Một kiểu xóa đói giảm nghèo mới
Thật là một kiểu xóa đói giảm nghèo mới, xóa đói giảm nghèo cho cả những người tưởng rằng mình đã giàu, đã no đủ về vật chất, song thực ra lại đang "đói", đang thiếu hụt không chỉ về tri thức mà cả về nhân cách, về đạo đức làm người. Điều này thì không chỉ dành riêng cho đảng viên hay cán bộ mà dành cho tất cả chúng ta.
Để có một nền kinh tế tri thức như chúng ta bây giờ đã thấy và hay nói tới, nhân loại đã trải qua biết bao thế kỷ chìm ngập trong mông muội, trong đêm dài Trung cổ, trong chiến tranh loạn lạc, trong đau thương tột cùng vì họa phát xít, họa đế quốc thuộc địa, họa diệt chủng... Thế giới ngày nay chưa hề hết nguy cơ của các hiểm họa, nhưng phải nói, khi đã xuất hiện và khẳng định một phương thức sản xuất mới, và kèm theo đó là những quan hệ sản xuất mới không chỉ tiên tiến mà còn nhân bản hơn, thì những tai họa "mặc định" như từ bao thế kỷ nay có điều kiện bị đẩy lùi trên phạm vi toàn thế giới. Đã tới lúc mọi quốc gia đều có điều kiện để "biết người" - có thông tin về thế giới, thông tin hướng ngoại. Nhưng nếu ở nơi nào mà việc "biết người" còn chưa tỏ trong khi "biết mình" - là thông tin hướng nội, cũng chưa tường, thì nơi đó sự tụt hậu là điều khó tránh khỏi. Ở mỗi con người cũng vậy, ở cán bộ hay đảng viên lại càng như vậy. Thế giới luôn thay đổi và con người cũng luôn thay đổi. Vì vậy cả thông tin hướng ngoại, "biết người" cũng phải liên tục được cập nhật, mà những hiểu biết về chính mình, những tri thức về bản thể, những thông tin "hướng nội" cũng cần cập nhật. Và nếu ta "nghèo" về hướng ngoại, về thế giới tức là ta đã ngu dốt, thì việc ta "nghèo" về hướng nội, nghèo về tự hiểu mình, là ta đã có nguy cơ bị suy giảm về nhân sinh quan, về cả nhân cách.
Đã có thời chúng ta tự đánh giá mình quá cao, từ đó luôn có cái nhìn tự thị, bảo thủ, không chịu học hỏi, tự mình làm nghèo mình. Còn bây giờ, lại tới thời mà nếu không khéo, ta lại tự đánh giá mình quá thấp, cam chịu "sống chung" với những gì hạ thấp nhân phẩm, tự mình làm "đói" mình về nhân cách. "Sống chung với tham nhũng" chẳng hạn. Ai cũng biết tham nhũng là xấu, nhưng rồi nhiều người trong chúng ta vẫn tặc lưỡi bàng quan mỗi khi biết quanh mình tham nhũng đang hoành hành. Không dám nói "không" với tham nhũng hay những tệ nạn xấu xa khác, cũng tức là tự làm "đói" mình về khí phách làm người, về đạo lý mà con người có thể tự hào để sống ở đời. Nếu những người đảng viên, những cán bộ vì quá sợ hãi cho "nồi cơm" của mình mà không bao giờ dám lên tiếng về những gì bất công, bất cập, bất bình thường diễn ra ngay trong cơ quan đơn vị mình, thì không chỉ cơ quan mình bị "đói" về cơ hội phát triển, mà chính mình cũng dần dà bị "nghèo" đi ghê gớm về nhân cách.
Đề nghị một kiểu "xóa đói giảm nghèo" mới như GS-TS Nguyễn Trường Tiến, theo tôi là một đề nghị thực sự nghiêm túc và rất cần được mọi người, đảng viên và không đảng viên, cán bộ và dân thường suy ngẫm và tự mình "xóa đói giảm nghèo" cho chính mình. Mỗi con người là một cái cây, nếu cái cây ấy lành mạnh nó sẽ góp phần làm không gian sinh tồn của nó trong sạch. Ông cha ta đã nói "biết người biết mình, trăm trận trăm thắng". Với vận hội đất nước bây giờ cũng vậy, biết người là giàu có về tri thức, và biết mình là giàu có về nhân cách, khi hai cái "giàu" ấy cộng lại, người ta sẽ đủ điều kiện làm giàu cho chính mình cũng như làm giàu cho đất nước. Một cách căn bản nhất.
Nội dung khác
Lời tự thú của một kẻ hoang dã
23/05/2022Pavel Selukov (Nga), Phan Xuân Loan dịchNhân chuyện “hoa Ưu Đàm”...
22/05/2022Nhà văn Lê Hoài NamThử nêu cách chữa “chứng lười đọc sách”
22/05/2022Nhà văn Nguyễn Khắc PhêÁo dài ngũ thân nam truyền thống - Di sản bị lãng quên
22/05/2022Hà Phương - Hạnh Lê thực hiệnSự bảo vệ của Mill đối với tự do cá nhân
22/05/2022Routledge, “Moderm Political Thinhkers and Ideas”Mạng xã hội và “kiến tạo xã hội”
22/05/2022Nguyễn Văn DữngCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcSố phận tiêu biểu "soi gương" lịch sử Nga
07/11/2010Tiền... bạc
25/06/2009Linh LinhTrường học các loài vật
30/07/2010Minh BùiCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh