Việt Nam khai quốc (The birth of Vietnam)

Đinh Từ Bích Thúy nhuận sắc
03:39 CH @ Thứ Tư - 21 Tháng Bảy, 2010

Tập sách này khảo cứu về Việt Nam từ thời kỳ lịch sử được bắt đầu được ghi chép vào thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên cho đến thế kỷ thứ 10 sau Công Nguyên, khi nền thống trị của Trung Quốc chấm dứt và một vương quốc Việt Nam độc lập ra đời. Trong suốt 12 thế kỷ đó, người Việt Nam đã tiến hoá từ một xã hội chưa có chữ nghĩa và nằm trong một nền "Văn Minh Nam Hải" của Trung Hoa cho đến khi trở thành một thành viên độc đáo của thế giới văn hoá Đông Á Châu. Quá trình lâu dài này chính là thời kỳ khai sinh của nước Việt Nam lịch sử.

Những sử gia Trung Quốc và những nhà Hán học người Pháp vẫn coi thời kỳ lịch sử này của Việt Nam là một phân ngành trong lịch sử Trung Quốc. Họ vẫn coi Việt Nam không là gì ngoài một vùng đất ương ngạnh ở biên thùy Trung Quốc, và được may mắn thừa hưởng ân huệ "văn minh hoá" của đế quốc này. Nhưng các nhà sử học VN lại coi thời đại ấy như là thời đại mà tổ tiên của họ đã tranh đấu dưới sự thống trị của ngoại bang, một thời đại mà bản sắc quốc gia của họ được thử thách và nung rèn. Để có một cái nhìn quân bình hơn, điều cốt yếu là chúng ta phải nghiên cứu tất cả những gì về Việt Nam mà các sử gia Trung Quốc đã ghi lại cùng với những truyền thống lịch sử mà người Việt Nam đã ghi nhớ và duy trì được từ những thời đại đó.

Đôi khi người ta lập luận rằng như có một "cốt cách Việt Nam bản địa” đã tồn tại mà không bị thương tổn bởi ngọn lửa đô hộ của Trung Quốc. Ở một khía cạnh nào đó, điều này đúng, bởi vì chính ngôn ngữ Việt Nam đã tồn tại, cũng như những huyền thoại của Việt Nam từ thời kỳ "tiền Trung Quốc", đã tồn tại. Nhưng cả ngôn ngữ lẫn những truyền thống huyền thoại của Việt Nam cũng đã biến thể qua những giao tiếp với Trung Quốc.

Người Việt ở thế kỷ thứ 10 khác hẳn với tổ tiên của họ từ 12 thế kỷ trước. Họ đã hiểu Trung Quốc như một người nô lệ hiểu chủ nhân của mình, và họ biết tất cả những cái hay và cái dở của Trung Quốc. Họ có thể lấy làm thú vị khi sáng tác một bài thơ Đường, nhưng họ cũng có thể chống cự rất mãnh liệt đội quân xâm lăng Trung Quốc. Họ trở thành những chuyên gia thấm nhuần phương tiện sống còn dưới bóng đế quốc cường bạo nhất thế gian thời ấy.

Nền độc lập của Việt Nam không bỗng chốc có được ở thế kỷ thứ 10 chỉ vì sự suy yếu của Trung Quốc. Trung Quốc không bao giờ chịu từ bỏ cái quyền mà họ coi đương nhiên là có thể cai trị Việt Nam, và họ đã nhiều lần cố chinh đoạt lại xứ sở này. Nhưng vào thế kỷ thứ 10, người Việt đã phát huy được một tinh thần và trí tuệ có khả năng chống lại quyền lực của Trung Quốc. Tinh thần ấy và trí tuệ ấy đã được nung đúc qua bao nhiêu thế kỷ dưới ách thống trị của Trung Quốc; nó bắt rễ từ một niềm tin bất khuất rằng họ không phải–và cũng không muốn–là người Trung Hoa.

Có người lại cho rằng nền độc lập của Việt Nam là do kết tinh từ ảnh hưởng Trung Quốc, và sự kích động bởi những quan niệm về chính quyền và xã hội Trung Quốc đã khuyến khích người Việt Nam đạt được khái niệm quốc gia cho đến ngày hôm nay. Nhưng tổ tiên của người Việt đã có vua chúa và những hình thức văn hoá của chính họ trước khi quân đội Trung Quốc kéo đến, và chắc chắn nền tảng chính trị này vẫn có thể tồn tại cho dù người Việt chẳng bao giờ có cơ hội biết đến Trung Quốc.

Kinh nghiệm từ sự thống trị của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến Việt Nam trên hai phương diện. Thứ nhất: nó đã đào tạo đuợc một lớp người Việt cầm quyền có khả năng tiếp thu khái niệm lãnh đạo của văn hoá Trung Quốc. Qua việc hội nhập được nhiều từ ngữ Hoa vào trong ngôn ngữ của mình, và rút kinh nghiệm qua bao nhiêu thế kỷ với tư cách là một hành tỉnh của Trung Quốc, người Việt đã lãnh hội được một kiến thức chính trị và triết lý tương tự như Trung Quốc. Những xu hướng chính trị ở Trung Quốc, dù là Lão giáo, Phật giáo, Khổng giáo hay Mác xít, đều được người Việt Nam thấu hiểu kỹ càng.

Mặt khác, sự thống trị của Trung Quốc lại gieo mầm cho trực giác chống kháng Trung Quốc, và từ đó, tất cả mọi can thiệp chính trị từ bên ngoài. Từ một ngàn năm qua, người Việt Nam không dưới bảy lần đánh tan những mưu toan của Trung Quốc muốn áp đặt ảnh hưởng của họ lên Việt Nam bằng vũ lực. Không có chủ đề nào trong lịch sử Việt Nam lại kiên định hơn là chủ đề chống ngoại xâm.

Trải qua nhiều thế kỷ, quan niệm của người Việt Nam về vương quyền dần dà được vây bủa bằng lớp lý thuyết và những quy cách của Trung Quốc, nhưng ở nguồn gốc nó vẫn duy trì cái tính chất đặc biệt của người nông dân Việt bướng bỉnh và thông minh đã nắm vững được nghệ thuật sống còn. Người sáng lập nền quân chủ của nước Việt Nam độc lập ở thế kỷ thứ 10 không phải là người được uốn nắn bởi truyền thống đế quốc Trung Hoa, mà chỉ là một nông dân quê kệch, từng trải chiến trận để đạt được hai thành tích là thống nhất được người dân Việt và giữ vững được nền quốc phòng. Hai đức tính thiết yếu ấy đã soi đường cho mọi nền lãnh đạo chính trị của Việt Nam cho tới tận ngày nay.

Tập sách này kết thúc bằng vụ ám sát người đã sáng lập một tân vương quốc Việt Nam ở thế kỷ thứ 10. Trung Quốc đã lợi dụng biến cố này để mưu toan áp đặt lại quyền bá chủ cũ của mình ở Việt Nam. Một cuộc khủng khoảng như vậy vẫn đòi hỏi một nền lãnh đạo vững mạnh để kháng cự ngoại xâm, và từ đó trở thành một đề tài thường trực trong lịch sử Việt Nam: các vị vua chúa Việt Nam vẫn đuợc trông mong là phải có khả năng tập hợp quần chúng để tham gia vào nỗ lực kháng chiến. Trong thế kỷ thứ 19, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã lệ thuộc quá nhiều vào quan niệm cầm quyền kiểu Trung Quốc đến nỗi đã tự tách mình ra khỏi khối thần dân của họ nên đã thất bại không chống nổi cuộc xâm lược của người Pháp. Nước Việt Nam hiện đại đã hình thành từ sự thất bại này.

Quá trình khai quốc của Việt Nam phát xuất từ sự thích ứng lâu dài với quyền lực Trung Quốc ở sát bên cạnh. Có lẽ đúng hơn nếu ta nói đến "những lần khai quốc của Việt Nam," bởi vì trong lịch sử lâu dài của họ, người Việt đã hơn một lần trải nghiệm sự biến chuyển trong cái ý thức liên hệ đến khái niệm "khai quốc.” Một học giả danh tiếng của Việt Nam gần đây đã đưa ra một xu hướng mới về lịch sử Việt Nam và cho rằng đất nước này đã được "khai quốc" 3 lần: một lần trong thời tiền sử mà đỉnh cao là nền văn hoá Đông Sơn hiện hữu trước khi có ảnh hưởng Trung Quốc; rồi ở thế kỷ thứ 10 khi nền thống trị của Trung Quốc chấm dứt; và lần thứ ba mới đây, ở thế kỷ 20 hiện đại. Tập sách này đặt trọng tâm vào thời kỳ khai quốc của Việt Nam ở thế kỷ 10, mặc dù câu chuyện thật ra bắt đầu vào thời kỳ văn hoá Đông Sơn.

Cuộc khai sinh này có thể được phân ra làm 6 giai đoạn, mỗi giai đoạn đều góp phần ấn định ra những ranh giới mà từ đó người Việt Nam dần dần trưởng thành. Những ranh giới ấy được minh xác rõ rệt qua mức độ và tính chất của quyền lực Trung Quốc được ngấm vào Việt Nam.

Trong giai đoạn thứ nhất, có thể gọi là thời kỳ Đông Sơn hay Lạc Việt, quyền lực của Trung Quốc chưa vươn tới Việt Nam. Người Việt thuở ấy là những thành tố quan trọng của nền văn minh Kim khí tiền sử ở các miền bờ biển và hải đảo ở Đông Nam Á Châu. Lằn ranh giới văn hoá và chính trị giữa người Việt và người Trung Quốc đều được phân định rõ.

Trong giai đoạn thứ hai, có thể gọi là thời kỳ Hán-Việt, binh lực Trung Quốc kéo đến và một giai cấp thống trị có giòng giống hỗn hợp Hán Việt được ra đời. Nền triết học Trung Quốc xuất hiện, Phật Giáo Việt Nam khởi nguyên; văn hoá Việt Nam đầu tiên kinh qua khuôn khổ Trung Quốc đồng thời tiếp nhận ảnh hưởng Phật Giáo do các vị thiền sư đến trực tiếp từ Ấn Độ bằng đường biển. Lằn ranh giới giữa văn hoá và chính trị trong giai đoạn này được vạch ra trong xã hội Việt Nam.

Giai đoạn thứ ba có thể được gọi là thời kỳ Giao Chỉ-Việt, bởi đó là thời kỳ mà Giao Chỉ được lập thành một tỉnh vững vàng trên đất Việt, và một tư duy mới về những ranh giới văn hoá và chính trị được thực hiện bởi những người trung thành với các triều đại ở phương Bắc. Nước Lâm Ấp, tức vương quốc Chàm ở vùng duyên hải phía Nam thôi không còn là một yếu tố thuộc nội bộ chính trị Việt, mà trái lại, lại trở thành một kẻ thù bên ngoài. Những cuộc xung đột với Lâm Ấp là một sự kiện đặc thù trong thời kỳ này. Giai doạn này bắt đầu vào cuối thế kỷ thứ 3, sau khi có một sự can thiệp bằng vũ lực của nhà Tần, khi Đào Hoàng, một thái thú Trung Quốc rất được lòng dân đã đẩy lui được biên thùy Lâm Ấp và tổ chức lại chính quyền hàng tỉnh. Ranh giới văn hoá và chính trị bấy giờ được thiết lập giữa Việt Nam với các xứ láng giềng phía Nam.

Trong giai đoạn bốn, trải dài hầu hết thế kỷ thứ 6, Trung Quốc thỉnh thoảng phải rút lui khỏi Việt Nam và các anh hùng hào kiệt địa phương mưu toan thực hiện một tư duy mới về ranh giới. Họ muốn tách biệt Việt Nam không những ra khỏi các xứ láng giềng phía Nam, mà còn với cả Trung Quốc nữa. Đây là thời kỳ mà người Việt tự nhận thức được mình vì đã có dịp thử nghiệm các hình thức khác nhau về cách thể hiện bản sắc quốc gia, từ những cố gắng bắt chước các cơ chế triều cương của Trung Quốc tới việc muốn quay trở lại với những huyền thoại truyền thống của mình trong thời chưa đụng chạm với Trung Quốc, và cuối cùng là sự thể hiện của Phật Giáo trong quyền lực quốc gia, như điềm báo trước cho nền độc lập của Việt Nam vào thế kỷ thứ 10 và 11.

Giai đoạn 5 là giai đoạn Đường-Việt. Giai đoạn này chứng kiến một nước Việt Nam yên vững trong tay đế quốc phương Bắc. Áp lực để bắt Việt Nam tuân theo những khuôn khổ hành xử của Trung Quốc tương đối mạnh, nhưng người Việt đã đáp ứng lại bằng những hành động để kháng, đồng thời mời gọi những lân bang không lệ thuộc vào Trung Quốc giúp đỡ mình. Nhưng tất cả mọi cuộc chống cự và mưu toan liên minh với các tộc dân láng giềng đã bị lực lượng quân sự Trung Quốc đập tan.

Cuộc thử thách nghiêm trọng nhất đối với nền thống trị Trung Quốc thời nhà Đường xảy ra vào giữa thế kỷ thứ 9 khi những người Việt liên kết với nước Nam Chiếu ở vùng sơn cước Vân Nam. Nhưng rồi họ lại khám phá được rằng họ có thể chịu đựng được những lỗi lầm cai trị của nhà Đường hơn thói vô kỷ luật của những nước láng giềng "man rợ." Thời kỳ Đường-Việt này đã thấy những lằn ranh văn hoá và chính trị của Việt Nam được vạch rõ, không những đã phân tách được Việt Nam ra khỏi các láng giềng ở vùng đất cao nguyên và duyên hải, mà cũng phân biệt người Việt ra khỏi nhóm dân Mường sinh sống ở những khu vực lân cận nhưng ở ngoài vòng kiểm soát trực tiếp của các quan chức nhà Đường và do đó duy trì được một hình thức văn hóa Việt Nam không mấy ảnh hưởng bởi Trung Quốc.

Giai đoạn chót nằm trong thế kỷ thứ 10, khi những lãnh đạo Việt Nam vạch được một lằn ranh chính trị phân cách họ với Trung Quốc. Việc ấn định và thực thi lằn ranh ấy đã đóng một vai trò rất lớn trong lịch sử Việt Nam sau này.

Mỗi giai đoạn trên đã biến hóa khái niệm bản sắc của người Việt Nam qua những tương giao với những láng giềng của họ. Những biến hóa của các giai đoạn 2, 3, và 5, khi những triều đại hùng mạnh của Trung Quốc biểu lộ quyền lực của họ ở Việt Nam đã đẩy người Việt đến gần với Trung Quốc hơn và cắt đứt liên hệ của họ với những láng giềng phi Hoa. Mãi đến thế kỷ 6 và 10, khi người Việt có khả năng giữ vai trò chủ động, lằn ranh văn hoá và chính trị mới phản ảnh rõ một quyền lực quốc gia hữu hiệu. Ngay vào thời điểm đó đã không còn một Việt Nam đi dật lùi để quay lại với khuynh hướng chính trị của những thời kỳ trước.

Đến thế kỷ 10, người Việt hiểu rằng vận mệnh quốc gia của họ luôn chuyện dây dưa không thể tránh với Trung Quốc. Họ không thể nào lờ đi chuyện Trung Quốc là một đe dọa tiềm tàng và liên tục đối với sự tự do phát triển đời sống quốc gia của họ. Lúc nào họ cũng phải ghé một mắt để trông chừng Trung Quốc. Họ không có thì giờ để nuôi nấng nguyện ước từ thuở sơ khai là được có một vận mệnh giống như những láng giềng Đông Nam Á của họ.

Như thế không có nghĩa là người Việt Nam không phải là "những người Đông Nam Á," nếu thực sự có một khái niệm về “con người Đông Nam Á.” Trước hết và trên hết, họ là người Việt Nam. Họ đã xác định vị trí của họ ra khỏi Trung Quốc cùng với những láng giềng Đông Nam Á. Những láng giềng phi Trung Quốc của Việt Nam không am hiểu được cái giá mà Việt Nam đã phải trả cho sự sống còn của mình, và chiều sâu của sự quyết chí mà Việt Nam đã chống lại những áp lực lịch sử của Trung Quốc. Người Việt Nam đã chấp nhận khuynh hướng mà lịch sử đã áp đặt lên họ. Họ thấy mình đứng bơ vơ giữa một tên khổng lồ luôn luôn đe dọa và một nhóm tiểu quốc chỉ biết lo cho nhu cầu của chúng. Thật vậy, người Việt Nam hãnh diện về đặc tính Đông Nam Á của họ, không vì nó, mà chính là để tái tạo và củng cố bản sắc trong quá trình gìn giữ biên thùy phía Bắc.

Từ một cái nhìn rộng lớn hơn nữa, Việt Nam nằm trên ranh giới giữa Đông Á và Đông Nam Á Châu. Câu hỏi là Việt Nam "thuộc" về Đông Nam Á hay Đông Á có lẽ là một trong những điều không soi sáng được gì cả trong quá trình khảo cứu về Việt Nam. Mặc dù tất cả mọi thứ, từ ngôn ngữ cho đến những tập tục ẩm thực của Việt Nam đều phản ảnh một sự pha trộn rõ rệt của cả hai thế giới văn hoá, nhưng nền văn chương, học thuật và hành chánh của Việt Nam rõ ràng cho thấy là họ thuộc thành phần của nền văn minh cổ điển Đông Á. Điều này biểu lộ sự thành công của các triều đại Trung Quốc trong việc duy trì một ranh giới văn hoá chính trị giữa Việt Nam và những láng giềng Đông Nam Á của họ qua nhiều thế kỷ.

Việc khai quốc của Việt Nam được mô tả trong quyển sách này như một sự khai quốc của một ý thức mới trong thế giới văn hoá Đông Á nhưng lại bắt nguồn ở ngoài thế giới ấy. Trong bối cảnh của Đông Á Châu nói chung, đây là một ý thức về biên thùy, nhưng đối với người Việt Nam chỉ là điều ngẫu nhiên. Họ đã học được cách thể hiện đặc tính phi Trung Quốc của họ qua di sản văn hoá của Trung Quốc. Cho dù bị gò bó và áp chế bởi quyền lực Trung Quốc qua bao thế kỷ lịch sử, sự tồn tại của bản sắc Việt Nam cũng quan trọng như hình thức văn hoá mà bản sắc này được biểu lộ.


Mục lục sách

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sức sống Việt

    28/01/2015Nguyễn Bỉnh QuânTa có năm đặc điểm văn hóa Việt để đi sâu nghiên cứu có thể thấy những nét bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó chính là sức sống Việt, sức sống của dân tộc, quốc gia. Bản sắc ấy, sức sống ấy sẽ chuyển hóa như thế nào, đưa chúng ta tới đâu, giúp chúng ta tới đâu trong cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa trong tình cảnh toàn cầu hóa... câu trả lời sẽ trở thành sức sống Việt thời mới.
  • Giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ: Suy nghĩ từ thực tế của một số nước

    17/02/2017Vũ Minh GiangĐưa nội dung lịch sử vào các cuộc thi trí tuệ, kiến thức là một hình thức khuyến khích thanh niên tìm hiểu lịch sử. Làm cho thanh thiếu niên thấy một cách tự nhiên rằng hiểu biết lịch sử là một tiêu chuẩn đánh giá sự uyên bác và trí tuệ. Trong hầu hết các cuộc thi trí tuệ ở nước ngoài tôi thấy hầu như ở đâu cũng có những câu hỏi liên quan đến lịch sử...
  • Làm người Việt Nam

    28/10/2016Nguyễn Khắc ViệnTốt nghiệp phổ thông, chuyên nghiệp và cả đại học nữa nhiều khi cũng không tìm ra việc. Sống chưa nổi, nói gì đến lối sống. Có lần, chụp được tay một em bé móc túi, tôi hỏi: Tại sao em lại đi móc túi? Nó hỏi lại: Thế bác bảo cháu làm gì bây giờ?
  • Để Việt Nam cất cánh

    21/02/2015Nguyễn Trần BạtHội nhập quốc tế là một cơ hội để Việt Nam có thể cất cánh. Nhưng để cất cánh chúng ta đang phải đứng trước những sự lựa chọn rất quan trọng. Chọn lối đi nào cho đất nước để cất cánh?
  • Về vai trò sáng lập lịch sử triết học của Arixtốt

    12/04/2014Nguyễn Bá DươngLịch sử triết học bắt đầu từ đâu? Ai là người sáng lập ra lịch sử triết học? Vấn đề này đã và đang thu hút tự quan tâm nghiên cứu và tranh luận của nhiều nhà triết học. V.Gátpi - nhà nghiên cứu lịch sử triết học cổ đại nổi tiếng đã khẳng định Arixtốt là nhà triết học lớn nhất, có bộ óc bách khoa của triết học Hy Lạp cổ đại, là người đầu tiên không chỉ đặt nền móng vững chắc cho lâu đài triết học, logic học và khoa học hiện đại, mà còn là người đầu tiên đặt nền móng cho lịch sử triết học...
  • Lịch sử là khoa học, không phải công cụ giáo dục tư tưởng

    27/08/2009Cẩm Thúy (thực hiện)Giáo sư sử học Lê Văn Lan đã trao đổi cùng phóng viên Đại đoàn kết về việc dạy và học lịch sử trong nhà trường hiện nay.
  • Ý nghĩa Lịch sử

    14/06/2009Một ít người hóm hỉnh từng nhận xét rằng tất cả những gì ta học được từ lịch sử là: ta không học được gì từ lịch sử cả. Chúng ta có thể rút ra được sự hiểu biết hoặc sự hướng dẫn nào từ việc nghiên cứu lịch sử...
  • Rồng, hổ Đông Á và vấn đề sử dụng bài học kinh nghiệm về nhân tố văn hóa và con người

    22/04/2009PGS.TS. Hồ Sĩ QuýViệt Nam đang cất cánh và vẫn chưa mất cơ hội để hóa rồng. Việc lựa chọn những quyết sách, phương thức và bước đi trong phát triển trên cơ sở học tập kinh nghiệm thành công của mô hình Đông Á, như lời tư vấn nhiệt thành của các chuyên gia Harvard, rõ ràng là có ý nghĩa quyết định. Tuy nhiên, kinh nghiệm dù hay đến mấy cũng mới chỉ là hành trang để phát triển. Chỉ riêng hành trang chưa đủ giúp người tìm đường tới được cái đích mà anh ta cần đến.
  • Sự khốn cùng của chủ nghĩa lịch sử

    22/02/2009Karl PopperBạn đọc cầm trên tay cuốn Sự khốn cùng của Chủ nghĩa lịch sử của Karl Popper, nhà triết học lớn nhất thế kỉ 20. Ông nổi tiếng về những nghiên cứu phương pháp luận khoa học. Cuốn sách này chỉ ra rằng lòng tin vào vận mệnh lịch sử chỉ là sự mê tín, và rằng không thể có sự tiên đoán nào về diễn tiến của lịch sử loài người bằng các phương pháp khoa học hay duy lí khác nào...
  • Tôn trọng lịch sử - tiêu chí của đổi mới

    22/07/2007GS, TS Ngô Văn LêNếu học sinh từng bước được trang bị kiến thức về cội nguồn dân tộc, truyền thống đánh giặc giữ nước, truyền thống lao động cần cù sáng tạo và những giá trị văn hóa, tinh thần mà ông cha mình, cũng như các nhà khai sáng đã gây dựng, giữ gìn bao đời thì chắc chắn từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, một thế giới quan đầy tính nhân văn sẽ được hình thành...
  • Lịch sử và giáo dục thời hội nhập

    18/06/2007Hà Văn ThịnhThời đại đang làm biến đổi sâu sắc xã hội loài người, bao gồm cả việc đánh giá đúng các giá trị cơ bản. Lịch sử lẽ ra phải là điều khó thay đổi nhất, bởi vì chẳng ai thay đổi được những gì đã xảy ra. Thế nhưng, cách nhận thức lịch sử, cách để chúng ta vận dụng những bài học kinh nghiệm của lịch sử trong công cuộc giáo dục - trồng người lại đòi hỏi các nhà giáo dục học phải thay đổi thật nhiều…
  • Hãy đánh thức tình yêu lịch sử

    30/07/2006Lịch sử là trí nhớ của một dân tộc. Nếu một dân tộc không có sự hiểu biết, giữ gìn đúng đắn lịch sử của mình thì cũng giống như một người mất trí nhớ hoặc thiểu năng trí tuệ...
  • Định hướng lịch sử

    23/07/2006Hà Thúc MinhNăng suất, tốc độ phát triển kinh tế đương nhiên là thành tựu đáng tự hào, nhưng không phải lúc nào cũng không phải là tiêu chí duy nhất để minh chứng cho tính chính xác của định hướng lịch sử. Tốc độ con tàu không phải lúc nào cũng thống nhất với phương hướng của nó. Một khi con tàu đã lệch hướng thì càng chạy nhanh bao nhiêu càng không biết mình đang ở đâu và sẽ đi đến đâu giữa đại dương mênh mông...
  • Lịch sử tự nhiên chân chính

    17/06/2006Hà Thúc MinhChỉ mới cách đây không lâu lắm, nói đến lịch sử là người ta chỉ biết đến lịch sử xã hội, lịch sử của con người, chứ chẳng ai buồn đả động gì đến lịch sử của tự nhiên. Bởi vì người ta, cho rằng tự nhiên làm gì có lịch sử, chẳng phải quan niệm quá quen thuộc rằng "dưới ánh mặt trời không có cái gì mới" đã làm cho người ta không thể nghĩ gì khác hơn ngoài điều đó...
  • Cấu trúc lưỡng hợp trong bản sắc văn hóa Việt Nam

    27/12/2005TS. Nguyễn Thành Bang
  • xem toàn bộ