Địa thiên thái

02:58 CH @ Thứ Hai - 01 Tháng Sáu, 2009

Bức tranh cổ minh họa một vị quan đang bắc thang lên vầng quế nguyệt là ý nói sự thăng tiến trong quan trường; thi cử; một con hươu ngậm tấm thiếp báo tin vui hoặc có lộc tài mang đến, một cậu bé đang ngồi trên mây là vị thế vinh hiển sáng ngời và khá bất ngờ, nhưng từ tầm cao ấy mà càng cần phải chú ý củng cố chăm lo nền tảng gốc thực sự vững chắc dưới mặt đất. Trời bao giờ cũng hướng lên trên còn đất bao giờ cũng hướng xuống dưới, đó là biểu thị sự thống nhất tồn tại của sự vật đối lập và sự vững chắc của luận thuyết dịch lý.

Trong quan hệ xã hội, đây cũng là hình thái vị trí cha con, chồng vợ, kẻ mạnh, kẻ yếu, cấp trên cấp dưới, bạn bè đồng nghiệp mà nếu có biện pháp điều hòa hợp lý đúng vị trí và vai trò, không có sự xáo trộn thì muôn sự đều thuận lợi. Thái cũng là một quẻ dịch chỉ sự khoan hòa, vững chắc dễ liên tưởng tới những công trình kiến trúc bề thế, chắc chắn trong bối cảnh yên bình và phồn vinh. Thái còn có nghĩa là hanh thông, một trạng thái được thỏa mãn nên mang triệu hỷ báo tam nguyên (tin vui báo đỗ giải nguyên). Theo Thuyết văn, Thái là cực lớn, bền vững nên tạo ra yên ổn thái bình và muốn thế thì ai chịu trách nhiệm việc người nấy, anh hùng phải có đất dụng võ thì mới phát huy được năng lực tuyệt đối của bản thân. Sách phong thủy cổ có chép: Đất thánh hiền nhiều đất ít đá, thanh tú tao nhã; Đất tiên phật nhiều đá ít đất, cổ quái, xa xăm. Đó là bởi thánh hiền là người nhập thế, coi thanh tú là cái đẹp, thường sống ở nơi có nhiều cây xanh. Tiên phật là bậc xuất thế, thích ẩn cư nơi núi cao rừng thẳm. Từ đó rút ra kinh nghiệm người và vật cùng loại thường tụ tập ở gần nhau.

Chuyện cũ kể, có lần vua Tề Tuyên Vương ngạc nhiên hỏi Thuần Vu Khôn, người trong một ngày tiến cử với vua bảy vị hiền sĩ rằng: “Cả trăm đời mới tìm được một thánh nhân, nay thánh nhân ở đâu ra nhiều vậy?”. Thuần Vu Khôn nói: “Muông thú cùng loài thường quần tụ một vùng. Nay bệ hạ hỏi thần về hiền sĩ có khác gì ra sông lấy nước, dùng bùi nhùi đánh lửa. Thần liên tiếp tiến cử bảy hiền sĩ với Đại vương là còn ít đấy”. Như vậy có thể thấy việc tìm ra dòng sông để biết được liệu nước sông có sử dụng được quan trọng hơn nhiều việc ra sông gánh nước. Màu sắc của quẻ Thái là trắng đen khá nền nếp, nho nhã tạo ra một trật tự trong yên bình và phổ biến khắp nơi. Dựa trên hệ quả: Không có gì bằng mãi mà không nghiêng, đi mãi mà không trở lại,ta có thể rút ra kết luận về những điểm cần chú ý sau khi đã gặt hái thành công như sau:

1. Tuy ta đã giành thắng lợi bước đầu trong cuộc đời hoặc sự nghiệp nhưng không thể say sưa ngủ quên trong chiến thắng mà cần phải đoàn kết các lực lượng, củng cố lòng tin để bảo vệ an toàn thắng lợi đã giành được, thường đằng sau những thành công cũng như mặt sau của tấm huy chương không chắc bao gồm những điều tốt đẹp và sự yên ổn vì vào lúc đó, con người ta hay nảy sinh tư tưởng xả hơi, hưởng thụ cho bõ những ngày gian khó thì chính lúc đó tai họa xảy đến. Các triều đại phong kiến trong lịch sử Trung Hoa hay Việt Nam và bất kỳ nước nào trên thế giới thường sa vào vết xe đổ ấy và cùng chung số phận, tuy diễn biến chi tiết khá đa dạng như: Sau thiến thắng vẻ vang là mở tiệc ăn mừng vài ngày, ban thưởng chia đất, phong tước phong hầu, xây dựng cung điện mới, miếu thờ, lăng tẩm và ăn chơi hưởng lạc liên miên, cuối cùng thì dân quá khổ sinh ra cướp bóc, bạo loạn khởi nghĩa rồi triều đại vinh quang đến đâu cũng suy tàn, sụp đổ. Từ sự kiện lớn trong lần sử mà so với những việc nhỏ hơn trong cuộc sống cũng chẳng khác nhau là mấy, vậy nên ghi nhớ rằng: Mỗi một thành công là kết thúc một trang sử để mở ra một trang mới trong cuốn sử dày hàng trăm trang vì thế một trang sách chưa bao giờ là cả một cuốn sách!

2. Sau khi đã có vị thế hoặc thành tựu nhất định, vẫn phải giữ vững sự quyết đoán, xử sự đàng hoàng bao dung, rộng lượng để thúc đẩy sự nghiệp tiến tới và cách thể hiện tốt nhất là vừa trung thành với mục tiêu đã định, vừa phối hợp nhu cương. Người đứng đầu phải biết học hỏi kiến thức mới, đoàn kết với cấp dưới, giữ hòa khí, có nguyên tắc, không vị tình riêng. Sách Dịch kinh tập chú viết: “Quân thần đồng đức, thiên hạ thái bình, hiền nhân quân tử xuất hiện vào lúc quốc gia cần người. Phải có dũng khí của kẻ vượt sóng, quyết chí làm nhiệm việc cần làm, không thể vì cái trước mắt mà quên cái lâu dài. Nếu kết bạn được với người có chí gần gũi với mình, không thiên vị bè đảng thì hợp đạo trung, cùng nhau đạt tới sự an thái, trên dưới kết giao, ý chí tương đồng, hoàn toàn thành công trong sự nghiệp và cuộc sống”.

3. Theo nguyên tắc của biến dịch thì vật cùng tất phản, một khi đạt tới thái bình thịnh vượng cực thịnh sẽ bế tắc, sự nghiệp lên tới đỉnh cao sẽ lâm nguy, sự vật phát triển đến tột cùng sẽ bắt đầu suy thoái như trạng thái lên tới đỉnh núi, xoay sở cách nào cũng chỉ đi xuống. Vẫn thường nói: Ở đỉnh cao của thành công càng phải thấm nhuần nguyên lý cực tất phản để chuẩn bị khám phá mới, mở rộng hoạt động hoặc thay đổi phương pháp, tìm thêm mục tiêu mới thì sự nghiệp mới có thể có cơ hội tiến lên được. Trong lĩnh vực kinh doanh ngày nay có thể thấy rõ điều đó khi các tập đoàn mốt thời trang có tiếng lâu năm quay sang sản xuất thêm cả thuốc lá, nước hoa, nữ trang; các công ty tài chính chứng khoán lại đầu tư xây dựng, làm công viên giải trí. Ngay cả trong lĩnh vực văn hóa xã hội, các diễn viên điện ảnh nổi tiếng đều có xu hướng mở shop thời trang, áo cưới, thẩm mỹ viện; các người mẫu đắt giá trên sàn catwalk chuyển sang làm ca sỹ, còn ca sĩ kiêm M.C trong các show truyền hình. Phải chăng đó cũng là hiện thực của hệ quả hết phẳng rồi lại nghiêng?

4. Nhiều người khi đã có được chức danh, địa vị rồi vẫn tính toán, suy nghĩ sâu xa về sau chứ không ỷ vào ánh hào quang của chiến thắng để hớn hở vui sướng dài dài cho đến lúc thất bại. Trong Tam quốc, Tào Tháo vì quá chủ quan khinh địch mà đại bại trong trận Xích Bích; Lý Tự Thành chiếm được Bắc Kinh lật đổ vương triều Minh nhưng vội lóa mắt vơ vét của cải, hưởng lạc nên quên mất kẻ thù là quân Thanh vẫn còn đó nên bị tiêu diệt. Năm 1949, khi giải phóng Bắc Kinh, Mao Trạch Đông nhắc cho toàn quân nhớ lại bài học lịch sử này để làm gương. Năm 1954, trước khi quân ta vào tiếp quản Thủ đô Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã căn dặn các đơn vị bộ đội thực hiện đúng 10 điều ghi nhớ, tránh cạm bẫy vì: Ở thành thị tình hình phức tạp, có nhiều sự quyến rũ làm cho người ta mê muội, trụy lạc…

5. Khi sự nghiệp đang vẻ vang, thành đạt càng nên khiêm tốn chiêu hiền, đãi sĩ, tuyển dụng người tài, nhằm củng cố lực lượng để bảo toàn thành quả lâu dài, tránh kiêu căng tự mãn cậy thế có công. Chuyện Đông Chu kể: Sau khi họp mặt với vua Tần, nhờ công của Lạn Tương Như ép vua Tần ký hòa ước thắng lợi, vua Triệu phong tước thượng khanh cho Tương Như khiến cho tướng Liêm Pha ấm ức vì nghĩ rằng mình là đại tướng đã vào sinh ra tử nơi trận mạc lại không bằng một quan văn lẻo mép thì quá bất công. Từ đó, Liêm Pha tuyên bố tìm mọi cách làm nhục Tương Như cho bõ tức. Nhưng Tương Như luôn tránh gặp, mỗi khi ra đường thấy bóng Liêm Pha từ xa là ông bảo phu kiệu tránh đi đường khác. Việc này khiến nhiều bạn bè, môn khách của Tương Như cho rằng “ông nhát gan, quá sợ hãi”. Tương Như giải thích rằng; Tần vương mà ông còn không sợ thì sợ gì Liêm Pha, chẳng qua ông chịu nhún là vì nước Triệu, nếu hai người trụ cột đấu với nhau thì đại sự lâm nguy. Hiểu ra, Liêm Pha đã tự cởi áo, để trần đến tạ lỗi với Tương Như.

6. Khi sự suy thoái đã bộc lộ rõ ràng, sức người không thể cứu vãn được cũng không nên níu kéo, vì dù gì con người không chống được quy luật tự nhiên. Lúc rơi vào tình thế đó phải biết khai thác mặt có lợi nhất, giảm nhẹ tổn thất tới mức thấp nhất là thượng sách, còn chầy bửa làm liều sẽ thất bại hiển nhiên. Trong lịch sử, những cuộc cải cách cho dù tích cực, vào giai đoạn cuối các triều đại đang lụi tàn không bao giờ đạt kết quả. Điển hình là những cách tân, sáng tạo của cha con Hồ Quý Ly khi lấy ngôi vua Trần không thể lâu dài được, cuối cùng vẫn thất bại và mất nước vì quân Minh. Trên thương trường ngày nay cũng vậy, nếu sản phẩm nào đó tỏ ra lỗi thời thì cần điều chỉnh sản xuất thay đổi cách thức và kỹ thuật công nghệ để đáp ứng thị hiếu xã hội. Nếu cứ cố sản xuất thủ công rồi ỷ vào quảng cáo rầm rộ kiểu gì cũng vẫn phá sản, ấy là do nhu cầu xã hội thay đổi theo chu kỳ xoáy trôn ốc không thể cưỡng lại được.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nền tảng Nho giáo của tư tưởng xã hội hài hòa (trích đăng)

    20/03/2009Nguyễn Tài ĐôngTìm ra và khẳng định tư tưởng xã hội hài hòa có nền tảng lý luận từ kho tàng triết học truyền thống là đã tiếp sức sống cho tư tưởng này, vấn đề còn lại là, phát triển các kênh đối thoại đa dạng hơn nữa giữa truyền thống và hiện đại mà ở đặc biệt là giữa chủ nghĩa Mác và Nho giáo để tìm ra nhiều lời giải đáp hữu hiệu cho hiện thực xã hội hài hòa.
  • Kinh dịch

    23/02/2009Hoàng LinhKho tàng văn hoá phi vật thể phương Đông vốn nổi tiếng lịch sử với tư tưởng triết học, nhân sinh quan, đạo đức xã hội, trong đó Kinh Dịch trở thành bộ sách tủ của nhiều thế hệ nho học vì nó vô cùng thần bí, càng nghiên cứu càng thấy mênh mông.
  • Vài so sánh giữa triết học phương Đông và triết học phương Tây

    11/11/2006Bài này chia sẻ những điểm khác biệt về triết học, triết lý Đông - Tây, từ đó quyết định xem cân đối kiến thức sao cho hợp lý, hiệu quả cho cuộc sống...
  • Lý học và tượng số của Nho - Lão - Phật giáo

    23/08/2006Đ.H.LTừ khi ra đời và phát triển đến thế kỷ XI là thời điểm Nho giáo thịnh vượng nhất cùng với những tên tuổi lớn như: Âu Dương Tu, Thiệu Ung, Chu Hi...Đồng thời cho đến lúc này, Nho giáo được chia ra thành hai bộ phận: đạohọc và đứchọc, và trình độ triết học của Nho giáo đã được nâng lên cao ngang với Lão học và Phật học...
  • Bàn về Đạo - Lý - Tính

    31/05/2006Đ.H.LCũng như các trường phái triết học cổ điển khác của phương Tây, hễ có lập luận triết lý tất yếu phải có quan niệm về các nguyên lý và nguyên nhân của sự sinh hóa trong vũ trụ, nội dung triết học của Nho giáo cũng có xuất phát điểm lấy cái Lý làm gốc với quan niệm: Thiên địa vạn vật nhất thể...
  • Tư duy phương Đông nhìn dưới ánh sáng học thuyết Einstein

    07/11/2005Nguyễn Huệ ChiĐột phá khoa học của thế kỷ XX được đánh dấu bằng việc khám phá ra thuyết tương đối của nhà vật lý học Albert Einstein ngay vào những năm đầu thế kỷ đã làm chấn động dư luận thế giới, nhưng ý nghĩa lớn lao của nó, theo tôi nghĩ, lại chính là sự tác động dây chuyền và có tính chất lâu dài trong suốt cả một thế kỷ, làm lung lay một phương pháp tư tưởng đã hằn sâu thành nếp, chiếm địa vị độc tôn trong nghiên cứu, có lúc gây bế tắc trì trệ cho nhiều ngành khoa học, không chỉ khoa học tự nhiên mà cả khoa học xã hội và nhân văn - phương pháp duy lý cổ điển [1] của phương Tây...
  • xem toàn bộ