Tư duy phân tích và liên kết tổng thể

10:07 CH @ Thứ Ba - 13 Tháng Giêng, 2009

Một nền kinh tế và xã hội càng phát triển thì lại càng cần nhiều những bộ óc biết giải quyết vấn đề. Bài viết củaGiáo sư Phan Đình Diệu đăng trên Tia Sáng số 17(1) đã nhấn mạnh rằng cải thiện khả năng giải quyết vấn đề cho người đi học là điều cần hướng tới trong phương pháp giáo dục hiện tại ở nước ta. Nhưng để đưa ra được một đường lối cải cách cụ thể và hiệu quả cho xã hội thì luận điểm trên cần được nhìn nhận lại và phát triển nối tiếp kỹ lưỡng hơn. Xã hội không chỉ cần những bộ óc giải quyết được vấn đề mà người khác đặt ra cho mình. Xã hội còn rất cần những người tự vạch ra các mục tiêu và tự đặt ra các vấn đề cần giải quyết.

Để rồi thấy được đâu là vấn đề và mục tiêu có tính mấu chốt. Nghĩa là nhìn ra vấn đề nào là chính, vấn đề nào là phụ. Mục tiêu nào là ngọn, mục tiêu nào là gốc rễ. Bộ óc của những người biết làm chủ rất cần thiết cho mọi ngành nghề cũng như các cấp độ điều hành khác nhau. Để điều hành tối ưu hóa các nguồn lực của riêng một cá nhân hay của một doanh nghiệp, một bộ ngành, hay một Chính phủ, thì đầu óc tổ chức luôn cần thiết hàng đầu. Dù có rất nhiều người thợ giỏi biết giải quyết vấn đề, nhưng nếu thiếu đi người điều hành giỏi thì nhân lực và các nguồn tài nguyên khác vẫn bị lãng phí là điều tất yếu.

Để tạo ra một lớp người chủ giỏi trong tương lai, ngay từ bây giờ chúng ta cần chú trọng dạy cho học sinh và sinh viên tư duy phân tích và liên kết tổng thể. Đây cũng là chất liệu thiết yếu giúp các em tự tìm thấy lòng say mê trong học tập.

Đối với người đi học, niềm hạnh phúc đến từ tiến trình gồm ba bước: khám phá kiến thức mới – làm chủ kiến thức – vận dụng để sáng tạo ra thành quả được người khác công nhận. Tư duy phân tích và liên kết tổng thể là chất liệu không thể thiếu cho người học xuyên suốt tiến trình ba bước này.

Nhu cầu làm chủ kiến thức trong xã hội

Mục tiêu căn bản cho mọi người học là làm chủ được kiến thức mà mình tiếp thu. Khi chưa làm chủ được kiến thức thì người ta buộc phải hi vọng vào vận may để vận dụng thành công trong giải quyết các vấn đề. Bàn về nghiệp làm thuốc, Hải Thượng Lãn Ông đã từng nói: “người đời chỉ xem tạp chứng mà tìm những phương thuốc cũ, gặp chứng nhẹ mà khỏi, tự cho là thần thánh, gặp chứng nặng mà chết thời đổ cho mệnh trời.” (2) Điều Lãn Ông phê phán ở đây chính là sự tùy tiện, thiếu suy xét nghiêm túc thấu đáo trong việc học tập của người thầy thuốc. Nghiên cứu và vận dụng kiến thức theo lối đánh quả như vậy dẫn tới nguy cơ tổn hại khó lường cho sức khỏe người bệnh. Người thầy thuốc có y đức phải có trách nhiệm xây dựng kiến thức chắc chắn ngay từ nền tảng. Tương tự như vậy, mọi lĩnh vực đều cần tới ý thức làm chủ kiến thức. Sự thiếu làm chủ kiến thức sẽ dẫn tới lối hành xử mày mò, trông chờ vào vận may. Hậu quả ở tầm vĩ mô là một nền kinh tế ỳ trệ bởi những lãng phí cơ hội và tài nguyên vào những khoản đầu tư mang tính đánh quả vào chứng khoán và bất động sản. Ở tầm vi mô là những đời sống cá thể hời hợt, biểu hiện ở sự thiếu tính định hướng, thiếu say mê phấn đấu, và hệ quả tất nhiên là thiếu trách nhiệm.

Sự thiếu làm chủ kiến thức sẽ dẫn tới lối hành xử mày mò, trông chờ vào vận may. Hậu quả ở tầm vĩ mô là một nền kinh tế ỳ trệ bởi những lãng phí cơ hội và tài nguyên vào những khoản đầu tư mang tính đánh quả vào chứng khoán và bất động sản. Ở tầm vi mô là những đời sống cá thể hời hợt, biểu hiện ở sự thiếu tính định hướng, thiếu say mê phấn đấu, và hệ quả tất nhiên là thiếu trách nhiệm.

Thế nào là làm chủ được kiến thức?Khi khám phá một vấn đề mới mẻ, con người buộc phải dựa vào vốn kiến thức mình đã có. Nó bao gồm các khái niệm đã từng được định dạng và các logic kết nối quan hệ nhân-quả và chính-phụ giữa các tín hiệu này với nhau. Khi đối chiếu kho kiến thức cũ này với vấn đề mới mẻ trước mắt, nếu vấn đề thực sự phức tạp, người ta phải phân tách ra các thành phần nhỏ để dễ dàng nắm bắt hơn. Nhìn vào các thành phần này, người ta có thể hiểu ra những logic kết nối mới, hoặc định dạng được những khái niệm mới. Sau khi đã hiểu thấu đáo các thành phần thì cần định dạng các quan hệ logic kết nối chúng với nhau theo một sự sắp xếp giúp tái tạo lại được tổng thể ban đầu. Tuy không phải ai cũng có khả năng thực hiện tất cả các bước đi trên với một tinh thần duy lý tận cùng, nhưng nhờ vào những bước tư duy kể trên mà chúng ta biết được đâu là ranh giới giữa phần sự vật mình đã thông hiểu và đâu là phần còn chưa biết. Có khi chính những phần chưa biết này sẽ kích thích con người tiếp tục khám phá để đi xa hơn nữa. Nhưng ngược lại, nếu không trải qua các bước tư duy trên thì con người vĩnh viễn chìm đắm trong sự mịt mờ hỗn độn. Đối với con em chúng ta trên ghế nhà trường hôm nay, những lỗ hổng kiến thức chồng chất lên nhau tất yếu sẽ dẫn tới sự trì trệ, lạc hậu trong phát triển kinh tế và xã hội sau này. Nhưng không phải người đi học nào cũng có được ý thức và nghị lực để liên tục tự bù lấp vào các lỗ hổng kiến thức. Ngay cả khi thầy cô thật sự tận tâm thì vẫn không thể tự mình bù lấp hết cho các em. Vậy nên, sẽ có hiệu quả lâu dài hơn nếu các thầy cô có thể truyền đạt cho học sinh (hay ít ra là một số em có tiềm năng hơn cả) ý thức và niềm vui khi tự học. Đây là vấn đề thuộc về phuơng pháp giáo dục sẽ được bàn kỹ hơn sau.

Điều cần cải thiện từ hiện trạng giáo dục

Hiện tượng phổ biến hiện nay trong việc giảng dạy các bộ môn khoa học là thầy cô giáo nêu ra định lý, sau đó yêu cầu học sinh ghi nhớ và áp dụng định lý để giải quyết các bài toán cụ thể. Một học sinh thường được coi là giỏi nếu giải quyết đủ bước, chính xác, và nhanh chóng bài toán mà thầy cô đưa ra. Làm được như vậy thì cả thầy và trò cùng cho rằng đã làm chủ được kiến thức và dễ dàng tự thấy thỏa mãn. Tuy nhiên, nếu công việc giáo dục chỉ dừng lại ở đó thì sẽ là một sự vô tâm và lãng phí rất đáng tiếc. Bởi vì văn hóa khoa học không chỉ một tập hợp của các bài giải toán. Nó là một công trình xây dựng từ các tấm, miếng tri thức nhân loại tích lũy qua nhiều thế kỷ. Kết cấu của công trình ấy phản ánh được những quy luật tự nhiên con người tổng kết và chắt lọc từ thực tế. Càng nắm vững các quy luật thì càng áp dụng được vào nhiều tình huống khác nhau. Người xưa nói học một biết mười chính là như vậy. Một người học sinh biết giải nhiều bài tập mà tự mình còn chưa thẩm thấu kiến thức thành các quy luật thì cũng giống như một công trường chứa nhiều vật liệu xây dựng chứ chưa hề có công trình xây dựng. Với cách giảng dạy phổ biến hiện nay, chúng ta gặt hái ra đa số là những người thợ giải toán với tư duy xơ cứng. Họ chưa có được một văn hóa khoa học tương xứng với những tri thức tinh túy của nhân loại.

Với cách giảng dạy phổ biến hiện nay, chúng ta gặt hái ra đa số là những người thợ giải toán với tư duy xơ cứng. Họ chưa có được một văn hóa khoa học tương xứng với những tri thức tinh túy của nhân loại.

Truyền thụ cho người học một văn hóa khoa học bằng cách nào? Đứng trước một định lý, nhiệm vụ của những người thày không chỉ là giúp học sinh áp dụng vào các bài tính toán thực tiễn cụ thể. Họ còn phải giúp học sinh nhận ra mối liên hệ giữa định lý mà học sinh đang học với những lý thuyết đã từng được tiếp thu từ trước đó. Cũng sẽ rất hữu ích nếu như người thầy gợi tả các lý thuyết mà học sinh sắp được học, và hỏi xem các em hình dung định lý đang học có liên quan thế nào tới các lý thuyết này. Chúng ta biết rằng không có một định lý nào có thể đứng tách ra khỏi các định lý khác mà lại hàm chứa được đầy đủ sự sâu sắc của nó. Bởi vì cái này là nền tảng của cái kia. Hoặc là từ khoảng trống mà cái trước không lấp đầy đã tạo ra tiền đề để ra đời cái sau. Lưu ý rằng không cần phải đòi hỏi các em biết tường tận đường đi nước bước của các bài chứng minh cụ thể. Điều thiết yếu là giúp các em phát huy tối đa khả năng hình dung các vấn đề trừu tượng. Từ đó mà tự hình thành trong đầu mình một hệ thống kết nối các định lý mấu chốt với nhau. Đây mới thật là văn hóa khoa học mà các em cần tích lũy cho bản thân.

Vẻ đẹp chân thật của khoa học không phải là những xảo thuật tinh vi mà ở sự sáng sủa và tính hàm súc. Một văn hóa khoa học đúng nghĩa cho người học khả năng nhìn xa, bao quát, và sâu sắc vào nhiều khía cạnh cuộc sống.

Bài viết của Giáo sư Phan Đình Diệu có lấy xuất phát điểm từ việc chỉ ra tính chủ quan của các nguyên lý khoa học cổ điển. Hiểu được tính chủ quan này cũng là một phần tất yếu trong văn hóa khoa học của người đi học. Mỗi một định lý thường là hệ quả của một định lý khác, vốn có thể lại là hệ quả của một định lý khác nữa. Khi dò liên tục tới cùng thì người đi học tìm thấy các tiên đề, hoặc các giả thiết mang tính gốc rễ. Tiên đề là quy luật chưa chứng minh được. Còn giả thiết là những giới hạn được áp đặt để khoanh vùng vấn đề. Tính chủ quan của các lý thuyết khoa học chính là ở đây. Nhưng nhờ có tính chủ quan này mà vấn đề được định dạng. Cũng như để nhận dạng một khu đất thì đầu tiên người ta phải vẽ nên các đường ranh giới. Nhờ có các ranh giới chính xác mà ta biết khu đất che phủ tới đâu, có chứa đựng mục tiêu mà mình quan tâm hay không. Bởi vậy, người thày nên giảng kỹ lưỡng về các giới hạn ở điểm khởi đầu như vậy, thay vì vội vã lao thẳng tới những ý đồ thực tiễn mà một lý thuyết có thể giải quyết. Muốn vậy thì phải lưu tâm cho các em nhận thức rõ đâu là điểm đặt chân của mỗi một mệnh đề. Tức là chỉ rõ vai trò của từng giả thiết tạo thành mệnh đề đó. Qua đó người đi học mới nắm được cách tự học căn bản. Để sau này khi gặp các mệnh đề khác thì tự các em đặt ra được câu hỏi “nó đúng ở chỗ nào, khi nào thì nó không còn đúng nữa”. Như vậy là thay vì liên tục áp đặt vào đầu các em những lời giải thích, chúng ta dạy các em tự tư duy. Khi đã có cái nhìn thực chất và bao quát, người học tự mình có thể nhận ra được tính chủ quan của từng nội dung khoa học một cách tỉnh táo và thông suốt. Từ đây các em có thể cố gắng tự đánh giá trong hoàn cảnh thực tiễn nào thì việc ứng dụng nội dung khoa học nào là khách quan và hữu ích. Ngược lại, nếu các em hiểu theo một cách cào bằng rằng mọi nội dung khoa học đều có chỉ khách quan tới một giới hạn nào đấy, từ đó mà xem thường giá trị thực tiễn của tri thức và đánh mất đi lòng nhiệt huyết trong khám phá tìm tòi, thì lại là một sự hiểu sai rất nguy hại.

Điều cần tránh trong văn hóa khoa học là việc đi lạc vào trong những thủ thuật rườm rà, thấy cây mà không thấy rừng.Mặc dù cái nhìn vi mô cũng quan trọng không kém cái nhìn vĩ mô. Cái nhìn vi mô là sự hiểu biết về cấu trúc căn bản của từng sự vật. Điều này có được là thông qua những bài tập cụ thể. Nhờ các bài tập mà các em hiểu rõ hơn ý nghĩa các thành phần trong một định lý cũng như mối quan hệ gắn kết các thành phần với nhau. Như vậy việc nghiên cứu vi mô và vĩ mô đều có điểm chung. Đó là người học cần nhận ra mối quan hệ gắn kết các thành phần riêng rẽ trong mỗi một tổng thể. Các bài tập vi mô vì vậy cần duy trì sự minh giản để giúp học sinh hình dung được bản chất lý thuyết của vấn đề. Những bài tập nâng cao cũng cốt là để các em hiểu sâu sắc hơn về bản chất mà thôi. Càng hiểu sâu sắc về bản chất thì khi ứng dụng thực tế các em sẽ càng sắc sảo. Ngược lại, không nên khích lệ các em chú tâm vào những bài toán mang tính mẹo mực đòi hỏi trí tuệ tiểu xảo. Về vấn đề này, PGS. TS Dương Quốc Việt trong giáo trình viết cho sinh viên Đại Học Sư Phạm đã từng nói rất cô đọng như sau:

Thông qua việc giải hoặc đề xuất ra các bài toán sơ cấp, người làm dù ở trình độ hạn chế cũng vẫn có điều kiện phát triển tư duy. Vì thế nó là một mảnh đất tốt để rèn luyện tư duy toán học cho học sinh phổ thông. Tuy nhiên chúng ta cần phải biết loại bỏ những bài tập toán kiểu "mẹo đối mưu". Bởi như chính Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trong cảnh nước nhà nguy cấp cách đây khoảng bảy thế kỷ đã dạy rằng: "mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh". Đại dương mênh mông của khoa học nói chung và toán học nói riêng, vốn đã luôn là những thách thức muôn thuở của loài người. Các bạn nên hướng về đại dương ấy, mà biết rèn luyện cho học trò của mình những phẩm chất hữu ích trong tương lai, đừng chỉ biết "làm xiếc trong ao tù"... (3)

Vẻ đẹp chân thật của khoa học không phải là những xảo thuật tinh vi mà ở sự sáng sủa và tính hàm súc. Một văn hóa khoa học đúng nghĩa cho người học khả năng nhìn xa, bao quát, và sâu sắc vào nhiều khía cạnh cuộc sống. Thói quen phân tích ra các thành phần và xâu chuỗi lại tổng thể sẽ giúp người học sinh tự nghiên cứu hiệu quả tất cả mọi lĩnh vực chứ không giới hạn ở những bộ môn khoa học. Các bộ môn lịch sử và địa lý thường xuyên đòi hỏi khả năng liên kết các dữ kiện biến động để nhận ra những quy luật xã hội có tính bất biến. Âm nhạc và hội họa đòi hỏi khả năng cảm nhận các yếu tố riêng rẽ, các mạch cảm xúc riêng biệt, đồng thời vẫn nhận ra được bố cục lớn của tác phẩm. Đối với triết học và văn học thì khả năng phân tích và tổng hợp các ấn tượng trừu tượng lại càng thiết yếu, vì người đi học không thể tiếp xúc đối tượng qua tai nghe mắt thấy mà hoàn toàn phó thác vào trí tưởng tượng của mình. Qua đây, ta thấy rằng để nâng tầm vóc văn hóa cho thế hệ tương lai, nhất thiết phải dạy cho các em thói quen tư duy phân tích và liên kết tổng thể.

Hướng đi cụ thể

Tư duy phân tích và liên kết tổng thể có thể giúp các bài học trở nên sinh động, giàu ý nghĩa chứ không hề tẻ nhạt khô khan. Chẳng hạn, nếu ta dạy học sinh cấp tiểu học cách tính diện tích hình thang mà không liên hệ gì tới công thức tính diện tích hình tam giác thì bài học sẽ khó tránh khỏi tính chất học thuộc khiên cưỡng. Nhưng nếu ta vẽ đường chéo nối 2 đỉnh bất kỳ để chỉ ra rằng diện tích hình thang cũng chính là tổng diện tích hai hình tam giác có 2 cạnh song song và chung nhau một đường cao, thì ngay lập tức mọi yếu tố thành phần trong công thức diện tích hình thang được kết nối chặt chẽ và rất sống động. Từ minh họa này chúng ta có thể thấy rằng tư duy phân tích và liên kết tổng thể có thể được thực hành ngay từ những cấp học thấp nhất. Lên tới các cấp cao hơn, tư duy sư phạm đó vẫn không hề thay đổi. Vẫn chỉ là sự kết nối bài học hiện tại với các bài học trong quá khứ và tương lai. Để làm được như vậy thì người đi dạy phải bỏ thêm một chút công sức, nhưng chắc chắn sẽ làm bài giảng phát triển mạch lạc và chặt chẽ hơn.

Nhiệm vụ của một người thày giỏi là giúp học sinh tự mình khám phá để đi từ một tầng kiến thức thấp tới một tầng kiến thức cao hơn. Bản thân người thày mỗi khi khám phá ra được một cầu nối mới thì đã bắt đầu có thể cảm thấy được niềm hạnh phúc của việc sáng tạo. Còn khi mà cả thày và trò cùng bỏ công sức, cùng gặt hái thành quả, thì học tập và giảng dạy thực sự là con đường sáng tạo với niềm hạnh phúc trọn vẹn.

Người dạy có thể chia ra các bậc thang hợp lý kết nối các tầng kiến thức lại với nhau. Bậc thang lớn quá thì một học sinh năng lực trung bình không thể bước nổi. Bậc thang ngắn quá thì học sinh khá giỏi thấy nhàm chán, lười động não. Vậy nên, nhiệm vụ của một người thầy giỏi là giúp học sinh tự mình khám phá để đi từ một tầng kiến thức thấp tới một tầng kiến thức cao hơn. Bản thân người thày mỗi khi khám phá ra được một cầu nối mới thì đã bắt đầu có thể cảm thấy được niềm hạnh phúc của việc sáng tạo. Còn khi mà cả thày và trò cùng bỏ công sức, cùng gặt hái thành quả, thì học tập và giảng dạy thực sự là con đường sáng tạo với niềm hạnh phúc trọn vẹn. Chúng ta cần sớm thay đổi cách hiểu nhầm lẫn tai hại, coi học sinh giỏi là những người cần cù chăm chỉ, học thuộc lòng lý thuyết và giải bài tập nhanh chóng thuần thục như máy. Người học giỏi đúng ra phải là người làm chủ được tri thức, biết định dạng, phân loại, để từ đó sáng tạo và nhận thức ra tri thức mới hữu ích cho mình. Việc giải bài tập chỉ mới là bước căn bản để học sinh hiểu bài chứ chưa hẳn đã tạo ra thử thách khả năng sáng tạo. Còn khi người học biết kết nối thông tin để hình thành nhận thức mới mẻ cho bản thân mình, thì đó chính là sự sáng tạo. Cũng chỉ thông qua đó thông tin mới thực sự sống động và thôi thúc lòng ham hiểu biết.

Ngày nay không ít học sinh thích đọc truyện tranh Nhật Bản và chơi game điện tử hơn là học kiến thức phổ thông, chính vì tác giả viết truyện tranh biết tạo ra những mạch khám phá liên tục. Chương này nối tiếp, kích thích cảm xúc cho chương kia. Chứ nếu các chương có nội dung na ná như nhau, hoặc các mạch khám phá bị đứt gãy rời rạc, thì chắc chắn trẻ em đã không say mê đến vậy. Mặt khác, việc chơi game cho phép trẻ hóa thân vào môi trường ảo, nơi bản thân được phát huy khả năng sáng tạo. Đó cũng là nơi trẻ cảm thấy được kết nối cọ xát với môi trường và vượt qua các chướng ngại ảo để cảm thấy giá trị của cái tôi được khẳng định. Tất cả những nhu cầu tâm lý ấy hoàn toàn chính đáng. Nếu việc học hành không giúp trẻ thỏa mãn những nhu cầu căn bản này thì các em tất yếu sẽ tìm đến lối thoát khác. Có những lối thoát mà người lớn cho là lãng phí tuổi trẻ, thậm chí cho là suy đồi hay nguy hiểm cho chính bản thân các em. Nhưng lỗi chính là của người lớn khi đã thất bại trong việc giáo dục và định hướng từ sớm.

Khi tự mình phân tích và kết nối thông tin thì người học làm chủ được môi trường của mình. Việc phân tích và kết nối thông tin thành công tạo ra ấn tượng khám phá mới mẻ, đồng thời cho người học cảm giác được lao động, vượt qua chướng ngại để đem về thành quả sáng tạo. Cha mẹ, thày cô trân trọng, khích lệ, cùng với điểm số xứng đáng giúp giá trị bản thân của người học được khẳng định. Cả ba yếu tố giúp đem lại niềm hạnh phúc trọn vẹn trong học tập.

Công việc học tập hoàn toàn có thể trở nên thu hút nếu các nhu cầu tâm lý của người học được thỏa mãn. Người dạy học, dù là cha mẹ hay thày cô, nếu muốn thu hút người học, thì không thể không dạy và kiểm tra các em khả năng tự mình kết nối thông tin theo một mạch khám phá liên tục. Qua đó, cần kích thích được trí tưởng tượng của các em khi tìm kiếm sự kết nối giữa các chương với nhau. Các bước tư duy đặt ra không nên quá dễ nhưng cũng không cần phải quá khó. Khi các em làm được thì thầy cô, cha mẹ nên hết sức trân trọng và khích lệ, vì đó là thành quả sáng tạo trí tuệ rất có ý nghĩa của con em mình. Đặc biệt là khi các em tự mình hoàn thành được trọn vẹn một quá trình tìm tòi nghiêm túc. Đó có thể coi là bước tập dượt để tạo thành một thói quen vô cùng quan trọng cho tương lai. Và điều quan trọng hơn nữa là các em sẽ tìm thấy được niềm hạnh phúc trong công việc. Khi tự mình phân tích và kết nối thông tin thì người học làm chủ được môi trường của mình. Việc phân tích và kết nối thông tin thành công tạo ra ấn tượng khám phá mới mẻ, đồng thời cho người học cảm giác được lao động, vượt qua chướng ngại để đem về thành quả sáng tạo. Cha mẹ, thầy cô trân trọng, khích lệ, cùng với điểm số xứng đáng giúp giá trị bản thân của người học được khẳng định. Cả ba yếu tố giúp đem lại niềm hạnh phúc trọn vẹn trong học tập. Niềm hạnh phúc đó sẽ lâu dài nếu được xen kẽ với những hoạt động khác, phù hợp với hình thức và cung bậc năng lượng cần được giải tỏa. Việc tiêu hao năng lượng cho thể thao là cần thiết. Thậm chí cả những khoảng lặng cũng rất cần thiết cho sự phát triển tự nhiên của trí tuệ. Để được như vậy thì khối lượng học tập cần được lược giảm, chắt lọc, để chỉ còn lại những tinh chất thực sự cần thiết.

Nếu thày cô chỉ đặt ra những câu hỏi mang tính chất phân tích và liên kết ở trên lớp thì chỉ mới ưu tiên tác động tới các học sinh khá giỏi. Để đạt được hiệu quả toàn diện thì cần đưa những câu hỏi này vào các bài kiểm tra. Đây là khả năng trong tầm tay của mọi thầy cô có năng lực sư phạm khá. Hiện nay đa số các bài kiểm tra học sinh thường mới chỉ giới hạn ở việc kiểm tra khả năng học thuộc lý thuyết và thực hành qua giải bài tập. Điều này giới hạn sức sáng tạo trong tự học của các em rất nhiều. Đa số học sinh nghĩ rằng mình giải nhanh chóng bài tập và học thuộc lý thuyết, vậy là quá đủ rồi. Phải tới khi tốt nghiệp ra trường các em mới vấp váp và thấy rằng thực tế đòi hỏi hơn thế rất nhiều. Cần phải liên tục tổng hợp, phân tích, và đánh giá thông tin. Và nhất là luôn đặt ra được câu hỏi sáng suốt: tiếp theo tôi cần nắm thông tin gì, thực tế cần tôi giải quyết vấn đề nào? Qua đó các em mới thấy rằng việc tiếp thu học vấn giống như cái cầu thang đi lên nương tựa vững vàng vào thực tiễn. Lúc nào cũng có bước tiếp theo hữu ích cho hành trình thực tế của mình. Giá như có cơ hội nhận diện ra chiếc cầu thang này từ sớm để có thể tự học, tự sáng tạo, thì khi tốt nghiệp người học viên đã có thể tự buớc đi thật vững vàng.

Mấu chốt và kỳ vọng

Một người không biết tự học, hay một người làm việc với khả năng trung bình giống nhau ở chỗ khi làm việc này thì không thể quán chiếu, tìm ra mối liên hệ với việc khác. Bởi vậy học tập và làm việc giống như cày bừa trên những mảnh ruộng cằn cỗi. Từng công đoạn rời rạc cho nên vừa tẻ nhạt vừa vất vả. Người biết tự học hay một người làm việc giỏi thì không như vậy. Niềm đam mê là điểm tương đồng giữa họ. Vì đam mê nên không xa rời sự vật mà mình quan tâm. Vì không xa rời nên ngộ ra được các sợi dây liên kết sự vật với nhau. Nếu chỉ xem xét một vấn đề riêng lẻ thì không gian liên tưởng rất hẹp và khô khan. Nhưng nếu bắt đầu xem xét hai hoặc ba vấn đề và tìm sự liên kết giữa chúng với nhau, thì trường liên tưởng được mở ra rộng lớn và sinh động. Trong mỗi sự vật ta thấy mối liên quan tới nhiều sự vật. Trong nhiều sự vật ta vẫn soi chiếu thấy một sự vật. Qua đó, mỗi lần được làm việc ta lại tiếp tục phát hiện ra những khám phá kỳ thú mới. Khám phá được nên càng tăng hiệu quả và lại càng thêm gắn bó với công việc. Tiến trình đó quả là đáng thèm muốn cho tất cả mọi người. Nhưng mấu chốt của nó chỉ tóm gọn giản dị trong ý thức phân tích và liên kết tổng thể. Đó là ngăn cách rất mỏng manh giữa một người thợ mang đầu óc lệ thuộc hoàn cảnh với một người làm chủ giỏi. Ngăn cách đó ai cũng có thể vượt qua được nếu có ý thức vượt qua và có sự cố gắng tập dượt thành thói quen.

Ngày nay, không hiếm thấy những người sinh viên ra trường thiếu khả năng viết một lá đơn mạch lạc, không thiếu bước, không lặp ý. Đối với một người tốt nghiệp đại học thì kỹ năng phân tích và liên kết tổng thể một sự vật như vậy còn quá hạn chế. Trong khi sự phát triển đất nước đang đòi hỏi đầu óc điều hành tổng quan ở mọi lĩnh vực, mọi quy mô. Để sao cho nhìn trên diện rộng các nguồn tài nguyên của chúng ta không bị lãng phí, các tiến trình phát triển không dẫm chân, mâu thuẫn lẫn nhau. Tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn là một ví dụ sinh động cho sự lãng phí thời gian, sức khỏe, và trí tuệ con người. Những cảnh đám đông trôi thụ động theo quán tính đó là sự ngầm cảnh báo cho một tình trạng phổ cập về sự lãng phí tài nguyên và cơ hội. Chúng ta trì trệ vì không biết đặt ra và giải quyết câu hỏi: đâu là bước đi tiếp theo để tối ưu cho một tương quan giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài? Trong các tổ chức, môi trường thông tin mập mờ dẫn tới trách nhiệm và quyền lợi của cá nhân không được phân bổ cụ thể, chính xác, và càng khó bề đánh giá, kiểm soát. Đó tất yếu cũng là môi trường lý tưởng cho tệ tham nhũng và quan liêu.

Cấp tối giản nhất trong phương pháp giúp học sinh phát huy tư duy phân tích và liên kết tổng thể chỉ gói gọn trong hai câu hỏi với từng bài học. Thứ nhất, bài học hôm nay liên quan ra sao tới các bài học đã qua. Thứ hai, bài học hôm nay có thể tạo ra nền tảng gì và vẫn còn lại khoảng trống nào. Đối với từng mệnh đề thì đâu là giả thiết nền tảng, đâu là ý nghĩa thực tiễn. Nếu giả thiết nền tảng thay đổi thì kết luận của mệnh đề sẽ bị thay đổi như thế nào.

Ngay cả tiến trình cải cách giáo dục cũng đang ở trong dòng trì trệ chung. Học sinh các cấp càng ngày càng phải học nặng hơn, trong khi hiệu quả thực tiễn còn chưa tiến bộ rõ ràng. Phải chăng vẫn còn phổ biến lối tư duy tai hại, rằng người học giỏi thì phải chăm chỉ học thuộc lòng và biết giải bài tập với tốc độ thật nhanh? Nếu quả như vậy thì chưa thể thấy chất lượng giáo dục được cải thiện đáng kể. Vì vậy, hi vọng rằng các thầy cô giáo có thể sớm giúp các em phát huy tư duy phân tích và liên kết tổng thể. Phương pháp tiến hành rất giản dị. Cấp tối giản nhất trong phương pháp giúp học sinh phát huy tư duy phân tích và liên kết tổng thể chỉ gói gọn trong hai câu hỏi với từng bài học. Thứ nhất, bài học hôm nay liên quan ra sao tới các bài học đã qua. Thứ hai, bài học hôm nay có thể tạo ra nền tảng gì và vẫn còn lại khoảng trống nào. Đối với từng mệnh đề thì đâu là giả thiết nền tảng, đâu là ý nghĩa thực tiễn. Nếu giả thiết nền tảng thay đổi thì kết luận của mệnh đề sẽ bị thay đổi như thế nào. Những câu hỏi đơn giản như vậy nằm trong một bước đi vô cùng căn bản trong giáo dục mà có lẽ một số thày cô đã chuyên tâm tiến hành từ lâu. Nếu có thể phổ cập rộng ra thì hiệu quả tức thời hẳn sẽ không nhỏ, và lợi ích lâu dài càng không nhỏ chút nào.


(1) Phan Đình Diệu, Phương Pháp Giải Quyết Vấn Đề Trong Giáo Dục Hiện Đại, Tia Sáng, 17, 05/09/2008

(2) Lãn Ông Lê Hữu Trác, Hải Thượng Y-Tôn Tâm Lĩnh, Thần Chương

(3) Dương Quốc Việt, giáo trình cho sinh viên Đại Học Sư Phạm

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tư duy hệ thống và đổi mới tư duy

    26/03/2014GS. TSKH. Phan Đình DiệuThế kỷ 20 vừa đi qua và những thành tựu khoa học to lớn mà loài người đạt được trong thế kỷ đó đã làm đảo lộn nhiều hiểu biết vốn có của chúng ta về những vấn đề cơ bản như không gian và thời gian, vật chất và vũ trụ, sự sống và con người, rồi tiếp đến là kinh tế và xã hội... Từ những hiểu biết mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau dần dần đã hình thành một quan điểm mới, một tư duy mới về thiên nhiên cũng như về xã hội của chúng ta...
  • Edgar Morin và giáo dục trong thế giới biến đổi

    10/06/2010Nhà văn Nguyên NgọcVừa qua, tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội đã có cuộc Hội thảo về giáo dục với chủ đề Adgar Morin và Triết học Giáo dục với sự tham gia của một số nhà văn hóa, giáo dục và nhiều bạn trẻ. Bài viết dưới đây là tham luận của nhà văn Nguyên Ngọc tại Hội thảo...
  • Phương pháp giải quyết vấn đề trong giáo dục hiện đại

    13/01/2008Phan Đình DiệuPhương pháp giải quyết vấn đề đã phải trải qua nhiều thử thách, thực nghiệm trong gần suốt một thế kỷ 20 để đến gần đây mới được sử dụng thực sự ở nhiều trường học ở Hoa Kỳ và trở thành một yếu tố chủ đạo trong cải cách giáo dục ở một số nước khác. Đó là một phương pháp dạy và học mới phù hợp với triết lý về khoa học và giáo dục hiện đại...
  • Giáo sư Phan Đình Diệu: "Đừng quay lưng với những giá trị truyền thống"

    25/12/2008Trịnh Vĩnh Hà thực hiệnVới tư cách là chủ nhiệm hội đồng tư vấn khoa học & giáo dục của Mặt trận Tổ quốc VN, GS Phan Đình Diệu là đại diện của một trong bốn nhóm tác giả đang kêu gọi một sự hiệp lực để thực hiện một cuộc cải cách giáo dục (GD) từ năm 2011-2020.
  • Một lần với giáo sư Phan Đình Diệu

    15/12/2008Nguyễn Thị Ngọc HảiLà một giáo sư uyên bác, là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc VN, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về khoa học giáo dục, chắc ông có nhiều “đất” để phản biện. Tôi nghĩ sẵn điều đó để hỏi ông và hy vọng sẽ có nhiều chuyện hay, sẽ được ông “bùng nổ” các suy nghĩ sâu sắc trước cuộc sống đang bộn bề, lắm ý kiến như hiện nay.
  • Bảy tri thức tất yếu

    11/04/2008Cuốn sách của nhà triết học, nhà xã hội học nổi tiếng người Pháp Edgar Morin chủ yếu trình bày bảy vấn đề cơ bản, những vấn đề này càng cần phải được giảng dạy hơn vì chúng hoàn toàn không được biết đến hoặc bị lãng quên...
  • Một nền học của ta và cho ta

    07/05/2007GS. Phan Đình DiệuNền học mới mà ta chủ trương xây dựng, phải là một nền giáo dục có nội dung tiên tiến, hiện đại và truyền thống. Hiện đại là nói đến tri thức khoa học tiên tiến của nhân loại, đã và đang có những bước tiến vượt bậc và có tác động to lớn đến sự chuyển biến của kinh tế và xã hội loài người hiện nay; còn truyền thống phải chăng là những cái hay, cái đẹp trong nền học của dân tộc ta từ hàng ngàn năm nay, đã góp phần tạo nên cái cốt cách tinh thần của dân tộc ta trong quá khứ và vẫn còn cần thiết cho cuộc sống hôm nay?
  • “Một thứ toán kỳ lạ: Tổng các số dương bằng một số âm”?

    25/09/2006Chu Văn KhánhGiáo sư Phan Đình Diệu là một trong những nhà khoa học có nhiều bài viết, nhiều nỗi niềm trăn trở về nền giáo dục nước nhà. Năm 2004, ông cùng một số nhà khoa học tham gia thảo luận và đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ một bản báo cáo kiến nghị về việc cải cách nền giáo dục hiện nay. Trước thềm năm học mới, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông về những vấn đề đã và đang gây bức xúc trong ngành giáo dục...
  • Cần có một nền học của ta và cho ta?

    23/06/2006Phan Đình Diệu (2004)Gần một trăm năm trước, trước những xáo động trong nền học vấn nước nhà, nhiều bậc thức giả tâm huyết hồi đầu thế kỷ 20 đã từng trăn trở: “Xưa khi học sách Tàu thì làm học trò Tàu, ngày nay học sách Tây chỉ làm học trò Tây mà thôi..... Từ xưa đến nay, nước ta quả không có quốc học thật....
  • Nhìn và Thấy

    08/02/2006Phan Đình DiệuĐời là một cuộc thám hiểm bất tận, mà hành trang cho cuộc thám hiểm đó ở mỗi con người luôn luôn phải là một đôi mắt mới. Hãy để cho mỗi người tự chăm lo cho đôi mắt mình luôn được đổi mới, và được tự nhìn thế giới bằng chính đôi mắt luôn đổi mới đó...
  • Tư duy hệ thống: Quản lý hỗn độn và phức hợp

    27/09/2005Cái mới trong khoa học quản lý là quản lý tình thế hỗn độn và phức hợp, trên cơ sở quán triệt tư duy hệ thống. Nhà khoa học quản lý Jamshid Gharajedaghi cung cấp cho các nhà tổ chức và quản lý, cho giới kinh doanh và đông đảo độc giả những kiến thức cần thiết về tư duy hệ thống, bao gồm triết học hệ thống, các lý thuyết hệ thống và phương pháp luận hệ thống, đồng thời trình bày những ứng dụng cụ thể các lý thuyết nói trên vào việc nghiên cứu và thiết kế một số dự án ở các công ty và các cơ quan chính phủ nhiêu nước, mà bản thân tác giả đã tham gia và có vai trò tư vấn chủ chốt...
  • 1 + 1 = 2?

    07/07/2005Phan Đình DiệuKhoảng ba chục năm trước đây, lần đầu tiên đọc báo thấy có người đặt câu hỏi đó, tôi cũng đã ngạc nhiên bởi tính “phi lý” của nó, và rồi từ chỗ hoài nghi sự hiểu biết của mình về chính những điều cực kỳ đơn giản như “số 1 là gì?”, “số 2 là gì?”, “phép + có nghĩa là gì?”, và từ đó phải tự xét lại xem mình đã hiểu “1+1=2” có ý nghĩa như thế nào mà mình tin là đúng?
  • Sáng tạo ở bên bờ hỗn độn...

    20/05/2005GS. Phan Đình DiệuKhả năng sáng tạo ở bên bờ hỗn độn, một khả năng phổ biến của mọi hệ thích nghi phức tạp mà ta gặp khắp nơi trong mọi lĩnh vực tự nhiên, sự sống cho đến kinh tế, chính trị, xã hội cung cấp cho con người những cách hiểu mới về cách thức tiến hoá của giới tự nhiên và qua đó sự tiến hoá của các loại hệ thống khác, kể từ khi học thuyết tiến hoá ra đời vào giữa thế kỷ 19...
  • So sánh cách tiếp cận tư duy phân tích và tư duy theo hệ thống

    04/05/2003Hai cách tiếp cận này bổ sung lẫn nhau hơn là phủ định nhau, làm mất sức mạnh của cách tiếp cận khác...
  • xem toàn bộ