Luật Doanh nghiệp - "con dao sắc ngọt" giải phẫu các tập đoàn kinh tế
Từ thời điểm 1/7/2010, các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước được chuyển đổi thành các công ty TNHH một thành viên, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Đây là một sự kiện pháp lý quan trọng, theo cam kết khi gia nhập WTO, đánh dấu một bước tiến mới trên lộ trình hội nhập của Việt Nam. Tuy nhiên, trước và sau sự kiện quan trọng này có nhiều việc cần bàn.
Nhân dịp này, Tạp chí Pháp lý cuối tháng đã thực hiện cuộc phỏng vấn Luật sư Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch, Tổng giám đốc Investconsult Group
Hỏi: Chúng tôi muốn thảo luận với ông về vấn đề chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước. Theo số liệu thống kê thì khoảng 1500 doanh nghiệp theo lộ trình phải cổ phần hoá xong trước 1/7, nhưng không xong nên theo nghị định của chính phủ phải chuyển sang công ty TNHH một thành viên. Lộ trình tiếp theo là chuyển sang cổ phần hoàn toàn. Sự kiện này về mặt hình thức pháp lý cũng đánh dấu một sự chuyển biến về sự bình đẳng các loại hình doanh nghiệp. Quan điểm của ông về sự kiện này như thế nào?
Trả lời: Tôi nghĩ rằng nếu các quá trình sau này được thực hiện một cách nghiêm túc, minh bạch và đúng đắn thì có thể xem hiện tượng biến các tập đoàn nhà nước thành những tổ chức có tên gọi là công ty TNHH một thành viên nằm trong khuôn khổ điều chỉnh của luật doanh nghiệp là một tiến bộ xã hội. Bởi vì như thế là không có cái chuồng riêng cho những con thú không có họ hay khác chủng loại. Và trong con mắt của giới quan sát quốc tế chính phủ Việt Nam và cả Đảng đã thành công trong việc sắp xếp lại lực lượng xã hội quan trọng nhất bây giờ là các doanh nghiệp vào dưới ảnh hưởng của một bộ luật. Cá nhân tôi cũng như nhiều nhà khoa học trong nước và nhiều lực lượng xã hội khác xem đó là đạo luật thành công nhất, được xây dựng một cách công phu nhất. Về mặt chính trị, đạo luật ấy là thành tựu chính trị quan trọng nhất của hơn 20 năm đổi mới của xã hội Việt Nam. Nhưng tôi nhắc lại là nếu các quá trình chuyển đổi sau đó nghiêm túc và tuân thủ đầy đủ các qui trình pháp lý. Bởi vì luật doanh nghiệp có một ưu điểm là điều chỉnh hành vi kinh doanh, nhưng có một chỗ hổng là nó có kiểm soát cái quá trình tài trợ cho các doanh nghiệp ấy hay không.
Cái quá trình tài trợ, tức là quá trình bơm nguyên liệu, bơm năng lượng cho các doanh nghiệp, là một quá trình mà chỉ có chính phủ làm được. Quá trình tài trợ này được chia làm hai loại: thứ nhất là cấp vốn trực tiếp thông qua các hợp đồng của chính phủ hoặc các nghĩa vụ của chính phủ giao; thứ hai là cung cấp các đảm bảo cho nó phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu để mở rộng năng lực của doanh nghiệp. Nếu xã hội kiểm soát tốt, Chính phủ kiểm soát tốt, Đảng kiểm soát tốt và có thái độ công bằng trong cấp vốn thì có thể nói đấy là một hành động tuyệt vời. Hành động như thế theo quan điểm của tôi hiệu quả xã hội của nó là vô cùng lớn, bất chấp các sai sót có tính chất chiến thuật của chính phủ trong việc chuyển đổi quá nhanh, trong việc áp đặt một trật tự hành chính quá nhanh để hắt nó sang cái chuồng mới. Có thể đấy là một lỗi mà xã hội đang rất khó chịu, nhưng hành động này sẽ mang đến một hệ quả tốt nếu quá trình cấp vốn được kiểm soát tốt.
Hỏi: Khi nó tuân theo xu hướng tích cực như vậy thì có quá nhiều cái "nếu". Dựa trên thực tế như quá trình vừa rồi thì những cái nếu đó có bao nhiêu phần trăm thành hiện thực và có cơ chế nào để những cái nếu đó xảy ra?
Trả lời: Hiện tượng này hạn chế được khoảng trên 50% những hành vi hành chính tùy tiện của chính phủ trong việc cấp vốn sau này cho các doanh nghiệp. Trong một chiến dịch xã hội mà khắc phục được 50% rủi ro như vậy thì đấy là một thành công lớn của tiến bộ xã hội. Tôi không nói tiến bộ xã hội ấy bắt nguồn từ đòi hỏi của xã hội hay từ sự thức tỉnh của chính phủ hay từ sự thức tỉnh của Bộ chính trị và Ban chấp hành TW, nhưng tôi biết chắc là một trong ba lực lượng ấy mà không thức tỉnh, xã hội không thức tỉnh, chính phủ không thức tỉnh, Đảng không thức tỉnh thì không có hành động này.
Hỏi: Đây là một sự thể hiện theo đúng lộ trình cam kết khi vào WTO để doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng. Vậy sau 1/7 này thì trên thị trường dấu hiệu cạnh tranh bình đẳng có thể xuất hiện không?
Trả lời: Nó không bình đẳng ngay, bởi vì "lớp mỡ ngủ đông" mà các doanh nghiệp nhà nước nhận được trong quá trình trước 1/7 là rẩt nhiều. Bình đẳng tức là lớp mỡ ngủ đông chính đáng của các con gấu tham gia vào quá trình nhảy múa này nó phải giống nhau. Các con gấu khác, các đối tượng khác không được cấp một lớp mỡ ngủ đông miễn phí như vậy. Các doanh nghiệp nhà nước được cấp một lớp mỡ ngủ đông miễn phí trong nửa thế kỷ và nó được bơm một cách đầy đủ và sung mãn trong những năm gần đây. Nếu lớp mỡ ngủ đông ấy vẫn tồn tại như là một dự trữ thì phải nói rằng đấy là một tiềm năng rất lớn để các doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ được một ưu thế trong quá trình cạnh tranh bình thường. Nhưng khi cái lớp mỡ ngủ đông ấy đã bị tiêu huỷ đi, sử dụng lãng phí đi và không còn nữa thì các doanh nghiệp nhà nước sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh. Bởi lý do rõ ràng là các doanh nghiệp nhà nước không có truyền thống năng động như các doanh nghiệp phi quốc doanh khác, mà các doanh nghiệp này lại không còn lớp mỡ ngủ đông được cung cấp một cách sung mãn vào giai đoạn trước 1/7 nữa thì hàng loạt trong số đó sẽ chết một cách rất sớm.
Hỏi:Nếu một số lượng lớn như vậy mà chết thì nó có ảnh hưởng gì đến nền kinh tế?
Trả lời: Ngay cả khi nó xung mãn thì nó cũng không ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế. Khu vực kinh tế quốc doanh chưa có bất kỳ một ảnh hưởng tích cực nào đáng kể cả. Vậy thì trong trạng thái thôi không được bổ sung lớp mỡ ngủ đông nữa thì chắc chắn là nó sẽ ít tiêu cực hơn. Người thợ săn càng khỏe thì rủi ro của con thú càng lớn, mà trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam hiện nay thì các tập đoàn nhà nước là thợ săn chứ không phải con thú. Người thợ săn ấy yếu đi thì hy vọng tồn tại của những kẻ cạnh tranh với nó lớn lên, và đấy là lý do tại sao xã hội hoan nghênh luật doanh nghiệp và hoan nghênh hiện tượng 1/7.
Hỏi: Người ta nói rằng sự chuyển đổi này chỉ là bên ngoài còn về bản chất nó vẫn là doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp khác ngoài quốc doanh vẫn có mối lo là mặc dù chuyển đổi như vậy nhưng lợi thế của các doanh nghiệp nhà nước trong quan hệ, trong huy động vốn vẫn lớn và có khi cạnh tranh lại gay go hơn?
Trả lời: Tôi sợ rằng nguy cơ nó lớn hơn cái anh nói, đó là người ta sẽ sửa các qui tắc của chuồng để tạo điều kiện thuận lợi cho nó. Cho nên nếu phải cảnh giác thì cần cảnh giác về việc sửa đổi luật pháp để tạo ra ưu thế cho nó chứ không chỉ là tiềm lực của nó hiện nay. Nhưng cũng phải nói rằng chính phủ không hơi sức đâu để chạy theo 1500 doanh nghiệp. Chính phủ chỉ có thể tập trung vào nuôi dưỡng, vỗ béo một vài con thú thôi. Và theo những diễn biến đang diễn ra trong Wordcup 2010 thì hầu hết những đội đặt cọc vào các danh thủ, các ngôi sao đều về nước sớm. Bởi vì xã hội bình dân trong bóng đá đã tìm ra cái cách để vô hiệu hoá những ngôi sao bằng cách tập trung lực lượng quây nó. Xã hội đang quây Vinashin, kể cả khi nó chết rồi, kể cả khi nó chuyển đổi rồi, nó không còn được ưu tiên, kể cả khi nó đã được mắng mỏ cho có vẻ nghiêm túc rồi thì nó vẫn tiếp tục là kẻ bị quây.
Hỏi: Nhưng có vẻ như nó được ưu ái quá mức chứ nó không phải là ngôi sao thực sự?
Trả lời: Người ta muốn nó là ngôi sao và xã hội đang truy đuổi cái ngôi sao mà người ta muốn có ấy. Trên thực tế nó là một ngôi sao của việc tiêu huỷ năng lực kinh tế của một xã hội. 80.000 - 90.000 tỷ tiền nợ khủng khiếp lắm, nó tố giác một nguy cơ khổng lồ về vai trò của các tập đoàn kinh tế. Và cái này tôi đã cảnh báo từ khi thủ tướng Võ Văn Kiệt còn tại vị. Trong quyển "Suy tưởng" tôi đã có bài cảnh báo hãy coi chừng tư tưởng xây dựng các tập đoàn kinh tế (bài: Xây dựng các tập đoàn kinh tế ). Tôi liên tục nói về vấn đề này trong nhiều bài một cách rất sát sườn.
Hỏi: Vinashin chia tách và cơ cấu lại cũng đúng vào dịp này. Qua câu chuyện Vinashin có thể rút ra vấn đề gì để sau 1/7 này có sự thay đổi quyết liệt hơn?
Trả lời: Qua câu chuyện ấy có thể rút ra nhiều kết luận lắm. Kết luận thứ nhất là trong toàn bộ xã hội Việt Nam chưa có một người nào được lựa chọn làm thủ tướng mà quản lý nổi một nền kinh tế có những tập đoàn như thế. Những ví dụ này có thể giết chết uy tín chính trị của bất kỳ người nào làm thủ tướng Việt Nam. Tất cả những ai muốn làm thủ tướng Việt Nam để kế tục sự nghiệp của những người như bác Phạm Văn Đồng, bác Đỗ Mười, bác Võ Văn Kiệt, thủ tướng Khải, thủ tướng Dũng cũng đều phải biết sợ một nền kinh tế có những tập đoàn như thế này. Đấy là kết luận số một. Bởi vì nó không trở thành một thực thể kinh tế sống, nó trở thành một thực thể chính trị sống. Tập đoàn nào cũng sẽ thế và chúng ta đã có những ví dụ rõ ràng, nhãn tiền trước mắt tất cả bàn dân thiên hạ rồi. Đấy là nguy cơ thực sự về chính trị, không chỉ là kinh tế. Nhân dân sẽ được hưởng cái hậu quả tiêu cực về kinh tế, còn đảng sẽ được hưởng cái hậu quả tiêu cực về chính trị.
Hỏi: Nhưng những tập đoàn này không từ trên trời rơi xuống mà nó phải được đưa ra từ lợi ích nào đó thì người ta mới bơm nó thành ngôi sao như vậy. Đó là một bài tính sai hay vì một động cơ nào đó?
Trả lời: Trong phân tích chính trị đôi lúc chúng ta phải loại bỏ những phần câu hỏi làm cho năng lực nhận thức về mặt xã hội, về mặt chính trị, về mặt chiến lược không còn vô tư nữa. Với tư cách là một người trả lời thì tôi cho rằng tôi sẽ không trả lời những phần có tính chất tiêu cực, có tính chất quyền lợi cá nhân, có tính chất tham nhũng, bởi vì nó làm hỏng thông điệp mà một kẻ trả lời như tôi muốn gửi đến các nhà lãnh đạo, gửi đến xã hội rằng: đây là sai lầm về mặt nguyên lý điều hành một nền kinh tế.
Trong một nền kinh tế như thế này thì sự có mặt của các tập đoàn kinh tế là sai về mặt nguyên lý. Bởi vì các tập đoàn kinh tế này không thể đảm nhiệm vai trò cạnh tranh quốc tế được. Nó không có yếu tố tiên tiến, nó không có yếu tố công nghiệp hiện đại, nó không có yếu tố phát triển thị trường bên ngoài, nó không có lợi trong chính sách đối ngoại về kinh tế (nếu không muốn nói là nó rất có hại vì nó chứng tỏ sự ngốc nghếch của xã hội chúng ta).
Trong chính sách kinh tế đối nội, trong xây dựng thị trường nội địa thì đây không phải là một đối tượng thích hợp với thị trường bé nhỏ như chúng ta. Hay nói cách khác là trong đối ngoại cũng như đối nội, loại tập đoàn kinh tế khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước không giữ bất kỳ vai trò gì.
Hỏi: Trong nền kinh tế của chúng ta hiện nay, mức độ phổ biến của căn bệnh của Vinashin như thế nào?
Trả lời: Vinashin là một ví dụ tương đối đặc biệt đem so với các tập đoàn kinh tế còn lại. Xếp thứ tự theo những dấu hiệu có tính chất căn bệnh thì sau Vinashin là đến TKV. TKV cũng là một tập đoàn được ưu ái, nhưng ưu ái về tài nguyên. TKV khác khá xa với PVN. Tập đoàn dầu khí có một lịch sử dài hơn để khai phá các quan hệ quốc tế về kinh tế cũng như công nghệ cho nền kinh tế Việt Nam. Những dấu hiệu tích cực mà PVN mang lại cho xã hội Việt Nam lớn hơn. Nó đã giúp chính phủ Việt Nam chống lại hiện tượng khủng hoảng năm 1986-1989. Nó đã mở cửa mối quan hệ quốc tế trên một lĩnh vực khá nhạy cảm. Nó kêu gọi và tập hợp rất nhiều lực lượng quốc tế tiên tiến trong lĩnh vực này. Cho nên PVN mặc dù cũng có nhiều khuyết điểm, nhưng thành tích của nó lớn hơn TKV, lớn hơn Vinashin. Tôi xếp PVN sang bên cạnh không phải vì có quan hệ gì với PVN mà cân đối giữa thành tích và khuyết điểm, và tôi muốn gửi một thông điệp tới chính phủ là hãy chăm sóc tập đoàn PVN không phải bằng tiền vốn mà bằng sự kiểm soát để nó không nhiễm những căn bệnh vốn tiềm ẩn trong tất cả các tập đoàn nhà nước. Đến PVN mà cũng như thế nữa là hết.
Còn EVN lại là vấn đề khác. EVN là tập đoàn kinh tế lớn nhất, vốn của nó lên tới 110.000 tỷ đồng theo con số công khai. Đấy là tập đoàn kinh tế lớn, nhưng căn bệnh của nó lại khác, không phải là căn bệnh lộng hành mà là căn bệnh độc quyền. Độc quyền cho nên nó có những cái nhũng nhiễu kiểu "em chã", mà nói cho cùng chỉ cần uốn nắn người cầm đầu. Sửa chữa khuyết điểm của nó đồng thời là sửa chữa nhược điểm của xã hội Việt Nam nói chung trong việc cung ứng các dịch vụ cần thiết phổ biến cho xã hội. EVN là một lực lượng tồn tại cùng với nhà nước "dân chủ - cộng hoà", những căn bệnh ấy có thời gian để tích lũy và tẩy rửa nó là tẩy rửa một lực lượng nói cho cùng là đã có ích trong quá khứ. Khi nó phát triển lên quá lớn, nhiệm vụ, chức năng xã hội của nó quá lớn thì nó có một số căn bệnh, nhưng những căn bệnh ấy phải được sửa một cách kiên nhẫn và tương đối thân ái. Không nên xét nó như một đối tượng đột biến. EVN không phải là một thực thể đột biến, đó là một tập đoàn tích lũy sự phát triển thái quá.
Hỏi: Như vậy mỗi một tập đoàn đều có căn bệnh chung nhưng cũng có nét riêng của nó. Nhưng bài thuốc tuân thủ Luật Doanh nghiệp có chữa được chung căn bệnh đó không?
Trả lời: Nó không chữa mà nó tạo môi trường để cho bệnh tật không phát triển. Còn giải phẫu những căn bệnh cụ thể là công việc mà chủ sở hữu của nó tức là nhà nước phải làm nếu muốn tồn tại và phát triển một cách lành mạnh. Những căn bệnh của những tập đoàn như vậy nó gắn một cách trực tiếp với căn bệnh của nhà nước. Hay nói cách khác, các bệnh tật của các tập đoàn kinh tế nhà nước là căn bệnh của chính nhà nước. Cho nên sửa chữa căn bệnh của các tập đoàn kinh tế nhà nước chính là giải phẫu chủ sở hữu của nó là nhà nước. Sự nghiệp ấy đau đớn lắm và đòi hỏi phải dũng cảm lắm. Sự nghiệp ấy không phải là một sự nghiệp dễ để người ta chỉ trích hay nói một cách sướng miệng trên báo chí.
Hỏi: Sau sự kiện 1/7 người ta vẫn cho rằng chỉ là bình mới rượu cũ thôi. Vậy phải làm thế nào để bước tiếp theo tạo ra một sự đổi mới thực sự?
Trả lời: Tôi rất không đồng ý việc xã hội gọi hiện tượng này là hiện tượng bình mới rượu cũ. Rượu càng cũ thì càng ngon, cho nên vấn đề không phải là rượu cũ mà tôi sợ rằng bình mới nhưng không có rượu cũ bởi vì nó rỗng tuếch ở trong. Tôi nghĩ rằng tất cả các tổ chức mà nhà nước vẫn xem là chỗ dựa kinh tế để tiến hành hoạt động vì sự tiến bộ xã hội không còn rượu cũ nữa. Rượu đã được thay thế trước bình mà đôi khi vì quan liêu, ngay cả những người đứng đầu nhà nước không biết được. Cho nên gọi bình mới rượu cũ là cung cấp cho nó cái lá nho để che đậy một thảm trạng thật sự của nền kinh tế của chúng ta là chúng ta không có rượu cũ mà như lúc đầu tôi gọi là "lớp mỡ ngủ đông".
Hỏi:Có lẽ chính phủ cũng biết điều đó cho nên trong giải pháp vừa rồi có một điều là những doanh nghiệp không còn vốn nữa thì sau khi chuyển thành công ty TNHH một thành viên có thể kêu gọi vốn từ đối tác khác để tạo thành công ty TNHH hai thành viên chẳng hạn?
Trả lời: Tất nhiên, ai đó biết lo xa thì phải thấy trước điều ấy, và xã hội phải theo dõi xem diễn biến ấy lành mạnh hay không lành mạnh. Cứu nó về cơ bản là cứu một tổ chức kinh tế xã hội dù nó là nhà nước hay không nhà nước, đấy là hoạt động lành mạnh. Và cũng phải cảnh báo với với chính phủ rằng nếu cứu nó một cách không lành mạnh thì nó sẽ trở thành một thực tế không lành mạnh, và anh vẫn phải tiếp tục gánh cái hậu quả như anh đã gánh. Mọi sự che đỡ, mọi sự hỗ trợ không lành mạnh đều làm mất mát một cách thảm hại uy tín chính trị và xã hội của bất kỳ ai che đỡ cho nó.
Hỏi: Nhưng quan điểm chung hiện nay vẫn muốn lấy kinh tế quốc doanh làm lực lượng kinh tế chính, có lúc còn gọi là chủ đạo. Vậy sau thời điểm 1/7 sự xung đột giữa quan điểm xã hội chủ nghĩa ấy với thị trường có trở nên rõ nét hơn không?
Trả lời: Tôi nghĩ rằng không có lý nào chúng ta lại chấp nhận một sự ngốc nghếch mãn tính như thế. Chúng ta có khi phải nói những lời nói vỗ về đối với những người bị bệnh ung thư ở giai đoạn cuối, nhưng không có nghĩa nói điều ấy thì người ta vẫn ngốc tiếp tục. Đây là một thực tế kinh tế mà nếu ai vẫn không thức tỉnh thì người đó không có thuốc. Với những người bệnh không có thuốc như vậy mà vẫn tiếp tục duy trì một cách tích cực các quan điểm của mình thì đất nước của chúng ta là một con bệnh không thuốc.
Hỏi:Hết thuốc này thì thuốc khác là cái gì?
Trả lời: Tan rã. Tan rã không có nghĩa là mất nhà nước, mất chính quyền, bởi vì chúng ta nhớ rằng có những thứ chính quyền mà cho ai người ta cũng không nhặt. Có những nhà nước mà không ai muốn dây, mà người đầu tiên không muốn dây với nó là dân của nó. Trong lịch sử chính trị của chúng ta không phải là không có những giai đoạn hết thuốc và người ta không muốn dây. Cái đó diễn ra trong một thời kỳ khá dài, nó đã trở thành chương trình quốc tế, một hiện tượng quốc tế kéo dài trong cả chục năm. Chúng ta bây giờ uống rượu vang, uống champagne loại xịn và chúng ta quên mất chúng ta đã từng nuốt những viên thuốc khủng khiếp như thế nào. Có lẽ trong các sinh hoạt chính trị Việt Nam chúng ta phải ôn lại những giai đoạn như vậy. Một dân tộc tính từ rơm rạ cho đến cái vệ tinh Vinasat I có 90 tỷ đô la, mà một tập đoàn trong vòng 3-4 năm đốt khoảng 4-5 tỷ thì anh thử tưởng tượng xem, 10 tập đoàn là hết một nửa. Chúng ta có đến 20 tập đoàn mà tất cả đều như thế thì hết. May mà tất cả những người con anh hùng của đất nước chúng ta chỉ có một vài kẻ đốt thế thôi chứ ai cũng đốt như thế thì chết. Mà nói cho cùng mất mấy tỉ đô la từ Vinashin cũng chưa phải là mất mát lớn nhất. Chúng ta đã từng phải đổi chủ quyền lấy những khoản vay, mà cái đó cả xã hội đã lên án, chẳng còn gì là bí mật cả.
Hỏi: Nếu muốn khắc phục để cứu nền kinh tế thì phải làm thế nào?
Trả lời: Không phải vô tình mà chúa xui khiến Đại hội XI của Đảng được tiến hành cùng một thời điểm với cuộc đại phẫu thuật các tập đoàn nhà nước.
Hỏi:Những bước tiếp theo để nền kinh tế phát triển lành mạnh hơn, để môi trường cạnh tranh trong lành hơn cần có những gì?
Trả lời: Cần có một lý thuyết phát triển Việt Nam rõ ràng. Cần có cải cách chính trị với những tiêu chuẩn hợp lý, rõ ràng và vừa với sức chịu đựng của dân tộc này, của cả Đảng, chính phủ và xã hội. Nếu không thừa nhận một cuộc cải cách chính trị hợp lý thì mọi cái còn lại không có ý nghĩa gì hết. Đấy là việc số một. Không phải cải cách chính trị là thay đổi điều 4 giống như một vài người nói. Bởi vì chúng ta phải cân nhắc xem liệu có nên đem cho những cơ thể yếu đuối những món ăn nặng đến mức nó chỉ kịp nuốt trước khi chết. Vì thế tôi mới nói rằng cần cải cách một cách hợp lý và phù hợp với năng lực chịu đựng của đối tượng cải cách.
Hỏi: Với đối tượng là các doanh nghiệp nhà nước thì cần những gì?
Trả lời: Tôi đang nói đến cải cách chính trị chứ không phải cải cách doanh nghiệp. Nếu không có cuộc cải cách chính trị thoả đáng thì sẽ không có cuộc cải cách doanh nghiệp thoả đáng vì nó không có giá trị, nó sẽ chỉ là đánh bùn sang ao. Rồi chúng ta sẽ lại có chuyện tách TKV ra làm ba, EVN ra làm năm, làm bẩy, tách hết. Mỗi một lần tách như vậy là tài sản quốc gia bị biến mất một phần. Tại sao nước Nga, người tài trợ cho toàn bộ phong trào cộng sản trên thế giới vào những năm 70 bỗng nhiên trở thành con nợ của nhân loại vào cuối những năm 80? Cuộc đại sơ tán tài sản ấy diễn ra như thế nào và tài sản khổng lồ ấy đi đâu? Chúng ta không có gì đặc biệt để không xuất hiện một hiện tượng như thế trên thực tế. Tẩu tán tài sản là sự mất mát năng lượng để tồn tại của bất kỳ quốc gia nào trong giai đoạn chuyển đổi. Đấy là một nguy cơ khổng lồ. Nguy cơ ấy phải có tầm nhìn mới nhìn thấy, phải có nỗi lo xa về vận mệnh của đất nước mới nhìn thấy, và nó phải được thể hiện trong cải cách chính trị.
Tôi không muốn nói một cách đãi bôi về chuyện này vì nó quá quan trọng đối với vận mệnh đất nước. Tôi kêu gọi sự lo lắng, sự trăn trở, sự suy nghĩ với tất cả nỗi niềm là đất nước của chúng ta hoàn toàn có thể rơi vào tình trạng hoảng loạng khi mất mát như vậy. Nếu không làm việc ấy, đừng làm việc gì nữa. Sau đó mới đến câu chuyện cải cách doanh nghiệp. Tôi nghĩ rằng những kinh nghiệm mà chúng ta tích luỹ được trong hơn 20 năm đổi mới đã được kết tinh vào Luật Doanh nghiệp. Hãy thực thi một cách đầy đủ tinh thần của luật doanh nghiệp. Đấy chính là cách cứu nền kinh tế Việt Nam.
Hỏi: Có một thực tế là nhiều doanh nghiệp hiện nay đang rất khó khăn, nhưng trong thời điểm này chuyển đổi sang công ty TNHH một thành viên để theo một lộ trình nào đó khoảng 1-2 năm chuyển thành công ty cổ phần. Vậy việc chuyển đổi hai lần như vậy có thêm một gánh nặng làm trầm trọng thêm tình trạng của các doanh nghiệp đó không?
Trả lời: Tôi thấy rất lạ không hiểu sao nhiều người lại nghĩ rằng công ty TNHH một thành viên buộc phải cổ phần hoá. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy mọi người cứ áp đặt một cái lộ trình mà nó chẳng liên quan gì đến nhau cả, xét trên góc độ khoa học. Công ty của ai đâu có quan trọng. Tại sao chúng ta lại bảo công ty thuộc sở hữu nhà nước thì nó trở nên quan trọng? Cái quan trọng ở chỗ là nhà nước tài trợ cho nó một cách vô nguyên tắc. Cho nên tôi mới nói rằng thực thi một cách nghiêm túc tinh thần cơ bản của luật doanh nghiệp thôi thì không còn vấn đề buộc phải cổ phần hoá. Cổ phần hoá là quá trình diễn ra trong những lúc bình thản nhất của nền kinh tế, trong những năng lực kiểm soát và quản lý tốt nhất của chính phủ để tài sản quốc gia không bị tẩu tán trong quá trình cổ phần hoá. Đấy là nhiệm vụ cơ bản của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam đối với quá trình cải cách doanh nghiệp.
Chúng ta lấy mục tiêu biến sở hữu nhà nước thành sở hữu tư nhân, sở hữu xã hội là biến những tiêu chuẩn hình thức trở thành nội dung. Điều đó không đúng. Phải biến thái độ của chính phủ đối với các doanh nghiệp trở thành thái độ bình đẳng. Ví dụ, con tôi làm ở công ty của tôi, nếu tôi tài trợ cho nó với tư cách không phải người bố mà là người chủ cơ sở kinh doanh thì con tôi sẽ hư hỏng. Nhưng tôi xem nó bình đẳng như tất cả những người lao động khác. Trong những lúc khó khăn của nó tôi phải rút tiền túi ra để đưa nó. Đương nhiên, quen chi tiêu nhiều mà để đi vào chi tiêu bằng lao động của mình thì phải có quá trình. Quá trình tài trợ cho anh đi dần vào nề nếp khác xa với việc lấy công quỹ, lấy ngân sách xã hội để ưu tiên cho anh.
Hỏi: Vấn đề là khi nó chuyển thành công ty TNHH rồi mà nó hết vốn thì nhà nước có bơm vốn cho nó không và cơ chế bơm vốn như thế nào để ngăn chặn sự bơm một cách vô nguyên tắc?
Trả lời: Tôi nghĩ rằng không có ông bố đông con nào có đủ khả năng để bơm như vậy. Cần có thái độ đúng với các công ty. Không có cách nào khác cả nếu không làm đúng tinh thần của luật doanh nghiệp. Cho nên quay trở lại vấn đề anh nêu là có thể xem doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo, tôi nói lại rằng khi nào doanh nghiệp nhà nước vẫn là chủ đạo thì nhà nước trở thành một bà mẹ già buộc phải ăn cắp sữa của người khác cho con. Doanh nghiệp chủ đạo là tập hợp những doanh nghiệp có những đóng góp xã hội, có tốc độ phát triển tốt nhất. Doanh nghiệp chủ đạo không phải là một khái niệm chính trị mà là tập hợp những doanh nghiệp tốt nhất mà đất nước của chúng ta có, trong đó có doanh nghiệp nhà nước. Cho nên phải xây dựng lại khái niệm doanh nghiệp chủ đạo.
Nhiệm vụ chủ đạo là gì cũng phải được thể hiện một cách rõ ràng. Bây giờ trong nghị quyết, trong cương lĩnh chỉ có mỗi một câu doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo, còn chủ đạo cái gì là không nói. Phải xác lập được những đặc điểm nào, ưu thế nào của doanh nghiêp tạo ra năng lực chủ đạo. Nhà nước buộc phải xây dựng một tập hợp các doanh nghiệp chủ đạo, bất kể thành phần của nó. Đấy là việc mà thủ tướng chính phủ cần làm ngay. Việc hợp pháp hoá, hợp thức hoá, công khai hoá các doanh nghiệp làm xương sống cho nền kinh tế Việt Nam, bất kể nó thuộc thành phần kinh tế nào là công việc biểu dương những yếu tố tích cực để khuyến khích sự phát triển. Việc ấy chính phủ cần phải làm ngay, thậm chí ngay ngày mai.
Hỏi:Nhìn lại Luật doanh nghiệp 5 năm qua, ông đánh giá khái quát nó như thế nào?
Trả lời: Luật doanh nghiệp là một cái thang tiêu chuẩn rất tốt để hướng dẫn xã hội nhận thức về doanh nghiệp. Nó chưa có cơ hội để điều chỉnh trên thực tế đời sống của từng doanh nghiệp, nhưng nó đang điều chỉnh thái độ của các cơ quan chức năng của nhà nước đối với doanh nghiệp và ngay cả chính nhà nước nữa. Sau 1/7 luật doanh nghiệp có thêm dưới cái ô của nó một số thành phần và những thành phần ấy chưa được luật doanh nghiệp phân loại. Nó mới bắt đầu chịu ảnh hưởng điều chỉnh của luật doanh nghiệp chứ luật doanh nghiệp chưa phân loại được nó và nó cũng chưa chứng tỏ có đủ khả năng chịu đựng được sự điều chỉnh của luật doanh nghiệp.
Hỏi: Tại sao luật doanh nghiệp chưa đi vào cuộc sống được?
Trả lời: Bởi vì Luật doanh nghiệp là tiến bộ xã hội chứ chưa phải là tiến bộ chính trị của những người cầm quyền. Những người cầm quyền chưa thấy nó là một vũ khí chính trị quan trọng để giúp họ thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị. Luật doanh nghiệp là công cụ giúp nhà nước, giúp Đảng thoát khỏi khủng hoảng chính trị chứ không chỉ giúp doanh nghiệp thoát khỏi khủng hoảng kinh tế.
Đánh giá như thế không hề cao quá. Mọi hành vi chính trị bây giờ đều xoay xung quanh doanh nghiệp. Những vấn đề an ninh quốc phòng bây giờ cũng xoay xung quanh những vấn đề kinh tế của các doanh nghiệp. Trong các hành vi kinh tế chứa đựng tất cả các yếu tố từ chính trị, ngoại giao đến an ninh, quốc phòng. Doanh nghiệp và kinh doanh trở thành những yếu tố thao túng nền chính trị, thao túng nền quốc phòng, thao túng nền an ninh, thao túng cả nền ngoại giao nữa.
Hỏi: Vai trò doanh nghiệp lớn như vậy thì luật doanh nghiệp càng cần phải được phát huy, nếu không nó hoạt động bằng cái gì?
Trả lời: Nó hoạt động bằng bản năng. Bản năng lành mạnh của con người đang điều chỉnh các hành vi kinh doanh của xã hội chứ không phải nhà nước.
Hỏi:Như vậy luật doanh nghiệp cũng đang bất lực?
Trả lời: Cho nên tôi mới nói rằng cải cách chính trị là công việc số một. Bởi vì luật là một bộ qui tắc. Nó nằm trong tay ai? Nằm trong tay nhà nước để gây áp lực với xã hội và nằm trong tay xã hội để chống lại sự gây áp lực của nhà nước. Luật bao giờ cũng là công cụ hai chiều về mặt chính trị. Bộ luật nào cũng thế. Nếu không có bộ luật dân sự Anh thì làm sao luật sư Loseby có thể giải phóng Hồ Chí Minh ra khỏi nhà tù Hongkong? Không có luật pháp vào những năm 1936-1939 thì làm sao các quan toà có quyền ra lệnh cho nhà tù Đông Dương thả ông Trường Chinh, ông Hoàng Quốc Việt ra khỏi tù được? Bây giờ các cụ mất rồi, nhưng xem lại hồi ký của các cụ thì chúng ta sẽ thấy rất rõ rằng những công cụ pháp luật ấy đã cứu nhiều người cộng sản ra khỏi nhà tù thực dân.
Hỏi: Cho nên bây giờ chúng ta cũng phải đề cao pháp luật?
Trả lời: Đương nhiên. Luật pháp là bộ qui tắc điều khiển hai chiều. Điều chỉnh, giám sát quyền lực của nhà nước. Hôm qua tôi xem một bộ phim, có một cô phỏng vấn một anh cảnh sát, cô ấy hỏi rằng "Tôi hỏi thật anh, anh đã bao giờ bắn chết người chưa?" Anh cảnh sát bảo "có". Cô ấy hỏi câu thứ hai: "Lúc anh bắn anh có run không?" Anh cảnh sát bảo "Không". Cái sự không run ấy chính là ưu thế của những người thực thi công vụ. Bây giờ chúng ta có thể ra lệnh đàn áp một nhóm người mà không run bởi vì nhân danh công vụ. Nhưng khi trở thành một người dân thông thường mà anh bắn một con chó ngoài đường là run tay. Cho nên việc nắm giữ những công cụ để thực thi công vụ là một sức mạnh. Sức mạnh ấy phải được pháp chế hoá. Nếu không có luật pháp để hạn chế quyền lực nhà nước thì chúng ta không có cơ hội để phân biệt giữa một anh cảnh sát và một tên cướp.
Hỏi: Thực tế của doanh nghiệp nhà nước vừa rồi, được bú mớm, chăm sóc rất kỹ, nhưng kết quả mang lại là như vậy thì ông có tin rằng cái nhận thức về luật doanh nghiệp của các nhà lãnh đạo sẽ có sự thay đổi thật sự không?
Trả lời: Cái tôi luôn tự hỏi mình là tại sao các anh ấy lại thức tỉnh chậm thế. Cái câu hỏi mà tôi luôn tự hỏi ấy tố giác một điều là tôi luôn chờ đợi sự thức tỉnh.Đại hội XI có phải là một cơ hội để các anh ấy thức tỉnh không? Tôi không có kinh nghiệm về mặt thông tin cũng không có quan hệ để có thể nói ra một điều chắc chắn, nhưng tôi nghĩ sớm hay muộn sự thức tỉnh ấy buộc phải đến, nếu nó không đến thì tan rã.
Hỏi: Sau 1/7 các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có thêm các đối thủ mới thì theo ông nên mừng hay nên lo?
Trả lời: Đứng trên giác độ nào để chúng ta mừng hay lo? Nếu vì quyền lợi đất nước thì đây là điều đáng mừng, bởi vì cạnh tranh rèn luyện năng lực của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào tham gia vào cuộc cạnh tranh để rèn luyện năng lực của mình cũng đều làm cho việc kinh doanh của đất nước chúng ta phát triển. Cho nên, về căn bản là mừng. Còn nỗi lo cũng có. Lo từ phía các khu vực khác rằng nó to thế mà cạnh tranh với nó thì làm sao. Đó cũng là một câu hỏi, nhưng câu hỏi ấy sẽ được giải đáp rất nhanh bằng thực tế. Tức là trên thực tế cạnh tranh không khủng khiếp, không phải là cuộc chiến như nhiều người vẫn nói. Có những câu nói rất sai: “từ chiến trường đến thị trường”. Chiến trường là nơi tiêu diệt, thị trường là nơi phát triển, không có mối quan hệ biện chứng nào giữa chiến trường và thị trường cả. Thêm một lực lượng cạnh tranh thì có thể làm cho một số công ty nào đó lo. Ví dụ như xuất hiện một số tập đoàn phân phối bán lẻ nhà nước làm cho tập đoàn Phú Thái có thể lo. Thế nhưng đã có những dấu hiệu chung sống giữa tập đoàn phân phối kiểu nhà nước với tập đoàn phân phối tư nhân, đó là Saigon Co-op, họ sống khá thân thiện với tập đoàn Phú Thái.
Tôi không cho rằng thương trường là chiến trường. Thương trường hoang dã thì mới gần với chiến trường. Các nền kinh tế đang chuyển đổi, các nền kinh tế chậm phát triển, các nền kinh tế không văn minh thì thương trường mới gần với chiến trường. Hay nói cách khác, chúng ta phấn đấu sửa đổi luật pháp, sửa đổi thái độ, sửa đổi nhận thức để cho thương trường càng ngày càng ít giống chiến trường.
Hỏi: Nếu ra chiến trường với những đối thủ khổng lồ được trang bị áo giáp thì mấy anh cầm tầm vông vạt nhọn thua mất?
Trả lời: Cũng chưa biết được. Bởi vì sự hư hỏng của những lực lượng được gọi là các tập đoàn kinh tế nhà nước là kết quả của sự thắng về tinh thần của khu vực tư nhân. Làm hư hỏng kẻ địch cũng là một món võ. Làm hư hỏng, làm tha hóa các lực lượng lãnh đạo và điều hành các doanh nghiệp nhà nước là một món võ cực kỳ lợi hại của các khu vực mà xưa nay nhà nước vẫn coi thường nó. Đấy là sự trả đũa của xã hội dân sự đối với sự tôn vinh, chăm sóc một cách vô lý các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Hỏi: Nếu thật sự được cạnh tranh bình đẳng thì có thể thấy chắc chắn là các doanh nghiệp nhà nước sẽ thua so với khối doanh nghiệp tư nhân lành mạnh, gọn nhẹ?
Trả lời: Không ai cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước không thua loại doanh nghiệp nào hết. Doanh nghiệp nhà nước là loại doanh nghiệp tự thua. Nếu chúng ta không giải thích khéo chỗ này, thì các nhà lãnh đạo Đảng sẽ nói rằng nếu xem xét bình đẳng là tạo cơ hội để thua cho các doanh nghiệp nhà nước. Giải thích như vậy là sai. Các doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp tự thua bằng sự tha hóa của nó. Không cạnh tranh với ai nó cũng thua. Tha hóa không phải là kết quả của sự thua mà là kết quả của sự tự hoại các năng lực và phẩm chất.
Cho nên, tôi nghĩ rằng cuộc cạnh tranh sẽ làm tốt vai trò của nó đối với các doanh nghiệp nhà nước và dần dần cải tạo thái độ của nhà nước đối với các doanh nghiệp của mình. Đấy là việc quan trọng nhất sau cải cách chính trị. Cải cách chính trị là sắp xếp lại thể chế cho phù hợp với tình hình mới. Chưa phải là thay đổi điều 4, sửa đổi hiến pháp, quay về năm 1946 giống như một số người nói. Đưa ra những đề xuất như vậy là chưa cần thiết. Tôi chưa bao giờ đưa ra một đề xuất như thế và chắc chắn là tôi sẽ không đưa ra một đề xuất như thế. Quan điểm của tôi là trong lúc góp ý thì không nên gây cho những người cầm quyền sự khó chịu. Họ phải đủ thanh thản để tiếp nhận những sự góp ý thì sự góp ý ấy mới mang lại hiệu quả.
Hỏi: Bây giờ, với thực trạng kinh tế thế này thì không thể ưu tiêu theo kiểu cũ được nữa, buộc phải có một sự thay đổi. Tín hiệu 1/7 này phải chăng là rất quan trọng?
Trả lời: Vô cùng quan trọng. Cách đây khoảng một năm, quốc hội đưa ra thảo luận, chính phủ đưa ra thảo luận và xã hội cũng thảo luận về xây dựng quy chế quản lý các tập đoàn kinh tế. Tại thời điểm ấy, có nhiều người phỏng vấn tôi và tôi nói rằng không ai có thể tìm ra và xây dựng nổi quy chế ấy. Bởi vì quy chế công ty là thành tựu của kinh tế học vi mô chứ không phải là kết quả ngẫu nhiên từ sự phát biểu sướng miệng của ai đó. Nếu chỉ chính phủ thảo luận thì không nói làm gì, nhưng cả quốc hội cũng thảo luận thì có nghĩa là định luật hóa chuyện ấy, nhưng không thành công. Đây là thất bại của thái độ duy ý chí trong việc xây dựng các tổ chức kinh tế.
Nhưng thất bại này lại rất thân ái, bởi vì nếu không có thất bại này thì sẽ có thất bại lớn hơn. Những bằng chứng về thất bại lớn hơn có rồi. Anh ưu tiên thêm quá ngưỡng đối với ai là kẻ ấy chết và trở thành tai họa cho anh. Bây giờ bỗng nhiên quốc hội lại phê chuẩn quy chế tập đoàn, tức là luật hóa quy chế tập đoàn, thì người lãnh trách nhiệm đối với lịch sử về chuyện này to lắm.Mà người lãnh trách nhiệm ấy là thủ tướng. Thủ tướng rất may vì xã hội không ủng hộ chuyện này. Tức là xã hội thấy thủ tướng vất vả tới mức không muốn để ông ấy thất bại thêm nữa.
Anh có thấy trên thế giới mấy tháng vừa rồi xuất hiện thêm một cuộc cách mạng nữa, cuộc cách mạng dân chủ diễn ra trong nước cộng hòa Kyrgyzstan. Khi người ta trưng cầu dân ý thì có tới hơn 90% nhân dân phê chuẩn hiến pháp mới và người lãnh đạo cuộc đảo chính ấy trở thành tổng thống một cách cực kỳ vinh hiển. Đấy là chế độ đại nghị đầu tiên trong lịch sử của nước cộng hòa Kyrgyzstan. Đừng bao giờ coi thường nhân dân, nếu như anh có nói được với ai thì xin anh nói với họ rằng coi thường nhân dân vừa là tội ác vừa là sự ngu ngốc không thể tưởng tượng được.
Hỏi: Lẽ ra các nhà chính trị phải thuộc điều đó hơn người dân mới đúng?
Trả lời: Con người có một bệnh là bệnh mau quên. Cách đây mấy tháng hay mấy năm thì họ là nhân dân. Tôi đã từng nghe không ít vị bộ trưởng trong nội các hiện nay phê phán bộ máy nhà nước quan liêu khi họ còn là vụ trưởng, vụ phó. Nhưng họ chóng quên thân phận nhân dân của họ, và vì thế nên họ cũng quên mất một điều quan trọng là chỉ vài ba năm nữa họ sẽ trở lại là nhân dân. Cho nên tôi nói rằng, các nhà chính trị buộc phải học được bài học cực kỳ quan trọng là không được coi thường nhân dân.
Hỏi: Dạo này, thí dụ như Hà Nội chẳng hạn, các nhà lãnh đạo có vẻ rất trọng nhân dân, cứ làm gì mà nhân dân lên tiếng là thôi.
Trả lời: Đấy không phải là trọng nhân dân mà là sợ nhân dân. Trước đây thì nhân dân sợ các anh ấy, và nhân dân đang cáu đến mức biến mình thành nỗi sợ cho họ. Nhân dân đang làm việc ấy và coi chừng nhân dân đã bắt đầu quen làm việc ấy đến mức khối người trở thành kẻ lắm mồm. Chuyện xây cổng chào chẳng hạn. Chúng ta xây cổng chào để chào ai? Trên các xa lộ người ta không có nhu cầu dừng lại để ngắm cổng chào. Trên đời này cổng chào chỉ xuất hiện như khải hoàn môn. Cổng chào hay khải hoàn môn xuất hiện trong thời kỳ đấu tranh dựng nước và giữ nước ở mọi nơi trên thế giới, ở mọi thời điểm trong lịch sử. Cũng có trường hợp khải hoàn môn được xây dựng để chào lực lượng chiếm đóng. Nếu làm khải hoàn môn để chào những kẻ chiếm đóng thì không nên làm phía Hải Phòng hay phía Tây mà làm một phía thôi.
Hỏi: Trong ý tưởng làm cổng chào thể hiện nhiều sự cẩu thả. Ví dụ như biểu tượng trống đồng chẳng hạn, nó tượng trưng cho sự nhất thống mà lại đem xẻ làm đôi mỗi bên một nửa. Hay là chuyện làm 8 con rồng để tượng trưng cho 8 vua Lý đứng chào ở đầu đường. Có ai đó nói là đã giải phóng mặt bằng rồi, nếu không làm cổng chào thì sẽ làm bãi đỗ xe, như vậy các nhà tài trợ có mục đích của họ chứ không phải làm vì một cái gì tốt đẹp cả?
Trả lời: Cách tốt nhất bây giờ là giới tri thức lờ đi những hiện tượng tiêu cực ở tầm thấp như thế. Hãy để cho nhân dân nói, nhân dân bây giờ đủ trí tuệ để phát hiện những vấn đề như thế. Giới trí thức chỉ bình luận những phát hiện của nhân dân thôi, không nên xông vào đấu cùng nhân dân. Nhân dân tự làm được việc ấy và làm còn giỏi hơn giới trí thức nhiều. Giới trí thức chỉ đứng ngoài bảo: tôi đã cảnh báo rồi, anh không nghe thì bây giờ nhân dân chỉ ra kia kìa.
Tôi kể anh nghe một câu chuyện. Tôi có một ông cậu 78 tuổi bây giờ vẫn còn sống. Ông ấy lúc trẻ rất đẹp trai mà lại là trung úy quân đội nhân dân Việt Nam. Khi đoàn quân tiến về thủ đô vừa mới giải phóng thì ông ấy gặp một người con gái Hà Nội. Hai người làm quen với nhau và yêu nhau tha thiết. Ông ấy còn ghi tên mình và tên cô gái vào tất cả các đồ dùng của mình. Đến khi không khí say mừng chiến thắng biến mất rồi, quay lại đời sống thông thường thì mỗi một người phải đi tìm trường học. Cô gái ấy thi đỗ vào trường Y, còn cậu tôi vốn là bộ đội không đủ chữ nghĩa, kiến thức để vào trường Y nên chỉ đỗ vào trường Sư phạm. Ngày ấy, theo quan niệm của xã hội thì nhất Y nhì Dược, mà cậu tôi lại đỗ vào Sư phạm là hạng chót, cho nên cô gái ấy đã bỏ ông. Ông ấy rất đau khổ, ông ấy buồn rười rượi và ngồi khóc. Sau này, ông ấy lấy vợ là người học cùng trường sư phạm. Ông ấy có lần hỏi tôi: anh là cháu tôi và là học trò của tôi nữa, nhưng đối với tôi anh là thầy, anh giải thích cho tôi hiện tượng ấy. Tôi trả lời: "Có gì đâu, lúc cậu gặp cô gái ấy là lúc mới say mừng chiến thắng, giống như câu thơ họ đi giữa trời đầy sao, không trông thấy gì không nghe thấy gì họ chỉ thấy nhau. Lúc ấy cậu là người anh hùng, là người chiến thắng. Cô ấy mê là mê người chiến thắng. Nhưng khi cậu định lấy người ta thì cậu không còn là người chiến thắng nữa mà cậu đi xin tình yêu của người ta, và lúc đó người ta mới xét xem cậu là ai. Cậu ra khỏi vỏ bọc của người anh hùng chiến thắng để trở thành một người đi cầu hôn thì lúc đó ánh hào quang cũng không còn nữa.
Tôi còn một câu chuyện nữa. Mẹ vợ của một nhân viên của tôi là con cháu của một chủ nhà thuốc là một dược sĩ có tiếng tăm ở Hà Nội khi mới giải phóng. Bà ấy lấy một ông phó tiến sĩ nông học từ Liên Xô về. Khi con cái của họ đã lớn cả thì họ không chịu được nhau nữa và bỏ nhau. Con gái của bà ấy là vợ của nhân viên của tôi có dịp gặp tôi và hỏi: "Bố mẹ em lấy nhau trong khung cảnh rất hạnh phúc, nhưng không hiểu các cụ chán nhau từ bao giờ mà bây giờ già rồi, 70 tuổi rồi không sống được với nhau lại bỏ nhau. Bố em đi với một bà, mẹ em cũng kiếm một ông, bọn em bơ vơ ở giữa. Anh giải thích thế nào về chuyện ấy?" Tôi nói: "Có gì đâu lúc ấy mẹ cô là con cháu của một dược sĩ có tiếng, mẹ cô cần sự bảo lãnh chính trị từ phía những người cộng sản, còn bố cô là người cộng sản đạt tiêu chuẩn nhất vì bố cô vừa là phó tiến sĩ vừa là bộ đội, vừa là đảng viên. Mẹ cô lấy bố cô vì cần một cái giấy bảo lãnh. Còn bố cô thì dù đi học ở Liên Xô về nhưng vốn là một người từ quê ra, bố cô đô thị hóa bằng cách lấy một cô vợ gốc Hà Nội. Hai người đều nhận được những cái mà mình muốn, nhưng hai cái đấy không có chung tâm hồn. Vì không có gì chung nhau giữa cái giấy bảo lãnh vấ cái giấy chứng nhận đô thị hóa cho nên cuối cùng họ không thể tiếp tục chung sống với nhau. Cô ấy về kể lại với mẹ cô ấy những điều tôi nói. Bà ấy bảo "Mẹ đã giấu kín tâm trạng ấy đến bây giờ khi mẹ 80 tuổi rồi, vậy mà sao một người kém mẹ đến 20 tuổi như anh Bạt lại có thể đọc ra được tâm trạng ấy."
Tôi muốn kể hai câu chuyện ấy với anh để đến một kết luận quan trọng hơn là thời hạn chung sống giữa những "giáo điều" của các loại chủ nghĩa... với xã hội Việt Nam đã hết. Bằng sự nở rộ của lễ hội, bằng sự nở rộ của các thói quen chùa chiền, của sinh hoạt đồng cốt, tức là quay trở về với trạng thái nguyên sơ của xã hội Việt Nam, có thể thấy những giáo điều chủ nghĩa... đã hết duyên đối với dân tộc chúng ta rồi. Những nhà lãnh đạo của chúng ta buộc phải ý thức được giới hạn ấy. Đấy là kết luận của tôi cho buổi gặp gỡ rất thú vị này.
Cảm ơn ông!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn