Cái mũi của Darwin (Tiếp theo)

01:54 CH @ Thứ Hai - 05 Tháng Tư, 2010

Phải chờ thêm 12 năm nữa, cho đến 1871, khi không thể giấu mãi niềm tin chắc của mình, ông mới xuất bản tác phẩm "Thủy tổ của con người".

>> Xem phần 1 + 2

Phần 3: Đừng gọi tên khỉ nữa mà cảm thấy nhục nhã

Darwin viết thầm trong Nhật Ký: "Để tránh khỏi phải nói rằng tôi đã trở thành duy vật đến thế, tôi phải nhẹ nhàng trong cách nói, chỉ nói rằng những cảm xúc, những bản năng, những mức độ tài năng, tất cả đều di truyền, bởi vì bộ não của đứa bé giống như bộ não của cha mẹ nó"(18). Ông viết trong thư gửi Karl Marx: Đừng tấn công trực tiếp Thiên chúa giáo làm gì, vô ích đối với quần chúng; "hãy làm giàu trí óc con người bằng tiến bộ của khoa học, chỉ nhờ thế tự do tư tưởng mới phát triển thêm. Và bởi vậy, tôi tránh nói đến tôn giáo, chỉ hạn chế vào khoa học"(19).

Thận trọng như thế cho nên ông chưa dám động đến con người trong "Nguồn cội ..." khi sách xuất bản năm 1859. Ông còn chua thêm một câu ỡm ờ trong sách: "Ánh sáng sẽ rọi vào nguồn gốc của con người và của lịch sử nhân loại". Phải chờ thêm 12 năm nữa, cho đến 1871, khi không thể giấu mãi niềm tin chắc của mình, ông mới xuất bản tác phẩm "Thủy tổ của con người".

Từ đó lại nổ ra thêm một tranh luận triết lý nữa, lần này trên vấn đề đạo đức: còn gì là "nhân cách" khi con người có thủy tổ là khỉ? Đây là luận cứ mà giới thần quyền ở Mỹ đập vào đầu dư luận từ nhiều năm nay để buộc chính quyền Mỹ đưa vào chương trình học thuyết sáng tạo nói theo Kinh thánh. Con khỉ! Nhục nhã thế! Ai muốn thủy tổ của mình là con bú dù? Chẳng lẽ Hằng Nga, Dương Quý Phi, Tây Thi là hậu duệ của các cụ đang bắt rận cho nhau?

Vấn đề không phải là muốn thế này hay thế kia. Lý luận kiểu đó chẳng có chút gì khoa học. Vả chăng, từ chối họ hàng với khỉ thì đâu có nhất thiết phải nhận mình là con thừa tự của một Đấng nào cao xa? Hãy nghe Darwin lý luận: một đứa bé sinh ra đã bị tật nguyền, điều đó là do Thượng đế muốn thế chăng, hay là do tác dụng của những luật phức tạp về di truyền, về bào thai, áp dụng vào một trường hợp cá thể? Vậy, nếu đứa bé đó chỉ là một cá thể lẻ loi giữa một dân số toàn cầu đông hàng tỷ người, tại sao không xem một loài sinh vật cũng như thế, cũng là một cá thể lẻ loi giữa muôn triệu sinh vật tiếp nối nhau sống trên trái đất, trải qua bao nhiêu thời kỳ địa chất?

Tại sao loài Homo Sapiens lại phải được xem như là mục đích, như là một giá trị tiên thiên, trong khi con rắn, con rết có mặt trên trái đất lâu hơn thế, lại bị xem như là chẳng có gì để nói trong lịch sử vũ trụ? Cái gì, ngoài tính kiêu ngạo vô căn cứ của ta, cho phép ta vỗ ngực tự xưng là loài sinh vật được hưởng đặc ân trong hàng trăm triệu loài sinh vật được trái đất tiếp nhận trong lịch sử trường thiên của mình?

Trong một thư viết cho đồng nghiệp năm 1860, ông đặt câu hỏi: "Tôi thấy một con chim mà tôi muốn ăn thịt, tôi rút súng ra bắn, nó chết, tôi làm hành động đó có chủ đích. Một người kia, vô tội, đứng cạnh một gốc cây, bị sét đánh chết. Anh có tin chăng Thượng đế đã giết người đó có chủ đích? Nếu anh tin như thế, anh có tin thêm rằng, khi một con chim én hớp một con bọ, Thượng đế đã sắp đặt trước khiến con én ấy hớp con bọ kia đúng vào thời điểm đó? Về phần tôi, điều mà tôi tin là người ấy và con bọ kia đều ở trong cùng một hoàn cảnh. Nếu cái chết của người ấy và cái chết của con bọ kia đều không có định đoạt trước, tôi chẳng thấy lý do gì chính đáng để nghĩ rằng sự khai sinh hoặc sáng tạo đầu tiên của người kia và của con bọ ấy nhất thiết phải được định trước"(20).

Đừng gọi tên "khỉ" nữa mà cảm thấy nhục nhã; hãy gọi tên khoa học là Homo Sapiens: homo sapiens, nghĩ cho cùng thì cũng chỉ là một giống sinh vật đã tiến hóa giữa một Vũ Trụ bao la, không biết đâu là khởi thủy. Trước mắt khoa học, như thế là bình thường, có gì là thiếu đạo đức, có gì là mất nhân cách? Ngược lại, như thế mới hợp đạo đức, như thế mới là đạo đức đối với muôn loài mà con người cứ cho rằng Thượng đế đã sinh ra để phục vụ mình. Con thú cũng có đời sống tình cảm, mọi sự sống đều phải được tôn trọng ngang nhau: nếu con người mất nhân cách, chính là lúc hành hạ thú vật để tạo miếng ăn ngon cho mình.

Nhưng nếu không có Thượng đế, không có Ý Định gì trước trong tiến hóa của sinh vật, thì cái gì giải thích sự lựa chọn tự nhiên? Darwin trả lời: Tình cờ, Ngẫu nhiên.

Ngẫu nhiên

Như đã nói ở trên, đây là kết luận xấc xược thứ hai của ông với thế giới thần học. Trái với hình ảnh Ông Đồng Hồ, tích tắc, tích tắc, tính toán chi ly, chính xác, từng giờ, từng khắc, Darwin đưa ra hình ảnh của thiên nhiên như không hề biết toan tính, lo xa, tuy có đôi bàn tay cực kỳ thiện xảo của một anh thợ nghiệp dư tài ba xuất chúng.

Ông lý luận: "Tuy rằng một cơ quan có thể, lúc khởi thủy, không được tạo ra vì một mục đích rõ rệt, nhưng nếu trong hiện tại nó thực hiện cái chức năng ấy, ta có thể nói một cách đúng đắn rằng nó đã được đặc biệt tạo ra để làm việc đó. Cũng vậy, nếu một người chế tạo ra một cái máy trong một mục đích rõ rệt, nhưng đã dùng lại những cái lò xo cũ, được sửa đổi đôi chút, để làm chuyển động những bánh xe và ròng rọc cũng cũ, ta phải nói về cái máy đó rằng, trong toàn bộ, với tất cả những bộ phận đã làm thành ra nó, nó đã được chế tạo đặc biệt trong mục đích đã vạch ra.

Bởi vậy, trong toàn thể thiên nhiên, hầu hết những cơ quan của mỗi sinh vật đều có thể dùng để đáp ứng, trong những điều kiện được sửa đổi đôi chút, nhiều mục đích khác nhau, và đều có vai trò trong guồng máy sống của nhiều hình thức cũ đặc thù, khác với những hình thức hiện hữu". Hãy xem ngón tay cái của con panda: xét về cơ thể học, cái đó đúng ra chẳng phải là "ngón tay cái" gì cả, bởi vì nó chẳng phải là ngón tay, nhưng nó đã được "tạo dựng" ra để dùng như một ngón tay cái từ một cái xương bàn tay, vì hậu quả của sự "chọn lọc tự nhiên". Thượng đế chẳng ăn nhậu gì trong việc sinh ra "ngón tay cái" này cả (21).

Ý tưởng nói trên đã được Darwin diễn giảng rộng ra từ khảo cứu của ông về cây lan. Lan là giống hoa vừa đực vừa cái; nếu chất đực và chất cái từ cùng một hoa phải yêu đương nhau để sinh con nở cái - nghĩa là nếu tự một hoa lan trong cùng một cây phải làm nhiệm vụ nối dõi tông đường - thì lan sẽ yếu giống, nhan sắc của hậu duệ có hiểm họa tàn phai.

Bởi vậy, cây lan đã vận dụng đến nhiều môi giới khác nhau để truyền giống: gởi phấn cho ong bướm, bắn sâu bọ vào phấn hoa, buộc khách làng chơi phải tích tụ phấn hoa bằng những vuốt ve trong tận thâm cung bí ẩn. "Quan sát các loại lan, không có sự kiện nào đập vào mắt tôi bằng muôn vàn cấu trúc đã dùng để thực hiện cùng một mục đích: làm thụ thai một hoa bằng phấn của một hoa khác"(22).

Vô tận cách thức được áp dụng để thực hiện một mục đích là kết quả của ngẫu nhiên, thuần túy ngẫu nhiên. Chẳng có một chương trình gì của một Thượng đế nào đã sắp đặt trước. Trừ khi ta tưởng tượng có một ông Thượng đế thích gửi phấn cho hoa, gửi hương cho gió, gửi gió cho mây ngàn bay... Hay, như Darwin nói, một ông Thượng đế thích tạo ra nhiều hình thức khác nhau chỉ để thỏa mãn cái thích thấy muôn hình muôn vẻ, "như đồ chơi trong hiệu bán đồ chơỉ". Thượng đế như vậy thì đáng yêu quá, nhưng "quan niệm thiên nhiên theo kiểu đó thì quả là hết nước nói"(23).

Nếu thiên nhiên không biểu lộ ý muốn của Thượng đế, vậy thì thiên nhiên nói cái gì? Nếu Thượng đế vắng mặt trong thiên nhiên, cái gì trong thiên nhiên nói lên ý nghĩa của sự sống? Đặt câu hỏi như thế, đối với Darwin, đã là sai rồi. Bởi vì câu hỏi đó là câu hỏi của con người, khái niệm thiện ác lành dữ là từ cái đầu của con người mà ra, chứ thiên nhiên không biết đến.

Thiên nhiên không biết bởi vì thiên nhiên là thiên nhiên. Thiên nhiên đã hiện hữu từ vô tận thời gian trước khi có con người, đâu cần biết con người sẽ sinh ra, vậy thì thiên nhiên cần quái gì con người? Thiên nhiên cứ bình thản như thế, khi lành khi dữ, không có luân lý đạo đức gì ráo. Đừng gán cho thiên nhiên những tình cảm, những mong đợi của chính mỗi chúng ta. Tình cảm đó là của chính ta, thiên nhiên không có tình cảm.

Darwin thú nhận: lúc trẻ, ông cũng rờn rợn cảm giác tôn giáo, tưởng như có mặt Thượng đế khi choáng ngợp trước cảnh hùng vĩ của rừng rậm Brazil. "Nhưng bây giờ, những cảnh hùng vĩ nhất cũng không gợi lên trong tôi một niềm tin gì hay một tình cảm nào tương tự [...] có liên hệ thâm sâu đến niềm tin Thượng đế"(24).

Niềm tin tôn giáo là của con người phóng vào thiên nhiên, tưởng rằng thiên nhiên có bản chất tốt, làm chứng cho sự thương xót của Thượng đế. "Nhưng, ông viết, tôi thú nhận rằng tôi không thấy rõ ràng như những người khác, cũng không thấy như tôi muốn, những dấu hiệu của một ý định tổng quát và của một lòng nhân từ độ lượng đối với chúng ta"(25).

Ngược lại, ông thấy bao nhiêu đau khổ tràn ngập trần thế. Làm thế nào giải thích những sự kiện thiên nhiên tràn đầy đau khổ như vậy? Làm sao một Thượng đế nhân từ lại có cái ý muốn kỳ quặc, nham hiểm tạo ra con ong ichneumon đẻ trứng trong thân thể những con sâu bướm đang sống để bầu đoàn quý tử của nó, khi trứng nở ra, lúc nhúc xơi tái các vị chủ nhà rộng lượng kia từ ruột đến da? Tạo chi con mèo chơi trò tra tấn dã man con chuột trước khi đánh chén? Tạo chi đứa bé sinh ra đã bị khờ? Tiêu chuẩn đạo lý ở đâu, ông hỏi. Cắt nghĩa thế nào hai bộ mặt đó của thiên nhiên, bộ mặt hùng vĩ tuyệt vời của vũ trụ và bộ mặt tàn nhẫn hiểm ác tràn đầy trong sự sống?

Ông trả lời: "Tôi tưởng nên nghĩ rằng tất cả đều bắt nguồn từ những luật đã được tổ chức, nhưng về phần chi tiết tốt hay xấu thì thuộc về cái mà ta có thể gọi là ngẫu nhiên. Ý tưởng này chẳng làm tôi hài lòng chút nào. Tận đáy lòng, tôi cảm thấy tất cả câu hỏi đó quá sâu cho sự hiểu biết của con người. Chẳng khác gì hỏi con chó lý giải về trí óc của Newton"(26).

Nhà khoa học Stephen Jay Gould, mà các tác phẩm đã làm tôi say mê vì ông viết về khoa học mà cứ như là viết văn, đã trích dẫn một bài thơ của Robert Frost lấy hứng từ cái ý ngẫu nhiên đó của Darwin. Một buổi sáng tinh sương, trên đường đi dạo, nhà thơ bỗng thấy ba cái gì trắng trắng giăng trước mắt. Buổi sáng trong veo, ba cái gì trắng trắng trong veo, quang cảnh tinh khôi, trong veo, như lấp lánh ý lành của trời đất. Lại gần, nhà thơ thấy gì? Một con nhện trắng giăng tơ trắng trên một cuống hoa trắng và một con bướm trắng nằm gãy cánh trong tơ.

Hoa màu xanh, cái gì trong đêm đổi ra màu trắng?

Cái gì dẫn đường cho nhện trắng đến hoa

Rồi dẫn đường cho bướm đêm đến đó?

Cái gì? Ý định? Ý định gì nham hiểm

Cai trị gì trong chút phận cỏn con?

Tôi cũng muốn bắt chước nhà thơ đi vào những chuyện vặt như thế.

Phần 4:Từ chuyện vặt bắt qua chuyện lớn

Từ những chuyện vặt

Đọc những sách viết về Darwin và đọc Tự Truyện của ông, kẻ rất dốt về khoa học là tôi chỉ dám để ý đến những chuyện vặt. Chẳng hạn chuyện vặt về con người của ông. Chuyện vặt về dăm ba ý tưởng lộ ra bên lề những vấn đề khoa học lớn mà tôi không với tới.

Vô duyên hết sức, chuyện vợ con tình ái là chuyện trước tiên mà tôi tò mò muốn biết mỗi khi chiêm nghiệm về cuộc đời của bất cứ ai, không chỉ của danh nhân. Cho nên tôi muốn biết ông lấy vợ như thế nào. Đúng là nhà khoa học! Tôi chưa thấy ai viết gãy gọn trên giấy trắng mực đen những loay hoay tính toán chi ly trong đầu về cái gì là lợi, cái gì là hại, của việc lấy vợ.

Thói thường, tuy là đại sự, ai cũng phải đánh liều đưa chân nhắm mắt, không cả hai con thì cũng một. Ông thì không! Trên giấy trắng, ông tính toán, như người ta tính sổ ngân hàng, cột này là tiền vào, cột kia là tiền ra, đây là thu, đó là chi, này là được, nọ là mất, cột bên trái là lợi lộc nếu lấy vợ, cột bên phải là hư hao nếu không lấy. Hai trang giấy dày đặc. Trên trang đầu, nghiêm trang ngự trị một cái nhan đề: "Đây là vấn đề". That's the question! Y chang Hamlet: to be or not to be. Kết luận: To be! "Lấy vợ!" "Lấy vợ!" "Lấy vợ!" "Can đảm lên... Chẳng hề gì đâu... Hãy tin ở ngẫu nhiên... biết bao tên nô lệ đã sung sướng"!

Trang giấy hai cột đó, với những dòng chữ hào hùng kia, ông nguệch ngoạc vào năm 1837-1838. Ông lấy vợ ngày 29-1-1939. Vợ ông, Emma, năm đó 30 tuổi. Ở tuổi ấy, vào thế kỷ ấy, bà có cơ nguy khó tìm đôi lứa. Bởi vậy, mọi chuyện xảy đến đều nhanh. Ông bà biết nhau vì có quan hệ bà con rất gần. Quen thì quen vậy từ ba mươi năm, nhưng sôi sục thì chưa, cho nên bà không khỏi sửng sốt khi ông bất thần cầu hôn. Và khi bà nhận lời thì ông cũng giật mình.

Đọc chuyện vợ con ở đây, tò mò của tôi nhắm vào hướng khác. Tôi không thỏa mãn với giải thích của John Van Wyhe về im lặng của Darwin trong suốt 21 năm trước khi xuất bản tác phẩm "Nguồn cội...". Tuy Van Wyhe đã đưa ra những luận cứ rất thuyết phục, tôi vẫn nghĩ rằng, đối với một người đã đắn đo, cân nhắc chi ly ngay cả trong chuyện trăm năm, việc đắn đo cân nhắc trước khi công bố một tác phẩm động trời có thể hiểu được. Nhận định của tôi là chủ quan, riêng tư, tôi biết, nhưng quả thật tôi vẫn nghĩ rằng trong suốt 21 năm, biết đâu mỗi ngày Darwin đều có nguệch ngoạc một trang giấy hai cột như vậy trong đầu để kết luận là not to be, khoan công bố. Biết đâu những trang giấy vô hình đó đã làm ông đau hoài đau mãi, đau những trận đau kỳ lạ, bác sĩ cũng không biết bệnh gì.

Trong những sách viết về Darwin, tôi thích cái nhan đề này của David Quammen: "The Reluctant Mr Darwin", ông Darwin lưỡng lự. Không phải Darwin lưỡng lự về niềm tin khoa học của ông. Ông tin chắc ở lý thuyết của ông, không lay chuyển. Nhưng ông không mù quáng về niềm tin khoa học, không tín điều, không cho rằng khoa học có thể giải thích tất cả. Ông không tin nữa ở Thượng đế, nhưng ông không báng bổ Thượng đế, Thượng đế có lĩnh vực vinh quang riêng của Ngài, miễn là đại diện của Ngài đừng xía vào lĩnh vực khoa học.

Ai đọc Tự Truyện của ông đều nhặt ra được nhiều chi tiết cho phép tưởng tượng ra được một con người không hề cực đoan. Tôi cũng chỉ làm cái việc tưởng tượng ấy mà thôi. Tôi trích một chuyện vặt ông kể về thân phụ của ông, bác sĩ, nhưng lại rất sợ máu, sợ đến nỗi đã truyền cái sợ máu chảy ấy cho ông:

"Hồi trẻ, cha tôi có gia nhập hội Franc-Maçon. Một người bạn của cha tôi, cũng franc-maçon, giả vờ không biết cha tôi sợ máu, hỏi ông khi hai người cùng đi đến dự buổi lễ khai tâm: "Cậu đâu có ngán mất vài giọt máu phải không? " Hình như, trong buổi lễ gia nhập đoàn thể, người ta bịt mắt cha tôi và xắn tay áo của ông lên. Tôi không biết ngày nay một buổi lễ như vậy có còn diễn ra không, nhưng cha tôi nói về buổi lễ hôm ấy như một ví dụ tuyệt hảo về sức mạnh của tưởng tượng, bởi vì ông cảm thấy rõ ràng máu chảy dọc theo cánh tay của ông, và ông không tin ở mắt của ông sau đó khi ông không thấy dấu tích gì của một vết chích nào"(27).

Ai dám nói tâm lý không có ảnh hưởng gì trên vật chất? Tâm không có ảnh hưởng gì trên thân?

Một chuyện vặt khác nữa, cũng về thân phụ của ông. Ông viết về cha khá nhiều.

"Lúc cha tôi hãy còn rất trẻ, một hôm ông được gọi đến khám bệnh, cùng với một vị bác sĩ già của gia đình, tại một nhà quý phái, rất có tiếng. Vị bác sĩ già nói nhỏ với vợ người chủ nhà: bệnh ấy của chồng bà nặng lắm, chắc không qua khỏi. Cha tôi thì nghĩ trái lại và quả quyết là bệnh sẽ lành. Sau đó thì sự việc cho biết là cha tôi đã chẩn đoán sai và ông cũng công nhận là mình sai. Ông tin chắc là gia đình ấy sẽ không bao giờ mời ông khám bệnh nữa, vậy mà, vài tháng sau, bà góa phụ của người chủ nhà lại mời ông đến thay vì mời vị bác sĩ già của gia đình. Cha tôi ngạc nhiên đến độ phải đi hỏi người bạn của bà góa phụ tại sao ông lại được mời lần nữa. Bà góa phụ trả lời rằng bà không muốn thấy cái mặt của ông bác sĩ già đáng tởm kia nữa vì đã nói ngay từ đầu rằng chồng bà sẽ chết, còn bác sĩ Darwin thì quả quyết là sẽ chữa được"(28).

Thế thì con người có một bản tính tự nhiên chăng? Chưa hết. Cũng bản tính tự nhiên ấy nữa được kể tiếp:

"Trong một vụ khác, cha tôi quả quyết với một bà rằng chồng của bà sẽ chết thôi. Vài tháng sau, ông gặp lại bà ấy, đã thành quả phụ; bà nói với giọng chín chắn: "Ông đang còn rất trẻ, cho phép tôi khuyên ông: càng lâu chừng nào càng tốt chừng ấy, ông hãy luôn luôn ban hy vọng cho người săn sóc bệnh nhân. Ông đã làm tôi mất hy vọng, và từ đó đến nay, tôi mất hết sức lực"(29).

Con người có bản tính tự nhiên hay không là một vấn đề mà Darwin ngờ vực. Ông nói: lúc nhỏ, ông là một đứa bé giàu lòng thương người, nhưng đó là tính nết mà ông đã học được và đã bắt chước từ các bà chị của ông. Vậy mà, khi kể hai chuyện vặt nói trên về thân sinh của ông, ông kể như "đưa ra hình ảnh kỳ lạ của bản tính con người"(30). Con người đâu có phải chỉ là vật chất? Vật chất sao được, khi những chuyện ông kể về tâm lý buộc người đọc phải nghĩ về một Darwin khác, một Darwin biết suy nghĩ quân bình giữa sinh lý và tâm lý. Đây, chuyện vặt về tâm lý, cũng liên quan đến thân sinh của ông:

"Cha tôi thường kể cho tôi nghe những chuyện lặt vặt mà ông cho là có ích cho nghề y khoa của ông. Chẳng hạn, các bà hay khóc tức ta tức tưởi khi kể cho ông nghe bệnh của họ, khiến ông quá mất thì giờ. Ông để ý rằng, nếu ông bảo các bà ấy chận nước mắt lại, đừng khóc nữa, thì các bà càng khóc to hơn, cho nên lúc nào ông cũng khuyến khích các bà ấy khóc, nói rằng khóc cho nguôi đi. Kết quả là mười lần như chục, các bà ngưng khóc ngay"(31).

Chuyện vặt ấy, và nhiều chuyện vặt khác nữa về phụ nữ, khiến người đọc phải nghĩ: ô hay, không những con người có thể có bản tính, mà người phụ nữ cũng có bản tính đàn bà chăng?

Bắt qua chuyện lớn

Từ chuyện vặt bắt qua chuyện lớn, Darwin luôn luôn mực thước trong lý thuyết. Con người là tiến hóa từ loài khỉ chăng? Bao nhiêu nhà khoa học danh tiếng về thuyết tiến hóa đã loại con người ra khỏi tranh luận về thuyết ấy vì Kinh thánh đã dạy: Thượng đế đã tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài. Ngay cả Wallace, đồng tác giả với Darwin, cũng chủ trương bộ não của con người là ngoại lệ.

Ảnh hưởng của tôn giáo đè nặng trên tư tưởng phương Tây đến nỗi bao nhiêu nghiên cứu khoa học chỉ nhắm vào mỗi một việc là tìm cho ra một tiêu chuẩn chính xác để phân biệt về phẩm chất giữa người và giống khỉ chimpanzé và gorille. Nhưng cũng biết bao nhiêu nhà khoa học ngày nay chẳng nghi ngờ gì nữa về sự tiếp tục không ngừng giữa người và khỉ. Họ thấy chẳng làm hạ giá con người chút nào khi đặt con người vào lại Thiên Nhiên: ai dám bảo hình ảnh đó không hùng tráng bằng hình ảnh con của Thượng đế? Giữa cơn động đất về tư tưởng mà Darwin là nguyên nhân, ông đã nói gì thực sự? Rất thận trọng, ông viết một câu cực kỳ đơn giản trong lần xuất bản đầu tiên tác phẩm "Nguồn cội...": "Ánh sáng sẽ rọi vào nguồn gốc và lịch sử của con người". Trong những lần tái bản kế tiếp, ông chỉ thêm một chữ ở đầu câu: "Tất cả". Tất cả ánh sáng. Ánh sáng của ông chưa rọi đến!

Về nguồn gốc đầu tiên của con người, ông lý luận: lúc đầu, ông cũng tin có một Nguyên Nhân đầu tiên, do trí óc của con người nghĩ ra, nhưng càng nghiên cứu sinh vật, ông lại càng nghi ngờ khả năng đó của trí óc. Tại sao? Tại vì "trí óc của con người, mà tôi chắc chắn là đã phát triển từ một trí óc thô thiển không khác gì trí óc của một con vật thấp kém nhất, trí óc ấy có đáng cho ta tin cậy được chăng khi nó nghĩ ra một kết luận về ý nghĩa ghê gớm như vậy? Kết luận ấy phải chăng chỉ là kết quả của một liên hệ nhân quả mà ta cho là cần thiết, nhưng rất có thể tùy thuộc vào một kinh nghiệm được thừa kế? Phải chăng ta đã xem quá nhẹ khả năng của giáo dục, giáo dục ấy đã gieo vào đầu trẻ em lòng tin Thượng đế và có thể đã tạo ra một hậu quả phi thường có tính di truyền trên những bộ não hãy còn non nớt? Giải phóng những bộ não ấy ra khỏi lòng tin Thượng đế khó chẳng khác gì giải phóng con khỉ ra khỏi mối sợ hãi bản năng trước con rắn"(32).

Tuy vậy, tuy tin chắc chắn vậy, ông vẫn giữ một thái độ khoa học khiêm tốn và thú nhận: "Tôi không có ý rọi một tia sáng gì vào những vấn đề mờ mịt như thế. Bí mât về khởi thủy của vạn vật chưa dò tới được" (33).

Ngay cả lý thuyết về cạnh tranh sinh tồn, nòng cốt như thế trong khám phá của ông, ông vẫn không xem đó là giải thích duy nhất, là tín điều, về biến đổi. Ông thừa nhận các yếu tố khác nữa, như sự di truyền của tính nết đã hấp thụ, như việc sử dụng hay không sử dụng các bộ phận của cơ thể trong tiến hóa. Ông không khép lại cánh cửa của những khám phá khác trong tương lai, ông mở ra, mời đón. Bởi vì, ông nói, ông "luôn luôn cố gắng giữ trí óc tự do để có thể từ bỏ một giả thuyết, dù hấp dẫn, nếu sự kiện phản kháng lại"(34).

Trong suốt 21 năm im lặng trước khi xuất bản "Nguồn cội...", ông đã âm thầm thu thập thêm bao nhiêu sự kiện nữa để chắc chắn rằng lý thuyết mình đưa ra đủ sức thuyết phục. Nhưng điều đáng ghi nhận hơn nữa là ông đã bày tỏ những ngờ vực của mình một cách thẳng thắn như bày tỏ những xác quyết. Mỗi tác phẩm mà ông đã lần lượt xuất bản đều đánh dấu một chặng đường đưa đến một hiểu biết mới. Ông luôn luôn khai phóng, chưa bao giờ chấp chặt, co quắp trong tín điều (35).

Trong một thư gửi bạn năm 1869, ông viết: "Giá như tôi được sống thêm 20 năm nữa và còn khả năng làm việc, tôi sẽ còn thay đổi "Nguồn cội..." biết bao nhiêu nữa, và biết bao nhiêu nữa ý nghĩ của tôi về mỗi điểm sẽ đổi khác! Nhưng thôi, đây là bước đầu, mà như thế cũng đã được rồi..."(36). Vừa xác quyết chân lý, vừa gạt bỏ tín điều: một câu thư riêng thôi, nhưng chân chính bao nhiêu thái độ khoa học.

Tôi thích bình luận của Stephen Jay Gould về thái độ khiêm tốn và thông thoáng ấy của Darwin. Thiên nhiên, Gould viết, phức tạp và phong phú đến nỗi cái gì cũng có thể xảy ra. Một giải thích tổng quát, rõ ràng và tối hậu về những vấn đề của sự sống là không thể có được. Ta có thể tìm được câu trả lời hợp lý cho những vấn đề quan trọng bậc trung. Nhưng đối với những vấn đề tối hậu, câu trả lời ngã quỵ trước thiên nhiên quá giàu có. Vậy mà vui! Một thiên nhiên hãy còn giữ bí mật mới đem lại bao nhiêu thích thú cho cuộc sống, mới đem lại bao nhiêu hứng khởi cho những bước chân tìm tòi lần mò"(37).

Hãy để cho các nhà thần giáo co rúm với cái chìa khóa trong tay họ, miễn là họ đừng bắt cả thiên hạ đều phải chui vào cùng một cánh cửa. Riêng tôi, đứng trước ngưỡng cửa khoa học của Darwin, tôi chỉ muốn hỏi thêm ông một câu hỏi nhỏ của người đọc Tự Truyện của ông.

Ở trang 70, ông kể về khởi thủy của chuyến đi khảo cứu trên tàu Beagle năm 1831, ông viết: thuyền trưởng FitzRoy "suýt nữa từ chối, không cho tôi đi, vì hình dáng của cái mũi của tôi". Thạo nghề xem tướng, FitzRoy ngờ rằng với một cái mũi có hình dáng như vậy, chủ nhân của nó không thể là người có đủ năng lực và quyết tâm để làm một cuộc phiêu du 5 năm ròng rã.

Tôi muốn hỏi: giá như viên thuyền trưởng tin chắc ở tài xem tướng của mình và hành động theo đúng như vậy, Darwin có trở thành Darwin và khoa học có chăng một Darwin để thế giới kỷ niệm 200 năm? Vậy cái gì làm Darwin trở thành Darwin? Sự thiếu tin tưởng của viên thuyền trưởng về tài xem tướng? Thượng đế muốn ông đi để chứng minh ngài không có? Hay ngẫu nhiên?

Tôi xếp Tự Truyện của Darwin, nhưng tấm ảnh của ông trên bìa cứ bắt tôi phải nhìn cái mũi. Tôi thấy nó cựa quậy như muốn nói với tôi: làm gì có một nguyên nhân duy nhất cho mỗi sự việc? Sự việc nào lại không có trùng trùng nguyên nhân! Nói gì nguyên nhân đầu tiên!


Chú thích:

18 Như trên, trang 24.
19 Như trên, trang 24.
20 Stephen Jay Gould, Et Dieu dit: "Que Darwin soit!", Seuil, 2000, trang 185-186.
21 Stephen Jay Gould, Le pouce du panda, trích bởi D. Lecourt, trang 49.
22http://bibliobs.nouvelobs.com/blog/darwin/20090319/11380/darwin-1872-larme-fatale-contre-les-creationnistes
23 Cũng vậy
24 L'Autobiographie, trang 87.
25 Gould, Et Dieu dit..., trang 181.
26 Như trên, trang 46.
27 L'Autobiographie, trang 31.
28 Như trên, trang 38.
29 Như trên.
30 Như trên, trang 37.
31 Như trên..
32 Như trên, trang 89.
33 Như trên.
34 Như trên, trang 132.
35 Xem bài Tựa của Nora Barlow trong L'Autobiographie.
36 Thư gửi J.D. Hooker đăng trong bài Tựa của Barlow.
37 Gould, Darwin et les grandes énigmes de la vie, trang 279.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?

    26/07/2006Đỗ Kiên CườngChâu Hồng Lĩnh, chuyên viên tin học tại Boston có bài viết: “Tri thức thúc đẩy quá trình tiến hóa?” với nhiều nhận định gây tranh cãi về thuyết tiến hóa, một trong những thành tựut rí tuệ sáng chói nhất của nhân loại. Để góp phần làm sáng tỏ vấn đề, tôi xin góp đôi lời bàn luận với tác giả, mong nhận được ý kiến của bạn đọc xa gần...
  • Biểu đồ tiến hóa của nhân loại sẽ như thế nào?

    24/10/2019Hồng Sơn (tổng hợp)Sự biến đổi của con người trong tương lai cũng là một đề tài được các nhà tương lai học tập trung nghiên cứu và đánh giá. Tất nhiên về mức độ chính xác của những dự đoán này thì con cháu nhiều đời sau này của chúng ta mới có thể kiểm chứng.
  • Trái đất của chúng ta bao nhiêu tuổi?

    30/11/2009Lê Ngọc Tú dịch (La recherche)Nửa thế kỷ, đó là khoảng thời gian các nhà vật lý và tự nhiên học đã bỏ ra để tranh cãi về tuổi của Trái đất, một trong những cuộc tranh cãi khoa học dài nhất trong lịch sử. Vào những năm 1860, theo các nhà vật lý, trái đất chỉ mới 50 triệu năm.
  • Qua con đường chọn lọc tự nhiên hay sự bảo tồn những chủng ưu thế trong đấu tranh sinh tồn

    27/10/2009"Chúng ta đã thấy rằng nhờ việc chọn lọc mà con người có thể tạo ra những kết quả rất lớn, và có thể bắt sinh vật thích nghi theo nhu cầu của bản thân mình, qua việc tích luỹ những biến đổi nhỏ nhưng có ích mà bàn tay của Tự nhiên đã trao cho con người. Nhưng Chọn lọc Tự nhiên là một sức mạnh hoạt động không ngừng và vượt hơn hẳn so với khả năng nhỏ bé của con người bởi vì những tác phẩm của Tự nhiên là những tác phẩm của Nghệ thuật."
  • Tiến hóa của tiến hóa

    13/05/2009Đỗ Kiên Cường dịch từ Time, 1-1998Được xem là có ảnh hưởng lớn nhất tới tư duy hiện đại, khoảng một thập kỷ qua, lý thuyết tiến hóa đã tìm ra một khám phá gây chấn động: nó bước đầu mở được cái hộp vốn đóng kín là bộ não của chính chúng ta. Giới Darwin học đang viết những trang bản thảo đầu tiên về một trong những bí ẩn lớn nhất tự nhiên: bản chất của con người...
  • Nguồn gốc của loài người theo cái nhìn của Phật giáo

    05/05/2009Trưởng lão Thích Thông LạcLuật nhân quả đã xác định mọi tiêu chuẩn của mọi loài chúng sanh, nếu chúng sanh sống và tạo những tiêu chuẩn đó thì sẽ sanh làm loài vật đó, chứ không phải tiêu chuẩn đó mà làm loài vật khác được, có nghĩa là loài động vật đó sống thiện ở cấp độ thiện đó sẽ sanh làm loài chúng sanh đó, còn ngược lại sống ác ở cấp độ ác đó thì sẽ sanh làm loại chúng sanh đó. Luật nhân quả rất công bằng và công lý nên tiêu chuẩn thiện ác của nó rõ ràng, không thể sai khác được. Với trí tuệ vô hạn của đức Phật, Ngài đã thấu suốt luật nhân quả. Do đó Ngài dạy cho chúng ta cách thức sống năm tiêu chuẩn thiện để còn tiếp tục làm thân người thiện và chỉ có thân người thiện mới đủ trí tuệ thông minh rèn luyện tu tập chấm dứt khổ đau và luân hồi.
  • Con người – Chúa tể

    22/01/2009Hà Huy KhoáiBài viết này chỉ là những suy nghĩ tản mạn của một người "ngoại đạo" nhìn tiến hóa không phải với con mắt một nhà tự nhiên học, mà của một người "bình thường". Tôi bỗng giật mình nhận thấy, trong sự tiến hóa kỳ diệu của tự nhiên, phải chăng tạo hóa đã "lỗ" khi tạo ra con người: loài động vật "thượng đẳng" là nguyên nhân chính làm biến mất khỏi thế gian này bao nhiêu loài khác. Vả lại con người có phải là "thượng đẳng "hay không trong nấc thang tiến hóa?
  • Thuyết tiến hóa của Darwin: 150 năm tuổi

    20/11/2008Phương HàCách đây 150 năm, nhân loại lần đầu tiên đã được biết tới thuyết tiến hóa muôn loài của nhà nghiên cứu sinh học người Anh Charles Darwin. Từ đó đến nay, không ít người đã muốn bác bỏ học thuyết này.
  • Các lý thuyết mới về văn hóa

    01/09/2006Dominique Guillot (Huyền Giang dịch từ tiếng Pháp)Giải thích các quy tắc xã hội, các ý tưởng, cái tưởng tượng... từ lý thuyết tiến hóa, đó là mục tiêu của các mô hình Darwin mới về văn hóa. Một số lý thuyết ấy đem lại một tính độc lập cho văn hóa đối với những bó buộc của tự nhiên...
  • xem toàn bộ