Vũ Bão và tiếng cười triết luận

09:18 CH @ Thứ Ba - 13 Tháng Mười Hai, 2011
Nhà văn Vũ Bão (1931 - 2006) vốn không phải người họ Vũ, mà là họ Phạm (tên cha sinh mẹ đẻ là Phạm Thế Hệ). Ông viết nhiều, đủ các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, kịch bản điện ảnh, nhưng đặc sắc nhất trong văn nghiệp Vũ Bão chắc chắn là truyện ngắn.

Cái họ Vũ “ăn chết” vào bút danh của ông là do lòng yêu quý hâm mộ bậc thầy văn xuôi trào phúng Vũ Trọng Phụng mà ra. Hẳn ông muốn nối nghiệp tác giả của Số đỏ mà “đi tìm sự thật biết cười” (tên một tập tiểu luận của nhà văn, triết gia người Italy, Umberto Eco), mà khiêu vũ với chữ nghĩa, mà mang tiếng cười hài hước góp phần làm tươi tắn cho một nền văn chương đã quá thừa sự nghiêm nghị. Đặt trong bối cảnh của văn xuôi nghệ thuật Việt Nam thời “hậu Vũ Trọng Phụng”, quả thực, Vũ Bão là một trong số rất ít nhà văn đã làm được điều ấy. Nhưng cũng cần phải nói ngay rằng tiếng cười hài hước của Vũ Bão là thứ tiếng cười rất đặc biệt, thậm chí không giống ai. Nó là tiếng cười “xả láng”. Nó là tiếng cười phanh phui, quất roi vào cái giả cái xấu cái đáng ghét trong đời sống. Nó là tiếng cười có ý nghĩa điều chỉnh xã hội v.v... Có cả, nhưng còn hơn thế: ở một số trường hợp, tiếng cười hài hước của Vũ Bão đã chạm tới những vấn đề triết luận, và mang tầm của triết luận.

Truyện ngắn vào loại nổi tiếng nhất của Vũ Bão là truyện Người vãi linh hồn – nhà văn Hồ Anh Thái từng coi đây là “một trong những truyện hay trọn vẹn” (Bài Vũ Bão, kho chuyện cười, in trong Văn xuôi Vũ Bão, NXB Thanh Niên, 2000). Cụm từ “vãi linh hồn” trong tên truyện được Vũ Bão mượn từ khẩu ngữ dân gian, nhưng khi đi vào tác phẩm ông đã khiến nó trở nên sống động lạ thường và mang một chiều kích ý nghĩa khác hẳn lúc ban đầu. Người vãi linh hồn trong truyện là kẻ đã sợ đến vãi đái – theo nghĩa đen – trong một trận công đồn địch. Nhưng khi người ta cần dựng lại trận đánh đó để quay phim tài liệu lịch sử, thì kẻ đã sợ đến vãi đái kia lại được chọn làm người phất cờ chiến thắng trên nóc đồn quân thù. Guồng máy đã khởi động và cứ thế vận hành, không thể đảo ngược: bộ phim được công chiếu, tấm ảnh người chiến sỹ phất cờ trích từ bộ phim được in thành tem thành lịch, người chiến sỹ phất cờ còn được mời sang tận Anh quốc để kể về trận đánh hào hùng. Câu chuyện là thế, và nói chung thì người đọc không khó để nhận thấy ở đây Vũ Bão đã dùng tiếng cười để đả kích kiểu người Lý Thông thời chiến: lúc lâm trận thì đớn hèn, bỏ mặc đồng đội, đến khi chiến thắng thì vơ tất công trạng về mình. (Nhân vật xưng Tôi không tránh khỏi thái độ cay cú khi nghĩ về người vãi linh hồn: “Thằng con trời ấy, số nó đỏ thật. Giá lúc tôi bảo nó đưa băng đạn và cả hai quả lựu đạn cho tôi, nó tự ái khi thấy danh dự bị xúc phạm, nó liền lao lên lấy thân mình lấp ngay lỗ châu mai thì bây giờ làm sao còn sống mà sang Anh bốc phét nữa”). Nhưng câu chuyện không chỉ có thế. Hãy chú ý tới câu kết của truyện ngắn này, người kể chuyện như hạ giọng kèm theo một cái nháy mắt đầy tinh quái: “Cái quần trong phim là cái quần khác đấy”. “Cái quần khác”, nghĩa là không phải cái quần mà nhân vật đã mặc trong trận đánh thật, không phải cái quần đã ướt nước tiểu – chất thải của sự sợ hãi - dù hẳn là nó cũng giống cái quần kia. Cái quần ướt nước tiểu (có thứ mùi chắc không thơm tho gì) đã bị tước bỏ hoàn toàn sự tồn tại vật chất của nó. Sự thật hèn mọn bị tẩy trắng, xem phim, người ta chỉ còn thấy toát lên bừng bừng phẩm cách anh dũng của người chiến thắng mà thôi. Nói cách khác, cái quần trong bộ phim tài liệu lịch sử là cái quần giả, và lịch sử ở đây cũng là lịch sử giả, thứ lịch sử đã bị nhào nặn một cách thô bạo. Xét cho cùng, lịch sử với tư cách cái đã thực sự diễn ra thì một đi không trở lại. Mọi hình thức lưu giữ lịch sử (phim ảnh, tài liệu ghi chép, biên niên sử...), những thứ mà nhờ đó người đến sau có thể tiếp cận và nhận thức về lịch sử, đều là sự diễn dịch lịch sử theo các cách, và ở các mức độ nào đó. Chân thực và ngụy tạo, lịch sử và giả lịch sử – chẳng cái gì có thể khiến người ta phải giữ một niềm tin xác quyết. Tiếng cười hài hước bật ra từ một tình huống lầm lẫn trong Người vãi linh hồn của Vũ Bão thật ra là tiếng cười khẳng định một thái độ: sự hoài nghi cần phải có trước lịch sử, thứ lịch sử vẫn được xem như chân lý tuyệt đối.


Nhà văn Vũ Bão thời là phóng viên chiến trường, 1970 và năm 1998

Bệnh thành tích trong đời sống xã hội là một trong những đối tượng bị tiếng cười Vũ Bão quất roi nhiều nhất. Ông từng có truyện ngắn Ông khóc tôi cũng khóc, kể chuyện một vị giám đốc sở thể dục thể thao tỉnh nọ đã phải làm bao trò nhảm nhí để thực hiện cho được nghị quyết đại hội: đội bóng đá tỉnh nhà “cắt khẩu” hạng A2, lên hạng A1. Nhưng đáng nói hơn cả trong loạt tác phẩm loại này phải là truyện ngắn có cái tên Người chưa có chiến công. Truyện có nhân vật anh chiến sỹ tên Rãng, là người cẩn thận chu đáo, biết lo xa tính trước, nên khi được giao nhiệm vụ gì cũng làm đâu gọn đấy, bất kể điều kiện thực tế có khó khăn trở ngại cách nào. Thế nhưng, bệnh thành tích đã làm mờ mắt các cấp chỉ huy của anh, họ không nhận ra được giá trị ở con người như Rãng, mà lại coi là có chiến công những kẻ vừa làm vừa bày ra để rồi sau đó quay lại hăng hái năng nổ dọn dẹp cái đống bày ra của chính mình. Chính vì “chưa có chiến công nổi bật” trong mắt lãnh đạo, nên việc xét kết nạp Đảng của Rãng đã bị chậm lại. Nhưng hình như Người chưa có chiến công không chỉ dừng lại ở việc phê phán bệnh thành tích. Khi viết truyện này Vũ Bão chắc chắn là chưa đọc những công trình về minh triết Trung Hoa của nhà Đông phương học người Pháp Francois Julien. Nhưng kỳ lạ, những gì ông viết về anh chiến sỹ Rãng thì hoàn toàn có thể được đưa vào như những ví dụ chứng minh cho nghiên cứu của F. Julien trong cuốn Bàn về tính hiệu quả (Hoàng Ngọc Hiến dịch, NXB Đà Nẵng, 2002). Thử đọc một đoạn Rãng nói với đồng đội khi nhận được tin B52 có thể sẽ đánh: “B52 rải thảm, đất đá đùn xuống suối, ta không có nước thổi cơm, dù chưa chết nhưng cũng đói mờ mắt cái đã. Tôi đề nghị ta đùm nước vào túi nylon dự trữ trong hang, ta thổi luôn hai bữa cơm, ăn bữa cơm nóng, ủ một xoong cho bữa chiều. Sau trận B52, anh em búi vào phục hồi đường dây không mở mắt thổi cơm được đâu”. Chuyện xảy ra đúng như vậy, đơn vị bạn do không lường trước tình huống nên cuối cùng phải đến Rãng xin nước xin cơm. Hay một đoạn khác, khi chính trị viên tuyên dương một đồng chí tên là Bành, trong trận bom đã dũng cảm dùng răng (do đánh mất kìm) tuốt lớp vỏ nhựa nối hai đầu dây điện báo, lấy thân mình làm móc nối, bảo đảm liên lạc thông suốt, Rãng đáp: “Tôi đã khâu một cái túi đựng kim cài vào xanhtuyarông. Tha hồ tôi chạy tôi lăn, không bao giờ tôi đánh mất kìm như đồng chí Bành. Vả lại mỗi khi vọt ra khỏi hầm, trên vai tôi đã đeo sẵn cuộn dây thì làm sao tôi phải dùng răng cắn hai đầu dây cho dòng điện chạy qua người như đồng chí Bành ạ”. Cách hình dung và xử lý vấn đề như của Rãng, khi nghiên cứu Lão Tử, F. Julien đã chỉ định bằng cụm từ “sự tác động vào giai đoạn thượng lưu của quá trình”. Nói ngắn gọn, nghĩa là phải hành động ngay khi sự việc chưa diễn ra, khi sự vật chưa hề định hình, khi mọi hướng vận động mới chỉ tồn tại ở dạng khả năng. Làm được điều ấy, kết quả tốt nhất sẽ tự đến mà chủ thể hành động không cần phải tốn công mất sức cưỡng ép đối tượng. Triết lý về tính hiệu quả kiểu này chủ trương một sự tác động âm thầm, không lộ liễu. Nó là thứ triết lý không có chỗ cho những kỳ tích cá nhân, thứ triết lý khai tử những hành động anh hùng đột xuất và chói sáng (Lão Tử mô tả Thánh nhân như một kẻ lười nhác vô công trạng vô tích sự, cũng chính là với ý này). Lẽ dĩ nhiên, những con mắt thiển cận sẽ chỉ chú mục vào sự năng nổ lộ liễu mà thôi, và đó là điều đã xảy ra với anh chiến sỹ Rãng trong truyện của Vũ Bão. Đọc Người chưa có chiến công lúc này, khi cả xã hội đang hô hào xây dựng một nền kinh tế tri thức, nhưng ở đâu đó, vẫn có sự đánh giá hiệu quả lao động chỉ qua lượng thời gian và lượng mồ hôi vật chất bỏ ra cho công việc - những thứ nhìn thấy được, đo đếm được - chứ không căn cứ vào lượng chất xám, thì càng thấy tầm triết luận của tác giả và tính thời sự của tác phẩm.

Tiếng cười của Vũ Bão còn trải dài cả một danh sách truyện ngắn (chỉ nói truyện ngắn, chưa tính đến tiểu thuyết và kịch bản phim): Người không có tên trong từ điển, Phó tiến sỹ không hữu nghị, Bút bi hết mực, Nhà trẻ không có bô, Lý sự người đời v.v... Dường như ở bất cứ lĩnh vực nào của đời sống, ở bất cứ nơi nào có sự trái khoáy của việc lẫn lộn giữa cái thật và cái giả, cái đẹp và cái xấu, cái tử tế và cái nhem nhếch, cái hợp lý và cái phi lý... là Vũ Bão đều xuất hiện và cất tiếng cười. Trong Người không có têntrong từ điển, Vũ Bão lật mặt tệ quan liêu khi kể chuyện người ta chỉ nhăm nhăm sửa cái tên của anh lính Chình thành Trình, cho có nghĩa, mà quên bẵng việc phải đối xử công bằng với người luôn đấu tranh vì lẽ công bằng. Trong Nhà trẻ không có bô, tiếng cười Vũ Bão phát lộ cả một hệ thống nhà trẻ mà trẻ em là những cậu ấm cô chiêu đã tự đi vào toilet được: đó là những cơ quan sinh ra để cán bộ gửi con cái mình vào, cho có mác công chức hưởng lương nhà nước, còn ngoài ra chỉ lo việc ăn chơi nhảy múa. Truyện Phó tiến sỹ không hữu nghị lại khá đặc trưng cho một thời đã qua (chưa lâu lắm) của xã hội Việt Nam: tình hữu nghị anh em giữa các quốc gia chung hệ thống đã giúp một thiểu số người có được “bằng cấp cho”, “danh hiệu xin”; với bằng cấp ấy danh hiệu ấy cộng thêm nhiệt tâm phá phách, họ đẻ ra khối chuyện dở khóc dở cười... Trong những truyện ngắn loại này, tiếng cười hài hước của Vũ Bão là tiếng cười gắn chặt với đời sống, phản ảnh trực tiếp đời sống, mang đậm hơi thở đời sống. Nói cách khác, nó gần với báo chí (chớ quên rằng Vũ Bão còn là một nhà báo có tài và rất xông xáo trong báo giới Việt Nam một thời). Cùng với những truyện ngắn mang tiếng cười triết luận như Người vãi linh hồn hay Người chưa có chiến công, nó góp phần làm hình thành trong độc giả diện mạo Vũ Bão như một nhà văn hoạt kê đa phong cách.

Nhà thơ Xuân Sách từng có bốn câu “vịnh” Vũ Bão: “Sắp cưới bỗng có thằng phá đám/ Nên ông chửi bố chúng mày lên/ Đầu chày đít thớt ông đâu ngán/ Không viết văn thì ông viết phim”. (Sắp cưới là tiểu thuyết đầu tay của Vũ Bão, vì tác phẩm này mà đời văn của ông đã phải chịu lắm bước gian nan). Nghe đâu lúc sinh thời Vũ Bão không chịu câu “Nên ông chửi bố chúng mày lên” của ông bạn Xuân Sách. Ông nói truyện của ông hài hước, nhưng không hề hằn học, ác ý hay chửi đổng. Đọc lại truyện ngắn Vũ Bão, thấy quả có thế.


Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tiếng cười Thượng đế

    13/01/2016Sau khi được Thượng đế tạo ra loài người và muôn vật, đã để cho được tự do sống trên trái đất theo phương thức của mình, Thượng đế chỉ còn dõi theo mọi thứ bằng ánh mắt nhân từ của mình...
  • Tâm huyết đời văn của một người thích đùa

    24/04/2014Phạm Xuân NguyênTác phẩm cuối cùng của nhà văn Vũ Bão (1932-2006) là cuốn tiểu thuyết có nhan đề bắt đầu bằng chữ U. Khi vào nghề văn ông đã đề cho mình kế hoạch là sẽ đặt tên các sách mình viết ra theo đủ 24 chữ cái tiếng Việt...
  • Vũ Bão - cái nhìn biết cười

    13/12/2011Nhà văn Vũ Bão (1931-2006) quê Thái Bình, tên khai sinh là Phạm
    Thế Hệ, nhưng khi viết văn thì ký bút hiệu Vũ Bão, ngoài hàm ý nhanh
    mạnh như... vũ bão, lại do rất mê Vũ Trọng Phụng.