Thực thể Việt - Nhìn từ các tọa độ chữ

08:02 SA @ Chủ Nhật - 28 Tháng Mười Một, 2010
Xem:

Sách: Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ
Tác giả: Trần Ngọc Vương
NXB Tri thức
Năm XB: 2010

MỤC LỤC

Phần 1. Từ góc nhìn kinh tế - xã hội
  • Tính cụ thể lịch sử với việc xây dựng lý luận cho thời kỳ quá độ ở Việt Nam
  • Hình thái kinh tế - xã hội và kết cấu giai cấp trong lịch sử Việt Nam - mấy điểm đặc thù
  • Từ đặc điểm hình thành cơ cấu và quyền sở hữu của cộng đồng Việt, nghĩ về sự vận hành tiếp tục của nó
  • Về mấy ý kiến xung quanh bài "Quyền sở hữu của cộng đồng Việt và sự vận hành tiếp tục của nó"
  • Về quyền và nghĩa vụ trong sử dụng đất

Phần 2. Tâm thức cộng đồng, lịch sử và lịch sử tư tưởng
  • Tản Viên Sơn Thánh nhìn từ lăng kính Nho giá qua các thời đại
  • Con đê và vết hằn lên tính cách người Việt
  • Cấu trúc và diễn tiến hệ tư tưởng ở Việt Nam cho tới đầu thời Lý
  • Lưỡng đầu chế thời Lê-Trịnh và những hệ quả lịch sử của nó
  • Vận mệnh của Nho giáo qua những biến thiên lịch sử nửa đầu thế kỷ XX
  • Nhân quả Đông du

Phần 3. Văn hóa - Nho giáo
  • Một nội lực văn hóa cần cho sự phát triển
  • Văn hóa họ tộc - một vấn đề văn hóa có tầm quan trọng chiến lược chưa được đánh giá và quan tâm tới mức cần thiết
  • Từ thực tế hình thành của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, thử bàn phương hướng tìm hiểu và đánh giá về họ
  • Kiến tạo một xã hội học tập ở Việt Nam - Những hạn chế từ lịch sử cần nhìn cho thấu
  • Nhận thức về mình là tiền đề không thể thiếu để phát triển Việt Nam trong bối cảnh Đông Á của tiến trình hiện đại hóa
  • Vùng văn hóa Đông Á và sự tương đồng văn hóa Việt Nam - Triều Tiên
  • Một thế kỷ các khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam đối diện với thực tế

Phần 4. Một góc văn chương
  • Tiến tới lập hệ quy chiếu mới cho việc nhận thức lại văn chương truyền thống
  • Mấy vấn đề về so sánh văn học Việt Nam với văn học Trung Quốc thời Trung đại
  • Tục hóa - quay về để tiến tới
  • Văn chương yêu nước của các nhà nho chí sĩ đầu thế kỷ XX
  • Một tác giả điển hình cho văn học Việt Nam giai đoạn giao thời - Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939)
  • Giao thoa Đông Tây và sự chuyển đổi hệ hình văn học

Phần 5. Mấy bức chân dung
  • Trần Nhân Tông - nhiều trong một
  • Nguyễn Bỉnh Khiêm - hư và thực
  • Vọng ngôn về một cuộc lâm chung
  • Còn nhiều điều vỡ lẽ về ông đang chờ phía trước...
  • Từ hồi quang người anh hùng thời loạn đến khuôn hình một tài tử phong lưu
  • Phan Bội Châu trong đời sống tinh thần dân tộc Việt Nam thế kỷ XX
  • Phép hành chỉ của Ngô Đức Kế giữa một thời mưa Âu gió Á
  • Trần Đình Hượu nửa thế kỷ tìm biết với những niềm khắc khoải trí thức

Mùa thu này, trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nhà xuất bản Tri thức đã kịp cho ra mắt bạn đọc cuốn sách nêu trên của tác giả PGS. TS Trần Ngọc Vương.


Cuốn sách dày hơn 500 trang khổ 16 x 24cm. TS Đinh Hoàng Thắng nhận xét: “Đây là cả một vỉa rừng đại ngàn về tư tưởng và kinh tế - xã hội, về văn hóa và văn chương cùng với một số cây đại thụ do ông Trần Ngọc Vương tuyển chọn…”.

Theo ông Nguyễn Trung, cuốn sách đã “nêu lên nhiều vấn đề hệ trọng trong đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa của đất nước ta kể từ thời Triệu Đà cho tới ngày nay. Tác giả nêu không ít nhận xét, đánh giá của riêng mình, rất đáng là “nhiên liệu” cho việc đào sau, tìm tòi, xác định cái thực thể Việt đích thực để chúng ta nghĩ tiếp, đi tiếp”.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đánh giá: “Sách của Trần Ngọc Vương rất hấp dẫn, tôi đọc một mạch cả quyển”. Tuy nhiên, theo nhà văn, tác giả dường như quá chú tâm về Nho giáo mà hơi nhẹ phần Phật giáo, tuy có bài về Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, nhưng chưa đủ.

Ông Nguyễn Trung tâm sự: “Càng vào thu, tôi càng bồng bềnh giữa không biết bao suy nghĩ về 1000 năm Thăng Long, miên man liên hệ với con đường đất nước ta đã trải suốt chiều dài lịch sử. Lặn ngụp, trôi dạt trong thác lũ mênh mông miên man ấy, đầu tôi đụng đi đụng lại vào hai chữ “văn hóa”… cái gì làm nên sức sống của dân tộc mình?”. Đến nay tôi vẫn chưa trả lời được rành rọt cho chính mình. Vì thế tôi đặt tên cho nó là “câu hỏi đời”. Chắc chắn nó sẽ còn đeo đuổi tôi, hay là chính tôi đeo đuổi nó, suốt đời…

Cuốn sách “Thực thể Việt - nhìn từ các tọa độ chữ” của Trần Ngọc Vương đặt vấn đề: Toàn bộ tồn tại lịch sử của thực thể Việt Nam đòi hỏi việc khái quát từ nó và cho nó để đạt tới những luận điểm và thành tố lý thuyết mới, nhưng cho tới nay, nói một cách thẳng thắn và sòng phẳng; những đúc kết lý thuyết ấy còn chưa được tiến hành tới ngưỡng khả tín cần thiết. Triết học và các ngành khoa học xã hội ở Việt Nam vẫn tồn tại lơ lửng đâu đó…

Trên đây, chúng tôi trích dẫn một số nhận xét bước đầu của các học giả về cuốn sách nêu trên trong một cuộc tọa đàm khoa học do Nhà xuất bản Tri thức và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây vừa phối hợp tổ chức hôm 14 tháng 11 năm 2010 tại Hà Nội.

Tác phẩm là một sự tích hợp nhiều lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội, văn học nghệ thuật, đó là kết quả của quá trình nghiên cứu hơn 30 năm qua của PGS. TS Trần Ngọc Vương. Xin trân trọng giới thiệu với độc giả cuốn sách rất giá trị về mặt nghiên cứu và phổ biến học thuật.

Hồng Vân


Vài cảm nhận đầu tiên sau khi đọc công trình THỰC THỂ VIỆT NHÌN TỪ CÁC TỌA ĐỘ CHỮ của Trần Ngọc Vương
NGƯT Vũ Thế Khôi

Tuần trước đến chơi nhà anh Vương, đã không mang quà đến lại được quà - công trình mới ra lò của anh, cầm khá đậm tay: những năm trăm rưởi trang!

Lướt qua mục lục, thấy sách có vẻ như không phải một chuyên khảo liền mạch mà là tập hợp các bài viết vào những thời điểm khác nhau, về những lĩnh vực khác nhau. Tôi vốn không mạnh về lý thuyết, mà về kinh tế thì cả trên mặt lý thuyết lẫn thực hành đều yếu kém, nên bỏ qua luôn phần 1: Từ góc nhìn kinh tế - xã hội, định bụng lúc nào rảnh việc hơn sẽ ngồi “gậm” nghiêm chỉnh để tự bồi bổ kiến thức. Phần 2: Tâm thức cộng đồng, lịch sử và lịch sử tư tưởng. Lý thú đây, có những mục liên quan một số vấn đề bản thân mình từng nghiên cứu, thậm chí đọc tham luận ở các hội thảo, chẳng hạn: Lưỡng đầu chế thời Lê - Trịnh và những hệ quả lịch sử của nó; Vận mệnh của Nho giáo qua những biến thiên lịch sử nửa đầu thế kỷ XX; Nhân quả Đông du… Sẽ được thêm một góc nhìn cho mình, nhưng cũng tạm gác lại đã.

Do “méo mó nghề nghiệp”(giảng dạy ngữ văn và văn hóa mà), tôi bập ngay vào phần 3: Văn hóa - Khoa giáo. Rồi đọc một lèo cả phần 4: Một góc văn chương và phần 5 (cuối cùng): Mấy bức chân dung, trong đó tôi đặc biệt quan tâm 3 bức: Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế và Trần Đình Hượu (ân sư của anh Vương).

Cảm nhận đầu tiên là tác giả đã có một góc nhìn mới mẻ và một cái nhìn riêng, đôi khi rất sắc nhọn, phát biểu thẳng thắn, không vòng vo tránh né đối với hàng loạt đối tượng anh nghiên cứu, khảo sát. Tôi nói đôi khi, bởi có cũng có những vấn đề mới chỉ là hời hợt, lướt qua như: về cộng đồng người Việt ở nước ngoài, về kiến tạo một xã hội học tập…Điều này cũng khó tránh ở một công trình mà chủ đề dàn trải qua nhiều lĩnh vực. Nhưng nói chung, cảm nhận của tôi là như vậy: góc nhìn mới mẻ, cái nhìn sắc nhọn, phát biểu thẳng thắn.

Lấy vấn đề văn hóa họ tộc làm ví dụ. Chúng ta đều biết đây là một “bum” hiện thời. Trần Ngọc Vương phải chăng là người đầu tiên đặt vấn đề ở tầm chiến lược? Trong bài Văn hóa họ tộc - một vấn đề văn hóa có tầm chiến lược chưa được đánh giá và quan tâm ở mức cần thiết (tr. 165 - 177) tác giả đặt câu hỏi rất trúng: “Đổi mới hay phục hồi, và phục hồi như thế nào?” và nhận xét sắc sảo rằng chúng ta đang… “chứng kiến một cảnh tượng làm lấy được, thiếu những lý lẽ tối thiểu nên thành xô bồ, đầy tính hài kịch”(tr.165), “những tàn dư độc hại của một quá khứ “phong kiến đế quốc thực dân” - đã từ dần dà đến ồ ạt được phục hồi (tr.165)”.

Thực vậy, lòng thành kính không phải một nén nhang trước ban thờ tổ tiên mà phải mâm cao cỗ đầy, vàng mã đốt vô tội vạ, cả ô tô, nhà lầu, hình nhân vợ cả, vợ lẽ, nàng hầu. Lòng hiếu thảo không phải là quạt nồng sưởi lạnh, hầu hạ dưới gối lúc sinh thời mà là lăng mộ to tát, từ đường ngênh ngang hàng chục tỷ đồng theo lối trưởng giả học làm sang để vênh vang với đời. Và Trần Ngọc Vương đã dũng cảm cảnh báo trước nguy cơ tái sinh cái sự “tạo huyết thống giả”, tức là người ta đang tùy tiện vơ vào, vẽ vời tộc phả ba-bốn chục đời bất chấp sự thực huyết thống, để họ mình to, họ mình cổ lai hy, nhằm gây áp lực, biến “những thực thể cách mạng hàng đầu ở nông thôn sau gần nửa thế kỷ nông dân đi theo Đảng như ủy ban xã, đảng ủy, ban chủ nhiệm hợp tác xã, chi bộ… trở thành đại lý của các dòng họ, nơi thực thi những kế hoạch tranh quyền đoạt lợi và chèn ép lẫn nhau của các vị tôn trưởng”(tr.166). Những Mảnh đất lắm người nhiều ma kiểu đó, đúng như Vương viết, “hiển hiện khắp mọi làng xóm Việt Nam, ở bất cứ nơi nào những mặt trái của quan hệ họ tộc chưa được ý thức tự giác cao độ để không chỉ bài trừ mà còn phòng chống sự tái sinh, như lời cảnh báo sáng suốt thể hiện tầm viễn kiến của cố học giả Trần Đình Hượu”(tr. 166). Xin nói thêm, một số dòng họ sau Đại hội X đã “kiểm kê” xẹm họ mình có bao nhiêu người vào TW!

Cuối cùng, thẳng thắn theo tinh thần của Đại hội Đổi mới, Vương viết toẹt ra (tức không vòng vo tránh né, rào trước đón sau!), điều mọi người tâm huyết thực sự với văn hóa họ tộc đều nghĩ về cái gọi là “ngày giỗ quốc tổ”: “Điều mà suốt hàng ngàn năm lịch sử, các triều đai đế vương xưa, những chủ thể quyền lực về nguyên tắc dựa trên những nguyên lý của tinh thần huyết thống và là nhà nước thần quyền (tôi nhấn mạnh - TNV) không đủ can đảm hoặc không đủ trơ trẽn để đẩy quy mô huyết thống hóa giả lên tới đó, thì bây giờ, dưới thời của những người quốc tế chủ nghĩa, vô thần chủ nghĩa đã đạt tới đỉnh điểm”(tr.167). Từ cái “đỉnh điểm” ấy soi vào tọa độ chữ, Trần Ngọc Vương giải mã cái câu cửa miệng “lấy dân làm gốc của nước”(dĩ dân vi bang bản) “không phải là tư tưởng dân chủ” mà là “một sự hiểu lầm tai hại” (TNV nhấn mạnh), bởi với cái đà “huyết thống hóa giả” lên tới đỉnh điểm ấy các quan đều là cha mẹ của dân (“dân chi phụ mẫu”), dân là con đỏ (“xích tử”), mà… “con cái trước khi bàn đến quyền lợi, cần thực hiện nghĩa vụ, trước mọi sai lầm có thể có của cha mẹ, quyền con cái chỉ có thể cao nhất là quyền can ngăn, nhược bằng không thể can ngăn, thì chỉ còn cách làm theo lời chỉ dạy của của Đức Thánh “khóc mà vâng lời” (Luận ngữ) chứ không được chống đối mãi…” (VTK nhấn mạnh - tr.174).

Tôi đọc mà thấy ớn xương sống điều băn khăn bất an của Vương: “Cái ao nước lã cấu thành nên cái ao nhà ấy liệu có lúc nào bị nguy cơ biến thành ao tiết canh của những dòng tộc không chịu hòa huyết?” (tr.168).

Lúc mới đọc đề mục của vấn đề văn hóa họ tộc, bắt gặp chữ “chiến lược” tôi thầm nghĩ “cha này ngoa ngôn rồi”. Đọc đi đọc lại bài này thì hoàn toàn nhất trí cách đặt vấn đề của Trần Ngọc Vương ở tầm đó. Bởi vì tác giả đã đào sâu đến căn nguyên của việc ngụy tạo huyết thống: “phương thức sản xuất châu Á” (mode de la production asiatique) mà Các Mác đã chỉ ra, dẫu mới dựa trên trực giác và một cách tạm thời (tr.170), cùng thiết chế trên cơ sở phương thức đó là chế độ chuyên chế phương Đông (absolutisme orientale) mà cái huyết thống giả đẩy đến tầm quốc gia - vua quan là “phụ mẫu”, dân là tôi con (“thần tử”), “dĩ dân vi bang bản” thực chất là bố thí lòng thương con đỏ, chứ không phải cho dân quyền dân chủ.

Thế là tôi hiểu ra tại sao Trần Ngọc Vương bố cục phần 1 của sách THỰC THỂ VIỆT… là Từ góc nhìn kinh tế - xã hội. Chắc chắn tôi sẽ phải “gậm” kỹ cái của khó nhằn này đối với tôi đây.

14 - 11 - 2010; 15’ 10’’



Văn hóa - sức sống bất diệt và mãnh liệt
Nguyễn Trung

Tặng Trần Ngọc Vương, nhân đọc “Thực thể Việt – nhìn từ các tọa độ chữ”

Mùa thu năm nay tôi có đôi ba “sự kiện văn hóa” của riêng mình. Gọi là sự kiện riêng, vì nó làm tôi thú vị.

Càng vào thu, tôi càng bồng bềnh giữa không biết bao nhiêu suy nghĩ về 1000 năm Thăng Long, miên man liên hệ với con đường đất nước ta đã trải qua suốt chiều dài thời gian này. Lặn ngụp, trôi giạt trong thác lũ mênh mông miên man ấy, đầu tôi đụng đi đụng lại vào hai chữ “văn hóa”. Đơn giản vì câu hỏi trong đầu tôi “Cái gì làm nên sức sống của dân tộc mình?” không dễ đối với tôi chút nào… Vì đến nay tôi vẫn chưa làm sao trả lời rành rọt được cho chính mình. Vì thế tôi đặt tên cho nó là “câu hỏi đời”. Chắc chắn nó sẽ còn đeo đuổi tôi, hay là chính tôi đeo đuổi nó, suốt đời…

Giữa lúc ấy, đến với tôi như là một cánh lá vàng đẹp, do ngọn gió thu nào đó mang tới: “Đằng sau những ước lệ ngôn từ của Thiên Đô Chiếu”.

Đọc xong, việc đầu tiên tôi phải gọi điện thoại ngay cho tác giả:

- Vương ơi, hình như cái nguyên do làm nên ý nghĩa sâu thẳm nhất của dời đô những kẻ hậu duệ như chúng ta hôm nay chưa nhìn nhận thấu đáo Vương ạ. Cảm ơn Vương nhiều, đã viết được đúng cái sâu thẳm ấy ra thành lời: Dời đô ghi dấu một bước ngoặt thời đại “giai đoạn thù hiềm nhất thiết phải được vượt qua, và về cơ bản đã được vượt qua”.

Không có bước ngoặt này, làm sao tạo dựng được đất nước như hôm nay! Tầm nhìn nào, sức mạnh nào có thể trở thành sức mạnh kiến tạo quốc gia, nếu như vẫn còn kia trong lòng dân tộc mối chia năm xẻ bẩy? …Tâm trạng giãi bầy của Vua qua lời Chiếu…

Vương ơi, đọc lại, và đúng là tôi cảm nhận được như Ngài đang giãi bầy với chính mình giữa cuộc đời này, từng lời, Vương ạ – với chính mình, chứ không phải là một viên quan nào đó trong triều!.. Chính mình đang nghe, một chúng dân, một chúng dân của đất nước hôm nay đang nghe Vương ạ!.. Ôi chúng ta đúng là hỗn quá! Chúng ta nói quá nhiều về rồng bay lên..., nói to quá!.. Át cả tâm trạng giãi bầy của Ngài… Lại còn bắt Ngài và Hoàng hậu đi diễu hành vẫy vẫy chúng dân nữa chứ! Thật là quá thể!.. Cái giá phải trả cho niềm tự hào phóng đại đặt sai chỗ là sự hoang tưởng, rỗng, khỏa lấp, che đậy… Có nghĩ như thế không hả Vương?.. Mình nghĩ thế có đúng không?..

Câu chuyện qua điện thoại hôm ấy giữa hai chúng tôi dài lắm…

Sau cuộc đàm thoại này, câu hỏi đời càng chơi khăm tôi hơn, cái máu học trò trong tôi lúc lúc lại sôi lên, như bao lần..: Vì sao một dân tộc có truyền thống lịch sử vẻ vang hàng nghìn năm như dân tộc ta mà hôm nay xếp bậc vẫn cứ xa xa mãi như thế về phía cuối lớp?

Lần này chính Vương chơi khăm, tặng tôi cuốn “Thực thể Việt – nhìn từ các tọa độ chữ”mà anh vừa mới lấy ra từ cái lò nướng bánh của mình.

Xin miễn bàn ở đây về những vinh quang của dân tộc ta, vì không phải lúc đối với tôi lúc này. Tôi đang cay cú vì bị chơi khăm, và chỉ muốn giải tỏa khỏi việc mình bị chơi khăm.

Tôi lại đi tìm câu trả lời. Lần này, cái đầu cũng đụng đi đụng lại vào hai chữ “văn hóa”.

Tôi không viết về cuốn sách Trần Ngọc Vương trao tặng, mà chỉ lấy từ cảm hứng sau khi đọc nó để nói lên điều lâu nay làm mình day dứt.

Toàn bộ tồn tại của lịch sử thực của thể Việt Nam đòi hỏi việc khái quát (cái) từ nó và cho nó để đạt tới những luận điểm và thành tố lý thuyết mới, nhưng cho đến nay, nói một cách thẳng thắn và sòng phẳng, những đúc kết lý thuyết ấy còn chưa được tiến hành tới ngưỡng khả tín cần thiết. Triết học và các ngành khoa học cận triết học khác ở Việt Nam vẫn tồn tại lơ lửng đâu đó trong một trạng thái không trọng lượng, hoặc bị nhận mặt là con lai, trong khi cộng đồng bị níu lại bởi tâm thế khó cởi mở với những sinh linh khác máu tanh lòng”… Trần Ngọc Vương thẳng thắn nhận xét như thế và đi tới kết luận: Suốt cả một thế kỷ nay, những gì triết học và các ngành khoa học “cận triết học” đang làm ở nước ta “không phải là khoa học đích thực.., gieo rắc những sai lầm và gây họa khủng khiếp!” (tr.227, vân vân…)

Đấy là cú hích, vào đúng nỗi đau kinh niên của tôi.
Khám phá vỉa rừng đại ngàn của TS Trần Ngọc Vương
TS. Đinh Hoàng Thắng

(Phát biểu nhân buổi giới thiệu sách “Thực thể Việt- Nhìn từ các tọa độ chữ”
của PGS-TS Trần Ngọc Vương)

Thưa Quý vị,

Hơn 500 trang sách của TS Trần Ngọc Vương quả là cả một vỉa rừng đại ngàn về tư tưởng và kinh tế-xã hội, về văn hóa và văn chương cùng với một số cây cổ thụ do ông tuyển chọn, dĩ nhiên là với các tiêu chí do ông đề ra. Tôi chưa có điều kiện để đi hết khu rừng ấy, nhất là những mảnh rừng nguyên sinh, chưa có dấu chân người. Hôm nay tôi chỉ muốn “suy tư thành tiếng” với cử tọa một số cảm nhận ban đầu của mình khi mới lướt xem vỉa rừng ấy qua videoclip.

Trước hết, xin chia sẻ với cách đề cập khá táo bạo của tác giả đến một mảng rất bao trùm, một vấn đề mang tính triết học phổ quát của lịch sử: có hay không có những “lối phát triển” khác nhau của các xã hội khác nhau? Có hay không có những “mô thức phát triển” khác nhau? Ở đây chưa dám lạm bàn sâu về những “ưu điểm và hạn chế” của mỗi “minh triết phát triển” ấy như thế nào. Rồi nữa, có thể hay không thể “phối-kết hợp” hai lối phát triển ấy với nhau?

Theo ông Vương, một thời, thế giới từng bị “cuốn theo chiều gió”, theo ngả đường Âu hóa, “dĩ Âu vi trung” (eurocentrism), nhưng nếu lùi ra xa, quan sát sự phát triển của nhân loại theo một khung thời gian đủ lớn, thì đã chắc đâu “ngả đường châu Âu” là đường cái quan của toàn bộ lịch sử? Vô số người phương Tây hiện đang đòi hỏi và thực hành “sống chậm”, mà sự lựa chọn của Trung Quốc hiện thời biến quốc gia mình thành “đại công xưởng, đại công trường” của thế giới - một sự bắt nhịp “ngả đường châu Âu” muộn mằn - cũng đã làm xuất hiện vô số những thanh gươm không chỉ tự treo lơ lửng ngay trên đỉnh đầu của cộng đồng mình mà còn “kề cổ” những cộng đồng khác…

Là một người nghiên cứu về quan hệ quốc tế đương đại, tôi xin thưa rằng, vấn đề tác giả trăn trở cũng chính là vấn đề các “túi khôn” của cộng đồng quốc tế hiện đang ngày đêm cày xới. Trong vòng mươi năm trở lại đây, cuộc tranh luận gay gắt và quyết liệt giữa các nhà lý luận về “đồng thuận Washington” hay “đồng thuận Bắc Kinh” đã diễn ra không biết trên bao nhiêu diễn đàn, từ Á sang Âu, đặc biệt là ở Mỹ La-tinh.

Ở đây, tôi đồng ý với Trần Ngọc Vương rằng, bất cứ một thế lực cầm quyền có trách nhiệm nào cũng phải có nghĩa vụ (pháp lý và đạo đức) lựa chọn một hay những phương thức phát triển đưa lại hạnh phúc tối đa cho tuyệt đại đa số thành viên cộng đồng mà mình lãnh đạo hay cai trị.

Tôi đặc biệt chia sẻ với một nhận xét “gây sốc” của tác giả rằng, thước đo nhân văn cho mọi tôn chỉ là hạnh phúc của đại đa số cư dân, đó là số nhân mạng phải trả ở mọi nơi mọi lúc cho những “phương thức phát triển” ấy. Phát hiện này gây sốc đến mức nếu chúng ta đi sâu vào chủ đề này thì phải tổ chức một hội thảo riêng về các con đường giành độc lập khác nhau trong các nước châu Á, hay bó hẹp hơn trong các nước ASEAN để xác tín rõ hơn “nghĩa vụ pháp lý và đạo đức” của các nhà cai trị trong lịch sử.

Thứ hai, xin bày tỏ sự tán đồng với tác giả về nội dung thông điệp mà tác giả, thông qua các “chiều kích” khác nhau, thông qua cách tiếp cận “đa ngành trong một thực thể” muốn chuyển tải đến thế hệ trẻ ngày nay.

Trần Ngọc Vương có lý khi ông cho rằng, đến thời điểm nào đó trong cuộc đời, rất nhiều người chợt nhận ra rằng không thể sống như cũ. Không hẳn vì chặng đời đã qua không tốt, không thành công hay không thú vị, mà những bước ngoặt như thế diễn ra vì rất nhiều lẽ, đối với từng cá nhân khác nhau là rất khác nhau. Và để lựa chọn một cách thế sống mới, không thể không làm một cuộc “đại phản tư”, một chuỗi những cơn trằn trọc, tự vấn?

Điều băn khoăn trên hoàn toàn hiện thực đối với thế hệ chúng ta, một thế hệ những năm đầu có thể coi như là “thế hệ lạc quan”. “Ta tư duy vậy thì ta tồn tại!”. Đúng là tác giả của câu châm ngôn để đời và giàu tính triết học ấy chắc từng thất vọng nhiều phen, đã không đắm đuối với những lý tưởng tuy đẹp đẽ lớn lao nhưng cũng mông lung sương khói mà cân nhắc ý nghĩa cuộc đời, mà đo đếm chính bản thân đời sống để kết thúc một cách thực tế: “Hãy biết sắp xếp lại ước muốn của mình hơn là hy vọng tổ chức lại trật tự thế giới” (René Descartes).

Hai trong số các danh nhân ông viết làm tôi đặc biệt chú ý. Nguyễn Trãi “từng song hành bảng giá trị trái dấu, những xung khắc nội tại chưa thể điều hòa” dù thời Nguyễn Trãi là thời của “thế hệ nhập cuộc”. Với Nguyễn Bỉnh Khiêm, lần đầu tiên ta thực sự gặp một phương thức ứng xử đối trọng: không theo đuổi hoài vọng lớn lao mà tuân thủ những tính toán cặn kẽ, thiết thực, có trí tuệ tột cùng nhưng chỉ để giữ mình (“minh triết bảo thân”).

Trần Ngọc Vương thật khiêm tốn khi ông thừa nhận, nếu được quyền đưa ra một thông điệp nào đó đối với thế hệ trẻ hiện nay, ông chỉ mong họ (trong số đó có thể có cả con cháu ông) hãy sống và hành động sao cho mình tự nhủ được chính mình, rằng “đã làm hết những gì mà khả năng có thể”. Nhưng ông cũng nói thêm rằng lòng dũng cảm và sự sáng suốt không phải là những đức tính dễ dàng kết hợp.

Thứ ba, và cũng là ý kiến cuối cùng, tôi xin quảng bá trước với quý vị một cuộc phỏng vấn hết sức “cây nhà lá vườn” của tờ báo “Sài Gòn Tiếp Thị” sẽ được ra mắt nay mai. Cuộc phỏng vấn đó thực sự là một cuộc giao cảm giữa người hỏi và người trả lời về những vấn đề lớn liên quan đến nội dung 5 phần của cuốn sách mà tác giả đã viết trong hơn 30 năm trời để khai thác những đề tài mang tính liên ngành từ một góc nhìn độc đáo và táo bạo, góc nhìn của một nhà nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn và dũng cảm.

Thưa quý vị,

Trong một kỷ nguyên “mưa Âu gió Á” như thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 này, phương pháp tiếp cận đa ngành trong một cá thể như tác phẩm “Thực thể Việt” của TS Trần Ngọc Vương quả thực là một món ăn tình thần cao cấp cho những ai quan tâm đến quá khứ, thế sự và tương lai của dân tộc.


Thực thể Việt - Vài cảm nhận ban đầu
Trần Nho Thìn, PGS.TS, giảng viên khoa Văn học, ĐH KHXH và Nhân văn Hà Nội

Sáng tác văn học về bản chất là đối thoại- nhà văn đối thoại với các vấn đề của cuộc sống, trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Để hiểu văn học, nhà nghiên cứu chuyên nghiệp cần tiệm cận càng sát gần càng tốt những vấn đề đã hay có thể là đối tượng đối thoại của nhà văn, những vấn đề vô tận như chính bản thân cuộc sống. Do đó, nhà nghiên cứu cần có một tầm quan sát và hiểu biết rộng, liên ngành, nhiều khi đi xa ra ngoài lĩnh vực mà không ít người nghĩ là xa lạ với văn học. Tôi muốn nói đến hướng đi như thế của Trần Ngọc Vương, nhà nghiên cứu văn học, thể hiện trong cuốn Thực thể Việt, nhìn từ các tọa độ chữ.

Có thể có nhà nghiên cứu văn học sẽ nhún vai: một số phần trong tập sách này không có quan hệ gì với văn học. Quả thực, anh đã không hiếm lần “vượt biên qua lãnh thổ của người khác” để bàn thảo về những chuyện khá hàn lâm của giới triết học, kinh tế học, sử học, xã hội học v.v…để cuối cùng trở về với mảnh vườn chính của mình là nghiên cứu văn học. Mà cách anh bàn về những chuyện ngoài văn học ấy cũng khá sắc sảo, biết nêu toàn những vấn đề chiến lược động trời, có tầm khái quát vĩ mô và cũng cung cấp “thức ăn cho sự suy nghĩ”- tức là tạo ra vấn đề, “chọc tức” để thảo luận, tranh luận. Còn gì quan trọng hơn là nêu vấn đề để tranh luận cho ra nhẽ. Vì thế tôi chia xẻ hướng đi của tác giả. Người khác có thể nghĩ đấy là chuyện vượt ra ngoài mảnh đất 5% của mình, là mua mệt vào thân, không có những vấn đề ấy thì cũng đã quá đủ việc để làm. Bình tâm mà suy xét, để viết được về nhiều vấn đề của Thực thể Việt, người viết vốn là nhà nghiên cứu văn học phải tự trang bị vốn liếng kha khá, có thể đối thoại được với các học giả thuộc các lĩnh vực khác. Và cũng phải có “tạng” hay “cơ địa” riêng nữa: phải có khả năng suy nghĩ theo kiểu triết học, biết khái quát, liên kết các mảng kiến thức đa ngành cho một mục đích nhất định.

Điều quan trọng hơn, đi xa để trở về gần, nhà nghiên cứu văn học càng biết rộng thì độ thâm nhập vào các vấn đề của bản thân văn học càng sâu hơn. Trần Ngọc Vương ngoái nhìn lại quá khứ để bàn về phát triển đất nước, nhìn ra láng giềng, đặt dân tộc trong bối cảnh Đông Á mà xem xét tiến trình hiện đại hóa, phân tích những khía cạnh tâm lý, văn hóa của con người Việt qua biến thiên lịch sử, qua những thời điểm then chốt …Thực ra tất cả các tọa độ đó đều không xa lạ với thi pháp học đang được vận dụng rộng rãi và có hiệu quả ở Việt Nam : con người –không gian- thời gian. Có điều là anh phân tích một “đại văn bản” mà anh gọi là thực thể Việt chứ không đi vào những văn bản cụ thể. Con người đây là con người Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ, từ kết cấu giai cấp, qua ý thức sở hữu đến tư duy huyền thoại, tính cách sinh hoạt vật chất và cộng đồng họ tộc. Không gian đây là không gian của vùng đồng bằng sông Hồng, nơi hình thành nên những nền tảng của bản sắc Việt, cũng là nơi có tiếp xúc, thâu hóa sớm nhất, lâu dài nhất văn minh Đông Á. Thời gian trải dài từ huyền sử đến hiện đại, đương đại, qua những khúc quanh quan trọng.

Các vấn đề Việt Nam học ở đây được Trần Ngọc Vương tiếp cận một cách độc lập, khách quan, với tâm thế của người làm khoa học. Chúng ta đã quá quen thuộc với cách tiếp cận dân tộc chủ nghĩa, giai cấp chủ nghĩa. Hầu hết các bài viết ở đây đều đặt ra những vấn đề mà nếu nhìn từ góc nhìn khác, thậm chí là góc nhìn đã thành nếp thì có thể giật mình nhưng ngẫm lại không phải không có lý. Đó là chỗ hấp dẫn của cuốn sách. Nó đề nghị những điểm nhìn mới, cách nghĩ mới cho nhiều hiện tượng văn hóa, văn học dân tộc.

Có người hỏi tôi về thể loại của công trình này. Thì thể loại chính là vấn đề độc đáo, riêng biệt của cuốn sách. Những người đọc nghiêm túc, quan tâm đến các vấn đề lớn lao của dân tộc và thời đại sẽ tìm thấy tuy tản mạn song lại rất thú vị, những kiến giải mạnh dạn và đầy suy tư của tác giả đã bộc lộ như một thiên hướng suốt khoảng ba mươi năm qua và nay vẫn giữ nguyên nhiệt tình. Những cuốn sách thuộc thể loại “qua các tọa độ chữ” này hiện ở ta không nhiều và rất đáng quan tâm.


Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • "Tôi viết sách vì trăn trở với tương lai đất nước"

    23/11/2013Anh VũNguyễn Trần Bạt tác giả của những tập sách nổi tiếng viết về các vấn đề đang đặt ra cho quá trình phát triển ở Việt Nam như: Văn hóa và con người, Cải cách và phát triển, Suy tưởng, Cội nguồn cảm hứng và gần đây nhất là cuốn Đối thoại với tương lai. Bằng quan sát đa chiều, sách của ông đề cập đến những khía cạnh đa dạng của cuộc sống của phát triển tại Việt Nam đã và đang thu hút được sự quan tâm rộng rãi...
  • Biển Đông và hải đảo Việt Nam

    06/08/2010Biển Đông là biển lớn nhất trong sáu biển lớn của thế giới với diện tích khoảng 3.447.000 km2. Trong Biển Đông bao la đó, lãnh hải của Việt Nam chiếm khoảng trên 1.000.000 km2. Trước khi bị một số nước xâm chiếm, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngay từ thế kỷ XVIII nước ta đã thiết lập đội Hoàng Sa để khai thác hải sản và bảo vệ chủ quyền của mình.
  • Việt Nam tổng kết một chiến thắng hay để hiểu Việt Nam

    06/10/2009Dương Trung Quốc"Việt Nam tổng kết một chiến thắng hay để hiểu Việt Nam" tập hợp những bài trả lời phỏng vấn, trích một vài bức thư và bổ sung thêm lời tự sự của Nguyễn Khắc Viện với ta cách là chủ nhiệm tạp chí Nghiên cứu Việt Nam (Etudes Vietnamiennes). Đây là tờ tạp chí hàng đầu (về chất lượng) trên lĩnh vực tuyên truyền đối ngoại của nước ta khi đó.
  • Miền Nam Việt Nam từ sau Điện Biên Phủ

    15/09/2009Nguyễn Khắc ViệnBởi vì đất nước này là đất nước của chúng tôi, nên xin bạn đọc đừng ngạc nhiên nếu những dòng dưới đây đôi khi có ít nhiều nhuốm màu cảm xúc. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để khách quan càng nhiều càng tốt, nhưng lẽ tự nhiên, trái tim của một con người làm sao có thể không rung động khi phải kể lại những tai họa đang giáng xuống quê hương mình, hay khi mô tả lại những chiến tích anh hùng của đồng bào mình. Tính khách quan lịch sử đâu phải là sự bàng quan lạnh lùng trước bất hạnh của những con người.
  • Phạm Quỳnh - Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932

    08/08/2009Cái văn bản Phạm Quỳnh mấy chục năm qua đã thoát hình hài trần thế để được thoả sức yêu cái đẹp thiên giới, nơi đó không còn triết học và thực dụng, không còn lo âu và toan tính, không còn ảo tượng và vỡ mộng. Văn bản đó sẽ để lại trong lòng người những tác phẩm như thế nào đây? Điều đó hoàn toàn là của riêng bạn đọc. Mấy lời giới thiệu phiến diện này cũng chỉ là một trong vô vàn tác phẩm mà thôi.
  • Hình ảnh người Việt đầu thế kỷ 20

    05/06/2009Thái ThanhNếu không có lần tái bản này, chắc chắn sẽ rất ít người có cơ hội tiếp cận cuốn sách quý của Henri Oger về người Việt Nam đầu thế kỷ 20, vì trong lần ra mắt đầu tiên cách đây đúng 100 năm, cuốn sách chỉ được in 60 bản, giờ nằm tản mát ở thư viện nhiều nước trên thế giới.
  • Phương tiện truyền thông mới và những thay đổi văn hóa xã hội ở Việt Nam

    08/08/2008Bùi Hoài SơnCó thể nói rằng, các phương tiện truyền thông mới như điện thoại di động và Internet đã làm thay đổi thế giới và cách tư duy của con người đến mức bản thân chúng ta cũng không thể hết khả năng vô cùng của nó. Trong một thời gian tương đối ngắn, những tác động của các phương tiện truyền thông mới đã tạo ra những biến đổi về văn hóa - xã hội sâu sắc ở mọi ngõ ngách của trái đất nơi chúng ta đang sống...
  • Một cuốn sách bổ ích về văn hóa và văn hóa Việt Nam

    19/05/2007Nguyễn HòaCó thể coi cuốn sách Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam của GS TS Ngô Đức Thịnh là một đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp nghiên cứu và phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
  • Văn hóa Việt Nam, nhìn từ mẫu người văn hóa

    07/08/2006Song ThủyNhìn văn hóa Việt Nam từ mẫu người văn hóa, tôi tránh được một cái nhìn tuyến tính của sự biến thiên. Hơn nữa, lối tiếp cận này còn trình ra một cách hiểu khác về văn hóa. Văn hóa, tôi nghĩ, không chỉ là những gì bày ra trên mặt đất, mà quan trọng hơn, còn là những trầm tích trong lòng đất. Và trong lòng người.
  • Bàn về văn hóa ứng xử của người Việt Nam

    06/06/2006Nguyễn Tất ThịnhTôi viết cuốn sách này với cách nhìn xuyên suốt của văn hóa xã hội. Để trở thành gì thì vấn đề cốt lõi là đẳng cấp văn hóa, để hội nhập vấn đề xuyên suốt cũng là văn hóa. Cuối cùng là mong muốn sự phản tỉnh văn hóa, như luống đất đã được lật luống, trồng trên đó cây gì tùy thuộc vào mỗi người. Có nhiều thứ để trồng lắm, nhưng đó phải là những thứ tốt lành nuôi dưỡng chúng ta và thúc đẩy chúng ta phát triển...
  • Tính cộng đồng - tính cá nhân và "cái tôi" của người Việt Nam hiện nay

    04/05/2006TS. Hoàng KimQuá trình thực thể sinh học - xã hội trở thành con người cũng là quá trình có sự kết hợp giữa tính cộng đồng và tính cá nhân, nói rộng hơn, là giữa tính xã hội và tính cá nhân. Triển khai nghiên cứu đề tài, các tác giả Viện Tâm lý học đã đặt nó trong bối cảnh của thời đại ngày nay, khi quá trình hội nhập đã trở thành xu thế chung mang tính toàn nhân loại...
  • Bàn về văn hiến Việt Nam

    26/12/2005GS. Vũ KhiêuVới Gs Vũ Khiêu - "'Văn hiến Việt Nam” là một sự nhìn lại, một cái nhìn chắt lọc, tinh tế hơn trên cơ sở của một công trình nghiên cứu đã xuất bản trước đây (do Nxb Khoa học xã hội ấn hành). Lần tái bản này tác giả mong muốn gửi đến độc giả một công trình nghiên cứu mang dấu ấn của gần cả một đời người đã sống và hoạt động trên lĩnh vực văn hóa và tư tưởng...
  • Lược khảo tư tưởng Thiền trúc lâm Việt Nam

    11/11/2005Nguyễn Hùng HậuCùng với khuynh hướng tìm về cội nguồn, việc nghiên cứu thiền Trúc Lâm Yên Tử - một thiền phái Việt Nam, do người Việt Nam tạo dựng và phát triển - là một vấn đề cần thiết và cấp bách. Thông qua việc nghiên cứu một trường phái Phật giáo Việt Nam sẽ phần nào giúp chúng ta hiểu tổ tiên chúng ta hơn, hiểu con người Việt Nam trong lịch sử hơn...
  • xem toàn bộ