Hạnh phúc

06:08 CH @ Thứ Sáu - 26 Tháng Bảy, 2019

Quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945. ”Hỡi đồng bào cả nước! Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc." Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mở đầu bằng hai câu trích dẫn nguyên văn bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. "Life, liberty and the pursuit of happiness". Nhưng tức khắc, Tuyên Ngôn của Việt Nam đi thẳng vào đích: ”Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do“.

Trong bối cảnh 1945, không có gì hợp lý hơn, khéo léo hơn, chiến lược hơn cách khai triển ấy từ quyền của con người qua quyền của dân tộc. Ngay cả hạnh phúc, thường được hiểu như hạnh phúc của con người, đúng là có một dân tộc trùng phùng với hạnh phúc ngày 2-9-1945. Dân tộc đó hạnh phúc vì vừa chặt đứt xiềng xích nô lệ. Dân tộc đó hạnh phúc vì được độc lập, tự do.

Hôm nay, 60 năm sau ngày độc lập, tất nhiên hai chữ “hạnh phúc“ phải mang một nội dung khác. Ai hạnh phúc? Dân tộc cụ thể là ai? Bởi vì đây là một vấn đề lý thuyết, và bởi vì Tuyên Ngôn Độc Lập của Việt Nam viện dẫn Tuyên Ngôn Độc Lập của Mỹ và Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Pháp, tôi bắt buộc phải đặt mấy lời bàn luận sau đây vào khung cảnh lý thuyết của 1776 và 1789.

Cho đến nay, người Mỹ vẫn còn tự hỏi về lý do của cái quyền thứ ba trong ba quyền thiêng liêng, ”mưu cầu hạnh phúc", mà tác giả Thomas Jefferson đã đưa vào Tuyên Ngôn 1776. Tại sao Jefferson thay thế quyền thứ ba trong lý thuyết của Locke bằng ”pursuit of happiness" của ông? Locke, triết gia Anh mà tư tưởng đã chỉ đạo cho Jefferson lúc ông soạn thảo Tuyên Ngôn, đã kể ra ba thứ quyền bất khả chuyển nhượng: quyền được sống, quyền tự do và quyền tư hữu. Trước Locke, người ta còn tin rằng đất đai và hoa màu từ đất là của chung của nhân loại lúc khởi thủy. Biện minh cho thứ quyền thiêng liêng nhất mà chủ nghĩa tư bản vừa thành hình cần xác nhận long trọng - quyền tư hữu - Locke giải thích: bất cứ ai cũng là sở hữu chủ của những thành quả mà họ tạo ra bằng lao động của họ, trên đất đai cũng như trên tư bản mà họ tích lũy. Từ 1690, lúc tác phẩm của Locke ra đời, đến 1776, lúc Jefferson viết Tuyên Ngôn Độc Lập, chẳng lẽ quyền tư hữu đã hết thiêng liêng? Chẳng lẽ quyền đó đã có thể bị hạn chế? Hạnh phúc là cái gì mà Jefferson dám đem ra thay thế cho ngôi thứ ba trong chúa ba ngôi của chủ nghĩa tự do? Và ”mưu cầu hạnh phúc", việc đó ai mà chẳng làm thường ngày, tự nhiên như thở, đâu cần phải được công nhận quyền này quyền nọ, bất khả chuyển nhượng hay không ? Bàn tán chẳng bao giờ dứt. Nhưng điều hiển nhiên mà ai cũng thấy là tư tưởng của Locke chảy khắp châu thân của bản Tuyên Ngôn như những sợi máu hồng. Tư tưởng đó báo trước thế kỷ Khai Sáng: mọi chính thể chuyên chế là trái với luật tự nhiên bởi vì quyền lực phát xuất từ sự thỏa thuận của dân chúng. "Con người- Locke giải thích - vốn sinh ra là đã tự do, bình đẳng và độc lập, không một người nào có thể bị khước từ tình trạng đó và bị đặt dưới sự lệ thuộc quyền lực của một người khác mà không có thỏa thuận; bằng chính sự thỏa thuận đó, người ấy có thể chấp nhận tụ họp với những người khác và cùng nhau kết hợp thành xã hội để tự bảo tồn mình, để bảo đảm an ninh chung, thanh bình chung của cuộc sống, để hưởng thụ một cách bình yên tư hữu của họ và để được yên ổn khỏi bị ai làm thiệt hại".

Hạnh phúc của đời sống nằm trong khung cảnh chung đó. Thanh bình, yên ổn, hưởng thụ, không lệ thuộc ai, không sợ bị ai đè nén, chẳng phải đó là cái đích mà mọi người đều nhắm đến trong cuộc sống chung sao? ”Mưu cầu hạnh phúc“ bao gồm cả sự "hưởng thụ bình yên tư hữu của mình", đâu có gì khác nhau giữa thầy với trò, giữa nhà tư tưởng Anh cuối thế kỷ 17 và nhà lập hiến Mỹ giữa thế kỷ 18? Vinh danh Locke, Jefferson sáng tạo thêm một nét tài ba khi đưa cả một giấc mơ hạnh phúc vào bình minh của một dân tộc lập quốc. Không một quốc gia nào được thành lập, hoặc đang giành lại độc lập, mà không nuôi một ước mơ, một giấc mơ. Chỉ một chính quyền già nua mới không dám làm đám cưới với giấc mơ tiềm tàng trong dân tộc của mình, và cách mạng không có gì khác hơn là mang lại sức trẻ cho giấc mơ đó. Locke là nhà tư tưởng; Jefferson là người hành động, là nhà chính trị với ý nghĩa tốt đẹp nhất của chính trị, nghĩa là người đưa ra được một viễn tượng làm rung động tâm khảm của một cộng đồng.



Thế nhưng một câu hỏi khác lại gây bàn luận không ngớt: ai ”mưu cầu hạnh phúc"?Đó là hạnh phúc của mỗi cá nhân hay hạnh phúc của cả dân tộc?

Độc đáo của Tuyên Ngôn Độc Lập 1776 nằm cả ở đó, ở chỗ tuyên bố độc lập của một quốc gia mới khai sinh mà lại bắt đầu bằng quyền tự do, hạnh phúc của mỗi con người. Nếu người ta có thể mường tượng ra được thế nào là hạnh phúc của một dân tộc, ai có thể định nghĩa hạnh phúc của mỗi cá nhân là gì? Và nếu có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu cách quan niệm về hạnh phúc và có bấy nhiêu cách đi tìm hạnh phúc khác nhau, biết nghe ai bỏ ai, làm thỏa mãn cho ai, thiệt hại cho ai, biết đâu là hạnh phúc chung? Tuyên Ngôn của Mỹ đặt nền tảng trên chủ thuyết tự do, cho nên câu trả lời hợp lý nhất chỉ có thể tìm thấy trong tính lạc quan của chủ thuyết tự do: mỗi người theo đuổi một lợi ích riêng nhưng một bàn tay vô hình sẽ thu xếp tất cả vào một hài hòa chung. Trên lĩnh vực kinh tế, đó là bàn tay của thị trường. Trên tất cả mọi lĩnh vực khác của đời sống, từ chính trị chung cho đến hạnh phúc riêng, không ai có thể hiểu nước Mỹ nếu không nghĩ đến yếu tố tôn giáo, nghĩa là nếu không nghĩ đến bàn tay của Thượng đế. Thượng đế đã ban cho con người quyền tự nhiên theo đuổi hạnh phúc, vậy đó là lĩnh vực riêng tư giữa con người và Thượng đế, chính quyền không được can dự đến. Điều duy nhất chính quyền có thể làm là tạo một khung cảnh pháp lý được mọi người thỏa thuận để việc theo đuổi hạnh phúc của mỗi người được tự do. Còn thế nào là hạnh phúc, điều đó chỉ có thể tìm thấy trong trái tim của mỗi con người, và bởi vì con người là hình ảnh của Thượng đế, cái gì đó trong mỗi trái tim là giống nhau. Bởi vậy, mỗi người là khác nhau mà đồng thời cũng giống nhau, có muôn triệu cách theo đuổi hạnh phúc nhưng tựu trung cách nào cũng nhắm cùng một hướng. Khác với châu Âu, nước Mỹ không hề đối kháng giữa Thượng Đế và Tự Do, cả hai trộn lẫn với nhau làm một. Và khác với đạo Cơ Đốc trong lịch sử châu Âu, đạo Tin Lành ở Mỹ không dựng một Nhà Thờ trung gian giữa Thượng đế và mỗi tín đồ để cạnh tranh quyền lực với Nhà nước. Trên muôn triệu tự do riêng ở Mỹ, có một nguyên tắc tự do chung là Thượng đế. Thượng đế quy tụ tất cả, hài hòa tất cả. Chính trị ở Mỹ, trên nguyên tắc, không đi vào lĩnh vực tư, vì lĩnh vực tư đã có tôn giáo đỡ đầu. Chủ thuyết tự do và đạo đức Tin Lành nương tựa nhau tạo nên chất sống cho tâm hồn của dân tộc Mỹ và đem lại câu trả lời cho hạnh phúc riêng và hạnh phúc chung.

Khi ý niệm hạnh phúc bay từ Tuyên Ngôn Mỹ qua Cách Mạng Pháp, các tác giả của 1789 cũng cho "Đấng Tối Cao" hiện diện trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền, nhưng những quyền tự nhiên, thiêng liêng và bất khả chuyển nhượng không còn bắt ngưồn từ Đấng đó nữa mà bắt nguồn từ Thiên Nhiên, và quan niệm về hạnh phúc chuyển từ ý nghĩa cá nhân qua ý nghĩa tập thể, “bonheur de tous" trong Tuyên Ngôn 1789, ”bonheur commun" trong hiến pháp 1793. Hiến pháp này nói ngay trong điều 1 : ”Mục đích của xã hội là hạnh phúc chung". Làm thế nào để đi đến hạnh phúc chung giữa muôn triệu hạnh phúc riêng? Các tác giả 1789, lý thuyết gia của Khai Sáng, dựng lên một con người tự chủ, sinh ra đã có lý tính. Vấn đề là làm thế nào phát triển lý tính đó càng ngày càng cao để con người cư xử hợp lý với nhau trong xã hội. Giáo dục, vì vậy, luôn luôn chiếm vị thế trung tâm trong quan tâm của Cách Mạng, và hạnh phúc được quan niệm như trùng hợp với sự hiểu biết. Tranh chấp giữa hạnh phúc riêng và hạnh phúc chung sẽ được giải quyết bằng lý luận : nếu ai cũng hiểu biết chín chắn, đúng đắn về lợi ích của mình thì sẽ thấy rằng lợi ích đó nằm trong tương thân tương trợ lẫn nhau giữa tất cả mọi người. Hơn thế nữa, với ánh sáng của lý tính, con người dễ thấy được tính tự nhiên thích hợp quần của mình: mỗi người hành động theo khuynh hướng tự nhiên muốn bảo tồn mình, phục vụ mình, nhưng đồng thời cũng có khuynh hướng tự nhiên khác thúc đẩy đến với người khác vì lòng trắc ẩn, vì tính nhân từ. Các nhà Cách Mạng Pháp thích dùng chữ ”bienfaisance" để chỉ tính nhân từ đó, thay thế chữ "bác ái" nặng màu sắc tôn giáo. Họ lạc quan: nếu có tranh chấp về quyền lợi thì đó là vì con người chưa hiểu thấu đáo quyền lợi của mình, vì lầm lạc, mê muội. Tiến bộ, tiến bộ không ngừng về mọi mặt, từ khoa học cho đến đạo đức, sẽ đưa con ngưòi đến với hạnh phúc trên trần thế. Khi Saint-Just tuyên bố rằng "hạnh phúc là một ý tưởng mới ở châu Âu", ông muốn chỉ trích chính cái căn bản của đời sống đạo đức trước 1789: cho đến lúc đó, tất cả đời sống trên thế gian đều hướng về cứu cánh duy nhất là được bay lên sống vĩnh viễn hạnh phúc trên thiên đường. ”Mục đích của xã hội là hạnh phúc chung", tuyên ngôn đó nhằm đưa hạnh phúc từ trên trời xuống mặt đất, từ thiểu số ngự trị nhờ tôn giáo, quyền lực và tiền bạc đến tất cả mọi người trong xã hội.

Trong tư tưởng của 1789, Rousseau chiếm một vị trí đặc biệt. Ông không nghĩ rằng cuộc chơi tự do giữa những lợi ích riêng, dù được suy nghĩ đúng đắn, có thể đưa những ý muốn cá nhân trôi xuôi một dòng về lợi ích tập thể. Trên điểm này, ông không chia sẻ niềm lạc quan duy lý với các lý thuyết gia của chủ nghĩa tự do, nhất là với Locke. Vấn đề này, theo ông, không thể giải quyết được nếu không đưa đạo đức vào chính trị: Nhà nước phải thực hiện công bằng, nghĩa là loại trừ những bất bình đẳng xã hội, nguồn gốc của tai họa và chia rẻ, và phải được xây dựng trên đạo đức của mỗi công dân. Khi công dân họp nhau lại để bàn việc công, họ không biểu quyết một luật lệ vì luật lệ đó hợp với lợi ích riêng của họ nhất, mà phải tự vấn lương tâm, trong lặng yên của cảm xúc, xem luật đó có hợp với lợi ích chung hay không. Làm công dân, chính là biết nghe theo những đòi hỏi đạo đức như vậy, và do đó, xét cho cùng, chính phong tục, tập quán tạo nên thống nhất, sức mạnh và sự trường tồn của một Nhà nước chân chính. Xây dựng một Nhà nước chân chính như vậy quả là một thách đố với lịch sử, nhất là với giai đoạn lịch sử của Rousseau, hằn lên thù hận, bất công, bạo lực, chuyên chế, thoái hóa đạo đức. Cách duy nhất để tiến tới mục đích là phải biết dung hợp Tự Do và Đạo Đức, tự do để con người vẫn là con người tự chủ như triết lý Khai Sáng tôn vinh, đạo đức để những con người tự chủ đó sống tương thân tương ái trong một đoàn thể bền vững. Một Nhà nước dân chủ, theo Rousseau, phải biết giáo dục công dân : đó lá một Nhà nước giáo dục và được giáo dục. Về điểm này, Rousseau đồng ý với các tác giả đương thời: giáo dục mở ra vô tận vô biên khả năng ; giáo dục đưa con người vượt lên trên con người, cao hơn, tốt hơn, hiểu biết hơn và đồng thời gắn bó hơn, yêu mến hơn cộng đồng trong dó mình sống. Rousseau là người đầu tiên đưa ra ý nghĩ về tôn giáo công dân mà ông muốn thực hiện trên các nước châu Âu đã làm cách mạng để đưa hạnh phúc từ trên trời xuống mặt đất.

Hiểu biết hơn ai hết về sức mạnh của trái tim và của tính thiêng liêng nằm trong trái tim ấy, Rousseau thấy vô cùng cần thiết phải dùng chất tôn giáo để tạo keo sơn trong xã hội, nhưng không phải là tôn giáo thần quyền đã bị cách mạng kết án, mà là một thứ tôn giáo thuần túy công dân do dân chúng tối thượng định ra, dựa trên “những tình cảm hợp quần tự nhiên" nơi con người, và tóm lược trên vài nguyên tắc căn bản: có một Đấng Thiêng Liêng đầy năng lực, thông minh, nhân từ, thấy trước mọi việc, hằng cứu giúp ; có một đời sống sau đời sống này ; có hạnh phúc cho kẻ sống chân chính, trừng phạt cho kẻ bất nhân ; có tính thánh thiện trong hợp đồng xã hội và trong luật pháp. Tính thiêng liêng và tính xã hội quyện lẫn với nhau trong mối dây tình cảm buột chặt cá nhân với nhau và tất cả với tổ quốc của họ. Do đó, tôn giáo công dân thể hiện ý nghĩa thực sự của chính trị, bởi vì, theo Rousseau, chính trị không phải là nghệ thuật cai trị con người mà là nghệ thuật làm cao thượng tâm hồn con người. Rousseau không thấy nước Mỹ; ông đâu có biết rằng ý tưởng "tôn giáo công dân" của ông là cơm ăn nước uống trong thể chế của Mỹ, nét độc đáo mà chỉ riêng nước Mỹ nắm được bí quyết nhờ những điều kiện lịch sử, tôn giáo đặc thù.

Như vậy, dù với bàn tay của Thượng đế hay với bàn tay của giáo dục, hạnh phúc của cá nhân trong xã hội không thể quan niệm thiếu vắng đạo đức. Mà đạo đức đúng là nằm sẵn trong trái tim của con người. Một cách tự nhiên, khó ai có thể sung sướng trên đau khổ của người khác. Cũng một cách tự nhiên, không thiếu gì người trong xã hội lấy hạnh phúc của kẻ khác làm hạnh phúc của mình. Một xã hội có giáo dục là một xã hội biết tăng trưởng lên mãi lớp người như vậy. Lớp người đó càng tăng, xã hội càng đi gần đến mức lý tưởng : nếu ai cũng biết nghĩ đến hạnh phúc của người khác, mọi người sẽ nghĩ đến hạnh phúc của nhau và, rốt cuộc, hạnh phúc của mỗi người cũng là hạnh phúc của tất cả.

* * *

Tôi không muốn được ru ngủ mà cũng không muốn ru ngủ ai bằng mơ mộng, khẩu hiệu hay lý tưởng. Nhưng tôi nghĩ: không thể có cách nào khác để hiểu hai chữ ”hạnh phúc” trong châm ngôn ”Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc“ ngoài lý tưởng vừa nói ở trên. Tôi lại càng có lý do để tin chắc như vậy vì tình cờ run rủi thế nào mà mùa hè chuẩn bị lễ kỷ niệm 60 năm Tuyên Ngôn Độc Lập lại trùng hợp với một biến cố văn học, báo chí, truyền thông kỳ lạ xảy ra trong thời gian tôi ở trong nước, tưởng chừng như biến cố đó đến để giúp tôi giải quyết trọn vẹn câu hỏi về ý nghĩa của hạnh phúc trong bản Tuyên Ngôn giữa thời buổi thanh bình này. Cả nước, tôi thấy cả nước, từ em học sinh đến ông thủ tướng, cả nước xúc động về một quyển Nhật Ký được khám phá ra sau 35 năm nằm trong bóng tối, cả nước khâm phục, ngưỡng mộ, hãnh diện về một nữ bác sĩ anh hùng đã chiến đấu và hy sinh trong vùng lửa đạn khét tiếng Đức Phổ để bảo vệ một bệnh xá lẻ loi chăm sóc thương binh giữa đồi núi Ba Tơ. Cả thế gian này, chắc không mấy ai chết oanh liệt như cô gái trẻ Đặng Thuỳ Trâm: một mình một súng, cô đã cầm chân 120 địch thủ bao vây để thương binh có đủ thì giờ tản đi nơi khác; một mình cô đã gục ngã bên cạnh một bị sách vở, với một viên đạn ghim ngay giữa trán. Cô chết để người khác sống.

Nhưng không phải vì cái chết oanh liệt của Đặng Thuỳ Trâm mà tôi mời chị vào đây nói chuyện với chúng ta về hai chữ hạnh phúc. Tôi mời chị vì chị vừa anh hùng vừa bình thường, anh hùng trong hành động, bình thường trong suy nghĩ, cảm xúc. Chị không phải là bà thánh để thiên thần mời chị lên nói chuyện hạnh phúc ở trên trời. Chị cũng biết yêu đương, tự ái như bất cứ ai, và chị cũng từng mơ mộng về hạnh phúc riêng. Về chị, nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận xét với tất cả trìu mến: ”trong cuộc chiến tranh vô cùng dữ dội đó, chúng ta đã thắng chính là vì chúng ta, cũng như chị, là những con người rất đa cảm. Những con người rất người“. Rất người, anh Nguyên Ngọc viết: ”trong nhật ký của Thuỳ Trâm, hầu như không có trang nào chị không viết về nỗi buồn“. Rất người, nhưng kỳ lạ thay, lại rất biện chứng, biện chứng đặc sệt tiểu tư sản, ”một người nữ anh hùng hầu như đêm khuya nào cũng ngồi buồn một mình và ... khóc. " Chính vì chị cũng biết buồn và biết khóc như ai, cho nên quan niệm của chị về hạnh phúc không có gì xa vời, không ra ngoài tầm tay của những người bình thường trong thời buổi bình thường này.

Vậy thì Thuỳ Trâm quan niệm hạnh phúc như thế nào? Tôi bắt chước anh Nguyên Ngọc, nhưng tôi đi ngược với anh: tôi đếm được trong nhật ký của chị rất nhiều chữ vui và nhiều chữ hạnh phúc. Hầu như lúc nào chị khóc, ấy là chị cười ngay; lúc nào chị buồn, ấy là chị vui liền. Tôi trích nhé:

”Khóc ư Thuỳ? Đừng chứ, hãy dũng cảm kiên cường trong mọi tình huống, hãy giữ mãi nụ cười trên môi dù trăm nghìn vạn khó khăn nguy hiểm đang đe dọa quanh Thuỳ."

Chị viết cho mẹ: ”Địch càn lên súng nổ rần rần con vẫn cười, bình tĩnh ra công sự. Địch tập kích vào căn cứ, vừa chạy địch có đêm phải ngủ rừng con cũng vẫn cười, nụ cười vẫn nở ngay cả khi tàu rọ và HU-IA quăng rocket xuống ngay trên đầu mình...". Tất nhiên, ban đêm sau đó anh Nguyên Ngọc lại bắt chợt chị khóc, ”nước mắt thấm mặn yêu thương chảy tràn trên đôi mắt của con". Có gì lạ đâu, nơi chị, nước mắt và nụ cười là hai mặt của một hạnh phúc mà chị sống hết mình, tràn trề, trung thực, trong sáng.

Trích thêm một câu nữa thôi, viết trong ngày sinh nhật 27 tuổi, ngót 5 năm sống giữa đạn bom :

”Ở đây Thuỳ không có những giây phút ấm áp giữa bạn bè bên lọ hoa nhỏ với những bông hồng thơm ngát để trên bàn. Ở đây Thuỳ không có cái hạnh phúc đi cạnh người yêu trên con đường vắng khi ánh chiều tím dần trong buổi hoàng hôn. Ở đây Thuỳ thiếu nhiều nhưng cũng rất đầy đủ. Cho nên Thuỳ hãy cười đi, hãy vui đi khi vở đời mở sang một trang mới đầy vinh quang, đẹp đẽ."

Thuỳ Trâm đã làm địch thủ của chị sửng sốt vì chị có thể bình yên một cách tự tại sau một ngày lửa đạn, nhìn ” rừng chiều sau một cơn mưa, những lá cây xanh trong trước ánh nắng, mỏng manh xanh gầy như bàn tay một cô gái cấm cung."

Tôi trích nhiều Thuỳ Trâm ở đây là vì vậy, là vì tôi không đưa ra một người anh hùng xa xôi, cao vọi nào trong thần thoại tuyên huấn để nói chuyện hạnh phúc tầm thường của tôi : tôi nhờ một người bình thường như chị, bình thường trong suy nghĩ, trong cảm xúc, để trả lời cho tôi: hạnh phúc là gì? Và chị trả lời như ai cũng biết.

Thứ nhất, hạnh phúc là sống trong hạnh phúc của người khác :

”Lòng sung sướng biết bao nhiêu khi thấy rằng có rất nhiều đôi mắt nhìn mình cảm thông thương yêu mến phục. Đó là những đôi mắt học sinh mong đợi mình lên lớp. Đó là đôi mắt của các bệnh nhân mong mình đến bệnh phòng ... Vậy là đủ rồi, Thuỳ ạ, đừng đòi hỏi cao hơn nữa. Cả Đức Phổ này đã dành cho mình một tình thương yêu trìu mến. Đó là một ưu tiên rất lớn rồi."

Thứ hai, hạnh phúc là sống vì hạnh phúc của người khác :

”Thuỳ ơi! Bi quan đấy ư? Hãy nhìn lại đi, bên cạnh Thuỳ có bao nhiêu đồng chí, bao nhiêu thanh niên đã cống hiến tuổi trẻ của họ cho cách mạng, họ ngã xuống chưa hề được hưởng hạnh phúc. Sao Thuỳ lại nghĩ đến riêng tư. Đừng nhìn ra Bắc, hãy nhìn ở đây, ở mảnh đất còn nóng bỏng đạn bom đau thương và lửa khói này. "

Thứ ba, hạnh phúc là dâng hiến:

"Cuộc sống vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan, chết chóc hy sinh còn dễ dàng hơn ăn bữa cơm. Vậy mà người ta vẫn bền gan chiến đấu. Con cũng là một trong muôn nghìn người đó, con sống, chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc. Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu. "

Đừng tưởng những người dâng hiến không biết gì đến hạnh phúc riêng. Ai trong chúng ta cũng biết dâng hiến, bởi vì ai trong chúng ta cũng có lòng hướng thượng. Chỉ khác nhau một chỗ thôi là có kẻ nhiều người ít và tùy hoàn cảnh, tùy môi trường. Gặp hoàn cảnh, cả triệu người có thể hành động không khác Thuỳ Trâm. Anh Nguyên Ngọc trích lời của một cô bạn vô danh: "Thật ra cũng chẳng có gì ghê gớm lắm đâu. Ngay như em đây, trong hoàn cảnh đó chắc chắn em cũng sẽ sống đúng như vậy, hành động đúng như vậy.” Môi trường tốt, tình cảm tốt. Tình cảm tốt, dâng hiến cũng trở thành tự nhiên, đâu cần giết chết riêng tư?

"Mình sẽ về chắt chiu vun xới cho tổ ấm gia đình, mình sẽ biết quý từng phút, từng giây hòa bình ấy bởi vì có sống ở đây mới hiểu hết giá trị của cuộc sống. Ôi ! Cuộc sống đổi bằng máu xương, tuổi trẻ của bao nhiêu người. Biết bao nhiêu cuộc đời đã chấm dứt để cho cuộc đời khác được tươi xanh. "


Tôi có cảm tưởng không một lý thuyết gia nào giải thích cho tôi rõ hơn thế nào là " quyền mưu cầu hạnh phúc » thế nào là " quyền sung sướng ", đâu là quyền của dân tộc, đâu là quyền của con người. Đố ai giải thích được quyền đó mà không đặt quyền lợi vào khung cảnh đạo đức của tương quan giữa người với người, giữa người với tập thể của mình. Trong cuộc sống xô bồ diễn ra chung quanh tôi, hầu như tôi chỉ nghe nói đến chuyện làm giàu, tuồng như làm giàu thì không cần gì đạo đức, làm giàu là tranh nhau chụp giật, lẫn lộn công tư, mọi con đường đều dẫn đến một cái túi. Chung quanh tôi, người ta bình thản nhìn bất bình đẳng, bất công, tuồng như bất bình đẳng là chuyện tự nhiên, không phải là nguồn gốc của cách mạng, không phải là cái đích mà Rousseau nhắm đến trước tiên, khai hỏa. Hình như cả giáo dục cũng biến mất; cả giáo dục cũng đã thành tiền bạc, thị trường mất rồi. Ở đâu mà một thiểu số được ưu đãi một cách bất chính thản nhiên tích lũy vui thú trên bất hạnh chung quanh, ở đấy chẳng lẽ cứ lôi đế quốc với thực dân ra để đòi hạnh phúc?

Tôi nghe như có giọng một cô gái trẻ tiếp nối giọng của người xưa đọc Tuyên Ngôn ở đâu đó: "Ôi, giấc mơ hòa bình độc lập đã cháy bỏng trong lòng 30 triệu đồng bào ta từ lâu rồi. Vì nền hòa bình độc lập ấy mà chúng ta đã hy sinh tất cả. Biết bao người đã tình nguyện hiến dâng cả cuộc đời mình vì bốn chữ độc lập, tự do. Cả mình nữa, mình cũng đã hy sinh cuộc sống riêng mình vì sự nghiệp vĩ đại ấy."

Độc lập, tự do, chị đã trả bằng thịt xương của chị. Chị biết đối thủ. Chào mừng Tuyên Ngôn năm nay, chị bảo tôi gởi đạo đức hạnh phúc của chị đến ai?

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Năm cánh sao vàng

    02/09/2016TS. Nguyễn Sĩ DũngGần 70 năm đã trôi qua, cờ đỏ sao vàng Cách mạng Tháng Tám mãi còn vẫy gọi. Và ngôi sao năm cánh vẫn còn toả sáng dẫn đường cho dân tộc ta đi về phía trước...
  • Tiếp tục phát triển tư tưởng của Cách mạng tháng Tám

    19/08/2016Lê Đăng DoanhCách mạng Tháng Tám là bước nhảy vọt vĩ đại của tư tưởng phát triển, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Độc lập, tự do, hạnh phúc, mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, đó là những chân lý có sức mạnh mãnh liệt phát huy và khơi dậy sức mạnh của một dân tộc bị nô dịch, áp bức, bị chiến tranh và nạn đói tàn phá. Chính những tư tưởng bất hủ này đã trở thành sức mạnh vật chất của cả một dân tộc, chắp cánh cho dân tộc Việt Nam làm nên những kỳ tích trong chiến đấu và dựng nước...
  • Nguồn gốc của hạnh phúc và bất hạnh

    20/03/2016Trong cuộc sống, mọi người đều có thể cùng nhau vun đắp hạnh phúc. Tuy nhiên, không phải bất kỳ cặp nam nữ nào cũng có thể chung sống đến đầu bạc răng long. Hôn nhân trong cuộc sống hiện đại là một thử thách lớn cho hai người trưởng thành...
  • Hạnh phúc: Điều quan trọng nhất trong cuộc sống

    24/09/2014Huỳnh Trúc“Điều quan trọng nhất trong cuộc sống? Nếu người ta hỏi một người trong cơn đói, đó sẽ là thực phẩm. Với một kẻ nào đang lạnh, đó sẽ là hơi ấm. Và nếu một ai đang cam chịu cô đơn, chắc chắn đó sẽ là sự gần gũi với người khác”.
  • Càng giàu, càng thích hưởng thụ! Nhưng hạnh phúc thì...?

    20/08/2013Minh ThiKhi xã hội phát triển, ngày càng nhiều người áp dụng lối sống hưởng thụ cho chính mình. Thực ra, hưởng thụ là một điều tốt, nó là thước đo đời sống của con người và xã hội hiện đại. Vấn đề đặt ra chỉ là cách hưởng thụ như thế nào mà thôi, bởi đôi khi cách thức hưởng thụ lại có thể khiến con người bất mãn thêm và thế giới trở nên kiệt quệ...
  • Tiền bạc có mua được hạnh phúc

    16/01/2006Trần Cao Dũng trích dịch từ bài của tác giả Mark SkousenĐồng tiền có thể cung cấp cho mọi người rất nhiều lợi ích: điều kiện sống tốt hơn, địa vị xã hội, du lịch, hưởng thụ, chăm sóc sức khỏe, giải trí vv..vv.. Cảm giác được sống trong sung túc, có một tài chính cá nhân vững chắc luôn mang lại sự toại nguyện vô bờ...
  • 10 bí quyết cho Hạnh phúc

    25/10/2005Minh Thu1/2 mức độ hạnh phúc của bạn có thể được định hình ngay từ lúc bạn vừa mới chào đời, và thêm 10% nữa là do các hoàn cảnh khách quan quyết định. Có nghĩa là chúng ta còn tớ những 40% cơ hội để tự xoay sở hạnh phúc cho mình. Vậy thì tại sao chúng ta lại không bắt đầu năm bắt khả năng ngay từ bây giờ ? Và đây là 10 điều kiện mà mỗi chúng ta đều cần có được nhằm mưu cầu một hạnh phúc thực sự cho mình...
  • Hạnh phúc vẫn hơn là “cái đúng”

    20/10/2005Huy MinhTrong gia đình, làm cho mình và các thành viên khác hạnh phúc hơn mới là đúng nhất! Điều đó không có nghĩa là chúng ta nên tránh né mọi cuộc tranh luận, hay ngoan ngoãn đi theo sự dẫn dắt của người bạn đời, hày chiều chuộng mọi sở thích của con cái
  • Bí quyết của hạnh phúc

    17/10/2005Nguyễn Thị Thùy MaiNhiều khi bạn nghĩ rằng phải dư dả mới có hạnh phúc thực sự. Ngược lại, cũng có người nghĩ rằng hạnh phúc chỉ tồn tại với các cặp vợ chồng thuở hàn vi… Tuy nhiên, hạnh phúc lại phụ thuộc rất nhiều vào cách sống hằng ngày, vào cảm giác, vào quan niệm của bạn về cách hưởng thụ cuộc sống...
  • Cách sống Thùy Trâm

    07/09/2005Nhà Văn Nguyên NgọcNhà văn Nguyên Ngọc - người với con mắt tinh đời và tình cảm yêu thương sâu nặng - nói về chất "lửa" trong cuốn nhật ký tình cờ tìm thấy trong đống tro tàn của cuộc chiến tranh...
  • Qua "Mãi mãi tuổi hai mươi" và "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" – nghĩ về văn hóa đọc

    07/09/2005Nguyễn HoàTheo tác giả Nguyễn Hòa, nếu coi Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật ký Đặng Thùy Trâm là hiện tượng cho thấy văn hóa đọc hình như chưa xuống cấp, thì phải chăng muốn lý giải vì sao người đọc thờ ơ với văn chương, trước hết phải đi tìm nguyên nhân từ người viết...
  • Khi nào bạn hạnh phúc?

    06/08/2005Giàu có không làm bạn tăng thêm hạnh phúc, nếu bạn không có nhiều tiền bằng người khác, hoặc ít có thời giờ dành cho giải trí hơn. Đó là kết luận từ một nghiên cứu mới về hạnh phúc của các chuyên gia phương Tây...
  • Bí mật của hạnh phúc (Hạt giống tâm hồn)

    02/08/2005Khi còn ở tuổi niên thiếu, dường như mọi người chúng ta thường nhìn nhận khái niệm hạnh phúc rất đơn giản - đó là đạt được những điều mình muốn. Khi bước vào cuộc sống, chúng ta thực sự đặt chân lên cuộc hành trình tự khẳng định mình, trải nghiệm, khám phá và đi tìm hạnh phúc cuộc sống.
  • Nguyễn Văn Thạc - Tình yêu và hạnh phúc

    06/07/2005Chưa đầy 20 tuổi, Nguyễn Văn Thạc khoác ba lô vào chiến trường, chỉ mười tháng tuổi quân, chàng sinh viên khoa Toán - Cơ, đại học Tổng hợp Hà Nội, từng là học sinh giỏi văn nhất miền Bắc một thời đã viết hàng trăm trang thư, nhật ký và nhiều bài thơ có giá trị về chuyện đời, chuyện người… Quãng thời gian ngắn ngủi ấy, Nguyễn Văn Thạc đã viết lên đời mình và mãi để lại cuộc sống này một dấu ấn đẹp về tình yêu và hạnh phúc...
  • xem toàn bộ