Mối quan hệ giữa tình cảm và lý trí trong ý thức đạo đức

08:12 CH @ Thứ Năm - 12 Tháng Hai, 2015

Chúng ta đều biết, mỗi hành động đạo đức đều xuất phát từ những cơ sở nhất định của một ý thức đạo đức. Trên cơ sở ý thức đạo đức, chủ thể hành động đưa ra những phán quyết cho một sự kiện cần phải có sự đánh giá về mặt đạo đức. Do vậy, việc hiểu rõ cơ sở ý thức đó là gì và bản chất của nó là như thế nào đó là điều có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng xây dựng, bồi dưỡng ý thức đạo đức cho con người, đồng thời cũng giúp cho chúng ta có được những lý giải về rất nhiều vấn đề đạo đức phức tạp trong thực tiễn, nhất là trong bối cảnh phức tạp của một giai đoạn đang có sự chuyển đổi những giá trị đạo đức ở nước ta khi bước vào cơ chế thị trường, toàn cầu hoá và kinh tế tri thức. Với suy nghĩ đó, trong bài viết này, chúng tôi chỉ bàn riêng về cơ sở ý thức của hành động đạo đức, chứ không có ý định bàn đến cơ sở hình thành quan điểm đạo đức.

Trong lịch sử tư tưởng đạo đức đã có nhiều quan điểm khác nhau về cơ sở ý thức của đạo đức. Trong số những quan điểm khác nhau đó, nổi lên hai khuynh hướng đối lập nhau giữa một bên đề cao những tình cảm, xúc cảm và bên kia là lý trí trong ý thức đạo đức. Ngả theo khuynh hướng thứ nhất, Gi.Rútxô cho rằng, khởi nguyên của ý thức đạo đức là tình thương. Đối với ông, tình thương là loại tình cảm nguyên thuỷ của "con người tự nhiên", và chính sự mở rộng tình thương nguyên thuỷ này sẽ tạo nên cơ sở đạo đức của xã hội. Coi tình thương là hiện tượng thứ nhất của đạo đức, là đầu nguồn của những nghĩa vụ pháp lý nghiêm ngặt và nghĩa vụ đạo đức, là ngọn nguồn của cả chính nghĩa lẫn lòng nhân, ông cho rằng, nhờ có tình cảm nguyên thuỷ này mà con người mở rộng lòng độ lượng, khoan dung nhân ái với những kẻ yếu, những người phạm tội và cả loài người nói chung. Với quan niệm này, ông đã phát hiện ra động lực quan trọng nhất khích lệ con người hành động có đạo đức. Nhưng tình thương của ông bắt đầu từ đâu? Gi.Rútxô cho rằng, trước hết chúng ta hãy đặt mình vào địa vị của kẻ đau khổ và khi đó, chúng ta sẽ thấy, để có được tình cảm này, con người luôn cần đến sự trung giới của trí tưởng tượng và do vậy, tình thương có nguy cơ biến mất khi trí tưởng tượng của ta không còn bay bổng, bới phàm những gì ta thấy quá nhiều thì ta không còn tưởng tượng về nó nữa. Như vậy, tình thương mà ông nói đến hình như không phải là thứ tình cảm bền chặt, mà chỉ là những rung cảm tự nhiên, phụ thuộc vào trạng thái tâm hồn của con người, nó giống như một thứ để ta nhấm nháp, thưởng thức khi tâm hồn có được những tưởng tượng bay bổng. Vậy, phải chăng đạo đức không tồn tại với tư cách một phẩm chất, mà tồn tại với tư cách một trạng thái? Nhờ có sự tưởng tượng, Gi.Rútxô khẳng định, ta nhìn thấy nỗi khổ mà mình có thể giúp phải qua nỗi khổ mà người khác đang phải chịu đựng và do vậy, ở ta xuất hiện sự thương cảm. Điều này có nghĩa là: Tôi không muốn người khác đau khổ cất là để tôi không đau khổ, tôi quan tâm đến nỗi khổ của người khác là vì tôi yêu tôi Và như vậy, hoá ra cái "tình thương" của ông cũng chỉ là cái tình thương chính mình - một thứ tình thương "ích kỷ sạch sẽ", hợp logic, thứ tình thương không cần có sự hiến dâng cho người khác một cách tương xứng với một tình cảm đạo đức đích thực. Chính vì vậy mà Gi.Rútxô đã không lý giải được cội nguồn thật sự của tình thương, ông chỉ phát hiện ra con người nhạy cảm, hay con người chỉ biết hưởng thụ sự nhạy cảm của mình một cách ích kỷ.

Phản đối quan điểm của Gi.Rútxô, Cantơ cho rằng, những tình thương nồng nàn dù có đẹp đến mấy thì nó vẫn chỉ là "sức mạnh lôi cuốn mù quáng" và ở nó, thiếu tính phổ biến của những nguyên lý. Theo I.Cantơ, kinh nghiệm không cho phép ta vươn tới tính phổ biến của những nguyên tắc. Tình thương cũng như mọi thiên hướng khác của con người luôn có nguy cơ lệ thuộc vào cái Tôi chủ quan, nhạy cảm và do vậy, nó có thể tách khỏi những đòi hỏi khách quan và phổ biến của đạo đức. Cantơ cho rằng, người ta có thể rất buồn khi phải chứng kiến một đứa trẻ khốn khổ, nhưng người ta cũng có thể bình thản đón nhận tin tức về một trận đánh lớn mà trong đó, rất nhiều người vô tội phải chết. Người đức hạnh không phải là ở chỗ chỉ biết than khóc trước sự bất hạnh của người khác, ngay cả khi tình cảm này đưa họ đến với ý thức về việc thực hiện nghĩa vụ của mình cũng chưa thể chứng tỏ rằng, việc hành động theo nghĩa vụ và những hành vi khác của họ đều có giá trị đạo đức đích thực. Để vươn lên cái phổ biến, cần phải gạt bỏ tất cả những dấu ấn của kinh nghiệm chủ quan để đến với cái "phải là" của luật. Cantơ lập luận, nếu các quy luật tự nhiên không phụ thuộc vào con người thì ngược lại, các quy luật đạo đức lại phụ thuộc vào ý chí con người. Vì vậy, nó chỉ có thể tồn tại được sự cưỡng chế của ý thức thông qua những "mệnh lệnh vô điều kiện (hay mệnh lệnh tuyệt đối)". Mỗi cá nhân đều phải xử thế sao cho quy tắc xử thế đó phù hợp với quy tắc của tất cả. Cantơ tuyên bố: "Hãy để cho lý lẽ phải được thực hiện, cho dù thiên đường có sụp đổ". Từ những quan niệm đó, Cantơ cho rằng, đạo đức là một hiện tượng thuộc lý trí, chứ không phải là sự kiện kinh nghiệm, tình cảm "Các nguyên lý cảm tính nói chung, theo ông, không thích hợp để dựa vào đó mà xây dựng các quy luật đạo đức". Rằng, chỉ có hành động nào của con người xuất phát từ "mệnh lệnh vô điều kiện" mới là hành động có đạo đức. Như vậy, xét về mặt lý trí, đạo đức đã được xác lập, nhưng về phía nhân tính, người ta chẳng còn thấy cái gì thúc đẩy họ hành động một cách có đạo đức. Vậy, phải chăng, khi "được dựng lên” trên bệ của chính nó, cứng đờ trong sự cố chấp, được nâng lên địa vị của người giải phóng, cái ý thức đạo đức lạnh lùng này... là thần tượng mới, dù nó là thần tượng của lý trí?". Trong quan niệm của Cantơ, chúng ta thấy vắng bóng những động cơ đạo đức của con người hiện thực.

Lấy tình cảm (tình thương) để xác lập cơ sở của ý thức đạo đức, Gi.Rútxô đã chỉ ra được cái động cơ của những hành động đạo đức. Nhưng trong việc lý giải cái chi phối tình thương đó, ông lại không thể thoát ra khỏi cái tình yêu bản thân mình để đến với cái vị tha của đạo đức. Ngược lại, lấy lý trí để xác lập cơ sở của ý thức đạo đức, coi nó như một loại nghĩa vụ tiên thiên, Cantơ đã trút bỏ được cái tình thương gây tổn hại cho việc xác lập tính đạo đức, nhưng ông không làm sao sát nhập nó vào được cái tình cảm tự nhiên để biến chúng thành cái có thể động viên, thúc dục con người hành động một cách có đạo đức. Ở Gi.Rútxô, đạo đức là tình thương người, nhờ nó mà con người có đạo đức và do vậy, nó không thể tự biện minh cho sự vô tư của nó. Còn ở Cantơ, đạo đức trở thành cái thuần khiết của những nghĩa vụ, nhưng lại chẳng làm xúc động được ai.

Vậy, nghĩa vụ hay tình thương? Bởi chăng, người ta không thể vượt qua được sư lựa chọn này, nên "chỉ còn hy vọng vượt qua sự nan giải bằng cách thay đổi hệ hình của cuộc tranh cãi, có nghĩa là tư duy lại mỗi khái niệm của nó. Nhưng để làm việc này ít ra phải có được một cái nhìn khác, phải tìm được một điểm xuất phát mới”. Đó là hướng giải quyết khó khăn của Francois Julien - Giáo sư triết học và Trung Quốc học, Đại học Tổng hợp Denis Diderot, Paris. Điểm xuất phát mới mà ông đề cập đến là quan điểm của Mạnh Tử.

Mạnh Tử cho rằng, trong con người có bốn mối đầu (tứ đoán) cho tính thiện đó là: người ta ai cũng có lòng trắc ẩn (biết thương xót), lòng u tố (biết thẹn ghét), lòng từ nhượng (biết cung kính) và lòng thị phi (biết phải trái). Và, đó chính là đầu mối của nhân, nghĩa, lễ, trí. Thiện đoan đó là cái chất (tài chất) của con người. Những mầm thiện đó giống nhau ở mọi người, bởi "Phàm những vật đồng loại đều mang một bản chất giống nhau. Tại sao đối với con người, ta lại nghi ngờ điều đó? Các bậc thánh nhân và ta đều là đồng loại". Những cơ sở bẩm sinh đó như là những tiềm năng đạo đức, chúng giống như nước có thiên hướng "chảy xuống chỗ trũng". Nhờ có những "mối đầu” đó mà tình thương có thể phát lộ thành đạo đức.

Lý giải quan niệm này của Mạnh Tử, Francois Julien cho rằng, "vậy thì chúng không phải là những đức hạnh (vertu), mà chúng chỉ là những tiềm năng (vertualité)". Như vậy, với cách nhìn mới này về đạo đức, theo Frangois Julien, chúng ta đã thoát ra khỏi sự đối lập truyền thống giữa "lý trí" và “tình cảm". Bởi lẽ, những phản ứng tự phát này không có giá trị như là những động cơ bị quy định một cách kinh nghiệm (và do đó gắn với lợi ích riêng tư) mà có giá trị như một loại nghĩa vụ, như là mối liên hệ bản lai với người khác, ở thượng nguồn của mọi kinh nghiệm. Và, đó là "gốc rễ của tôi trong cộng đồng các sinh tồn phản ứng của tôi và lay chuyển tôi, thậm chí ngoài ý muốn của tôi". Nếu như ở Gi.Rútxô và Cantơ, người ta còn tìm thấy dấu vết của cuộc sống hiện thực trong những trải nghiệm và do đó in lên tình thương hoặc mệnh lệnh đạo đức, thì ở Francois Julien, nó là một thứ tình cảm "bản lai" đã thoát ra khỏi mọi quy định, ràng buộc của đời sống hiện thực. Vì vậy ông cho rằng, nó "chẳng phải là sự nội hiện của những tình cảm oán hận của những kẻ yếu (như trong tư tưởng của Nítsơ), chẳng phải là sự nội hiện của một lợi ích giai cấp (của Mác), hoặc cũng chẳng phải nội hiện của chức năng người cha (như trong lý thuyết của Phrớt): Nó sạch sẽ về mặt hệ tư tưởng, được giải thoát khỏi mọi sự tha hoá. Cho nên có thể dùng nó làm đá thử vàng cho đạo đức".

Quả thật, với cách nhìn "mới" này, Francois Julien đã thoát ra khỏi nhiệm vụ khó khăn trong việc lý giải cơ sở ý thức của đạo đức, khi không cần phải xem xét hai cực đối lập tình cảm và lý trí. Nhưng một cách xem xét, lý giải như vậy có hợp lý không, khi phủ nhận tính lịch sử, tính giai cấp của ý thức đạo đức? Điều này trái với quan niệm mácxít. Tham vọng tìm ra "con đường thứ ba" của Francois Julien theo cách đó đã phá sản.

Theo chúng tôi, sự bế tắc của các khuynh hướng đối lập (mà Gi.Rútxô và Cantơ đại diện) là ở chỗ, nó chưa đánh giá đúng mối quan hệ giữa các yếu tố của ý thức đạo đức, giữa tình cảm và lý trí. Mặc dù những quan niệm này đều có những mặt hợp lý của nó, song vì quá chú ý đến một phương điện, nên chúng vẫn bị hạn chế của cách nhìn siêu hình.

Trong ý thức đạo đức, nhiều nhà nghiên cứu đã phân biệt hai mặt: mặt luân lý (ethics) và mặt đạo đức (morals). Theo William S.Sahakan và Mabel L. Sahakan thì "giữa luân lý (ethics) và đạo đức (morals) có mối quan hệ tương tự như lý thuyết và thực hành vậy. "Đạo ám chỉ đến lý thuyết về lẽ chân - thiện - mỹ trong đời (đạo học), trong khi "đức" ngụ ý đến việc thực hành đạo lý ấy trong cuộc sống đời thường". Tương tự như vậy, Giáo sư Cao Xuân Huy cũng đã đưa ra quan niệm của ông về đạo đức như sau: "Đạo là bản thể của Vũ trụ, mà đức là bản tính năng động tính, là tác dụng của đạo". Quan niệm đó của ông tương đồng với quan niệm của Lão Tử - "Đạo sinh nó (trời đất, vạn vật), đức nuôi nó, nặn hình cho nó, thế cho nó được trọn vẹn". Còn theo Giáo sư Huỳnh Khái Vinh, luân lý là những quy luật đạo đức bền vững có giá trị cho tất cả mọi người. Trong khi phạm trù đạo đức được hiểu là những thái độ đạo đức - thực tiễn và ở mức độ nhất định mang tính chủ quan, cá nhân và có tính biến đổi cao. Luân lý nghĩa là mục đích, còn đạo đức là con đường đạt đến đạo lý làm người... Luân lý là phần kết tinh của tư tưởng đạo đức, nghĩa là nó chỉ là một phần của hình thái ý thức xã hội, nhưng đó là ý thức ổn định và được thừa nhận rộng rãi... Luân lý mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và thường thống nhất với giá trị nhân văn và giá trị văn hoá, trong khi đó nhiều khi giá trị đạo đức của một nhóm người nhất định có thể không phù hợp với giá trị nhân văn và văn hoá".

Như vậy, ý nghĩa thật sự của đạo đức bao gồm một phạm vi rộng lớn hơn rất nhiều so với nghĩa hẹp của nó. Trong cuộc sống đời thường, chúng ta chỉ quan niệm nó như một thứ "đạo làm người", khi xét từ phương diện lựa chọn cách ứng xử. Nhưng khía cạnh chủ yếu của đạo đức là luân lý lại quan tâm đến ý nghĩa rộng hơn thế. Nó khảo sát đến cội nguồn của một cuộc sống tất đẹp về lẽ chân - thiện - mỹ. Một hành vi được xem là hành vi đạo đức chân chính phải góp phần nâng cao tầm nhận thức và lẽ chí thiện ấy.

Cách hiểu này cho chúng ta thấy, những "mệnh lệnh tuyệt đối" của Cantơ không phải là hoàn toàn vô lý. Nó nhấn mạnh đến cơ sở lý trí, nền tảng có ý nghĩa to lớn trong ý thức đạo đức của cá nhân, cũng như của xã hội. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu đã đề cao những giá trị duy lý phương Tây, coi nó như một sự bù đắp cho sự thiếu hụt văn hoá truyền thống của Việt Nam, truyền thống quá coi trọng chữ "tình" đến mức bất chấp lý trí.

Việc chỉ ra cơ sở luân lý của đạo đức cho phép chúng ta nhận rõ vai trò to lớn của yếu tố lý trí trong ý thức đạo đức. Tuy nhiên, nếu quá nhấn mạnh yếu tố này đến mức tuyệt đối hoá nó, chúng ta sẽ lại rơi vào “ mệnh lệnh tuyệt đối" của Can tơ. Khuyết điểm cơ bản của chủ nghĩa duy lý chính là việc tuyệt đối hoá trí tuệ. Nội dung của ý thức đạo đức không chỉ bao gồm yếu tố trí tuệ. Con người có thể "thuộc làu” những chuẩn mực đạo đức, nhưng vẫn hành động trái đạo đức. Một hành vi đạo đức, ngoài yếu tố tri thức, còn cần đến yếu tố ham muốn nữa. Trong lịch sử hình thành quan niệm đạo đức, Arixtốt là người rất chú ý đến điều này. ông đã chỉ ra sai lầm của Xôcrát là ở chỗ chỉ thấy nguyên nhân của điều ác ở sự thiếu hụt về trí tuệ. Ông chứng minh rằng, cơ sở của trách nhiệm không phải ở trí tuệ, ở sự hiểu biết thế nào là ác, mà ở động cơ của hành vi. Quan niệm này cũng được Khổng Tử nhấn mạnh: "Biết (đạo lý) không bằng thích nó, thích nó không bằng vui làm theo nó" (Tri chi giã bất như hiếu chi giả, hiếu chi giả bất như lạc chi giả)". Có thể ví quan hệ giữa lý trí và tình cảm như là quan hệ giữa cái đèn pha của một ôtô và động cơ của nó. Trong quan điểm mácxít, lý trí và tình cảm là hai mặt không thể tách ra của ý thức đạo đức Hạn chế của các khuynh hướng đối lập trên chính là ở chỗ đã không thấy được mối quan hệ biện chứng giữa hai yếu tố này.

Mặc dù có sự nhất trí giữa các nhà nghiên cứu mácxít rằng, ý thức đạo đức là sự thống nhất giữa lý trí và tình cảm, cảm xúc, nhưng nhìn chung, các phân tích chỉ dừng lại ở chỗ chỉ ra vai trò của lý trí và tình cảm trong ý thức đạo đức một cách rất chung chung. Rất ít tác giả có những phân tích một cách cụ thể cái "cơ chế" tác động giữa lý trí và tình cảm trong các phán đoán đạo đức trước những tình huống thực tiễn.

Sở dĩ chúng tôi giả định những phản ứng trước những tình huống bất ngờ trong thực tiễn là vì, theo chúng tôi, chỉ những phản ứng tức thì như vậy mới bộc lộ đạo đức thật sự của chủ thể. Một phản ứng về mặt đạo đức, đã phải trải qua thời gian suy ngẫm, đấu tranh, giằng xé lương tâm để đạt đến chuẩn mực đạo đức, thì đó cũng chỉ là hành động hợp đạo đức. Một phản ứng cần phải trải qua thời gian suy xét đã chứng tỏ rằng, chủ thể hành động chưa vươn tới sự hoàn chỉnh thật sự về mặt ý thức đạo đức, chưa đạt tới một ý thức đạo đức với tư cách cái gắn liền với chủ thể hành động đạo đức và với tư cách một bộ phận ý thức không thể tách rời chủ thể. Thậm chí, đôi khi một phản ứng như vậy, mặc dù hợp đạo đức, nhưng không phải xuất phát từ động cơ đạo đức, mà có thể từ một động cơ hoàn toàn trái đạo đức, như vụ lợi, sợ hãi, nịnh bợ... Những phản ứng đạo đức như vậy là những phản ứng khiên cưỡng, thậm chí giả tạo, không phải là cái xuất phát từ những "bản tính tự nhiên" vốn có của chủ thể đạo đức. ở đây, chúng tôi không có ý định phủ nhận giá trị về mặt đạo đức của những hành động đạo đức khiên cưỡng (hoặc chưa đủ độ chín về ý thức), dù sao nó vẫn là những hành động hợp chuẩn mực đạo đức. Song, chúng ta không thể đánh đồng một hành động xuất phát từ bản chất tự nhiên của chủ thể với hành động cần phải có sự tính toán, đôi khi là vụ lợi; với cái chưa phải là gắn với phần ý thức đã được chủ thể tâm niệm. Một hành động đạo đức phản ánh ý thức đạo đức đích thực của chủ thể phải là hành động trong những phản ứng tức thì trước các tình huống đạo đức. Chỉ có thông qua những phản ứng tức thì như vậy, hành động đạo đức mới bộc lộ được cái bản chất "vốn có” của chủ thể.

Trong những tình huống đạo đức, chủ thể hành động đạo đức phải đưa ra quyết định tức thời, phải đưa ra những xúc cảm đạo đức đóng vai trò quyết định và do vậy, tiếng nói của lý trí dường như không có mặt trong phản ứng đạo đức đó. Vậy, phải chăng, có những quyết định đạo đức chỉ dựa trên những xúc cảm đạo đức? Theo cách hiểu này, nhiều tác giả đã đánh giá quá cao những tình cảm, xúc cảm đạo đức, mà "quên" rằng, thực ra, những phản ứng xúc cảm tức thì của con người trước những tình huống cụ thể cũng có sự đóng góp rất tích cực của lý trí.

Khi chủ thể đạo đức có ý thức đạo đức đạt đến một mức độ nào đó thì những hiểu biết lý trí và xúc cảm hoà quyện vào nhau, thông nhất với nhau một cách không thể tách rời và mỗi phản ứng đạo đức, mặc dù có tính xúc cảm, vẫn luôn ẩn giấu bên trong tiếng nói của lý trí. Sự kết hợp, thống nhất chặt chẽ trong các phản ứng đó có thể gọi là “trực giác đạo đức". Trực giác này "không có gì là mập mờ và nhìn rộng ra, nó là sự kết nối với những suy nghĩ tri thức... là biểu hiện cao nhất của sự nhận thức đầy đủ, rõ ràng, sáng chói và không thể nghi ngờ... Trực giác như một ánh sáng, một tia chớp, một sự nhận thức tức thời mà ở đó, không có sự điều tra lý lẽ". Rằng, "những suy nghĩ từ trái tim này chỉ có được sau khi đã có sự đào luyện bằng những suy nghĩ logic và suy luận". Điều này không có gì khó hiểu, bởi lẽ, trực giác giống như một tiềm thức mà về thực chất, đó là "những tri thức mà chủ thể đã có từ trước (bằng cách trực tiếp và gián tiếp nắm bắt chúng) nhưng đã gần như thành bản năng, thành kỹ năng nằm sâu trong tầng ý thức của chủ thể, là ý thức được dạng tiềm năng".

Nhờ có những trực giác đạo đức này mà ở chủ thể đạo đức, xuất hiện những phản ứng tức thì trước những tình huống đạo đức nhất định, những phản ứng đạo đức có sự thống nhất giữa lý trí và tình cảm. Tiếng nói của logic trong những quyết định tức thời đó không phải là "những hành động đọc chính tả", mà nó ở mức cao hơn của ý thức. Tức là nó không phải là sự lặp lại một cách máy móc những chuẩn mực đạo đức như một bài học thuộc lòng về những bổn phận, trách nhiệm của mỗi người nhưng lại thiếu sự thôi thúc của động cơ bên trong. Trong ý thức đạo đức, những suy nghĩ logic như một thứ "lương tâm" của xúc cảm đạo đức, giữ cho xúc cảm đạo đức tránh bị lạc đường. Khi những tình huống không cần phải có những phản ứng tức thời về mặt đạo đức, thì mặt lý trí tạm thời tách khỏi những cảm xúc để tiếp tục có những suy nghĩ logic nhằm làm giàu cho "lương tâm" của cảm xúc thông qua việc tìm kiếm những gì còn ở bên ngoài sự hiểu biết của chủ thể đạo đức. Sự hoàn thiện những suy nghĩ lý trí có khả năng tạo ra những điều kiện để nâng cao cảm xúc đạo đức, đồng thời làm cho trực giác đạo đức ngày càng chính xác, đúng đắn hơn. Ngược lại, những tình cảm đạo đức mạnh mẽ, sâu sắc lại đặt ra nhu cầu cho việc tìm kiếm lý lẽ, nâng cao tri thức.

Chính vì vậy, khi nói về cơ sở ý thức của đạo đức, chúng ta không thể không nói tới việc phân tích những nhân tố cấu thành ý thức của con người và mối quan hệ của chúng, đặc biệt là mối quan hệ giữa tình cảm và lý trí trong ý thức đạo đức của con người.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Các giá trị Đạo đức

    21/05/2018Nguyễn Trần BạtVai trò định hướng cho các ứng xử của con người và cộng đồng người thuộc về đạo đức, mà cái gốc của nó là cái thiện, một trong ba giá trị phổ quát nhất trong đời sống tinh thần của nhân loại: chân, thiện, mỹ...
  • Bên tình bên lý, bên nào nặng hơn?

    13/01/2018Phạm Vũ Lửa HạTình huống mâu thuẫn Lý-Tình được hai nhà xã hội học Mỹ Samuel Stouffer và J. Toby đặt ra năm 1951 để nêu một thế khó xử thường gặp: tuân thủ luật lệ chung hay tôn trọng quan hệ tình cảm riêng.
  • Quan hệ giữa đạo đức và kinh tế trong việc định hướng các giá trị đạo đức hiện nay

    27/09/2016Nguyễn Thế KiệtĐạo đức quan hệ với kinh tế là điều không ai nghi ngờ. Nhưng, trong quá trình chuyển đổi cơ chế hiện nay, do tác động của kinh tế, đạo đức biến động theo xu hướng tiến bộ hay thoái hóa, thăng hoa hay sa đọa? Phải chăng kinh tế phát triển thì trình độ đạo đức xã hội tự nhiên sẽ được nâng cao? Phải chăng quan niệm hiệu quả đồng nghĩa với chủ nghĩa sùng bái đồng tiền?
  • Giá trị đạo đức và sự biểu hiện của nó trong đời sống xã hội

    25/10/2014Mai Xuân Hợi...sự tiến bộ của đạo đức là do những giá trị đạo đức trong lịch sứ phát triển của nó tạo thành. Trong các học thuyết về đạo đức, có học thuyết chỉ có giá trị thúc đẩy tiến bộ xã hội ở một thời điểm nhất định nào đó, nhưng cũng có những học thuyết đạo đức có thể có giá trị lâu dài đối với sự phát triển xã hội...
  • Chuyện tình yêu và lý trí

    23/07/2014Ngày xửa ngày xưa, trước khi loài người xuất hiện, đức hạnh và những thói xấu sống lơ lửng xung quanh nhau và cuộc sống đối với chúng vô cùng chán nản khi chẳng tìm thấy việc gì đó để làm...
  • Tư cách và đạo đức cách mạng

    14/01/2011X.Y.Z

    1 Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng.
    2. Cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luận cách mạng, và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau.

  • Tác động toàn cầu hóa đến đạo đức sinh viên hiện nay

    25/08/2006Võ Minh TuấnToàn cầu hoá là một làn sóng vô cùng mạnh mẽ kéo theo tất cả mọi quốc gia, mọi dân tộc, mọi gia đình và cá nhân vào cuộc. Không một ai, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài. SV Việt Nam là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng khá mạnh của xu thế toàn cẩu hóa...
  • Giá trị đạo đức truyền thống và những yêu cầu đạo đức đối với nhân cách con người Việt Nam hiện nay

    10/08/2006Cao Thu HằngNhững giá trị tinh thần và đặc điểm của nhân cách con người Việt Nam có nguồn gốc sâu xa và bắt nguồn từ những hoàn cảnh địa lý, môi trường tự nhiên, lịch sử và xã hội...
  • Về một số giải pháp xây dựng nhân cách đạo đức hiện nay

    25/06/2006PTS. Nguyễn Văn PhúcSự hình thành nhân cách nói chung, nhân cách đạo đức nói riêng, bị quy định bởi tổng thể những điều kiện kinh tế xã hội và bởimột hệ thống giáo dục do chính những điều kiện kinh tế - xã hội đó quy định. Tuy vậy, để xây dựng nhân cách đạo đức, trước hết cần phải tính đến những nhân tố cơ bản quy định sự hình thành và phát triển nhân cách đạo đức để từ đó, rút ra những giải pháp khả thi...
  • Đạo đức sinh học

    02/05/2006Nguyễn Ngọc Hải"Đạo đức sinh học" là sự nghiên cứu các lựa chọn đạo đức bắt nguồn từ sự dính dáng của con người đến sự sống. Nó bao hàm sự đánh giá lợi ích và rủi ro có liên quan với sự can thiệp con người, đặc biệt là các công nghệ mới, xem xét sự cân đối giữa quyền tự quản của cá nhân và nhiệm vụ pháp lý...
  • Khía cạnh đạo đức của sự nghiệp CNH - HĐH ở nước ta hiện nay

    11/04/2006Phó TS. Nguyễn Văn PhúcVới tính cách là phương thức và trình độ của sự phát triển xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa có quan hệ với đạo đức trên nhiều bình diện và mức độ khác nhau.
  • Giá trị đạo đức- giá trị bản thân và giá trị xã hội

    11/03/2006Ngô ToànĐạo đức là một hệ thống giá trị, một hiện tượng xã hội mang tính chuẩn mực, thể hiện mệnh lệnh, đánh giá rõ rệt...
  • Ý thức đạo đức phản ánh lĩnh vực nào của đời sống xã hội

    18/11/2005Trịnh Minh HổTrong những năm gần đây, vấn đề đạo đức với tư cách là đối tượng nghiên cứu của đạo đức học đã được bàn đến trên nhiều công trình bài viết chuyên khảo cúng như từ nhiều chuyên ngành liên quan. Mặc dù vậy không ít các vấn đề lý luận của đạo đức, trong đó có những vấn đề hết sức cơ bản vẫn tồn đọng và chưa được quan tâm giải quyết.
  • xem toàn bộ