Trách nhiệm hàng đầu - đổi mới văn hóa và giáo dục
Nói thêm về văn hóa: Nếu nhìn nhận văn hóa là nguồn lực gìn giữ những giá trị truyền thống, tạo ra những giá trị mới để làm nên tố chất và đạo đức con người và đúc kết thành bản lĩnh của một dân tộc, nếu nhìn nhận văn hóa được kết tinh thành ý chí tự lực tự cường của một dân tộc dám vươn lên sánh vai với thiên hạ.., có lẽ có thể nói văn hóa nước ta hiện đang ở thời kỳ sa sút nhất kể từ Cách mạng Tháng Tám đến nay – thậm chí có những mặt sa đọa đến thảm hại.
Chỉ cần lướt qua các tội ác hình sự, các đổ vỡ và biết bao nhiêu bê bối, tệ hại khác được đăng tải trên các trang báo giấy và báo mạng hàng ngày, nạn “đạo văn” và bằng giả, hội hè liên miên mọi miền đất nước, đọc các thông tin bị cắt xén, các tin tức có định hướng một cách sai lệch, các bài chính luận vô hồn... cũng đủ thấy đau buồn về đời sống văn hóa – xã hội của đất nước. Đời sống văn hóa – xã hội của giới trẻ nước ta càng nhiều vấn đề nan giải. Bên cạnh một số thành tựu nhất định đạt được trong lĩnh vực văn hóa – xã hội 25 năm qua (đáng nói nhất có lẽ là việc giảm tỷ lệ đói nghèo), nhìn chung sự sa sút văn hóa là một hiện tượng trầm trọng, trước hết do hai nguyên nhân chủ yếu gây ra:
(a) Sự băng hoại kỷ cương quốc gia từ thượng tầng kiến trúc,
(b) nghèo đói và mọi tha hóa khác đến từ tình trạng bất bình đẳng và bất công trong kinh tế.
Nếu coi suy đồi về văn hoá là tấm gương phản chiếu suy vong của đất nước, có lẽ sẽ còn đau lòng hơn nhiều!
Tình trạng sa sút về văn hóa nguy hiểm tới mức dối trá trong không ít trường hợp gần như vừa là phương tiện vừa là cứu cánh trong hành xử của con người cũng như của những bộ phận dân cư nhất định trong xã hội. Có lẽ nên coi đây là yếu kém trầm trọng nhất trong đời sống văn hóa – xã hội nước ta, là yếu kém gốc đẻ ra mọi tha hóa trong xã hội, bởi vì nó đảo lộn hoặc vô hiệu hóa nhiều giá trị, luật pháp, thước đo và chuẩn mực. Sự sa sút về văn hoá đang gây ra nhiều tác động có tính tàn phá, để lại hệ quả lâu dài, thậm chí nó có thể đánh cắp hoặc hủy hoại niềm tin. Có thể thấy rõ sự tàn phá này trong lĩnh vực giáo dục, trong thực thi pháp luật, trong phẩm chất và tính chất tin cậy được của con người cũng như bộ máy của hệ thống chính trị đất nước, vân vân...
Nhiều hiện tượng tiêu cực phổ biến gần như trở thành một loại văn hóa sống của không ít người trong hàng ngũ chức sắc đã tới mức gây nhức nhối trầm trọng trong xã hội, có thể khái quát như sau:
* Cơ hội tranh thủ vơ vét
* Tài nguyên tranh thủ khai thác
* Đất đai tranh thủ chia chác
* Thi nhau phô trương địa vị, bằng cấp (chất lượng thấp, giả và rởm)
* Việc khó đùn cho tương lai hoặc cho người khác
* Giả vờ đạo đức và giả vờ yêu nước...
Vì sa sút văn hóa nói chung, nên chất lượng con người, chất lượng cuộc sống, chất lượng xã hội – suy rộng ra nữa là chất lượng của dân tộc – đang đặt ra nhiều vấn đề mới nghiêm trọng, trí tuệ và nhuệ khí của dân tộc đang bị kìm hãm, mê tín dị đoan phát triển.
Trong đời sống kinh tế - xã hội nước ta, tiêu cực và các mặt xuống cấp đang tạo ra một sức ỳ nguy hiểm, tổng hợp nhiều tính xã hội sâu sắc: thờ ơ, thất vọng, trần tục... Sức ỳ này hủy hoại vốn xã hội, nuôi dưỡng tâm lý thờ ơ hay chịu khuất phục trước mọi sai trái, tạo thuận lợi cho lối sống tạm bợ, chụp giựt (vô luật pháp) hay ngu dân… Trong cuộc sống, ngày càng nhiều tội ác hình sự rùng rợn chưa từng có, các tội ác kinh tế gây nhiều thiệt hại lớn, các hiện tượng không nghiêm minh trong luật pháp ngày càng trầm trọng… Song điều vô cùng đáng lo là sự phản ứng trong xã hội vô cùng yếu ớt, hoặc thậm chí nhiều khi trở nên vô cảm. Đó là cách phản ứng của xã hội? Hay là tình trạng mất dân chủ, tình trạng bất minh, bưng bít thông tin và những sai trái khác của hệ thống chính trị nhân danh là “giữ lề phải”, giữ vững “định hướng” đã làm tê liệt mọi phản ứng lành mạnh lẽ ra cần phải có của xã hội để hậu thuẫn cho kỷ cương quốc gia và thực thi pháp luật? Đảng cầm quyền rất cần lo lắng thực trạng này, bởi vì nó phản ánh lòng dân không yên. Bên cạnh hiện tượng tham nhũng tiêu cực trong hệ thống chính trị, sức ỳ này trên thực tế là tăng thêm mất ổn định xã hội, tác động nghiêm trọng vào sức đề kháng của dân tộc, cản trở ý chí dân tộc phải vươn lên trên con đường hiện đại hóa đất nước.
Xin đừng quên, sự đổ vỡ của các triều đại hiển hách trong lịch sử nước ta thường bắt đầu từ tha hoá, sa đoạ về văn hoá và đạo đức. Điển hình gần đây nhất là sự đổ vỡ thời Lê mạt, dẫn đến Trịnh – Nguyễn phân tranh và nhiều hệ quả lâu dài về sau.[36] Giữ ổn định xã hội nhân danh “giữ lề phải” như đang làm, muốn hay không là đang trực tiếp hay gián tiếp nuôi dưỡng tha hoá về văn hoá và đạo đức, kìm hãm ý chí xả thân vì những giá trị cao đẹp, đồng thời làm tê liệt khả năng đề kháng của dân tộc chống lại xâm lăng văn hoá đang diễn ra không ít quyết liệt!
Như một lẽ tự nhiên của phát triển, cuộc sống mọi mặt của đất nước ở thời kỳ ban đầu này không thể tránh được những hiện tượng thực chất là thuộc về thời kỳ phát triển hoang dã của giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản, nhất là hiện tượng bất công xã hội và phân hóa giàu nghèo diễn ra gay gắt. Song lẽ ra cần nhìn nhận nghiêm túc thực tế này để tìm ra đối sách xử lý, thì lại đơn thuần đổ lỗi cho cơ chế thị trường. Thậm chí thực tế này bị xuyên tạc, che đậy, lạm dụng, thỏa hiệp, ru ngủ… Thêm vào đó là tình trạng bưng bít thông tin và sự thiếu công khai minh bạch là thủ phạm chính của tình trạng dân trí thấp, khiến cho sự xuống cấp về văn hóa trầm trọng thêm. Mặt khác lại duy ý chí nhận định nước ta đang phát triển, đang xây dựng theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện hoặc cho phép thực hiện nhiều hoạt động văn hóa thực chất là giả tạo, hình thức, không mang tính thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Thậm chí không hiếm những hoạt động văn hóa trên thực tế là khuyến khích, nuôi dưỡng cái lạc hậu, cái ngoại lai, cái ngu dân: văn hoá phong bì, văn hoá “quan hệ”, văn hoá hàng mã (của giả, cái giả), văn hoá lễ hội, văn hoá hội thi hội thảo, văn hoá “cái loa”, văn hoá “chăn dắt”… Có thể nói, không tiền bạc, của cải, công sức nào đổ ra cho những chủ trương hay hoạt động văn hoá lạc hậu, hình thức, giả dối… như thế có thể làm nên cái tốt, cái đẹp và sự vững chãi của đất nước, mà chỉ nuôi dưỡng cái xấu, cái ác và chuẩn bị thêm cho thảm hoạ mới mà thôi. Trong khi đó hầu như hiếm có một nỗ lực văn hoá nào đem lại hiệu quả mong muốn, ngõ hầu cổ suý hay làm chỗ dựa tinh thần cho những giá trị một quốc gia như nước ta nhất thiết phải hun đúc – ví dụ như ý chí và đạo đức không gì quý hơn độc lập tự do của từng người dân và của cả quốc gia, pháp luật là tối thượng, sống và làm việc theo pháp luật, sự thật và lẽ phải là trên hết, tôn vinh trí tuệ, ý chí bảo vệ nền kinh tế quốc gia, ý thức và đạo đức sống vì tương lai của đất nước và các thế hệ con cháu, vân vân… Song làm sao có được những nỗ lực này nếu thiếu dân chủ và bưng bít thông tin? Và trên hết cả là thượng bất chính hạ tắc loạn, trong tình hình như thế làm sao có được sự thôi thúc tạo ra những nỗ lực này? Nguy hiểm hơn nữa, trong khi hầu hết các nước lớn nhỏ trên toàn cầu đang hừng hực những nỗ lực trên mặt trận văn hoá, tuyên chiến quyết liệt với những yếu kém của chính nước mình, thúc đẩy tinh thần dân tộc, để có sức đối phó với tình hình thế giới đang biến đổi sâu sắc, để nước mình đua tranh thắng lợi và không chịu thua kém ai (thậm chí nhiều khi rất “sô-vanh” – chỉ cần ngó sang Trung Quốc là thấy ngay điều này; ngay ở Mỹ hiện nay có không ít những sách báo của giới trí thức nổi tiếng theo tinh thần Phải lấy lại nước Mỹ đang bị đánh mất!…[37]).., thế nhưng mặt trận văn hoá nước ta do Đảng lãnh đạo đang cổ suý cho cái gì? - Cho giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa? - Cho gì nữa?
Trên góc độ dân tộc, phải chăng có thể nói chưa bao giờ chúng ta đang tự đánh mất mình như ngày nay, ươn hèn như ngày nay: Trước cái sai trái hàng ngày trong đời sống, dân không dám đối mặt. Trước cái nghèo hèn lạc hậu, lương tri đất nước không biết tủi hổ. Trước sự o ép và uy lực của bên ngoài, thể diện và danh dự đất nước không giữ được tự tôn tự trọng… Mâu thuẫn giữa đường lối văn hóa bất cập hiện hành và thực tế cuộc sống đang diễn ra tự nó đang góp phần mình vào quá trình tàn phá văn hóa trong hiện tại.
Hơn nữa, trên thực tế vẫn đang thiếu vắng hẳn một mặt trận hay là một cuộc sống văn hóa có sức sống năng động, mang tính giáo dục, phát huy các giá trị truyền thống, cổ xúy cho dân chủ tự do, khơi dậy hào khí của dân tộc, hướng dân tộc đi vào giai đoạn phát triển mới. Trong khi đó văn hóa theo lề phải dù được đổ tiền của và công sức như nước cũng không tạo ra sức sống cho đất nước, nếu chưa muốn nói là nuôi dưỡng độc hại mới. Tình hình đã chín muồi phải khẩn thiết đặt ra vấn đề chấn hưng văn hóa, rất đáng được cả nước quan tâm. Rất không nên để cho những thành tựu nhất định đạt được trong lĩnh vực văn hóa – xã hội che lấp thực tế nguy hiểm được nói tới trên đây. Đứng trước yêu cầu chuyển đất nước sang một giai đoạn phát triển mới, có thể nói đòi hỏi về chấn hưng văn hóa bức xúc không kém các đòi hỏi về làm lành mạnh kinh tế và hệ thống chính trị quốc gia. Chấn hưng văn hóa để có lẽ sống chân chính và để có nhuệ khí càng là đòi hỏi bức xúc của thế hệ trẻ nước ta!
Không phải là trăm dâu đổ đầu tằm, nhưng vấn đề hệ trọng đến mức không thể nói khác được: Đảng phải đổi mới triệt để, mới hy vọng đề ra được đường lối văn hóa mới. Không thể có một nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc làm linh hồn cho chủ nghĩa yêu nước chân chính trong một thể chế chính trị lạc hậu! Đại hội XI nên có ý kiến.
Cũng xin nói thêm, những thất bại trọng trong nền giáo dục hiện tại đang để lại nhiều hậu quả lâu dài có thể xem như một hoạ lớn cho sự rèn luyện của nhiều thế hệ tới, thậm chí còn trở thành một di sản văn hoá tai hại không biết đến bao giờ mới khắc phục được. Vấn đề giáo dục tự nó luôn luôn là một vấn đề hóc búa đối với mọi quốc gia. Song ở nước ta, lỗi của giáo dục không chỉ đơn thuần do sự bất cập của ngành này, mà trước hết do hệ thống chính trị của đất nước trên thực tế là đề kháng đối với những giá trị mà một nền giáo dục chân chính nhất thiết phải theo đuổi. Nói đơn giản: Dạy và học tốt làm sao được nếu bằng giả và nhiều thứ hàng giả khác còn đắc dụng, thậm chí chiếm ưu thế?
Chỉ có văn hoá và giáo dục dục mới có thể làm nên diện mạo một nước Việt Nam mới, sau đó mới đến công nghiệp hoá –hiện đại hoá! Có văn hoá, có giáo dục, mới có thể công nghiệp hoá đất nước theo hướng hiện đại.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự Lập