Ryszard Kapuscinski: du hành trong không gian và thời gian

10:42 SA @ Thứ Ba - 23 Tháng Mười Hai, 2008

Một cuốn sách dành cho người yêu xê dịch. Xin nói thêm, xê dịch ở đây không dừng lại ở nghĩa đen địa lý thường thấy trong nhiều cuốn du ký hiện đại, mà là một cuộc “xê dịch” xuyên không gian và thời gian. Cuốn sách được viết bởi một tài năng lớn.

Được đào tạo chuyên ngành lịch sử ở Warszawa, trong vai trò phóng viên Ba Lan chuyên viết những tường thuật, phóng sự nhiều dấu ấn tại các vùng Á, Phi, Mỹ Latin, Ryszard Kapuscinski đã bắt đầu vào nghề với những khao khát quan sát những thực tế khác biệt bên ngoài đường biên giới. Ông nếm trải những thất bại ê chề: với một vốn tiếng Anh ít ỏi khi đến Ấn Độ giữa thời “chiến tranh ngôn ngữ” đang diễn ra đầy xáo trộn, ông lạ lẫm trước một Trung Quốc rộng lớn với tư tưởng Lão, Nho sâu đậm đang “đồng phục” giữa thời khẩu hiệu “trăm hoa đua nở” của Mao Trạch Đông... Ryszard đi trong tâm thế bất an của một châu Âu đang nhiều đổ vỡ âm ỉ bên trong, giữa bối cảnh bức bối của nền độc tài tư tưởng – đơn cử như thời của Stalin thì các nhà xuất bản Ba Lan không dám in bộ sử ký tám cuốn của Herodotus viết từ thời cổ đại – chỉ vì “nó quá nhiều ẩn dụ”. Và trong cuốn sách, đã có nhiều lúc, chính Ryszard hoài nghi cả việc khai quật lịch sử của mình là một cuộc trú ẩn an toàn trước hiện tại nhiều thách thức cho ngòi bút.

Trên những chuyến xê dịch, ông mang theo bộ Sử ký của sử gia, triết gia Herodotus, đọc và nghiền ngẫm nó trong mối dây liên hệ thẳm sâu với hiện tại trong ý nghĩa sứ mệnh cầm bút lẫn chia sẻ khát khao xê dịch để “vẽ bản đồ địa lý” của quả đất. Vì thế, Du hành cùng Herodotus là cuộc gặp gỡ hai thế giới hiện đại và cổ đại – trong cùng một thi pháp đồng hiện được khai quật, phục dựng đầy sức sống đặt bên cạnh sự tươi mới, nóng bỏng của thời sự.

Ở đó, chúng ta bắt gặp một mặt là cuộc du hành của Herodotus nhà sử học cổ đại nằm giữa biên giới Đông – Tây để ghi chép đầy sức sống về bình minh thế giới – đó là cuộc giao tranh mang nhiều nghĩa cử giữa hai vị vua lớn nhất châu Á thời cổ đại: Cyrus và Croesus, “cuộc truy hoan của cái chết và máu” giữa vua Cyrus vương quốc Ba Tư với nữ vương Massagetae, cuộc nội chiến Babylon thế kỷ 6 lật đổ vua Darius với sự tàn sát phụ nữ dã man để tiết kiệm lương thực hay cái thành trì của người Scythia đã ngăn chặn bước tiến của vị vua hùng mạnh Darius cản ngăn châu Á không xâm lấn châu Âu... Và những sự kiện ấy đang tìm cách khớp nối, tương ngộ sau hơn 2.000 năm của chuyến du hành Ryszard mang khát vọng giải mã Algiers – vùng đất được ví như một trong những nơi quyến rũ và bi thảm nhất thế giới – với những cuộc xung đột tôn giáo lớn là Cairo, trung tâm của phong trào giải phóng chống thực dân của các nước thuộc thế giới thứ ba; những bộ lạc hẻo lánh như Arusi, Tulama, người Murle, người Topota với sự đa dạng về ngôn ngữ, là Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ của hôm nay vẫn còn nhiều bất ổn…

Ryszard Kapuscinski (1932 – 2007) là nhà văn, nhà báo quan trọng của báo chí và văn chương Ba Lan đương đại; bậc thầy của ký sự văn học. Những tác phẩm nổi tiếng của ông: Hoàng đế, Gỗ mun, Du hành cùng Herodotus… được dịch ra khoảng 30 ngôn ngữ. Với những tác phẩm này, ông nhiều lần có tên trong danh sách ứng viên giải Nobel Văn học.

Ông viết: “Đọc Herodotus, trong tôi diễn ra một quá trình cảm xúc và tư duy đồng nhất mình với thế giới ấy và các sự kiện mà ông nói tới. sự phá huỷ Athens làm tôi xúc động hơn là cuộc đảo chính quân sự mới nhất ở Sudan, còn việc hạm đội Ba Tư bị chìm là một cái gì đó thảm hơn cuộc nổi loạn tiếp theo của quân đội Congo.”

Và có lẽ ý nghĩa ẩn bên dưới trang sách là vấn đề đặt ra về cuộc xung đột Đông – Tây không ngừng trong các giai đoạn lịch sử từ sơ khai đến hiện đại chỉ vì con người không nhìn vào, tôn trọng những khác biệt đến từ bên ngoài mình.

Ông làm cho người đọc tin về chức năng lưu giữ ký ức nơi người cầm bút: “Vì con người biết, càng nhiều tuổi càng biết rõ và cảm nhận đau đớn hơn, rằng trí nhớ là mong manh và chóng tàn. Nếu anh ta không ghi lại hiểu biết và kinh nghiệm của mình vào một hình thức bền vững hơn thì những gì anh ta mang trong mình sẽ biến mất”.

Với thể loại ký du hành, Ryszard tự do cắt dán quá khứ vào hiện đại cộng hưởng với những suy tưởng miên man sâu lắng, đem lại cho cuốn sách một bề dày dữ liệu hiếm có.

Cũng như Herodotus của thời cổ đại, Ryszard nhận ra điều quan trọng không phải là danh dự công dân thế giới hay khẩu hiệu toàn cầu hoá, mà chính là phát hiện đầy trách nhiệm: có rất nhiều thế giới và mỗi thế giới có sự khác biệt, mỗi thế giới đều thực sự quan trọng.

(Du hành cùng Herodotus, Ryszard Kapuscinski, Nguyễn Thái Linh dịch, Nhã Nam & NXB Văn hoá Sài Gòn, 2008)

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giải mã các hiện tượng dị thường

    19/12/2008Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngChúngta.com đăng lại loạt bài viết "Giải mã các hiện tượng dị thường" đã đăng trên báo Thể thao & Văn hóa rất bổ ích và có giá trị nhận thức cao về những hiện tượng ở ranh giới nhận thức của loài người...
  • Vài phân tích nội dung cuốn Mật mã Da Vinci

    28/07/2008Minh BùiTrong bốn năm qua, cuốn tiểu thuyết “The Da Vinci Code” (Mật mã của Da Vinci) của Dan Brown được coi là thuộc loại “best seller” trên thế giới và đã gây ra rất nhiều tranh luận. Tác phẩm này đã chứa đựng những gì mà gây nhiều phản ứng như vậy?
  • Dòng sách best seller của Dan Brown

    27/07/2008Minh BùiThiên thần và ác quỷ (Angels and Demons) và Mật mã Da Vinci (The Da Vinci Code) là 2 tiểu thuyết bán chạy nhất thế giới thể loại khoa học giả tưởng kết hợp trinh thám, giật gân và âm mưu đen tối của tác giả người Mỹ Dan Brown...
  • Đối thoại văn hóa hay đụng độ văn minh

    23/07/2006PGS. TS. Hồ Sĩ QuýSự đối thoại giữa các nền văn hóa là phương thức tối ưu cho sự lựa chọn của con người, là quy luật khách quan của sự phát triển bền vững. Sự đối thoại giữa các nền văn hóa là giá trị định hướng an toàn đối với tiến bộ xã hội...
  • Lịch sử tự nhiên chân chính

    17/06/2006Hà Thúc MinhChỉ mới cách đây không lâu lắm, nói đến lịch sử là người ta chỉ biết đến lịch sử xã hội, lịch sử của con người, chứ chẳng ai buồn đả động gì đến lịch sử của tự nhiên. Bởi vì người ta, cho rằng tự nhiên làm gì có lịch sử, chẳng phải quan niệm quá quen thuộc rằng "dưới ánh mặt trời không có cái gì mới" đã làm cho người ta không thể nghĩ gì khác hơn ngoài điều đó...
  • Các giới hạn khoa học

    12/12/2005Jean Fourastié, Đặng Mộng Lân dịch... tác giả đã chỉ ra các giới hạn kinh điển trong đó nêu rõ phần lớn thực tại cảm quan bị tuột khỏi lập luận thực nghiệm (bản chất của sự vận động khoa học) trước khi chuyển sang “Suy nghĩ về các giới hạn khác”...
  • xem toàn bộ