Sống theo ý mình

01:43 CH @ Thứ Hai - 28 Tháng Mười Hai, 2009

Xét cho cùng thì hạnh phúc của con người chính là được sống theo ý mình. Thế nhưng, dường như khi bước vào cuộc sống hôn nhân được một thời gian, không ít người nhận ra rằng mình đâu còn được sống theo ý mình, thậm chí còn “đánh mất mình” từ lúc nào chẳng hay! Có người lỡ cho… mất luôn , có người sục sạo tìm lại “bản ngã”, nhiều khi khá quyết liệt nhưng muộn màng…

Ông Kiên xuất thân từ một gia đình nông dân. Nhờ thông minh học giỏi, đỗ đạt và có địa vị xã hội nên ông cưới được người vợ đẹp, gốc gác quyền quý…. Từ đó, ông được ăn uống theo cách của vợ, những món ăn bổ dưỡng, được chế biến cầu kỳ, khi ăn cũng kiểu cách. Thời gian đầu, ông rất thích thú vì những món ăn chỉ có nghe chứ chưa được nếm bao giờ và cảm thấy mình được “nâng” lên một đẳng cấp cao mà ông vốn ngưỡng mộ… Thế nhưng dần dà, cái gốc gác nhà quê lại cựa quậy trong ông, nhiều khi thèm quay quắt một đĩa rau sống chấm mắm cái (mắm nêm) hay một tô canh rau muống nấu với hến hoặc đơn giản chỉ là mấy củ khoai mì, khoai môn luộc… Ông không thể ra ngoài lén ăn những món ấy một mình, nhưng không đủ “can đảm” bảo vợ mua về nhà để thưởng thức vì chắc chắn bị vợ cười khẩy là… đồ nhà quê.

Bà Thanh một nhà báo có ngòi bút sắc sảo kể, mới đây bà đi chợ mua một con cá lóc kèm với măng chua về nấu canh. Ông chồng nhìn thấy liền sửng sốt vì việc làm… bất thường của vợ, vì gần 20 năm nay nhà ông không có món ấy. Quê ông ở một thành phố biển nên ông chỉ thích ăn cá biển, không ăn cá sông, cá đồng vì ông cho rằng… tanh. Nghe mùi măng muối chua ông bảo “đau đầu”. Thế là vì chồng bà Thành đành từ bỏ món ăn “ruột” của mình và chỉ nấu những món chồng thích. Nhưng hôm đó bà tuyên bố: “Từ nay em sẽ nấu những món em “ghiền”, món của anh thì em vẫn nấu riêng cho anh!”. Chính bà cũng giật mình, 20 năm không dám ăn món mình thích và còn nhiều thứ bà không thích nữa nhưng vẫn phải làm vì chiều chồng. Bà tự ra “tuyên ngôn” rằng từ nay sẽ sống theo ý mình, miễn là điều đó không đi ngược với quyền lợi của gia đình, với ông chồng khá gia trưởng.

Nhiều người thân và quen biết ông Trường đều “té ngửa” khi nghe ông đưa đơn ra tòa xin ly hôn ở tuổi 65, bà vợ chỉ kém ông vài tuổi. Gia đình họ được tiếng là êm ấm, có lối sống mẫu mực, con cái nay đã trưởng thành. Thấy ông quyết liệt bỏ vợ như vậy, ai cũng tưởng ông “hồi xuân” hoặc không cưỡng lại được ma lực của một phụ nữ hấp dẫn nào đó. Nhưng không, ông ly dị chỉ để được sống theo ý mình: đi tu. Lâu nay lo làm lụng nuôi con rồi dựng vợ gả chồng cho chúng. Ông cảm thấy đã xong bổn phận ở đời để được sống theo ý mình. Ông ăn chay chừng được vài năm nay và nghiên cứu Phật pháp nhưng không thể thanh thản, an lạc vì bà vợ hay cười cợt, hoài nghi lòng thành của chồng.

Bà Châu thích làm thơ từ hồi nhỏ, dù sau này lớn lên nghề nghiệp của bà chẳng dính dáng gì đến thơ. Thời gian nuôi con nhỏ vất vả, bà tạm xa thơ. Khi con lớn, thảnh thơi, bà lại đến với thơ như một nguồn vui chứ không có ý định đăng báo kiếm tiền, kiếm danh hay xin vào hội… thơ. Tuy rằng bà cũng gom góp xuất bản vài tập thơ để trao đổi, biếu tặng và ngâm nga với bạn bè đồng điệu, cùng sở thích nhưng chồng bà lại cực kỳ dị ứng với cái “tật” làm thơ của vợ, dù thời còn yêu nhau, ông cũng thích thú khoe với bạn bè những bài thơ bà tặng. Lâu nay, ông nói xa nói gần để cho vợ bỏ thơ song bà không bỏ. Trái lại, bà càng làm thơ dữ dội hơn, vì cô đơn, vì đau khổ, người chồng mà bà từng yêu, sống với nhau mấy mặt con lại không thể là kẻ tri âm. Thơ giúp bà sống êm dịu như được giảm đau… Nhưng vì thế mà họ càng căng thẳng đến mức mối quan hệ vợ chồng đứt phăng bằng một cuộc ly hôn. Ngoài 50 tuổi, bà biết việc mình “làm lại cuộc đời” là không hề dễ dàng nhưng ít nhất bà được sống theo ý mình khi không có ông chồng bên cạnh cứ dè bỉu mỉa mai.

Khi yêu một ai hoặc kiếm bạn đời, hầu hết người ta luôn có khuynh hứng tìm một người “hợp” với mình về nhiều mặt như ăn ở, ứng xử, sở thích, văn hóa, lối sống… Vì nghĩ rằng càng “hợp” thì càng dễ sống theo ý mình. Thế nhưng điều đó trong thực tế là không hề dễ dàng. Vì bản thân cá tính của mỗi người đã chứa sẵn bao điều khác biệt về tâm sinh lý “Đàn ông đến từ sao Hỏa, đàn bà đến từ sao Kim”. Rồi sự khác biệt về thành phần xuất thân, tuổi tác, học vấn, sở thích… Ngay cả một cặp sinh đôi lớn lên trong một nhà, học một trường vẫn có rất nhiều khác biệt, thậm chí là xung khắc. Cho nên, lúc ban đầu, những cặp nam nữ muốn chinh phục nhau, từ trong vô thức, họ cố ý hoặc giả vờ “hợp” nhau. Chẳng hạn chàng trai chẳng quan tâm gì đến chuyện đọc sách nhưng biết nàng thích văn chương nên lùng sục tìm mua những tác phẩm văn học để tặng nàng. Còn nàng chẳng hiểu gì về bóng đá cũng chịu khó theo chàng vào sân ngồi chịu đựng suốt mấy tiếng đồng hồ để cổ vũ cho đội mà chàng hâm mộ. Có anh dù không theo đạo Thiên Chúa cũng nhẫn nại đưa nàng đi lễ nhà thờ mỗi chủ nhật… Thế nhưng khi tình yêu đã “no nê” hoặc chán nhau thì họ bắt đầu trở về với chính mình, thậm chí tìm cách “chống” những khác biệt ở người bạn đời, không để người kia có được một khoảng trời riêng như ý muốn. Họ chỉ đạo, kiểm soát, phê bình để ép người kia không được làm khác ý họ… Và tính cách này thường xảy ra với người hẹp hòi, ích kỷ, có cái tôi quá lớn xem mình là trung tâm, là số một. Họ không thể chấp nhận, tương tác với những gì khác biệt. Tất nhiên họ vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của những bất hòa, rạn vỡ trong gia đình.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cái tôi to tướng và cái tập thể nhạt nhẽo

    10/04/2017Họa sỹ Phan Cẩm ThượngCái chủ nghĩa cá nhân vô lối này cũng đầy rẫy trong nghệ thuật, vì là một thứ không chết ai, nên cũng chẳng có một sự phê bình nào, và nhất là những cơ quan quản lý văn nghệ chỉ lo những gì sai đường lối. Thế là có vô số thứ nghệ thuật không sai đường lối nhưng tầm thường vô cùng trở thành thời thượng
  • Từ bầy đàn đến cá nhân - Sự chuyển đổi hệ giá trị

    24/09/2015Phạm Bích SanSáng tạo bao giờ cũng là sáng tạo cá nhân, còn những hoạt động cộng đồng chỉ là sự tổ chức ra các điều kiện cho cá nhân sáng tạo...
  • Bàn về "những giá trị sống"

    13/07/2014Nguyễn Trần Bạt... rất mong ông trò chuyện giúp người trẻ suy nghĩ, nhìn nhận lại, đặt lại vấn đề về các giá trị nền tảng nhất cho cuộc sống. Mong ông cùng chia sẻ với độc giả về những điều họ cũng đang nghĩ, đang đi tìm và có thể chưa tìm ra hoặc tìm sai cho mình...
  • Văn hóa bắt chước

    22/04/2014Phong DoanhXu thế hội nhập bắt nguồn từ nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, trí tuệ và lao động một cách hợp lý hơn trên cả phạm vi càng rộng càng tốt để phục vụ cho nhu cầu khám phá càng nhiều những thú vui trong tiêu xài và hưởng thụ của con người vốn dĩ đã bắt đầu tăng tốc từ cuộc cách mạng công nghiệp cách đây vài thế kỷ. Con tầu "tiện nghi và xa xỉ" đó đang băng về phía trước mông lung, tàn phá nặng nề thiên nhiên và cả đạo đức...
  • Những bài học bầy đàn

    08/04/2014Phạm Trần LêTheo lịch sử tiến hóa đã biết, con người là con trước khi là người. Để thấu hiểu bản thân, ta cần hiểu bản chất động vật ở bên trong mình - một loại động vật sống theo đàn.