Thánh chiến

11:32 SA @ Thứ Sáu - 11 Tháng Chín, 2009

Tôi có hai hình ảnh nước Mỹ ở trong lòng: một nước Mỹ siêu cường đã thả bom trên đất nước tôi và một nước Mỹ rất nhạy cảm với lý tưởng đã chống lại việc thả bom đó. Chiến tranh Việt Nam kết thúc, phần chính là nhờ ở sức chiến đấu của dân tộc tôi, nhưng cũng nhờ ở sự đóng góp rất lớn của chính dân tộc Mỹ. Vì sao? Vì dân tộc Mỹ rất nhạy với lý tưởng và chiến tranh Việt Nam rốt cục đã đặt ra cho dân tộc Mỹ một vấn đề đạo đức, một vấn đề lương tâm.

Tôi không sống nhiều ở Mỹ, nhưng tôi may mắn thấy được tấm lòng lý tưởng của thanh niên Mỹ giữa lúc chiến tranh leo thang đến mức khốc liệt nhất. Cái thấy nhanh chóng đó của tôi giúp tôi hiểu được những gì tôi đọc trong sách vở về căn bản đạo đức trên đó nước Mỹ đã xây dựng, phát triển, áp dụng và biện minh cho chính sách ngoại giao và thái độ của mình trên thế giới. Nói như vậy không có nghĩa rằng các nước khác, nhất là các cường quốc, không biết dùng đạo đức để biện minh cho ngoại giao của họ. Nói như vậy cũng có thể làm cho bao nhiêu người phì cười vì họ dễ dàng đưa ra hai phản bác: một là đạo đức của anh cũng là đạo đức của tôi, chỉ khác nhau ở chỗ diễn dịch thôi; hai là đạo đức của anh lắm khi trái nghịch nhau như nước với lửa với thực tế mà anh đang lèo lái. Tôi biết thế, nhưng kinh nghiệm sống của tôi vẫn buộc tôi phải nói rằng không thể nào hiểu được thái độ ngoại giao của Mỹ nếu không chịu khó nhìn vào xúc cảm lý tưởng của dân tộc Mỹ. Nhờ nắm được xúc cảm đó mà nhà cầm quyền Mỹ đã gởi được bom đạn qua Việt Nam. Và chính vì đã đánh mất lòng yêu mến lý tưởng đó mà máy bay, tàu bò đã phải cuốn cờ xếp giáp. Đó là vinh quang của nền dân chủ Mỹ. Đó cũng có thể là bi kịch. Bi kịch khi cả một dân tộc yêu mến lý tưởng gởi yêu mến của mình vào tay một chính sách sai lầm. Xã hội Mỹ là một xã hội tự do, nhưng đó cũng là một xã hội tuân thuận 1. Sự đồng thuận là một điểm son, nhưng sự đồng thuận đầy cảm tính trong một xã hội tự cho mình là ngọn hải đăng của thế giới có thể dẫn đến tai họa. Tai họa cho mình và cho kẻ khác.

Nước Mỹ chưa bao giờ thất bại, trừ ở Việt Nam. Chiến tranh đang sửa soạn ở Trung Á có thể tạo thêm một dịp nữa để thế giới khiếp phục uy vũ của nước Mỹ. Nhưng trong tôi, và có lẽ trong lòng rất nhiều bạn bè Việt Nam của bạn bè Mỹ, tôi không khỏi bâng khuâng khi thấy một nửa hình ảnh nước Mỹ trong lòng chập lại làm một với nửa kia trong một khí thế đạo đức và ái quốc đáng kính để đi vào một thử thách được vinh danh là chiến tranh giữa Thiện và ác. Từ nhỏ, chữ Thiện trong đầu tôi không dính máu.

Tôi chống khủng bố, vì nơi bàn tay của khủng bố có máu của người vô tội. Rất nhiều khi tôi đồng ý với mục đích mà họ nhắm, nhưng tôi không thể bước qua thây người chết để vỗ tay với họ. Như ai cũng biết từ khi đọc Tào Tháo và Machiavel, đạo đức bao gồm cả cứu cánh lẫn phương tiện. Giết mười người vô tội để đừng sổng một kẻ tình nghi không phải là đạo đức. Xét cho cùng, trả thù cũng không phải đạo đức. Lại càng không phải đạo đức nếu vì thù riêng mà buộc quá nhiều người không liên can phải gánh chịu hậu quả khốc hại. Chỉ trên điểm đó mà thôi; chiến tranh đang diễn ra khó nói là thiện. Bởi vì có ai biết tổng thống Bush sẽ dùng những phương tiện gì nữa đâu?

Thế giới chỉ biết rằng ông Bush từ chối những phương tiện có thể hạn chế bạo lực, trong đó có phương tiện luật pháp. Đồng minh của ông dâng điều 5 của hiến chương NATO trên chiếc mâm vàng để xin cùng ông chiến đấu, ông bảo: được, nhưng tôi chưa cần các ông góp tay vào việc binh đao. Ông muốn tay ông không vướng bất kỳ một sức cản nào, dù là một góp ý của bạn. Nước Pháp nhanh nhẩu tranh thủ biểu quyết ngay một quyết nghị ở Hội Đồng Bảo An công nhận cho Mỹ quyền tự vệ chính đáng. Lại một chiếc mâm vàng nữa? Và món quà quý lắm, bởi vì nó giải quyết nhanh chóng một tranh luận có thể xảy ra về một điều khoản của hiến chương LHQ liên quan đến quyền tự vệ chính đáng. Đó là điều 51 cho phép sử dụng quyền đó để chống trả một tấn công vũ trang. Ở thời điểm 1945, các tác giả hiến chương chưa tưởng tượng ra được một tấn công nào không phát xuất từ một quốc gia khác và không phải là vũ trang. Họ chưa hề thấy một chiến trận nào nổ ra đại quy mô trên khắp thế giới chỉ để nắm râu một tên khủng bố. Khủng bố thì có từ lâu, nhưng khủng bố như là đại họa của thế giới, giăng mạng nhện từ nước này qua nước nọ, giăng trên cây thuốc phiện, giăng trên nhà máy ma túy giăng cả trong mùng màn chăn gối của các ông hoàng bà chúa Trung Đông, giăng cả trong chữ nghĩa thánh hiền thì làm sao họ tưởng tượng ra nổi. Luật quốc tế chưa bao giờ quy định thể lệ chiến tranh giữa Don Quichotte với cái cối xay gió thì cũng chưa bao giờ nghiên cứu chiến tranh giữa một quốc gia với cái mạng nhện. Bởi vậy, khi họ nói chiến tranh thì đương nhiên họ nghĩ đến “tấn công vũ trang”, có ai nghĩ có thể làm chiến tranh với lưỡi dao cạo râu? Vậy mà khủng bố bây giờ rút dao cạo râu? Dao cạo râu là “tấn công vũ trang”? Chiếc máy bay dân sự là vũ khí? Khủng bố là sự kiện mới quá, phi lãnh thổ, phi quốc gia, phi chiến tranh trong nghĩa cổ điển, luật quốc tế hiện hữu xoay xở chưa thông. Vậy thì quyết nghị 1368 của Hội Đồng Bảo An cho phép Mỹ sử dụng quyền tự vệ chính đáng là món quà luật pháp quý giá lắm chứ!

Nhưng phương tiện đó, tổng thống Bush cũng gạt. Ông không muốn ai cản trở gì chân tay ông. Ông nghi Pháp muốn dùng LHQ để hạn chế ông vào một cuộc trả đũa “hiệu quả”, "tương xứng", "thăng bằng" như Pháp mong muốn. Mà thật vậy, điều 51 nói rất rõ rằng quyền tự vệ chính đáng chỉ được sử dụng “cho đến khi HĐBA lấy những biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh thế giới”. Điều 51 còn nói thêm: những biện pháp mà quốc gia liên hệ quyết định phải được “thông báo tức khắc cho HĐBA biết”. Đã đành hành động của khủng bố tạo cho Mỹ một lợi thế về pháp lý và về tính chính đáng chưa bao giờ thấy trong HĐBA khiến Mỹ có thể làm thông qua nhiều biện pháp mà không sợ ai phủ quyết, nhưng như thế cũng là bị hạn chế rồi! Cho nên ông Bush gạt HĐBA. Người Pháp có mật nơi lưỡi, nhưng trong đầu anh ta chỉ nghĩ đến sợi dây thừng. Từ mấy chục năm nay, chỉ có một tay đàn em chơi được mà thôi là nước Anh. Cho nên ông Bush chỉ làm chiến tranh với anh ấy. Vả chăng đây là chiến tranh giữa Thiện và Ác nghĩa là chiến tranh bất cộng đái thiên. Thiện ác không phải là đối tượng của luật pháp: đó là đối tượng của đạo đức.

Và như vậy, tổng thống Bush đặt chiến tranh ngày hôm nay vào truyền thống thiện ác của lịch sử ngoại giao Mỹ. Có lẽ phải gợi lại một chút lịch sử mới hiểu được thái độ của ông chăng? Đây không phải là lần đầu, và chắc chắn sẽ không phải lần cuối, thiện ác phất phới trên lá cờ xông trận của nước Mỹ. Một phần bởi vì, như tôi đã nói, dân tộc Mỹ rất nhạy cảm với đạo đức. Một phần bởi vì đạo đức là ý thức hệ giúp khuynh hướng can thiệp thắng khuynh hướng cách ly (isolationnisme) trong lịch sử Mỹ khi nước Mỹ nhảy vọt từ địa vị một nước nằm trong một nửa bán cầu lên địa vị một cường quốc thế giới. Bước nhảy vọt đó đã được thể hiện qua chiến tranh, và chiến tranh đã được biện minh bằng đạo đức. Đó là thế chiến thứ nhất, và nhân vật lỗi lạc đã đưa chiến thắng đến cho khuynh hướng can thiệp là Wilson. Ngày nay, nói đến đạo đức trong ngoại giao Mỹ là nói đến nguồn cội Wilson, nguồn cội đó luôn luôn tạo hứng bởi vì khuynh hướng can thiệp cần ưu thắng.

Wilson tự xem ông như “nhà tiên tri của nhân loại sứ giả bên cạnh Thiện do cả thế giới đề cử”(2). Sứ mạng của ông mang tính chất của một thánh chiến. Thắng trận của ông sẽ là thắng trận của đạo đức, và chỉ đạo đức mà thôi mới có thể cứu rỗi thế giới này khỏi địa ngục của chiến tranh. Thượng đế, Wilson và Dân (3) tương tự chúa ba ngôi, sẽ ngự trị trên khắp địa cầu. ỏng viết: nước Mỹ "sinh ra để chỉ cho mọi người thấy, bằng chính kinh nghiệm của mình, sự Sùng Thiện bắt nguồn từ Kinh Thánh"(4). Là “nước duy nhất trên thế giới hành động vô vị lợi”, nước Mỹ có bổn phận đóng vai trọng tài bằng chính sự lãnh đạo bao dung (5) của mình. Tất cả những gì nước Mỹ làm đều chính đáng. Nước Mỹ đã vói đến gần Thượng đế. Tiếng nói của nước Mỹ là tiếng nói của chính Phán Xét Cuối Cùng(6). Với Wilson, luồng gió cải đạo trong tôn giáo thổi lồng lộng vào ngoại giao Mỹ: nước Mỹ có nhiệm vụ đem chân lý của Locke thắp sáng mọi chốn tối tăm. Một tác giả có tiếng của Mỹ, Louis Hartz, đã dùng một từ ngữ thật hay để diễn tả khuynh hướng truyền giáo của Wilson: "absolutisme libéral" (7) mà tôi tạm dịch là "tự do chuyên chế chủ nghĩa".

Tôi có thể giải thích một cách dễ dàng tại sao nước Mỹ giữ thái độ trung lập trong hai năm đầu của thế chiến thứ nhất, không phân biệt thiện với ác gì cả. Tôi cũng có thể giải thích dễ dàng tại sao nước Mỹ nhảy vào chiến tranh từ hai năm cuối bằng những lý do rất trần tục - thương mãi, kỹ nghệ - xa lắc xa lơ với thiên đàng địa ngục. Nhưng chắc chắn tôi không cười phì diễn từ của Wilson và tôi buộc tôi phải hiểu tại sao Wilson để lại một dấu ấn sâu đậm như thế trong chính sách ngoại giao của nước ông, tại sao người Mỹ trân trọng như thế cái gia tài mà sách vở gọi là “wilsonian idealism”, một trong hai nguồn tư tưởng chỉ đạo ngoại giao Mỹ. Nếu tiếng nói của Wilson được dân tộc ông hưởng ứng như thế, chắc chắn vì ngón tay của ông nắn đúng một dây tơ đã căng sẵn trong lòng họ. Bởi vậy lúc trẻ tôi cười phì bao nhiêu thì bây giờ tôi thận trọng bấy nhiêu khi đọc câu này chẳng hạn của một tác giả có tiếng khác, C R.Friedrich: “To be an American is an ideal; while to be a Frenchman is afact(8). Người Mỹ sinh ra là một lý tưởng, người Pháp sinh ra là một sự kiện. Chẳng phải người Pháp thì chỉ biết sờ sờ ra đấy, như cục đất, cục đá, cục thịt biết thở. Ý câu nói là thế này: lịch sử lập quốc của Mỹ khác hẳn các nước khác; chẳng nước nào sinh ra từ một sự kiện chính trị như nước Mỹ. Sự kiện gì? Một hợp đồng. Một hợp đồng mở đầu như thế này: “We, the Peoples of the United States of America...” Nước Mỹ sinh ra từ một sự thỏa thuận, thỏa thuận giữa dân chúng với nhau để lập ra chính quyền. Căn bản của quyền lực chính trị, vì vậy, là sự thỏa thuận của dân: đứa trẻ sơ sinh Mỹ quốc nhận huyết máu từ Locke. Và, cũng khác với các quốc gia khác ở châu Âu phải tập đi từng bước chập chững vào chủ nghĩa tư bản, đứa trẻ sơ sinh Mỹ quốc vừa ra đời đã rơi tõm vào chủ nghĩa tư bản chín muồi như rơi trọn vào tay bà mụ. Locke với quyền tư hữu, A. Smith với laisser-faire mang đôi hia bảy dặm mang vào chân đứa bé. Nước Mỹ vừa lập quốc đã đồng hóa mình với những khái niệm chinh trị, kinh tế căn bản rành rọt. Trung thành với nước của họ, người Mỹ đồng thời trung thành với những niềm tin chính trị, kinh tế đó mà tất cả họp lại làm thành cái mà ai cũng biết, “American way of life”. Nghĩa là gì? Nghĩa là lòng ái quốc của người Mỹ dính chặt vào những giá trị chính trị đã sáng tạo ra nước của họ: yêu nước, đúng là yêu tự do chủ nghĩa. Tự do, dân chủ trở thành tôn giáo của người Mỹ. Từ đó, người Mỹ và nước Mỹ có một nỗi sợ hãi sâu kín đối với những ý tưởng mà họ nghĩ là sẽ phá hủy nước họ. Ý tưởng "cộng sản chủ nghĩa" là một. Ý tưởng "khủng bố chủ nghĩa" bây giờ là hai.


Người Mỹ biểu tình chống chiến tranh tại Việt Nam

Cộng sản là Ác: đó là diễn từ của J. F. Dulles, nhân vật nổi bật của chính sách ngăn đê thời Eisenhower. Ông nói với cả khối các nước không liên kết rằng các ông trung lập như thế giữa Thiện và Ác là các ông không có đạo đức gì cả: đó là thái độ vô đạo.

Tự do là Thiện, cho nên nước Mỹ của Kennedy “sẵn sàng gánh bất cứ gánh nặng nào, trả bất cứ giá nào” để tự do chiến thắng trên thế giới. Cho nên nước Mỹ của Carter khám phá ra nhân quyền mà ông cam kết bảo vệ. “Bởi vì chúng ta tự do, chúng ta không bao giờ có thể lãnh đạm trước số phận của tự do ở nơi khác”, cam kết của chúng ta đối với nhân quyền là tuyệt đối" (9) Cũng vậy, nước Mỹ của Reagan viện trợ cho phe đối lập chống chính quyền sandiniste ở Nicaragua - phe đối lập mù mờ chính nghĩa nhưng được vinh danh là freedomfghters, chiến sĩ của tự do.


Trực thăng Mỹ đưa dòng người cuối cùng rời khỏi các nóc nhà của Sài Gòn
trong những ngày cuối tháng 4/1975

Có lẽ không ai hiểu nước Mỹ bằng Tocqueville, và câu viết của ông từ 1834 - cách Cách mạng tháng Mười 83 năm - còn làm thiên hạ kinh ngạc về tài nhìn xa của ông. Ông viết:
“Trên trái đất ngày nay có hai dân tộc lớn, họ đi từ những điểm khởi hành khác nhau nhưng hình như cùng tiến đến một mục đích, đó là dân tộc Nga và dân tộc Mỹ. . . Cả hai đều lớn lên từ trong bóng tối, và trong lúc mọi người chăm chú nhìn vào nơi khác, bỗng nhiên cả hai nhảy vọt lên hàng đầu các quốc gia, và thế giới bỗng khám phá ra hầu như cùng lúc ngày ra đời của họ và sự vĩ đại của họ. . . Để đạt mục đích của mình, người Mỹ giao phó sứ mạng cho lợi ích cá nhân, và để mặc cho sức mạnh và lý trí của cá nhân hành động, không điều khiển. Người Nga tập trung tất cả sức mạnh của xã hội vào tay một người. Một bên, phương tiện hành động căn bản là tự do; bên kia, phương tiện hành động căn bản là nô lệ. Điểm khởi hành của họ khác nhau, đường đi của họ chẳng giống, tuy vậy mỗi dân tộc dường như được một ý muốn bí ẩn nào đó của Thương đế kêu gọi để một ngày kia nắm trong tay số phận của một nửa thế giới”(10)

Bao nhiêu lần trong lịch sử, nhà cầm quyền Mỹ đã dùng ngôn từ thiện ác để mở đầu chiến tranh, hiếm khi họ mất vốn, chỉ thấy được lãi. Họ đã chứng tỏ sức mạnh bí ẩn của họ không phải chỉ nằm nơi lời nói suông. Họ bắt được mạch của dân tộc họ. Nhưng không phải lúc nào mạch đó cũng đập cùng một nhịp với mạch của thế giới. Khi hai mạch cùng đập với nhau, họ được mang ơn. Có khi ngược lại, và họ đem tai họa. Đó là vinh quang và thảm nhục của một đại cường quốc.

Ảnh cuộc tấn công Trân Châu Cảng

Lần này, nhịp tim của thế giới đạo đức và nhịp tim của nước Mỹ cũng đập chung một nhịp trước một biến cố rùng rợn và bi thương. Nhưng thế giới chính trị không phản ứng giống nhau với phản ứng của nước Mỹ: Phản ứng đầu tiên của thế giới chính trị là vụt nghĩ đến chính sách của nước Mỹ ở Palestine, ở Irak. Phản ứng đầu tiên của nước Mỹ là vụt nghĩ đến Trân Châu Cảng. Điều này có lẽ cũng tất nhiên thôi, vì nạn nhân có quyền phản ứng khác. Nhưng chính phản ứng đầu tiên này ảnh hưởng đậm đà trên cách nhìn thiện ác: thiện ác của nước Mỹ bây giờ trộn lẫn với lòng tự ái dân tộc bị thách thức cực điểm. Đó có thể là nguy cơ đạo đức của nước Mỹ và cũng là lo lắng của thế giới. Bởi vì ai cũng biết nước Mỹ đã phản ứng thế nào trong kinh nghiệm thách thức đầu tiên. Và chính vì vậy mà vấn đề phương tiện đã được nêu lên ở bài này như là một tiêu chuẩn của đạo đức.

Trân Châu Cảng. Chưa ai dám tấn công nước Mỹ. Thách thức ghê gớm đó đã mở đầu chiến tranh Thái Bình Dương. Và chiến tranh đã kết thúc với hai trái bom nguyên tử. Ngày nay, sau hơn năm mươi năm, trí thức Mỹ vẫn còn đặt câu hỏi: tại sao hai trái, thả cách nhau ba ngày? Một trái chưa đủ để đè nặng trên lương tâm hay sao? Và quả thật có cần phải dùng đến bom nguyên tử chăng? Trong tương quan lực lượng quân sự lúc đó, phải chăng Nhật đã kiệt quệ rồi, và nếu quân phiệt Nhật chưa chịu thua là vì họ chưa nhận được một đảm bảo gì về số phận của Thiên Hoàng mà người Nhật xem là thiêng liêng? Nhiều trí thức xét lại Mỹ còn tự hỏi: đồ tể nazi đâu có nhẹ tội gì hơn quân phiệt Nhật, tại sao bản án của Nuremberg không nghiêm khắc bằng bản án Tokyo? 7 tử hình, 17 chung thân, hàng ngàn sĩ quan bị kết án . . . nhưng thôi, đây chỉ là chi tiết. Điều mà tôi muốn nói ở đây là thế này: đây là lần thứ hai nước Mỹ bị tấn công và tấn công vào thường dân vô tội; hận thù có cơ sở như thế có đưa phản ứng đến mức phi lý không? Tôi chống khủng bố là vì vậy: là vì khủng bố đã chập lại làm một nửa này với nửa nước Mỹ thân yêu kia của tôi trong thánh chiến. Xin nhân loại hãy giã từ trung cổ: thánh chiến là mồ chôn đạo đức...


(1) Tôi muốn nói "société conformiste".
(2) & (3) Harold Nicolson, Peace Making, 1919, trong: Theodore P. Green (ed.) Wilson at Versailles, Boston, D. C, Health Company, 1957, trang 38. Tôi dịch chữ "thiện" từ nguyên văn "Righteousness".
(4) , (5) & (6) Richard W. Van Alstyne, Woodrow Wilson and the Idea of the Nation-state, InternationalAffairs. Voi. 37, no 3, juillet 1961.
(7) Louis Hartz, The Liberal Tradition in America, New York, Harcourt, Brace World Inc. 1955, trang 293.
(8) Carl J. Friedrich et al., Problems of the American Public Service, New York, 1935, trang 12.
(9) J. Carter, Diễn văn nhậm chức tổng thống. Câu nói của Kennedy quá quen thuộc, sách nào cũng có.
(10) Trích trong J.J. Chevallier, Les grandes euvres politiques de Machiavel à nosjours,Armand Colin, 1996, trang 170.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nguồn gốc của chiến tranh

    22/04/2016Hoàng LanTại sao con người lại gây ra chiến tranh? Đúng hơn là tại sao con người luôn gây ra chiến tranh? Phát hiện những dấu vết cổ nhất về chiến tranh trong khảo cổ và phân tích nhân chủng học có thể giúp chúng ta hiếu rõ hơn về các cuộc giao tranh thời hiện đại...
  • Lịch sử và chiến tranh

    30/04/2014Nguyễn Hiến Lê dịchChiến tranh là một trong những sự thực lịch sử thời nào cũng xảy ra, khi loài người bắt đầu văn minh nó đã không bớt, mà khi chế độ dân chủ xuất hiện, nó cũng không giảm. Trong 3421 năm gần đây chỉ có 268 năm là không có chiến tranh. Chúng ta đã chấp nhận rằng chiến tranh là hình thức phát triển nhất của sự ganh đua, sự đào thải tự nhiên...
  • Chiến tranh - Hệ quả & hệ lụy

    18/04/2009Nguyễn Tất ThịnhXã hội loài người liên miên trong thế kỉ nào cũng có ít nhất vài cuộc chiến tranh với bên trong hay bên ngoài, qui mô lớn hay nhỏ… như là một định mệnh của xã hội Loài người vậy!
  • Chạy đua vũ trang hay suy thoái kinh tế

    02/10/2006Lê Đỗ HuySự sụp đổ có vẻ bất ngờ của Liên đã từng được lý giải bằng nhiều lập luận. Người ta thường đề cập đến các lý do chính trị: sự suy yếu của các Bộ sức mạnh (khối an ninh - quốc phòng), do nội phản hay vì sự tấn công của các thế lực thù địch bên ngoài… tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu ở cả phương Tây và Đông Âu lại cho rằng đây chỉ đơn thuần là cái chết về kinh tế.
  • Có xóa bỏ chiến tranh được không?

    03/08/2006Các nhà tư tưởng lớn trong quá khứ đã cho chúng ta vài ýtưởng về việc ngăn chặn chiến tranh. Một vài người trong số đótin rằng có thể xóa bỏ chiến tranh bằng một chính quyền toàncầu, điều đó yêu cầu việc từ bỏ phần nào chủ quyền quốc gia. Theohọ, cần có những định chế mới chứ không phải sự biến cải tinhthần của con người. ...