Mỗi thời đại, một cách đọc...

05:44 CH @ Thứ Ba - 07 Tháng Bảy, 2020

Mỗi một thời đại có cách đọc tác phẩm của mình, và cách đọc theo thời đại của mình. Cách đọc mới không làm thay đổi và sai lạc cách đọc thời đại trước đó. Mọi cách đọc đều bình đẳng như nhau.

Tác phẩm là đứa con tinh thần của nhà văn. Nhưng khi nó ra đời thì không chỉ là con của nhà văn nữa, mà là sản phẩm văn hóa của xã hội, là đối tượng cảm thụ thẩm mỹ của người đọc.

Sự tồn tại của tác phẩm văn chương trong xã hội giúp bạn đọc làm phong phú đời sống tình cảm, nâng cao tầm hiểu biết về nghệ thuật, về kiến thức nhiều mặt của dân tộc và thế giới, về kinh nghiệm sống và đạo đức của con người. Đồng thời dấy lên dư luận xã hội đối với tác phẩm: khen và chê, ca ngợi và phê phán. Dư luận công chúng bao gồm: Phê bình chuyên nghiệp và phê bình không chuyên, báo chí và “xuất bản” miệng. Cái sau không nên coi thường, vì những nhà phê bình này là số đông, thậm chí rất đông, có khi hàng triệu người.

Như trên đã nói, phê bình tác động tới tâm hồn, tình cảm người đọc, môi trường nghệ thuật trong nhóm xã hội mà họ thường giao lưu, giúp họ hình thành thị hiếu và khuynh hướng xã hội, nhưng không phải lúc nào tác phẩm nghệ thuật cũng biến thành “sức mạnh vật chất” đối với người thưởng thức. Sự khảo sát thẩm định và kết luận các giá trị và phản giá trị của tác phẩm, của hiện tượng nghệ thuật là một trong những yếu tố quan trọng của phê bình.

Nhà phê bình vừa là người hướng dẫn bạn đọc, vừa là nhân chứng của người đọc. Ở đây đòi hỏi nhà phê bình là phê bình chuyên nghiệp mới làm chứng, làm trọng tài cho người đọc được, bởi công chúng có thị hiếu, tâm lý, trình độ học vấn khác nhau. Riêng thị hiếu người đọc, chúng ta thấy có những hiện tượng đối lập nhau, xô bồ: Tiến bộ và lạc hậu, lành mạnh và lố lăng, mà thị hiếu thì không thể một lúc có thể thay đổi được.

Vì vậy, công việc phê bình phải tạo nên ở công chúng cơ chế đánh giá độc lập bằng cách trang bị cho họ những khái niệm, những nguyên lý sơ đẳng về mỹ học, về lý luận văn học để họ tự thẩm định khi xem xong một tác phẩm. Biêlinxki nói: “Không có kiến thức thì không có khoái cảm”.

Trong phê bình cần tránh hai thái cực, hoặc tuyệt đối hóa yếu tố khách quan, hoặc tuyệt đối hóa yếu tố chủ quan.

Tuyệt đối hóa yếu tố khách quan là nhà phê bình xem xét văn bản tác phẩm bị đóng đinh bởi những định chế của lịch sử, của thời đại sinh ra nó, không tính đến sự biến đổi của thế giới quan, kinh nghiệm sống, tài năng của nhà văn.

Tuyệt đối hóa yếu tố chủ quan trong phê bình là đề cao quá đáng vai trò của chủ thể sáng tạo, phút thăng hoa của tài năng, mà quên mất bối cảnh lịch sử - xã hội, môi trường nghệ thuật, truyền thống nghệ thuật mà nhà văn đó chịu ảnh hưởng.

Mỗi một thời đại có cách đọc tác phẩm của mình, và cách đọc theo thời đại của mình. Cách đọc mới không làm thay đổi và sai lạc cách đọc thời đại trước đó. Mọi cách đọc đều bình đẳng như nhau. Cũng vậy, mỗi công dân đọc tác phẩm theo cách đọc của mình tùy theo thế giới quan, trình độ học vấn, thị hiếu, tâm trạng thời đại.

Lép Tônxtôi là người đầu tiên phá vỡ thần tượng Sếchxpia ở châu Âu: Ông chỉ ra những chỗ bất cập, kỳ quặc trong các hình tượng: Hămlét, Ôtenlô, Mắcbét... Khi phê phán tác phẩm của nhà viết kịch vĩ đại Anh, nhà văn Nga đã xuất phát từ những yếu tố nằm ngoài nghệ thuật, coi đạo đức của Sếchxpia là không thể dung hợp được với lý tưởng đạo đức - triết học của mình: “Không chống điều ác bằng bạo lực”, đã bị đời sau phê phán. Đủ biết sự đánh giá khác nhau ở mỗi thời đại khác nhau là sức mạnh nội tâm không chỉ của cá nhân người đánh giá mà còn là năng lượng tinh thần của thời đại

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Phải "lập trình" việc đọc sách

    01/11/2018Bộ phận trong giới trẻ Romania hiện nay rất giỏi ngoại ngữ, giỏi vi tính, thành thạo sử dụng Internet nhưng lại rất dốt tiếng mẹ đẻ. Họ gần như rất ít đọc văn học, trở nên vô cảm với văn chương. Các phương tiện nghe nhìn tiện lợi đã gần như hút hồn, thời gian và tâm trí của giới trẻ, biến họ trở thành một thứ nô lệ, một thứ "linh kiện" trong cái mạng mạch của guồng máy computer hiện đại...
  • Nếu bạn muốn đọc sách nhanh

    23/05/2014Lê Nguyên KhôiCuộc sống trong thời hiện đại có rất nhiều nhu cầu khác ngoài thời gian làm việc, nên thời gian dành cho việc đọc không thể tăng thêm được. Mặc dù mọi người không ai muốn lâm vào tình trạng thiếu thông tin, không ai muốn lâm vào tình trạng thiếu thông tin, không ai muốn mình trở nên lạc hậu. Do vậy tồn tại một mâu thuẫn khó giải quyết giữa nhu cầu kiến thức, khối lượng sách báo, tài liệu khoa học kỹ thuật với các điều kiện cần thiết để thu nhận và nắm vững thông tin. Chính vì lẽ đó, mọi người trong xã hội đã và đang nâng cao tốc độ đọc của mình.
  • Đọc sách thời hội nhập

    20/12/2006Ngọc Diệp (thực hiện)Giản Tư Trung (chủ tịch hội đồng quản trị Trường Doanh nhân và giám đốc PACE) bằng kinh nghiệm của mình sẽ chia sẻ với bạn đọc về một “chuỗi sách” về toàn cầu hóa. Nghệ thuật đọc sách cũng là câu chuyện anh muốn gửi gắm trong cuộc trò chuyện của mình...
  • Đọc sách thời bận rộn

    20/06/2006Lam ĐiềnNhà báo Công Khanh có thói quen đọc sách mọi nơi mọi lúc. Với anh, đọc sách khi đang ngồi xe đò, khi đang chờ tàu ở sân ga, thậm chí đọc khi ngồi sau người bạn trên xe máy trong một hành trình dài... cũng là điều bình thường...
  • Sẽ sai lầm nếu bỏ thói quen đọc sách

    05/07/2005Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuần - Vụ trưởng Vụ Thư việnSau 8 ngày mở diễn đàn, Lao Động đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết bày tỏ sự quan tâm, bức xúc... trước việc thói quen đọc sách đang bị mai một. Trong số báo này, Lao Động xin giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của bà Nguyễn Thị Ngọc Thuần (ảnh) - Vụ trưởng Vụ Thư viện - Bộ Văn hoá - Thông tin để khép lại diễn đàn này.