Trâu ơi, ta bảo trâu này…

01:21 SA @ Thứ Tư - 21 Tháng Giêng, 2009

Từ ngàn xưa, với những nước nông nghiệp như Việt Nam có lẽ không hình ảnh loài vật nào gần gũi và thân thương bằng con trâu. Con trâu, mảnh ruộng đã gắn bó mật thiết với đời sống nông dân. Trâu như người thân trong nhà, bởi nó bảo đảm cuộc sống cho chủ, mang lại sự no ấm và còn là phương tiện vận chuyển hữu hiệu.

Hình ảnh của thanh bình

Trong ký ức tuổi thơ của mỗi người Việt Nam, không nhiều thì ít, hẳn đều có những kỷ niệm về vùng quê thanh bình yên ả với bụi tre đầu làng, đụn rơm, cái cày, mấy đứa bé chăn trâu và đặc biệt là con trâu. Những kỷ niệm ấy gợi nhớ về một cuộc sống êm đềm, ấm cúng; trong đó, trâu với người là bạn, cùng ăn, cùng ngủ, cùng lao động mỗi ngày... Bởi thế mới có cách nói đầy dịu ngọt, yêu thương: "Trâu ơi ta bảo trâu này - Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta". Những khi trái gió trở trời hay thời tiết, khí hậu bất thường trâu lại còn được lo trước hơn cả chủ. Nào là "lương thực" dự trữ, được giăng mùng để khỏi bị muỗi đốt, giữ ấm những khi trời rét, thuốc thang mỗi khi trâu bệnh...

Trong bài "Hoàng hôn"của tập thơ "Nhật ký trong tù",tác giả Hồ Chí Minh đã phác họa một hình ảnh rất đẹp về cảnh thanh bình: "Phong như lợi kiếm ma sơn thạch - Hàn tự tiêm phong thích thụ chi - Viễn tự chung thanh thôi khách bộ - Mục đồng xuy địch dẫn ngưu quy". Tạm dịch là "Gió buốt như kiếm mài trên đá - Cái rét lạnh như mũi nhọn chích vào cành cây - Tiếng chuông chùa xa xa thôi thúc khách bộ hành - Trẻ chăn trâu thổi sáo dẫn trâu về chuồng". Đó là thơ, còn trong hội họa, làng tranh Đông Hồ cũng có tranh mô tả cảnh thanh bình như mục đồng ngồi trên mình trâu thổi sáo hay thả diều, học bài với đàn trâu đang ung dung gặm cỏ hay dầm mình trong ao. Với âm nhạc, bài hát "Em bé quê "của nhạc sĩ Phạm Duy, từ rất lâu, đã đi vào ký ức nhiều người Việt bằng những hình ảnh thật hồn nhiên, trong sáng như "ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau và miệng hát nghêu ngao" hay "nằm đồi non gió mát, cất tiếng theo tiếng lúa đang reo" hoặc "chiều nương tiếng diều, trên bờ đê vắng xa..."

Hình ảnh thanh bình với trọng tâm là con trâu, trở nên đẹp đẽ như thế nên trong văn học Trung Hoa vẫn thường dùng chữ "xuân canh" để nói việc đồng áng thuận lợi, mùa màng bội thu. Cho nên sẽ không lạ khi hạnh phúc đối với người xưa thật mộc mạc và dung dị. Chỉ cần "Tam thưởng địa, nhất đầu ngưu, lão bà hài tử nhiệt kháng đầu"tức "Ba mẫu ruộng, một con trâu, vợ con no ấm" là không còn gì hơn, cuộc sống đã đủ đầy.

Trâu và thiền

Liên quan đến trâu, đặc biệt là tranh trâu, nổi tiếng nhất phải nói đến "Thập mục ngưu đồ" tức "mười bức tranh chăn trâu" của thiền sư Quách Am (thế kỷ thứ XII) được phóng tác từ những tranh chăn trâu xuất hiện từ thời nhà Tống (960-1279). Đây có thể nói là "Mười bức tranh chăn trâu" về thiền rất sâu sắc, trong đó Tâm là con trâu và Người chăn là bản thân. Mười bức tranh với các nội dung theo thứ tự gồm Tầm ngưu (Tìm trâu) - Kiến tích (Thấy dấu) - Kiến ngưu (Thấy trâu) - Đắc ngưu (Bắt được trâu) - Mục ngưu (Chăn trâu) - Kỵ ngưu quy gia (Cưỡi trâu về nhà) - Vong ngưu tồn nhân (Quên trâu) - Nhân ngưu câu vong (Cả trâu và người đều quên) - Phân bản hoàn nguyên (Về nguồn) - Nhập triền thùy thủ (Trong cõi nhân gian). Xuyên suốt của "Thập mục ngưu đồ" là quá trình đi tìm "tâm" của mình, hóa ra "tâm" không ở đâu xa mà ở ngay trong lòng, chỉ cần tịnh lại, thoát khỏi những phồn hoa đời thường là gặp lại "tâm". Như mục đồng có dây buộc, có roi để kiềm chế trâu, "tâm" của con người cũng vậy.

Dần dà, giữa mục đồng và trâu không còn khoảng cách và cũng chẳng cần đến dây hay roi. Rồi trâu và người thành một, tâm - ngã như nhất. Khi ấy, theo thiền, sống trong đời thường nhưng con người không còn cảm thấy vướng bận gì nữa trước những quyến rũ hay cám dỗ của cõi nhân sinh mà vẫn ung dung tự tại…

Căn cứ theo hai bản dịch của Tâm Minh Ngô Tằng Giao thì Tranh Chăn Trâu Thiền Tông hay Tranh Chăn Trâu Đại Thừa tuy có cách thể hiện khác nhau (từ Trâu đen thành Trâu trắng trong Tranh Chăn Trâu Đại Thừa) nhưng tựu trung vẫn là hướng đến cảnh giới, là đốn ngộ.

Học từ trâu

Trong suy nghĩ có thể nhiều người vẫn cho trâu là... ngu. Chẳng rõ trâu có ngu thật không nhưng trong thực tế, con người vẫn phải học nhiều điều, thậm chí sâu sắc, ở... trâu. Bài học cần mẫn, kiên trì, nhẫn nại là điều không thể phủ nhận ở trâu, bởi thế mới có câu "Cày như trâu". Cứ lầm lũi, chịu đựng, cùng cày bừa với chủ từ sáng đến chiều tối mà không hề bực dọc, phản kháng. Dân gian vẫn thường nói "Lê bất đáo địa đầu bất xả ngưu" tức "Cày chưa xong ruộng chưa thả trâu" (và trâu cũng không "than phiền" gì) nhưng ý chính ở đây mà con người phải học là làm việc gì thì phải làm đến nơi đến chốn, không bỏ cuộc nửa chừng. Hay cái tính cương quyết, không thay đổi, thậm chí có thể cho rằng cố chấp khi "trâu không khát nước thì khó ấn sừng bắt uống" (Ngưu bất háo thủy nan án giác"),tức ai đó đã không muốn làm việc gì thì khó có thể ép phải làm. Ngay cả chuyện chăn trâu cũng có cái để học như "Khiên ngưu khiên tị tử, trảo trú liễu yếu hại" có nghĩa dắt trâu phải nắm lỗ mũi, tức muốn làm việc gì thì phải biết, phải hiểu đâu là mấu chốt của sự việc.

Bỏ công bỏ sức như vậy, hết lòng đến như vậy nhưng trâu cũng không hẳn luôn được đối xử tốt. Trong kho tàng truyện cổ có kể, mục đồng thả trâu ăn cỏ, rồi tìm chỗ mát để ngủ. Nghe hơi từ xa có "mùi" hổ đang mon men tới, trâu bèn dùng sừng lay mục đồng dậy. Đang ngủ ngon tưởng bị quấy rầy, mục đồng lấy roi quất trâu tới tấp. Bởi vậy việc trâu cày vì chủ bị ăn đòn (Canh ngưu vị chủ tao tiên tượng) không chỉ cảnh giác chuyện làm việc tốt cho người thì có thể bị hiểu lầm, oán trách mà ở góc độ ngược lại, còn dè chừng người ta, trước khi làm việc gì cần phải suy xét cho thật kỹ.

Nói về tính khiêm tốn hay sự cần thiết của trải nghiệm thực tế thì cũng có nhiều bài học liên quan đến... trâu. Chuyện xưa kể ở nước Thục có một họa sĩ nổi tiếng họ Đỗ, trong hàng trăm tác phẩm của mình thì ông thích nhất bức tranh hai con trâu đang húc nhau. Mấy trẻ chăn trâu thấy vậy mới chế giễu "trâu húc nhau dồn sức vào cặp sừng, cái đuôi phải quặp lại, ông lại vẽ cái đuôi quất lên, sai bét". Bởi thế mới có câu: "Họa thố đấu ngưu vĩ, trí bị mục đồng tiếu". Nói chuyện "húc nhau” này, mới nhớ đến đặc tính đáng quý của loài trâu. Dù đánh nhau chí tử, dù thất thế hay lợi thế thì trâu cũng không bao giờ húc nhau từ phía sau hay "chơi"... ngang hông, mà rất đường hoàng sòng phẳng ngay trước mặt.

Trong chuyện giáo dục cũng vậy. Cổ nhân cho rằng cha mẹ không nên quá thương và chiều chuộng con đến mức làm "trâu ngựa" cho chúng (Nhi tôn tự hữu nhi tôn phúc, mạc dữ nhi tôn tác mã ngưu). Hay trong cuộc sống luôn phải biết tự nhìn lại để nhận ra thiếu sót của mình qua lời cảnh tỉnh "Nhân bất tri kỷ quá, ngưu bất tri lực đại” (con người không biết sai lầm của mình, con trâu không biết sức mạnh của nó) và "Ngưu bất tri giác loan, mã bất tri kiểm trường" (Trâu không biết sừng nó cong, ngựa không biết mặt nó dài). Hoặc răn đe lớp trẻ thiếu kinh nghiệm đừng háo thắng như nghé con mới đẻ không sợ hổ (Sơ sinh ngưu độc bất phạ hổ). Bệnh nặng hình thức, thích chú trọng bề ngoài càng đáng bị chê trách. Tiền nhân đã từng cảnh báo hậu thế chuyện này khi cho rằng trâu đen hay trâu trắng đều không quan trọng, miễn kéo cày giỏi là được (Bạch ngưu, hắc ngưu, năng lạp lê lịch, đô thị háo ngưu). Hoặc trong thuật đối nhân xử thế, cần tôn trọng đặc điểm cá tính của từng người để có ứng xử đúng mực bởi sừng bò ngắn, sừng trâu dài, con nào sừng nấy, đâu thể giống nhau (Hoàng ngưu các, thuỷ ngưu các, các quy các).

Còn nhiều lắm những lời răn dạy của tiền nhân được rút ra từ những "ông trâu" như tôn trọng cá tính người khác (Ngưu ngật quyển tâm thái các nhân tâm trung ái - Trâu ăn bắp cải, mỗi người có sở thích riêng), đề cao sự công bằng (úy ngưu đích tiên đắc lê, úy mã đích tiên đắc kỵ - Chăn trâu được cày ruộng trước, chăn ngựa được cưỡi trước), trong thành công của cá nhân bao giờ cũng có công sức của tập thể (Nhất căn ngưu vĩ ba chỉ già đắc nhất cá ngưu tí cổ - Đuôi trâu chỉ che được đít trâu), không có gì là "số một" trên đời (Ngưu hữu thiên cân chi lực, nhân hữu đảo ngân chi phương - Trâu có sức mạnh ngàn cân, con người cũng có phép quật ngã nó) hoặc sức mạnh cần được sử dụng đúng nơi đúng lúc (Sát kê yên dụng ngưu đao - Giết gà không cần dùng dao mổ trâu)...

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Qua câu chuyện 5 con vật

    19/12/2017Nguyễn Tất ThịnhTrong Năm câu chuyện mini dưới đây, tôi muốn chia sẻ với các Bạn về Nhân Tình Thế Thái. Cho dù Nhân vật chính là một Con gì đó, thì đều liên quan, đều khiến tôi suy nghĩ về Con Người. Và có thể một Ai trong số Con Người cũng chính là cái Con mà tôi dựng làm Nhân vật trong từng chuyện vậy.
  • Trí khôn

    18/04/2014Xuân GiangMỗi lần ngắm nhìn làn da vằn vện trên thân con mình, cọp bố uất lắm! Nỗi nhục năm xưa cứ đau đáu trong lòng...
  • Năm con trâu & lớp trẻ

    20/01/2009TS. Nguyễn Sĩ DũngNăm Kỷ Sửu 2009 là năm con trâu. Con trâu nhắc chúng ta nhớ đến nghề nông, nhớ đến câu thơ: "Ông lão dong trâu đi bừa là con ông lão ngày xưa đi cày". Thực ra, đó là một câu thơ đã được người đời cải biên đi một ít.
  • Con trâu và chuyện “Tam nông”

    16/01/2009Dương Trung QuốcNhắc đến con trâu lại nhớ đến những ngày sôi nổi chuẩn bị cho SEAGAME tổ chức tại Việt Nam. Cuộc tranh luận để tìm chọn “vật linh” biểu tượng cho giải thi đấu này “gút lại” là con Trâu và chú Tễu. Rốt cuộc con trâu đã được chọn...
  • Thư của người gửi trâu-bò-gà

    02/12/2008Lê HoàngCác em thân mến! Ta đã đọc kỹ ba lá thư của ba em gửi cho nhau. Xin các em đừng giận, không có gì mà người không dám làm, kể cả việc đọc trộm thư...
  • Chủ và tớ

    31/07/2008Nguyễn Văn BìnhCon người ta chế ra đồ dùng và phương tiện là để phục vụ mình. Thế mà càng ngày các nhà "tiên tri" càng lờ mờ nhận ra rằng hình như chả phải thế, hình như con người ta chế ra phương tiện để hành hạ mình và để mình một phen thử làm "nô lệ" cho phương tiện xem sao.
  • xem toàn bộ