Nguyên lý hữu dụng và hạnh phúc
Cuối thế kỷ 18, triết gia người Anh Jeremy Bentham (1748-1823) trong tác phẩm “Giới thiệu các nguyên lý đạo đức và luật pháp” (1789) đã đề ra nguyên lý hữu dụng, nội dung của nó là tán thành hay phủ nhận hành động của cá nhân hoặc chính quyền, dựa trên nỗ lực làm gia tăng hay giảm bớt hạnh phúc cho người khác. Theo J. Bentham, chính quyền được xây dựng trên căn bản tam phân: lập pháp, hành pháp và tư pháp, hình thức tổ chức chính quyền chỉ là phương tiện để đạt đến mục đích cuối cùng là hạnh phúc của đa số nhân dân. Để đạt được mục đích đó, nguyên lý hữu dụng là tiêu chuẩn thực tế nhất.
Nguyên lý hữu dụng quy định các nhà lập pháp phải lường trước được hiệu quả của các dự luật xem chúng có mang lại hạnh phúc cho đại đa số công dân hay không. Bởi lẽ hạnh phúc của một quốc gia là tổng hợp hạnh phúc của mọi công dân, quyền lợi của quốc gia là tổng hợp quyền lợi của mọi công dân. Hạnh phúc và quyền lợi của mọi công dân đều như nhau, nên không thể có việc thiên vị cho quyền lợi của nhóm người nào.
Jeremy Bentham (1748-1823)
Đối với hành pháp và tư pháp, nguyên lý hữu dụng đòi hỏi quyền hành của chính quyền phải được giới hạn. J. Bentham quan niệm rằng: ngoài quyền đem lại hạnh phúc cho đại đa số công dân, chính quyền không còn quyền hành gì cả. Chính quyền không những phải tránh cản trở công dân tự nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc, mà còn phải thông báo, giải thích cho công dân hiểu những hành động của chính quyền. Công dân có quyền biết rõ về quốc sách cũng như có quyền chỉ trích chính sách của chính quyền. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng: đôi khi chính quyền có thể hành động khác với dư luận, vì không phải lúc nào công dân cũng nhận ra quyền lợi quốc gia. Và J. Bentham kết luận: một chính quyền tốt là chính quyền điều hành quốc gia với mục đích đem lại hạnh phúc lớn nhất cho đại đa số công dân. Điều đó cũng có nghĩa là một chính sách hay một chính thể nếu không có khả năng đem lại hạnh phúc cho công dân, chính sách hay chính thể đó không được coi là hữu dụng, chính quyền chỉ có thể tồn tại trên khả năng đem lại hạnh phúc cho đại đa số công dân.
Tư tưởng của J. Bentham đã ảnh hưởng rất lớn đến cách đánh giá chính sách của chính quyền và hiệu quả của một chính thể, mà trước hết là ở Anh. Cho đến hôm nay, nhiều chính trị gia đã quan tâm đến “khoa học về hạnh phúc” để định hướng cho hành động của các chính phủ. Tuy không thể có một tiêu chí chính xác để so sánh hạnh phúc giữa các cá nhân với nhau, nhưng kinh tế học, dựa trên những tiêu chuẩn đo lường khách quan, có thể định ra được những tiêu chí cơ bản.
Năm 1999, Thủ tướng Anh, ông Tony Blair đã phát biểu về cách đạt tới chất lượng cuộc sống tốt hơn rằng: “Tiền bạc không phải là tất cả, nhưng trong quá khứ có vẻ các chính phủ đã quên điều này. Thành công (của một chính phủ) chỉ được đo bằng tăng trưởng kinh tế, bằng GDP. Mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn không chỉ là tập trung phát triển kinh tế”.
Năm 2002, Ban chiến lược của Thủ tướng Anh tổ chức một cuộc hội thảo với chủ đề “Thoả mãn trong cuộc đời” (To satisfy in life) để bàn về ảnh hưởng của các chính sách đối với hạnh phúc của người dân. Sau đó, Văn phòng chính phủ công bố một bản báo cáo nói về những tiêu chí ảnh hưởng của hạnh phúc đối với các chính sách. Những tiêu chí đó bao gồm: Chỉ số hạnh phúc, Giáo dục về hạnh phúc, Hỗ trợ công tác tình nguyện, Đánh thuế cao hơn đối với tầng lớp giàu có.
Trong những năm qua, chính phủ Anh đã luôn quan tâm đến hiệu quả tạo ra hạnh phúc cho công dân của các chính sách. Cố vấn của ông Blair, David Halpern nói rằng: trong tương lai, nhất định việc đánh giá hiệu quả của các chính phủ sẽ dựa trên tiêu chí mang lại hạnh phúc cho công dân. Lãnh đạo đảng Bảo thủ tại Anh cũng phát biểu cách hình tượng: “Chúng ta không nên chỉ tìm cách đưa thêm tiền vào túi người dân, mà còn phải tìm cách đưa thêm niềm vui vào trái tim họ”.
Như vậy, dù chưa phải là một tiêu chí hàng đầu để đánh giá sự thành công của một chính sách, hay hiệu quả điều hành đất nước của một chính phủ, nhưng rõ ràng, nguyên lý hữu dụng với mục đích tạo ra hạnh phúc lớn nhất cho đại đa số công dân đang trở thành một định hướng tốt cho cung cách điều hành đất nước của bất cứ chính phủ nào.
Ở nước ta trong những năm qua, vấn đề tăng trưởng kinh tế đang được tập trung cao độ. Tỉ lệ tăng trưởng kinh tế hằng năm không ngừng được phấn đấu để đạt mức độ cao. Thế nhưng, mức độ “hạnh phúc” của người dân chưa được khảo sát cụ thể. Những tác động của việc đảm bảo mức độ tăng trưởng đối với cuộc sống của người dân vẫn chưa được nhìn nhận toàn diện. Những nhận xét chung chung kiểu như “đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao” vẫn tồn tại như một công thức.
Sự hài lòng của người dân đối với các chính sách, các dự luật, bộ luật, với cung cách phục vụ của các cơ quan hành chính vẫn chưa được xem xét một cách thoả đáng. Tình trạng tham nhũng rõ ràng đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ, của đất nước, và công cuộc chống tham nhũng đang trở thành tiêu chí đánh giá nỗ lực của chính phủ.
Để đất nước ta phát triển toàn diện, bền vững, thì nguyên lý hữu dụng nên được xem xét, áp dụng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị-xã hội. Từ công tác lập pháp cho đến tư pháp, từ việc hoạch định chính sách vĩ mô cho đến việc tiến hành những công việc cụ thể.
Những biểu hiện của chính phủ, của Đảng gần đây như đẩy mạnh toàn diện công cuộc chống tham nhũng, nói không với tiêu cực trong thi cử, cải cách ý thức phục vụ… thực sự là những tín hiệu đáng mừng phù hợp với nguyên lý hữu dụng, có tác dụng mang lại hạnh phúc cho người dân.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh Hanyi7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn