Vũ Ngọc Phan - Tâm hồn thấm đẫm văn hóa Việt

10:17 SA @ Thứ Năm - 15 Tháng Mười, 2009

Vũ Ngọc Phan - Danh nhân Văn hóa Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt l) về Văn học - Nghệ thuật. Ông đã về với tổ tiên được 22 năm nhưng trước tác của nhà văn hóa uyên thâm này vẫn được các nhà nghiên cứu văn học trong nước và ngoài nước đánh giá cao, khẳng định một vị thế đặc biệt trên văn đàn - Nghệ thuật dân ca dân gian Việt Nam.

Ngời ngợi một chân dung

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho giáo lâu đời. Thuở nhỏ học chữ Hán, sau chuyển sang học chữ Pháp. Năm 1929 Vũ Ngọc Phan đỗ tú tài toàn phần và được Toàn quyền Pháp lúc bấy giờ bổ nhiệm làm quan. Nhưng ông “Tú Phan” chối từ chốn quan trường, chọn nghề dạy học rồi làm báo, viết văn, mặc dù phải cáng đáng gánh nặng một đại gia đình gần 20 người, gồm mẹ già, vợ con và các em cháu họ tộc. Nhưng phong thái của ông bao giờ cũng ung dung tự tại giữa cảnh bần hàn chạy gạo từng bữa. Trẻ tuổi nhưng sớm tỏ rõ chí khí nhà Nho, bản lĩnh một trí thức ưu thời mẫn thế.

Năm 1935, mới 33 tuổi, trong ngột ngạt không khí thực dân, phát xít, Vũ Ngọc Phan quả cảm cho xuất bản hai tập sách “Những trận đánh Pháp”, tái hiện những trang sử oai hùng của những cuộc khởi nghĩa người Việt đánh Tây. Mật thám Pháp không bỏ qua đã tống giam nhà chí sĩ yêu nước vào nhà tù Hà Nội. Năm 1936 ra tù, ông và người vợ trẻ người xứ Quảng - nữ sĩ Hằng Phương đã tự nguyện tham gia Mặt trận Dân chủ Đông Dương và Hội Truyền bá Quốc ngữ đang bùng lên mạnh mẽ khắp xứ giai đoạn 1935 - 1939, cùng các nhà trí thức yêu nước lừng danh như Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp, Vũ Đình Hòe… Ông là Chủ tịch Uỷ ban văn hóa Bắc Bộ, viết báo Tiên Phong (tiền thân báo Nhân Dân) từ trước tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1 945.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, kháng chiến bùng nổ, Vũ Ngọc Phan được giao cương vị Chủ tịch Uỷ ban vận động kháng chiến toàn quốc đồng thời giữ các trách nhiệm quan trọng trong ngành văn hóa văn nghệ cách mạng, ông chú trọng vào việc đào tạo nhân tài cho cách mạng, cho tương lai của đất nước.

Ngót 60 năm miệt mài trên văn đàn, Vũ Ngọc Phan đã để lại một khối lượng trước tác và dịch thuật đồ sộ. Đáng kể là bộ sách 5 tập “Nhà văn Việt Nam hiện đại” dày hơn 1500 trang viết về các thế hệ nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của văn học nước nhà cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đặc biệt cuốn khảo luận, sưu tầm, hệ thống gần 1.000 trang “Tục ngữ - Ca dao - Dân ca Việt Nam”.

Trong cuốn sách này Vũ Ngọc Phan lý giải khoa học, khúc triết “ca dao lịch sử” bản chất của tục ngữ, thành ngữ, ca dao “xuất hiện cùng thời với thần thoại và truyền thuyết , những “viên ngọc quý” của người Nam, và dân ca Việt Nam, đó là kho tàng văn hóa truyền miệng qua bao thăng trầm thời gian... Khảo nghiệm, sưu tầm tục ngữ, ca dao, dân ca, nhưng không “lý trí lạnh lùng , mà qua từng chữ, từng làn hát, điệu ca cùng sự luận giải xúc tích, những suy tưởng từ các hệ quy chiếu khoa học, một tâm hồn thấm đẫm văn hóa dân tộc những khát khao cháy bỏng LÀM NGƯỜI của nhân dân... Hồn cốt dân tộc là đây, bản sắc văn hóa dân tộc là đây “Hoa thơm, thơm lạ thơm lùng, thơm cành thơm rễ, người trồng cũng thơm”.. Chỉ một công trình “Tục ngữ - Ca dao -Dân ca Việt Nam” cũng đáng là trước tác để đời... Tôn vinh nhà văn hóa mẫn tiệp, phong thái lịch lãm chan hòa, đã có những con đường đẹp mang tên Vũ Ngọc Phan ở hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Tự hào một danh gia vọng tộc

Làng Mộ Trạch huyện Cẩm Bình tỉnh Hải Dương, nơi phát tích dòng họ Vũ (Võ) ở Việt Nam từ năm 844 sau Công nguyên, Thần tổ Vũ Hồn, thành hoàng làng nơi được mệnh danh là “Làng Tiến sỹ”. Từ đời vua Lý Nhân Tông (năm 1075) đến đời vua Khải Định triều Nguyễn (1919) có 55 vị đậu Trạng nguyên, trong đó người làng Mộ Trạch đã có 5 vị đạt danh hiệu Trạng nguyên Nho học. Đây cũng là đất phát Tướng, với những danh tường như Vũ Nạp,Vũ Chí Thắng (đời Trần)... Đặc biệt có vị Tướng quân Lưỡng quốc huyền thoại Vũ Nguyên Bác tức nhà quân sự lừng danh Nguyễn Sơn Hồng Thuỷ (1908-1956) nhân dân hai nước Trung - Việt hằng ngưỡng mộ...

Sau này, một chi họ Vũ về lập nghiệp ở Bắc Ninh vào thời nhà Lê rồi về phường Đồng Lạc (phố Hàng Đào - Hà Nội). Tính đến nhà văn Vũ Ngọc Phan là gần 300 năm sinh sống tại Kinh kỳ. Chi họ Vũ sinh ra ông nhiều đời đỗ khoa bảng và làm quan đại thần đến tước Hầu từ triều Lê đến nhà Tây Sơn tới nhà Nguyễn. Thân phụ ông là cụ Vũ Kỳ Sâm, là một trong những nhà Nho cuối cùng của triều Nguyễn, theo nghiệp thầy đồ, từng làm quan Huấn đạo huyện Phủ Cừ - Hưng Yên.

Cuộc hôn nhân giữa hàn sỹ Vũ Ngọc Phan, chàng trai đất Quan họ với người đẹp xứ Quảng Lê Hằng Phương (quê Gò Nổi, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), một trong nữ thi sỹ đầu tiên trên thi đàn văn học hiện đại Việt Nam, theo lời con cháu kể lại cũng như huyền thoại một cơ duyên tiền định, xa xôi cách trở là thế mà nên nghĩa tào khang. Trong bài “Lòng quê” tặng người tình nữ sỹ thổ lộ niềm yêu dấu:

Bình minh buổi ấy gặp anh
Rủ em ra chốn đô thành xa khơi
Yêu anh em hóa yêu đời
Theo anh chắp cánh tung trời bay cao...

Suốt mấy chục năm trên đường đời nữ sỹ Hằng Phương và nhà văn Vũ Ngọc Phan dường như chưa bao giờ xa nhau, chung tình gắn bó sự nghiệp văn học, sự nghiệp cách mạng đến giây phút cuối cùng của cuộc đời ông bà sinh hạ được 7 người con, 2 gái, 5 trai, tất cả đều tiếp nối truyền thống dòng họ, nề nếp gia phong, đều thành đạt, có trọng trách xã hội.

  • Người con trai lớn là liệt sỹ Vũ Hoài Tuân, nguyên trợ lý khoa học của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chuyên gia cao cấp Bộ Quốc phòng, tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hy sinh vì tai nạn máy bay tại Đà Nẵng năm 1979.
  • Kế tiếp là Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng nguyên Uỷ viên TƯ Đảng 4 khoá liền, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (đã mất).
  • Giáo sư Vũ Huyền Giáo, chuyên gia cơ khí, nguyên Viện trưởng Viện Động lực -Bộ Cơ khí luyện kim.
  • Giáo sư Vũ Triệu Mân, Tiến sỹ Nông học.
  • Người con trai út của gia đình là Kiến trúc sư Vũ Ngọc Phương, Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng -Thương mại, Công ty Tư vấn xây dựng phát triển, phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học - Phát triển nguồn Nhân lực Nhân tài Việt Nam.
  • Trưởng nữ là Giáo sư, họa sỹ Vũ Giáng Hương, hiện là Chủ tịch Uỷ ban Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam.
  • Người con gái thứ năm là phó Giáo sư Vũ Phi Hồng - Giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

- Bẩy người con ruột của nhà văn Vũ Ngọc Phan - nữ sỹ Hằng Phương là những nhà khoa hoạ nhà giáo, nghệ sĩ tài danh. Họ cũng đã có con cháu theo nghiệp cha ông làm rạng rỡ đất nước, dòng họ, tự hào là “danh gia vọng tộc” nước Nam ta...

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vũ Ngọc Phan với các giá trị văn chương-học thuật dân tộc

    09/10/2009GS Phong LêVũ Ngọc Phan mất giữa năm 1987, tức là ông vẫn chưa được hưởng một chút thư thái, an nhàn nào trong sinh hoạt vật chất vốn rất khó khăn đối với cả dân tộc chúng ta hồi ấy. Ông cũng chưa được hưởng một sự cởi mở trong sinh hoạt tinh thần để thấy giá trị nguyên vẹn về mặt khoa học của số lớn những gì ông đã viết trong Nhà văn hiện đại.
  • Bàn thêm về vị thế của nhà văn Việt Nam hiện đại

    20/05/2009Thạc sĩ Trần Văn ToànMột tiêu chí quan trọng để nhận diện về tính chất của một giai đoạn văn học là vị thế xã hội của nhà văn: nó tiết lộ những tương tác phức tạp của văn học với các nhân tố khác như: bảng thang giá trị trong xã hội, những định hướng từ chính trị... Một cái nhìn lướt qua mang tính đối chiếu giữa vị thế xã hội của nhà văn giai đoạn 1945 - 1975 và từ sau 1975 đến nay có thể giúp ta nhận thức rõ hơn về ý nghĩa văn học sử của khái niệm công cụ này.
  • Đặc điểm phê bình văn học Việt Nam - nhìn từ gốc độ tiếp nhận

    18/11/2006Đỗ Lai ThúyXã hội Việt Nam đã và đang hiện đại hóa, nên văn học Việt Nam không thể dẫm chân mãi trong vũng cổ truyền mà không hiện đại hóa. Và, thực tế, hơn một thế kỷ qua, nó cũng đã và đang hiện đại hóa...
  • Trực diện với Văn học Việt Nam thế kỷ XX

    01/12/2005Nguyễn HoàBị hấp dẫn bởi tên gọi Văn học Việt Nam thế kỷ XX, tôi đã đọc cuốn sách với hy vọng được mở mang tầm nhìn, được bổ sung tri thức, được giúp lý giải các hiện tượng, các vấn đề lý luận - thực tiễn của văn chương - văn học dân tộc trong thế kỷ XX. Tiếc thay càng đọc thì nỗi thất vọng lại càng lớn dần...