Gia nhập WTO, nhìn từ chiều cạnh văn hóa
Chính sức sống mãnh liệt đó đã đưa đất nước vượt qua những lực cản tưởng chừng không vượt qua được. Nhưng, trong nền văn hóa ấy, cũng trầm tích những khuyết tật yếu kém của con người Việt Nam ta. Khi đất nước chúng ta "đang trở thành điểm đến hứa hẹn của các nhà đầu tư, với niềm tin đất nước này đã sẵn sàng để tiến hành những cải cách đột phá về tự do kinh tế và mở cửa với thế giới", cần phải dám thẳng thắn và mạnh dạn chỉ ra để tìm cách khắc phục. Với việc gia nhập WTO, đất nước ta chủ động tiến sâu vào tiến trình hội nhập với thế giới. Đây là một cái mốc lớn của lịch sử. Từ "ao làng" ra "biển lớn", ý nghĩa của cột mốc này vượt xa nội dung kinh tế, ghi nhận một chuyển biến mạnh mẽ về tâm thức của dân tộc: vươn ra biển lớn, khắc phục nỗi "sợ say sóng", cứ khư khư bám lấy cái "ao làng" nhỏ hẹp! Có nhà khoa học lịch sử đã đề cập đến vấn đề "thay đổi cá tính dân tộc, mà cá tính là vấn đề văn hóa, là sự chọn lựa văn hóa". Sự chọn lựa đó không phải bây giờ mới có. Trong lịch sử đã từng có, ít nhất có thể kể đến hai lần khá tiêu biểu. Lần thứ nhất là cuối thiên niên kỷ thứ nhất, đầu thiên niên kỷ thứ hai với việc từ bỏ cái gốc Đông Nam Á để tiếp nhận nền văn hóa "Hán hóa", văn hóa Trung Hoa. Và lần thứ hai là chọn lựa Nam tiến, khởi đầu từ Nguyễn Hoàng, là một chọn lựa "phi Hán hóa", trở về cái "gốc Nam" của mình. Cuộc chọn lựa thứ nhất nhằm tạo ra một nhà nước mạnh đủ sức chống chọi lại với họa xâm lược đến từ phương Bắc để đến thế kỷ XI, Lý Thường Kiệt có thể dõng dạc tuyên bố "Nam quốc sơn hà Nam đế cư", xem đó như là một sự thật hiển nhiên vì nó đã "Tiệt nhiên định phận tại thiên thư"... Lời khẳng định đó được xem như "Tuyên ngôn độc lập" lần thứ nhất, để dẫn đến "Tuyên ngôn độc lập" lần thứ hai với "Đại cáo bình Ngô" của Nguyễn Trãi. Với anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, "văn hiến" được xác định là nhân tố đầu tiên để khẳng định bản lĩnh dân tộc, tiếp đó mới đến lãnh thổ và triều đại. Cuộc chọn lựa khôn ngoan lần thứ hai đưa đến một đất nước mở rộng với tư duy "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân", phi Hán hóa không chỉ về mặt văn hóa, tư tưởng mà còn với sự lùi xa "cương vực" về phía Nam, từ đèo Hải Vân đến Hà Tiên, hình thành một quốc gia lớn mạnh đủ sức cho Quang Trung đại phá quân xâm lược đến từ mọi phía. Nhưng rồi, sai lầm của việc đóng cửa khước từ canh tân để chủ động tiếp nhận những thành tựu của văn minh, văn hóa phương Tây, nhằm tạo nên thực lực đủ để chống lại chủ nghĩa thực dân cũng của phương Tây ấy, như trước đây tiếp nhận văn hóa Hán để chống lại sức mạnh của chính quốc gia có nền văn hóa Hán, mất nước là hậu quả đau đớn, song không thể khác. Văn hóa, sức mạnh của "văn hiến" - văn hóa và hiền tài, là bài học dựng nước cũng như bài học giữ nước ông cha ta đã truyền dạy cho mọi thế hệ Việt Nam. "Nước ta là một nước văn hiến". Phải bằng sức mạnh ấy mới đủ sức căng buồm thời đại, đón gió đại dương đưa con thuyền đất nước ra biển lớn. Để làm bừng nở sức mạnh ấy, phải dám chỉ ra những khuyết tật yếu kém vốn trầm tích lại trong chiều dài lịch sử. Việc ấy không dễ, song không thể không làm. Chẳng hạn như, dựa vào sự cấu tạo hình thể của thế liên hoàn núi sông để mở nước là một sự ràng buộc khách quan của lịch sử, song tiến sát biển Đông mà vẫn không có được cái can trường xông pha sóng nước, với hơn 3.000 km bờ biển mà không có được những đội thương thuyền vượt đại dương thì quả là "có vấn đề"! Bao đời đứng trước biển mà sao cái "tâm thế lục địa" vẫn lấn át "cảm hứng đại dương"! Cái trì trệ "ta về ta tắm ao ta" thì đã nói quá nhiều rồi, nhưng do đâu, và rồi sẽ chuyển đổi thế nào đây, và có chuyển được không? Ông cha ta đã từng có những trận thủy chiến lừng danh, thế sao mãi không có nổi những hạm đội đúng nghĩa? Một đội thương thuyền vượt biển cũng chưa. Phải tìm về một trong những nguyên nhân cơ bản, đó là sự thủ cựu. Hãy nghe lời tâu của các trọng thần triều Tự Đức tâu lên nhà vua về ý định của nhà vua muốn mở mang thông thương: "Thông thương là việc cần kíp, duy chỉ nước khác làm thì dễ, ta làm thì khó, vì các dân châu Âu phần nhiều theo nghề buôn, lại khéo đi biển... Còn nước ta thì từ trước cấm dân đi ra hải ngoại, dân không đi buôn xa, trong nước không có bọn buôn, mà muốn dắt người buôn nước ngoài đến, thế chưa thể vội được". Chính cung cách tư duy "thế chưa thể vội được", cũng là sản phẩm của nhịp bước ì ạch, chậm chạp "con trâu đi trước cái cày theo sau" với nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu kéo dài triền miên. Cái cày chìa vôi thời nhà Lý vẫn còn phổ biến trên cánh đồng của thế kỷ XX bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ của bộ não! "Giấc mộng tiểu nông" ru ngủ con người trong tâm lý an cư lạc nghiệp mà ngại sự xê dịch đổi thay. Thương mại là nhân tố năng động nhất thúc đẩy kinh tế phát triển kéo theo đó là nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội nhưng thương nhân lại bị coi khinh, bị đẩy xuống bậc thấp nhất trong thang bậc hệ giá trị xã hội. Nền văn hóa chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng Nho, Phật, Lão đều không cổ vũ cho thương nhân, mẫu người biết làm kinh tế, càng không đề cao người làm giàu cho mình và làm giàu cho xã hội. Truyền thống văn hóa ấy tôn vinh triết lý "an bần lạc đạo", "ăn cơm rau, uống nước lã, co tay làm gối mà nằm, cái vui đã có ở trong đó", lấy triết lý đó làm thái độ sống của người quân tử trọng đạo lý, là người "có văn hóa". Truyền thống văn hóa ấy làm nền tảng duy trì cho sự ổn định của xã hội nông vi bản. Cho nên, trong cách tiếp cận của truyền thống văn hóa Việt Nam nói riêng và phương Đông xưa kia, quan điểm văn hóa là động lực của phát triển, là động lực của kinh tế là quá xa lạ, thậm chí đối lập với quan điểm "văn dĩ tải đạo". Đạo ở đây là "đạo của người quân tử", chỉ đề cao "nghĩa" mà coi khinh "lợi". Mà "lợi" vốn được xem là ham muốn của kẻ "tiểu nhân" ham giàu! Phải thấy cho ra cái đó mới cảm nhận được sâu sắc sự kiện "Việt Nam là ngôi sao mới nổi trên bầu trời thương mại thế giới". Chính trong "bầu trời thương mại" này, bản lĩnh của con người Việt Nam, sức mạnh vốn có của văn hóa Việt Nam được thử thách gay gắt. Cái mạnh sẽ được thể hiện, đồng thời cái yếu cũng sẽ bộc lộ ra. Cho nên, trận chiến kinh tế trên đấu trường WTO sẽ được phân định thắng bại tùy thuộc rất lớn vào sức mạnh văn hóa.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Tri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường