Thiên địa bĩ

02:10 CH @ Thứ Sáu - 05 Tháng Sáu, 2009

Nội dung bức tranh minh họa rất đơn giản và rõ ràng với một người bệnh đang nằm liệt giường nhưng vẫn cố với tay ra chiếc gương vỡ mà không thể hàn gắn được. Ba người ở ngoài có 3 trạng thái khác nhau: Ngồi bệt xuống đất tức là thày lang xa không cứu được bệnh nhân gần; người vỗ tay cười nói vô tư nhưng không thèm để ý cái chết trước mặt; người bắn mũi tên nhưng chưa tới đích đã rơi xuống đất là thất bại .

Quẻ này hoàn toàn ngược lại với quẻ Thái, trời cứ ở trên, đất cứ ở dưới và tất cả không bao giờ nhất trí hòa đồng với nhau, tình hình sẽ bế tắc. Hiện thực đã đặt trước nguy cơ tan vỡ, mọi đạo lý thông thường sẽ gặp trở ngại, không có cách gì tạo ra sự thuận lợi khi nội tâm yếu đuối, bên ngoài mạnh mẽ giả tạo, tiểu nhân chiếm vị trí trọng yếu, quân tử dạt ra xa dần đến diệt vong. tiếng Hán cũng là bế tắc như cọp rơi xuống hố nên có triệu hổ lạc hàm khanh. Theo Thuyết văn thì Bĩ là không, tượng thu thập cất giữ, trông như con chim sợ bay lên, đi mà không đến, mất mà không được. Vì thế Bĩ là sự cầu mong, hy vọng cho sự an lành, kết quả nhưng con người ta không tồn tại một mình, cần phải dựa vào ai đó trong cuộc đời hoặc một điều gì đó để đặt lòng tin, nhất là khi ở thế cùng càng phải tham khảo ý kiến nhiều người, tập hợp trí tuệ tập thể để tự giúp mình, tuy nhiên phải chọn lọc các kế sinh khác nhau thì mới có tác dụng, không thể dùng lời của kẻ hùa theo, a dua thì chỉ loạn thêm. Như câu chuyện Lỗ Trang Công hỏi Án Tử rằng: “Cổ nhân có câu mạc tam nhân nhi mê, có nghĩa là phàm việc gì không bàn với ba người thì đều là việc mê muội. Nay quả nhân việc gì cũng hỏi dân cả nước mà sao nước Lỗ vẫn rối loạn?”. Án Tử trả lời: “Mạc tam nhân nhi mê nghĩa là người thứ nhất sai, người thứ hai đúng, có người thứ ba cùng bàn công việc thì đủ. Đành rằng quần thần nước Lỗ rất đông đảo song tất cả đều đồng thanh nói theo lối của một gia tộc. Vì thế, số người tuy đông nhưng chỉ nói lời của một người, làm gì có ba?”. Mới thấy, không có ý kiến phản đối đừng nên tin. Sắc quẻ này là đen trắng giống như cảnh nhật thực, tạo cảm giác hôn ám, gai góc, tang tóc, bi ai như những bóng ma trắng trong đêm tối. Vì thế, Bĩ tương phản với sự thành công của Thái, nó tượng trưng cho sự trắc trở mờ ám, chèn ép, bế tắc. Trước tình trạng như vậy, ta cần phải có những kế sách thích hợp để đối phó hiệu quả.

1. Khi sự nghiệp sa lầy, phe cánh tiểu nhân đắc ý thì những người chân chính trung thực cần phải đoàn kết với nhau để chống lại kiên quyết, bởi một khi bè lũ tiểu nhân đã tiếm quyền chấp chính thì sự nghiệp chung sẽ tai họa. Khi bè lũ và bộ mặt thật của chúng chưa lộ mặt và lớn mạnh cần kịp thời tiêu diệt để trừ hậu họa. Nếu bỏ mặc hoặc chần chừ vào lúc đáng quyết mà không quyết thì sinh loạn. Ví như sự kiện Tần Thủy Hoàng đi tuần du bị bệnh nặng, di chiếu cho con cả Phù Tô nối ngôi nhưng sau khi ông ta mất, con thứ là Hồ Hợi cùng Triệu Cao sửa lại di chiếu để cướp ngôi. Lúc đó Thừa tướng Lý Tư đủ sức mạnh ngăn cản nhưng vì tham lợi lộc và chức quyền nên im lặng. Thế là Hồ Hợi làm tiêu tan cơ nghiệp nhà Tần và sát hại cả Lý Tư, khiến ông này không có thời gian để ăn năn.

2. Trong thời điểm tiểu nhân hoàn toàn chiếm ưu thế bá quyền độc hành mà những lực lượng chân chính chưa đủ sức chống lại thì cần phải tạm thời ẩn mình để tránh bị tiêu diệt. Cần phải tạo thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh nguy hiểm và phải tồn tại được bằng cách tự bảo vệ mình chờ thời cơ, đừng trở thành cây gỗ tốt để bị đốn trước. Trong lịch sử, Việt Vương Câu Tiễn thời Xuân Thu bị Ngô Vương bắt làm tù binh đã náu mình chờ thời, nằm gai nếm mật, hầu hạ Ngô Vương để được tự do trở về nước, gây dựng lại cơ đồ 10 năm tích đủ lực lượng âm thầm cuối cùng đã diệt được nước Ngô, rửa nhục. Hay thời Tào Ngụy, khi Tư Mã Ý nắm binh quyền trong tay, bị gièm pha nên họ Tào nghi ngờ giám sát chặt, mâu thuẫn ngày một căng thẳng. Thấy tình hình như vậy, Tư Mã Ý giả vờ ốm yếu, 10 năm không tham dự triều chính khiến cho họ Tào lơ là chủ quan khinh thường, mất cảnh giác kéo nhau đi viếng mộ, Tư Mã Ý mới tổ chức binh biến chớp nhoáng, giành lấy quyền bính.

3. Khi bọn tiểu nhân đắc thế, tung hoành ngang dọc, hành xử vô luật thì người chân chính, quân tử phải giữ vững tín nghĩa, kiên trì sự nghiệp, không thể vì sợ hãi mà bỏ cuộc, mất đi sự nhận định sáng suốt, thậm chí gia nhập vào hàng ngũ tiểu nhân, cuối cùng tất cả cùng bị hủy diệt. Trong cuộc nổi dậy của Bát vương đời Tây Tấn, Tể tướng Trương Hoa là học giả nổi tiếng thời bấy giờ tuy biết Triệu Vương là một kẻ hiểm độc, nhưng vì tham phú quý, danh vọng nên không thể nín nhịn được bèn ra mặt hùa theo để lấy lòng, được lợi. Nhưng thật ra, Triệu Vương lại rất đố kị với tài năng và mưu lược của Trương Hoa nên bày cách giết chết ông. Đó là đem dây buộc mình vào miệng cọp vậy.

4. Những người trung chính muốn tổ chức tiêu diệt những kẻ tiểu nhân hắc ám thì phải chọn được thời cơ và thật lòng đoàn kết các thế lực ủng hộ mình, tìm đúng cơ hội ra một đòn tốc chiến tốc thắng. Ngược lại, không thể quá tự tin khi thời cơ chưa chín muồi lại đem trứng chọi đá thì rõ ràng muốn tự sát. Vào cuối đời Đông Hán, khi cánh hoạn quan chuyên quyền, ngang nhiên mua bán chức tước, hà hiếp dân thường khiến cho người người oán giận. Đại tướng Hà Tiến ngay thẳng cương trực bèn lôi kéo một số tướng có binh quyền mưu giết bọn hoạn quan và Tào Tháo cũng tham dự kế hoạch này nhưng sau khi phân tích kỹ lưỡng tình hình, Tào Tháo nhận định thời cơ chưa chín mưồi, đánh ngay chưa chắc đã thắng nên khuyên Hà Tiến tạm nhẫn nhịn, không nên manh động bộc lộ lực lượng, nhưng Hà Tiến không tán thành vì cho rằng mình đại diện cho chính nghĩa, hễ hô hào khởi nghĩa là sẽ có lực lượng ngay và cứ phát động tiến công kết quả đúng như nhận định của Tào Tháo. Hà Tiến thất bại và bị sát hại.

5. Trong thời điểm quan trọng và quyết định nhất khi bắt đầu diệt ác, loại trừ thế lực của bọn tiểu nhân cần chuẩn bị kế hoạch kỹ lưỡng và thận trọng tối đa, bất kỳ sơ suất chủ quan nào cũng dẫn đến hậu quả khôn lường và đây cũng là lúc sử dụng trí tuệ, năng lực sáng tạo và kinh nghiệm sống của mỗi người. Chu Dịch viết: Có thể mất đấy! Khi an toàn sẽ phát sinh hiểm nguy, sự trường tồn sẽ phát sinh diệt vong, nền trị an sẽ phát sinh hỗn loạn. Từ đó rút ra bài học rằng, bậc quân tử lúc yên ổn không nên quên nguy hiểm, khi trật tự tốt đẹp không quên sự diệt vong. Chuyện kể rằng, sau khi hoàn thành nghiệp lớn Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn muốn rút kinh nghiệm những bài học lần sử khi các công thần nắm giữ binh quyền lộng hành chèn ép vua nên muốn đoạt binh của các tướng có công hiển hách như Thạch Thủ Tín, Vương Khôn Kỳ. Vua Tống bày ra tiệc rượu, mời mấy tướng lĩnh đó ở lại cùng uống rồi mượn men rượu than phiền ở ngôi cao khổ sở lắm, vì phải đề phòng nhiều người nhòm ngó. Bọn tướng lĩnh hết lòng thề thốt nhưng vua Tống vẫn ngại rằng bộ hạ bên dưới của các tướng chắc gì đã trung thành và gợi ý cho bọn họ trao trả binh quyền đi trấn thủ nơi có đất tốt để hưởng lạc, lập nghiệp cho con cháu. Thế là bọn tướng lĩnh bèn kéo đến cáo bệnh, trả lại binh phù xin đi trấn các vùng biên cương xa xôi. Chỉ nhờ mấy chén rượu mà đoạt lại binh quyền thật là mưu cao kế sâu.

6. Và điều cuối cùng, đơn giản nhất mà cũng quan trọng nhất là lòng tin! Cho dù ở hoàn cảnh và điều kiện khó khăn đến mấy, chúng ta vẫn cần tin vào bản thân, tin vào tương lai bởi bĩ cực sẽ thái lai, hết mưa là nắng hửng lên thôi, ánh sáng sẽ phá tan đêm tối.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Địa thiên thái

    01/06/2009Đ.H.LBức tranh cổ minh họa một vị quan đang bắc thang lên vầng quế nguyệt là ý nói sự thăng tiến trong quan trường; thi cử; một con hươu ngậm tấm thiếp báo tin vui hoặc có lộc tài mang đến, một cậu bé đang ngồi trên mây là vị thế vinh hiển sáng ngời và khá bất ngờ, nhưng từ tầm cao ấy mà càng cần phải chú ý củng cố chăm lo nền tảng gốc thực sự vững chắc dưới mặt đất. Trời bao giờ cũng hướng lên trên còn đất bao giờ cũng hướng xuống dưới, đó là biểu thị sự thống nhất tồn tại của sự vật đối lập và sự vững chắc của luận thuyết dịch lý.
  • Kinh dịch

    23/02/2009Hoàng LinhKho tàng văn hoá phi vật thể phương Đông vốn nổi tiếng lịch sử với tư tưởng triết học, nhân sinh quan, đạo đức xã hội, trong đó Kinh Dịch trở thành bộ sách tủ của nhiều thế hệ nho học vì nó vô cùng thần bí, càng nghiên cứu càng thấy mênh mông.
  • Mẫu người quân tử - con người toàn thiện trong “luận ngữ” của Khổng Tử

    27/11/2006Nguyễn Thị Kim ChungBốntác phẩm kinh điển nổi tiếng của Nho giáo mà bất kỳ người nào nghiên cứu học thuyết này cũng đều biết đến là Đạihọc, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử,được nhà triết học nổi tiếng đời Tống là Chu Hy (1130 - 1200) sắp xếp, kế thừa cách chú giải của các nhà tư tưởng Tống Nho đi trước, cũng như chú giải của chính ông thành bộ sách có tên chung là Tứ thư tậpchú, trong đó Luận ngữđược xem là một trong những tác phẩm khởi đầu quan trọng cho một nền Nho học Trung Hoa do Khổng Tử sáng lập.
  • Tôn Tử binh pháp trong quản lý

    01/01/1900Lê Phú CườngMặt trận ngoại giao cũng là một nơi để vận dụng mưu lược. Ngoại giao khéo có thể chuyển bại thành thắng, tận dụng được ưu thế của mình và khai thác được điềm mạnh của đối tác đểmang lợi ích về cho đơn vị mình. Một nhà ngoại giao giỏi chính là một vị tướng không đánh mà thắng.
  • Bàn về Đạo - Lý - Tính

    31/05/2006Đ.H.LCũng như các trường phái triết học cổ điển khác của phương Tây, hễ có lập luận triết lý tất yếu phải có quan niệm về các nguyên lý và nguyên nhân của sự sinh hóa trong vũ trụ, nội dung triết học của Nho giáo cũng có xuất phát điểm lấy cái Lý làm gốc với quan niệm: Thiên địa vạn vật nhất thể...