhắc thành lời!
...
Tờ báo cũ tháng trước rơi ra
Chạy tít đỏ
kỷ niệm cách mạng Cu Ba
Kỷ niệm chiếm trại lính Moncada
Lên án Israel ném bom Gaza
Aaaaaaa…
Hahaha…
…
Còn xương máu ông cha
Xương máu quân dân biên giới
Ba mươi năm không dám nhắc một dòng
Yêu hòa bình có nghĩa là im lặng!
Phải thế không?
Phải thế không?
Buổi sáng ngày 24/7/2011, tôi lặng lẽ leo 160 bậc đá lên tới đỉnh ngọn đồi ở Hoà An (Cao Bằng), nơi yên nghỉ của hàng trăm Liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc từ tháng 2/1979. Lên chỉ để thắp cho các anh một nén hương. Và đứng lặng rất lâu trước những ngôi mộ đang được huyện trùng tu.
Tôi đọc trên bia mộ: “ Liệt sĩ Hoàng Văn Dử, sinh tại Lạng Sơn, thuộc đại đội 10, trung đoàn 851, sư đoàn 346, hy sinh ngày 18/2/1979”; “ Liệt sĩ Triệu Quang Dũng, sinh tại Hoà An-Cao Bằng, thuộc sư đoàn 346, hy sinh ngày 24/2/1979”...
Và đây nữa “ Liệt sĩ Nguyễn Văn Vân, sinh năm 1962 tại Đại Từ-Thái Nguyên, thuộc đại đội 14, sư đoàn 346, hy sinh ngày 5/10/1984”, nghĩa là anh Vân hy sinh sau khi đất nước thống nhất hơn 9 năm.
Tất cả họ đã hy sinh khi giữ từng tấc đất, từng mỏm đá ngọn núi dòng suối của đất Cao Bằng.
Và từ nơi địa đầu Cực Bắc của Tổ quốc, tôi lại như nhìn thấy Hoàng Sa thân yêu của Tổ quốc ta, nơi vào tháng 1/1974 đã xảy ra trận hải chiến khốc liệt và đã có 74 chiến sĩ người Việt Nam hy sinh khi quyết giữ Hoàng Sa tới giây phút cuối. Họ đã chết và chúng ta đã mất Hoàng Sa.
Nhưng họ còn trong nỗi nhớ chúng ta, và Hoàng Sa thân yêu mãi mãi vẫn là “máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam".
Tôi như nhìn thấy Trường Sa thương yêu của Tổ quốc ta, nơi tháng 3/1988 đã chứng kiến một cuộc chiến đấu hoàn toàn không cân sức giữa những chiến sĩ hải quân Việt Nam làm nhiệm vụ xây dựng đảo Gạc Ma, lúc đó không mang vũ khí bên mình và những tàu chiến của hải quân Trung Quốc trang bị vũ khí mạnh. 64 chiến sĩ của chúng ta đã hy sinh, nhưng chúng ta vẫn còn giữ được hai đảo Cô Lin và Len Đao.
Mộ Liệt sĩ Hải quân trên đảo Nam Yết
Tôi bỗng thấy những ngọn núi đá Cao Bằng dưới nắng mai vút lên rực rỡ một vẻ đẹp ngỡ ngàng, khiến ta trào nước mắt.
Ai là người Việt Nam mà không yêu Tổ quốc mình đến quặn thắt, đến xót xa, ngay khi được ngắm nhìn những vẻ đẹp diệu kỳ của núi, của sông, của biển quê hương mình.
Xót xa vì cứ như từng tấc đất tấc biển đều thấm máu các Liệt sĩ . Là người Việt Nam, đã hy sinh vì Tổ quốc thì tất phải là Liệt sĩ.
Nhưng nhiều Liệt sĩ đã ngậm cười nơi chín suối bao nhiêu năm, song vẫn chưa chính thức nhận được danh xưng “Liệt sĩ”, mà Tổ quốc tôn vinh cho những đứa con trung hiếu của mình.
Cứ quặn thắt trong lòng, vì đất nước hoà bình đã 36 năm mà sự an nguy của Tổ quốc vẫn dồn nặng trên đôi vai những người chiến sĩ, dù là người chiến sĩ Biên phòng suốt chiều dài biên giới 332 km của Cao Bằng, hay người chiến sĩ giữ đất trời biển đảo Trường Sa.
Lòng biết ơn là một phẩm chất lớn của một dân tộc, cũng là một phẩm chất lớn của mỗi con người. Mà cao cả nhất của lòng biết ơn, là biết ơn những Liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Lòng biết ơn ấy không thể hời hợt, không thể hình thức, đãi bôi, nó phải thấm sâu vào lòng mỗi người Việt Nam.
Như máu hoà trong máu. Như một lời nguyền trong lặng lẽ: “Không một ai bị lãng quên, không một điều gì bị quên lãng”( Thơ On-ga Bec-gôn-nữ thi sĩ Nga vĩ đại).
Nếu lúc nào chúng ta lãng quên những Liệt sĩ của mình, chính là lúc ta đang sống vật vờ bên ngoài Tổ quốc.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)