Nghĩ & ngẫm từ cá tính dân tộc
“Từ góc nhìn lịch sử dân tộc, năm 2006 có thể xem là thời điểm đầu tiên Việt Nam hòa nhập với cộng đồng, với thế và lực hoàn toàn khác so với tất cả những thời kỳ trước đây”.
“Tấm vé thành viên WTO cho thấy đây là lần đầu tiên, nền kinh tế Việt Nam gia nhập kinh tế toàn cầu với tư thế bình đẳng. Như vậy, Việt Nam hiện đã có được những điều kiện cần và đủ cho cuộc vượt biển lớn đang ở phía trước”.
Ai cũng biết Việt Nam nằm bên bờ biển Đông, có hơn 3.200 km bờ biển. Đấy là điều kiện thuận lợi để mở rộng quan hệ kinh tế, chính trị với cộng đồng quốc tế tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện cần, chứ chưa phải là điều kiện đủ.
Các cộng đồng cư dân Việt Nam sớm lấy nghề trồng lúa (lúa nước và lúa nương) làm cơ sở kinh tế chính. Sự lựa chọn này cùng với một số tác nhân khác làm cho kinh tế Việt Nam suốt quá trình lịch sử như một mảnh vườn nhỏ, trong đó, trồng trọt là cây đại thụ, tỏa bóng mênh mông, khiến các cây - ngành kinh tế khác thiếu ánh sáng lớn lên. Thủ công nghiệp là bộ phận gắn chặt với nông nghiệp, thương nghiệp chủ yếu là nội thương với thông qua hệ thống chợ làng và luồng buôn bán tiểu thương.
Suốt thời kỳ trung đại, ngoại thương Việt Nam hầu như không phát triển do chế độ phong kiến chủ trương ức thương. Đó không chỉ do đề cao Nho học và tầng lớp kẻ sĩ, coi nghề buôn là "mạt nghệ" và thương nhân là hạng cuối cùng trong "tứ dân" sĩ-nông - công - thương". Lý do chính là vì an ninh quốc gia: ngăn chặn việc lợi dụng các cửa biển, cửa khẩu vào mục đích do thám của nước ngoài, triều đình phong kiến Việt Nam chỉ cho lập một số "bạc dịch trường" hay "thông mậu trường” để thương nhân ở biên giới đất liền hai nước đến trao đổi buôn bán với nhau dưới sự kiểm duyệt chặt chẽ của chính quyền sở tại. Còn ở cửa biển, chỉ cho lập tại những đảo xa một số điểm, thương cảng nhỏ như Vân Đồn để thương nhân nước ngoài đến trao đổi, chứ không cho vào sâu trong đất liền. Thương nhân Việt Nam ra đó buôn bán cũng bị kiểm soát rất ngặt nghèo.
Ngay cả những thời kỳ được coi là phát đạt dưới thời hai chế độ phong kiến Trịnh - Nguyễn (thế kỷXVII - XVIII) thì ngoại thương cũng chỉ là đơn tuyến hay là nền "ngoại thương một chiều”. Tức là chỉ có người nước ngoài đến Việt Nam buôn bán tại những địa điểm nhất định trong những quy chế kiểm soát ngặt nghèo của Nhà nước phong kiến, chứ không có các tổ chức buôn bán và các thương nhân của Việt Nam được tự do ra nước ngoài buôn bán. Nền ngoại thương một chiều đó không hỗ trợ đắc lực cho việc khai thác các nguồn lợi trên biển. Trước khi người Pháp đến Việt Nam, không có người nào có đủ tiềm lực để có thể mua được những tàu lớn để ra khơi đánh cá, không tiếp cận được các công cụ, kỹ thuật đánh cá ngoài khơi, các thành tựu của khoa học kỹ thuật đi biển xa.
Ngoại thương không phát triển càng củng cố tính khép kín của kết cấu kinh tế, xã hội với ba thành tố cơ bản nông nghiệp, nông dân và cơ cấu xóm làng. Thành thị ở Việt Nam nhỏ bé và yếu ớt, như là những "ốc đảo" trước "đại dương". Tuyệt đại đa số người Việt Nam suốt đời và truyền đời cách sống, làm ăn trong làng quê mình với những quan hệ và lệ tục quá quen thuộc.
Trên bình diện ngoại giao, suốt thời phong kiến, Việt Nam chỉ có quan hệ với Trung Quốc là chính, cùng một số nước lân cận như Lào, Nhật Bản, Triều Tiên, Xiêm La, Miến Điện. Từ thế kỷ XVII, người nước ngoài đến nước ta khá đông, nhưng chỉ tập trung ở vài nước và chỉ để buôn bán và truyền đạo, không tiến tới thiết lập các quan hệ bang giao để từ đó mở ra hướng hợp tác và phát triển kinh tế hai chiều.
Thế kỷ XIX, chính sách bảo thủ, "bế quan tỏa cảng" của nhà Nguyễn đã làm cho nước ta càng cách biệt với cộng đồng quốc tế đang phát triển với những bước đột phá mới. Hậu quả là nước ta rơi vào ách cai trị của nước ngoài. Gần như tên tuổi nước Việt Nam đã bị xóa trên bản đồ thế giới. Sau cuộc Cách mạng tháng 8/1945 tên Việt Nam được viết lại trên bản đồ thế giới, song Việt Nam mới chỉ được biết đến về mặt chính trị. Từ 1950 trở đi, các quan hệ chính trị, kinh tế của Việt Nam chủ yếu diễn ra với các nước trong nhóm XHCN. Do chiến tranh kéo dài và do cả những sai lầm chủ quan, kinh tế Việt Nam đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước phát triển yếu ớt, mất cân đối nghiêm trọng, phụ thuộc, dẫn đến lạc hậu và tụt hậu.
Công cuộc Đổi mới từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) tạo ra một bước ngoặt mới cho lịch sử phát triển của Việt Nam. Nền kinh tế bao cấp chuyển dần sang kinh tếthị trường, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế ngày càng giảm, nhường vị thế cho công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Giờ đây Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu ở Châu Á, có quan hệ bang giao kinh tế với hàng trăm nước. Chỉ riêng năm 2006, đã có 40 tỷ USD hàng hóa trao đổi với nước ngoài, hơn 10 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam và hơn 4 tỷ USD của kiều bào chuyển về.
Tấm vé thành viên WTO cho thấy đây là lần đầu tiên nền kinh tế Việt Nam gia nhập kinh tế toàn cầu với tư thế bình đẳng. Như vậy, Việt Nam hiện đã có được những điều kiện cần và đủ cho cuộc vượt biển lớn đang ở phía trước.
Thế & lực dân tộc
Nhìn suốt chiều dài lịch sử, ngẫm ra người Việt có khả năng thích ứng, thích nghi rất cao trước các tình thế nên có tích cách chủ động, tự tin để hòa nhập. Tuy nhiên, gia nhập WTO, Việt Nam cũng phải đối mặt với khó khăn và thách thức mà cụ thể là hơn 70% cư dân là nông dân, vẫn sống dựa vào nông nghiệp với quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu hẳn những vùng chuyên canh lớn đủ để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp và cho xuất khẩu.
Đặc biệt, con người Việt Nam - với tư cách là nhân tố quan trọng, quyết định nhất cho quá trình "vượt biển lớn" lại vẫn còn những điểm yếu. Đó là, tính tư lợi quá lớn, dễ bị những lợi ích trước mắt và tư tưởng cục bộ, địa phương "cám dỗ", thói quen tùytiện, cách ứng phó chắp vá của người sản xuất nhỏ, tính đố kỵ tiểu nông, ham muốn quyền lực, tính tự ti - tôn sùng và đặc biệt là thói quen sống theo lệ làng, từ đó dễ làm liều, làm càn, vi phạm pháp luật. Đấy là những rào cản "nội lực" đối với quá trình vượt biển của Việt Nam.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường