Tản sinh linh - Qui luật của sự phát triển bền vững
Câu chuyện sau đây có thực 100%, xảy ra tại một Viện Nghiên cứu khoa học danh tiếng tại Hà nội. Câu chuyện lại liên quan đến một nhân vật cũng có thực 100%. Nhưng vì vấn đề động chạm đến cả tập thể lẫn cá nhân, nên chúng tôi sẽ gọi là Viện nghiên cứu X và nhân vật là anh N.
Anh Trần Quốc N. năm nay khoảng trên dưới 30 tuổi. Trời phú cho anh ta một vóc dáng cao đẹp, sức khỏe cường tráng, khuôn mặt khả ái. Anh ăn nói có duyên, đầu óc mẫn tiệp. Anh làm việc chăm chỉ, lại rất sáng tạo, nên nhiều công việc khó khăn anh đều giải quyết chóng vánh, gọn gàng. Vì vậy không những sếp mà cả đồng nghiệp đều yêu quí. Anh có vợ là một kiến trúc sư tài ba. Vợ anh đẹp đằm thắm. Hai vợ chồng có cô con gái đầu lòng 8 tuổi và cậu con trai 3 tuổi. Vợ anh kiếm được nhiều tiền, lại biết chăm sóc gia đình. Hai đứa con đẹp như tranh, ngoan ngoãn, học giỏi. Thật là một cặp lý tưởng. Năm mới rồi hai anh chị vừa sắm được một cái xe hơi hạng sang Mec S500 và mua được một biệt thự cao cấp 1500m2. Đồng nghiệp trong Viện mơ cũng chả được như thế.
Vậy mà cách đây mấy tháng, người ta thấy anh hay quan hệ với một cô chân dài trẻ đẹp. Đã có tiếng xì xào. Anh N. không ngại, vì anh rất trong sáng. Tháng sau lại thấy anh thân với một cô chân còn dài hơn cô kia những nửa gang. Người ta càng xì xào, vì thấy hai người này âu yếm nhau lắm. Tuy vậy, câu chuyện cũng chẳng lâu. Vì cuối cùng anh lại chơi với cô khác. Cô này chân cực dài, lại đẹp như hoa hậu. Chị em trong Viện phê bình anh dữ lắm. Còn anh em kẻ khen, người chê, nhưng ai cũng thèm cả. Một hôm, có bác khoảng gần tuổi hưu, chắc xưa kia có học văn hóa Pháp, nên kể cho anh chuyện con cáo và chùm nho. Rồi bác ta bảo:
- Mấy cô kia thì đẹp thật, nhưng là nho chua, không được đảm đang hiền thục như vợ cậu, chớ có “ăn”.
Anh cười toáng, trả lời kiêu hãnh:
- Anh già ơi, anh nhầm rồi, cực ngọt, ngọt lịm luôn, chẳng chua tí nào!
- Thế cậu “ăn” cả rồi à?
- Cả ba.
Các bà các cô nghe vậy nhao nhao phản đối. Các anh, các ông chỉ biết than:
- Thằng này táo tợn ghê quá, “ăn” gì mà tham thế!
Anh N. lúng túng chống chế:
- Em cũng tinh tướng thế thôi, chứ có được “ăn” đâu. Toàn là các cô ấy “ăn” em đấy chứ. Em dại gái lắm mà!
Thế là xảy ra tranh luận. Người thì bảo anh ta “ăn” tham. Anh ta thì chối rằng mình dại gái. Câu chuyện chính thức được báo cáo lên Hội đồng Khoa học của Viện. Vì nếu anh là Đảng viên, thì chi bộ sẽ giải quyết. Nhưng vì anh N. còn ở ngoài Đảng, nên chuyện này hội đồng Khoa học của Viện phải đứng ra tư vấn cho Viện trưởng để cứu xét tư cách của anh.
Sau ba lần họp căng thẳng, Hội đồng Khoa học của Viện ra quyết định như sau:
1. Đàn ông không bao giờ có thể “ăn” được đàn bà. Ngược lại, đàn bà với cấu tạo của bộ phận sinh dục của mình đã “ăn” đàn ông. Họ tích những khí chất tinh túy nhất (tinh trùng) của người đàn ông, để rồi tản ra một sinh linh. Người đàn bà đã được tạo hóa sinh ra để làm cái nhiệm vụ tích/tản cao quí nhất trong trời đất.
Gustave Courbet, L’Origine du monde (Cội nguồn của thế giới), 1866, Tranh sơn dầu (huile sur toile), khổ 46 x 55 cm, Bảo tàng nghệ thuật Orsay (Musée D’Orsay, Paris)
2. Không có sự bình đẳng sinh học/triết học giữa đàn ông và đàn bà. Hai giống ấy tích tản ngang nhau về nhiều phương diện. Ví dụ phổi của hai giống cùng tích tản khí [1]. Dạ dày của hai giống cùng tích tản thực phẩm. Óc của hai giống cùng có thể tích tản tri thức [2]. Các phép tích/tản ấy tương đương giữa hai giống. Nhưng chỉ riêng đàn bà mới có thể tích tinh túy của đàn ông để tản sinh linh. Vì vậy đàn bà cao quí hơn đàn ông. Do đó không có bình đẳng giữa hai giống.
3. Chế độ mẫu hệ đã tàn lụi trong lịch sử. Thay vào đó là chế độ phụ hệ được hình thành và xác lập từ vài ngàn năm nay. Chế độ phụ hệ chỉ tồn tại khi nhân loại thiếu tiện nghi, khi còn chiến tranh, và khi thiếu dân chủ. Nay các điều kiện tồn tại của chế độ phụ hệ dần suy yếu. Quả vậy, nhân loại ngày càng trở nên sung túc hơn, chiến tranh dần dần được kiềm chế, nền dân chủ ngày càng phổ quát. Do đó, chế độ phụ hệ sẽ dần dần tan rã. Thay vào đó sẽ là chế độ mẫu hệ mới ở trình độ cao hơn. Bằng chứng là, ngay bên Tầu, nữ giới ngày càng được trọng.
Căn cứ vào ba lập luận trên, Hội đồng Khoa học Viện X trịnh trọng công bố Anh Trần Quốc N. không “ăn” một cô gái nào cả. Ngược lại anh là một kẻ dại gái có hạng.
Ông Viện trưởng nhận được kết luận của Hội đồng Khoa học thì tỏ ra băn khoăn lắm. Ông đọc đi đọc lại kết luận trên. Lúc ông vừa gỡ cặp kính dầy cộp xuống thì bỗng cửa phòng ông bị mở toang đánh rầm một tiếng. Bà Chủ tịch Hội phụ nữ và ông Bí thư chi bộ ào vào không gõ cửa. Bà Chủ tịch la ầm lên:
- Không còn gì là đạo đức nữa. Mấy ông Giáo sư già trong cái Hội đồng Khoa học quỉ quái của ông định dùng lập luận cong queo để biện minh cho một chàng Đông Gioăngcỡ bự à.
Bà còn nói đủ thứ về thuần phong mỹ tục, về gia giáo, về tư cánh nhà khoa học, về sự xuống cấp văn hóa. Ông Viện Trưởng ngộp thở. Cuối cùng ông mới nhẹ nhàng nói:
- Giả sử trên Sao Hỏa có một loài động vật sơ cấp đang sống thì chúng cũng dùng phương pháp đó. Chúng tích các chất thông thường trên bề mặt gồ ghề của Sao Hỏa, cô đặc thành tinh rồi dâng cho giống cái để giống cái tản ra thành một sinh linh đời sau. Hàng vạn quá trình tích tản đó sẽ tạo nên cuộc tiến hóa. Dần dần sẽ có các loài động vật cao cấp hơn. Biết đâu, sau vài triệu năm nữa, trên ngôi Sao Hỏa cằn cỗi kia lại chẳng sinh thành những giống khôn như con người, mà lại không đạo đức giả như chúng ta. Vì có thể họ sẽ tôn thờ luật tích/tản như ông tổ của mọi quá trình phát triển bền vững. Vì phát triển bền vững chính là tích những thứ thông thường để tản ra những sản phẩm cao cấp hơn. Không như chúng ta ngày nay, tích sắt thép xi măng để tản ra những công trình bê tông cốt tre. Chúng ta đang tích những cái tốt để tản ra những cái tồi. Chúng ta đang đi ngược lại quá trình phát triển bền vững. Chỉ duy có giống cái các bà vẫn duy trì được quá trình tích tản thuần khiết của tạo hóa. Các bà vẫn tích của chồng (mà đôi khi ông chồng chỉ có cơm rau) để tản ra sinh linh. Các Bà vẫn cao quí lắm. Cho nên nhiều nền văn hóa cổ còn có tín ngưỡng phồn thực, thờ cả âm vật nữa mà.
Bà Chủ tịch hạ hỏa, nhưng chưa nguôi. Bà kéo tuột ông Bí thư ra khỏi phòng Viện trưởng, ngúng ngẩy đe:
- Rồi tôi sẽ báo cáo lên cấp trên cho các ông biết tay.
Tài liệu tham khảo
[1]. Thu San Nguyễn Thế Hùng, “Ngũ hành và khoa học”, NXB Văn hóa Thông tin, Hà nội 2007.
[2]. Thu San Nguyễn Thế Hùng, “Văn hóa cổ Việt Nam”, NXB Văn hóa Thông tin, Hà nội 2010.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá