Một ví dụ cho cặp từ “Hy vọng”

10:43 SA @ Thứ Hai - 22 Tháng Hai, 2021

Tôi không mong đợi một thứ như là COVID-19, nhưng tôi vẫn nghĩ phải có một cái gì đó làm cho con người tỉnh ngộ và nhận ra con đường họ đang theo đuổi, cách họ đang hành xử với thế giới này...

Ngót một thế kỷ trở lại đây, thế giới tưởng mình đang lao vun vút về phía trước nhưng thực ra đang chìm vào một cơn mộng du dằng dặc. Một cơn mộng du mà tất cả đều ngỡ mình đang thức, đang đầy khôn ngoan, đầy mưu lược và thỏa mãn với những gì mình đã làm. Các quốc gia hùng mạnh về kinh tế và vũ khí đang mở tiệc chúc mừng sức mạnh của mình và mang một giấc mơ điên rồ và tồi tệ nhất là sẽ thống trị toàn nhân loại. Mọi cảnh báo của những người chân chính, của các trí thức, của các nhà văn, nhà báo… thậm chí của những nhà tiên tri hình như không mảy may gợi cho họ một điều gì. Và vào một ngày, bản thông báo đặc biệt không chính thức từ Vũ Hán được phát đi và làm cho cái thế giới đang ngạo mạn và vô cảm trở nên hoảng loạn.

Khi những tin tức về COVID-19 bắt đầu được chính thức công bố từ Trung Quốc, một người bạn Mỹ của tôi, GS-TS. Trần Vũ Ben đã nhận được lệnh từ trường đại học của mình gọi trở về Mỹ ngay lập tức. Nước Mỹ bắt đầu kêu gọi công dân đang làm việc ở châu Á, đặc biệt là Việt Nam vì gần biên giới Trung Quốc nhất, phải trở về để bảo vệ an toàn cho tính mạng họ. Họ tin chắc rằng chỉ có một quốc gia hùng mạnh như vậy mới có thể chống chọi lại thứ virus sinh ra từ những nước châu Á đầy nghèo đói và sống ít kỷ luật. Nhưng họ đã thất bại. Họ gục ngã bởi chính sự kiêu ngạo của mình.

Tôi nói vậy không phải để chỉ trích nước Mỹ mà chỉ chọn nước Mỹ như một ví dụ điển hình nhất cho thế giới. Giáo sư, nhà thơ danh tiếng Mỹ Bruce Weigl viết thư cho tôi mấy tuần trước. Lá thư như một tiếng kêu đau đớn, sợ hãi và bừng tỉnh trước số phận của con người trước một thứ virus mắt thường không nhìn thấy được. Ông nói với tôi có lẽ đây là lần đầu tiên ông nhìn thấy cái gọi là sức mạnh của con người trở nên yếu đuối đến thảm thương và bi hài ngoài sức tưởng tượng.

“Ranh giới mong manh” - giải nhất hạng mục “Ảnh chụp bằng điện thoại” của tác giả Nguyễn Thành Đạt trong cuộc thi ảnh “Kiên cường Việt Nam” do Mạng lưới Quan hệ Công chúng Việt Nam (VNPR) tổ chức 10.2020

Trong những ngày thành phố Hà Nội thực hiện chiến dịch giãn cách, tôi hình như nghe thấy những con virus COVID-19 bàn luận với nhau về việc sắp xếp lại thế gian này. Con người đã đi tới sự tồi tệ hơn bao giờ hết: chiến tranh, độc tài, tranh cướp lãnh thổ, tranh cướp thị trường, rửa tiền, tham nhũng, tàn phá thiên nhiên, coi thường văn hóa, vô cảm… Tôi không mong đợi một thứ như là COVID-19, nhưng tôi vẫn nghĩ phải có một cái gì đó làm cho con người tỉnh ngộ và nhận ra con đường họ đang theo đuổi, cách họ đang hành xử với thế giới này thật láo xược và sai lầm.

Và COVID-19 đã làm được điều đó cho dù đó là thứ do chính con người làm ra hay đó chỉ là cách mà Thượng đế trừng phạt con người mà thôi. Tất cả các thành phố trên thế gian này mỗi ngày như rực rỡ hơn bởi ánh sáng điện tử nhưng tâm hồn con người thực sự mỗi ngày một chìm vào bóng tối. Bạn hãy ngồi xuống trong một đêm cuối cùng của năm cũ và tự hỏi: một năm qua bạn đã gặp những niềm vui gì và đã làm gì để có những niềm vui thực sự ngoài những cơn chấn động tâm lý bởi những quyền lợi vật chất mà bạn có được? Lúc đó, bạn sẽ thấy bạn đang trôi về phía những đầm lầy của thói hưởng thụ và sự vô cảm.

Trong tất cả những gì tôi theo dõi thế giới trong cơn đại dịch thì những cuộc hồi hương ám ảnh tôi nhiều nhất. Một nhà thơ người Hồi giáo viết thư cho tôi nói ông cùng gia đình đang tìm cách trở về cố hương sau bao năm xa cách, bởi ông nghĩ thế giới có thể sắp kết thúc. Và những chuyến bay hồi hương của người Việt trong cơn khốn cùng của thế giới vừa làm tôi đau đớn, vừa làm tôi xúc động. Hầu hết chúng ta đều nghĩ họ trở về Việt Nam bởi đó thực sự là một trong rất ít quốc gia an toàn nhất, nhưng trong sâu thẳm, không ít người Việt tìm cách trở về bởi nếu chết thì họ muốn được chết trong ngôi nhà của tổ tiên, cha mẹ mình. 

Thế giới đầu tiên nhìn Việt Nam trong đại dịch COVID-19 với con mắt nghi ngờ. Họ không tin một đất nước còn rất khó khăn trong kinh tế lại có thể chống được COVID-19. Họ kiểm tra số liệu Việt Nam báo cáo, cuối cùng họ đã tin Việt Nam làm được điều khó hình dung ấy. Sự đánh mất lòng tin của một người vào một người khác và của một quốc gia vào một quốc gia khác đang ngày càng trở lên trầm trọng. Bởi thế, những cuộc hành hương của người Việt Nam trở về ngôi nhà của mình, trở về xứ sở của mình làm tôi ngập tràn xúc động. Đã có lúc, không chỉ mình tôi mà rất nhiều người gần như đánh mất lòng tin vào những phẩm chất đẹp của con người Việt Nam. Thi thoảng, những câu hỏi buồn bã lại vang lên trong tôi như một sự tra vấn mà tôi là một bị cáo: Tại sao các người lại sống vô cảm với nhau như vậy? Tại sao các người lại tham lam đến như vậy? Tại sao các người lại bất công với nhau như vậy? Tại sao các người lại tàn phá thiên nhiên như vậy? Tại sao các người lại bước qua những giá trị văn hóa dửng dưng như vậy? Các người có nhận ra các người đang đi về đâu không?

Thế nhưng, cho dù thế nào tôi cũng phải kêu lên rằng: những giá trị nhân văn đã được hồi sức trong chính những tháng ngày đầy đe dọa của bệnh dịch. Và một câu hỏi được đặt ra: Vì sao nhiều vẻ đẹp nhân văn vẫn trú ngụ trong mỗi con người chúng ta lại không hiển lộ trong những tháng năm trước đó? Tại sao phải đến lúc chúng ta bị dồn vào chân tường của số phận thì những vẻ đẹp ấy mới bắt đầu hé lộ? Nghĩa là, chúng ta có lỗi khi đã vô tình vùi lấp những vẻ đẹp lẽ ra phải được hiển hiện ngày ngày như chính hơi thở của chúng ta. Chúng ta không thể chờ đợi khi những bi kịch khủng khiếp đổ xuống đầu chúng ta thì lòng ân hận và sự sám hối mới được đánh thức. 

Có những con người vô danh, bình lặng như không tồn tại trên thế gian này. Nhưng khi những cơn gió đen COVID-19 tràn đến thì những con người ấy đã làm tất cả để chia sẻ với những số phận khác. Khi Chính phủ Việt Nam miễn phí cho những người nằm trong diện cách ly từ nước ngoài trở về tổ quốc, có những người đã phản đối. Những người phản đối này mới chỉ nhìn thấy giá trị vật chất mà không nhìn thấy giá trị tinh thần vô hạn của hành động đó. Việc miễn phí cho những người trong khu cách ly có thể làm ngân sách quốc gia thâm hụt một chút nào đó, nhưng nó lại làm đầy ngân sách của lòng tin. 

Chúng ta không thể chờ đợi khi những bi kịch khủng khiếp đổ xuống đầu chúng ta thì lòng ân hận và sự sám hối mới được đánh thức. 

Nhìn cảnh những nước châu Âu trong đêm đón chào Giáng sinh, đón năm mới thật tan hoang. Nhà thơ Mỹ Bruce Weigl viết thư cho tôi trong đêm Giáng sinh: “Nếu bây giờ tôi bước ra khỏi nhà, tôi sẽ nhiễm virus COVID-19 và tôi sẽ chết. Tôi không sợ chết, nhưng tôi không thể chết một cái chết như vậy”. Ông đã viết thư hỏi tôi nhiều lần cái gì đã làm cho Việt Nam chiến thắng COVID-19. Tôi nói với ông nhiều điều nhưng nhấn mạnh một điều: khi chính quyền và người dân cùng chung một mục đích thì sẽ tạo ra một bức tường thành kiên cố có thể đi qua mọi thách thức. Đã rất lâu rồi kể từ khi chiến tranh kết thúc, sự gắn kết thực sự và ngập tràn cảm xúc của những người lãnh đạo đất nước và những người dân lại được xác lập và ngay lập tức minh chứng cho con đường đi lên của một quốc gia. Và lúc này, những vẻ đẹp trong sâu thẳm lòng người thức dậy. Cái đẹp không chết mà nó chỉ bị vùi lấp bởi con người. Nhưng cái đẹp là kẻ kiên nhẫn nhất trên thế gian này. Nó kiên nhẫn hết thế hệ người này đến thế hệ khác để đợi một ngày thức dậy. 

Trận lũ lụt lớn ở miền Trung năm 2020 như là một “phụ bản” của cơn “đại hồng thủy Covid”. Nó dội xuống mảnh đất này với một thông điệp trực tiếp chung cho toàn thế giới: nếu các người tiếp tục tàn phá thiên nhiên, các người sẽ phải gánh chịu tai họa từ chính thiên nhiên. Nhưng trong tai họa lại hiện ra một sự thật ngỡ ngàng - sự thật về những tấm lòng nhân ái. Biết bao người đã đến với miền Trung và chìa bàn tay chia sẻ chân thành và xúc động. Trong đó có cả những người mà ngày thường với công việc, thời trang, ngôn ngữ của họ có thể gây ra những suy nghĩ khác về nhân cách. Nhưng khi họ bước về phía những con người đang phải gánh chịu khó khăn, mất mát,  bất hạnh thì họ chợt bừng lên như ngọn lửa ấm trong một đêm giá lạnh. Họ là lý do để con người hy vọng vào những vẻ đẹp nhân tính ẩn giấu trong đời thường chứ không phải trong một danh xưng và những xảo ngôn về sự hy sinh.

Năm 2020 là một năm vô cùng đặc biệt và đầy bất trắc. Đó là một năm thay đổi thế giới. Nó làm hiện ra những giá trị đích thực của đời sống nhân loại và cũng xóa đi nhiều giá trị hão huyền. Nhưng có một dân tộc đã đi qua được những thách thức kinh hoàng đó: Việt Nam. Những ai còn nghi ngờ điều tôi nói hãy quay lại một lần để nhìn năm 2020 và hãy công bằng với những gì người Việt Nam đã làm được. Họ thực sự là một ví dụ cho cặp từ “Hy vọng”. 

Nội dung liên quan

  • Mùa Xuân và Hy Vọng

    16/02/2021Alan PhanTrong tiềm thức chúng ta, “mùa xuân và hy vọng” là một điệp khúc bất diệt và nhen nhúm cho chúng ta một nhóm lửa qua đêm dài và lạnh lẽo...
  • Sự bùng nổ của thuyết Âm mưu

    15/02/2021Lê Thị Thiên HươngNếu sự bùng nổ thông tin cho phép người ta tiếp cận một lượng kiến thức khổng lồ, thì mạng xã hội, điện thoại thông minh cũng đang tạo ra một môi trường vô cùng thuận lợi cho thuyết âm mưu phát triển và lan rộng...
  • 2021: Thế giới sẽ chuyển động thế nào?

    12/02/2021TS. Phạm Sỹ ThànhKhi virus SARS-CoV-2 lần đầu xuất hiện ở Vũ Hán - Trung Quốc, rất ít quốc gia chú ý đến nó. Cả đến khi nó đã lây lan thành dịch, nhiều quốc gia ở châu Âu và Mỹ vẫn tỏ ra thờ ơ. Hẳn, lúc ấy, không ai ngờ con virus này chẳng những sẽ gây thiệt hại khủng khiếp về kinh tế và nhân mạng, mà nó còn làm thay đổi cả thế giới...
  • “Nhân loại bắt đầu có khuynh hướng… chậm lại”

    05/02/2021Cốc Vũ (thực hiện)Tôi nghĩ sống nhanh là một nguy cơ. Giống như đi xe máy, ô-tô hay thậm chí đi xe đạp mà nhanh quá đều có thể gặp nguy hiểm. Tương tự, một đất nước mà đi nhanh quá thì không còn đủ sáng suốt. Cái gì nhanh quá là cũng không sáng suốt.
  • Phẳng hay Gồ?

    29/06/2020Hồ Đắc PhươngNếu thực sự muốn tiếp xúc nhiều với những điều chưa biết, cần gồ ghề chút. Và có một số bọn quá gồ ghề đủ để vươn xa đến những chân trời khác...
  • Quan điểm khác biệt về khẩu trang giữa người Á Đông và phương Tây

    18/04/2020Hà LinhViệc lựa chọn đeo khẩu trang giữa châu Á và phương Tây có nhiều điểm khác biệt...
  • Tại sao nước Mỹ khủng hoảng với đại dịch Covid-19

    31/03/2020Chi NguyễnTôi quyết định bài viết này cần được đăng để người Việt ở trong nước và thế giới hiểu sâu hơn về tình hình nước Mỹ; và điều gì chúng ta có thể học được (cho tới thời điểm này) để bảo vệ cho bản thân, gia đình, và cộng đồng trước đại dịch...
  • Dịch COVID-19: Nguyên tắc sống

    27/03/2020Quốc ThắngCùng nhau làm những điều “nên làm” và tránh những điều “không nên làm”. Mọi người gọi đó là những “nguyên tắc sống”....
  • COVID-19 - Phép thử của tự nhiên, giúp chúng ta nhận ra bản chất của con người

    27/03/2020Minh AnhCovid-19 làm cho chúng ta nhận ra bản chất của con người. Sự giàu có không mua được cho bạn ý thức; quốc gia văn minh không sản sinh ra những con người hành xử văn minh; sự trục lợi của những con người sẵn sàng xem thường mạng sống đồng loại...
  • Khi Việt Nam bị 'ốm': Số phận một dân tộc giữa những trận dịch

    04/03/2020Vũ Đức LiêmChúng ta nói nhiều về một Việt Nam cường tráng. Đó là Việt Nam anh dũng, tài hoa, nhân văn, với địa linh nhân kiệt… Nhưng thực tế, bên cạnh những ngày khỏe mạnh, Việt Nam cũng có lúc ốm đau...
  • Niềm hy vọng của một dân tộc

    04/03/2020Bài viết chỉ ra thói quen không chỉ của người Trung Quốc, nhìn người mà ngẫm đến ta, đây cũng là căn bệnh chung của cả người Việt Nam chúng ta. Hy vọng những ai sau khi đọc sẽ thay đổi!
  • Khát vọng Việt: Vì sao đất nước ta còn nghèo?

    26/05/2017Khát vọng Việt: khát vọng mang trí tuệ Việt Nam đi chinh phục thế giới, khát vọng rửa nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu, khát vọng vươn tới xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh và hùng cường...
  • Suy ngẫm về khát vọng phát triển

    13/02/2015Theo báo Đầu TưNhân dịp Xuân mới, hy vọng rằng, đọc và suy ngẫm để chắt lọc những điều hay, lẽ phải cho mỗi người, mỗi dân tộc sẽ trở thành nhu cầu đời sống hàng ngày như cơm ăn, nước uống, nhất là đối với các nhà quản lý đất nước, các nhà nghiên cứu...
  • Hy vọng táo bạo

    12/11/2008Trong khi tại Mỹ, tổng thống mới đắc cử Barack Obama vừa đánh dấu tên tuổi mình vào lịch sử nước Mỹ thì tại Việt Nam, cuốn sách Hy vọng táo bạo của ông cũng vừa được ấn hành. Tác phẩm thể hiện sự táo bạo của Barack Obama trong cách nhìn nhận những vấn đề của nước Mỹ...
  • Một năm văn chương: nỗi lo và niềm hy vọng

    14/02/2007Phạm Xuân ThạchHãy nhìn vào chính cái đời sống văn chương ồn ào của một năm, cái gì đã làm nên những giá trị đích thực? Những bong bóng xà phòng được cổ vũ nhiệt tình bởi média hay những con người lặng lẽ tạo tác. Hình như dòng chảy mạnh mẽ nhất chính là dòng chảy âm thầm.
    Nó mang đến niềm hy vọng cho một năm mới.
  • Trường thọ ước vọng lạc quan

    18/01/2006TS. Lương Chí ThànhCó những câu hỏi và ước vọng luôn ngự trị mỗi chúng ta: Câu hỏi sâu thẳm nhất là tại sao chúng ta tồn tại và ước vọng sâu thẳm nhất là muốn sống mãi. Về câu hỏi thì không dễ trả lời và xin dành cho các nhà triết học, xã hội học, tâm lý học… nhưng về ước vọng thì có thể giải đáp, đưa ra những giải pháp để mỗi chúng ta có quyền lựa chọn cho chính mình.
  • Hy vọng, Niềm tin và Mơ ước

    08/07/2008Minh BùiCon người tin tưởng, hy vọng và mơ ước về một tương lai tốt đẹp là hình ảnh đối lập với con người lo sợ trong hiện tại và day dứt về quá khứ. Nhưng điểm quan trọng là cần biết và học cách Mơ ước, Tin tưởng và Hy vọng!
  • xem toàn bộ