Đất nước đang trông chờ những người cầm lái...
Theo bạn, điều gì là nguyên nhân chủ yếu làm cản trở sự phát triển của một quốc gia?" Câu hỏi được đặt ra trong thời điểm mà mọi người dân Việt đang bức xúc với chuyện “tụt hậu” quá xa, quá lâu của đất nước mình. Đứng lại có nghĩa là thụt lùi - điều đó không chỉ đúng với từng cá nhân, mà còn là điều tất yếu đối với một tập thể, một cộng đồng, một đất nước.
Chiến tranh đã lùi xa gần 30 năm - một quãng thời gian đủ để một quốc gia “cất cánh”; đủ để chuyển từ đói nghèo sang no ấm, từ chân đất bước vào vũ trụ… Và thực tế đã chứng minh điều đó qua hình ảnh của những-con-rồng-châu-Á. Ba mươi năm trước, ai cũng biết một Thái Lan, một Hồng Kông, một Singapore, một Đại Hàn (Hàn Quốc)… là như thế nào; và điều kỳ diệu nào đã làm cho những nước ấy hầu như hoàn toàn “lột xác”? Và vì sao đất nước ta lại cứ mãi "đang phát triển"? Những câu hỏi trên xin dành cho những người có trách nhiệm.
Muốn đi đến đích, trước hết phải xác định được đích và tìm ra những điều kiện cần thiết tối thiểu để đến. Điều đó chúng ta đã có, mà công nghiệp hóa - hiện đại hóa chính là chủ trương với lộ trình được vạch ra để Việt Nam đến được đích “dân giàu nước mạnh”. Ai cũng biết, chẳng bao giờ có một con đường hoàn toàn bằng phẳng cho mọi cuộc viễn hành. Điều đó càng đúng hơn đối với một quốc gia có tới 80% dân sống ở nông thôn, với công việc đồng áng mà cho đến nay vẫn còn nhiều nơi “con trâu đi trước, cái cày theo sau”; và càng đúng hơn với một nền kinh tế được gọi là kinh tế thị trường, nhưng vẫn còn không ít người cứ “sống và làm việc” theo quán tính, thói quen của một nền kinh tế quan liêu bao cấp một thời chưa xa - từ đó đã tạo nên thói cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu… của một số quan chức trong bộ máy công quyền.
Ở đâu có “quyền”, mà quyền ấy không được sự giám sát của luật pháp, thì chẳng chóng thì chầy, người ta sẽ sử dụng nó để “hành”. Bởi chỉ có “hành” thì mới có chuyện “chạy chọt”, chuyện “đi cửa sau”, chuyện “biết điều”, chuyện “phải trái”, chuyện “phong bì”…
Vấn đề đặt ra ở đây là: Có ai tự dưng lấy tiền nhà, tiền cá nhân của mình để nhét vào túi người khác không? Chắc chắn là không. Thế thì, những khoản tiền đó phải xuất phát từ một động cơ nào đó. Mà thói thường, chỉ có kiểu "bánh ít đi, bánh quy lại" trong các khoản "chung chi" ấy mà thôi. Nói trắng ra, đó chính là hối lộ. Với những nhà doanh nghiệp, để có tiền hối lộ, người ta sẽ tìm đủ cách để người khác phải gánh chịu các khoản "bánh ít" đó. "Người khác" đó có thể là người tiêu dùng (được tính vào trong giá thành sản phẩm) hoặc người lao động (cắt giảm tiền lương). Còn đối với những ông-quan-quốc-doanh, thì họ lấy từ tiền của ngân quỹ quốc gia (tiền của nhân dân) để hối lộ nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân.
Cuối cùng, thì “trăm dâu đổ đầu tằm” - người dân luôn là kẻ phải gánh chịu mọi hậu quả từ nạn hối lộ. Với những người có quyền chức, làm việc trong bộ máy công quyền, thì hối lộ và tham những là một cặp-bài-trùng luôn song hành - họ hối lộ để được tham nhũng và muốn tham nhũng lâu dài, tham những nhiều, tham nhũng mà vẫn “hạ cánh an toàn” thì phải… hối lộ. Cấp dưới hối lộ cấp trên; cấp trên hối lộ cấp trên nữa… và cứ thế, cứ thế… túi của một số người thì đầy lên, còn ngân quỹ quốc gia thì ngày càng cạn kiệt!
Không hề là chuyện ngẫu nhiên khi có tới 65% bạn đọc của Người Viễn Xứ chọn nạn tham nhũng (*) để trả lời cho câu hỏi: “Nguyên nhân chủ yếu làm cản trở sự phát triển của một quốc gia”? Vun quén cho bản thân vốn là “thuộc tính” của con người – đó có thể xem là một trong những yếu tố tạo nên bản tính con người. Song, với những ai có tâm, có lòng tự trọng, có liêm sĩ... thì họ biết vượt lên và chiến thắng cái thuộc tính xấu xa ấy. Còn với người chỉ biết sống theo bản năng của loài động vật tầm thường, thì họ bất chấp tất cả, miễn sao được “vinh thân phì gia”!
Chính vì cái “thuộc tính… đáng sợ” ấy mà xã hội loài người phải cần có luật pháp. Luật pháp định ra những vùng cấm (có hại cho cộng đồng) mà con người không được phép vi phạm.
Chúng ta có luật pháp. Nhưng từ "có luật" đến "sống theo luật" là một khoảng cách khá xa. Luật cũng chỉ là những con chữ vô giá trị, nếu con người cố tình vô hiệu hóa nó; càng đáng sợ hơn, khi người ta lợi dụng luật pháp để vi phạm luật pháp. Điều đó càng trở nên nghiêm trọng đối với một xã hội có trình độ dân trí thấp. Chúng ta có nhiều mức án cho tội tham nhũng, kể cả mức tử hình. Thế nhưng tại sao tệ “bòn rút của dân” vẫn không hề giảm - nếu không muốn nói là ngày càng nghiêm trọng? Có lẽ điều mà ai cũng hiểu: khi còn những bàn tay đưa ra nhận tiền hối lộ, nhận quà biếu "trên mức tình cảm”… thì tham nhũng còn; và tất nhiên, những bàn tay ấy phải là của kẻ có quyền lực.
Tham nhũng không chỉ làm nghèo đất nước, mà nó còn kéo theo rất nhiều tác hại khác. Mà nguy hiểm nhất là nó kéo theo sự sụp đổ dây chuyền kiểu những quân cờ domino – nó làm một số thành phần trong xã hội trở nên thực dụng một cách nguy hiểm: “thiên hạ ăn, mình không ăn là dại”; làm thui chột đạo lý truyền thống, biến một số người trở thành cường hào ác bá: “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi”; làm cho trí thức mất định hướng và đáng sợ hơn, nó làm cho thế hệ trẻ mất niềm tin vào cuộc sống.
Hiện nay, nạn tham nhũng như một trận cuồng phong đen tối đang ập xuống và có nguy cơ phá hỏng mọi nỗ lực xây dựng đất nước. Thế nên, để luật pháp được thực thi một cách nghiêm minh, không thể thiếu những-người-cầm-luật nghiêm minh; những lãnh đạo chủ chốt ở tất cả các cấp, các ngành nghiêm minh - vừa có tài, vừa có đức: biết lo trước nỗi lo của dân, đau trước nỗi đau của dân, buồn trước nỗi buồn của dân và sẵn sàng hy sinh bản thân vì sự phồn vinh của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Ai làm được điều đó? Xin trả lời: người Cộng Sản có thể làm được. Vậy thì, ngay lúc này đây, những người Cộng Sản cần phải chứng minh được điều đó. Hơn lúc nào hết, 80 triệu dân Việt đang trông chờ vào năng lực và phẩm chất của những người đang cầm lái con thuyền của quốc gia.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá