Sức sống Việt
Đông Á và Đông Nam Á
Về địa lý ta thấy rõ nhất, Việt Nam nằm ở bờ Tây của Thái Bình Dương, cực nam của đại lục Trung Hoa, cực bắc của vùng bán đảo và quần đảo Đông Nam Á. Về chủng tộc là các chủng Nam Trung Hoa và Đông Nam Á. Ngôn ngữ các hệ Tày Mường - Môn Khmer -Miến - Tạng – Mã Lai. Có nhiều nghiên cứu chưa đi tới ngã ngũ về nguồn gốc người Việt - dân tộc chiếm đa số tuyệt đối ở Việt Nam... Người bản địa thời Đông Sơn (bao gồm khu vực văn hóa Đông Sơn trải dài từ Nam Trung Hoa tới Indonesia với các trống đồng, văn minh lúa nước - mái nhà hình thuyền, tôn giáo thờ thần chết, ma, người chết, totem...) liệu có phải là tiền thân trực tiếp của người Việt hiện đại? Người từ phía Nam lên gốc Mã Lai - đa đảo hòa với người bản địa là một giả thuyết. Người từ Nam Trung Hoa (nước Việt - Bách Việt ngày xưa) đi xuống phía Nam là một giả thuyết. Tất nhiên đó là thời kỳ huyền sử với Âu Cơ, Thánh Gióng. Thời sơ sử với các Vua Hùng - nhà nước Âu Lạc thì người Việt đã định vị.
Về văn hóa ta thấy rõ hơn: Tôn giáo có Khổng - Lão từ phương Bắc qua 1000 năm Bắc thuộc nhưng cũng có Phật giáo cả Bắc tông lẫn Nam tông. Đạo Phật vào Việt Nam bằng cả 3 đường: thẳng từ Ân Độ sang, từ Bắc xuống và từ Nam lên. Chữ viết thì dùng chữ Hán biến cải thành chữ Nôm ghi âm Việt rồi đổi dùng ký tự Latinh. Một số dân tộc miền Nam cũng dùng hệ ký tự khác trong khi tiếng Việt không ngừng phát triển tiếp thu vốn từ vựng và các yếu tố ngôn ngữ từ cả ba hướng đó. Về phong tục tập quán thì rõ ràng “bờ cõi đã chia, phong tục Bắc - Nam đã khác”. Các nhà nghiên cứu rất say sưa việc này vì các phong tục có vẻ rất lỏng lẻo nhưng lại là phần bền chắc nhất, là phần khu biệt các nền văn hóa và tạo nên bản sắc. Về văn học - nghệ thuật thì nếu như văn chương chữ Hán, bác học ảnh hưởng phương Bắc thì văn nghệ dân gian, mỹ thuật, kiến trúc, âm nhạc, diễn xướng, ẩm thực... nét Đông Nam Á còn rất mạnh thời Lý Trần (Thăng Long, âm nhạc, múa, váy - quần, khố - xà cạp, mắm, luộc - xào, rán...) và sau này vẫn rất đậm đà.
Bản sắc văn hóa Việt, thế mạnh của nó chính là tính lưỡng căn - hai gốc rễ ( lưỡng thể vừa văn hóa biển vừa văn hóa đại lục) - Đông Á - Đông Nam Á. Ta “gần” – “giống” Trung Hoa, Nhật Bản - Triều Tiên bao nhiêu thì cũng gần Thái, Malaysia, Indonesia... bấy nhiêu.
Văn hóa ngã tư
Vị trí địa lý đã “định phận tại thiên thư” tạo cho văn hóa Việt Nam đặc điểm này suốt mấy ngàn năm. Và tính chất “ngã tư” này tạo cho nó sức sống và động lực phát triển. Bốn dòng văn hóa lớn nhất Ấn - Hoa - Cận Đông - Tây đường đi qua, đan chéo nhau ở ngã tư này. Văn hóa Hán tràn ngập đại lục, ngấm đẫm Đông Bắc Á nhưng chỉ len lỏi qua những con đường mòn, những mạch suối nhỏ xuống miền Đông Nam Á. Con đường của công cuộc Ấn Độ hóa đi qua Campuchia, Trung Việt - Champa ra quần đảo Indonesia tạo nên những đỉnh cao tuyệt vời Ăngco - Mỹ Sơn - Borobudua. Cuộc Hồi giáo hóa yếu hơn cũng để dấu ấn ở Trung Việt. Còn văn minh phương Tây tiếp xúc với đất này từ đầu công nguyên, những đợt sóng thứ nhất chỉ diễn ra hồi thế kỷ 16 bằng đường thương mại mà Hội An là một nhân chứng. Đợt hai là cuộc xâm chiếm và thực dân hóa của Pháp cuối TK 19 - đầu TK 20 tiếp nối là các biến động lịch sử của cách mạng Mác xít - chủ nghĩa yêu nước chống thực dân, cuộc tiếp xúc hòa nhập với CNXH hiện thực và giờ đây là "toàn cầu hóa".
Có thể nói mọi nền văn minh đều đi qua ngã tư Việt Nam nhưng khác với các ngã tư biến thành phố thị, thành trung tâm lớn thì ngã tư Việt Nam vẫn chỉ là ngã tư để đi qua, để quá cảnh. Làn gió đi qua mát mẻ nhưng sự tích đọng không nặng nề, thấm đẫm. Việt Nam không theo Phật đậm như Campuchia, không Khổng đậm như Hàn Quốc, không Kito đậm như Philippines và không Hồi giáo đậm như Indonesia. Giao tích văn hóa diễn ra kiểu “ăn hương ăn hoa” khéo léo chắt lấy tinh hoa đấy nhưng cũng hời hợt, không triệt để. Không bao giờ bật gốc qua các cơn bão lốc, luôn bảo tồn cái vốn có một cách dai đẳng, khéo léo nhưng cũng không đột biến, bùng phát tới một đỉnh nào.
Văn hóa làng
Từ những năm 80 khi tìm hiểu Mỹ thuật ở làng chúng tôi thấy rằng làng kiểu Việt Nam, nhất là ở Bắc Bộ không thấy ở nơi nào khác trên thế giới. Cái làng phát triển nhất cũng không là tiền thân đô thị phong kiến hay tư bản như ở các nước khác. Nó không chỉ là nơi tụ hội, cố kết các phong tục tập quán và những thành tựu văn hóa dân gian như từ Phan Kế Bính tới các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian hiện nay quan niệm.
Cần phải đưa ra khái niệm Văn hóa Làng (do đặc điểm của nó không nên dịch ra tiếng khác mà để nguyên tiếng Việt như một thuật ngữ quốc tế). Về quy hoạch, làng là một cụm dân cư nông nghiệp, thủ công nghiệp với diện tích khoảng một ngày đi bộ? (Nguyễn Luận). Về hành chính, nó không phải một đơn vị như thôn - xã - huyện, tỉnh (không có chủ tịch làng, những làng). Về kinh tế các làng nghề là đỉnh cao của kinh tế Việt Nam thời phong kiến với các tổ nghệ - đáng gọi là các anh hùng lao động, khoa học công nghệ thời đó. Từ làng mạng lưới thương mại quốc gia được nối kết qua một số đầu mối như Thăng Long, Phố Hiến, Hội An. Sản xuất không tập trung về đô thị... Về tín ngưỡng có thứ thành hoàng làng đóng vai trò lớn hơn mọi nước khác. Ngôi đình tiếp nối các nhà to - nhà cộng đồng Đông Nam Á và là nhà hành chính - nhà thờ và nhà văn hóa của làng. Về văn hóa, làng cũng là địa bàn, là cái nôi sinh ra tới 90% di sản văn hóa Việt. Kiến trúc, điêu khắc, ca, vũ, kịch tới múa rối, các trò chơi, thể thao... đều là của làng, có tiếng có chất lượng thì thành của cả nước giống như các món ăn, các sản phẩm như gạch Bát Tràng, rượu làng Vân, bún làng Mọc.
Tầng lớp trí thức không làm quan chỉ ở làng, cáo quan cũng về làng nên phải nói trí tuệ Việt Nam tập trung ở làng. Chùa làng thay thế quốc tự. Tên danh nhân cũng gọi theo làng như cụ Tiên Điền, ông Yên Đổ. Các dòng họ gắn kết với làng, tranh thế lực ở làng. Hương ước là một sản phẩm độc đáo. Lệ làng làm nghiêng phép nước tạo ra một nền dân chủ làng và một thế tự trị lỏng lẻo nhưng rất bền chặt. Hệ thống giá trị quyền lực theo các thang: chi tộc - học vấn - chức sắc - tài sản đan dệt khá tinh vi, phức tạp. (Phan Ngọc có nói về các thang giá trị này). Tôi tin rằng ta luôn thắng ngoại xâm vì nước có mất thì làng vẫn còn. Từ Nguyên, Minh, Thanh tới Pháp, Mỹ đều không thể chiếm được làng dù đã tạm thời chiếm cả nước? Mặt khác làng bảo thủ hơn hết. Và sau khi văn hóa làng đạt tới đỉnh cao thì xã hội bế tắc vì đô thị không hình thành, lớp quý tộc không phát triển. Khác với Trung Hoa, Nhật, Hàn... và các nơi khác ta không có văn hóa đô thị, tầng lớp quý tộc, trí thức quốc gia. Hay nhẹ hơn thì nói các thứ trên mờ nhạt, yếu kém so với làng.
Cổ điển thế kỷ 16 - 17- 18: Văn hóa mở đất
Nói 4.000 năm hay nói 1.000 năm kỷ nguyên độc lập, phân kỳ lịch sử thành từng giai đoạn Đại Việt (Lý Trần với Phật là quốc giáo) rồi Trung Hưng từ Nguyễn Trãi - Lê Lợi tới Quang Trung - Gia Long với Khổng làm hệ tư tưởng rồi thời cận đại nửa thực dân v.v... thì tôi vẫn cho rằng giai đoạn cổ điển chói sáng hình thành con người Việt Nam hiện đại là các thế kỷ 16 - 17 - 18. Không hiểu sao "chính sử vẫn không làm rạng rỡ giai đoạn này và tôn vinh đầy đủ các nhân vật của thời đại đó. Tìm bản sắc Việt Nam từ Đông Sơn huyền thoại là ảo tưởng, từ Đại Việt thì xa vời, không đầy đủ, từ Lê sơ cũng không đầy đủ và giáo điều. Có lẽ do quan niệm Khổng giáo nên về chính trị người ta không tôn vinh, ghi công đầy đủ cho các chúa Trịnh chấn hưng kinh tế văn hóa ở Đàng ngoài, các chúa Nguyễn mở đất Đàng trong và Gia Long khi ông hoàn chỉnh bản đồ Việt Nam ngày nay và một nền chính trị quốc gia thống nhất. Thành tựu thời Trịnh Nguyễn rực rỡ về mọi mặt:
- Kinh tế phát triển với các làng nghề, mạng lưới thương mại quốc gia, quốc tế. Nông ngư nghiệp phát triển. Thành tựu khai phá ở Nam Bộ thật lớn lao. Một số đô thị thương mại ra đời, phát triển.
- Về văn hóa định hình lối sống Việt Nam ở làng và vùng đất mới. Tìm bản sắc văn hóa Việt Nam ngày nay phải tìm ở giai đoạn này là chính. Trong mỗi chúng ta tôi tin vẫn có tới 60-70% là người Việt thời này. Hầu hết mọi di sản, thành tựu văn hóa khoa học (Lê Quý Đôn, Lê Hữu Trác...) công nghệ thuộc các thế kỷ này từ văn thơ (toàn bộ văn học cổ điển), mỹ thuật, kiến trúc, tuồng, chèo, đến múa rối, ca giao dân ca... đều thuộc thời này.
- Cộng đồng dân tộc Việt Nam hoàn chỉnh và giao tích văn hóa Việt Chăm, cũng như các nhóm dân tộc ở Bắc, Trung (Tây Nguyên) và Nam (Hoa, Khmer) đều định hình bền chắc.
- Cương vực quốc gia hoàn chỉnh (cả tới Trường Sa, Hoàng Sa).
- Đặc điểm trở nên cổ điển trong nội chiến và mở rộng gấp đôi cương vực là đặc trưng Việt Nam.
- Từ thế kỷ 16 nhất là tới đầu thế kỷ 19 Việt Nam được coi là một nước mạnh ở khu vực và châu Á.
Trong một bài viết tôi có nói tới con người ba mặt của bản sắc Việt Nam. Ba mặt đó là: mỗi người Việt Nam, cho tới hôm nay vẫn là một Người làng, một Người mở đất và một Người lính. Người lính bởi sau 300 năm Trịnh Nguyễn lại kéo dài một thế kỷ chống ngoại xâm nữa (1858-1975), trong một tình thế chiến tranh toàn dân (...đàn bà cũng đánh, mỗi thôn làng là một chiến lũy, mỗi người dân là một chiến sĩ, nghệ thuật của chiến tranh nhân dân...). Khai thác, nghiên cứu, phát huy những đặc điểm và thành tựu của “thời hoàng kim” này, bỏ đi những định kiến vu vơ và giáo điều chúng ta có một xuất phát tốt, nhiều bài học tốt cho việc hiện đại hóa đất nước Việt Nam, văn hóa Việt Nam và cũng sẽ thấy rõ nhất những hạn chế và lạc hậu của nước Việt Nam ta.
Con đường “trung dung” vừa phải
Không cực đoan, không triệt để, không đi tới cùng, không quá khích, không đồ sộ, không lấn át, không cuồng nhiệt... mà mềm dẻo, linh hoạt, bền bỉ, xinh xắn, khôn khéo, có tình, có nghĩa... đại loại đó là người Việt và Việt Nam. Sông dài, biển rộng, núi cao nhưng ấn tượng sâu sắc về non sông Việt là những cái đèo và những sông nhỏ hiền lành Cầu, Đường, Hương, Thu Bồn... (qua hỏi chuyện các nhà văn nghệ, khoa học). Trong văn chương, hội họa, phong cảnh không phải biển hùng vĩ như Hokusai (Nhật) hay núi chọc trời mây phủ của Mã Viễn (Trung Hoa). Kiến trúc xinh xắn, to nhất là các đình, hoàng cung Huế cũng rất vừa phải, các quốc tự quốc tháp (trong tứ đại khí) thời Lý Trần cũng rất xinh so với chùa tháp Trung Hoa, Nhật và thật nhỏ bé so với Ăngco hay Borobudua. Vẻ đẹp đàn bà không "nghiêng nước, nghiêng thành", "chim sa cá lặn" mà "Cổ tay em trắng như ngà..." rất vừa phải. Người đàn ông không vạm vỡ, lực lưỡng, uy quyền mà khá nhu nhược, ủy mị - nho nhã. Vẻ hùng tráng của Từ Hải hay người chinh phu của Nguyễn Du và Đặng Trần Côn có phần vay của Tầu nhưng cũng vừa phải không thể so với những Bạch Khởi, Hạng Võ... bên Tầu. Màu sắc không cực đoan như đen, trắng, đỏ, lam, vàng mà người Trung Hoa hay dùng mà trung gian: cánh sen, nõn chuối, cổ vịt, mỡ gà... Các nhân vật chính trị không quyết liệt độc tài độc đoán... được tôn vinh phần lớn là vua hiền lành, nhân đức. (Trường hợp quyết đoán như Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly khá hiếm). Trong tôn giáo thì sự hòa trộn là rất khéo léo, ít tính cuồng tín mà tin theo vừa phải và lỏng lẻo. Xung đột tôn giáo không bao giờ quyết liệt. Chất tâm linh thần bí không sâu như Ấn Độ, tính thực dụng duy lợi, ý chí, mưu mô không cương hoạnh như Trung Hoa. Trong tư duy khoa học công nghệ ít trừu tượng hóa. Triết học khoa học tự nhiên, công nghệ không nhiều phát kiến, phát minh chỉ giỏi học lỏm, cải tiến, ứng dụng vừa phải vào từng hoàn cảnh. Sự học chỉ vừa phải và sự ứng dụng - hành cũng vừa phải không đi tới cùng.
Là lưỡng căn vừa Đông Á vừa Đông Nam Á, là ngã tư Đông - Tây - Nam - Bắc người Việt chịu nhiều áp lực bên ngoài, biết né tránh đối đầu cực đoan có tính sinh tử, rất bền bỉ, khôn khéo, luồn lách thích ứng; nương theo tình thế mà ứng phó, phát triển; cứng thì cũng như các ngọn đèo, mềm mại thì như những dòng sông mà tự né tránh bảo tồn mình phát triển mãi về phía Nam. Ngay cuộc Nam Tiến cũng diễn ra chậm chạp, đồng hóa, chuyển hóa, hòa nhập từ từ cả ngàn năm chứ không huỷ diệt, thôn tính kiểu nhà Nguyên hay Ba Tư, La Mã. Trong giao tích văn hóa thu nhận những ảnh hưởng bên ngoài người Việt cũng rất vừa phải, từ từ, có khi rụt rè và không triệt để như người Nhật khi hiện đại hóa, như các nước Đông Nam Á khi chuyển tôn giáo theo Hồi hay Kito. Sát nách Trung Hoa mà đàn bà tới thời Nguyễn mới mặc "quần không đáy" và cũng chẳng giỏi gì về Trung Hoa học! Đạo Phật Việt Nam rất nhu hòa gần gũi một cách mơ hồ với dân làng, đạo Lão thâm thúy hay Phật giáo Nam Tông chặt chẽ ảnh hưởng không lớn. Với phương Tây cũng vậy: chỉ học cái ẻo lả, cảnh vẻ, khoan hòa của người Pháp chứ ít học cái duy lý Đức hay cuồng nhiệt Tây Ban Nha hay thực dụng mạnh mẽ của Anh mà sự học này cũng chỉ vừa phải, giống như khi xưa anh nho sinh, ông quan đạo Khổng cũng không như Trung Hoa mà vẫn là một anh người làng.
Từ những đặc điểm vừa phải trên, tôi thấy đặc điểm của diễn tiến văn hóa Việt Nam là tìm đường trung dung- vừa phải để tồn tại và phát triển. Như vậy ta có năm đặc điểm văn hóa Việt để đi sâu nghiên cứu có thể thấy những nét bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó chính là sức sống Việt, sức sống của dân tộc, quốc gia. Bản sắc ấy, sức sống ấy sẽ chuyển hóa như thế nào, đưa chúng ta tới đâu, giúp chúng ta tới đâu trong cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa trong tình cảnh toàn cầu hóa... câu trả lời sẽ trở thành sức sống Việt thời mới.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn