. Thế là cũng đã qua một năm với bao biến động. Quyết liệt mạnh mẽ ghi nhận dấu ấn của sự đổi mới có, dữ dội tàn khốc gây bao thảm họa cũng có. Và rồi một mùa Xuân lại đang đến...
"/>. Thế là cũng đã qua một năm với bao biến động. Quyết liệt mạnh mẽ ghi nhận dấu ấn của sự đổi mới có, dữ dội tàn khốc gây bao thảm họa cũng có. Và rồi một mùa Xuân lại đang đến...
"/>

Tâm thế ngàn năm

08:56 CH @ Thứ Tư - 28 Tháng Giêng, 2009

"Sen tàn cúc lại nở hoa. Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân".

Thế là cũng đã qua một năm với bao biến động. Quyết liệt mạnh mẽ ghi nhận dấu ấn của sự đổi mới có, dữ dội tàn khốc gây bao thảm họa cũng có. Và rồi một mùa Xuân lại đang đến.

Xuân về đem đến niềm vui. Xưa nay vẫn vậy. Nhưng vui buồn còn tùy thuộc nhiều yếu tố. Thậm chí có khi nói về xuân tàn mà vẫn không gây buồn, ngược lại. Thì đây,

"Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đinh tiền tạc dạ nhất chi mai"..

Đừng bảo xuân tàn hoa cũng rụng hết
Đêm hôm qua, trước sân [rộ] một cành mai

Sự sống là bất tận. Bài "Kệ" của Thiền sư Mãn Giác cách đây gần một nghìn năm mở đầu bằng cái lẽ tuần hoàn của tạo hóa:

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai

Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở

để rồi kết thúc với một hình tượng rực rỡ tràn đầy sức sống. Sức sống của tự nhiên, sức sống của con người. Xuyên qua u ám giá rét, một cành mai vẫn mạnh mẽ khoe sắc. Sự sống vẫn đâm chồi nẩy lộc mặc cho phong ba bão táp, sương rơi nắng đổ! Mà đấy lại là lời của một người đang bệnh. Những dòng tràn đầy sức sống nói trên nằm trong bài kệ của người có bệnh báo mọi người, "Cáo tật thị chúng" là tên của bài Kệ! Sinh lão bệnh tử là lẽ thường tình của đời người. Vấn đề là cách hiểu, cách ứng xử với cái quy luật muôn đời đó. Nhìn cho thấu cái lẽ huyền vi của tạo hóa, phải có một đôi mắt biết nhìn, biết khám phá.

Đôi mắt ấy cần biết bao vào thời điểm này, lúc phải có một cách nhìn để có thể có được một thái độ ứng xử đúng, để vững tin vào ngày mai. Vì vậy, nối kết dòng suy tưởng của ông cha ta xưa để cảm nhận được sự liền mạch của văn hóa trong chiều sâu của truyền thống và hiện đại, để biết hiện đại hóa truyền thống và truyền thống hóa hiện đại trên cái điểm tựa của nhận thức: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội”. Là nền tảng, vì nó lâu dài hơn, chẳng những thế, nó là mục tiêu của phát triển. Vì nói văn hóa là nói con người, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của kinh tế và chính trị. Kinh tế và chính trị nói cho cùng, cũng chỉ là phương tiện. Cho nên gợi đến Nguyễn Du, rồi xa hơn nữa, viện đến thơ Thiền của nghìn năm trước không phải nhằm “mượn y phục của người xưa để hiện lên trên sân khấu mới của lịch sử” mà để được tiếp thêm sức mạnh từ bản lĩnh truyền thống văn hóa của ông cha, để biết cách giữ gìn những giá trị vĩnh cửu mà cha ông để lại và dám bứt lên làm những việc mà cha ông chưa làm được do những điều kiện hạn chế của lịch sử. Lại xin dẫn ra một bài thơ Thiền nữa:

Thân như điện ảnh hữu toàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố uý
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Thân người như bóng chớp, có rồi lại trở lại không
Như muôn cây cỏ mùa xuân tươi tốt, đến mùa thu khô héo
Ngẫm và hiểu cái lý của thịnh suy, lòng không sợ hãi
Vì thịnh suy nối tiếp nhau (chỉ) như
khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ

Tác giả của những dòng thơ trên, Thiền sư Vạn Hạnh, mất trước Thiền sư Mãn Giác 76 năm. Vị sư này cũng đã có đôi mắt xuyên thấu cái lẽ huyền vi của tạo hóa như vậy. ẩn chìm và xuyên suốt trong triết lý Thiền, ngẫm thật kỹ, sẽ thấy rõ cách nhìn của ông cha ta một nghìn năm trước đây vời vợi một chiều sâu của tầm cao suy tưởng. Nhìn diễn tiến thịnh suy của một triều đại mà chỉ như khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ, đôi mắt ấy đã thấu đến cái lẽ vô cùng. Vậy mà, ngẫm cho kỹ, đôi mắt ấy xem ra có cái gì đó rất hiện đại.

Thì chẳng thế sao, đọc Marcel Proust, văn hào hiện đại Pháp, thấy bật ra câu: “Một cuộc thám hiểm thật sự không phải ở chỗ tìm kiếm những vùng đất mới, mà ở chỗ cần có đôi mắt mới”. Cũng trời đất ấy, thế giới ấy, con người thế ấy... nhưng với đôi mắt mới sẽ nhìn ra những điều mà một tầm mắt hạn hẹp, thiển cận và nô lệ vào những định kiến và những tín điều, sẽ không thể nào nhìn ra được.

Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết”. Sự sống không hề rụng, mà nếu có “rụng” đi nữa dưới con mắt trực quan, thì cũng là để chồi non bật lên. Triết học Mácxít diễn đạt điều này một cách rành rọt và khúc chiết: Trong một tác phẩm xuất bản năm 1888, Ph.Ăngghen khẳng định “trong quá trình phát triển, tất cả những gì trước kia là hiện thực thì hiện nay trở thành không hiện thực, mất tính tất yếu, mất quyền tồn tại, mất tính hợp lý của chúng; và hiện thực mới, đầy sinh lực, thay thế cho hiện thực đang tiêu vong”. Phải chăng, đây cũng là một cách nhìn về “xuân khứ” và “xuân đáo”? Với một thái độ quyết liệt hơn, trong “Sự khốn cùng của triết học” viết trước đó 51 năm, 1837, C.Mác cảnh báo: “Để khỏi bị tước mất những thành quả của văn minh, những lực lượng sản xuất đã đạt được, thì phải đập tan những hình thức cổ truyền trong đó những lực lượng sản xuất ấy đã được sản sinh ra. Từ lúc đó trở đi, giai cấp trước kia là cách mạng nay lại trở thành bảo thủ”.

Để xác lập được một nhận thức như vậy, phải có đôi mắt biện chứng. Vả chăng, “đối với triết học biện chứng đó (tức là triết học của Hégel. TL) thì không có gì là tối hậu, là tuyệt đối, là thiêng liêng cả. Nó chỉ ra - trên mọi sự vật và trong mọi sự vật - dấu ấn của sự suy tàn tất yếu và đối với nó, không có gì tồn tại ngoài quá trình không ngừng của sự hình thành và sự tiêu vong, của sự tiến triển vô cùng tận từ thấp lên cao”.

Nếu thế thì mệnh đề chuẩn mực chính là sự thay đổiđược khởi nguồn từ nền kinh tế số đang được vận dụng để nói lên một đặc điểm của sự vận động và phát triển của thế kỷ chúng ta đang sống hôm nay, chẳng qua cũng là một cách diễn đạt về luận điểm không có gì tồn tại ngoài quá trình không ngừng của sự hình thành và sự tiêu vong ấy! Ngẫm cho kỹ thì ngọn nguồn của luận điểm “phá hủy sáng tạo”, “chuẩn mực chính là sự thay đổi” nhằm chỉ ra một đặc điểm của nền kinh tế số xem ra đã manh nha từ rất lâu, chí ít là cũng đã ủ mầm từ trong triết học Hégel thế kỷ XIX vừa nhắc. Nhưng thật ra cũng chẳng phải từ đó! Khi mà các cụ ta cách đây cả nghìn năm xem chuyện thịnh suy chỉ như hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ, thì chẳng phải đã xác lập một cách nhìn nhận sự vật trong mối tương quan biện chứng giữa động và tĩnh đó sao. Trong thế kỷ XXI này, có biết bao sự kiện thể hiện rõ mồn một mối tương quan đó.

Sức nghĩ ấy quả thật lớn quá, nhưng do cạn nghĩ, do dễ dãi và hời hợt trong tư duy mà chúng ta chưa ngẫm ra đấy thôi. Một đặc trưng của nền kinh tế số là luôn tìm kiếm sự mất cân bằng trong phát triển. Một hệ thống mạng phức tạp nếu đứng mãi ở trạng thái cân bằng và ổn định sẽ là nguy cơ đẩy tới sự đình đốn và suy thoái. Vậy thì, sự phá hủy sáng tạo nhằm phá vỡ cái trạng thái cân bằng cũ để tạo ra trạng thái cân bằng tương đối mới tạm thời trong cả quá trình vận động, nghĩ kỹ ra không chỉ là đặc trưng của kinh tế số mà cũng là logic của phát triển nói chung.Tuy nhiên, phải có một con mắt biện chứng để nhìn sự vật, thì mới thấy ra được sự phá hủy sáng tạo đó!

Để có đôi mắt ấy, đương nhiên phải có hiểu biết, phải có cách thu nhận thông tin để nâng cao tầm trí tuệ trong thời đại của nền kinh tế tri thức và quan trọng hơn hết, phải có bản lĩnh vận dụng sự hiểu biết đó vào cuộc sống theo cách của mình, phải dám là mình.

Bởi lẽ, một trong những thay đổi lớn lao nhất của thời đại chúng ta đang sống là mỗi cá nhân đang đứng trước những thách thức về năng lực để đón nhận những cơ hội chưa từng có để phát triển. Mỗi người có khả năng thách thức cả thế giới và thế giới thách thức với từng cá nhân. Cách tư duy của một thời tin vào sự phát hiện quy luật tất yếu cũng đơn giản như việc giải một bài toán bậc tiểu học, dường như đã khép lại. Người ta hiểu được ra rằng, cái môi trường mà ta đang sống không còn có thể coi là tất định, vì thế không còn có thể điều khiển nó theo những con đường vạch sẵn. Môi trường ấy chứa đầy những yếu tố biến động, là không ổn định và không tiên đoán được. Nó có độ phức tạp mà nếu chỉ dừng lại ở khả năng điều khiển của những phương pháp quen thuộc như nó đã từng đem lại kết quả e không còn đủ nữa. Việc phải thường xuyên đánh giá và kiểm định lại tri thức cũ, giải pháp cũ để có những tri thức mới, giải pháp mới cho tình hình đã thay đổi là một đòi hỏi sống còn. Điều ấy không hề mâu thuẫn với việc phải thấy cho đủ, hiểu cho kỹ để tiếp nhận sức mạnh của bản lĩnh truyền thống ông cha. Chớ có dại dột nhân danh hiện đại, nhân danh “kinh tế số” và nền “kinh tế tri thức”, nhân danh “chuẩn mực chính là sự thay đổi” mà quay lưng lại với ông cha.“Thay đổi” tuyệt đối không có dây mơ rễ má gì với “phản phúc”! Không bao giờ sự phản phúc lại là chuẩn mực của tiến bộ và phát triển.

Hiểu cho thấu cái lý phủ định của phủ địnhtrong tinh thần khoa học của phép biện chứng không hề đơn giản. Những thói tham ăn tục uống nghiến ngấu kiến thức chưa kịp tiêu hóa mà cứ ngỡ mình thông thái sẽ làm băng hoại tư duy biện chứng, biến tinh thần khoa học thành một thứ tạp nham trong tư duy. Sẽ hiểu thêm điều đó và hết sức thú vị khi nhận ra cái tinh thần biện chứng ấy cũng đã tiềm ẩn trong cách tư duy của ông cha ta.

Xin hãy đọc bài kệ “Hưu hướng Như Lai”, đừng đi theo bước Như Lai của một vị thiền sư đời Lý để suy tư về điều vừa nói.

Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ
Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh
Nam nhi tự hữu xung thiên chí
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.

Lìa được sự ham muốn đi vào niết bàn
thì mới có thể bàn chuyện đi vào niết bàn
Sinh vào cõi vô sinh rồi mới có thể bàn chuyện vô sinh
Làm trai phải tự có chí xung trời thẳm
Đừng nhọc mình dẫm theo vết chân Như Lai.

Xuất gia đi tu mà lại bảo là đừng dẫm theo vết chân của Phật tổ, liệu có phải là một nghịch lý? Bài kệ này xuất hiện cách đây ngót một ngàn năm đã đòi hỏi làm trai phải tự có chí xung trời thẳm, đừng nhọc mình dẫm theo vết chân của Như Lai! Không là nghịch lý, mà là một triết lý sống. Diễn đạt theo cách hiện đại thì quả thật ông cha ta đã “chống giáo điều” ngay trong góc khuất tâm linh! Thật là dữ dội và cũng thật là thâm hậu.

Huyền diệu và cao siêu trong cõi tâm linh, đức Phật tổ Như Lai là biểu tượng của bậc toàn trí toàn năng, thế mà thiền sư Quảng Nghiêm lại khuyên không nên dẫm theo vết chân của Ngài! Bởi vì với vị chân tu ấy, lìa được sự ham muốn đi vào niết bàn thì mới có thể bàn chuyện đi vào niết bàn, “Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ” (tịch diệt là thuật ngữ đạo Phật, mang nghĩa của hai chữ niết bàn). Cũng theo cái mạch tư duy ấy, thiền sư Huyền Quang, vị tổ thứ ba của dòng Thiền Trúc Lâm, qua bài kệ “Diên Hựu tự” đã dạy cho chúng ta làm thế nào để có một tầm nhìn khoáng đạt, vượt lên phía trước: “Bán điểm vô ưu nhãn phóng khoan”, không lo lắng chút gì nên tầm mắt mở rộng! Đừng quên rằng, vị sư này vốn là một đỉnh cao tri thức thời ấy, đỗ cả thi Hương, thi Hội, từng được cử đi tiếp sứ Bắc triều và rồi cáo quan đi tu. Sẽ hiểu hơn cái “bán điểm vô ưu” này khi gắn kết với mạch triết lý của câu ấy với câu “Vạn duyên bất nhiễu thành già tục”, muôn vạn nhân duyên không vương vấn là bức thành che niềm tục!

Cần phải hiểu cái dung lượng triết lý của ý tứ được gửi gắm vào trong những lời kệ cô đọng ấy mới thấu tỏ được cái tầm mắt mở rộng kia. Thấy cho ra cái lý tiềm ẩn trong “vạn duyên bất nhiễu” là cái cảm thức nhập thế của triết lý Phật giáo trong dòng Thiền Trúc lâm quả không đơn giản! Xuất hiện trước bài kệ của Huyền Quang hơn ba trăm năm, bài “Quốc tộ” - “Vận nước” của thiền sư Pháp Thuận, cũng trong cái mạch của triết lý ấy, đã chỉ ra rằng: Nếu triều đình thấm nhuần lẽ vô vi thì mọi nơi sẽ không còn chiến tranh!

Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh.

Vận nước đan xen với nhau như mây quấn
Đất trời Nam đang hưởng thái bình
Nếu triều đình thấm nhuần lẽ vô vi
Mọi nơi sẽ không còn chiến tranh.

Vô vi, hiểu đúng theo triết lý của Phật giáo không có nghĩa là không làm, mà là làm những việc thuận theo cái lẽ của tự nhiên. Thuận theo cái lẽ tự nhiên đó, mới có thể "ngẫm và hiểu cái lý của thịnh suy, lòng không sợ hãi". Xét đến cùng, có được sự nối kết dòng suy tưởng xưa và nay cũng từ cái nguồn mạch văn hóa thuận theo cái lẽ tự nhiên ấy. Đó là dòng chảy bất tận của văn hóa dân tộc. Để chốt lại chủ đề muốn nói, hồi kết của bài viết đón Xuân này xin được nhắc hai câu chuyện:

Chuyện thứ nhất: Hồi ông Bill Clinton, Cựu Tổng thống Mỹ, khi sang thăm Việt Nam đã mượn câu thơ Nguyễn Du “Sen tàn cúc lại nở hoa, Sầu dài ngày ngắn Đông đà sang Xuân” mở đầu bài viết này để nói về mối quan hệ Việt-Mỹ đang tiến triển. Thì ra chính trị, để đến được với lòng người, phải cầu viện đến văn hóa! Muốn rung động lòng người Việt Nam, vị Tổng thống nước Mỹ đã viện đến tác giả Truyện Kiều. Đưa văn hóa vào trong chính trị, làm cầu dẫn cho chính trị là sự khôn ngoan và tinh nhạy của một chính khách.

Điều ấy, ông cha ta đã từng sử dụng rất nhuần nhuyễn vì nước ta vốn là một nước văn hiến.

Vì vậy, câu chuyện thứ hai xin nói về bài thơ tiếp sứ phương Bắc của một minh quân Việt Nam cách nay hơn 700 năm, vua Trần Nhân Tông với bài thơ “Quỹ Trương Hiển Khanh xuân bính”, tặng bánh ngày xuân cho sứ Bắc Trương Hiển Khanh :

Giá chi vũ bãi, thí xuân sam,
Huống trị kim triêu tam nguyệt tam.
Hồng ngọc đôi bàn xuân thái bình,
Tòng lai phong tục cựu An Nam.

Múa giá chi xong, thử tấm áo ngày xuân
Huống nữa hôm nay lại gặp tiết mồng ba tháng Ba.
Bánh rau mùa xuân như ngọc hồng bày đầy mâm
Đó là phong tục của nước An Nam xưa nay.

Mùa xuân Việt Nam. Tranh Trương Hán Minh

Đằng sau vũ điệu và xiêm áo dân tộc của người vũ nữ múa chào khách, đằng sau sự mộc mạc của bánh, của rau mời khách là bề dày văn hóa dân tộc của một nước “vốn xưng nền văn hiến đã lâu, sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác”! Nền văn hóa ấy người ta đã từng muốn xóa sạch trong âm mưu đồng hóa: “Hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến những loại ca lý dân gian hay sách dạy trẻ nhỏ, loại sách có câu “thượng đại nhân, khưu ất kỷ ”... một mảnh, một chữ đều phải đốt hết”. ẩn trong nét dáng mộc mạc và khiêm nhường, bài thơ tiếp sứ toát lên niềm tự hào về bản sắc văn hóa của một đất nước đã từng “xã tắc hai phen chồn ngựa đá, non sông nghìn thuở vững âu vàng”. Đừng quên rằng: Trần Nhân Tông là vị vua văn võ song toàn, từng thống lĩnh ba quân hai lần đánh tan đế quốc Nguyên-Mông xâm lược, khi đất nước yên bình, Ngài trao lại vương triều cho con, lên tu ở Yên Tử, gây dựng nên Thiền phái Trúc Lâm. Cho nên không có gì ngạc nhiên trong bài thơ nói trên thấm đượm một bản lĩnh văn hóa.

Từ sự nối kết mạch tư duy xưa và nay mà ngẫm ra một mệnh đề của một học giả phương Tây đưa ra cách đây không lâu lắm, thoạt nghe cứ tức anh ách, nhưng bình tâm suy nghĩ, lại thấy ra đó là sự diễn đạt một cái gì đó na ná như quy luật vậy: “Hãy làm cho mọi cái luôn luôn đổi thay, để về cơ bản không có gì thay đổi cả”.

Thì đấy, con người hiện đại, rất hiện đại kia chẳng đang phải viện đến truyền thống đó sao? Mà là truyền thống ở phần chưng cất từ phần tinh hoa nhất. Và con người truyền thống, rất truyền thống như vị vua anh minh kia đã sử dụng văn hóa, kể cả cái mà ngày nay nói đến như một thứ thời thượng là văn hóa ẩm thực, để làm ngoại giao và bộc lộ bản lĩnh đó sao?

Chính trị cao nhất là phải nhuần nhị về văn hóa. Không có văn hóa không thể làm chính trị được. Thật hạnh phúc biết bao cho một dân tộc có những bậc minh quân như Trần Nhân Tông. Nhưng cũng đáng quý biết bao khi vua Trần Nghệ Tông, ở ngôi 3 năm, nhường ngôi 27 năm, thọ 74 tuổi, “công nghiệp lớn lao, sáng lòa vũ trụ. Song cung kính kiệm ước thì có thừa mà cương nghị quyết đoán lại không đủ, bên ngoài thì quân giặc xâm phạm kinh kỳ, bên trong thì gian thần ngấp nghé ngôi báu. Xã tắc suy mòn rồi diệt vong” như Đại Việt Sử ký toàn thư, kỷ Nhà Trần chép, nghĩ đến công đức của cụ cố Nhân Tông, đối chiếu với vận nước đang suy vi đã tự phản tỉnh trong những dòng thơ cảm khái. Nói “đáng quý” chính là nói về tinh thần cảm khái, mà theo ngôn từ hiện đại là “tự chỉ trích, tự phê phán” đang ngày càng hiếm hoi:

Tự hận nhi tôn tham bão noãn
Bất tùy xung mật báo thâm ân.

Tự hận cháu con tham lợi lộc Không theo nghĩa lớn báo ơn dày.

Chao ôi, biết tự chỉ trích, có được những dòng thơ cảm khái của người biết liêm sỉ, phải là một người có văn hóa. Nhớ rằng, chính Nghệ Tông chứ không ai khác, từng khẳng định bản lĩnh văn hóa Đại Việt. Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép: “Vua từng nói... Nam Bắc, nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau. Khoảng năm Đại Trị (1358-1369), bọn học trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý nghĩa sâu xa của việc lập pháp, đem phép cũ của tổ tông thay đổi theo tục phương Bắc cả, như về y phục, âm nhạc... thật không kể xiết”. Hiểu điều này sẽ hiểu hơn ý nghĩa bài thơ tiếp sứ của Nhân Tông và do đó cũng hiểu ra được nỗi lòng của Nghệ Tông, bất lực trước vận nước suy vi, nhưng vẫn còn điểm khả thủ vì vẫn còn là một nhân cách văn hóa chưa bị băng hoại. Thế đấy!

Văn hóa trường tồn cùng với con người. Văn hóa song hành cùng với hành trình con người đi tìm một mùa xuân bất tận.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Gia tài văn hóa của Việt Nam

    05/04/2019Phan NgọcTại sao có một bề dày văn hóa mà Việt Nam chưa bao giờ giàu có cả? Bởi vì, bề dày văn hóa như một kho vàng, tuy nhiên phải vất vả đào bới mới có được và từng cá nhân một phải làm cho chính minh. Nhưng trước hết phải có người chỉ cho anh ta thấy kho vàng đã. Do đó, phải có một chính trị sáng suốt của anh ta, cho anh ta và vì anh ta. Và xây dựng những tổ chức để cùng nhau dào bới...
  • Toàn cầu hóa và hội nhập văn hóa

    21/01/2015Đinh Quang TổnToàn cầu hóa là một xu thế không thể cưỡng lại đối với tất cả các quốc gia. Chủ động để hội nhập là một thái độ tích cực, khôn ngoan. Chủ động hội nhập là khẳng định đường hướng có chiến lược, có chiến thuật, có kế hoạch cho tùng bước đi. Chủ động hội nhập sẽ khai thác được nhiều nhất những thuận lợi, những cơ hội để dân tộc có nhiều lợi ích nhất...
  • Thế động của văn hóa

    03/11/2014Trần Kiêm ĐoànKhi nói đến văn hóa Việt Nam, phần lớn những nhà nghiên cứu thuộc thế hệ đàn anh thường nói lên một khái niệm ước lệ như “Nước Việt ta có bốn nghìn năm văn hiến”. Đó là cách nói ở “thế tĩnh”. Coi văn hóa là một gia tài quá khứ, mang một giá trị tượng trưng và mơ hồ cần được chưng trong tủ kiếng hay cất kỹ trong cái tráp sơn son thép vàng của lòng tự hào dân tộc...
  • Nhìn về môi trường văn hóa VN

    08/12/2008PGS.TS Hồ Sĩ QuýChưa bao giờ môi trường văn hóa ở VN phong phú và đa dạng, năng động và tích cực, khích lệ và cám dỗ, có nhiều cơ hội và thách thức… như hiện nay. Có thể nói được như thế với thái độ hoàn toàn nghiêm túc và khách quan.
  • Chữ Tâm và văn hóa Việt Nam

    19/11/2008Phan Chí ThànhTrong văn hoá Việt Nam, “Tâm” không phải là khái niệm thuần Việt mà là thứ vay mượn của Trung Quốc. Xét về mặt chữ, về ngôn từ có thể nói là chỉ mượn chữ, tức là mượn vỏ khái niệm, còn hàm nghĩa thì người Việt tự đưa vào. Chuyện nó phải là thế như một cái lẽ tất nhiên, vì giá trị tinh thần bao giờ cũng được khái quát từ thực tế đời sống. Mà đời sống Việt Nam thoạt nhìn canh tàu thu nhỏ kích cỡ, đến khi thấm vào trong thì lại khác nhau rất nhiều, khác về cơ bản...
  • Giao lưu văn hóa trong thời hội nhập

    12/08/2008GS. TS Hồ Sĩ VịnhGiao lưu văn hóa (GLVH) trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa đòi hỏi bản lĩnh văn hóa Việt Nam. Bản lĩnh, bản sắc dân tộc là cội rễ của GLVH. Trong mọi hoạt động văn hóa, Đảng và Nhà nước ta bao giờ cũng nêu cao định đề biện chứng: Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại...
  • Mở rộng Hà Nội: Nỗi lo giữ gìn văn hóa thủ đô

    13/05/2008Đan TâmViệc mở rộng Hà Nội cần được tính toán rất kỹ về nhiều mặt và có bước đi thích hợp nhằm thể hiện được thủ đô là tiêu biểu nhất cho chính trị và văn hóa của đất nước
  • Thế động của văn hóa

    12/01/2008Trần Kiêm ĐoànKhi nói đến văn hóa Việt Nam, phần lớn những nhà nghiên cứu thuộc thế hệ đàn anh thường nói lên một khái niệm ước lệ như "Nước Việt ta có bốn nghìn năm văn hiến". Đó là cách nói ở "thế tĩnh". Coi văn hóa là một gia tài quá khứ mang một giá trị tượng trưng và mơ hồ cần được chưng trong tủ kiếng hay cất kỹ trong cái tráp sơn son thếp vàng của lòng tự hào dân tộc...
  • Về môi trường văn hóa và môi trường văn hóa ở Việt Nam

    08/07/2007Hồ Sĩ QuýViệc sửdụng lý thuyếtmôi trường văn hoá làmột cách kiến giải mới,một phương án tưduy mới về những vấn đề quen thuộc. Tác giảđã sửdụng lượng thông tin rất phong phúđể lý giải môi trường văn hoá Việt Nam từ các phương diện: tư tưởng- lý luận,kinh tế xãhội, đời sống tinh thần xã hội. Trêncơ sởđó, tác giả đưa ra kết luận rằng, nét chủđạo của môi trường văn hoá Việt Nam hiện naylà tốt đẹp và lành mạnh...
  • Tích hợp và tự sinh trong văn hóa Hồ Chí Minh

    19/05/2007Phan Công KhanhNhân loại không thiếu những anh hùng dân tộc, những đanh nhân văn hóa có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với sự phát triển của đất nước họ, sự vận động chung của lịch sử nhân loại. HồChíMinh là hiện thân của nhiều giá trị, đặc sắc về tính dân tộc nhưng vẫn bao hàm những yếu tố phổ quát của nhân loại...
  • Giữ gìn và khai thác di sản văn hóa dân tộc

    13/03/2007GS, TS Phạm Đức Dương“Văn hóa là cái còn lại sau khi đã quên hết - ta cố giữ lấy những cái gì còn lại đó”.
  • Một văn hóa mới cho hội nhập hôm nay

    28/10/2006Nguyên NgọcVăn hóa vốn bao giờ cũng là nền tảng quyết định của xã hội, rõ ràng bây giờ đang cần có một văn hóa khác: một văn hóa cho sự phát triển mạnh mẽ, sâu sắc toàn diện nhất củatừng cá nhân, từng cá nhân không phải chìm trong cộng đồng, mà tự mình thật mạnh, cho cộng đồng, đất nước mạnh...
  • Đối thoại liên văn hóa giữa Việt Nam và phương Tây

    26/06/2006Hữu NgọcCó thể định nghĩa tiếp biến văn hóa là sự tiếp xúc giữa các cộng đồng văn hóa khác nhau và kết quả là những thay đổi về văn hóa trong mỗi nhóm. Thí dụ: hai nhóm văn A và B tiếp xúc với nhau: tiếp xúc văn hóa có thể đem lại kết quả tích cực hoặc tiêu cực...
  • “Chỉ gìn giữ văn hóa không đủ, còn phải phát triển văn hóa”

    24/03/2006Thạch LựuNgười phụ nữ giữ trọng trách Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc Hội gọi công việc của mình là làm PR cho nước Việt Nam. Trong suốt quá trình đi giới thiệu Việt Nam, văn hóa là lĩnh vực mà bà Ninh chú trọng và có ý thức gạn đục khơi trong những đóng góp của người ngoài để làm quà cho những người làm văn hóa trong nước. Đôi khi món quà ấy không phải lúc nào cũng ngọt ngào…
  • Đi tìm ẩn số đẳng cấp văn hóa

    13/01/2006Giàu có, mức sống cao nhưng tầm văn hóa mỏng, người ta sẽ đi về đâu? Băn khoăn ấy là ẩn số cần được lưu tâm...
  • Một vài suy nghĩ về văn hóa Việt Nam

    10/12/2005Là một nhà nghiên cứu văn học, GS Hà Minh Đức rất quan tâm đến sự phát triển của nền văn hoá dân tộc vì theo ông văn hoá gắn với sự phát triển chung của đất nước, với mỗi con người, mỗi cuộc đời. Dưới đây, Tạp chí xin giới thiệu đôi điều suy nghĩ của GS về văn hoá Việt Nam.
  • Tản mạn về một số hiện tượng văn hóa Việt Nam đương đại trong quan hệ với quá trình “đứt gãy văn hóa”

    06/12/2005Nguyễn HoàMột hệ thống giá trị văn hóa - văn minh lạ lẫm được du nhập... đã gây nên một cuộc đảo lộn và một quá trình “đứt gãy văn hóa” xuất hiện. Nhưng quá trình du nhập ấy, sự “đứt gãy văn hóa” ấy dẫu mạnh mẽ đến đâu vẫn không thể nhanh chóng thay thế tất thảy mọi hành vi ứng xử, mọi thói quen, nền nếp văn hoá... có tuổi đời đã hàng nghìn năm. Nó phải chấp nhận một tình trạng “lưỡng phân"...
  • xem toàn bộ