Mục tiêu kinh tế - chính trị trong giai đoạn hiện nay

Chủ tịch, Tổng giám đốc InvestConsult Group
03:18 CH @ Thứ Năm - 22 Tháng Bảy, 2010
Hỏi:Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề đặt ra cho Việt Nam là phải xác định những mục tiêu về mặt chính trị cũng như kinh tế để đưa ra những giải pháp chống khủng hoảng. Có những quan điểm cho rằng trong bối cảnh năm 2009-2010, Việt Nam cần gạt bỏ chuyện đạt chỉ tiêu tăng trưởng như một yếu tố tiên quyết và bắt buộc, mà nó chỉ là chỉ số để tham chiếu thôi, quan trọng hơn, cao hơn là mục tiêu về việc làm. Quan sát giải pháp chống khủng hoảng của các nước, chúng ta cũng thấy mục tiêu đảm bảo việc làm để từ đó bình ổn xã hội đang có xu hướng chiếm ưu thế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Trả lời: Từ lâu tôi đã xem việc đặt tốc độ tăng trưởng thành mục tiêu chủ đạo quyết định toàn bộ thái độ của xã hội đối với phát triển là sai, cái sai này không phải là sai về kinh tế học mà chính là sai về xã hội học, về chính trị học. Bởi vì, vấn đề trung tâm của mọi chương trình phát triển là con người, một chỉ tiêu phiến diện như tốc độ tăng trưởng không đủ năng lực để phản ánh con người được gì trong quá trình ấy. Trong chỉ tiêu tăng trưởng tổng hợp của bất kỳ quốc gia nào đều có sự chen vào của một khái niệm có ảnh hưởng hết sức ghê gớm đến xã hội là khoảng cách giàu nghèo. Nếu lấy tăng trưởng là mục tiêu chính thì khoảng cách giàu nghèo vốn phản ánh sự phân bố tự nhiên về mặt năng lực sẽ được nới rộng thêm bằng sự phân bố phi tự nhiên về mặt tiền vốn và đào tạo. Có lẽ đây là lúc mà người Việt chúng ta cần phải gạt bỏ một cách không thương tiếc việc lấy tốc độ tăng trưởng, lấy GDP hàng năm trở thành mục tiêu xã hội. Nó chỉ là một tham số để xét một khía cạnh chứ không phải là toàn bộ đời sống phát triển.

Tôi thấy chỉ nguyên việc nói rằng chúng ta xây dựng các chính sách vĩ mô dựa vào những điều kiện năm nay hoặc sang năm là đã không chính xác rồi. Bởi vì mục tiêu phát triển phải là mục tiêu ổn định, nó có thể có thêm các tham số phản ánh tình thế của từng thời điểm, của từng giai đoạn, nhưng hạt nhân của nó phải là con người. Chừng nào không đạt được đến những tác động có lợi cho sự phát triển đời sống của con người thì có nghĩa là hoạt động điều chỉnh vĩ mô không thành công. Cho nên, tôi cho rằng lấy tăng trưởng GDP hay lấy tăng trưởng việc làm là mục tiêu đều phiến diện cả. Nếu xem việc làm là mục tiêu chủ yếu và đi theo lối phát triển việc làm thì chúng ta rất dễ phạm phải một sai lầm là không quan tâm đến việc làm với chất lượng như thế nào và do đó đẩy xã hội vào một trạng thái gọi là trạng thái tồn tại vất vả. Việc làm mang lại ổn định tối thiểu nhưng không hẳn đã mang lại hạnh phúc. Phát triển việc làm và chất lượng của nó để tác động một cách tích cực vào sự tiến bộ của đời sống con người mới là mục tiêu lâu dài. Để làm được như vậy, chúng ta phải xây dựng một nền kinh tế có cấu trúc cân đối chia ra làm hai bộ phận rất rõ ràng: bộ phận thứ nhất giải quyết các vấn đề căn bản của đời sống, trong đó gắn liền với phát triển thị trường nội địa; bộ phận thứ hai là tạo lập các tổ chức kinh doanh, các cấu trúc hàng hoá có thể tham gia vào cạnh tranh toàn cầu, tức là tham gia vào sinh hoạt quốc tế của đời sống thương mại. Bởi vì, khi chúng ta tham gia vào quá trình toàn cầu hoá thì không có nghĩa là toàn thể dân tộc, toàn thể các bộ phận của nền kinh tế đều tham gia. Những người ra trận bao giờ cũng phải có hậu phương, trong kinh tế cũng vậy. Cho nên, xây dựng nền kinh tế Việt Nam phải là kết quả của việc xây dựng hai nền kinh tế mà thực chất là hai bộ phận của nền kinh tế quốc dân như đã nói ở trên, tôi tạm gọi là kinh tế bản thể và kinh tế phát triển. Kinh tế phát triển là nền kinh tế tham gia vào quá trình cạnh tranh toàn cầu, còn kinh tế bản thể là nền kinh tế đảm bảo cuộc sống tối thiểu của con người không bị xâm phạm cho dù bão tố ở ngoài chợ diễn ra như thế nào. Kinh tế bản thể chính là bộ phận hậu phương của một nền kinh tế và nó cần phải được xây dựng bởi một lý thuyết nghiêm chỉnh và ổn định hơn. Vậy vai trò của chính phủ nằm ở đâu? Nằm ở điểm xác lập sự cân đối của hai nền kinh tế này. Chính việc xác lập tỉ lệ hợp lý của hai nền kinh tế này tạo ra bản chất nhân văn của khái niệm điều hành vĩ mô. Khi chúng ta cân đối được hai nền kinh tế này rồi thì chúng ta sẽ thấy sự gia tăng việc làm là hệ quả tự nhiên của sự cân đối ấy. Từ việc cân đối hai nền kinh tế, chúng ta sẽ thấy được cần phải cân đối tài nguyên như thế nào, sử dụng tài nguyên như thế nào, phân bố tín dụng như thế nào, phân bố giáo dục đào tạo như thế nào và cân đối thái độ chính trị như thế nào. Và bên trên tất cả những chuyện ấy, các nhà xã hội học phải phân tích vai trò chính trị của hai nền kinh tế này. Nếu nền kinh tế phát triển tạo lập địa vị quốc tế của xã hội Việt Nam thì nền kinh tế bản thể là nơi cấu tạo ra toàn bộ sự yên tĩnh xã hội, hay thuật ngữ mà chúng ta vẫn dùng là ổn định chính trị. Những nghiên cứu gần đây của tôi giúp tôi phát hiện ra một khía cạnh là sự phát triển các tập đoàn kinh tế lớn, đặc biệt là các tập đoàn nhà nước không phải là yếu tố tạo ra sự ổn định chính trị, mà ổn định chính trị và ổn định xã hội được cấu tạo bởi nền kinh tế bản thể.

Hỏi: Từ lý thuyết ấy soi vào thực trạng kinh tế Việt Nam, ông có thấy sự cân đối giữa hai nền kinh tế?

Trả lời: Chúng ta đang cắt xén nền kinh tế bản thể để bù đắp cho nền kinh tế phát triển. Toàn bộ sự chú ý xã hội và chú ý chính trị của chúng ta là tập trung vào xây dựng địa vị của Việt Nam trên trường quốc tế mà quên mất rằng địa vị của Việt Nam với chính người dân của nó là quan trọng hơn nhiều. Sự mất cân đối chính trị như vậy tạo ra toàn bộ trạng thái bất ổn xã hội hiện nay, và chắc chắn nó còn tạo ra những bất ổn xã hội lớn hơn nữa, nếu nó không được chấm dứt một cách có ý thức trên quy mô toàn bộ hệ thống chính trị. Vấn đề đặt ra ở đây là vai trò của chính phủ. Việc xác lập sự cân đối giữa hai nền kinh tế này không phải là công việc của các nhà hoạt động kinh doanh hoặc kinh tế mà là hoạt động của các nhà chính trị, là trí tuệ của hệ thống chính trị. Nếu không làm được điều này thì cho dù là nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc hay nền kinh tế trung bình như chúng ta, thậm chí nền kinh tế bé như Lào đều có vấn đề. Lâu nay chúng ta vẫn cho rằng các tập đoàn kinh tế là công cụ để đảm bảo ổn định chính trị, nhưng tôi xin nhắc lại một lần nữa rằng tôi kêu gọi tất cả các nhà nghiên cứu chính trị, nghiên cứu kinh tế ở nước chúng ta nghiên cứu một gợi ý của tôi là các tập đoàn kinh tế lớn, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế nhà nước không giữ vai trò nào đáng kể trong việc tạo ra sự ổn định chính trị.

Hỏi: Vậy thì những chính sách cụ thể mà Việt Nam cần đưa ra là gì?

Trả lời: Là các chính sách để cân đối hai khu vực kinh tế mà tôi đã nói. Ví dụ, khu vực tài nguyên nào, loại tài nguyên nào dành cho khu vực kinh tế bản thể. Có nên gọi đầu tư nước ngoài vào những khu vực tài nguyên mà chỉ nên dành cho khu vực kinh tế bản thể hay không? Hoặc tỉ lệ tín dụng cũng phải cân đối như thế nào. Nói cho cùng thì công cụ sắc sảo nhất mà một chính phủ có để cân đối vĩ mô chính là tín dụng. Chúng ta phải xác định tín dụng cấp cho đào tạo thì phân bố cho hai nền kinh tế này theo tỷ lệ nào là hợp lý, tín dụng cấp cho các dự án thì bao nhiêu phần trăm cho dự án thuộc khu vực này, bao nhiêu phần trăm cho dự án thuộc khu vực kia. Nếu chúng ta để ý đến tăng trưởng quá nhiều, để ý đến địa vị quốc tế của nền kinh tế Việt Nam quá nhiều thì chúng ta không thể yên ổn được. Tôi lấy một ví dụ về nền kinh tế Nhật Bản. Nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu khủng hoảng từ những năm 1991 trở đi, khi cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất xảy ra. Cuộc khủng hoảng ấy kéo dài tới gần 20 năm nhưng xã hội Nhật Bản vẫn yên ổn. Tại sao? Bởi vì thái độ của họ đối với thị trường nội địa, đối với nền kinh tế bản thể là khá chính xác, cho nên, họ tạo ra được những tích luỹ trong nhân dân đủ dầy để không đẩy người dân đến tình trạng đói kém, thiếu thốn, cùng quẫn, và do đó người dân có thể chịu đựng được tất cả các cơn khủng hoảng, kể cả khủng hoảng kinh tế quốc tế.

Hỏi: Ở Việt Nam sự lệch lạc trong phân bổ nguồn lực cả về con người, tài nguyên cũng như về vốn là một thực tế có thật mà người ta đã công nhận, nhưng làm thế nào để sửa nó có lẽ là rất khó?

Trả lời: Tôi biết rằng đôi khi tưởng là dễ nhưng lại khó là bởi vì các lực lượng của nền kinh tế bản thể không đủ tiềm năng cũng như quan hệ để có thể vận động chính trị cho các quyền ưu tiên của mình. Trong khi đó, lực lượng chủ yếu của nền kinh tế phát triển là các tập đoàn lại có đầy đủ cả tiềm năng, cả quan hệ lẫn sự ưu tiên chính trị để có thể hiện thực hoá các quyền ưu tiên của mình. Điều đó tạo ra một sự cạnh tranh rất không lành mạnh không phải giữa các công ty mà là giữa các khu vực kinh tế, và cuộc cạnh tranh trên quy mô toàn quốc giữa các khu vực kinh tế như vậy đã tạo ra sự bất ổn của xã hội. Hiện nay tất cả các tập đoàn kinh tế chiếm vào khoảng 80% lượng tín dụng phát triển. Một nền kinh tế mà rót vào một khu vực kinh tế một lượng tín dụng lớn như vậy với hiệu quả đầu tư rất thấp được phản ánh bằng chỉ số ICOR tới 5-6 thì phải nói rằng chúng ta đốt tiền chứ không phải chúng ta phát triển. Chính sự mất cân đối ấy đã tạo ra rất nhiều căn bệnh, căn bệnh giảm phát ở khu vực này, căn bệnh lạm phát ở khu vực kia. Lần trước tôi đã nói với các bạn rằng Việt Nam tồn tại song song cả hiện tượng lạm phát lẫn giảm phát là vì như thế. Đây không phải là cuộc cạnh tranh giữa các công ty theo luật cạnh tranh thông thường, mà là sự cạnh tranh chính trị giữa các khu vực kinh tế khác nhau của một nền kinh tế, và trong khi cạnh tranh, các khu vực kinh tế đã tự triệt tiêu sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế Việt Nam.

Vậy chúng ta làm như thế nào? Phải nói rằng, nếu chính phủ không nhận ra ảnh hưởng của sự mất cân đối ấy đến toàn bộ cấu trúc chính trị - xã hội thì không có ai có thể khắc phục được. Chính phủ là người phải nhận ra chuyện ấy vì chính phủ là người duy nhất có quyền lực cũng như có khả năng để giải quyết chuyện ấy. Bây giờ là lúc chúng ta phải tìm cách ra khỏi các hậu quả của quan niệm lệch lạc về phát triển, đấy là một nhiệm vụ đặc biệt của giai đoạn này. Giai đoạn này là giai đoạn cộng hưởng của hai hiện tượng là sự rung chuyển toàn cầu về mặt kinh tế và sự chịu đựng các hậu quả sai lầm của toàn bộ việc cấu trúc ra tiêu chuẩn vĩ mô của một nền kinh tế.

Hỏi: Kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy là những kết quả tốt đẹp nhất mà người dân được hưởng lại là những sản phẩm của những sửa sai. Ví dụ chuyện cải cách đổi mới chính là quá trình sửa sai. Hầu hết những chính sách được sửa sai thì người dân được hưởng lợi chứ không phải vì ngay từ đầu chính sách đúng. Ông nhận xét thế nào?

Trả lời: Tôi cho rằng cái tổng kết ấy thoạt nhìn thì có vẻ thông minh, nhưng nếu nhìn kỹ thì không phải như thế. Bởi vì, rất có thể chúng ta ra khỏi cái sai này để bước vào một cái sai khác lớn hơn. Những sửa sai như vậy chỉ là sửa sai chiến thuật. Người dân chỉ có vẻ có cảm giác được cải thiện sau một vài cú sửa sai chiến thuật, mà người dân chưa yên tâm để có được cái hệ quả bền vững của một quá trình sửa sai căn bản. Vấn đề của chúng ta hiện nay là phải thực hiện những sửa sai căn bản, đó là chúng ta phải quan niệm lại cấu trúc của nền kinh tế, cấu trúc của hệ thống chính trị, cấu trúc xã hội Việt Nam.

Hỏi:Quan niệm là một chuyện, nhưng có quan niệm mà không hành động thì cũng không có giá trị. Trong bối cảnh hiện nay liệu chúng ta có thể hành động để hiện thực hoá quan niệm ấy?

Trả lời: Nếu có quan niệm mà không hành động thì ít ra chúng ta cũng dừng lại những hành động tiếp tục đẩy chúng ta vào chân tường. Khi chúng ta không tiếp tục tự đẩy mình vào chân tường thì bản thân việc ấy đã đem lại cơ hội cho sự đúng đắn rồi. Hiện nay tôi vẫn chưa thấy những dấu hiệu thể hiện sự thức tỉnh căn bản. Ví dụ, khái niệm ổn định chính trị chưa được xác định một cách rõ ràng. Trong tiết mục Táo quân hôm 30 Tết, tôi thấy có một câu mà dường như không ai để ý, đó là câu: Năm qua dưới hạ giới có nhiều biến động, vậy mà các táo đã cố gắng sánh bước bên nhau để cùng vượt qua được khó khăn, giữ vững sự ổn định cho thiên đình ta, vì thế cũng nên thưởng cho các táo. Thế thì chúng ta xem ổn định chính trị là ổn định thiên đình hay ổn định xã hội? Tôi nghĩ rằng đã đến lúc ổn định xã hội phải trở thành nội dung khống chế toàn bộ quan niệm về ổn định chính trị. Mà ổn định xã hội là ổn định giáo dục, ổn định công ăn việc làm, ổn định thị trường nội địa. Chúng ta đã tham gia WTO với một thái độ không ý thức trước được là chúng ta sẽ gặp phải những tai họa gì. Chúng ta dùng nguyên tắc của tự do thương mại để giải thích những việc chúng ta muốn làm, nhưng chúng ta không hoàn toàn tự do thương mại theo đúng các quy chuẩn. Chúng ta biết rất rõ là có những nền kinh tế ở bên cạnh chúng ta đang phát triển một cách vô lối đến mức tự nó phá hoại nó về mặt môi trường, thải ra vô số công nghệ lạc hậu và tạo ra một dòng di chuyển lao động lớn từ sự mất mát đất đai của nông dân. Đáng ra chúng ta phải đề phòng là một khi nó sửa sai thì những cái sai của nó di chuyển đến đâu. Nhưng dường như chúng ta không ý thức được điều đó, chúng ta cứ bàn cãi cái này là đảng quyết định rồi, chính phủ quyết định rồi, không thể thay đổi. Nếu lấy mục tiêu là ổn định xã hội và phát triển đất nước thì đảng và chính phủ hoàn toàn có thể quyết định lại, và trong xã hội không một ai thiếu đi sự kính trọng đối với những người lãnh đạo nếu họ quyết định lại và quyết định ấy đúng hơn. Tôi lấy ví dụ, trong khi các mỏ bauxite của chính quốc gia định đầu tư khai thác bô xít ở Việt Nam đều đóng cửa thì chúng ta lại đồng ý cho họ vào khai thác. Tôi không lên án những dự án cụ thể, nhưng tôi thấy rằng cần phải xem xét lại thái độ vĩ mô về chuyện này, bởi vì khai thác các mỏ bauxite là đào bới đất nước và tạo ra một quy mô gây ô nhiễm trên toàn bộ lãnh thổ. Tôi cho rằng, chúng ta cần phải sớm nhìn thấy việc Việt Nam trở thành một bãi thải tất yếu của các vấn đề về môi trường, về công nghệ, về lao động. Sẽ có những dòng di chuyển lao động từ chính các quốc gia bỏ vốn đầu tư vào Việt Nam thông qua các dự án khai thác tài nguyên trên quy mô lớn. Đấy là một trong những sự dịch chuyển của bốn dòng chảy tiêu cực từ những nền kinh tế phát triển nóng ở bên cạnh chúng ta. Dòng chảy thứ nhất là dòng chảy ô nhiễm môi trường, dòng chảy thứ hai là dòng chảy công nghệ lỗi thời, dòng chảy thứ ba là dòng chảy lao động, và cuối cùng, nghiêm trọng hơn cả là dòng chảy của những kinh nghiệm điều hành đã bị thải loại nhằm kìm hãm chúng ta ở một trạng thái để ba dòng chảy trên có thể đến được Việt Nam. Tại sao chúng ta đã có kinh nghiệm hai thế kỷ về việc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mà lại không vận dụng để nhận thức về những trạng thái mới của chủ nghĩa thực dân? Chủ nghĩa thực dân đến đây không phải để xâm lược thuộc địa, mà cái chính là để khai thác. Hay nói cách khác, thuộc địa là điều kiện để khai thác chứ không phải là mục tiêu của chủ nghĩa thực dân.

Hỏi: Ông có nói là bây giờ phải nhận thức lại và việc nhận thức này tạo ra cơ hội để làm điều đúng. Vậy cụ thể điều đúng đó là gì và làm thế nào để biến cơ hội ấy thành hiện thực?

Trả lời: Đó là luôn luôn lấy sự phát triển con người, sự ổn định đời sống con người, lấy yên dân làm mục tiêu. Vấn đề này 600 năm trước Nguyễn Trãi đã nói: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” và trong một bài viết tôi có chữa lại là “Việc chính trị cốt ở yên dân”. Không yên dân là phi chính trị, không yên dân là phản tiến bộ, không yên dân là chống lại sự phát triển. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục cho đào bới lung tung thế này thì không thể yên dân được. Đài BBC có gọi điện hỏi tôi về chuyện các dự án sân golf, tôi nói là trong khi chúng ta chưa khắc phục được khoảng cách giàu nghèo trên thực tế thì ít nhất chúng ta cũng phải biết cách khắc phục trên khía cạnh tâm lý. Tôi cho rằng khi xây dựng chính sách, chính phủ phải có một công nghệ bắt buộc là nghiên cứu xem chính sách này động chạm đến quyền lợi của bao nhiêu người dân, và động chạm theo khuynh hướng nào, làm thế nào để cân đối được quyền lợi của người thụ hưởng với người chịu đựng. Đối với các dự án kinh tế cũng vậy. Với bất kỳ dự án nào chúng ta cũng phải đặt ra câu hỏi là, ai thụ hưởng lợi ích kinh tế, ai chịu đựng hậu quả, chịu đựng hậu quả ấy đến mức nào, lợi ích kinh tế đến mức nào, làm thế nào để cân đối giữa lợi ích của người chịu đựng hệ quả và người thụ hưởng các dự án kinh tế. Nếu đặt ra những câu hỏi như vậy thì chỉ sau vài ba tháng các nhà lãnh đạo của chúng ta sẽ có hình ảnh như những người yêu nước vĩ đại.

Hỏi: Quay lại mục tiêu ổn định xã hội mà ông đã phân tích, ông có nói đến ổn định giáo dục, ổn định việc làm, ổn định thị trường nội địa. Ông có thể nói rõ hơn đến vấn đề ổn định việc làm và thị trường nội địa?

Trả lời: Tôi lấy một ví dụ như thế này, tại sao chúng ta lại có những chính sách để buộc người ta phải nhập ô tô lắp ráp từ nước ngoài mà không đề ra những chính sách như giảm thuế để làm cho giá ô tô trong nước giảm xuống, hoặc đề ra tiêu chuẩn để bắt buộc ô tô lắp ráp tại Việt Nam phải đạt chất lượng chuẩn? Sở dĩ người ta phải nhập ô tô nguyên chiếc từ bên ngoài là vì chất lượng lắp ráp trong nước không đạt yêu cầu. Chúng ta duy trì những tiêu chuẩn thấp ở thị trường nội địa tức là chúng ta không ưu tiên thị trường nội địa. Nếu các bạn bỏ tiền ra mua một sản phẩm xuất khẩu và mua một sản phẩm nội địa của Nhật Bản thì các bạn sẽ thấy là chất lượng của sản phẩm nội địa bao giờ cũng cao hơn sản phẩm xuất khẩu. Tôi đã từng nói với các bạn là nếu người sản xuất không được dùng những hàng hoá có chất lượng cao thì sẽ không có kinh nghiệm để sản xuất hàng hoá chất lượng cao. Chúng ta đang sống cạnh một nền kinh tế khổng lồ là nền kinh tế Trung Quốc, mà nhược điểm của nền kinh tế này là không thể sản xuất hàng hoá chất lượng cao trên quy mô lớn được, lý do là lao động của nó đông đúc quá và chất lượng thấp quá. Để chung sống một cách hoà bình bên cạnh nền kinh tế Trung Quốc, chúng ta hoàn toàn có thể kiến tạo một nền kinh tế chất lượng cao, một nền công nghiệp chất lượng cao. Mà điểm bắt đầu để có một nền kinh tế, một nền công nghiệp chất lượng cao là người tiêu dùng trong nước phải được sử dụng hàng hoá chất lượng cao. Các bạn thấy rằng một trong những chuỗi các cửa hàng đắt hàng nhất trên thị trường Hà Nội là các cửa hàng "Made in Vietnam". Người ta đi tìm mua hàng Made in Vietnam bởi vì đấy chính là những hàng hoá thừa ra hoặc đánh tháo ra từ các hợp đồng gia công giữa các hãng quốc tế đối với các công xưởng Việt Nam. Như vậy có nghĩa là nếu hàng hoá được sản xuất bởi người Việt Nam nhưng theo đòi hỏi chất lượng quốc tế thì có ưu thế hơn hẳn những hàng hoá sản xuất từ những nền công nghiệp hương trấn của Trung Quốc. Chúng ta hoàn toàn có thể nâng cao chất lượng hàng hoá, tạo cho xã hội có kinh nghiệm tiêu dùng những hàng hoá chất lượng cao với một chế độ nội địa khác thì tự nhiên chúng ta khuyến khích được nền kinh tế bản thể phát triển. Và chúng ta phải tạo thói quen tiêu dùng những hàng hoá như vậy ở cả những khu vực xa đô thị để chặn một trong những cơn dịch khổng lồ nhất đối với các nước có thu nhập thấp như chúng ta, đó là dùng hàng hoá rẻ tiền từ Trung Quốc. Hiện nay chúng ta không có những chiến lược đối phó như vậy. Tôi lấy ví dụ, chúng ta đang nói đến chính sách bù lãi suất, nếu chính sách bù lãi suất được hướng vào khu vực sản xuất hàng hoá tiêu dùng trên thị trường nội địa thì tức là chúng ta khuyến khích nền kinh tế phát triển theo hướng bản thể. Nhưng chúng ta không có một câu nào, không có một chữ nào, không có cả một cái liếc mắt nho nhỏ nào để ý đến thị trường nội địa. Chúng ta có một nhân dân sẵn sàng mua hàng hoá của Trung Quốc mà chúng ta không xem là thượng đế, như vậy có vô lý không?

Thị trường nội địa là thị trường ít bị biến động, nó là nhu cầu hàng ngày của đời sống con người. Nếu chúng ta không xây dựng được thị trường nội địa thì chúng ta không thường xuyên có việc làm. Có một điều lạ là tám mươi triệu dân Việt Nam là một trong những điểm thu hút đầu tư nước ngoài mà ai cũng thấy, ai cũng ca ngợi nhưng chính chúng ta lại không tự thấy điều ấy, tức là chúng ta có một bản thể thu hút các đối tượng ở bên ngoài nhưng nó lại không thu hút chính mình. Có một thời kỳ chúng ta đặt ra qui định nếu không xuất khẩu 70% thì không cấp giấy phép đầu tư nước ngoài. Chúng ta bắt ép tất cả mọi lực lượng phải xuất khẩu, chúng ta bỏ rơi thị trường trong nước, vì chúng ta vẫn xem nhân dân là một lực lượng kinh tế chứ không phải là một lực lượng thị trường. Khi nào chúng ta không nhận ra điều đấy thì không thể nói đến chuyện phát triển hai khu vực kinh tế. Luận điểm quan trọng nhất của tôi trong bài này là, chính nền kinh tế bản thể, khu vực kinh tế vừa và nhỏ và khu vực kinh tế tư nhân là thành tố quan trọng nhất để tạo ra ổn định chính trị. Trong mấy chục năm xây dựng nước CHXHCN Việt Nam, chúng ta chưa có điều kiện để chú ý tới việc xây dựng nền kinh tế bản thể, cho nên, bây giờ nhiệm vụ của chúng ta là phải xây dựng bằng được nền kinh tế bản thể, để bếp lửa kinh tế của chúng ta luôn luôn ấm, luôn luôn nóng, bất chấp bão to, gió lớn, đấy được xem như bước tiến quan trọng nhất trong sự phát triển của Việt Nam.

Hỏi: Quay trở lại chuyện cân đối giữa hai nền kinh tế như ông nói. Phải chăng chúng ta cần phải thay đổi chính sách để có sự ưu tiên thích hợp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Trả lời: Chính phủ chúng ta chưa bao giờ nói khu vực vừa và nhỏ hay khu vực tư nhân không bình đẳng với khu vực nhà nước, nhưng trên thực tế nó không có cơ hội bình đẳng, không có cơ hội để vươn tới các quyền ưu tiên phù hợp với đạo đức mà chính phủ nói, đảng nói. Nhảy qua hàng rào 2m là quyền bình đẳng của tất cả mọi người, nhưng những người chỉ cao có 1,1m thì làm sao nhảy qua được? Bên kia hàng rào 2m là bình đẳng, nhưng bên này những người lùn không nhảy qua được thì đành phải đứng nhìn thôi. Đã đến lúc không thể duy trì thái độ quan liêu cũng như không thể duy trì thái độ tuyên truyền bằng những lời nói mà không quan tâm đến việc nó có trở thành hiện thực trong đời sống cụ thể hay không.

Hỏi:Nhưng người ta có thể nói rằng đấy là do bản thân năng lực của anh kém chứ không phải là do tôi không trao quyền cho anh?

Trả lời: Chính phủ là cơ quan điều hành, tổ chức, khích lệ và nâng đỡ tất cả các lực lượng xã hội để họ bình đẳng chứ chính phủ không đề ra tiêu chuẩn để mọi người bình đẳng. Chúng ta cứ đứng ngoài, đứng trên và tưởng rằng như thế là bình đẳng, chúng ta bảo rằng anh không hưởng được là do anh kém mà quên mất rằng chính vì cái sự kém ấy nên xã hội mới cần chính phủ. Chúng ta phải định nghĩa được chức năng của chính phủ. Chính phủ là nơi đưa ra các điều chỉnh để hỗ trợ những người kém cỏi trong quá trình cạnh tranh một cách tự nhiên của đời sống. Cho nên chúng ta mới phải có hệ thống luật pháp để phân loại cái nào là anh kém, cái nào kém là do anh, cái nào kém là do tôi, và khi phân loại như thế rồi thì chúng ta mới xác định được những người kém một cách chính đáng và tự nhiên cần được hỗ trợ như thế nào. Tại sao chính phủ các nước đang phát triển lại cung cấp ODA cho một nước như Việt Nam? Bởi vì người ta thừa nhận sự kém một cách tự nhiên của anh và người ta hỗ trợ anh. Không lẽ chính phủ này biết hỗ trợ chính phủ kia mà chính phủ chúng ta không hỗ trợ những lực lượng nhân dân kém?

Hỏi:Những lực lượng nhân dân kém thì không chỉ bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà lực lượng đông hơn chính là những người lao động, người nông dân, công nhân sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất hiện nay. Họ chính là những người kém trong cuộc cạnh tranh, về mặt con người thì đối tượng người nghèo là đối tượng cần được hỗ trợ. Ông có đồng ý như vậy không?

Trả lời: Tôi không nghĩ thế. Nếu chúng ta tổ chức thi trồng lúa như một cuộc thi đua về năng lực xã hội thì một anh nhà báo và một anh nông dân, anh nào kém hơn? Nếu bắt một anh lính bộ đánh thuỷ thì anh lính bộ chắc chắn là bơi kém hơn anh lính thuỷ. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải phân tích năng lực xã hội như thế nào để từ đó tạo ra các mục tiêu và tạo ra các chính sách, chứ không phải là chúng ta đưa ra chính sách và áp đặt năng lực của xã hội vào chính sách để loại bỏ bớt những người không đủ năng lực. Chính sách là công cụ để tổ chức những xã hội có năng lực cụ thể và khách quan chứ không phải là để thử thách năng lực của xã hội. Chính sách là hệ quả của sự phân loại và dự báo diễn biến năng lực của các bộ phận khác nhau của xã hội. Chúng ta đứng bên trên thiên hạ, dùng tiêu chuẩn để phân loại thiên hạ mà quên mất rằng phân loại thiên hạ là một việc có trước chính sách. Hiện nay chúng ta đưa ra chính sách để người nào dùng được thì dùng còn ai không dùng được thì thôi, những chính sách như vậy tạo ra trạng thái suy thoái tự nhiên, suy thoái cả một khu vực rộng lớn của xã hội. Bây giờ thi đánh golf thì làm sao người nông dân không thua, nhưng nếu thi cày ruộng thì tất cả những người đánh golf chắc chắn là thua. Người nông dân là những người tạo ra cả đất nước này, tạo ra lịch sử, tạo ra nền văn hoá của dân tộc này bỗng nhiên trở thành kẻ thua trận trong quá trình hiện đại hoá theo tiêu chuẩn của anh. Vậy chính phủ tổ chức thi cày ruộng hay thi đánh golf? Chính phủ được sinh ra để lãnh đạo, điều hành nhân dân của mình, tổ chức để nhân dân của mình có những năng lực thoả mãn các tiêu chuẩn của thế giới chứ không phải chính phủ là nơi sử dụng các tiêu chuẩn của thế giới để loại bỏ nhân dân của mình ra khỏi cuộc.

Hỏi: Rõ ràng đòi hỏi thay đổi chính sách là việc cần thiết, nhưng thay đổi cụ thể như thế nào?

Trả lời: Trước hết chúng ta phải xác định được là chúng ta muốn gì? Chúng ta muốn cho chính phủ hay muốn cho nhân dân? Nếu chúng ta muốn cho nhân dân thì chúng ta phải có cách. Ví dụ, đại bộ phận nhân viên của công ty tôi là con em nông dân học ở mấy trường đại học của Việt Nam, rất kém, và tôi đã phải loại bỏ một số kẻ đã hội tụ đủ những điều kiện mà những điều kiện ấy khống chế, kìm hãm và làm thui chột ý chí của số đông anh em. Tất nhiên, tôi không theo cái hướng là loại bỏ những yếu tố tiên tiến để duy trì và dung dưỡng những yếu tố lạc hậu. Những yếu tố tiên tiến nào nằm trong những con người cụ thể làm cho họ biết khuyến khích và dìu dắt những tầng lớp phi tiên tiến kia thì đấy là những yếu tố thích hợp. Vậy chính phủ chúng ta chọn yếu tố nào? Yếu tố nào vừa thoả mãn được sự tiên tiến của đòi hỏi thế giới mà vẫn khuyến khích được, vẫn dìu dắt được sự phát triển năng lực của người Việt kém cỏi như hiện nay thì đấy là yếu tố thích hợp cho sự phát triển. Yếu tố nào không chống lại nhân dân, yếu tố nào lôi kéo được nhân dân đi lên, yếu tố nào không loại bỏ đại bộ phận những người lao động thì yếu tố ấy thích hợp cho Việt Nam. Phát triển xã hội là vì con người, chúng ta không gạt bỏ con người vì sự sạch sẽ, đẹp đẽ, ngay ngắn của xã hội được. Nếu không giải quyết được tâm lý ấy, nhận thức ấy thì không có cách gì để chúng ta nói đến tiến bộ xã hội. Bởi vì cuối cùng người dân vẫn có thể dùng cái võ của họ. Những năm có sự kiện Vịnh Bắc Bộ thì chính những anh chàng hải quân của chúng ta đã mang những cái tàu bé nhỏ như lá tre tiến công khu trục hạm Maddox và tạo ra một sự đánh trả kỳ lạ mà người Mỹ giàu có và hiện đại cũng phải ngạc nhiên. Nhân dân sẽ sử dụng cái võ mà họ đã từng sử dụng trong các cuộc chiến tranh để đối phó với đối tượng nào chống lại họ.

Hỏi:Hiện nay người ta nói nhiều đến hiện tượng là chúng ta chấp nhận rất nhiều dự án, từ sân golf đến bất động sản, mà những dự án ấy đang cướp đi đất đai, cướp đi quyền mưu sinh của những người nông dân, nhưng rất nhiều dự án trong số ấy không được triển khai và cũng không hề có thông báo nào về việc bao giờ sẽ triển khai. Theo ông hiện trạng đó sẽ dẫn đến những rủi ro gì?

Trả lời: Trong buổi Hội thảo do Viện Kinh tế và Phòng Thương mại và Công nghiệp tổ chức, tôi đã cảnh báo rằng nếu nhà nước không tỉnh táo thì nhân dân sẽ đi đằng nhân dân, nhà nước sẽ đi đằng nhà nước. Những dự án ấy là phản tiến bộ nếu xét trong bối cảnh chúng ta lấy nhân dân là mục tiêu của sự phát triển. Những dự án nào chống lại đời sống của nhân dân, những dự án nào không lôi kéo nhân dân vào việc phát triển và hưởng thụ nó là những dự án không thích hợp với những nước như nước chúng ta, và đặc biệt không thích hợp với truyền thống chính trị của những người cộng sản Việt Nam. Tôi không nói rằng chúng ta phải nhiều tiền giống nhau, chúng ta phải giàu có giống nhau, nhưng chúng ta không thể giàu có trong sự nghèo khổ, đói rách và khốn khó của những người bên cạnh được. Một dự án kinh tế, một hành động có chất lượng chính sách nếu không được xem xét một cách nghiêm khắc dựa trên những cơ sở như thế thì nó trở thành phản nhân dân. Chúng ta không bao giờ được quên rằng, ổn định chính trị chính là ổn định lòng tin và sự tín nhiệm của nhân dân, là ổn định thái độ ủng hộ của nhân dân đối với chính phủ.

Hỏi: Vậy thì đâu sẽ là điểm khởi đầu cho quá trình nhận thức lại và sửa sai?

Trả lời: Nó nằm ở tâm hồn con người, nó nằm ở sự xót thương nhân dân của những người có trách nhiệm và có trí tuệ. Nếu có trách nhiệm mà không có trí tuệ thì anh không làm được như anh muốn, nhưng nếu có trí tuệ mà không có trách nhiệm thì anh là kẻ chống lại nhân dân một cách xuất sắc. Cả trí thức lẫn nhà chính trị phải ý thức rằng nhân dân là nỗi niềm của tất cả những người có khả năng và có trách nhiệm. Cứ nghĩ đi rồi chúng ta sẽ biết điểm khởi đầu từ đâu. Không thể đưa ra một công thức nào cả, vì quá trình tự cải tạo trí tuệ của mình, giá trị của mình là quá trình mà mỗi một người phải tự làm, quá trình ấy không phải của một hệ thống chung chung. Và phải nói rằng "yên dân" là điểm bắt đầu của mọi nhận thức, mọi sửa sai. Không thể mang bụi rắc lên đầu người dân mà làm yên dân được, không thể làm ô nhiễm môi trường mà yên dân được. Dòng sông Thị Vải chính là một bản cáo trạng khổng lồ về sự bất cẩn trong các chính sách kinh tế, là biểu hiện rõ rệt nhất về tính không yên dân của một chính sách. Không thể nào không nghĩ đến chuyện thu xếp chỗ trở về cho những người công nhân vãng lai tạo ra toàn bộ nền công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam mà gọi là yên dân được. Người nông dân không quay về sân golf được, không làm việc ở sân golf được. Các bạn cứ thử nghĩ xem, bây giờ anh muốn làm sân golf cũng được, nhưng anh phải đào một cái hào xung quanh sân golf sâu 4-5m, phải đổ vào đó một loại chất gì đấy để ngăn chặn sự thấm của các hoá chất sân golf vào các mạch nước ngầm. Anh chứng minh anh làm được chuyện ấy thì tôi cho anh làm sân golf. Lúc đó liệu người ta có làm sân golf một cách ồ ạt nữa không? Chính sách là như thế, tôi không cấm anh làm nhưng tôi ra điều kiện để anh làm và điều kiện ấy không phù hợp với anh thì anh không làm. Bây giờ tất cả các sân golf phải có một hệ thống nước phun lên để ngăn chặn sự bay hơi của các hoá chất bảo quản cỏ ra bên ngoài không gian của sân golf, liệu các nhà đầu tư sân golf có đủ tiền để làm không? Họ chỉ đầu tư dễ dàng trong những điều kiện dễ dãi. Sự dễ dãi của nhà nước đối với thân phận con người nằm bên ngoài sân golf tạo ra sự nở rộ của sân golf. Cứ nghĩ đi thì sẽ thấy rất nhiều thứ. Lần đầu tiên tôi đến Nhật Bản, đi từ sân bay Narita vào Tokyo tôi thấy những hàng rào cao 5-6m chắn bằng tôn rất kín. Tôi hỏi người đón tôi rằng: tại sao phải có hàng rào xung quanh xa lộ? Họ bảo: cái hàng rào này để ngăn chặn tiếng ồn lan vào khu dân cư. Tức là anh muốn làm đường cao tốc thì anh phải đảm bảo là những người sống ngay cạnh cái đường cao tốc ấy không phải chịu ảnh hưởng của tiếng ồn. Nếu làm được như thế thì đương nhiên là các dự án BOT sẽ được thực hiện nghiêm chỉnh ngay và không phải ai cũng làm được chuyện ấy. Như vậy, sự khắt khe của những điều kiện sẽ tạo ra một trong những tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư chính xác để đảm bảo cho sự có lợi hay sự vô hại của các dự án đối với xã hội.

Hỏi:Nhưng nếu phải thoả mãn các điều kiện khắt khe đến như thế thì e rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam sẽ bị loại trước?

Trả lời: Doanh nghiệp vừa và nhỏ không làm những việc mà họ không làm được. Tất cả các doanh nghiệp đứng đắn là những doanh nghiệp không làm những gì mà họ không có khả năng làm. Ngăn chặn con người làm những việc mà họ không có khả năng là một trong những chính sách thông minh nhất mà một chính phủ phải có, bởi vì những kẻ không có năng lực mà làm thì là phá hoại. Sự ngăn cản ấy chính là sự ngăn cản năng lực phá hoại của những đối tượng phi năng lực chuyên nghiệp. Tại sao chúng ta lại để cho nhiều người không đủ năng lực làm để họ phá hoại? Đó chính là sự phá hoại nguồn vốn, phá hoại tài nguyên, phá hoại tiêu chuẩn của con người và trên tất cả là phá hoại điều kiện sống của con người. Những người không biết nuôi bò sữa tốt thì sữa mới thiếu đạm và họ phải chế melamine vào để lừa đảo. Huy động toàn xã hội vào những việc mà họ không có khả năng làm chính là quá trình tàn phá xã hội, tàn phá không chỉ điều kiện trước mắt mà tàn phá cả tiềm năng của xã hội. Trao tiền, trao tài nguyên vào tay những kẻ không có khả năng chính là một trong những biện pháp tự phá hoại và phá hoại nhanh nhất. Rồi các bạn xem, vài năm nữa thế giới sẽ nói rằng có những loại quốc gia không được làm chuyện này, chuyện kia, vì anh không có năng lực. Tất nhiên, không có một chính phủ chung toàn thế giới nào để ra lệnh cả, nhưng sẽ có các công ước quốc tế về những chuyện như vậy. Sớm hay muộn, những biện pháp chính trị sẽ được ứng dụng để ngăn chặn những sự sản xuất vô lối như thế và đấy chính là bảo vệ những nguồn sống lâu dài của nhân loại.
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ông Nguyễn Trần Bạt giao lưu: Việt Nam gia nhập WTO - Cơ hội và thách thức

    08/10/2015Việt Nam gia nhập WTO là một sự kiện vô cùng hệ trọng. Ngoài cuộc Cách mạng Tháng Tám và cuộc Giải phóng Miền Nam ra, tôi chưa thấy việc gì hệ trọng hơn việc nước chúng ta gia nhập WTO. Đây là một quyết định chính trị vô cùng sáng suốt...
  • Để Việt Nam cất cánh

    21/02/2015Nguyễn Trần BạtHội nhập quốc tế là một cơ hội để Việt Nam có thể cất cánh. Nhưng để cất cánh chúng ta đang phải đứng trước những sự lựa chọn rất quan trọng. Chọn lối đi nào cho đất nước để cất cánh?
  • Minh bạch để hội nhập

    13/12/2008Đỗ Quang ĐánCả nước dốc sức chăm lo xây dựng cho thương hiệu dân tộc, kéo bạn bè về với mình. Đất nước luôn nhìn thẳng, dám nhìn thẳng, quyết không để "con sâu làm rầu nồi canh". Vẫn hay việc xem xét một con người là hệ trọng, là không thể nóng vội nhưng cũng không thể chậm trễ hơn. Bởi càng chậm thì càng ảnh hưởng đến lợi ích và hình ảnh quốc gia...
  • Hội nhập không chấp nhận quản lý tồi

    05/07/2008Hoàng DzựDù muốn hay không, để phát triển kinh tế xã hội vững mạnh thì cần thiết phải hội nhập với kinh tế thế giới, việc đó giống như một dòng sông cần kết nối với nhiều dòng khác để tránh tình trạng khi thì bị lũ dâng cao, khi thì bị cạn dòng trơ đáy...
  • Gia nhập WTO = quốc tế hóa năng lực Việt Nam

    21/05/2007Phan ThếChúng ta đổi mới 20 năm, đã khá hơn trước đây. Nhưng có những dân tộc khi gia nhập WTO người ta đã đổi mới 100 năm, người ta đổi mới liên tục, cho nên, chúng ta có thể tự hào vì chúng ta đã đổi mới, nhưng không thể tự hào là đã đổi mới lâu quá rồi.
  • Hội nhập quốc tế: Cơ hội và thách thức đối với giá trị truyền thống trong điều kiện toàn cầu hóa

    19/07/2005Nguyễn Trọng ChuẩnQuá trình toàn cầu hóa đang diễn ra hiện nay là hệ quả của sự phát triển vô cùng mạnh mẽ, mang tính chất đột biến của khoa học và công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin. Các phương tiện hiện đại của công nghệ thông tin, trước hết là mạng Internet, mạng viễn thông toàn cầu, cáp quang xuyên đại dương, các mạng kết nối siêu lộ thông tin, … đã tạo ra kết cấu hạ tầng kỹ thuật của toàn cầu hóa.
  • xem toàn bộ