Tác phẩm lớn, tại sao chưa?

08:39 CH @ Thứ Sáu - 26 Tháng Giêng, 2007

Vì sao văn học hôm nay chưa có tác phẩm lớn? Đây đâu phải vấn đề chỉ trả lời gọn trong một câu mà xong được. Bởi, thực ra, nó là câu hỏi đã và đang tra vấn cả nền văn học này.

Tầm tầm và tầm cỡ

Ai cũng biết một nền văn học lớn phải được làm nên bởi những sáng tạo lớn. Sự thiếu vắng tác phẩm lớn luôn làm bất an những tấm lòng thiết tha với văn hóa nước nhà. Tác phẩm lớn không chỉ là nỗi trông ngóng của đời sống, mà trước hết là nỗi sốt ruột của mỗi người viết tự trọng. Một khi nó hãy còn là bóng chim tăm cá, thì công chúng ngao ngán đã đành, mà người viết cũng mặc cảm tội nợ.

Công bằng mà nói, ta đâu có ít tác phẩm hay. Nhưng, hay tầm tầm thì đông, hay tầm cỡ thì vắng. Mà tác phẩm lớn nhất thiết phải là những sáng tạo tầm cỡ. Có thời, người ta xem tác phẩm lớn phải xứng đáng với hiện thực vĩ đại của những chặng lịch sử vừa rồi. Và ngầm trông chờ đó phải là những bộ sử thi hoành tráng, tái hiện được những bước đi của cái thời đại mà người đòi hỏi cầm cương. Nửa thế kỷ đã qua, cái được mong mỏi vẫn chưa thấy tăm hơi. Đơn giản vì đòi hỏi ấy chứa đằng sau nó quan niệm xưa rồi về nhà văn: người thư ký trung thành của thời đại. Trong khi đó, thời đại mà người viết chịu làm chân thư ký trung thành, xem chừng cũng đã xưa. Vả chăng, người đọc thời nay còn chịu nổi không, thứ văn phẩm của những ông thư ký?

Về tác phẩm lớn, có thể có nhiều quan niệm khác nhau. Qui mô có thể lớn, có thể không; văn thể có thể thuần tính có thể pha trộn; phản ánh có thể trực tiếp có thể gián tiếp; khuynh hướng có thể truyền thống, có thể hiện đại hay hậu hiện đại... Nhưng, nói gì thì nói, rốt cuộc, nó vẫn phải là sản phẩm độc sáng, đặt ra được những vấn đề thật thiết cốt đối với cuộc nhân sinh này và được viết bằng một cách tân nghệ thuật đầy bản lĩnh và bản sắc. Thể tất nó phải mang hơi thở của một thời nhưng cũng là trăn trở của mọi thời, nảy sinh từ cuộc sống một dân tộc nhưng là câu chuyện chung của mọi dân tộc, được viết từ tâm sự của một người nhưng phải mang tâm tư của muôn người, là sản phẩm từ một nền văn hóa, nhưng có thể là vinh dự chung của nhiều nền văn hóa. Ngày trước, qua nhân vật của mình, Nam Cao từng mơ tới cuốn sách lớn, cả đời chỉ cần một cuốn thế thôi, ấy là cuốn sách vượt lên trên mọi bờ cõi và giới hạn, nghĩ cho cùng, cũng là theo tinh thần ấy. Đó là một ước mơ lớn. Sáng tạo lớn không thể không khởi sự từ ước mơ lớn. Còn ước mơ làng nhàng, nhại Chế Lan Viên, chỉ đè nát những nghiệp văn làng nhàng thôi. Một nền văn học lớn quyết không phải là một tổng số lớn của những văn phẩm làng nhàng.

Cơm áo và tự do

Chưa có tác phẩm lớn, phải chăng vì thiếu những điều kiện bên ngoài? Chúng ta thường viện cớ đời sống áo cơm và nhuận bút rẻ mạt. Quả có vậy. Chăm lo cho người làm nghệ thuật một cuộc sống chu đáo hơn, chế độ nhuận bút cũng cần phải nhỉnh hơn, làm sao để người viết không phải lay lắt với ngòi bút, luôn là vấn đề bức thiết. Nhưng, có thực đó là lí do ? Vin vào điều đó, chúng ta sẽ giải thích thế nào, khi các sáng tác tầm cỡ của thế hệ nhà văn 1932-1945 đều ra đời lúc họ bị áo cơm ghì sát đất, thậm chí từng phải bi phẫn than lên: “Thời buổi bây giờ thật khốn khó/Nhà văn An nam khổ như chó”? Có vẻ Azit Nexin rất tỏ tường cái tâm bệnh ưa đổ lỗi cho hoàn cảnh của kẻ viết, nên đã ném ra cái truyện ngắn trứ danh Giá không có ruồi thì phải?

Một trong những lí cớ cao sang vẫn được viện ra để biện hộ là chuyện tự do sáng tác. Điều này có nghĩa lý riêng của nó. Ít ai không biết có hai thứ tự do vừa liên đới vừa độc lập với nhau: tự do sáng tạo và tự do công bố thành quả sáng tạo. Chúng ta cần phải tích cực xây dựng một khung luật pháp phù hợp để tiến hành quản lý việc công bố tác phẩm theo pháp luật như mọi xã hội văn minh. Tuy nhiên, đó vẫn là thứ tự do bên ngoài. Sáng tạo, về căn bản, phụ thuộc vào tự do bên trong: tự do tư duy. Tự do này không ngoại lực nào có thể tước đoạt được, trừ khi chủ thể tự nguyện giao nộp cho kẻ khác. Ngẫm cho cùng, chỉ có hai thế lực định đoạt nổi tự do tư duy: bản lĩnh và năng lực của chính kẻ sáng tạo. Điều cốt yếu là ta có sức nghĩ rốt ráo và có dám nghĩ rốt ráo về vấn đề của mình hay không mà thôi. Tự do bên ngoài, đành rằng, cũng ảnh hưởng không ít đến tự do bên trong. Song, nếu là tùng bách thì e gì gió cả. Nguyễn Du viết Truyện Kiều, Tự Đức đòi đánh đòn. Baudelaire viết Hoa ác, nhà thờ ba lần bảy lượt thiêu hủy, Pasternak viết Bác sĩ Zhivago, chế độ Xô Viết cấm lưu hành. Nếu sợ cấm đoán, làm sao các nghệ sĩ ấy sản sinh được những kiệt tác như thế cho dân tộc và nhân loại! Chừng nào anh dám làm kẻ thám hiểm, dám theo đuổi đến cùng những tư tưởng chân chính của mình, dù phải xé toang rào cản thủ cựu, chừng ấy mới có thể hy vọng đến những sáng tạo lớn được. Rốt cuộc, anh có phải là, có dám là tùng bách hay không, còn gió ngoài trời khi nào chả có.
Đổ lỗi cho khách quan bao giờ cũng tiện, nó khiến ta luôn được yên chí về mình. Nhưng những bao biện ngọt ngào chỉ an ủi được kẻ viết tự huyễn hoặc, sao có thể làm yên lòng nghệ sĩ tự tri.

Tâm huyết và tài năng

Kẻ tự tri bao giờ cũng tìm nguyên nhân từ mình trước hết. Chưa có tác phẩm lớn, câu trả lời thành thực nhất vẫn thuộc về cái tâm và cái tài của kẻ viết... Nói rằng thiếu tâm, hẳn nhiều người sẽ cự nự: làm sao có thể bảo nghệ sĩ chúng ta thiếu tâm được! Hãy khoan phản bác. Đúng là, cái thiếu trong tâm của kẻ viết không phải là tình cảm nhân văn hay nhân đạo đối với cuộc đời này. Mà là chiều sâu và sự mãnh liệt của những tình cảm ấy. Văn học hôm nay có thừa những dạng tình cảm phải chăng, xuôi chiều, còn quá thiếu những luồng tình cảm lớn lao, nhiều chiều. Thói quen nhấm nháp những cảm xúc vặt đã lấn át những nhịp đập cao cả. Chị em song sinh của thói quen dễ dãi ấy bao giờ cũng là những ru vỗ bởi thứ cảm xúc mênh mông mà hời hợt quen mòn. Chúng ta còn quá thiếu những điệu tình cảm mang một tinh thần nhân văn mới. Những yêu-ghét, thương-giận, trọng-khinh, vui-buồn, sướng-khổ... trong văn học hôm nay nếu không vượt thoát được mòn sáo tất sẽ làm cằn cỗi xơ xác mỗi trang viết của chúng ta. Sau những trông đợi mỏi mòn, công chúng tất sẽ lạnh nhạt với thứ văn chương đóng băng trong những tình điệu cũ kĩ đó.
Nhưng, điều đáng nói nhất trong những thiếu hụt ở cái tâm, té ra, lại là tâm huyết thực sự với nghề. Người ta nói nhiều đến tình trạng ít chuyên nghiệp và đặt vấn đề chuyên nghiệp hóa như một lối thoát không thể khác của nghệ thuật. Điều ấy đúng. Nhưng chuyên nghiệp trước hết là chuyên tâm. Trong chúng ta, lối tâm huyết “sinh ư nghệ” thì nhiều, còn “tử ư nghệ” thì ít. Nói nôm na, kiểu tâm huyết đánh đeo với nghề thì có thừa, còn dạng tâm huyết xả thân vì nghề thì quá thiếu. Không có tâm huyết lớn, làm sao kẻ viết có thể hi sinh tất cả, không phân tâm, không đòi hỏi để âm thầm theo đuổi nghệ thuật lớn được? Chả riêng gì văn chương. Nhìn sang các ngành nghệ thuật khác, ta đều thấy tình trạng thiếu hụt này. Tâm huyết theo đuổi những sáng tạo tầm cỡ thường bị lấn át bởi ham mê làm những nghệ phẩm tầm tầm. Thói quen làm hàng chợ vốn lên ngôi trong thời buổi chớm thị trường dường như đã làm xói mòn khá nhiều kỉ luật làm hàng hiệu. Vì thế, văn chương cầu danh, văn chương cầu lợi hãy còn nhiều, văn chương tử vì đạo, văn chương tuẫn tiết sao mà hiếm. Thật buồn, kiểu tâm huyết trăn trở tới hàng chục năm lăn lóc thăng trầm để viết nên những tác phẩm để đời khám phá về cội nguồn của sức sống và văn hóa dân tộc, hay nghiền ngẫm về phận người, đau đáu về tính người trong cuộc nhân sinh này thì như sao buổi sớm, còn dạng tâm huyết “chạy show”, bỏ ra ít tâm lực sản xuất những nghệ phẩm chiều nịnh thị hiếu thời thượng thì như lá... rừng xuân. Tấm gương ngót chục năm treo ngược mình lên vòm trần nhà thờ Sixtine để hoàn thành bức bích họa muôn đời của Michenlangelo đã trở thành câu chuyện xa vời và xa xỉ đối với người làm nghệ thuật thời nay rồi chăng?

Dĩ nhiên, có tâm huyết lớn chưa chắc đã đẻ ra những sáng tạo lớn. Nhưng liệu có được sáng tạo lớn không, nếu thiếu vắng tâm huyết lớn?

Song lẽ, lí do căn bản nhất và khó nghe nhất vẫn là: thiếu tài. Ta vẫn gọi tránh là thiếu nội lực. Tôi không nghĩ rằng thế hệ vàng của văn chương hiện đại Việt Nam đã qua, cũng không trông chờ mãi sau này mới xuất hiện một lớp tài năng mới. Thực ra, tài hoa trong chúng ta không ít, nhưng thành tài năng tầm cỡ thì không nhiều. Không thiếu những cây bút sau màn trình làng đầy ấn tượng, hứa hẹn một triển vọng nào đấy, nhưng rồi tài hoa ban đầu không cường tráng lên để thành tài năng, trái lại, cứ sa sút mai một dần. Những cái ra sau chỉ là sự pha loãng cái ra trước, thậm chí loãng đến mức khó tin. Có người bi quan đã ngờ vực: không khéo cái tạng chính của người viết ở ta chỉ là “nhà văn của cái đầu tay”.
Giải thích về hiện tượng sa sút phong độ sau những sáng tác đầu tay, người ta thường đề cập ba thiếu hụt quen thuộc: vốn văn hóa, vốn sống và những kĩ năng sáng tạo. Vốn văn hóa không chỉ là tri thức về các bộ môn văn hóa hay hiểu biết về các nền văn hóa bốn phương, mà quan trọng hơn là cái lõi nhân văn của kẻ viết có đầy đặn hay chưa sau khi hấp thu những tinh hoa văn hóa khắp nơi ấy. Vốn sống cũng không phải là những tri thức cuộc sống đã được nạp đầy hay vơi trong túi khôn của kẻ viết, mà đáng nói hơn, là vốn ấn tượng, vốn trải nghiệm cật ruột của chủ thể sáng tạo trong trường đời đã đủ giúp anh hóa thân vào mọi nỗi đời chưa. Cũng như thế, kĩ năng sáng tạo đâu chỉ đơn giản là những chiêu mới, chiêu lạ, chiêu độc tích cóp được từ việc học những trường phái tân kì hay các bậc thầy đến từ phương xa. Mà quyết định hơn, là mọi thao tác kĩ năng đã ngấm vào thành ứng xử nghệ thuật, thành giác quan của kẻ viết hay chưa. Chúng ta thường khuyến cáo người viết hãy bồi đắp cho những thứ ấy đầy đặn lên, vạm vỡ hơn. Không thể chối cãi được rằng nội lực của người viết phụ thuộc rất nhiều vào sự dồi dào của ba yếu tố ấy. Chưa có một nội lực như vậy, thật khó hy vọng về tác phẩm thực sự lớn.

Nhưng, cứ nói mãi những điều như thế, tất Vũ Trọng Phụng sống dậy sẽ có thêm những nguyên mẫu mới cho cụ Cố Hồng.

Vả lại, một nội lực lớn có phải là phép cộng giản đơn của ba số hạng đó không? Không. Một nội lực lớn không phải là một tổng số mà phải là tổng hợp, một nhất thể.

Cái gì có thể tổng hợp chúng thành nhất thể?
Đó là cảm niệm triết học của kẻ viết.

Bức xúc chính trị và băn khoăn triết học

Xung quanh chuyện này, tôi nghĩ nhiều hơn tới thiếu hụt ấy: cảm niệm triết học về thực tại.
Cảm niệm triết học không phải là tư tưởng triết học kiểu hàn lâm của triết gia, mà là ý thức triết học nghiệm sinh của nghệ sĩ. Đành rằng, cái trước có thể hỗ trợ cái sau, song, không phải cứ nạp đầy những tri thức triết học đông tây kim cổ hay thành thục những kĩ năng tư duy triết học thì tất sẽ có. Cũng không phải cứ sinh ra ở một xứ sở có truyền thống triết học thì đương nhiên có. Điều quyết định nằm ở năng lực sống và năng lực tư duy của chủ thể khi đối mặt với thực tại.

Cảm niệm triết học thường được hình thành từ trải nghiệm nhân sinh của chính kẻ viết. Để có nó, kẻ viết thường phải trả giá bằng thân phận chính mình. Rất nhiều khi, kẻ viết là nạn nhân của một sự khiếm khuyết nào đó của thực tại này. Cảnh ngộ mà anh lâm vào khiến anh có được một nhận thức gan ruột, một phát hiện xương máu nào đó về thực tại. Đó là lúc anh ngộ ra cái gì mới thực là giá trị trong cuộc nhân sinh này, cái gì có thể cứu rỗi đựơc con người trong thực tại này. Sự bừng ngộ ấy đã soi sáng toàn bộ thế giới tinh thần của anh bằng một ánh sáng mới như được thiên khải. Nó thay máu hoàn toàn cho tinh thần của anh. Trải nghiệm như thế, thực chất, đã giúp anh hình thành quan niệm và xác tín về giá trị sống. Chính nó làm dấy lên trong anh cái khao khát nhân bản về thực tại. Khao khát ấy nung nấu tâm can anh, chi phối cảm quan của anh về hạnh phúc và thẩm mỹ khi đối mặt với cuộc tồn sinh này. Cứ thế, nó sẽ thành hệ qui chiếu bên trong của chủ thể nghệ sĩ về thực tại. Cho nên, nó không hẳn là những khái niệm khách quan thuần lý tính, mà là những quan niệm chủ quan thấm đẫm cảm tính của chủ thể. Nó là dạng ý niệm triết học đã được cảm xúc hóa.

Như vậy, xét đến cùng, cảm niệm triết học là một quan niệm máu thịt về giá trị sống được nuôi dưỡng trong một điệu cảm xúc tương ứng của chủ thể. Là dạng ý niệm thuộc cả hữu thức và vô thức, nên không phải chủ thể nào cũng tự ý thức được đầy đủ về nó, nhưng nó vẫn âm thầm chi phối mọi ứng xử tinh thần của anh. Nó tạo nên thái độ triết học trước cuộc đời, mà việc sáng tạo của kẻ viết chỉ là một cách ứng xử - ứng xử bằng nghệ thuật - đối với thực tại mà thôi. Nghĩa là, nó tạo nên minh triết cho chủ thể khi tiếp cận đời sống. Trường hợp hoàn hảo nhất, nó biến anh thành cái ý niệm triết học sống, một ý niệm triết học bằng xương bằng thịt đi giữa cuộc nhân sinh này.

Cảm niệm triết học khi nhập vào sáng tạo của nghệ sĩ thì trở thành tư tưởng nghệ thuật. Tư tưởng này được hiểu là dạng tư tưởng trong nghệ thuật và được thể hiện bằng nghệ thuật. Nên nó chỉ là nó khi sống trong một thế giới hình tượng cụ thể nào đó. Do vậy, cảm niệm triết học là dạng ý thức hình thành trước, là cội rễ, là cốt lõi của tư tưởng nghệ thuật ở nghệ sĩ.

Cảm niệm triết học cũng không chỉ là việc phát ngôn dăm ba triết lý, biện bác vài ba triết luận. Trong thế giới nghệ thuật của một nghệ sĩ, nếu đây đó có những triết lý hay triết luận chồi lên, thì chúng chỉ là các kết tinh cụ thể, chỉ là vài vỉa lộ thiên từ toàn bộ cảm niệm triết học của anh ta mà thôi. Đọc Nguyễn Du, có thể thấy từ thơ chữ Hán đến chữ Nôm đều bàng bạc một cảm niệm triết học về nỗi đời dâu bể, phận người chiếc lá, mà trước hết là những kiếp hồng nhan và những đấng tài hoa. Nó khiến ông nhìn vào “cõi người ta” từ những thân phận như Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, Đạm Tiên, Tiểu Thanh... đến cảnh vật như vườn Thúy hay Tây Hồ... thấy tất thảy, nếu chẳng “khi sao phong gấm rủ là/giờ sao tan tác như hoa giữa đường”, thì cũng “nửa chừng xuân thoát gãy cành thiên hương”, chẳng “thương hải tang điền”, thì cũng “hoa uyển tận thành khư”... đều là những nạn nhân khác nhau của bể dâu cả. Đối với ông, nó là nỗi bất công không thể hỏi trời được, nên lúc nào cũng gây “đau đớn lòng”. Còn nghiên cứu Xuân Diệu, có thể thấy cảm niệm triết học về thực tại đến với ông từ rất sớm. Khi đang còn học những lớp cuối bậc tiểu học, còn lâu mới là tác giả của Thơ Thơ, Xuân Diệu đã có những băn khoăn triết học về cái chết và sự sống. Nỗi ám ảnh về uy lực của cái chết đã khiến Xuân Diệu bừng ngộ một giá trị sống: tận hưởng và tận hiến. Thế nên, Xuân Diệu luôn canh cánh về thời gian, bồn chồn về tuổi trẻ, quấn quýt với trần gian và khát khao luyến ái. Bởi đó không chỉ là giá trị, là hạnh phúc, mà đó còn là phương cách để ông chiến thắng cái chết. Cũng như thế, Vũ Trọng Phụng bức xúc về cái rởm, Nam Cao đau đáu về phần người bên trong con người, Nguyễn Bính khắc khoải về nỗi tha hương của phận người, Hàn Mặc Tử day dở khôn cầm về nỗi đơn côi trần thế... Tất thảy những cảm niệm triết học ấy đã là nền tảng của những sự nghiệp lớn, làm nên tầm vóc tư tưởng cho những tác phẩm lớn của các bậc thầy đó.

Vậy là, tầm cỡ của tác phẩm phụ thuộc vào tầm vóc của tư tưởng, tầm vóc của tư tưởng lại phụ thuộc vào chiều kích của cảm niệm triết học. Không có cảm niệm triết học, mọi tri thức trường ốc và trường đời, mọi kĩ năng sáng tạo anh tích cóp được chỉ là một nồi lẩu thập cẩm chứ không thể thành tư tưởng, không thể thành trí năng, không thể thành cảm giác của anh được. Không có nó, mọi cái nhìn của anh sẽ vụn vặt, manh mún, cắt xẻ, khó có được một nhãn quan thống nhất, một hệ qui chiếu riêng về thực tại. Không có nó, tâm huyết của kẻ viết khó được nuôi dưỡng, trái lại, rất dễ bị hao vơi, thậm chí, khánh kiệt sau vài vinh quang vặt ban đầu. Hy vọng về tác phẩm lớn, vì thế, chỉ là ảo vọng.

Đến lượt nó, cảm niệm triết học phụ thuộc vào điều gì đây?

Phụ thuộc vào điều này : nghệ sĩ có mối băn khoăn triết học về thực tại hay không. Anh có biết tra vấn thực tại bằng những câu hỏi về phận người, phần người, kiếp người, cõi người hay không, có trăn trở và dốc lòng tìm kiếm những giá trị sống của muôn đời ngay trong thực tại này hay không. Không có băn khoăn ấy thì khó mà có được một cảm niệm triết học thật sự.

Có thể nói, tình trạng của chúng ta là thừa bức xúc chính trị về đời sống, thiếu băn khoăn triết học về thực tại. Tất nhiên, hai chuyện này không hoàn toàn phân biệt nhau, mỗi đằng đều có giá trị của mình và cũng có bổ trợ nhau, nhưng chúng không đồng nhất với nhau. Nếu cảm hứng chính trị về đời sống thường bị hút vào cái nhất thời với một phạm vi hạn định, thì cảm hứng triết học về thực tại luôn hướng tư duy vào tìm kiếm những giá trị phổ quát và vĩnh cửu. Chúng ta viết để giải tỏa những bức xúc mà đương thời gây thành áp lực lên đời sống của ta, viết để than nghèo tố khổ nhiều hơn là để phát giác những chân lý nhân sinh, những qui luật thực tại. Trước đây, nói đến chuyện này cứ như là húy kị. Người ta đinh ninh hệ thống triết học được chọn thì sẵn đó rồi, cần gì phải loay hoay về triết học khác, muốn xét lại chăng? Bây giờ thì không ai còn ấu trĩ thế nữa. Ngay trong ngành triết học, lúc nào cũng cần những tư duy mới để đẩy triết học tiến lên. Nghệ thuật chân chính muốn phát triển cũng không thể thiếu những băn khoăn triết học về thực tại. Tiếc là, điều này chưa thành một truyền thống thực sự ở ta.

Đã đành, có cảm niệm triết học lớn chưa chắc đã có sáng tạo lớn. Nhưng một sáng tạo tầm cỡ liệu có thể thiếu một cảm niệm triết học tầm vóc được chăng?

Để có tác phẩm lớn, tôi biết, vẫn còn một yếu tố bất khả tri, do đó, cũng bất khả luận: thiên định, giời cho.

Nhưng, ở phần nhân định, vì sao văn học hôm nay chưa có tác phẩm lớn, câu trả lời cuối cùng luôn thuộc về kẻ viết tự tri.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn

    18/04/2014Nguyễn Huy ThiệpMột nhà văn, một người sáng tác phải coi lý luận phê bình như sự tự ý thức của anh ta. Tính chất khoa học trong công việc của nhà văn là ở chỗ này. Chỉ có những "nhà văn - nhà khoa học - nhà bác học" mới hòng xây dựng được những tác phẩm thiên tài...
  • Cách tân: đi tìm cái mới hay cái tôi?

    17/01/2017TS Chu Văn SơnTrong giai đoạn có tính bước ngoặt để sáng tạo nên thành tựu mới cho văn chương như hiện nay, các khái niệm “cách tân”, “cái mới”… đã được nhiều tác giả đặt ra và thảo luận để đi tìm sự thống nhất (dù tương đối).
  • Từ một cuốn sách nói về một loại sách

    21/12/2006Vũ Duy ThôngPhủ nhận cuộc sống, khinh miệt con người, phản thùng chính bản thân mình trước đây, những cuốn sách, những bài báo kiểu như thế đã làm ô nhiễm không khí xã hội, ly tán tình người, khiến trong không nhìn mặt nhau, ngoài nhìn vào khinh lây người tử tế...
  • Sự hình thành con người với tư cách chủ thể sáng tạo

    30/07/2006Nguyễn Văn HuyênBản chất con người là sáng tạo (M.Goocki). Bất cứ ở đâu con người cũng làm theo thước đo cái đẹp (C.Mác). Thời đại khoa học - công nghệ - tin học mà tựu trung là thời đại của văn minh trí tuệ hiện nay, thực chất là thời đại của những phát minh và sáng tạo. Sự phồn vinh của loài người ở thế kỷ XXI sẽ được quyết định bởi tính sáng tạo trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học, nghệ thuật. Sáng tạo trở thành dòng chính của triết lý sống trong thế kỷ XXI...
  • Đến bao giờ - những đỉnh cao văn học?

    20/07/2006Phong LêTác dụng thanh lọc của văn học - nghệ thuật đến từ sự phát hiện và tôn vinh cái Đẹp của cuộc đời, gắn với một giá trị nhân văn, vì hạnh phúc của con người; vì sự giải phóng và phát triển con người. Trong cuộc tìm kiếm ấy, nhà văn như một kẻ tử vì đạo, dũng cảm trong chống trả, đối phó với mọi uy hiếp, đe dọa đến từ các hệ quyền lực và cả với sự không an toàn của xã hội...
  • Về tác phẩm văn học đỉnh cao

    30/06/2006Phạm Tiến DuậtTrong những năm vừa qua, mặc dầu Hội Nhà văn Việt Nam và nhiều tổchức văn học và nghệ thuật khác đã trao giải thưởng văn học thường kỳ, một năm hoặc 5 năm một lần, nhưng hầu như các tác phẩm và tác giả được giải rất mau chìm vào quên lãng. Chúng ta đang thiếu vắng các tác phẩm văn học lớn, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, những tác phẩm có khả năng rung động hàng triệu người, những tác phẩm có tác động xã hội to lớn, vừa trực tiếp lại vừa lâu bền...
  • Văn chương và Ngòi bút

    13/05/2006Phan Việt, GS. TS. Lê Ngọc TràVăn học luôn luôn cần có cái mới, nhất là văn học hôm nay, khi mà bản thân đời sống đã thay đổi rồi mà văn học hình như vẫn chưa thay đổi mấy. Cái quyết định sự đổi mới ấy vẫn là nhà văn. Mà nhà văn muốn làm được thì trước hết không phải là đòi tự do để được viết mà là phải tự do vớingòi bút của mình...
  • Nghề văn và những động lực sáng tạo

    19/02/2006Hồ Sĩ VịnhLý tưởng xã hội là cái nằm trong bầu máu nóng, là mục đích cao nhất, là lẽ sống đẹp nhất của đời người. Ở nhà văn, những yếu tố nói trên biến thành nguồn nội lực văn hóa, lý tưởng càng được thắp sáng, bầu nhiệt huyết càng sôi sục thì tác phẩm của họ càng được công chúng nồng nhiệt đón đợi...
  • Ðề tài hay không đề tài?

    26/01/2006Vũ LâmThực tế sáng tác hiện nay đặt cho chúng ta một câu hỏi: đề tài cần thiết hơn hay tài năng và trách nhiệm của người nghệ sĩ cần thiết hơn...
  • Về tính duy nhất của nghệ thuật

    12/01/2006Bình NguyênTôi hằng tin mỗi tác phẩm nghệ thuật đều hàm chứa tính duy nhất, dù cho đôi khi chúng có sự trùng lặp nhau ở mức độ cao. Mỗi sáng tạo là duy nhất, mãi mãi duy nhất. Cái duy nhất này tự nhiên, nó toát ra từ giá trị cốt lõi của tác phẩm không phải từ những bồi đắp bề ngoài.
  • Cái đẹp nghệ thuật và đời sống xã hội

    05/01/2006Vũ Minh TâmTrong thực thể đẹp nghệ thuật dường như có tất cả mà cũng như không có riêng về một mặt nào của đời thực: quan hệ kinh tế - xã hội, chính trị, triết học, văn hóa, đạo đức, khoa học, nhân cách, lối sống và lời ăn tiếng nói, sự nghiệp vĩ đại và đời thường nhỏ nhặt, thế giới bên trong và mặt cắt bên ngoài, cá nhân và cộng đồng, xưa, nay và mai sau...
  • Làm gì để có tác phẩm ngang tầm thời đại?

    02/12/2005Lê Quý KỳCâu hỏi này được đặt ra từ nhiều năm nay và gần đây trở thành chủ đề chính của nhiều cuộc gặp gỡ, hội thảo lớn do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Trăn trở thì nhiều, nhưng câu trả lời dường như còn nằm đâu ở phía trước, rất xa. Tại sao?
  • Trực diện với Văn học Việt Nam thế kỷ XX

    01/12/2005Nguyễn HoàBị hấp dẫn bởi tên gọi Văn học Việt Nam thế kỷ XX, tôi đã đọc cuốn sách với hy vọng được mở mang tầm nhìn, được bổ sung tri thức, được giúp lý giải các hiện tượng, các vấn đề lý luận - thực tiễn của văn chương - văn học dân tộc trong thế kỷ XX. Tiếc thay càng đọc thì nỗi thất vọng lại càng lớn dần...
  • Tín điều của một con người

    06/09/2005Ernest HemingwayTôi cảm thấy ngay từ cuốn tiểu thuyết đầu tay tôi đã biết số phận về sau của tôi sẽ thế nào. Tôi không bao giờ có mảy may nghi ngờ việc tôi là người đi tiên phong của thời đại mới và tôi hiểu rằng, sau đây mỗi bước đi của tôi sẽ được chăm chút theo dõi, vì vậy tôi quyết định để lại cho hậu thế bản quyết toán chân thực về tất cả các hành vi và suy nghĩ của tôi...
  • xem toàn bộ