Nền giáo dục Việt Nam: Đang ở tọa độ nào, và định vị ra sao?

09:51 CH @ Thứ Năm - 17 Tháng Bảy, 2008

Như nhiều lần đăng đàn, Giáo sư Hoàng Tụy tuy trong tư cách của một trí thức hàng đầu, một nhà giáo dục lâu năm này lại tiếp tục có nhiều ý kiến tâm huyết để tiếp tục chấn hưng giáo dục nước nhà…

Chuyện ngô, chuyện khoai…

Thưa GS, ông quan sát gì thêm về hiện tượng giáo dục Việt Nam?

GS. Hoàng Tụy: Thực trạng hiện nay của ngành giáo dục (GD) chúng ta là nghiêm trọng. Hiện nay có hai quan điểm, một là có những ý kiến cho rằng hiện nay GD của chúng ta cơ bản đã hơn trước; còn có ý kiến lại cho rằng GD của chúng ta cơ bản đã khủng hoảng. Nhưng theo tôi, nếu chúng ta chỉ nhìn vào chúng ta không thôi thì thấy là vẫn nhích đều. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào đích thì không biết bao giờ cho tới đích. Cho nên nếu chúng ta đặt mục tiêu tiến cho kịp thiên hạ thì rõ ràng là không thể đạt được gì cả.

Xin GS nói cụ thể hơn?

Theo tôi, GD hiện nay đang có những dấu hiệu khủng hoảng: Nếu bây giờ ai hỏi GD VN nhằm mục tiêu gì, không ai trả lời được. Bởi vì tôi nói ở đây là mục tiêu thực tế diễn ra chứ không phải dùng lý thuyết để nói. Đào tạo ra những con người như thế nào? Cho ai? Vì ai? Chúng ta đều không rõ. Hàng loạt chính sách không nói lên được điều đó. Rồi việc xem GD là lợi ích công hay là hàng hòa? Rồi vấn đề xã hội hóa giáo dục ra sao, trách nhiệm của nhà nước thế nào? Những vấn đề đó đều đang bỏ ngỏ cả, chưa vấn đề nào “ra ngô, ra khoai”…

Trên thực tế có rất nhiều những quyết định sai lầm, những tổ chức và cơ cấu mất cân đối, rối loạn trầm trọng. Nhiều người nói chúng ta thừa thầy, thiếu thợ. Tôi thì nói cả thầy và thợ đều chẳng thiếu gì cả, nhưng ta thiếu nhất hiện nay là những người làm việc được trong mỗi ngành kinh tế. Nhìn chung thì thấy là cả một hệ thống GD là hệ thống tạp nham.

Có vẻ GS quá nặng lời chăng?

Không phải, mà chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thật. Năm 1985, khi Đảng ta nhìn thẳng vào sự thật thì thấy dudnsg là nền kinh tế và xã hội đang khủng hoảng, từ đó mới thấy được đường ra và mới có Đổi Mới. Cả mấy chục năm vừa rồi có thành công như vậy là nhờ thái độ đấy, thái độ thực sự cầu thị. Bây giờ đối với GD cũng vậy, phải có cách nhìn thẳng vào sự thật thì mới mong tìm đường bứt phá. Còn cứ nhân nhượng nhau, cứ tiếc nuối cái này cái nọ, cứ bấu víu mãi vào những xưa cũ thì tất cả con cháu chúng ta sẽ gánh chịu. Cho nên năm 1995, phát biểu với Thủ tướng Võ Văn Kiệt tôi có nói là chúng ta phải cứu nền GD của chúng ta, phải cứu con em chúng ta. Tôi dùng từ cứu đấy là không sai đâu. Bây giờ thì nó lại càng đúng.

Tâm lý… “Mỳ ăn liền”

Theo GS, tại sao giáo dục hiện nay lại gặp phải nhiều vấn đề như vậy?


Tôi sẽ giải thích nguyên nhân tại sao có sự khủng hoảng này. Nhiều người giải thích sự khó khăn của GD là do đất nước còn quá nghèo, đầu tư cho mỗi đầu học sinh chỉ bằng khoảng 1/20, thậm chí 1/50 của các nước khác. Nhưng không phải vì những khó khăn đấy mà sinh ra một nền GD như thế này, mà là vì quản lý yếu kém. Quản lý ở đây là quan niệm chúng ta xây dựng một hệ thống GD như thế nào. Sau đó là dựa trên triết lý đấy chúng ta phải thiết kế ra hệ thống GD như thế nào. Cuối cùng là phải điều hành hệ thống đấy.

Chúng ta đã từng thiết kế hàng loạt hệ thống sai. Còn về quản lý điều hành thì có thể nói là thiếu chuyên nghiệp. Bộ máy quản lý không có sự hiểu biết về đối tượng quản lý. Không được đào tạo đã đành nhưng không có ý thức muốn tìm hiểu để có thể làm tốt hơn. Mà nhiều bộ phận còn không có công tâm, công không có mà tâm cũng không có, cái tâm bị chi phối bởi các nhóm lợi tích. Đấy cũng là nguyên nhân sinh ra lãng phí và tham nhũng trong ngành GD.

GS nói thế nào về triết lý giáo dục ở Việt Nam?

Về triết lý, có thể nói tư duy GD trong mấy chục năm qua là cũ kỹ, lạc hậu với thời cuộc. Gần đây lại thêm một số hướng cực đoan theo chiêu bài thị trường hóa GD, ví dụ như tư nhân hóa các trường. Đúng là ông Lý Quang Diệu sang đây có nói là phải tư nhân hóa, nhưng tư nhân hóa người ta hiểu thế nào, trường tư người ta hiểu thế nào? Ở tất cả các nước văn minh đại bộ phận trường tư là những trường tư phi lợi nhuận, chỉ có một số ít trường là vì lợi nhuận. Trường tư vì lợi nhuận chỉ phát triển nhiều ở châu Phi và châu Á, đấy là một thực tế. Bây giờ người ta lại hô hào đến năm 2010, 40% SV phải tốt nghiệp từ trường tư. Bây giờ chúng ta thử kiểm tra có bao nhiêu trường tư không vì lợi nhuận? Bây giờ, chúng ta dự định cổ phần hóa trường công, tức là tư nhân góp vốn vào và chia lãi. Hiện nay, theo tôi biết thì không có một nước văn minh nào cổ phần hóa trường công cả, hoàn toàn không có. Thế chúng ta “đi quá” người ta.

Trên thực tế có nhiều người vẫn hiểu nhầm, hoặc cố hiểu lệch lạc về triết lý giáo dục?

Một tổ của UNESCO nghiên cứu về GDĐH đã có một báo cáo nghiên cứu rất hay, trong đấy họ phân tích khá cặn kẽ và đưa ra những đề nghị rất hợp lý. Họ có nói về vấn đề cơ chế thị trường trong GDĐH. Nhiều người lợi dụng danh nghĩa UNESCO để tuyên truyền rùm beng cơ chế thị trường hóa GD. Đang xuất hiện sự sống lại quan điểm “mỳ ăn liền” của GD. Trong khi GDĐH phải quan tâm đến khóa sau xem thành tích của sinh viên như thế nào, thậm chí người sinh viên tốt nghiệp sẽ như thế nào. Làm thế nào để việc giảng dạy là việc truyền cả di sản nghìn năm của nhân loại để lại, với mục đích tương tác với tương lai.

Quan niệm kiểu “mỳ ăn liền” là thế nào, thưa GS?

Đó là quan niệm mà chúng ta chỉ đào tạo ra những người làm việc được trước mắt. Và như thế, thì cuối cùng nền GD của chúng ta đào tạo ra những người chuyên làm thuê. Bà Hiệu trưởng của trường Harvard nói lúc nhậm chức: nhà trường không chỉ có trách nhiệm đối với hiện tại và có trách nhiệm đối với tương lai, mà nó còn là cầu nối từ quá khứ đến tương lai. Làm việc ấy càng tốt chừng nào thì giải quyết việc hiện tại càng tốt chừng đấy. Còn chưa gì chúng ta đã coi thường cái đấy nên muốn đào tạo những người dùng được ngay nhưng cuối cùng có dùng được ngay đâu. Cuối cùng các doanh nghiệp, cả xã hội đều kêu trời cả.

… Và chuyện dân chủ trong giáo dục

Gần đây, gian dối là một thuật ngữ người ta nhắc nhiều, mặc dù đã có cả một “chiến dịch” để chống vấn nạn này…

Thời nào thì trung thực cũng cần thiết trong xã hội, thời nào cũng cần những người có sáng tạo, đặc biệt là thời toàn cầu hóa và kinh tế tri thức. Anh gian dối, không trung thực không ai chơi với anh cả, không hợp tác được với ai cả. Thứ hai, nếu anh không có sáng tạo thì anh chỉ đi theo người ta, anh chỉ làm thuê thôi, anh không bao giờ ngóc đầu lên được. Nhưng mà cả nền GD của chúng ta hình như không khuyến khích người ta trung thực mà còn kìm hãm sự sáng tạo. Trong thời gian qua, nhận thức của chúng ta công bằng và dân chủ trong GD rất hời hợt. Chúng ta từng quan niệm công bằng là cho mọi người có cơ hội bình đẳng trong học tập. Nhưng mà rồi mấy năm vừa qua, qua việc học phí, dạy thêm học thêm, qua việc học sinh ngồi nhầm lớp… chúng ta mới thấy rằng: Chỉ có bảo đảm bình đẳng cơ hội học tập thôi là không đủ, và chưa phải là công bằng.

Nhưng thưa GS, rõ ràng là hầu hết mọi người đều có cơ hội đến trường như nhau?

Cho người ta đến trường, nhưng mà không cho người ta điều kiện học tập thành công, ngang bằng với người khác thì đấy chỉ là công bằng một cách hình thức. Tất cả mọi người không kể giàu nghèo đều được đến trường, nhưng cách dạy của anh cuối cùng là: cho bài tập về nhà rất nhiều. Nếu bài tập về nhà nhiều, những gia đình nào có văn hóa, có điều kiện dư gải thì có thể thuê gia sư để con cái học được (thậm chí nhờ làm để được điểm). Còn những gia đình nghèo thì lấy đâu ra điều kiện, về nhà lại còn làm việc này, việc nọ, nếu có rỗi thì ai hướng dẫn cho mà làm bài. Cho nên ở nhiều nước, như Thụy Điển, Phần Lan hay một số nước khác… những năm gần đây là không có bài tập ở nhà. Trong bài diễn thuyết của Tổng thống Pháp cũng là từ nay học sinh sẽ không làm bài tập ở nhà, mọi bài tập đều làm ở trường dưới sự giám sát của thầy giáo. Để bảo đảm là họ không phải chỉ đến trường mà đến trường là học, không chỉ bảo đảm cơ hội được học tập mà còn bảo đảm cơ hội học tập được, cái đấy mới là quan trọng.

Theo GS làm thế nào để đào tạo được những sinh viên – là lực lượng lao động có thể đáp ứng được thực tế rất bất chắc, rất dễ thay đổi, chẳng hạn như thay đổi về ngành nghề hiện nay?

Rõ ràng trong thế giới bây giờ càng ngày càng phải chuyên sâu, mỗi người cần phải chuyên sâu vào nghề của anh thì mới có thể cạnh tranh được với những người khác, nhưng đồng thời lại có một xu hướng ngược lại anh phải có văn hóa phổ quát, chúng ta nói là văn hóa chung cũng được.

Cho nên bây giờ tôi thấy Tổng thống Pháp Sarkozy nói một câu rất sâu sắc: Thế giới càng nhiều tri thức thì càng đòi hỏi phải có càng nhiều văn hóa phổ quát, văn hóa phổ quát càng tốt thì càng dễ thành công trong từng lĩnh vực chuyên môn. Bởi vì muốn làm tốt bất cứ một nghề gì cũng phải có hiểu biết về ngành lân cận, nhiều khi là cả những ngành rất xa nữa. Thứ hai là trong thời đại bây giờ, ngành nghề thay đổi rất nhanh, có nghề ngày hôm nay có đấy, ngày mai đã mất. Có nghề hôm nay chưa có ngày mai lại xuất hiện. Nên chọn một nghề nào đó mà sau đó nó mất đi, nếu không có một văn hóa phổ quát thì không thể chuyển nghề được dễ dàng, không thể thích nghi với sự thay đổi rất nhanh chóng ngày nay. Cho nên hai cái đấy nhìn có vẻ mâu thuẫn, nhưng thực chất thì nó không mâu thuẫn. Thực chất nếu anh giải quyết tốt thì cái nọ sẽ bổ sung cho cái kia. Chính vì quan niệm như vậy cho nên cách đào tạo của ta hiện nay có nhiều điều không thích hợp.

Xin cảm ơn và chúc GS mạnh khỏe!

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lại chuyện triết lý giáo dục

    11/10/2007Nguyên NgọcMấy hôm nay bỗng lại thấy xôn xao lên chuyện triết lý giáo dục. Có lẽ là vì vừa có cuộc hội thảo về chuyện triết lý giáo dục do một cơ quan nào đó của Bộ GD-ĐT tổ chức, mà quả thật nếu không có một bài báo tường thuật lại khá sơ sài thì chẳng ai biết nó diễn ra ở đâu, vì sao, để làm gì.
  • Chất lượng giáo dục từ góc nhìn nhà quản lý

    22/05/2007Nguyễn Văn MinhGần đây BộGiáo dục & Đào tạo đã ban hành Quy định tạm thời về kiểm định chất lượng trường đại học gồm 10 tiêu chuẩn và 53 tiêu chí. Có thể thấy, cách làm này là phù hợp xu thế quản lý chất lượng hiện đại.
  • Một nền học của ta và cho ta

    07/05/2007GS. Phan Đình DiệuNền học mới mà ta chủ trương xây dựng, phải là một nền giáo dục có nội dung tiên tiến, hiện đại và truyền thống. Hiện đại là nói đến tri thức khoa học tiên tiến của nhân loại, đã và đang có những bước tiến vượt bậc và có tác động to lớn đến sự chuyển biến của kinh tế và xã hội loài người hiện nay; còn truyền thống phải chăng là những cái hay, cái đẹp trong nền học của dân tộc ta từ hàng ngàn năm nay, đã góp phần tạo nên cái cốt cách tinh thần của dân tộc ta trong quá khứ và vẫn còn cần thiết cho cuộc sống hôm nay?
  • Giáo dục muốn hội nhập thì phải chấn hưng từ trong nước

    12/02/2007Trần Ngọc HàĐã có thâm niên hơn 50 năm làm công tác trồng người, GSVS Nguyễn Văn Hiệu không chỉ được biết đến là một nhà vật lý cơ học danh tiếng thế giới mà ông còn là một nhà giáo có tâm và suốt đời tận tụy với nghề. Còn một lẽ khác khiến tôi tìm đến với ông để thực hiện cuộc trò chuyện này trước thềm hội nhập bởi ông là một nhà giáo thẳng thắn và dám nói. Những kiến giải của ông về các vấn đề giáo dục dẫu có hơi “động chạm” và “khó nghe” nhưng nó thiết thực và đáng để những nhà quản lý, hoạch định chính sách về giáo dục phải suy ngẫm….
  • Hệ lụy gia đình - nhà trường

    03/11/2006Trầm Thiên ThuGiáo dục không chỉ đơn thuần là nuôi con cái đầy đủ về vật chất, mà giáo dục chủ yếu nhăm giúp con cái trở nên người hữu dụng, một công dân tốt cho gia đình, cho xã hội, đất nước và cho giáo hội (với những người có tín ngưỡng). Chúng sẽ là những người cha, người mẹ trong tương lai. Vậy thì về tâm sinh lý, trưởng thành nghĩa là biết dẹp bỏ "cái tôi" để biết vì người khác. Cái Tôi là đáng ghét...
  • “Một thứ toán kỳ lạ: Tổng các số dương bằng một số âm”?

    25/09/2006Chu Văn KhánhGiáo sư Phan Đình Diệu là một trong những nhà khoa học có nhiều bài viết, nhiều nỗi niềm trăn trở về nền giáo dục nước nhà. Năm 2004, ông cùng một số nhà khoa học tham gia thảo luận và đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ một bản báo cáo kiến nghị về việc cải cách nền giáo dục hiện nay. Trước thềm năm học mới, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông về những vấn đề đã và đang gây bức xúc trong ngành giáo dục...
  • Trình tự đảo lộn

    27/08/2006GS. Bùi Trọng LiễuTừ một số quy định nào đó không phù hợp, đã làm cho việc học việc thi thoái hóa: chọn người có học đã thi đỗ rồi mới cử người đó vào một chức vụ, khác với việc cử một người vào một chức vụ rồi mới yêu cầu người đó đi học đi thi để có trình độ hiểu biết tương xứng với công việc.Thứ tự bị đảo lộn, có thể gây ra những tai họa, là vì thế...
  • Cải cách giáo dục: Trước thách thức của thế kỷ XXI

    19/04/2005Phạm Khiêm Ích(Edgar Morin) Nhà trường phải giúp cho sinh viên thấm nhuần “một thứ văn hoá về tính phức hợp” (culture de la complexité), tức là nền văn hoá của thế giới ngày mai...
  • xem toàn bộ