Tôn vinh hơn nữa doanh nghiệp và doanh nhân
Trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, doanh nghiệp không ra doanh nghiệp, doanh nhân không ra doanh nhân. Doanh nghiệp hoạt động theo sự chỉ định, doanh nhân chỉ là người thừa hành, hoạt động không vì lợi nhuận, lỗ lãi do Nhà nước lo, tiêu dùng do Nhà nước phân phối định lượng. Kết quả Nhà nước phải đi vay để nuôi doanh nghiệp, chứ không phải doanh nghiệp nuôi Nhà nước - một quy trình ngược, quy trình phi kinh tế.
Cơ chế thị trường đã thổi một luồng gió mới vào nền kinh tế. Một quy trình mới cũng xuất hiện, đó là doanh nghiệp nuôi Nhà nước chứ không phải Nhà nước nuôi doanh nghiệp! Doanh nghiệp có tới 10 vai trò quan trọng, từ việc thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, thu hút và giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập của người lao động, tăng đầu tư đổi mới thiết bị, kỹ thuật - công nghệ, đóng góp vào sự tăng trưởng cao lên của nền kinh tế nước nhà trong những năm qua, tăng hiệu quả của nền kinh tế, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, tạo ra một đội ngũ doanh nhân - những người thúc đẩy trình độ kinh doanh chung và từng bước đưa nền kinh tế nước ta sánh vai với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Doanh nghiệp, doanh nhân xứng đáng được tôn vinh. Song tôn vinh không chỉ về mặt danh dự, mà cần tháo gỡ những khó khăn trên con đường phát triển, nhất là những khó khăn ngoài tầm tay của doanh nghiệp, doanh nhân. Có 8 vướng mắc cần được tháo gỡ:
- Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, nhưng "mật độ" doanh nghiệp còn thấp so với nhiều nước khi bình quân tới 600 người dân mới có một doanh nghiệp. Cái chính là làm thế nào để những người có vốn yên tâm và "đua" nhau thành lập doanh nghiệp và khi thành lập cần được ưu đãi trong việc thuê đất, vay vốn, nộp thuế...
- Giá đất và bất động sản hiện quá cao; với giá này lợi nhuận làm ra gần như chạy vào túi của chủ đất, chủ nhà.
- Lãi suất vay ngân hàng của Việt Nam thuộc loại rất cao, hiện lên đến mười mấy phần trăm một năm, tỷ suất lợi nhuận thấp hơn cả lãi suất đi vay.
- Thiết bị kỹ thuật - công nghệ còn cũ kỹ, lạc hậu.
- Lao động khá đông đảo, dồi dào, tiền công còn thấp, nhưng lao động giản đơn thì thừa, lao động có chất lượng cao thì thiếu.
- Môi trường kinh doanh tuy đã được cải thiện nhiều, nhưng cũng còn không ít hạn chế. Vẫn còn tình trạng lạm dụng độc quyền nhà nước. Tình trạng buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, làm hàng nhái, hàng giả, mua bán hóa đơn, gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng... diễn ra khá phổ biến và nghiêm trọng, làm mất động lực của cạnh tranh, làm méo mó thị trường.
- Với đà công nghiệp hóa, đô thị hóa và tầm nhìn hạn hẹp của quy hoạch như hiện nay đã làm cho vị trí của nhiều nhà máy chẳng mấy chốc đã phải di dời, gây tốn kém lớn.
- Các chi phí "bôi trơn", tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự tuy đã giảm nhưng vẫn còn là nỗi ám ảnh của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân.
Nếu tháo gỡ được những vướng mắc trên là cách tôn vinh thực tế hữu hiệu các doanh nghiệp, doanh nhân.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu