Qua con đường chọn lọc tự nhiên hay sự bảo tồn những chủng ưu thế trong đấu tranh sinh tồn

04:32 CH @ Thứ Ba - 27 Tháng Mười, 2009

Tác giả : Charles Darwin
Dịch giả : Trần Bá Tín
Số trang : 496 trang
Giá bìa : 85000 VNĐ
Khổ sách : 16 x 24 cm
Loại bìa : Mềm
Phát hành : Cty Sách Phương Nam
Năm xuất bản : 2009

"Chúng ta đã thấy rằng nhờ việc chọn lọc mà con người có thể tạo ra những kết quả rất lớn, và có thể bắt sinh vật thích nghi theo nhu cầu của bản thân mình, qua việc tích luỹ những biến đổi nhỏ nhưng có ích mà bàn tay của Tự nhiên đã trao cho con người. Nhưng Chọn lọc Tự nhiên là một sức mạnh hoạt động không ngừng và vượt hơn hẳn so với khả năng nhỏ bé của con người bởi vì những tác phẩm của Tự nhiên là những tác phẩm của Nghệ thuật."


Lời nhà xuất bản

Nguồn gốc các loài là tên rút gọn của cuốn sách Về nguồn gốc các loài qua con đường chọn lọc tự nhiên, hay sự bảo tồn những chủng ưu thế trong đấu tranh sinh tồn (On the origin of species by means of natural selection, or the preservation of favoured races in the struggle for life) của Charles Darwin, xuất bản năm 1859. Hiếm có cuốn sách khoa học nào mà 1250 bản in lần đầu được bán hết trong vòng một ngày! Hiếm có tác phẩm khoa học nào chỉ trong một thời gian ngắn đã làm “rung chuyển” cả thế giới!

Cuốn sách này là kết quả của những quan sát của Darwin trong chuyến đi gần 5 năm, từ 1831 đến 1836, trên con tàu biển Beagle vòng quanh thế giới, cùng với những suy tư và nghiên cứu của ông trong hai mươi năm sau đó, trong đó ông đặt vấn đề có tính quyết định về biến đổi luận hay sự tiến hóa. Sách của ông đã được xuất bản nhiều lần, sửa đổi, liên tục cập nhật cho đến khi ông mất.

Darwin đã đi đến quan niệm rằng các loài không phải là những thực thể bất biến từ các sáng tạo riêng biệt, mà biến đổi dần từ loài này sang loài khác, và như vậy toàn bộ giới sinh vật đã tiến hóa. Cơ sở của nó là có sự đấu tranh sinh tồn (struggle for life) giữa các cá thể ở từng loài, loại bỏ nhiều cá thể trong đó và dẫn tới sự sống sót của dạng thích nghi nhất (survival of the fittest). Sự chọn lọc này bắt nguồn từ các đặc điểm có thuận lợi hay không của các cá thể khác nhau. Đó là sự chọn lọc diễn ra tự động trong tự nhiên, hay chọn lọc tự nhiên (natural selection). Qua tích lũy, các biến đổi được chọn lọc tự nhiên giữ lại, dần dần biến đổi loài, và từ đó, giới sinh vật dần dần có dạng như hiện nay.

Nguồn gốc các loài (1859) đã có một tiếng vang lớn và khơi ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi, không những ở nước Anh – tổ quốc của Darwin, mà cả ở nhiều nước khác trên thế giới, do việc áp dụng nó một cách tự nhiên vào nguồn gốc loài người. Thuyết tiến hóa của Darwin đã được đại bộ phận giới sinh học công nhận, về cả nguyên lý và các sự kiện, dù ngày càng được bổ sung và phát triển cho đến nay. Nhưng số người chống đối nó cũng không ít, không chỉ khi Darwin còn sống, mà còn kéo dài cho tới bây giờ.

Cuộc “chiến tranh” trong gần 150 năm, kể từ khi cuốn sách đầu tiên ra mắt, xem ra vẫn không dịu đi. Nguồn gốc các loài đã đối lập những người bảo vệ thuyết tiến hóa với những người cho rằng, trong các vẻ đẹp của tự nhiên và tính đa dạng của sinh vật, có bàn tay của một đấng Sáng tạo lớn, thiết kế ra Vũ trụ. Nếu như các nhà sáng tạo luận ở Mỹ trong những năm 1920 từng dựa vào Kinh thánh, thì hiện nay mọi tham khảo tôn giáo đều được giảm bớt một cách khéo léo, và có những giáo sư đại học uyên bác ở đây đã theo thuyết “thiết kế thông minh” (intelligent design, hay ID)[1],[2]. Giới khởi xướng thuyết “thiết kế thông minh” cho rằng chỉ có một trí tuệ cao siêu mới có thể giải thích tính đa dạng kỳ lạ của sinh vật. Ở Mỹ, những người này rất tích cực và có tổ chức, muốn áp đặt tư tưởng của họ vào các giáo trình sinh học như một nội dung đáng tin cậy xen kẽ với thuyết tiến hóa. Được phái hữu bảo thủ nắm quyền ủng hộ, họ xâm nhập vào hội đồng các trường học, xuất bản sách và tổ chức các hội nghị. Dù có tự bào chữa, nhưng họ vẫn là các nhà sáng tạo luận được Nhà thờ Tin Lành ở Mỹ bênh vực.

Cho dù thuyết tiến hóa ban đầu của Darwin vẫn còn những hạn chế dưới ánh sáng của các hiểu biết hiện nay, nhưng nó vẫn có một ưu thế cơ bản trước các đối thủ là luôn được đặt lại vấn đề và được các thế hệ sau phát triển. Quan niệm chọn lọc tự nhiên của Darwin đã xâm nhập vào nhiều lĩnh vực sinh học và y học, như chọn lọc tự nhiên với sự phát triển não của Gerald Edelman[3], chọn lọc tự nhiên và bệnh ung thư[4], thuyết tiến hóa hiện đại và hậu hiện đại[5]… Dù thuyết tiến hóa đã thay đổi, nhưng Darwin vẫn được coi như là một trong những người đổi mới vĩ đại, giúp chúng ta biết nhìn nhận thế giới bằng một con mắt khác, vì ông đã khắc sâu sự kiện tiến hóa vào tâm trí nhân loại.

Ở Việt Nam, đã có ít nhất hai bản dịch cuốn Nguồn gốc các loài. Tuy nhiên, những bản dịch này thường được dịch từ nguyên bản là những lần xuất bản sau. Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Darwin (1809-2009) và 150 năm (1859-2009) ra đời cuốn sách này, Nhà xuất bản Tri thức xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn Nguồn gốc các loài được dịch từ nguyên bản đầu tiên năm 1895. Đây là một tài liệu tham khảo rất tốt cho bạn đọc quan tâm đến thuyết của Darwin và đối chiếu nó với các thuyết tiến hóa khác đang được phát triển hiện nay.

Nhà xuất bản Tri Thức

[1] La Recherche, 4/2006, p. 30-52.
[2] Nature, 2008, p. 581-582.
[3] La Recherche, 5/1996, p. 62-77.
[4] Scientific American, 1/2007, p. 53-59.
[5] Nature, 2008, p. 281-284.

*****

Lời người dịch

Các bạn đang cầm trong tay bản dịch cuốn sách nổi tiếng của Charles Darwin - Nguồn gốc các loài. Cuốn sách sinh học quan trọng này, dường như ai cũng biết ngay từ thời còn học phổ thông, đã trở thành sở hữu chung, dễ dàng tìm thấy trên Internet. Từ lần xuất bản đầu tiên (năm 1859) cho đến những lần xuất bản tiếp theo cuốn sách được chính Darwin chỉnh sửa và bổ sung khá nhiều. Chẳng hạn, lần xuất bản cuối cùng, lần thứ 6 (năm 1872), ông thêm vào chương “Những phản đối khác nhau về thuyết chọn lọc tự nhiên”. Và Darwin còn phủ chính những chỉ trích hay bình luận những nhận xét của giới khoa học thời ấy. Chính vì vậy, ở những lần tái bản, nội dung quyển sách nhiều khi đi quá xa chủ đề chính, không còn hấp dẫn và dễ đọc như lần xuất bản đầu tiên.

Vì lý do trên và cũng vì tôn trọng tính lịch sử của tác phẩm, chúng tôi dịch trọn vẹn bản in năm 1859. Ngoài ra, chúng tôi còn dịch thêm hai phần nữa mà thiển nghĩ là hữu ích cho các độc giả:

  • Bản tóm tắt lịch sử quá trình nhận thức về nguồn gốc các loài (thêm vào lần xuất bản thứ ba năm 1861).
  • Lời giới thiệu của Ngài Julian S. Huxley (1887 - 1975) nhân dịp 100 năm bài báo chung của Darwin và Wallace công bố tại Hội Linne (ngày 1 tháng Bảy năm 1858), sau khi cuốn Nguồn gốc các loài xuất bản gần 100 năm.

Trong khi dịch, gặp một số thuật ngữ chưa có từ tiếng Việt tương đương, nhất là một số từ chuyên môn, chúng tôi vẫn giữ nguyên, độc giả có thể tìm hiểu bằng tiếng Anh giải thích trong các tài liệu khác. Và chúng tôi cũng soạn thêm một số chú thích để độc giả dễ theo dõi bản dịch hơn. Bản dịch chắc chắn khó tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong sự góp ý, chỉ giáo của người đọc

Cuối cùng, chúng tôi xin gởi lời cảm ơn chân thành đến những người đã giúp đỡ và khích lệ để bản dịch được ra mắt: ông Nguyễn Duy Long (Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi), ông Chu Hảo (Nhà xuất bản Tri thức), ông Lê Nguyên Đại (Công ty Sách Thời đại), ông Đỗ Quang Minh (Bệnh viện Chợ Rẫy), ông Nguyễn Đăng Vũ (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi)... Đặc biệt là ông Bùi Văn Nam Sơn, dịch giả của những tác phẩm triết học quan trọng, đã xem lại bản thảo lần cuối cùng và viết lời giới thiệu cho bản dịch.

Trần Bá Tín[1]

[1] Dịch giả Trần Bá Tín: Sinh năm 1964 tại Huế, tốt nghiệp Trường Quốc Học Huế năm 1982, tốt nghiệp ĐH Y Khoa Huế năm 1988, tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp I ngành sản phụ khoa, Trường Đại học Y khoa Huế năm 1995, tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp II ngành sản phụ khoa, Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh năm 2004; từ năm 1989 đến nay là bác sĩ khoa Phụ Sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Mục lục sách

Thay lời nhà xuất bản
Lời người dịch
200 năm Darwin, 150 năm Nguồn gốc các loài: Tiến hóa như một sơ đồ lý giải
Dẫn nhập

Chương I: Biến đổi thuần hoá

Những nguyên nhân biến đổi - Ảnh hưởng của thói quen - Tương quan của tăng trưởng - Tính thừa kế - Đặc tính của biến chủng thuần hoá - Khó khăn trong phân biệt giữa biến chủng và loài - Nguồn gốc của những biến chủng thuần hoá từ một hay nhiều loài - Bồ câu nhà, sự khác biệt và nguồn gốc của chúng - Nguyên lý của sự chọn lọc đã có từ xưa, những tác dụng của nó - Chọn lọc vô thức và chọn lọc hệ thống - Nguồn gốc chưa biết của một số sản phẩm thuần hoá - Những hoàn cảnh thuận lợi cho sự chọn lọc nhân tạo.

Chương II: Biến đổi tự nhiên

Tính biến đổi - Sự khác biệt của các cá thể - Những loài còn hồ nghi - Những loài phân bố trải rộng, phân tán và thường gặp biến đổi nhiều nhất - Những loài thuộc những giống quy mô hơn trong một vùng thì thường biến đổi hơn so với những loài thuộc những giống nghèo nàn hơn - Nhiều loài thuộc những giống quy mô hơn có những biến chủng tương tự nhau ở chỗ có quan hệ rất gần gũi với nhau nhưng không bằng nhau và ở chỗ phân bố hạn chế.

Chương III: Đấu tranh sinh tồn

Dựa trên chọn lọc tự nhiên - Thuật ngữ được hiểu theo nghĩa rộng - Tăng theo cấp số nhân - Sự tăng nhanh của những động vật và thực vật hợp thuỷ thổ - Bản chất của những việc kiểm soát sự gia tăng - Sự cạnh tranh có tính phổ biến - Những ảnh hưởng của khí hậu - Bảo vệ số lượng cá thể - Mối quan hệ phức tạp của động vật và thực vật trong tự nhiên - Cuộc đấu tranh sinh tồn ác liệt nhất giữa những cá thể và các biến chủng trong cùng một loài; thường ác liệt giữa những loài trong cùng một giống - Mối quan hệ giữa các sinh vật với nhau là mối quan hệ quan trọng nhất trong mọi mối quan hệ.

Chương IV: Chọn lọc tự nhiên

Chọn lọc tự nhiên - sức mạnh của chọn lọc tự nhiên so với chọn lọc nhân tạo - sức mạnh đối với những tính trạng không quan trọng - sức mạnh ở mọi lứa tuổi và trên giới tính - Sự chọn lọc giới tính - Về tính phổ quát của sự giao phối giữa các cá thể trong cùng một loài - Những hoàn cảnh thuận lợi và bất lợi đến kết quả trong chọn lọc tự nhiên như giao phối chéo, cách ly, số lượng cá thể - Hoạt động tiệm tiến - Sự tuyệt chủng do chọn lọc tự nhiên gây ra - Sự phân ly tính trạng liên quan đến sự đa dạng của cư dân sống ở bất kỳ khu vực giới hạn nào và liên quan đến quá trình tự nhiên hoá - Tác dụng của chọn lọc tự nhiên, thông qua sự phân ly tính trạng và sự tuyệt chủng lên hậu duệ từ một tổ tiên chung - Giải thích về sự phân nhóm.

Chương V: Quy luật biến đổi

Ảnh hưởng của điều kiện bên ngoài - Việc sử dụng hay không sử dụng, kết hợp với chọn lọc tự nhiên; bộ cánh và thị giác - Sự thích nghi với khí hậu - Sự tương quan tăng trưởng - Sự bù trừ và cơ cấu của tăng trưởng - Những tương quan giả tạo - Những cấu trúc đa dạng, sơ khai và tổ chức thấp thì hay biến đổi - Những bộ phận nào phát triển theo cách không bình thường thì dễ biến đổi hơn: những tính trạng đặc hiệu thì dễ biến đổi hơn những tính trạng chung: những tính trạng sinh dục thứ phát thì dễ biến đổi - Những loài cùng một giống thì biến đổi theo cùng một kiểu - Sự trở lại những tính trạng đã mất từ lâu - Tổng kết.

Chương VI: Những khó khăn về mặt lý thuyết

Những khó khăn của lý thuyết về dòng dõi biến đổi - Sự chuyển tiếp - Tình trạng không có hoặc hiếm có những loài chuyển tiếp - Chuyển tiếp trong tập quán - Tập quán đa dạng trong cùng một loài - Loài có tập quán khác xa với những tập quán của loài họ hàng - Những cơ quan hoàn hảo tuyệt đối - Hình thức chuyển tiếp - Những trường hợp khó - Tự nhiên không tạo ra những bước nhảy vọt (Natura non facit saltum) - Những cơ quan ít quan trọng - Những cơ quan không phải lúc nào cũng hoàn hảo tuyệt đối - Học thuyết chọn lọc tự nhiên bao gồm cả quy luật đồng nhất về loại và những điều kiện tồn tại.

Chương VII: Bản năng

Bản năng có thể so sánh với thói quen nhưng khác nhau về nguồn gốc - Bản năng đặc biệt - Rệp vừng (aphides) và kiến - Bản năng có thể biến đổi - Bản năng do thuần hoá, nguồn gốc của nó - Bản năng tự nhiên của chim cu cu, đà điểu và ong nghệ - Kiến thợ (slave-making ant) - Ong thợ, bản năng làm tổ - Những khó khăn của học thuyết chọn lọc tự nhiên về bản năng - Những côn trùng vô sinh hay vô tính - Tổng kết.

Chương VIII: Lai giống

Phân biệt vô sinh ở vật đem lai lần đầu (first crosses) với vô sinh ở vật lai - Vô sinh khác nhau về mức độ, không phổ biến, bị ảnh hưởng bởi việc cận giao, mất đi do thuần hoá - Quy luật chi phối sự vô sinh của vật lai - Vô sinh không phải là một khả năng thiên phú đặc biệt mà là ngẫu nhiên theo đặc trưng khác nhau - Nguyên nhân gây vô sinh ở vật đem lai lần đầu và vật lai - Mối quan hệ song song giữa tác động của điều kiện sống thay đổi và tác động của lai giống - Sinh sản ở những giống khi được lai và con cháu của nó nhưng không phải phổ biến - So sánh loài lai và giống lai, không phụ thuộc vào khả năng sinh sản của chúng - Tổng kết.

Chương IX: Nhược điểm của cứ liệu địa chất

Về việc thiếu vắng những biến thể trung gian hiện nay - Về bản chất của biến thể trung gian tuyệt chủng; về số lượng của nó - Về sự vận hành của thời gian khi suy luận từ tỉ lệ bào mòn và tỉ lệ trầm tích - Về sự nghèo nàn trong chứng cứ cổ sinh vật học - Về tính gián đoạn trong quá trình hình thành địa chất - Về việc thiếu vắng những biến thể trung gian trong bất kỳ một lớp địa tầng[1] nào - Về sự xuất hiện đột ngột của một số loài - Về sự xuất hiện đột ngột của chúng trong những lớp hoá thạch nằm thấp nhất.

Chương X: Về sự tiếp biến về mặt địa chất của các sinh thể

Về sự xuất hiện tiệm tiến và kế thừa của các loài mới - Về tốc độ biến đổi khác nhau của chúng. Loài một khi biến mất sẽ không xuất hiện trở lại - Nhóm loài tuân theo những quy luật chung về sự xuất hiện và sự biến mất như một loài duy nhất - Về sự tuyệt chủng - Về những thay đổi đồng thời của những hình thái sự sống ở khắp thế giới - Về mối quan hệ giữa những loài tuyệt chủng với nhau và với những loài đang tồn tại - Về sự phát triển của những hình thái sự sống cổ xưa - Về sự kế tiếp nhau của cùng một hình thái trên cùng một vùng - Tổng kết những chương trước và chương này.

Chương XI: Phân bố địa lý

Không thể lấy sự khác nhau về điều kiện vật lý để giải thích sự phân bố hiện tại - Tầm quan trọng của các giới hạn - Mối quan hệ của các sinh vật trong cùng lục địa - Những trung tâm của sự tạo thành - Phương tiện phát tán do thay đổi khí hậu, độ cao của mặt đất, và các phương tiện ngẫu nhiên - Phát tán trong kỷ Băng hà với quy mô trên toàn thế giới.

Chương XII: Phân bố địa lý (tiếp theo)

Phân bố các sinh vật nước ngọt - các sinh vật trên đảo ở đại dương - Thiếu vắng ếch nhái và động vật có vú trên cạn - Về mối quan hệ các sinh vật trên đảo với những vùng lục địa lân cận - Về sự thực địa hoá từ nguồn gần nhất với sự biến đổi sau đó - Tổng kết những chương cuối và chương này.

Chương XIII: Mối quan hệ qua lại giữa các sinh thể: Hình thái học: Phôi học: những cơ quan sơ khai

PHÂN LOẠI, những nhóm phụ so với nhóm - Hệ thống tự nhiên - Những quy luật và những khó khăn trong phân loại, giải thích về thuyết nguồn gốc có biến đổi - Phân loại biến chủng - Nguồn gốc thường được dùng trong phân loại - Những tính trạng thích nghi hoặc tương đồng - Những mối quan hệ chung, phức tạp, và phân tán - Sự tuyệt chủng riêng biệt và loài xác định - HÌNH THÁI HỌC, giữa những cá thể cùng lớp, giữa những bộ phận trên cùng cơ thể - PHÔI SINH HỌC, quy luật của nó, được giải thích bằng những biến thể không xảy ra ở giai đoạn sớm và được di truyền ở độ tuổi tương ứng - NHỮNG CƠ QUAN SƠ KHAI; giải thích về nguồn gốc của nó - Tổng kết.

Chương XIV: Tóm tắt và kết luận

Tóm tắt những khó khăn trong học thuyết chọn lọc tự nhiên - Tóm tắt những trường hợp tổng quát và cụ thể ủng hộ cho học thuyết chọn lọc tự nhiên - Nguyên nhân của niềm tin chung về tính bất biến của loài - Học thuyết chọn lọc tự nhiên có thể mở rộng đến đâu - Tác động của việc áp dụng học thuyết chọn lọc tự nhiên trong nghiên cứu lịch sử tự nhiên - Kết luận.

Phụ lục 1. Bản tóm tắt lịch sử quá trình nhận thức về nguồn gốc các loài
Phụ lục 2. Lời giới thiệu của Ngài Julian Huxley
[2]
Bản chỉ dẫn

[1] Địa tầng (formation). Formation địa chất học là một đơn vị địa chất học chính thức. Formation là đơn vị địa tầng thạch học, khái niệm các lớp là trung tâm của việc mô tả các lớp địa tầng. Khái niệm formation địa chất được các nhà địa chất học và các nhà địa tầng học sử dụng vào thế kỷ 17 và 18.
[2] Ngài Julian Sorell Huxley (1887-1975), con trai của Thomas Henry Huxley (1825-1895), nhà sinh vật học, người Anh.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Biểu đồ tiến hóa của nhân loại sẽ như thế nào?

    24/10/2019Hồng Sơn (tổng hợp)Sự biến đổi của con người trong tương lai cũng là một đề tài được các nhà tương lai học tập trung nghiên cứu và đánh giá. Tất nhiên về mức độ chính xác của những dự đoán này thì con cháu nhiều đời sau này của chúng ta mới có thể kiểm chứng.
  • Vượn biến thành người như thế nào?

    19/05/2015TS. Đỗ Kiên CườngChúng ta đều biết theo thuyết tiến hóa thì tổ tiên loài người là các chú vượn châu Phi. Tuy nhiên rất ít người biết cụ thể quá trình kì lạ đó, dù chỉ trên những nét khái quát. Hy vọng bài viết dưới đây có thể khắc phục một phần thực tế đó...
  • Con người là kết quả của một thoái hoá?

    29/08/2009Hoành SơnPhải chăng con người đúng là đỉnh điểm của một tiến hoá? Và đúng có tiến hoá thật? Hay thật ra chỉ có ngẫu biến thôi, hoặc tệ hơn nữa, thoái hoá? Chúng ta hãy lắng nghe một số ý kiến và xem xét một số khám phá khoa học hôm nay:
  • Con người, kết quả của một tiến hóa

    18/08/2009Hoành SơnCon người không chỉ là động vật giữa muôn ngàn động vật khác. Bởi vì những động vật khác chỉ cần sống như con vật mà thôi, chứ con người thì còn phải sống sao cho ra người nữa. Mà để sống cho ra người thì phải có văn hóa. Để có văn hóa, nhờ đó sống cho ra người, người ta lại phải sống thành xã hội, bởi lẽ chỉ có văn hóa và phát triển văn hóa giữa lòng một xã hội. Vậy văn hóa là gì, xã hội là gì, và hai đằng liên quan với nhau ra sao? Để đi sâu vào những vấn đề ấy, không thể không chất vấn chính con người, con người trong bản chất của nó, cả về mặt cá nhân lẫn tập thể.
  • Tính tất yếu của tư duy phức hợp

    25/07/2009Phạm Khiêm ÍchTư duy phức hợp do Edgar Morin khởi xướng. Nhưng xét đến cùng thì đây là sản phẩm của cả một chặng đường phát triển lịch sử, văn hóa, văn minh nhân loại. Nó thể hiện một tổng thể các quan niệm mới, tầm nhìn mới, khám phá mới, suy tư mới và mong ước của tác giả "tìm kiếm sự thống nhất giữa khoa học và lý thuyết về tính phức hợp nhân bản ở trình độ rất cao".
  • Đạo đức tin lành và tinh thần chủ nghĩa Tư bản của Max Weber

    23/07/2009Trần Hữu Quang - Bùi Văn Nam SơnQuyển sách mà độc giả đang cầm trên tay bao gồm công trình chính là "Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản" mà Max Weber viết vào năm 1904-1905 (in trong "Archiv für Sozialwissenschaft und Sozialpolitik", tập XX, 1904, quyển 1, tr. 1-54, và tập XXI, 1905, quyển 1, tr. 1-110), và có sửa chữa, bổ sung vào năm 1920.
  • Tiến hóa của tiến hóa

    13/05/2009Đỗ Kiên Cường dịch từ Time, 1-1998Được xem là có ảnh hưởng lớn nhất tới tư duy hiện đại, khoảng một thập kỷ qua, lý thuyết tiến hóa đã tìm ra một khám phá gây chấn động: nó bước đầu mở được cái hộp vốn đóng kín là bộ não của chính chúng ta. Giới Darwin học đang viết những trang bản thảo đầu tiên về một trong những bí ẩn lớn nhất tự nhiên: bản chất của con người...
  • Nguồn gốc của loài người theo cái nhìn của Phật giáo

    05/05/2009Trưởng lão Thích Thông LạcLuật nhân quả đã xác định mọi tiêu chuẩn của mọi loài chúng sanh, nếu chúng sanh sống và tạo những tiêu chuẩn đó thì sẽ sanh làm loài vật đó, chứ không phải tiêu chuẩn đó mà làm loài vật khác được, có nghĩa là loài động vật đó sống thiện ở cấp độ thiện đó sẽ sanh làm loài chúng sanh đó, còn ngược lại sống ác ở cấp độ ác đó thì sẽ sanh làm loại chúng sanh đó. Luật nhân quả rất công bằng và công lý nên tiêu chuẩn thiện ác của nó rõ ràng, không thể sai khác được. Với trí tuệ vô hạn của đức Phật, Ngài đã thấu suốt luật nhân quả. Do đó Ngài dạy cho chúng ta cách thức sống năm tiêu chuẩn thiện để còn tiếp tục làm thân người thiện và chỉ có thân người thiện mới đủ trí tuệ thông minh rèn luyện tu tập chấm dứt khổ đau và luân hồi.
  • Một số vấn đề về nguồn gốc loài người dưới ánh sáng của khoa học hiện đại

    08/04/2009TS. Hồ Bá ThâmKhi đọc được cuốn sách "Nguồn gốc loài người" của G.N Machusin do nhà xuất bản Mia ấn hành bằng tiếng Việt 1986, tôi thấy rằng, trong nhận thức của chúng ta về chủ đề này đang có chỗ rất lạc hậu và tác phẩm của Machusin thật sự mang lại một tri thức mới (Tất nhiên, xung quanh vấn đề nguồn gốc loài người vẫn đang có những khuynh hướng tìm kiếm, phát hiện, nhận thức còn khác nhau)...
  • Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học

    30/03/2009Chu Lan ĐìnhCho đến cuối thế kỷ XX, cuốn Cấu trúc các cuộc Cách mạng Khoa học có lẽ là cuốn sách triết học bán chạy nhất ở châu Âu và Mỹ, được dịch ra hơn 20 thứ tiếng và số lượng phát hành bằng tiếng Anh lên đến hàng triệu bản. Cho đến nay, theo thống kê của một số tạp chí, đây là một trong những cuốn sách được các tác phẩm triết học trích dẫn nhiều nhất. Sự ra đời của nó vào năm l962 đã đánh dấu sự cáo chung của những tư tưởng triết học khoa học thịnh hành từ những năm l930 cho tới thời điểm ấy. Nó đồng thời đánh dấu sự mở màn của một tư tưởng triết học mới, ít thiên về phân tích logic và phân tích khái niệm mà chú trọng thích đáng hơn đến lịch sử và xã hội học khoa học.
  • Thuyết tiến hóa của Darwin: 150 năm tuổi

    20/11/2008Phương HàCách đây 150 năm, nhân loại lần đầu tiên đã được biết tới thuyết tiến hóa muôn loài của nhà nghiên cứu sinh học người Anh Charles Darwin. Từ đó đến nay, không ít người đã muốn bác bỏ học thuyết này.
  • Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản

    29/09/2008Minh Bùi tổng hợpQuyển "Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản" của Max Weber, đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng, và cho đến nay có lẽ là quyển được đọc và thảo luận nhiều nhất trong ngành xã hội học. Tác phẩm này trở thành một tài liệu giáo khoa không thể thiếu trong các phân khoa học xã hội ở các đại học trên thế giới. Trong công trình này, Weber đi tìm nguồn gốc của sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản cận đại Âu châu nơi ethos và nền đạo đức khổ hạnh duy lý Tin Lành...
  • Loài người sau 10 vạn năm nữa như thế nào?

    28/04/2007Nguyễn Văn Gấm (sưu tầm)Cuối năm 2006, báo The Times, Anh đưa tin một nhóm các nhà khoa học Anh do O.Cari, bác sĩ - nhà khoa học Anh trong Trung tâm Nghiên cứu Darwin thuộc Học viện Kinh tế London đứng đầu công bố công trình nghiên cứu nhiều năm mang tên “Báo cáo tiến hóa Bravo” của nhóm nêu lên viễn cảnh của con người tương lai sau hàng vạn năm nữa...
  • Ra mắt Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh

    09/01/2007H.T.Một năm sau khi NXB Tri thức thành lập, quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh được ra mắt và khởi động những dự án lớn với tham vọng hỗ trợ và quảng bá việc dịch thuật các tác phẩm có giá trị thuộc Tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế giới. Bắt đầu từ 2007, giải thưởng dịch thuật mang tên nhà chí sĩ Phan Châu Trinh sẽ được tổ chức thường niên...
  • Nhân loại qua các chặng đường phát triển

    06/01/2007Phạm Thanh ĐứcCuốn sách trình bày khá phong phú những vấn đề về nguồn gốc con người và nguồn gốc loài người, nguồn gốc trái đất và nguồn gốc sự sống...lý giải những bí ẩn về đến di truyền, những bí mật về tinh thần, trí tuệ và tâm linh, những vẩn đề chưa giải thích được về sức khoẻ, về sự sống và cái chết...
  • Ra mắt Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới

    22/12/2005Kiều MinhSáng nay (19/12) tại Hà Nội, NXB Tri thức vừa công bố 3 tác phẩm đầu tiên được dịch và xuất bản trong Tủ sách tinh hoa thế giới tại Việt Nam. Gồm cuốn: Những cuộc đời song hành của Plutarque; Bàn về tự do của John Stuart Mill và Thế giới như tôi thấy của Albert Einstein...
  • Giữa con người và con vật khác nhau ở điểm nào?

    21/07/2005Từ thời Darwin, quan điểm ngược lại đã trở nên phổ biến, không chỉ giữa các nhà khoa học, mà cả trong các tầng lớp học thức nói chung. Học thuyết của Darwin về nguồn gốc con người cho rằng con người và loài vượn người đã thừa hưởng từ một dạng tổ tiên chung; và cùng với quan điểm về nguồn gốc tiến hóa của con người này là quan điểm cho rằng con người và những loài động vật có vú cao cấp chỉ khác nhau về mức độ. ...
  • xem toàn bộ