Thông điệp của Việt Nam: Bền vững và sáng tạo

08:46 SA @ Thứ Ba - 29 Tháng Sáu, 2010

Tại phiên họp của Diễn đàn các nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu (FYGL), trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á tại TP.HCM trong 2 ngày 6-7/6/2010, Tổng Giám đốc Công ty Cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ - diễn giả duy nhất là doanh nhân của Việt Nam (theo tiến cử của Bộ Ngoại giao Việt Nam) đã có bài tham luận “Thông điệp bền vững của Việt Nam trong bối cảnh châu Á dẫn đầu phục hưng kinh tế toàn cầu”.

Bản tham luận hết sức ấn tượng, đã đem đến cho các diễn giả và toàn thể những người tham gia phiên thảo luận “một nguồn cảm hứng đầy thú vị vì những ý tưởng đột phá, và sáng tạo”. (đánh giá của chủ tọa phiên thảo luận – GS danh dự Hellmut Schutte, trường kinh doanh Quốc tế châu Âu – Trung Quốc (CEIDS)).
Tia Sáng xin giới thiệu một số phần của tham luận đó.

Năm nay, chủ đề của Diễn Đàn là “Suy nghĩ lại chương trình nghị sự lãnh đạo của châu Á”. Đây là một chủ đề rất thời sự, đặc biệt, khi Đông Á đang dẫn đầu sự hồi phục kinh tế toàn cầu, phản ảnh xu thế hợp tác kinh tế khu vực ngày càng gia tăng, sức tiêu thụ mạnh của thị trường nội địa, và các biện pháp kích cầu được điều phối. Điều đáng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên châu Á đang dẫn đầu sự hồi phục kinh tế toàn cầu, mặc dù từ ba thập niên trước, sự tăng trưởng ở châu Á cũng đã vượt các nền kinh tế tiên tiến. Song song với những tiến bộ phát triển tăng tốc của Trung Quốc và Ấn Độ, một thị trường chung của Cộng Đồng ASEAN với 580 triệu người tiêu dùng, đang được hình thành theo tiến trình hội nhập kinh tế khu vực vào năm 2015. Có thể nói rằng gần như ở khắp mọi nơi có một niềm lạc quan mới trong việc đi theo hướng châu Á.

Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức rằng, trong bối cảnh châu Á dẫn đầu phục hưng kinh tế toàn cầu, không cho phép chúng ta quay lưng lại đối với các khủng hoảng khác không kém nghiêm trọng và đang đe dọa cộng đồng thế giới. Đó là: Biến Đổi Khí Hậu, với sự nóng lên toàn cầu, thời tiết đổi thay cực độ và nước biển đang dâng lên trở thành hiểm họa ngày càng rõ rệt khắp trên thế giới; An ninh lương thực cũng là mối hiểm họa đe dọa sự phát triển của những nước chậm tiến trên nhiều lục địa; An ninh năng lượng ngày càng trầm trọng với sự khan hiếm dần của các nguồn than, dầu và khí trên thế giới, có khả năng lũng đoạn sự phát triển của đa số các nền kinh tế trên thế giới còn đang dựa trên năng lượng không tái tạo. Và trên hết là Khủng hoảng nhân văn – về những gía trị văn hoá, đạo đức cũng như tâm linh – rõ ràng khắp nơi trên thế giới, với sự đồng hóa của những tập tục tiêu dùng và sản xuất không bền vững bởi tác động của toàn cầu hóa.

Vì vậy, chúng ta cần kiên định hoạt động tích cực hơn nữa để giãi quyết những thách thức đó theo phương châm: Suy tính lại, thiết kế lại, và xây dựng lại như châm ngôn của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã đề xuất đầu năm nay. Đồng thời, đây chính là thời điểm phải suy tính lại những mô hình phát triển và tập trung vào những chiến lược tăng trưởng xanh, để châu Á có cơ hội trở thành vai trò chủ đạo của nền kinh tế mới toàn cầu, trong các lĩnh vực như củng cố sinh thái, tiến bộ xã hội, sáng tạo và khai nghiệp xanh, và những hệ thống quản trị mới.

1. Tiến đến một thỏa thuận xanh toàn cầu mới

Chương trình Liên Hiệp Quốc về Môi trường (UNEP) đã đề xuất một kế hoạch phục hưng kinh tế toàn cầu gọi là «Một thỏa thuận xanh Toàn cầu mới» (Global Green New Deal). Chúng tôi nghĩ rằng đây là một đề xuất rất cần được sự hưởng ứng của cộng đồng thế giới. Thật sự, nếu chúng ta muốn thực hiện sớm những Chỉ tiêu phát triển của Thiên niên kỷ (Millennium Development Goals), đặc biệt là chương trình xóa đói trước thời hạn 2015, thì các nhà lãnh đạo của châu Á cần khẩn trương bắt tay hợp tác để cổ vũ cho kế hoạch phục hưng kinh tế toàn cầu này được thực hiện sớm. Ưu tiên là phải tạo ra công ăn việc làm trong những lĩnh vực gọi là xanh, như là cứu rừng nguyên sinh và chương trình trồng rừng qui mô, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn, phát triển các nguồn lực biển và ngành ngư nghiệp.

Chúng ta cần khẩn trương tập trung vào vấn đề an ninh lương thực trên thế giới, qua các chương trình đa dạng hóa các loại cây lương thực (food crops) và nâng cấp các sản phẩm nông nghiệp với việc ứng dụng công nghệ sinh học. Những mô hình trang trại sinh thái mới cần được thiết kế và phát triển, song song với một thế hệ mới những đô thị sinh thái, nhằm giải quyết những áp lực của sự khủng hoảng đô thị hoá toàn khắp châu Á.

Là địa bàn của các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất, châu Á không có lựa chọn nào khác hơn là chuyển dịch vào nền kinh tế xanh càng sớm càng tốt. Điều này có nghĩa rằng châu Á cần lấy sáng kiến đề xuất những giải pháp sinh thái bền vững cho vấn đề trung tâm là an ninh năng lượng, nhanh chóng chuyển dịch sang những nguồn năng lượng tái tạo, sự tiếp thu các công nghệ sạch và sự chuyển đổi các công nghiệp ô nhiễm trở thành các công nghiệp thấp về carbon, quãng bá mô hình kinh tế dịch chuyển theo công thức 3R (giảm thiểu, chế biến lại và sử dụng lại), và những công thức thiết kế sinh thái và những Giải pháp sinh thái về tiêu thụ và sản xuất bền vững.

Sáng chế và khai nghiệp xanh (innovation and green entrepreneurship) sẽ trở thành hai động lực cơ bản cho nền kinh tế mới, đốc thúc bởi tài chính xanh (green finance) dựa trên nguyên lý gọi là PPP: trước tiên là hành tinh (Planet), thứ đến là cộng đồng (People) và sau cùng là lợi nhuận (Profit), theo đúng thứ tự như vậy. Một sự chuyển dịch về tư duy là khẩn thiết và suy tính lại là yêu cầu trước mắt.

Trong cấu trúc nền kinh tế mới trên thế giới, Việt Nam sẽ phấn đấu vươn lên để có mặt trong toàn bộ chuỗi gía trị của nền Kinh tế xanh, kể cả bốn khâu chính như: nghiên cứu phát triển, sáng chế và sản xuất, hệ thống phân phối sản phẩm, cũng như xây dựng thương hiệu với gía trị sản phẩm gia tăng.

2. Mặt Trận Ngoại Giao Xanh

Có thể nói rằng, trong hai thập niên vừa qua, ASEAN đã đóng góp trong việc phục hưng của châu Á trên chính trường toàn cầu, với một luật chơi hoàn toàn mới khác ngược với luật chơi quyền bính cổ điển giữa các nước trên thế giới, và đã làm thay đổi hẳn cục diện địa lý chính trị ở toàn bộ Đông Á. Cộng đồng ASEAN cũng đã đóng góp cho một địa bàn hợp tác và hội nhập kinh tế khu vực ở Đông Á, và đã trở thành động lực chính của tiến trình phát triển của Á châu và xa hơn nữa. Chỉ trong vòng 20 năm, ASEAN đã trở thành một địa bàn trung tâm của Cộng Đồng hội nhập kinh tế với phạm vi mở rộng ở toàn Đông Á, với những nền kinh tế hùng mạnh của châu Á, như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, và kể cả Ấn Độ. Mậu dịch tự do và phối hợp tài chính là hai động cơ chính trong tiến trình hội nhập kinh tế mở rộng này, và đã làm thay đổi hẳn cục diện địa-lý kinh tế của châu Á.

Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi hẳn cách chúng ta định nghĩa về ngoại giao. Việc xanh hóa ngành ngoại giao đòi hỏi một quan điểm mới và tiến bộ về quyền lợi quốc gia trong một bối cảnh toàn cầu hoàn toàn thay đổi. Cộng đồng ASEAN cũng có khả năng đóng góp vào hợp tác toàn cầu qua mặt trận Ngoại giao xanh nhằm góp phần giải quyết những hiểm họa xuyên biên giới, như là biến đổi khí hậu, sự lan tràn của những bệnh dịch, sự bất ổn nhiều mặt trên thế giới, AIDS, và nhiều cơ nguy khác.

Vì thế mà Việt Nam cũng đã phối hợp với Denmark nhằm đề xuất một sáng kiến của ASEM về Mặt trận Ngoại giao xanh, với việc thiết lập một mạng lưới ASEM về biến đổi khí hậu với mục tiêu là kết hợp những vấn đề môi trường và phát triển bền vững vào ngành ngoại giao và dùng địa bàn ASEM làm động lực cho sự hình thành của nền Kinh tế xanh. Mạng lưới ASEM về Biến đổi khí hậu sẽ đối phó những vấn đề sau đây: sự nóng lên toàn cầu, đa dạng sinh học, sa mạc hóa, bảo vệ rừng, nước, năng lượng, quản lý chất thải, và phát triển bền vững. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước đối thoại của Cộng Đồng ASEAN, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như Liên minh Châu Âu, để xây dựng mặt trận ngoại giao xanh nhằm tăng cường hợp tác về môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, trên quan điểm quyền lợi chiến lược của mỗi nước gắn bó với quyền lợi của toàn bộ đại đồng thế giới.

Sự hợp tác mới toàn cầu này cũng sẽ bao gồm vai trò không thể thiếu được của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự. Các doanh nghiệp tiên tiến hiện đại, đặc biệt là đa số các công ty đa quốc gia là chủ thể của nhiều tiến bộ khoa học công nghệ của nhân loại, cũng như của những công thức quản lý qui mô và tinh vi nhất về việc giao hàng và dịch vụ với qui mô lớn. Các doanh nghiệp này có khả năng lớn đóng góp vào trách nhiệm xã hội nhằm cứu Trái đất và nhân loại. Vai trò của cộng đồng dân sự thế giới cũng rất cần thiết để các chính phủ của họ thực hiện những cam kết chung.

3. Xây Dựng Kiến Trúc Tài Chính Khu Vực và Toàn Cầu:

Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức của nền kinh tế hậu khủng hoảng, đặc biệt là nhu cầu củng cố sự ổn định tài chính khu vực ở Đông Á, Việt Nam ủng hộ tiến trình củng cố hợp tác tài chính trong khuôn khổ ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) lên một tầm chiến lược cao hơn. Trong những sáng kiến của ASEAN dưới Sáng kiến Đa phương hóa của Chiang Mai, gần đây đã được thành lập một Quĩ Tín Dụng và Đầu tư với số tiền là 700 triệu USD, trong khuôn khổ Sáng kiến thị trường Trái phiếu châu Á.

Đương nhiên, một trật tự kinh tế tài chính mới trên thế giới cũng phải tương xứng với xu thế cải cách và cơ cấu lại Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là các tổ chức kinh tế toàn cầu như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cần phải có những định chế dân chủ hơn, với sự có mặt tương xứng đại diện của các nước đang phát triển.

Thật ra hiện nay không ai biết chắc được kiến trúc này sẽ như thế nào. Nhưng sự thật là một cuộc cách mạng đang hình thành ở châu Á nhằm đổi thay môi trường tài chính khu vực. Ngày hôm nay. Châu Á đang giữ trong tay số dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, gần 3 ngàn tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc giữ đến 2 ngàn tỷ. Vì thế sự hình thành của một kiến trúc tài chính quốc tế mới cần sự hội kiến và tham gia rộng rãi của nhiều chủ thể hơn,với Cộng đồng ASEAN đóng một vai trò tích cực hơn trước.

4. Bảo đảm An Ninh Lương Thực Thế Giới

An ninh lương thực cũng là một mối quan tâm lớn của thế giới vì thực trạng nghèo đói đang đe dọa nhiều xã hội trên các lục địa, như châu Phi, Trung Đông và Nam Á. Đây là một lãnh vực mà Việt Nam có nhiều kinh nghiệm. Cũng từ một nước lạc hậu nghèo đói từ giữa thập niên 80, Việt Nam đã trở thành một nước hàng đầu sản xuất lương thực và nông sản, hạng nhì về xuất khẩu gạo, hàng đầu về cà phê Robusta và hạt Tiêu. Việt Nam sẵn sàng đem kinh nghiệm và kiến thức của mình, đặc biệt về trồng lúa nước, về các cây thực phẩm để đóng góp vào các chương trình lương thực.

Trong thời đại biến đổi khí hậu, làm thế nào tạo thêm công ăn việc làm cho 70 % dân số nông thôn là một kịch bản trong thập niên tới đây. Việt Nam có kế hoạch xây dựng những vùng kinh tế xanh trọng điểm ở Cao Nguyên miền Bắc, Tây Nguyên Trung phần, Cà Mau và đảo Phú Quốc. Những mô hình làng sinh thái hay trang trại sinh thái sẽ được thiết kế và xây dựng, với sự hợp tác quốc tế nhiều mặt nhằm đóng góp củng cố an ninh lương thực thế giới.

Phát triển nông thôn cần được xúc tiến mạnh mẽ, với việc áp dụng các chính sách về tín dụng và yểm trợ tài chính cho các nông trường và trang trại, qua chương trình cung cấp động vật và hạt giống cho nông dân, áp dụng công nghệ sinh học vào việc nâng cấp và chọn lọc hạt giống và nuôi dưỡng tế bào (tissue culture), xây dựng hạ tầng kỹ thuật và dẫn thủy nhập điền (thủy lợi) ở các vùng nông thôn, mở rộng khai khẩn đất mới trồng trọt, tăng cường năng xuất lao động, xây dựng hệ thống kho hàng dự trữ nông sản và chế biến lương thực.

Việt Nam có khả năng đem kinh nghiệm của mình về phát triển nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và hiện đại hóa nông thôn tham gia vào các chương trình quốc tế về an ninh lương thực. Tăng trưởng theo hướng phát triển nông nghiệp sẽ tăng cường lương thực, cung cấp lương thực với gía có thể chấp nhận, và đem lại thu nhập cho người nghèo. Vì đây là vấn đề sống còn một quốc gia và Việt Nam có điều kiện đem kiến thức xanh của mình để đóng góp vào chương trình hành động quốc tế xóa đói giảm nghèo trên thế giới.

5. Khắc Phục Khủng Hoảng Nhân Văn, Đạo Lý và Tâm Linh

Chúng ta cũng cần nhận thức sâu sắc rằng, nếu phát triển không bền vững, không dựa trên những nguyên lý công bình sinh thái để bảo vệ trái đất và phục vụ cho nhân loại, mà chỉ dựa trên thị trường cạnh tranh, thì sớm hay muộn sẽ tái diễn sự khủng hoảng kinh tế như vừa qua. Điều này sẽ không tránh khỏi. Vì vậy chúng ta cần thiết phải suy tính lại toàn bộ hệ thống gía trị và luân lý cần chia sẻ, các cơ chế qui định của nền kinh tế thế giới, bang giao quốc tế dựa trên sự tương thuộc lẫn nhau.

Vấn đề cốt lõi ngày hôm nay là xem thử cộng đồng thế giới của chúng ta có thể có một tinh thần đại đồng (communitarian spirit) và một đạo lý toàn cầu (global ethic) để bảo vệ tương lai, hay là chúng ta sẽ trở lại những lối cũ của thói quen và những tập tục cùng lối sống không bền vững và như vậy tiếp tục làm tổn thương đến các hệ sinh thái của trái đất cần thiết cho sự trường tồn của nhân loại, không nói đến xu thế “đồng phục hóa” (uniformization) đem lại bởi toàn cầu hóa. Nếu phát triển chỉ dựa trên chỉ số và kích thước đo lường vật thể và thực dụng, thì phát triển không có tâm (development without a soul).

Đáng lẽ ra, chúng ta cần quan tâm hơn nữa về Tổng Hạnh phúc Quốc gia (Gross National Happiness) thay vì chỉ nghĩ đến Tổng sản lượng Quốc gia (Gross National Product). Công bình và hạnh phúc xã hội sẽ không có ý nghĩa, vì những giá trị cốt lõi của xã hội đã bị khống chế bởi cơ chế thị trường nhằm chỉ phục vụ cho lợi nhuận và đồng tiền. Đây là vấn đề chính yếu của sự khủng hoảng nhân văn hiện nay mà nhiều nhà quan sát đã tiên đoán rằng đang báo hiệu sự suy vong của nền văn minh công nghiệp.

Vấn đề không phải là cộng đồng thế giới không có những giá trị cốt lõi cao quí để cùng chia sẽ. Chúng ta có tất cả, nhưng chúng ta đã và đang bị thị trường thực dụng hoàn toàn thống trị theo những định luật vô luân. Nếu thật sự chúng ta muốn giải quyết những khủng hoảng nêu trên, thì nhất thiết chúng ta phải quyết tâm cam kết bảo vệ những giá trị nhân văn, đạo lý và tâm linh của đại đồng nhân loại trên trái đất, dựa trên tính “nhất nguyên” (oneness).

Chúng tôi chia sẻ những câu hỏi và quan tâm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong báo cáo gần đây nhất về “Tín ngưỡng và Chương trình Nghị sự Toàn cầu : Giá trị cho Nền Kinh tế Hậu khủng hoảng”. Các bạn nêu lên những vấn đề then chốt cho sự sống còn của đại đồng nhân loại trong hành tinh. Câu kết luận của báo cáo này nêu lên một nhận xét vô cùng đau đớn: “Nếu không có thay đổi, thì con đường cũ sẽ dẫn đến chủ nghĩa man rợ”.

Việc tìm kiếm một hướng tư duy mới đã ám ảnh nhiều thế hệ của cộng đồng chúng ta trước đây. Ngày hôm nay việc này càng khẩn thiết hơn nữa. Như ngài Javier Perez de Cuellar, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc trong thập niên 80 đã nêu lên: “Thách thức đối với nhân loại là chấp nhận những lối suy nghĩ mới, những lối hành động sáng tạo, những lối tổ chức xã hội mới, những lối sống mới. Thách thức là cổ vũ cho những con đường phát triển khác nhau, dựa trên những yếu tố nhân văn trong đó các xã hội có thể định vị tương lai của chính mình và chọn những con đường thích hợp để tiến đến những tương lai đó”. Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu hiện nay, văn hóa chính là nguồn gốc của đổi mới của sáng tạo, và sẽ khơi dậy những triển vọng đầy hứa hẹn của nhân loại.

***

Việt Nam là một nước đi sau trong tiến trình phát triển của thế giới và chúng tôi được cái may mắn học hỏi từ những kinh nghiệm, thậm chí từ những thành tựu lẫn thất bại của các nước đi trước. Việt Nam chúng tôi đã nhận diện sâu sắc những xu thế mới của thế giới sau khủng hoảng, với một tầm nhìn trong sáng và một cam kết quyết liệt để chuyển dịch sang nền kinh tế xanh theo hướng sáng tạo và bền vững. Trong thời đại toàn cầu hóa, thông điệp của Việt Nam là bền vững và sáng tạo. Quyền lợi của Việt Nam gắn kết với quyền lợi của đại đồng thế giới. Việt Nam bền vững thì đóng góp cho thế giới bền vững...và ngược lại.

Nguồn:Tia sáng
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Con người - Tiền đề của sự phát triển

    08/04/2020Nguyễn Trần BạtTrước khi nói về vai trò của nguồn lực con người trong một nền kinh tế, ta phải nói đến tính năng động của nền kinh tế. Tính năng động vô cùng quan trọng như thế nào trong điều kiện kinh tế thị trường, có lẽ không cần nhắc lại...
  • Tư duy địa kinh tế - địa chính trị

    23/05/2016Nguyễn Trần BạtGần 30 năm trôi qua kể từ khi chiến tranh kết thúc, khoảng thời gian đủ dài để một đất nước phát triển tới tầm cao mới về chất, nhưng Việt Nam vẫn không thể phát triển, trái lại vẫn mắc kẹt trong những tình thế kinh tế - chính trị bất lợi. Nguyên nhân của tình trạng này có phần rất lớn thuộc về trách nhiệm của công tác hoạch định chiến lược phát triển kinh tế...
  • Đồng thuận xã hội

    17/06/2014Nguyễn Trần BạtCó một thuật ngữ được báo chí và truyền hình sử dụng khá nhiều trong những năm gần đây, nhưng lại đang được hiểu một cách không đầy đủ, đó là đồng thuận. Có thể khẳng định, cho đến nay khái niệm này vẫn chưa được nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện....
  • Vấn đề xây dựng mô hình kinh tế

    13/10/2010Nguyễn Trần BạtTrong một thời gian dài, vấn đề lựa chọn các mô hình kinh tế được đặt ra một cách sôi nổi, không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước đang phát triển và các quốc gia chuyển đổi. Không những thế, việc lựa chọn các mô hình kinh tế sao cho phù hợp với những đặc điểm riêng của từng quốc gia được xem như là biểu tượng của sức sáng tạo và quyền tự quyết của quốc gia...
  • Những biến đổi quan trọng giai đoạn 2011 - 2020 và vấn đề xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam

    05/11/2009GS, TS. Trần Ngọc HiênSự hình thành và phát triển đội ngũ trí thức luôn gắn liền với những điều kiện lịch sử của dân tộc và thời đại. Đội ngũ đó phải là sản phẩm của giai đoạn phát triển của dân tộc và thời đại. Vì vậy, nghiên cứu vấn đề xây dựng đội ngũ trí thức nước ta giai đoạn 2011 - 2020 cần chú ý đến giai đoạn ấy có thể có những biến đổi gì trong sự phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, phát triển kinh tế và xã hội. Đó là những biến đổi hình thành môi trường hoạt động và phát triển của trí thức.
  • Việt Nam với chiến lược xây dựng hai nền kinh tế

    01/03/2009Nguyễn Trần BạtHiện tượng khủng hoảng kinh tế vừa rồi của thế giới chính là hiện tượng mà các nền kinh tế bản thể bị nhổ rễ ra khỏi lợi ích của những con người cư trú trong các vùng lãnh thổ. Việc xây dựng nền kinh tế Việt Nam phải là kết quả của việc xây dựng đồng thời cả nền kinh tế bản thể và nền kinh tế phát triển, vai trò của Nhà nước là phải cân đối tỷ lệ hợp lý của hai nền kinh tế này...
  • Dự báo chiến lược: Khó nhưng rất cần

    29/01/2009Đình TĩnhTháng 9/2008, Lehman Brothers nộp đơn xin phá sản, gây dư chấn và đẩy nhanh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Trước đó, tháng 9/2001, nước Mỹ bị tấn công khủng bố. Tháng 9/1989, Ba Lan chính thức rời khối XHCN. Tất cả những sự kiện đó, ngoài mẫu số chung là xảy ra vào tháng 9...
  • Khủng hoảng kinh tế thế giới và những nhiệm vụ của năm 2009

    09/01/2009Nguyễn Trần BạtTrong thời đại đã toàn cầu hoá ngày nay, không quốc gia nào có quyền nói về những hiện tượng phát triển của mình mà không quan tâm, không phân tích hiện tượng tương đương của thế giới. Phải nói rằng, cho đến phút này, giới học giả và chính phủ trên thế giới chưa hình dung được đầy đủ cơ cấu của hiện tượng khủng hoảng kinh tế...
  • Vượt qua khủng hoảng tài chính & suy thoái kinh tế

    25/06/2008Linh VũLàm thế nào để vượt qua khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, như đã từng xảy ra ở các nước Châu Á thời điểm 1997-1999 và hiện đang xảy ra tại Mỹ? Trong phạm vi bài báo này người viết sẽ điểm qua bài học kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc vượt qua khủng hoảng và suy thoái trên con đường phục hồi kinh tế...
  • Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtTại sao kinh tế Việt Nam nhỏ yếu nhưng lại không đổ vỡ sau khi hệ thống XHCN sụp đổ? Chúng ta có thể tìm ra lời giải đáp cho hiện tượng có vẻ kỳ lạ này ở kinh tế tư nhân. Trên thực tế, kinh tế tư nhân tại Việt Nam đóng vai trò như chiếc phao an toàn hay là tấm đệm chống rủi ro khi kinh tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng trong thập kỷ 80...
  • Toàn cầu hóa và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam

    15/08/2007Đinh Quang TyGiữa các nước và các bộ phận xã hội ở mỗi nước vẫn đang tồn tại sự khác biệt đáng kể về nhận thức cũng như trong hành động trước toàn cầu hóa. Những nước và các nhóm xã hội yếu thế thường bị thua thiệt do tác động từ những mặt trái của toàn cầu hóa và luôn phản đối nó hoặc trong tâm thế thích ứng bị động...
  • Chủ quyền quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế hiện nay

    14/07/2007Nguyễn Tuấn DũngViệc bảo đảm chủ quyền của mỗi quốc gia phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, chịu sự tác động của các nhân tố kinh tế, chính trị, quân sự… Trong phạm vi bài viết này, nêu lên một vài suy nghĩ về chủ quyền quốc gia Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế hiện nay...
  • Về thực chất của bước chuyển sang kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay

    21/06/2007Nguyễn Hữu VượngNền kinh tế nước ta hiện đang ở giai đoạn quá độ, chuyển tiếp từ nền kinh tế tập trung, hành chính - bao cấp sang nền kinh tếthị trường. Do vậy, thực chất của giai đoạn quá độ, chuyển tiếp từ nền kinh tế tập trung, hành chính - bao cấp sang nền kinh tếthị trường. Do vậy, thực chất của giai đoạn quá độ trong nền kinh tế nước ta, đương nhiên là một vấn đề đặc biệt có ý nghĩa, rất cần phải được nghiên cứu, xem xét...
  • Hiện đại hóa giáo dục để đi vào kinh tế tri thức

    16/02/2007GS. Hoàng TụyNăm học mới đã bắt đầu, năm học đầu tiên của thế kỷ 21. Giữa lúc suy thoái kinh tế và thất nghiệp đang đe doạ lan tràn khắp nơi, hầu hết các nhà trường trên thế giới văn minh vẫn tích cực bứơc vào hiện đại hoá giáo dục, ...
  • Tối ưu trong khoa học kỹ thuật kinh tế và đời sống

    02/02/2007Hoàng TụyNếu trước đây hơn 30 năm, trong hoàn cảnh chiến tranh, nước ta vẫn đi đầu ở Đông Nam Á về giáo dục, y tế và một số lĩnh vực khoa học (trong đó có vận trù học và lý thuyết tối ưu) thì ngày nay chúng ta không còn giữ được vị trí đó, thậm chí có mắt đã tụt hậu so với họ và có xu hướng ngày càng tụt hậu xa hơn. Đã đến lúc không còn chỗ để thụt lùi thêm nữa. Tình hình phát triển của khoa học kỹ thuật ngày nay, xu thế toàn cầu hóa và cạnh tranh kinh tế ngày càng gay gắt đang đặt ra cho chúng ta một sự lựa chọn khắc nghiệt: hiệu quả, tối ưu hoặc là sa sút là lụn bại.
  • Học cách tư duy mới trong một thế giới thay đổi

    17/03/2006Lê Đăng DoanhTrở về sau chuyến công tác dài ngày ở Thượng Hải, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã có bài nói chuyện tại Câu lạc bộ Doanh nghiệp VN. Bàn về kinh doanh trong thời kỳ mới, ông nhấn mạnh rằng đã đến lúc doanh nghiệp VN cần học cách tư duy mới trong một thế giới đang thay đổi quá nhanh chóng...
  • Công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay: Nhìn từ giác độ mâu thuẫn của quá trình phát triển

    01/01/2006GS. TS. Phạm Ngọc QuangQua gần 20 năm đổi mới, nhân dân Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Song, để đưa công cuộc đổi mới tiếp tục tiến lên, chúng ta phải giải quyết rất nhiều mâu thuẫn phức tạp mà trong bài viết này mới điểm danh đại thể 8 mâu thuẫn...
  • Việt Nam đổi mới và phát triển

    11/10/2005Nguyễn Hồng PhongNhận thức tương lai qua những mầm mống dạng nảy sinh trong xã hội hiện tại. Các công trình dự báo tương lai đều là những công trình xã hội học và sử học về xã hội đương đại, phân tích các "sự kiện còn đang nhảy múa", tóm bắt nó, gọi nó đúng với cái tên của nó, từ đó nhận thức sự biến chuyển. Học tập phương pháp của các nhà tương lai học, trong công trình này chúng tôi trình bày viễn cảnh của văn minh Việt Nam bằng sự phân tích công cuộc đổi mới có tính lịch sử ở nước Việt Nam hôm nay...
  • xem toàn bộ