Tolstoi bàn về hạnh phúc
Có thể nói Lev Tolstoi (1848-1910) đã đi trước thời đại hàng thế kỷ. Tư tưởng vì hòa bình, bất bạo động; tư tưởng vì nhân dân, tất cả cho hạnh phúc của conngười... của ông được thể hiện trong các tác phẩm văn học kỳ vĩ và các nghị luận uyên thâm, mãi mãi là nguồn sáng cho đường sống của nhân loại.
Một trong những triết lý sâu sắc và thấm đượm tính nhân văn nhất của ông là triết lý về Hạnh phúc.
Hạnh phúc là gì? Mâu thuẫn cơ bản và kịch tính nhất trong tâm thức của con người khi đi tìm Hạnh phúc là ở chỗ nào? Làm sao để có Hạnh phúc đích thực? Đấy là những câu hỏi lớn của nhân loại mà hơn một trăm năm trước đây đã được Tolstoi góp phần làm sáng tỏ.
Những điều ấy có thể tìm thấy trong cuốn sách “Đường sống, văn thư nghị luận chọn lọc” của Lev Tolstoi, do Nxb Tri thức xuất bản tháng 12 năm 2010 vừa qua. Trong các trước tác của mình Tolstoi luôn luôn trung thành và nhất quán với quan điểm: Hạnh phúc lớn nhất của con người chính là cuộc sống mà nó đang có và Hạnh phúc cũng chính là mục đích cao cả nhất của cuộc sống của con người.
Nhưng cái Hạnh phúc ấy là Hạnh phúc nào? Có hàng trăm định nghĩa hoặc quan niệm khác nhau về Hạnh phúc. Thánh Augustine (354-430) coi Hạnh phúc là niềm vui sinh ra từ chân lý. EmmanuelKant (1724-1804) quan niệm Hạnh phúc phải dựa trên chân lý và không vị kỷ. Đốivới Karl Marx (1818-1883) Hạnh phúc là đấu tranh v.v...
Những quan niệm như vậy dù đúng đắn và thông thái đến mấy cũng khó đi vào cuộc sống thường nhật của mỗi người.
Thông thường, đối với nhiều người, Hạnh phúc là cảm giác vui vẻ, thanh thản, dễ chịu hay hân hoan, khoái lạc... phần nhiều do ngoại cảnh mang lại, có thể trong chốc lát hoặc kéo dài, nhưng không thường hằng. Theo Tolstoi, đó là Hạnh phúc của con người như một cá thể sinh vật.
Với một số người khác Hạnh phúc phải là niềm vui sống, an lạc, chỉ phụ thuộc vào nội tâm với lòng vị tha và tình yêu thương vô bờ bến dành cho tha nhân đồngloại. Theo Tolstoi, đó là Hạnh phúc của con người có ý thức hữu trí: coi cái “tôi”vị kỷ thực sự không tồn tại và chỉ sống vì đồng loại bằng tình yêu thương – Cái Hạnh phúc không bị hủy hoại bởi khổ đau và cái chết sinh học.
Tolstoi cho rằng cái bi kịch lớn nhất của con người là mâu thuẫn giữa cái khát vọng bẩm sinh của nó vươn tới cái hạnh phúc vị kỷ mà có lẽ sẽ không bao giờ đạt được, và nếu có đạt được ở một mức nào đấy, trong một thời gian nào đấy, thì cũng sẽ nhanh chóng nhường chỗ cho cảm giác chán chường, và nỗi sợ hãi về bệnh tật và cái chết. Các nhà hiền triết của nhân loại từ thời cổ xưa đã chỉ ra rằng cái bi kịch ấy chỉ có thể được khắc phục bằng con đường tìm đến Hạnh phúc củacon người có ý thức hữu trí.
Ông nói: “Ta biết con người dù có làm gì, nó cũng không có được hạnh phúc cho đến khi chưa sống phù hợp với luật sống của mình. Mà luật sống của nó không phải là đấu tranh, mà ngược lại, là sự phục vụ lẫn nhau giữa các sinh linh. Con người hữu trí không thể không nhận ra rằng, chỉ cần giả định trong tư tưởng là có thể thay thế khao khát hạnh phúc chỉ cho mình bằng khao khát hạnh phúc cho cả những người khác, thì cuộc sống của nó, thay cho tính phi lý và tai ương trước đây, sẽ trở nên hữu lý và hạnh phúc”.
Quan niệm như thế về hạnh phúc của con người như một cá thể sinh học và con người có ý thức hữu trí thấm được tinh thần Đạo Kitô nguyên thủy (mà theoTolstoi đã bị làm sai lạc đi rất nhiều qua giới luật của Kitô giáo), hết sức tương đồng với quan niệm về An lạc với con người “vô minh” (không hiểu bản chất của sự vật, không hiểu hết quy luật nhân quả chi phối hạnh phúc và khổ đau) và con người tỉnh ngộ (ra khỏi “vô minh”) của Đạo Phật.
Thấm nhuần các triết lý của Đạo Kitô và Đạo Phật, Tolstoi khẳng định rằng Hạnh phúc chân chính đã được ươm tạo sẵn trong mỗi người tại thời điểm hiện tại và ngay trong thế giới hiện thực mà ta đang sống này. Ông nói: “Thế giới nơi chúng ta đang sống là một trong những thế giới vĩnh hằng tuyệt điểm và đầy niềm vui mà chúng ta không chỉ có thể, mà còn phải có nhiệm vụ bằng các nỗ lực củamình làm cho nó diễm lệ hơn và chứa chan niềm vui hơn cho những người sống cùng chúng ta và cho tất cả những ai sẽ sống sau chúng ta tại đây.” Nỗ lực bằng cách nào? Bằng cách: “Thực hiện luật của cuộc sống: luật yêu thương”,và “Làm nhiều việc thiện nhất và ít việc ác nhất”. Cũng theo ông: “Cái thiện phải là cái thiện cho tất cả mọi người, không có ngoại lệ. Cái ác, là cái ác dù chỉ đối với một người”.
Như vậy Hạnh phúc phụ thuộc vào các điều kiện nội tâm. Hạnh phúc cũng có thể là một cách sống; cách sống vị tha, bao dung là kết quả của tu luyện không ngừng nghỉ. Những điều kiện ấy phải được vun trồng bằng những luyện tập tinh thần kiên nhẫn và khổ hạnh. Tolstoi đề cao tư tưởng của Đạo Phật: “Con người hạnh phúc khi nó không gọi cái gì, ngoài tâm hồn mình, là của mình. Nó hạnh phúc ngay cả nếu phải sống giữa những con người hám lợi, độc ác và thù ghét nó - Hạnh phúc ấy không ai có thể tước bỏ ở nó”; và của Khổng Tử: “Người hiền tìmkiếm tất cả trong mình, kẻ ngu tìm kiếm tất cả ở người khác.”
Lev Tolstoi đã mất cách đây đúng 100 năm. Một thế kỷ đã trôi qua nhưng di sản tư tưởng - tinh thần của ông tưởng chừng vẫn chưa được phát lộ hết; và “Loài người còn phải lớn lên hơn nữa để thực sự hiểu được Tolstoi”, như lời khẳng định của Guseinov - một triết gia Nga đương đại.
Ngày nay có lẽ chỉ có một quốc gia duy nhất trên thế giới này đã “đủ lớn” để thực hiện lý tưởng của nhà hiền triết ấy. Đó là Vương quốc Bhutan (một đất nước thanh bình, có gần một triệu dân, nằmsâu trong lục địa Nam Á, dưới chân Hi Mã Lạp Sơn, giữa Ấn Độ và Trung Hoa)khi tuyên bố rằng, họ không quan tâm đến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mà chỉ quan tâm đến “Tổng Hạnh phúc Quốc gia”! (xin xem Mathieu Ricard “Bàn về Hạnh phúc”, tr.335-337, Nxb Tri thức, 2009).
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý