"Lẽ thường" và "lẽ biến" trong đời nhà giáo

10:44 SA @ Thứ Tư - 26 Tháng Sáu, 2019

Một cuộc cải cách giáo dục tử tế sẽ phải giúp cho nhà giáo sống có chất lượng nhất toàn bộ những ngày lao động bình thường của đời mình.

Mỗi năm có một ngày để nhà giáo được vinh danh, đó là ngày 20 tháng 11, có tên gọi là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Nhưng mỗi năm có 364 ngày không phải là ngày 20-11. Riêng năm nhuận khi ở Hoa Kỳ người ta đi bầu Tổng thống, thì thêm một ngày, thành 365, nhưng vẫn chẳng thêm một ngày 20-11 nữa!

Nên mới có câu hỏi này: Trong cả năm, suốt mấy trăm ngày ấy, nhà giáo sống và làm việc một cách bình thường; vậy thế nào là bình thường đối với họ? Và những lời kêu gọi "hãy sáng tạo" có giá trị tới đâu với các nhà giáo?

Sáng tạo là điều rất khó

Trước hết, có lẽ cần nhìn rõ mối quan hệ công việc giữa nhà giáo với tư cách người đứng lớp dạy học, nhà giáo với tư cách nhà nghiên cứu. Gộp chung lại nhà giáo thuộc về lớp người của xã hội hoạt động trong lĩnh vực khoa học. Đó là khoa học giáo dục, một khoa học sâu xa ảnh hưởng đến vận mệnh trăm năm của dân tộc và đất nước.

Tuy vậy, phân định cho kỹ, ta sẽ thấy cái bộ phận "giáo giới" đó không hoạt động nhất loạt như nhau. Nó được chia thành hai tầng: Một tầng làm công việc nghiên cứu khoa học và một tầng làm công việc ứng dụng kỹ thuật dạy học. Hai "tầng" này có thể được phân chia ra theo tổ chức nằm bên ngoài mỗi nhà giáo (cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục và các nhà giáo còn lại) và phân chia theo cơ cấu nội tại bên trong mỗi giáo viên (mỗi người vừa dạy học vừa tham gia nghiên cứu khoa học giáo dục).

Người giáo viên dạy giỏi là người có trình độ dạy đúng cộng với trình độ am tường cái "tại sao" của sự dạy đúng (Ảnh minh họa)

Tầng thứ nhất, chuyên làm công việc nghiên cứu khoa học giáo dục, phải chịu sự chi phối có tính quy tắc của nghiên cứu khoa học nói chung, là lĩnh vực bao giờ cũng chỉ chuyên chú vào những hình thái đặc biệt của cuộc sống.

Ở bất kỳ chỗ nào mà nhà khoa học nhận ra có sự "khập khiễng" giữa quan điểm của mình với những quy ước và cách lý giải đã thành hình lâu đời, ở đó có đất cho nghiên cứu khoa học.

Có thể dẫn ra nhiều thí dụ, song chỉ cần hai điều sau là đủ. Trong khi ai ai cũng bảo trái đất hình vuông và đứng im cho mặt trời chạy chung quanh, thì cái sự nghĩ ngược rằng, trái đất hình cầu và tự quay và quay xung quanh mặt trời chính là mảnh đất cho nghiên cứu khoa học.

Thí dụ thứ hai: trong khi tự ngàn đời việc dạy học là giáo viên thì giảng giải còn học trò thì ghi nhớ, thế rồi bỗng dưng có người nghĩ ngợi một cách "khập khiễng", chủ trương việc học không có lời giảng, "lên lớp" mà không "giảng bài", thì chính điều khác thường đó sẽ trở thành đề tài cho nghiên cứu khoa học.

Không riêng trong khoa học, trên địa hạt sáng tác nghệ thuật, tác phẩm mang giá trị đích thực của cái Đẹp bao giờ cũng đi vào những ngóc ngách đặc biệt của đời sống, và bao giờ cũng xa rời khỏi trải nghiệm của cuộc sống thường nhật.

Cuộc sống thường nhật chấp nhận các "hình thù" theo cách nhìn thông thường (hình thù cô Kiều thông thường, hình thù ngôi nhà và cây cầu thông thường, v...v...), nhưng khi có người nghệ sĩ thấy rằng cũng với những "hình thù" đó mà mình có cách nhìn người khác không nhìn ra, khi người nghệ sĩ thấy mình có thể giao tiếp với thế giới bằng cách nói lên cái cách nhìn khác đối với các "hình thù" đó, khi ấy đã có cơ sở cho sự sáng tạo nghệ thuật.

Cách làm việc như thế gọi bằng sáng tạo.

Nhà tâm lý học Mỹ đương thời Howard Gardner - sinh năm 1943 - vào năm 1993, đã công bố một công trình nghiên cứu tư duy sáng tạo của con người ta. Để giúp chúng ta lý giải khái niệm sáng tạo, ông đã chọn bẩy con người tiêu biểu: Sigmund Freud, Albert Einstein, Pablo Picasso, Igor Stravinsky, T.S. Eliot, Martha Graham, và Mahatma Gandhi để xem xét đối tượng nghiên cứu ấy.

Những người này là ai, và tại sao tác giả lại chọn những người này để nghiên cứu tính sáng tạo?

Sigmund Freud (1856-1939) là nhà thần kinh học chuyển sang tâm lý học và nghiên cứu về tiềm thức. Tuy thành tích nghiên cứu của Freud có thể đóng góp vào việc chữa bệnh, vào dạy học, vào sáng tác nghệ thuật ... song nó vẫn không áp đặt mình như một lý thuyết độc tôn.

Albert Einstein (1879-1955) là nhà vật lý học lý thuyết, là người có cách thức đột phá trong việc xác định lại hoàn toàn các khái niệm thời gian, không gian và ánh sáng. Pablo Picasso là họa sĩ người Tây Ban Nha (1881-1973), người đã từng bước làm lan tỏa phong cách hội họa lập thể, khiến cho con người hiện đại có cách nhìn hoàn toàn thay đổi đối với cái đẹp.

Igor Stravinsky (1882-1971) là nhà soạn nhạc người Nga, người đã tạo ra một loạt tác phẩm hoành tráng kích thích rất nhiều tranh cãi, nhất là Lễ đăng quang ngày xuân, và sau đó là Chuyện người lính và Lễ cưới. T.S. Eliot (1888-1965) là nhà thơ người Saint-Louis, chuyển qua sinh sống ở châu Âu và thế rồi lại sớm chiếm lấy vị trí một gương mặt văn học quan trọng của Anh quốc.

Còn Martha Graham (1894-1991) là một nữ vũ công, người sớm tạo ra được một hình thức nhảy múa hiện đại mang rõ nét riêng của mình. Và cuối cùng là Mahatma Gandhi (1869-1948), nhà lãnh đạo chính trị và tinh thần của Ấn Độ, người sáng tạo ra những phương pháp mới mẻ đấu tranh không bạo lực và phát động ở Ấn Độ một cuộc cách mạng không bạo lực có ảnh hưởng rộng rãi ra nhiều nước khác trên thế giới.

Nếu căn cứ theo những gì bộc lộ ở bảy nhân vật tiêu biểu trên, thì sáng tạo là một năng lực vô cùng đặc biệt. Một công trình sáng tạo của một con người sáng tạo có thể giúp người đời nhận rõ một khúc đứt gẫy giữa hai giai đoạn lịch sử.

Nhà giáo Phạm Toàn

.

Sự khác nhau đó thể hiện ở lối tư duy khác hẳn, phương pháp làm việc khác hẳn, và thành tựu đem lại cho đời khác hẳn. Thật vậy, nếu ta lấy "sáng tạo" làm bản lề, thì trước nó và sau nó con người suy nghĩ hoàn toàn khác; trước nó và sau nó con người cũng có cách làm ăn hoàn toàn khác; trước nó và sau nó con người được hưởng thụ những sản phẩm hoàn toàn khác.

Lẽ thường trong đời nhà giáo

Trong cuộc đời bình thường hàng ngày của nhà giáo, chúng ta không nên và không thể trông đợi sự "sáng tạo" theo khái niệm chính cống của nó.

Xét trên cương vị là những "kỹ thuật viên" của toàn bộ "công xưởng" giáo dục, xã hội chỉ nên và cũng chỉ có thể đòi hỏi mỗi người giáo viên (trong tư cách một người công chức) hãy thực thi cho đúng bản thiết kế dạy học. Bản thiết kế dạy học là quy phạm bắt buộc từng giáo viên phải thực hiện.

Phải có những nhà nghiên cứu giáo dục giỏi thì mới tìm ra và quy định được ở bản thiết kế dạy học đó những quy phạm đúng nhất về mặt khoa học và giản dị nhất về cách thực thi. Lấy một ví dụ so sánh, đó là việc nghiên cứu thiết kế cái ô tô càng ngày càng tốt và việc sử dụng cái ô tô đó hàng ngày.

Những bản thiết kế này tương tự như những quy phạm chạy máy trong một xí nghiệp, hoặc đúng như là những "bản thiết kế" trong xây dựng hoặc lắp đặt máy. Những bản thiết kế như vừa đề cập có tầm quan trọng vô cùng lớn. Đó là cả một tầm nhìn được gửi vào trong chuỗi việc làm của thầy và trò. Đó là những việc làm chi tiết nhưng không vụn vặt thể hiện được tầm nhìn hiện đại hóa. Những bản thiết kế đó, thông qua thực tiễn, được lý giải kỹ càng về lý luận, sẽ đi thẳng vào các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng giáo viên (các trường sư phạm) để trở thành chương trình đào tạo chính thức của các cơ sở này.

Thực hiện đúng bản thiết kế sẽ tạo ra kỹ năng dạy đúng gần như đồng loạt cho các giáo viên. Giữa hiện tượng đồng loạt đó, cách phân biệt sự khác nhau giữa một giáo viên dạy đúng bình thường, một giáo viên dạy giỏi, với một giáo viên hăm hở tham gia nghiên cứu khoa học giáo dục, là ở trình độ am hiểu về lý thuyết đối với các bản thiết kế mang tính thực hành kia.

Nói cho dễ hiểu, người giáo viên dạy giỏi là người có trình độ dạy đúng cộng với trình độ am tường cái "tại sao" của sự dạy đúng, để từ đó tự mình dạy đúng hơn, nuột nà hơn, do đó mà cũng có thể gọi là "sáng tạo" hơn.

Cốt lõi tay nghề đó của người giáo viên nằm trong cách dạy đúng, và tay nghề đó không bắt nguồn từ "nghệ thuật sư phạm" mang những "ngón nghề" bí hiểm, nó được quy định bởi sự am tường cách học của trẻ em. Việc nghiên cứu cách học của học sinh phải là kỷ luật khoa học của nhà khoa học giáo dục và của cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục.

Cuộc sống là như vậy: Quanh năm có một lần Tết thôi, như cụ Tú Xương nói, "Chẳng phong lưu cũng ba ngày Tết; Kiết cú như ai cũng rượu chè". Còn lại là những ngày thường không Tết. Quanh năm là những ngày dạy học bình thường, chỉ có 20-11 mới có một chút thay đổi, mà điều không bình thường nhất hôm đó là nghỉ dạy học, nghỉ công việc tạo nên lẽ sống bình thường của nhà giáo.

Một cuộc cải cách giáo dục tử tế sẽ phải giúp cho nhà giáo sống có chất lượng nhất toàn bộ những ngày lao động bình thường của đời mình. Những ngày không thể có cả trăm phần trăm nhà giáo lao vào "sáng tạo", theo cách nói cửa miệng, là hời hợt và dễ dãi.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhà giáo Phạm Toàn: Sống là tư duy độc lập

    26/06/2019Kim AnhNhà giáo Phạm Toàn không chấp nhận một lối giáo dục mà trẻ em đến trường chỉ để tiếp thu kiến thức một cách thụ động. Không tiếp thu hết ở trên lớp học chính khóa thì phải đến lớp học thêm để tiếp thu. Cách làm giáo dục như thế, ông bảo, "sẽ đào tạo ra hàng loạt công dân không có tư duy độc lập, và không có tư duy độc lập sẽ rất dễ trở thành nô lệ"...
  • Nhà giáo dục

    20/11/2016Nhà văn Thiếu SơnCùng là nhà trí thức mà mỗi người đều có công việc riêng. Ngoài công việc riêng, kẻ nào còn muốn đem những sự học biết của mình mà truyền bá cho xã hội, đó là cái nhiệt tâm và tấm lòng tận tụy đáng khen, không ai có quyền bắt buộc họ. Duy có một hạng trí thức chỉ chuyên lo dạy người, nhất danh là những nhà giáo dục...
  • Cuộc cải cách giáo dục phải xuất phát từ cái đầu của nhà giáo dục

    27/10/2014Trước kia việc gì cũng “từ trên dội xuống”. Từ nay việc gì cũng phải “từ dưới nhoi lên” (XYZ, Sửa đổi lề lối làm việc)
  • "Ngôi nhà giáo dục"

    13/07/2014Hà Văn ThịnhNền giáo dục của đất nước ta hiện đang đi về đâu là một câu hỏi có từ rất lâu rồi. Cảm giác chung là ai cũng thấy, dù đã có nhiều cố gắng nhưng ngôi nhà đó vẫn xộc xệch, chắp vá...
  • Nguyễn Mạnh Tường - Nhà giáo mẫu mực và tài năng

    01/08/2009Bùi Văn Vượng"Điều hết sức quan trọng và quyết định đỉnh cao là tự học, ra thư viện, đọc rất nhiều, phát huy óc xét đoán, phê phán. Xác định mục tiêu, quyết tâm vượt mọi gian khổ, làm đều, làm đều là bí quyết của thành công. "
  • Mảnh đất tự do của những nhà giáo dục

    20/11/2008Lương Khải SiêuNhững vị ngồi đây hôm nay có đến quá nửa đang là những nhà giáo dục hoặc trong tương lai sẽ là những người tiến thân bằng con đường giáo dục. Tôi muốn nói với các bạn một chút về những ưu điểm mặc biệt của ngành giáo dục và những cách để làm sao cho mình được thông dụng...
  • Triết học và tâm sự của các nhà giáo

    13/12/2005Cam Lu - Trương Hiệu - Minh Nguyệt (thực hiện)Thực tế ở Việt Nam, việc giảng dạy môn triết học cũng như đội ngũ cán bộ nghiên cứu giảng dạy môn học này hiện ra sao?
  • Nhà giáo không được tụt hậu

    24/11/2003TS Đỗ Huy ThịnhTại Hội thảo quốc tế về giảng dạy tiếng Anh tổ chức ở Trung tâm Ngôn ngữ khu vực (Singapore) mới đây, trong số hơn 500 người tham dự chỉ có một đại biểu Việt Nam. Nếu không có kinh phí của trường, có lẽ đại biểu này cũng không thể tham dự...
  • Nghĩ về Toà nhà Giáo dục Quốc gia

    11/02/2003Nguyễn Chí ThànhNăm sắp hết, Tết gần kề. Thiên thì rối lên, chộn rộn. Trong lòng vẫn cứ dửng dưng. Thong thả rẽ vào Việt nam Miếu, tìm lấy chút thanh thản. Ngoài kia nhộn nhạo quay cuồng. Trong này là một cõi khác biệt...
  • Phát triển giáo dục dưới góc nhìn của nhà giáo

    08/02/2003Giáo dục đang là mối quan tâm sâu sắc của toàn dân ta. Điều đáng nói là mối lo lắng đó ngày càng bộc lộ những cách nhìn khác biệt, những cách đánh giá trái ngược hẳn nhau về thực trạng giáo dục. Người thì cho rằng giáo dục đang trên đà phát triển tốt, tuy trước mắt còn không ít khó khăn. Trái lại, người ta cho rằng giáo dục đang xuống cấp trầm trọng. Vậy đâu là sự thật?
  • xem toàn bộ