Nguyễn Vĩnh Nguyên lùa hai con bò vào triết học

03:46 CH @ Thứ Sáu - 17 Tháng Chín, 2010
Đi tìm hoang dã (NXB Hội Nhà văn & Đông A) là tác phẩm mới nhất của Nguyễn Vĩnh Nguyên, một cuốn sách về hai con bò mê triết lí, mà theo lời giới thiệu là “dành cho độc giả thiếu nhi từ 8 đến 88,8 tuổi”.

Toàn bộ cuốn truyện này là lời kể của một con bê về hành trình vượt lên bầy đàn, từ bỏ ông chủ tàn bạo, vô tâm để đi tìm hoang dã cùng với “anh trai” nó - một con bò đực khù khờ nhưng ưa suy tư và đặt ra những câu hỏi khác thường. Chướng ngại duy nhất mà hai con bò phải vượt qua chính là sự hèn nhát, tính yên phận phục tùng của giống loài thuần hóa đã “lập trình” trong bản thân chúng.

Đi tìm hoang dã
(Cty CP Văn hóa Đông A)

Toàn bộ cuốn truyện này là lời kể của một con bê về hành trình vượt lên bầy đàn, từ bỏ những ông chủ tàn bạo, vô tâm để đi tìm hoang dã cùng với “anh trai” nó - một con bò đực nghễnh ngãng và ưa đặt ra những câu hỏi, suy tư khác thường.

Nguyên do việc quyết định đi tìm hoang dã của hai anh em nhà bò chính là chúng nhìn thấy được sự bi đát của thân phận những con bò bị thuần hóa, phải cày ruộng, phải kéo xe thồ hàng, phải chịu những trận đòn vô tội vạ của chủ trút xuống và nhất là khi già yếu, phải vào lò mổ, biến thành miếng thịt trên bàn ăn...

Mặc dù đang được tôn vinh như một “họa sĩ thiên tài vẽ bằng đuôi”, nhưng con bò có tên Bò Văn Đốm trong truyện này nhận thấy nó đang đứng ở đâu, là ai, những hào quang kia thực chất chỉ là sự ăn may, xuất phát từ những “trò chơi” đầy phức tạp của con người “bày biện” ra. Con đường duy nhất thoát ra khỏi việc bị loài người tôn vinh như một thiên tài hão huyền, thoát khỏi thân phận loài bò ngớ ngẩn, đó là: trốn chạy khỏi những ông- chủ vô tâm, khỏi bầy đàn cam chịu để kiếm tìm một thế giới hoang dã mà mỗi loài vật có quyền tự quyết định đời sống của mình.

Hành trình tưởng chừng nhiều thử thách và chướng ngại nhưng hóa ra, ở đây, chướng ngại duy nhất mà hai con bò phải vượt qua chính là sự hèn nhát, tính yên phận phục tùng của giống loài bị thuần hóa đã “lập trình” trong bản thân chúng, thử thách duy nhất là đối diện câu hỏi: khát vọng tự do đã đủ lớn để biến thành hành động tự giải thoát?



Thử thách đáng kể nhất mà chúng vượt qua trên chặng đường dài đó là… nỗi nhớ chuồng, thói quen bầy đàn và cuộc chiến lớn nhất phải trải qua chính là chiến đấu chống lại một… bầy cua hung dữ.

Với trẻ con, đây là một tác phẩm đủ sức thuyết phục bởi sự đơn giản, sáng sủa lí thú dễ tiếp nhận như những bài học về sự tự biết mình, tinh thần tự do, tôn trọng muôn loài và yêu môi trường thiên nhiên. Với người lớn, những tình huống và tính cách nhân vật trong cuốn sách đủ sức gợi mở những phiếm chỉ, ẩn dụ sâu sắc…

Hoạt náo, hài hước, triết lí, biếm nhại và ngụ ý,… cuốn sách tạo ra cho văn học thiếu nhi một tư duy giọng điệu, hình thức riêng; đáp ứng mong muốn đọc giải trí và ngẫm ngợi.

Bắt đầu viết từ 10.2009 và kết thúc tháng 4.2010, cuốn sách này là một thử thách đối với tác giả trẻ Nguyễn Vĩnh Nguyên, một người viết đang dấn bước vào những thể nghiệm truyện ngắn (qua các tập Năm mười mười lăm hai mươi, Khu vườn lưu lạc, Động vật trong thành phố và sắp tới là cuốn Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông).

Không nằm ngoài ý hướng thể nghiệm, Đi tìm hoang dã mở ra một lối viết khác, sử dụng nhiều thủ pháp: cắt gián tư liệu, kết nối văn bản, sơ đồ tra cứu, nhất là có gần 30 trang tác giả làm giàu chi tiết bằng cách viết kịch bản tranh tương tác với họa sĩ để cuốn sách có phần tranh khá chăm chút, hình ảnh sinh động… Phần tranh trong cuốn sách không dừng lại ở minh họa mà tham gia trực tiếp vào nội dung và diễn tiến tác phẩm.

Cuối cùng, Đi tìm hoang dã là một tác phẩm để người lớn và thiếu nhi có thể đọc chung, một khi những đứa trẻ cần sách để được lớn khôn và những người lớn cũng cần sách để nuôi dưỡng tinh thần thơ trẻ.

Dụ ngôn từ những con bò
(Sài Gòn tiếp thị, Phạm Vi)

Đi tìm hoang dã là lời kể của hai anh em nhà bò (anh trai với cái đốm hình trái tim trên trán là Bò Văn Đốm, em gái xinh xắn và có tật đánh rắm mỗi khi căng thẳng là Bò Thị Út) về một hành trình vượt lên bầy đàn, từ bỏ ông chủ tàn bạo để tìm về hoang dã.

Nguyên do của “phi vụ lúc hừng đông” này chính là hai anh em đã chứng kiến sự bi đát của thân phận của loài bò, phải kéo cày, bị xâu mũi đau đớn, bị ông chủ đối xử tàn tệ, nhất là khi về già, phải vào lò mổ, hệt như khúc hát buồn: “Bao nhiêu năm làm kiếp con bò/ chợt một chiều bỗng chết phanh thây/ lò mổ chúng ta mọc đầy/ cho nhân gian có món thịt bò!”

Rào cản lớn nhất mà hai con bò phải vượt qua chính là tư tưởng “có bầy đàn và được chăn dắt là hạnh phúc” đang tồn tại bên trong suy nghĩ của những con bò. Nỗi nhớ chuồng hay chính sự phục tùng, nhẫn nhịn đã tồn tại lâu trong giống thuần hoá này khiến nó gần như trở thành bản năng của giống loài.

Đi tìm hoang dã chắc chắn sẽ gợi lên nơi người đọc những liên tưởng… Đó là sự kiện Bò Văn Đốm chỉ cần phất đuôi vung những vệt màu lên tấm toan trắng thì được xuất hiện lên trang bìa các báo với nhan đề “Đi đầu trường phái trừu tượng…” Các ống kính truyền hình, các nhà phê bình dồn sự quan tâm vào những cái vẫy đuôi, đưa Bò Văn Đốm lên thành một hiện tượng, một thiên tài của nền mỹ thuật. Hay như câu chuyện của cặp chó Lulu, Susu luôn tìm cách chứng tỏ công trạng, bằng cách suốt ngày canh đàn bò trên đồng, hễ có con nào ăn quá phạm vi hàng rào là nó la làng lên ngay. Chúng nhiệt tình lập công chỉ mong chờ ông chủ thưởng cho những… bãi phân hay sang trọng hơn là những miếng xương rơi vãi. Kết thúc hành trình đi tìm hoang dã là hình ảnh đoàn thú hùng hồn đi về miền đất hứa với xác tín rừng xanh vô tận, tự nhiên sẽ mở ra vô cùng, tự do và hoà bình là lẽ sống. Một sự mơ mộng, có phần không tưởng đã mở ra ở cuối một cuốn sách tưởng chừng chỉ có châm biếm và giễu nhại…



Đây là cuốn sách mà người lớn và trẻ con có thể đọc chung. Với thiếu nhi, đây là bài học về khát vọng tự do và tình yêu với thiên nhiên hoang dã. Cuốn sách sẽ giúp các em tin rằng, mỗi con vật đều có cảm xúc và tình yêu, như anh em nhà bò kia cũng có tình cảm, suy nghĩ, chứ không chỉ là “thịt tái nấu phở, xí quách nấu xì dầu, bíttết, lúc lắc…” Nhưng cuốn sách với những lớp nghĩa phiếm chỉ, ẩn dụ thực sự phù hợp với những người lớn thích triết lý. Sẽ có người rất thích Đi tìm hoang dã vì tính dụ ngôn gợi sự suy ngẫm và gợi mở (gợi mở đến đâu thì phụ thuộc khả năng liên tưởng, tư duy của mỗi người), nhưng cũng sẽ có người không thích vì tính triết lý ở mức đậm đặc của nó. Người đọc theo dõi những sáng tác của Nguyễn Vĩnh Nguyên cũng sẽ nhận ra nỗ lực thay đổi không ngừng của anh. Sự đổi mới chính là điều mà Nguyễn Vĩnh Nguyên từng làm quyết liệt “để chống lại sự nhàm chán, đơn điệu và vô vị trong chính con người mình” (Văn Nghệ Trẻ – 2005) ngay từ những ngày đầu cầm bút viết thơ, truyện ngắn, tạp văn...

Nguyễn Vĩnh Nguyên đã dành trọn tám tháng toàn tâm toàn ý với cuốn sách và cùng hoạ sĩ thực hiện kịch bản tranh minh hoạ. Người đọc sẽ có nhiều cảm xúc từ những nét vẽ minh hoạ đơn giản, dễ thương theo phong cách minh hoạ phương Tây bande dessinée bằng bút sắt, màu nước của hoạ sĩ Huy Ck5.

(Đọc Đi tìm hoang dã của Nguyễn Vĩnh Nguyên; Đông A và NXB Hội Nhà Văn ấn hành tháng 8.2010)


Nguyễn Vĩnh Nguyên: Viết lại bức thư của… con bò
(Thể thao văn hóa, Văn Bảy)

“Câu chuyện về hai con bò khù khờ thích triết lí” là chủ đề chính của tác phẩm Đi tìm hoang dã (NXB Hội Nhà văn & Đông A, 8/2010) mà Nguyễn Vĩnh Nguyên muốn đem đến cho độc giả. Nhà văn này nói rằng cảm hứng chính để làm nên tác phẩm là khi anh nhận một lá thư gửi từ nơi hoang dã (xem chi tiết ở trang 188), ký tên Bò Thị Út, anh chỉ “người hóa” lại ngôn ngữ của nó.


Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên

* Một tác phẩm văn học phổ thông thì mọi người đều có thể đọc được, tại sao anh chỉ giới hạn độ tuổi cho độc giả thiếu nhi từ 8 đến 88,8?

- 8 đến 88,8 tuổi chỉ là một cách nói vui, tương đối, ngụ ý rằng, nó có thể dùng được cho thiếu nhi lẫn người lớn.

Tôi cũng chủ quan nghĩ rằng, một đứa trẻ bình thường từ khi biết nói bập bẹ đến khi biết đọc, rồi từ biết đọc đến 8 tuổi, có lẽ là khoảng thời gian hình thành trong đầu vô số những câu hỏi cơ bản để vặn vẹo làm cho người lớn bực mình (và chúng cũng ít khi hài lòng với những câu trả lời trầm trọng từ thế giới người lớn). Nhiều đứa trẻ tìm đọc sách để tìm kiếm và vui đùa với chính những câu hỏi chúng đặt ra mà ta vẫn gọi là thú vui tư duy.

Cũng với một “đứa bé” bình thường sau 88,8 tuổi, tôi nghĩ rằng phía trước nó là một khoảng nghỉ ngơi tuyệt vời. Giả như “đứa bé” đó còn chưa giải quyết xong các câu hỏi, thì (cũng chủ quan), tôi tin những vấn đề ngớ ngẩn của cuốn sách này là không cần thiết nữa.

*Động lực nào thúc đẩy anh chọn viết tác phẩm cho thiếu nhi lúc này - một “cái gu” có vẻ đi ngược lại thói quen viết văn của anh?

- Tôi có đọc một số tác phẩm văn học thiếu nhi trong và ngoài nước. Qua những sách đọc được, tôi nhận thấy sự khác biệt lớn giữa nhà văn trong và ngoài nước trong việc viết cho thiếu nhi đó là sự tìm kiếm lối viết, cách thể hiện.

Tôi không thích gán cho văn học thiếu nhi một số thuộc tính như: mộng mơ, trong trẻo, ngôn ngữ ngây ngô, cấu trúc đơn giản, nhất là chuyển tải những bài học một cách dễ dãi... Trong lúc đó, trên thực tế, văn học thiếu nhi là một địa hạt bao la để nhà văn phiêu lưu lối viết. Nếu anh đọc Haroun và biển truyện của Salman Rushdie - tác phẩm viết cho đứa con trai 10 tuổi của ông, hay trước đó rất lâu (1943), đọc Hoàng tử bé của Saint- Exupéry thì sẽ thấy, văn học cho thiếu nhi có khi là một thú vui tư duy không chỉ dành cho độc giả thiếu nhi mà còn thách thức cả những độc giả người lớn.

Từ lâu, tôi đã nghĩ là mình sẽ viết một cái gì đó cho thiếu nhi đọc, cũng từ “thói quen”, “cái gu” của tôi - thích sự thay đổi.

* Việc chọn hai con bò để cho đi vào triết học, chắc không chỉ xuất phát từ một lý do đơn giản, những nguyên cớ của anh là gì?

- Tôi rất thích những cuốn sách thuộc về thú vui tư duy, triết học bằng tranh gần đây được cho ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi tại Việt Nam. Tôi nghĩ rằng thiếu nhi Việt Nam rất cần trang bị những cuốn sách đó làm nền tảng tri thức. Về văn học, có lẽ chúng ta cũng thiếu những tác phẩm đem lại những trò chơi tư duy theo cách của văn học.

Còn nguyên cớ viết cuốn sách này, tôi được gợi ý tưởng khi đọc triết gia, nhà nhân chủng học Claude Lévi-Strauss, tác giả cuốn Nhiệt đới buồn, ông nói đại ý rằng, con người như là sinh vật, và khi được thừa nhận là một sinh vật thì người ta sẽ bị giới hạn cái quyền bởi các loài sinh vật khác cùng chung sống trên địa cầu; ông không chống lại việc con người ăn thịt động vật, song, ông cũng cho rằng với tư cách là sinh vật thì con người khó có thể bao biện cho việc vì mình mà một loài sinh vật nào đó bị biến mất trên hành tinh này.

Và tôi đặt ra câu hỏi, liệu một con vật như con bò bị thuần hóa thì sẽ nhìn thế giới của sinh- vật - người như thế nào? Giả định chúng ý thức thì những khái niệm như: tự do, bầy đàn, bị chăn dắt... với chúng, sẽ là gì, ra sao...

* Theo ý kiến của một vài người đọc, tác phẩm của anh có nhiều lớp nghĩa phiếm chỉ và ẩn dụ. Là người đẻ ra tác phẩm có tính ngụ ngôn này, anh có thể tiết lộ một vài nghĩa phiếm chỉ mà anh muốn hướng đến?

- Như đã nói, tôi không chủ động quy định những “lớp nghĩa”, mà nó hoàn toàn chỉ thuộc về bạn đọc. Tác phẩm (giả định) là một bức thư của con bò gởi cho con người và tôi chỉ là người ghi chép lại theo ngôn ngữ con người. Tôi hiểu rằng người sở hữu tác phẩm cùng với “các lớp nghĩa” ấy là những bạn đọc. Cũng có thể, biết đâu họ sẽ thấy trong thế giới của những con bò thuần hóa có chút dáng dấp nào đó về cõi người mà mình đang sống hoặc những ý niệm tự do, hoang dã, hoang tưởng, bầy đàn, bị chăn dắt... của loài bò có chút tương đồng nào đó với con người chăng?
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thế giới của Sophia

    13/04/2014Điệp HoaCuốn sách mà tôi muốn nói đến là “Thế giới của Sophie” của tác giả Jostein Gaarder, Na Uy, do Huỳnh Phan Anh dịch, xuất bản tại Việt Nam năm 1998. Cuốn sách được dịch sang tiếng Việt chỉ hai năm sau khi xuất bản tại Na Uy Trong thời gian đó, “Thế giới của Sophie” cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Điều này chứng tỏ sự nhất bén của người dịch và nhà xuất bản...
  • Đối thoại triết học giữa người và chó Léo

    06/11/2009N.V.NThử cất đi bộ mặt suy tư nghiêm trọng để cười cùng triết học khi đọc cuốn sách này. Cuốn sách viết về cuộc đối thoại giữa một con chó tên là Léo và ông bạn triết gia của nó. Câu hỏi lớn bao trùm cuốn sách mỏng này là: Một con người thì khác gì một con vật?
  • Hành trình vào triết học

    30/06/2009Cuốn sách dành cho các bạn sinh viên và những người mới bắt đầu quan tâm đến triết học. Trải dài trên ba trăm trang sách là con đường suy tư về mọi phương diện đời sống – từ hiện hữu trong thân thể mình đến hiện hữu trong thế giới tự nhiên, từ hiện hữu trong cộng đồng người (người khác) đến hiện hữu trong thế giới siêu hình...
  • Chúng ta đang sống trong một Thế giới của thông tin

    30/11/2006Khi đọc cái gì, cũng không nên quá để ý đến chuyện tác giả "thực sự nghĩ gì", mà cần quan tâm chủ yếu đến cái thông tin mình đọc được hay thu nhận được, sao cho mình có thể khai thác tối đa từ đó để rồi vận dụng. Tôi cho rằng, thế giới xung quanh là một "thế giới của thông tin", thậm chí là thông tin ngẫu nhiên, vấn đề là mình lấy nó thế nào...