Căn phòng riêng

04:33 CH @ Thứ Hai - 19 Tháng Mười, 2009

Một phụ nữ muốn viết văn cần phải có tiền và một căn phòng của riêng mình.”

Tên sách: Căn phòng riêng
Tác giả: Virginia Woolf
Dịch giả: Trịnh Y Thư
NXB: Tri Thức
Năm xuất bản: 2009
Khổ sách: 12x20cm
Số trang: 188


Căn phòng riêng - cuốn tiểu luận của Virginia Woolf, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1929 - đã được khai triển từ luận điểm trên: Một luận điểm mang màu sắc duy vật và đầy khiêu khích. Thẳng thắn, sắc sảo, với một chất hài hước kín đáo, đó là giọng điệu chủ đạo của Căn phòng riêng.

Cuốn sách mỏng này được hình thành từ loạt bài thuyết trình của Virginia Woolf tại hai trường Newham College và Girton College, hai trường cao đẳng dành cho phụ nữ tại Đại học Cambridge, xoay quanh chủ đề phụ nữ và tiểu thuyết năm 1928. Vào cái thời phụ nữ muốn vào thư viện của trường đại học cần phải có thư giới thiệu hoặc người có uy tín đi kèm, những luận điểm của Virginia Woolf thực sự có tính chất công phá lớn. Cuốn sách không chỉ mô tả tình thế của các nhà văn nữ ở thời kỳ mà người phụ nữ phải chấp nhận nhiều sự bất bình đẳng xã hội, cũng không đơn thuần làm nhiệm vụ phê bình, đánh giá lại vị trí của các tiểu thuyết gia nữ - những đại diện thường bị xem là bộ phận thứ yếu cấu thành nên diện mạo của nền văn học Anh. Nó đặt ra một câu hỏi then chốt: Liệu các nhà văn nữ có thể sáng tạo nên những tác phẩm tầm vóc như của Shakespeare không? Đó không đơn giản là một câu hỏi có tính chất giả định; nó là một đề nghị thử nhìn nhận lại vai trò, vị trí và năng lực của phụ nữ trong việc sáng tạo nên những giá trị văn hóa của nhân loại. Để làm được điều đó, cần phải thoát khỏi những định kiến vẫn được xem là đương nhiên, tự nhiên đối với người phụ nữ.

Căn phòng riêng, bởi tính chất đặt vần đề quan trọng của nó, đã được xem như là cuốn sách đầu tiên đặt nền móng cho trường phái phê bình nữ quyền luận trong văn học. Rộng hơn, nó được xem là một trong những cuốn sách khơi nguồn cho phong trào nữ quyền, vồn khởi phát từ phương Tây và ngày càng có sức lan tỏa rộng rãi, trở thành một khúc ngoặt văn hóa - khúc ngoặt văn hóa- khúc ngoặt nữ quyền (feminist turn), có thể nói như vậy - để dùng một thuật ngữ chỉ sự thay đổi động hình nhận thức của con người trong tiễn trình tư tưởng. Được manh nha từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX tại Anh và Mỹ, nữ quyền luận dấy lên thành trào lưu gây được ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ bắt đầu từ thập niên 60 thế kỷ trước. Nó đấu tranh cho quyền tự do, bình đẳng của người phụ nữ, đòi hỏi mở ra một không gian xã hội rộng lớn hơn để người phụ nữ được can dự, định nghĩa lại về người phụ nữ, giải cấu trúc những biểu tượng định kiến về phụ nữ vốn thống trị nhận thức xã hội… Có thể thấy những chủ đề quan trọng đó của nữ quyền luận đều đã được Virgina Woolf gợi mở trong cuốn sách này.

Virgina Woolf được xem là một trong số những “tượngđài’ kỳ vĩ của văn học hiện đại chủ nghĩa, bên cạnh tên tuổi của những James Joyce, Marcel Proust, Franz Kafka, William Faulkner...Bằng sự độc đáo và niềm đam mê sáng tạo vô bờ bến, bản thân cuộc đời và sự nghiệp của Virginia Woolf đã trả lời cho câu hỏi về năng lực của người phụ nữ mà cuốn sách Căn phòng riêng đã nêu ra. Nó cho thấy một Virginia Woolf không chỉ táo bạo trong tư tưởng mà còn hết sức phóng khoáng, tự do trong bút pháp khi làm mờ đi ranh giới giữa tiểu luận và hư cấu, triết lý và tự sự. Đây là cuốn sách đầu tiên của Virginia Woolf được dịch sang tiếng Việt có ý nghĩa như một chỉ dẫn để từ đó độc giả có thâm nhập vào thế giới nghệ thuật phức tạp và nhiều bí ẩn của bà trong các kiệt tác Về phía ngọn hải đăng (To the Lighthouse), Bà Dalloway (Mrs Dalloway), Những con sóng (The Waves), Orlando, Căn phòng của Jacob (Jacob’s Room) mà hy vọng một ngày không xa cũng sẽ được giới thiệu với độc giả Việt Nam.

Trần Ngọc Hiếu


Tại sao đàn ông, chứ không phải phụ nữ, là kẻ luôn nắm giữ quyền lực, sức mạnh và danh tiếng? Chìa khóa mở cánh cửa đến tự do, theo Woolf đó là: thu nhập cố định và một căn phòng riêng.

Cuốn sách của Virginia Woolf được xuất bản năm 1929, dựa trên hai bài giảng của bà vào năm 1928 tại Newnham College và Girton college, Cambridge. Woolf đã nói lên tình trạng của phụ nữ, và đặc biệt là các nữ nghệ sĩ, trong bài luận nổi tiếng này, bà quả quyết rằng phụ nữ phải có tiền và một căn phòng riêng, nếu cô muốn viết văn. Woolf tôn vinh sáng tác của các nữ tác giả, bao gồm Jane Austen, George Eliot, và chị e nhà Brontees. Trong phần cuối cùng của cuốn sách, Woolf cho rằng khối óc siêu việt nhất là khối óc lưỡng tính. Theo bà, muốn có tự do trí tuệ phải có tự do tài chính, và bà khẩn nài độc giả của mình hãy viết không chỉ văn chương hư cấu mà cả thơ, phê bình, và các công trình học thuật khác.


Niên biểu tóm tắt về cuộc đời và tác phẩm của Virginia Woolf

1882:Adeline Virginia Stephen ra đời ngày 25 tháng Một, tại London, con gái Leslie Stephen, một chính khách, nhà phê bình văn học và Julia Duckworth Stephen (Julia Jackson Duckworth, một trong những người tạo dựng nên Nhà xuất bản Duckworth). Cha của Virginia có một người con gái riêng mắc bệnh loạn trí và mẹ của Virginia có ba người con riêng. Họ cùng nhau có thêm bốn người con là: Vanessa, Julian Thoby, Virginia và Adrian. Virginia cùng các anh chị em được bố mẹ dạy tại nhà chứ không đến trường.

1895:Julia Stephen qua đời; Leslie Stephen để tang bà một thời gian dài; Virginia bị chấn động tâm lý dữ dội sau sự kiện này. Stella Duckworth, em gái Julia, thay chị điều hành công việc gia đình của chị, và trì hoãn hôn nhân của bản thân cho đến khi cô cháu gái Vanessa đủ khôn lớn để gánh vác việc nhà.

1897:Stella Duckworth kết hôn, mang bầu và qua đời.

1902:Leslie Stephen được phong tước hiệp sĩ.

1904 -1905:Sir Leslie Stephen qua đời năm 1904. Virginia chịu thêm một cơn chấn động tâm lý, cố gắng tự sát bằng cách nhảy qua cửa số. Vanessa, Thoby, Virginia và Adrian chuyển tới Bloomsbury. Virginia xuất bản những tiểu luận đầu tiên và sau đó trở thành người điểm sách thường xuyên cho tờ Times Literary Supplement. Bà cũng giảng dạy tại các lớp học buổi tối cho nam nữ công nhân.

1906:Bốn anh chị em Virginia đi du lịch đến Hy Lạp, tại đây Vanessa và Thoby bị ốm; Thoby qua đời ở tuổi 26 vì bệnh thương hàn.

1907:Vanessa Stephen kết hôn với nhà phê bình Clive Bell. Virginia và Adrian ở chung phòng gần gia đình Bell.

1910:Triển lãm Hậu - Ấn tượng đầu tiên được một người bạn của Virginia, nhà phê bình và nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Roger Fry tổ chức. Virginia sau này đã viết rằng “vào khoảng tháng 12 năm 1910, đặc tính của con người đã thay đổi”. “Nhóm Bloomsbury” được tập hợp dần dần với những thành viên như Lytton Strachey, Roger Fry, Duncan Grant, Desmond MacCarthy, John Maynard, Keynes và E. M. Forster.

1912-1915:Virginia Stephen kết hôn với Leonard Woolf vào ngày 10 tháng 8 năm 1912. Bà trải qua cơn trấn động tâm lý thứ ba, kéo dài ba năm liền sau đó. Trong khoảng thời gian này, bà hoàn thành cuốn tiểu thuyết The Voyage Out (Chuyến du lịch xa, từng có tên ban đầu là Melymbrosia), nhưng việc xuất bản cuốn sách bị dừng lại vì chiến tranh bùng nổ vào ngày 4 tháng 8 năm 1914. Đến năm 1915, cuốn sách được xuất bản bởi người anh cùng mẹ khác cha của Virginia là Gerald Duckworth. Bà bắt đầu viết nhật ký.

1917:Vợ chồng Woolf mua lại một xưởng in và thành lập Nhà xuất bản Hogarth Press. Sau này, đây là nơi xuất bản các tác phẩm của T. S. Eliot, Katherine Mansfield, Freud, Gorky và toàn bộ các tác phẩm của Woolf.

1918:Chiến tranh kết thúc vào ngày 11 tháng 11.

1919:Xuất bản cuốn tiểu thuyết Night and Day (Đêm và Ngày), tại Nhà xuất bản của Gerald Duckworth; và tuyển tập các truyện ngắn tại Nhà xuất bản Hogarth Press.

1921:Xuất bản Monday or Tuesday(Thứ Hai hay thứ Ba), một truyện vừa, tại Nhà xuất bản Hogarth Press. Từ thời điểm này, tất cả các tác phẩm của bà đều do Nhà Hogarth Press ấn hành.

1922:Xuất bản Jacob’s Room (Căn phòng của Jacob).

1925: Xuất bản Mrs Dalloway (Bà Dalloway) và The Common Reader (Người đọc phổ thông), tập các tiểu luận. Nhà xuất bản Hogarth Press chuyển từ Richmond đến London.

1927:Xuất bản To the Lighthouse (Về phía ngọn hải đăng).

1928:Xuất bản Orlando, một cuốn tiểu thuyết “tiểu sử” về một người bạn của Woolf, Vita Sackville-West.

1929:Xuất bản cuốn tiểu luận dài về nữ quyền, A Room of One's Own (Căn phòng riêng).

1931:Xuất bản The Waves (Những con sóng).

1932:Xuất bản The Common Reader: Second Series (Người đọc phổ thông: Loạt bài thứ hai).

1933:Xuất bản Fush(Cơn phấn khích đột ngột), “tiểu sử của một người hâm mộ thơ Elizabeth Barrett Browning(1806-1861, nữ nhà thơ thời Victoria).

1935:Sản xuất vở Freshwater (Nước ngọt), một vở hài kịch ba hồi cho bạn bè.

1937:Xuất bản The years (Những năm tháng). Cháu trai Julian Bell chết trong Nội chiến Tây Ban Nha.

1938:Xuất bản cuốn tiểu luận về hoà bình và nữ quyền, Three Guineas (Ba đồng Guinea).

1939:Chiến tranh thế giới lại nổ ra vào ngày 3 tháng 9, vợ chồng Woolf dự định tự sát nếu nước Anh bị xâm chiếm.

1940:Xuất bản Roger Fry: A Biography (Roger Fry: Tiểu sử). Hoàn thiện kịch bản vở Between the Acts (Giữa những hồi kịch). Trong suốt thời gian chiến tranh tại Anh, London bị bom đạn phá huỷ.

1941:Trong một cơn chấn động tâm lý, nỗi sợ hãi dâng đầy, Virginia Woolf đã bỏ đầy đá vào túi và gieo mình xuống dòng River Ouse vào ngày 28 tháng 3, để lại thư tuyệt mệnh cho chồng và chị gái. Leonard xuất bản một số truyện ngắn, tiểu luận, thư từ cùng nhật ký còn lại của vợ, cùng một vài hồi ký về cuộc sống của hai người.

1960:Leonard Woolf qua đời.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: