Lý tưởng lãnh đạo và trái tim Đan-Kô

03:49 CH @ Thứ Năm - 01 Tháng Mười, 2015

“Những công dân đồng chí hướng của tôi, Tôi đứng đây ngày hôm nay, cảm thấy mình nhỏ bé trước trọng trách mà chúng ta phải đối diện, biết ơn với niềm tin các bạn trao gửi, tràn ngập ý thức về những hy sinh mà tổ tiên chúng ta đã gánh vác.”

Bằng những lời giản dị ấy, khoảng 12h00 (giờ Washington) ngày 20/1/2009, Barack Obama đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 44 của Hợp chủng quốc Hòa Kỳ.

Trong bối cảnh nước Mỹ với nền kinh tế suy thoái, ám ảnh triền miên bởi khủng bố và bạo lực, bất đồng sâu sắc từ những niềm tin phai nhạt, một người da màu đã bước lên vũ đài chính trị và nhanh chóng trở thành điểm sáng chói giữa bức tranh đầy những màu sắc u ám. Sức mạnh nào đã giúp người đàn ông nhập cư ấy vượt lên những định kiến về tuổi tác, sắc tộc, địa vị xã hội và khủng hoảng để hội tụ niềm tin của chính khách cũng như của người dân Mỹ? Lý tưởng là sự giải thích rõ ràng nhất và sâu sắc nhất. Người ta thấy ở Obama không chỉ là hiện thân của một nhà lãnh đạo mà là một lý tưởng lãnh đạo “Changes can happen”. Và sức mạnh của nó, như một điều kỳ diệu, đã đoàn kết cả nước Mỹ trong một ý hướng chung. John Mccain, đại diện cho đảng đối lập, đối thủ chính của Obama đã phát biểu chúc mừng thắng lợi của ông: “Người Mỹ đã lên tiếng”.

Giống như cách con người vươn lên cao hơn khi hướng về một vì sao, ngay cả khi vì sao ấy còn ở rất xa, thì sự vươn tới cũng có thể khiến người đó nhìn xa hơn, nghĩ về những điều đẹp đẽ hơn để sống với những giá trị cao đẹp. Một nhà lãnh đạo, tùy theo tầm mức và trọng trách của mình, có thể dùng lý tưởng thay đổi suy nghĩ và niềm tin của một cộng đồng, một dân tộc, một đất nước. Với tất cả ý nghĩa tích cực, lý tưởng có thể tạo nên sức mạnh tinh thần dẫn đến những bước ngoặt trong lịch sử của tiến bộ. Đồng thời, lý tưởng là Kinh thánh để người lãnh đạo đặt lợi ích cộng đồng lên trên tham vọng cá nhân và là ngọn hải đăng chỉ đường trước những thử thách của thời cuộc. Bốn mươi tư người Mỹ đã nói lời tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Những lời thề này đã từng được nói lên trong những thời thịnh vượng dâng cao và hòa bình ngự trị. Nhưng lời thề này cũng thường được nói giữa những lúc mây đen bão cả. Vào những lúc đó, nước Mỹ có thể vững bước đi tiếp không đơn giản chỉ vì kỹ năng hay viễn kiến của những người lãnh đạo cao nhất của đất nước, mà bởi vì Chúng ta như một Dân tộc đã luôn trung thành với những lý tưởng của tiền nhân, và luôn làm đúng theo tôn chỉ lập quốc…(trích Lời Tuyên thệ nhậm chức của B.Obama).

Giờ đây hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử, dân tộc Việt Nam đang cảm nhận sự chuyển mình đầy khoảng cách của hai thế hệ: một thế hệ của chiến tranh với thế giới phân cực và một thế hệ của hòa bình với thế giới phẳng. Trong khi đó, đất nước lại đứng trước những thách thức mà nếu xét về lâu dài, sự phát triển của dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào cách mà chúng ta đối diện với những thách thức đó. Sự lãng phí đến cạn kiệt tài nguyên sự ô nhiễm hủy hoại môi trường, trí thức hoang mang và những thước đo lệch lạc trong nền giáo dục, sự hỗn mang pha tạp của văn hóa số đông... là những dấu hiệu của sự khủng hoảng. Đối diện với nguy cơ đó, thế hệ lãnh đạo tương lai không những cần tố chất trí tuệ và năng lực, mà trí tuệ và năng lực ấy nhất thiết phải song hành cùng lý tưởng. Khi đó, sự đảm bảo cho việc phấn đấu vì tiến bộ xã hội thay vì lợi ích cá nhân và kết nối sức mạnh của toàn thể dân tộc dưới một ngọn cờ chung mới được thực thi. Không hội tụ hai điều kiện trên khả năng giải quyết những thách thức mang tính thời đại là bất khả thi. Nhưng chúng ta đã làm gì để hun đúc và nuôi dưỡng những hạt mầm lãnh đạo với lý tưởng vì con người thay vì cá nhân mình?

Lý tưởng không chỉ là những mỹ từ kêu vang trong những khẩu hiệu hay lấp lánh trên những bích chương cổ động. Thậm chí đôi khi bản thân những mỹ từ ẩn chứa một nguy cơ: ảo tưởng là có lý tưởng. Trong khi đó, lý tưởng thật sự, trước hết đến từ trái tim và nhận thức của mỗi cá nhân. Tập thể không thể làm thay cá nhân trong việc tạo nên lý tưởng. Vì sao ngay từ lứa tuổi 20, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước với lý tưởng tìm kiếm độc lập tự do cho dân tộc? Trước hết, đó là vì trái tim Người đã rớm máu bởi nỗi đau nhìn thân phận con người nô lệ trong chế độ thực dân. Đôi mắt Người đã nhìn thấy những bất công hằn in trên xương máu của hàng vạn thợ thuyền, những khổ cực dày vò cuộc sống của hàng triệu đồng bào. Thức tỉnh của lý tưởng độc lập, tự do trước hết đến bởi khao khát xóa đi những nỗi đau cho những con người cùng chung Tổ quốc.

Lý tưởng không nằm trong những mỹ từ, những giá trị mông lung được rao giảng trong sách giáo khoa. Nhà trường chỉ có thể cung cấp kiến thức. Còn lý tưởng đích thực chỉ có thể là niềm tin được dựng từ trải nghiệm. Còn lý tưởng từ trải nghiệm. Mà những trải nghiệm, con người phải học bằng chính cuộc đời mình. Nếu không, những thế hệ lãnh đạo tương lai có bao giờ hiểu hết được nỗi đau mà dân tộc đã từng chịu đựng, đang phải chịu đựng? Tự ngàn xưa, những hòn vọng phu hóa đá trông chồng chinh chiến phương xa đã lấp đầy những trang sử dài dằng dặc. Cả cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, để có được một anh hùng, biết bao máu xương đã đổ, để giữ được một mảnh đất biết bao nhiêu người vợ mất chồng, người mẹ mất con, biết bao nhiêu đứa trẻ lớn lên bơ vơ thiếu đi sự giáo dục của gia đình đầy đủ? Nỗi đau ấy còn chưa kịp nguôi ngoai thì giờ đây, những cơn sóng ngầm lại tiếp tục giằng xé con người. Biết bao người phạm tội vì thiếu giáo dục, biết bao cô gái phải bán mình vì cuộc sống mưu sinh, biết bao kẻ tham nhũng sống trong xa hoa khi người công dân phải chắt chiu từng cọng rau, còm cõi nuôi con với giấc mộng học hành. Rồi những cô gái bị bày bán nơi đất khách quê người, những “chợ người” cho khách ngoại quốc xem mặt… Lý tưởng của người lãnh đạo, trước hết tạo nên khác biệt cơ bản của anh và những cá nhân khác. Đó là tầm vóc lớn lao vượt lên những mưu sinh cá nhân mà phụng sự con người, phụng sự xã hội. Mà phụng sự không thể thiếu sự thấu hiểu và chia sẻ để tìm cách xóa đi những nỗi đau và xây dựng những điều tốt đẹp hơn.

Không thật sự sống giữa lòng dân tộc, lý tưởng chỉ có thể là những ảo tưởng giáo điều. Nguy cơ ấy thật sự là một đe dọa bao trùm lên lớp thế hệ lãnh đạo tương lai. Giờ đây, họ bước vào một thế giới rộng lớn hơn. Họ có thể đến học ở những nước tiên tiến nhất, tiếp thu những quy trình lãnh đạo chuẩn mực nhất. Họ không bao giờ thiếu thông tin về cuộc sống nhờ những phương thức thông tin hiện đại. Nhưng động lực của lý tưởng chỉ có thể thật sự đến từ chính đất nước mình, dân tộc mình với những hạnh phúc và khổ đau chân thực nhất. Những người lãnh đạo tương lai ấy, họ sẽ biết tìm đâu động lực đổi đời cho người nông dân, khi chưa một lần hiểu những giọt mồ hôi thấm ướt cả mùa đông khi thồ rau lên Hà Nội rồi lại nhổ gốc rau bằm nát bón ruộng trước sự đỏng đảnh của người thành đô, hay trước sự phập phù của mưa nắng?

Lịch sử cho thấy ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... lý tưởng trong mỗi nhà lãnh đạo đã được hun đúc bằng cả kiến thức và cả những trải nghiệm, những xúc cảm trong lòng dân tộc. Ở mỗi con người vĩ đại ấy cuộc sống không chỉ là sách vở, lý luận mà đã trở thành cuộc đấu tranh với sự chấp nhận hy sinh xương máu, hy sinh những lợi ích cá nhân vì niềm tin và khao khát tiến bộ. Sự đàn áp, nhà tù, sự mua chuộc... không những không thay đổi được lý tưởng của họ mà còn khiến họ trở nên mạnh mẽ và cháy bỏng hơn. Lý tưởng và nhân cách đã thật sự hòa quyện thành một con đường thống nhất để cống hiến vì tiến bộ, vì dân tộc. Tương xứng với những nhà lãnh đạo như thế, dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam mới có thể ghi dấu sự tồn tại của mình trên bản đồ thế giới.

Ngày hôm nay, dường như những động lực để hình thành lý tưởng lãnh đạo đã bị tàn phá nghiêm trọng bởi sự xâm lấn của văn hóa đám đông và những vấn đề nội tại của đất nước. Khi sự giàu có trở thành giá trị đeo đuổi của cả một lớp người, tất yếu những mục đích cá nhân sẽ che mờ lý tưởng. Những giá trị tinh thần trở nên xa xỉ biết bao nhiêu, trong khi, lẽ ra chính bản thân nó sẽ phải là niềm tin để hàn gắn những nỗi đau, đoàn kết những sức mạnh và định hướng cho trí tuệ. Thêm vào đó, nền giáo dục cứng nhắc dường như đang tạo ra những cái máy thay vì những con người độc lập, tự do biết để tri thức của mình sống trong thực tại. Như thế, lý tưởng chỉ còn là món ăn giáo điều được phân phối cho mỗi cá nhân thay vì niềm tin đến từ trái tim kiêu hãnh và trí tuệ độc lập. Nó chỉ còn là vật trang trí cho mỗi cá nhân thay vì động lực hướng đến tiến bộ.

Hãy tự hỏi, một nhà lãnh đạo có trí tuệ mà thiếu đi lý tưởng thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn, lợi ích cá nhân và họ tộc sẽ trở thành mục đích cụ thể nhất và hợp lý nhất. Cái triết lý “Một người làm quan cả họ được nhờ” từ hàng ngàn năm sẽ đặt một con người, một dòng họ, một nhóm quyền lợi lên trên thay vì những việc cần làm để mỗi người dân trong một cộng đồng, một đất nước được đảm bảo quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc.

Trở lại với Obama, vì sao lý tưởng của ông tạo nên được một sức sống mãnh liệt? Có lẽ, vì khác những nhà lãnh đạo cung đình, cả cuộc sống của mình, ông đã sống, đã trải nghiệm và đã mơ ước về tiến bộ bằng chính hạnh phúc và nỗi đau trong cuộc sống. Vươn lên từ nỗi đau có thực, khao khát sự thay đổi cho mảnh đất nuôi dưỡng mình, cho nền văn hiến làm nên tâm hồn mình và tin vào những giá trị cao đẹp- đó chính là lý tưởng dẫn dắt một dân tộc vượt qua khủng hoảng. Nên chăng, trước khi vươn lên dẫn đầu đoàn người băng qua giông bão, người lãnh đạo đã phải xé toang lồng ngực để giơ cao trái tim nóng đỏ và kiêu hãnh soi đường? Để cả đoàn người có thể đi về phía trước, thì người dẫn đầu phải là người hy sinh. Ít ra thì chàng Đan-kô của M.Gorki đã tin vào điều đó.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • "Sĩ phu, trí thức thì không được hèn"

    16/03/2016Bùi Hoàng Tám (thực hiện)Nhân đầu xuân mới, bàn tròn xuân Kỷ Sửu của Đất Việt ghi lại những ý kiến của các nhà trí thức nổi tiếng Việt Nam bàn về sĩ phu, trí thức thời nay.
  • Sự kỳ diệu của một bài báo

    02/04/2014Huyền DiệuBài báo được viết cách đây hơn 100 năm. Đầu tiên nó chỉ là một bài báo đơn giản, những bài báo này đã trở thành chất xúc tác lan tràn rất nhanh trong nhiều giới. Khi bài báo được in ra lần đầu tiên tại Mỹ, nó đã thu hút hàng trăm ngàn độc giả, nhiều độc giả đã mua hàng trăm tờ báo chỉ vì tờ báo có bài “A message to Garcia”.
  • Làm lãnh đạo phải có năng lực lắng nghe

    08/11/2010GS. Tương LaiMuốn đối thoại, người lãnh đạo phải tinh thông công việc của mình, biết gần dân, hiểu dân và lắng nghe dân. Phải thật sự có dân chủ, mới có đối thoại. Muốn thường xuyên vận dụng phương thức đối thoại trong mối quan hệ giữa lãnh đạo và dân thì phải thật sự mở rộng dân chủ, tạo cơ chế cho dân thực hiện trách nhiệm công dân của mình. Văn hóa đối thoại là sản phẩm của một xã hội dân chủ, biết tôn trọng vai trò làm chủ của người dân...
  • Lãnh đạo phi cách mạng

    18/10/2010Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupLịch sử phát triển của nhân loại đã trải qua những bước chuyển mình đầy ý nghĩa như là hệ quả của rất nhiều cuộc cách mạng vĩ đại và tất yếu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, người ta đã buộc phải nhìn lại vai trò của những cuộc cách mạng bằng một đầu óc tỉnh táo và một con mắt khách quan hơn, toàn diện hơn. Điều này phản ánh những thay đổi về chất không chỉ của thế giới mà cả của tư duy lãnh đạo...
  • Tổng thống Obama và vị trí của Mỹ trên chính trường thế giới

    21/11/2008Trần Sĩ ChươngNgày 4/11/2008, một người Mỹ da màu với cái tên lạ thường là Brack Hussein Obama - lớn lên không có cha, sống với ông bà ngoại, gia đình không giàu, không có thế lực - đã được bầu làm tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ.
  • Hy vọng táo bạo

    12/11/2008Trong khi tại Mỹ, tổng thống mới đắc cử Barack Obama vừa đánh dấu tên tuổi mình vào lịch sử nước Mỹ thì tại Việt Nam, cuốn sách Hy vọng táo bạo của ông cũng vừa được ấn hành. Tác phẩm thể hiện sự táo bạo của Barack Obama trong cách nhìn nhận những vấn đề của nước Mỹ...
  • Vườn ươm lãnh đạo

    21/03/2008Hải ĐườngCác Công ty hàng đầu thế giới nhận ra rằng, dù hoạt động trong lĩnh vực nào thì công việc chính của họ vẫn là phát triển các nhà lãnh đạo. Như các CEO thường nói, “Con người là tài sản quý giá nhất”, vậy các nhà vô địch này thực hiện việc này như thế nào?
  • “Cái nóc” và việc tránh cho “nhà dột từ nóc”

    05/10/2006Kiên ĐịnhNgười đứng đầu ngành quan trọng như cái nóc, chân lý này đã được khẳng định từ hàng ngàn năm nay. Ở các nước, việc chọn người đứng đầu được chuẩn bị một cách chu đáo, tổ chức bài bản và công khai. Từ việc phát hiện các nhân tố mới, tổ chức sàng lọc, bố trí vào các vị trí quan trọng để họ thể hiện mình đến việc chức tranh cử, bầu cử một cách bài bản dưới sự giám sát công khai của dân chúng và các phương tiện truyền thông...
  • Ba cấp độ của sự lãnh đạo

    19/09/2005Nguyễn Trần Bạt,Bản chất của hoạt động chính trị là lãnh đạo, nói cách khác, cốt lõi của hoạt động chính trị là lãnh đạo. Tuy nhiên, khái niệm lãnh đạo được hiểu khác nhau trong các hệ thống chính trị khác nhau và tuỳ theo sự phát triển của hệ thống chính trị. Chúng ta không được phép đồng nhất chính trị và lãnh đạo, nhưng cần phải hiểu rằng bản chất của lãnh đạo là tạo ra hiệu quả của hoạt động chính trị...
  • Sức cuốn hút của những nhà lãnh đạo

    22/07/2005"Công việc là sự tìm kiếm ý nghĩa cho mỗi ngày cũng như kế sinh nhai hàng ngày, để được công nhận mình cũng như là vì đồng tiền, vì sự ngạc nhiên nhiều hơn là sự uể oải; tóm lại, vì ý nghĩa cuộc sống hơn là vì những ngày Thứ 2 đến Thứ 6 buồn tẻ" - Studs Berkel ...
  • xem toàn bộ