Con người là kết quả của một thoái hoá?

10:51 SA @ Thứ Bảy - 29 Tháng Tám, 2009

Phải chăng con người đúng là đỉnh điểm của một tiến hoá? Và đúng có tiến hoá thật? Hay thật ra chỉ có ngẫu biến thôi, hoặc tệ hơn nữa, thoái hoá? Chúng ta hãy lắng nghe một số ý kiến và xem xét một số khám phá khoa học hôm nay:

Với "Chọn lọc tự nhiên", chỉ có Ngẫu biến

Đây là ý kiến của một số nhà khoa học cuối thế kỷ XX, trong đó có Stephen Jay Gould (Xem xét. Science et Vie, Sept. 1997, tr. 73-77).

Đối với họ, với mặc cảm tự tôn và thành kiến do đó, loài người tự dựng lên thuyết tiến hoá, và ngạo nghễ đặt mình trên chóp đỉnh của cái thang tưởng tượng này. Người ta đã lẫn lý thuyết Biến hoá của Darwin với Tiến hoá. Vì vậy nếu quả biến đổi là do "Chọn lọc tự nhiên": vật tồn tại được là vật thích ứng tốt với môi trường, thì với môi trường ngẫu có, sự thích ứng cũng chỉ thành ngẫu hoá thôi. Nghĩa là các biến đổi nối đuôi nhau không định hướng. Để rồi những biến đổi không định hướng ấy, một lúc nào đó ngẫu dẫn tới sự xuất hiện của con người, và tất cả chỉ có thể. Chẳng có ai nhắm trước khi mà chẳng có gì được nhắm trước trong cái chuỗi dài của sự ngẫu nhiên này. Vâng, tất cả chỉ là May bên cạnh Không may!

Thật ra, ứng phó tốt với môi trường, thì không sinh vật nào ứng phó tốt bằng vi khuẩn cả. Vi khuẩn có thể tồn tại ở những môi trường khắc nhiệt nhất, với nhiệt độ dưới mức trần (Plafond), và cả dưới lòng đất không ánh sáng. Thế mà đây là loại sinh vật đơn giản vào bậc nhất, đơn giản ngay cả hôm nay sau hàng tỷ năm biến đổi, ngược lại với quan điểm cho rằng biến đổi cũng là tiến hoá và hoàn thiện hoá đi đôi với phức tạp hoá. Vâng, kể từ khi sự sống xuất hiện cách đây hàng tỷ năm, rất ít sinh vật ở vào một ngưỡng (Seuil) phức tạp cao, mà hầu hết mãi chen nhau quanh một ngưỡng tạp tối thiểu. Vậy, nếu nhìn sinh vật ở tổng thể, ta chỉ thấy chúng (vâng, hầu hết, và đây là các vi khuẩn virus...) chẳng phức tạp hoá và tiến hóa chi đáng kể. Thêm vào đấy, chính các loài tối đơn giản (mà hầu hết là thế), vì đơn giản hết mức rồi, chúng chỉ có thể phức tạp hoá và tiến hoá thôi, trong lúc mà những loài khá phức tạp thì lại trên đà của cả tiến lẫn thoái. Những loài ký sinh như con sán (tenia) chẳng đúng là đã trải qua một quá trình thái hoá rất rõ.

Vả lại, đã đặt vấn đề Tiến hay Thoái, thì phải định ra tiêu chuẩn và chọn lãnh vực mới xét được. Mà lãnh vực, thì hình thái học, chức năng, hay phát triển cá thể tính đây?

Nếu cơ thể (organism) mà xét, thì cơ thể nào mà chẳng có những cơ quan phát triển quá mức bên trong những cơ quan tiêu chột thảm hại. Con người chẳng hạn, tuy có cái đầu to tướng đấy, mà răng và móng vuốt (móng tay) lại yếu xì so với con chó, con mèo.

Có lẽ hợp thời hơn hôm nay, phải lấy bộ gen mà so sánh. Rõ ràng là bộ gen ấy đã sống sót qua các "Chọn lọc tự nhiên", đến như thanh lọc khủng khiếp, khiến nó cứ dài ra mãi. Nhưng nếu nhìn biến hoá qua góc độ di truyền như thế, hẳn ta phải hú vía khi nhận ra rằng, chỉ cần một xê xích nhỏ, rất ngẫu nhiên, ở một trong những giai đoạn hình thành cái trình tự (secquence) AND nó đã sinh ra giống người, là có thể vĩnh viễn đi đời cái con người "linh ư vạn vật" ấy!.

Chính từ phi biệt định mới có con người.

Biến hoá trong khoáng giới xem ra đáng mặt tiến hoá nhất. Chứ sang đến sinh giới, thì biến hoá giầu tính ngẫu hứng hơn. Nếu tương quan trong khoáng giới được quy định dễ dàng trong hệ thống và quy luật, với quy luật có thể được biểu diễn bằng những công thức toán, thì sự sống lại trình bày một bộ mặt phóng khoáng và linh hoạt khác hẳn, khi mà mỗi sinh vật quy kết vào mình mọi chức năng và hoạt động tiến trình cá thể hoá, khiến nó có khả năng tự sống và trao đổi trong tiến trình bảo vệ mình và giống nòi của mình. Vâng, không như khoáng vật bị tổ chức từ ngoài mình, và cũng chỉ phản ứng do tác động từ bên ngoài luôn, thì sinh vật trái lại, tự tổ chức và tự sống cho mình và vì giống nòi của mình.

Con người càng là một với mình hơn nữa khi nó có khản năng hành động tự do, nhờ đó tự định đoạt lấy mình. Không phải nó chỉ định đoạt hành vi và cách sống của nó, mà còn tự lập trình cho cách sống người và hiện hữu người ấy.

Quả thật, lối hiện hữu người khác hẳn cách hiện hữu thú. Hiện hữu của thú được quyết định trước bởi bản năng, nghĩa là bởi lập di truyền giống loài hoàn toàn, nhưng cũng nhờ thế mà trao đổi của nó với môi trường thành ổn định. Trái lại, hiện hữu đích thực con người vuột ra khỏi chu trình Lặp lại (repetiton) đơn điệu nói trên, để ngỏ cửa 180o cho vô hạn những khả thể ở tương lai phía trước. Cũng là ngỏ cửa cho cả những dự án lẫn đe dọa bất ngờ, và sự bấp bênh ấy là số phận, cái mà số phận nó đi đôi với phẩm giá. Để rồi chứng minh sự mò mẫn tự mình để giải quyết các vấn đề của mình ấy sẽ lập trình dần cho hiện hữu người của nó. Loài người vì thế biến hoá mãi mãi, vô cùng tận, biến hoá không phải để không còn là người, mà để luồn còn là người. Vâng, con người không thuần nhất là kết quả của biệt định do thiên nhiên, cũng không thuần là mục đích và đỉnh của tiến hoá thiên nhiên: con người mà còn là tác giả của chính mình, bên cạnh những gì nó đón nhận từ thiên nhiên ấy.

Quả thật, không như J. Giữa Robinet chủ trương, rằng con người là đỉnh tiến hoá của thiên nhiên, E. Kant (đồng thời với ông) đã trả về cho con người cái triều thiên mà Robinet đặt lầm trên đầu của thiên nhiên ấy. Vâng theo Kant, cái cao qúy của con người không do biệt định bởi thiên nhiên, mà giả định:

- "Sự giải phóng (ấy) gỡ con người ra khỏi lòng mẹ thiên nhiên, và đây là niềm kiêu hãnh nó đi đôi với cơ nguy. Bởi lẽ thiên nhiên đã đẩy con người ra khỏi cuộc sống thơ ngây bình hoà của một đứa trẻ, như thể ra khỏi khu vườn ở đó nó gặp thấy trong vô tư những gì giúp nó tồn tại dễ dàng, để rơi vào một thế giới mênh mông với biết bao ưu tư, lao khổ và tai ương không lường trước đón chờ nó"1

Quả thật, bước tiến từ con thú sang con người không thể hiểu trong ngôn ngữ từ của Liên tục cho bằng của Cắt đứt (rupture), nghĩa là Trần trụi nguyên thủy (manque originaire). Đúng như Nietzche nói:

- "Ở chính là sinh vật dang dở, mà con người mang lấy trong mình cái khả thể làm người".

Để thấy rõ hơn chân lý, có thể xem xét hai yếu tố người ta quen đánh giá là vật báu chúng đặc điểm hoá con người: cấu trúc đặc biệt não bộ và ngôn ngữ.

Những thoái lui cần thiết cho phát sinh hình thái não người.

Xưa kia, để giải thích cho khả năng tư tưởng, người ta nhấn vào tầm vóc não bộ: Não đã lớn dần lên, từ cá đến người, nhất là ở phía trán. Có điều, não người phát hiện chủ yếu ở những vùng thần kinh, mà rất nhiều ở vùng như thế, ở đó các chức năng để ngỏ, nghĩa là "để giấy trắng", không biệt định gì trước. Như thế để chính hoạt động sau đó sẽ tạo hình, nghĩa là vẽ nên đường nét và xác định hướng đi. Và như thế để cái sản nghiệp hình thái (morphologic) não không phải là quà tặng của thiên nhiên cho bằng sản phẩm của cha ông ta.

Quả đúng là những vùng bỏ ngỏ về chức năng ấy đã phát triển và góp phần chính yếu vào sự nở lớn khối não hôm nay. Còn phần không phát triển là phần thiên nhiên lập trình sẵn cho các chức năng nhất định, với thần kinh kết nối cùng chặt chẽ với con thú, vùng dành cho các chức năng thực vật, chức năng cơ động và tiếp nhận cảm giác...

Nói cách khác, không phải mạng lưới thần kinh do tiến hoá sự sống làm thành đã cho phép ký hiệu tư tưởng chạy trên, mà chính các ký hiệu tư tưởng chạy trên đã dệt nên mạng lưới thần kinh ấy, đồng thời sẽ xác định và ổn định trên đó chức năng của từng vùng. Đúng như J.P. Changeux nói:

- "Tổng thể di truyền cung cấp một mạng lưới với đường nét lờ mờ, mà hoạt động sau đó sẽ vạch rõ những góc cạnh."2

Ngày nay, tuy hình thái và chức năng một mạng lưới với đường nét đã rõ mà vẫn còn mờ đủ, để cho phép những khám phá và hướng đi mới, qua các thế hệ. Cái khả năng học tập đến vô tận khiến con người là loài trưởng thành rất chậm, và ngày càng chậm thêm (trước kia ở tuổi 15, rồi 18, 21, và bây giờ là 25...)

Và như thế, ở bộ não con người, có một sự dung hợp và bổ sung cho nhau giữa một bên là các yếu tố thiên nhiên của biệt định di truyền, bên kia là các yếu tố hậu thiên của thủ đắc từ mọi thứ ứng phó và sống nghiệm. Những ứng phó, học tập và thử nghiệm ấy sẽ tạo sinh và củng cố cho những nối buộc thần kinh mới, thời biến đổi các alen di truyền, khiến cho lập trình ngày càng đa dạng và tinh tế thêm, trong đó kỳ diệu nhất có lẽ là ngôn ngữ.

Từ kẽ hở tự nhiên mà ngôn ngữ khai sinh

Xem ra nằm sâu dưới khả năng ngôn ngữ, có một cấu trúc hướng về giao lưu và truyền thông, từ đó làm vọt lên những cố gắng về mã hóa ký hiệu trong ngôn ngữ, khiến chức năng ngôn ngữ chỉ hiện động được giữa một môi trường người. Vâng, ngôn ngữ là một chức năng, chứ không phải một cơ quan. Cơ quan trong ngôn ngữ, chỉ có những cơ quan hữu ích cho việc phát âm, âm chứ chưa phải là lời, đó là phổi, thanh quản, vòm miệng, lưỡi, mũi. Còn bộ não, kể cả bán não trái, cũng chỉ là điểm tựa cho chức năng ngôn ngữ thôi. Chính sự truyền thông, được điều khiển từ những nguyên lý tổ chức ngôn ngữ, đã biệt định (tức cài chương trình) trên bộ não, khiến đứa trẻ sinh ra có thể học nói ngay và học giữa môi trường người. Vâng, chính ngôn ngữ nó tạo sinh chính mình trên hệ thần kinh của chúng ta.

Như thế khác với các chức năng khác như chức năng thực vật đã được di truyền cài sẵn một cách nhất định, không thay đổi, ngôn ngữ giả thiết một phi biệt định về chức năng, ngỏ cửa cho những biệt định hay chương trình sẽ được cài. Và như thế có một liên hệ vòng tròn giữa một bên là phần não bỏ ngỏ về chức năng, bên kia là hoạt động nó biệt định chức năng, đồng thời hình thái hóa phần não ấy. Hình thái hóa bằng cách tạo ra hay làm mất đi những kết nối (synapse, có từ 1000 đến 100.000 kết nối cho mỗi nơ-ron). Hình thái hóa nữa, có lẽ bằng tạo ra hay diệt đi những allen cho mỗi gen đồng thời biến đổi cách thể hiện (nổi hay chìm...) của chúng.

Phải chăng sự ngỏ cửa về chức năng của phần não nói trên nhất định sẽ dẫn đến sự phát minh ngôn ngữ? Hay ngôn ngữ chỉa là phát minh tình cờ do thúc bách của truyền thông và của hoàn thiện truyền thông? Chỉ biết rằng, để tư tưởng và tiến hoá lớn như ngày nay, con người không thể thiếu ngôn ngữ, kể cả nói lẫn viết. Mà ngôn ngữ, thì không dân tộc nào là không có, khiến có ngôn ngữ hình như đi đôi với con người, là yếu tố không thể thiếu để chúng ta sống cho ra người.

Có điều nó do con người tạo nên bằng kinh nghiệm và lao tác phối hợp của cả một dân tộc xuyên qua nhiều thế hệ, để rồi với đứa bé học nói, nó phải dựa vào thông tin giao lưu, vào giáo dục trên cơ sở của một di sản và hệ thống văn hóa. Di sản ấy, từ cha ông nhiều giờ để lại, nó kết đọng trong truyền thống bên ngoài và di truyền bên trong, giúp cho đứa bé giữa môi trường đó học tiếng mẹ đẻ rất nhanh, như một tiềm năng bẩm sinh vậy. Sự tiến hoá của ngôn ngữ giữa giống người là vô tận, cũng vô tận như sự tiến hoá của loài người dựa vào ngôn ngữ. Mà sự tiến hoá này diễn ra đồng thời trên cả hai mặt chủng loại (philogeny) và cá thể (ontogeny).

Kỹ tác nói chung với tự nhiên.

Ngôn ngữ không phải là tạo sinh của thiên nhiên, mà kỹ tác (artefact) của con người. Kỹ tác cơ bản vào bậc nhất, nhưng không phải duy nhất. Vậy kỹ tác là gì và chúng đóng vai trò gì trong hiện hữu của chúng ta?

Như chúng ta thấy, con thú sinh ra từ thiên nhiên, nên ngụp lặn thong dong giữa thiên nhiên được tự nhiên nơi nó (tức bản năng) hướng dẫn và chỉ huy, mà tự nhiên này lại là thành phần của thiên nhiên ấy. Chứ con người thì không ưu đãi như vậy. Nếu con dê sinh ra biết đi và gặm lá, con ong sinh ra mấy ngày đã biết bay, gom phấn hoá về làm tổ... thì để hội nhập vào môi trường, con người cần có thời gian, phải học tập nhiều và học tập với đồng loại. Mau lắm cũng phải "ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò", rồi chập chững học đi, bập bẹ học nói, mà đấy mới chỉ là khai vị cho cuộc sống thôi. Còn phải luyện sự suy tư đi đôi với trau dồi kiến thức, tập giao tiếp và đối xử từ trong gia đình ra ngoài xã hội... Vì lắm thứ để chuẩn bị làm người và vào đời như thế, nên con người trưởng thành rất chậm, tới cả chục năm, chứ không như con vật chỉ mấy ngày hay dăm bảy tháng.

Đây mới chỉ là cá thể người, nói chi đến giống người. Để trưởng thành như giống người, tiên tổ chúng ta đã trải qua gần triệu năm mò mẫm, để chỉ cách đây mấy chục ngàn (hay trăm ngàn) năm nó mới bắt đầu biết chế tác công cụ, biết nguệch ngoạc trên vách hang thành mấy hình thú để yểm. Còn biết trồng trọt, chăn nuôi, và đúc đồng làm khí giới, v.v.. thì chỉ mới đây, mấy ngàn năm nay thôi.

Số là vì, giữa con người và thiên nhiên có một khoảng cách, và khoảng cách ấy ngày càng lớn thêm với những kỹ tác phát minh giúp chúng ta sống xứng như những con người. Vâng, chính nhờ khoảng cách ấy mới có những khe hở (của tự nhiên nơi thân xác chúng ta) trong biệt định chức năng, để rồi bằng mõ mẫm và hoạt động, chúng ta lập trình cho cơ thể, cũng là biệt định cho lối sống của chúng ta, cho lối sống ấy ngày càng nhân văn thêm mãi mãi.

Kỹ tác giúp chúng ta giữ một khoảng cách với thiên nhiên, kỹ tác ấy bắt đầu với chế tác công cụ, với sự thuần hoá cây cỏ trong canh nông và thuần hoá thú vật trong chăn nuôi. Từ nguyên liệu là thiên nhiên, chúng ta đang chế biến thiên nhiên vì một cuộc sống tốt đẹp hơn của chính mình.

Công cụ bắt đầu với vật cầm tay, để thay thế cho tay mà năm bắt, đánh đập xa hơn, và khéo hơn, mạnh hơn, công cụ thủ công ấy rồi sẽ được thay thế bởi bán tự động bằng then máy (mecanism), toàn tự động bằng máy nổ và siêu tự động với hướng dẫn từ xa (teleguide), điều khiển từ xa (tele-command) và điều khiển gián tiếp bằng những chương trình cài đặt trước.
Kỹ tác với cuộc sống người rồi sẽ phát triển thành những hệ thống và guồng máy, như hệ thống viễn thông, bộ máy truyền hình cáp. Thậm chí còn làm nên những thế giới, như thế giới điện ảnh trong đó con người trong ngành tương tác với máy và sống với nhau bằng luật sống riêng, ngôn ngữ riêng.

Không những kỹ tác làm thành các tổ chức trên, chúng còn bao trùm loài người dưới bóng, tác động vào tâm tư và cuộc sống của họ, khiến sống hiện nay với họ không thể thiếu thực phẩm chế biến và nước uống tinh chế; không thể thiếu nhà bêtông cao tầng cùng với máy tính và internet. Vâng, đời sống tràn ngập bởi những kỹ tác và nhu cầu kỹ tác, khiến con người như thở hít chúng và bị chúng đeo cứng lấy. Vâng, người ta bắt gặp chúng mọi nơi, trong ngôn ngữ, ước mơ và ham muốn, trong hành động và suy tư của mình. Và như thế, kỹ tác vừa người-hoá chúng ta khi đưa chúng ta vượt lên trên thiên nhiên, vừa phi người-hoá chúng ta khi đưa máy móc vào thế chỗ thiên nhiên trên bàn thờ tâm hồn.

Theo Auguste Comte, nhờ khoa học mà nhân loại (Humanité) đang thế chỗ quỷ thần của hiện tượng thiên nhiên trong một thứ Tôn giáo mới. Thế mà giờ đây, lại chính là Kỹ thuật và Kỹ nghệ cùng với hưởng thụ vô giới hạn mà nó cung cấp đang thống trị loài người và tha-hoá chúng ta. Và cùng thống trị với nó là tinh thần Xảo. Ngày xưa, điểm quy chiếu cho cách nhìn đời là Thiên nhiên và Tự nhiên. Ngay cả Lễ và Nhạc, Đức khổng cũng quy chúng về lẽ vận hành của trời đất: lễ thì phân ra theo trời đất để có hoà an (Nhạc giả thiên địa hoà dã, Lễ giả thiên địa chỉa tự dã; Nhạc giả vi đồng, Lẽ giả ư dị, Lễ ký). Và để càng hợp hơn với cách làm của Trái đất, Lão tử đề nghị một Hoá dân (cải hoá dân chúng) bằng Vô vi (Đạo thường vô vi) giúp dân sống sao cho Thuần phác, Tự nhiên, tránh xa những gì là Xảo (Tuyệt xảo: đạo đức kinh XIX).

Quả như hiền nhân xưa quen nghĩ, những gì do chế biến mà thành thiếu cái khí tự nhiên, khiến sống nhiều với kỹ tác thì lòng bớt đi sự thuần phác và tương giao thiếu chân tình. Chả có thế mà xử Xoả vừa có nghĩa là Khéo là trong Xảo công, Xảo thủ, vừa có nghĩa là Giả dối trong Xảo hoạt, Xảo ngôn.

May mà ngày nay, sau khi đã sản xuất tràn lan, người ta chợt khám phá thấy năng lượng đang thiếu dần cho sự tăng tốc sản xuất, và sự tăng tốc sản xuất đi đôi với tiêu thụ đang làm ô nhiễm bầu khí, đất đai và dòng nước, trong khi tầng áo giáp ô-dôn bị thủng khiến ta đang tiêu diệt chính mình.

Thêm vào đấy, nhờ sự phát triển kỹ tác khiến khoa học khám phá được chiều rộng của không gian, bề sâu của vật chất và sự sống, mà cái cảm giác yên ổn của thời trung cổ và cận đại đã mất dần chúng ta. Vâng, Trái Đất của chúng ta không là một trung tâm lớn và vững chắc của vũ trụ nữa. Nó chỉ là cục đá nhỏ trong thái dương hệ, cũng như thái dương hệ này là nắm đá nhỏ trên lề của dài Ngân hà, và thiên hà trên rìa của một thế giới rộng tới hai chục tỷ năm ánh sáng. Sự sống, có lẽ chỉ xuất hiện ở trái đất nhỏ bé của chúng ta nhờ các điều kiện vật lý hãn hữu riêng của nó, sự sống ấy cũng "mành treo sợi tóc" trên những điều kiện vật lý rất mong manh, khiến chỉ cần một "hắt hơi" của thái dương, một "nhảy mũi" của mấy hạt cơ bản nhỏ xíu, là nó có thể tan như khói mây.

Những phát hiện trên khiến con người hôm nay trở lại với lòng tôn quý sự sống và thiên nhiên, lòng tôn quý đã có từ xa xưa nơi cổ nhân Phương Đông khi họ cấm làm hại sinh vật với quy luật Ahimsâ bên Ấn, với quan niệm "Thiên địa chi đại đức viết Sinh" bên Trung Hoa, với việc làm nhà dưới bóng cây và dựa vào phong thuỷ.

Nói thế không phải là chê bai kỹ tác, mà muốn đặt kỹ tác vào đúng vị trí của nó là bộc lộ chiều cao của con người, chứ không phải đặt con người dưới bóng nó. Để được như thế, không thể ta không giữ một khoảng cách với máy móc và gần lại với Tự nhiên và Thiên nhiên. Để giữ một khoảng cách với công cụ thì phải từng lúc bất cần chúng, cũng là bất cần đến một số tiện nghi. Còn gần gũi hơn với thiên nhiên thì phải năng rời thành phố đến nghỉ ngơi ở đồng quê, ven biển, núi rừng.

Một trong những cách gần lại với thiên nhiên, đó là chiêm ngưỡng nghệ thuật. Nếu kỹ thuật cho một cái nhìn thực dụng hay logíc về thế giới và cuộc sống, thì nghệ thuật lại dựa trên trực cảm và hướng về tự nhiên, đưa con người gần lại với thiên nhiên. Đặc biệt khi đây là nghệ thuật Đông Á. Như J. Maritain nghĩ, nói đến Đẹp là nói đến "sự thâm nhập vào nhau giữa thiên nhiên với con người". "Một cách huyền nhiệm". Như "phép màu" ấy!3


1Xx. Etudes d'anthropologie phil., tr.11

2Sđd., tr.13.

3L'intuition créatrice l'art et dans la poésie, DDB, 1966, tr.3.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vượn biến thành người như thế nào?

    19/05/2015TS. Đỗ Kiên CườngChúng ta đều biết theo thuyết tiến hóa thì tổ tiên loài người là các chú vượn châu Phi. Tuy nhiên rất ít người biết cụ thể quá trình kì lạ đó, dù chỉ trên những nét khái quát. Hy vọng bài viết dưới đây có thể khắc phục một phần thực tế đó...
  • Con người, kết quả của một tiến hóa

    18/08/2009Hoành SơnCon người không chỉ là động vật giữa muôn ngàn động vật khác. Bởi vì những động vật khác chỉ cần sống như con vật mà thôi, chứ con người thì còn phải sống sao cho ra người nữa. Mà để sống cho ra người thì phải có văn hóa. Để có văn hóa, nhờ đó sống cho ra người, người ta lại phải sống thành xã hội, bởi lẽ chỉ có văn hóa và phát triển văn hóa giữa lòng một xã hội. Vậy văn hóa là gì, xã hội là gì, và hai đằng liên quan với nhau ra sao? Để đi sâu vào những vấn đề ấy, không thể không chất vấn chính con người, con người trong bản chất của nó, cả về mặt cá nhân lẫn tập thể.
  • Giả thiết về nguồn gốc loài người đang lung lay

    25/07/2009Tuấn Hà (Theo AP. org)Cho đến nay, người ta vẫn cho rằng tổ tiên của loài người tiến hoá từ loài vượn ở châu Phi, nhưng từ những hoá thạch khai quật ở Myanmar, nhà nhân chủng học Chris Beard lại cho rằng quá trình này xảy ra tại Châu Á.
  • Nguồn gốc của loài người theo cái nhìn của Phật giáo

    05/05/2009Trưởng lão Thích Thông LạcLuật nhân quả đã xác định mọi tiêu chuẩn của mọi loài chúng sanh, nếu chúng sanh sống và tạo những tiêu chuẩn đó thì sẽ sanh làm loài vật đó, chứ không phải tiêu chuẩn đó mà làm loài vật khác được, có nghĩa là loài động vật đó sống thiện ở cấp độ thiện đó sẽ sanh làm loài chúng sanh đó, còn ngược lại sống ác ở cấp độ ác đó thì sẽ sanh làm loại chúng sanh đó. Luật nhân quả rất công bằng và công lý nên tiêu chuẩn thiện ác của nó rõ ràng, không thể sai khác được. Với trí tuệ vô hạn của đức Phật, Ngài đã thấu suốt luật nhân quả. Do đó Ngài dạy cho chúng ta cách thức sống năm tiêu chuẩn thiện để còn tiếp tục làm thân người thiện và chỉ có thân người thiện mới đủ trí tuệ thông minh rèn luyện tu tập chấm dứt khổ đau và luân hồi.
  • Một số vấn đề về nguồn gốc loài người dưới ánh sáng của khoa học hiện đại

    08/04/2009TS. Hồ Bá ThâmKhi đọc được cuốn sách "Nguồn gốc loài người" của G.N Machusin do nhà xuất bản Mia ấn hành bằng tiếng Việt 1986, tôi thấy rằng, trong nhận thức của chúng ta về chủ đề này đang có chỗ rất lạc hậu và tác phẩm của Machusin thật sự mang lại một tri thức mới (Tất nhiên, xung quanh vấn đề nguồn gốc loài người vẫn đang có những khuynh hướng tìm kiếm, phát hiện, nhận thức còn khác nhau)...
  • Cái nôi loài người nằm ở đâu?

    04/04/2009Đỗ Kiên CườngSau khi tạp chí Thế Giới Mới số 822, ngày 23-2-2009 đăng tải bài viết “Cái nôi loài người” trong chuyên mục Những bí ẩn của lịch sử, nhằm rộng đường dư luận, chungta.com đã phỏng vấn Đại tá Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường, Viện Khoa học Công nghệ Quân sự, Bộ Quốc phòng, về một số vấn đề liên quan. Xin giới thiệu bài phỏng vấn...
  • Trong vòng tay Sambala

    13/01/2009Hoàng GiangErnst Muldashev đã tổ chức bốn chuyến khảo sát khoa học Himalaya và Tây Tạng rất hữu ích đối với việc tìm hiểu phẫu thuật tái sinh. Ngoài ra trong những chuyến đi thám hiểm đó còn có những khám phá mang tính lịch sử và triết lý. Sau chuyến đi khảo sát thành công Himalaya Erơnơ Munđasep đã cho ra đời các cuốn sách...
  • Di truyền học và cuộc tranh luận về nguồn gốc loài người

    07/09/2008Đỗ Kiên CườngNgười hiện đại về giải phẫu xuất hiện đầu tiên ở đâu và khi nào? Bằng chứng hóa thạch và kỹ thuật di truyền cho thấy, họ có nguồn gốc Đông Phi khoảng 200 ngàn năm trước; và các cuộc di cư chiếm lĩnh hành tinh chỉ bắt đầu từ 60 ngàn năm trước. Tuy nhiên hiện chưa rõ chuyện gì đã xảy ra khi họ gặp những người có trước, như người Neanderthal hay người đứng thẳng. Người hiện đại thay thế hoàn toàn những người đó hay có sự hòa huyết ít nhiều giữa họ với nhau?
  • Nhân loại qua các chặng đường phát triển

    06/01/2007Phạm Thanh ĐứcCuốn sách trình bày khá phong phú những vấn đề về nguồn gốc con người và nguồn gốc loài người, nguồn gốc trái đất và nguồn gốc sự sống...lý giải những bí ẩn về đến di truyền, những bí mật về tinh thần, trí tuệ và tâm linh, những vẩn đề chưa giải thích được về sức khoẻ, về sự sống và cái chết...
  • Mun-Đa-Sép, chiếc cầu nối giữa khoa học và huyền học

    12/10/2005Trần Trung PhượngTừ trước tới nay, trong quan niệm của nhiều người, khoa học và huyền học (Mystique hoặc Mysticisme) là hai lĩnh vực hoàn toàn riêng biệt thậm chí đối lập lẫn nhau. Một bên thuộc lĩnh vực lý trí đòi hỏi phải có sự phân tích chứng minh và dựa trên một nền tảng thực nghiệm vững chắc và một bên lại đề cao thứ cảm thức có tính chất trực giác, bí nhiệm về một loại đối tượng không hoặc khó có thể xác định bằng bất cứ một phạm trù khoa học nào. Thậm chí, từ một quan điểm thuần lý và cực đoan, có ý kiến cho rằng huyền học là một biến tướng của chủ nghĩa duy tâm ngu dân, một loại tàn dư của mê tín dị đoan từ thời xa xưa...
  • Bức thông điệp bi thảm của cổ nhân

    12/10/2005Bức thông điệp bi thảm của cổ nhân thể hiện ở độ cao của núi thiêng Cailat (6666 mét) mang ý nghĩa toàn cầu, nó nhắc nhở ta về những quy luật của hành tinh chúng ta. Nhưng tại sao các quy luật đó lại liên can tới những con số 6666 dữ tợn? Bởi Trái đất vốn hiền hòa và hành tinh chúng ta vốn xanh tươi cơ mà!
  • xem toàn bộ