Cách tiếp cận hệ thống trong vấn đề phân loại các khoa học và nghiên cứu khoa học

01:17 CH @ Thứ Năm - 10 Tháng Mười Một, 2005

Vấn đề phân loại tri thức khoa học như là một trong số những vấn đề quan trọng nhất trong phương pháp luận khoa học chiếm một vị trí đáng kể trong các công trình của A. Polikarov. Tác giả bài viết này rất lấy làm hân hạnh đã được cộng tác cùng A. Polikarov nghiên cứu vấn đề lớn này. Hy vọng bằng những nỗ lực chung sẽ đưa ra được những căn cứ mới để phân định, phù hợp với tinh thần của khoa học nửa sau thế kỷ XX.

Trước thập niên 60, với giới triết học ở Liên Xô cũng như ở Bungari và các nước Đông Âu khác thì sự phân loại khoa học duy nhất đúng là dựa theo các hình thức vận động của vật chất. Cơ sở sự phân loại như vậy là do F. Engels đề ra [1, 2]. Quan điểm của Engels được B. M. Kedrov hệ thống lại và trình bày chi tiết [3]. Sau này chúng được phát triển và minh họa chi tiết qua tài liệu khoa học hiện đại trong ba tập sách cũng do tác giả này (tức là B.M. Kedrov) viết [4, 5, 6]. Tư tưởng cơ bản của sự phân loại đó là như sau. Có những hình thức vận động khác nhau, phân biệt nhau ở mức độ phức tạp. Hình thức vận động cao hơn - phức tạp hơn, bao gồm nó hình thức vận động thấp hơn nhưng không quy về đó. Mỗi khoa học nghiên cứu một hình thức vận động nhất định. Trình tự phân bố các ngành khoa học trong sự phân loại chúng xuất phát từ sự phát triển của các hình thức vận động trong diễn tiến lịch sử của hệ mặt trời. Hình thức vận động đơn giản nhất là hình thức vận động cơ học và tiếp đấy, theo mức độ tính phức tạp, là (các hình thức vận động) vật lý, hóa học, sinh học (sự sống). Trình tự này quyết định trật tự tương ứng của các ngành khoa học: cơ học, vật lý, hóa học, sinh học. Mỗi hình thức vận động đều phải có vật mang vật chất tương ứng. Vì lẽ đó, có thể định nghĩa các khoa học thông qua trật tự này. Khi đó, cơ học là khoa học về khối lượng, vật lý học là khoa học về phân tử, hóa học - về nguyên tử, còn sinh học - về liên kết tế bào. Trên bình diện lôgic, điều này rất quan trọng bởi nó cho phép tránh được vòng luẩn quẩn trong việc định nghĩa các khoa học riêng lẻ.

Việc luận chứng lịch sử cho sự phân loại như vậy là gắn liền với sự phát triển của chính bản thân giới tự nhiên cũng như sự phát triển của nhận thức về nó. Tính vững chắc của sơ đồ này là hoàn toàn rõ ràng. Song rõ ràng là sơ đồ này không bao quát được tất cả các khoa học, thậm chí nếu chỉ nói đến các khoa học tự nhiên.

Chính vì vậy, F. Engels đã bổ sung thêm cho sơ đồ này và về thực chất, đi tới sự phân loại dưới đây, gợi nhớ sự phân loại của Saint - Simon và O. Conte.

I. Các khoa học về giới tự nhiên vô sinh: toán học, thiên văn học, cơ học, vật lý học, hóa học, địa chất học.

II. Các khoa học về giới tự nhiên hữu sinh: sinh học.

III. Các khoa học về xã hội: sử học.

Tính vững chắc của sự phân loại dựa theo các hình thức vận động ở đây bị phá vỡ ở hàng loạt điểm. Trước tiên, toán học chẳng tương ứng với một (hình thức) vận động đặc biệt nào của vật chất, và của bất kỳ vật mang vật chất đặc biệt nào. F. Engels và B. Kedrov đã cố gắng khắc phục trở ngại này bằng cách cho rằng toán học là ngành khoa học hỗ trợ, cung cấp công cụ để tìm hiểu mặt lượng của bất kể vận động nào mà trước tiên là vận động cơ học. Thiên văn học tất nhiên cũng có thể gắn với một hình thức vận động và xác định được vật mang vật chất nhưng đó sẽ không phải là vận động đơn giản hơn vận động cơ học. Tuy nhiên, không thể bao hàm được vận động thiên văn học vào vận động vật lý, hóa học v...v. với tính cách là một trong số các yếu tố như có thể làm với sự vận động cơ học. Và cuối cùng, vận động sinh học rõ ràng không bao hàm trong nó vận động địa chất học với tính cách một trong số các yếu tố (của nó).

Rõ ràng, sự phân loại của F. Engels phản ánh hiện trạng khoa học thời đại ông sống. Theo đà phát triển khoa học, tính cụ thể của sự phân loại này hẳn phải trở nên lỗi thời. Song B. M. Kedrov vẫn một mực cho rằng "... nếu việc giải quyết cụ thể cho vấn đề có thể lỗi thời, thì các nguyên tắc làm cơ sở của việc giải quyết nó vẫn là bất di bất dịch" [3, tr. 443].

Đã có thể bác bỏ luận điểm này ngay khi nó được trình bày.Vụ nổ bom nguyên tử đã chứng minh một cách hùng hồn sự đúng đắn khi sử dụng cụm từ "vật lý nguyên tử". Bởi lẽ, nếu đứng trên giác độ các quan niệm đã có: hóa học nghiên cứu các nguyên tử còn vật lý học là khoa học về phân tử - thì cụm từ được dẫn ra ("vật lý nguyên tử") chẳng còn ý nghĩa nữa.

Sự hiện diện của vật lý nguyên tử cũng như hóa học phân tử khiến sự tương quan giữa vật mang vật chất và hình thức vận động không còn là một khái niệm đơn nghĩa. Cùng một vật mang có thể ứng với các hình thức vận động khác nhau. Một vấn đề thực tiễn được đặt ra: Trong sự vận động của các nguyên tử và các phân tử thì làm sao xác định cái gì thuộc về hình thức vận động của vật lý, còn cái gì thuộc về hình thức vận động hóa học? Để trả lời câu hỏi này, thực tế là phải căn cứ vào việc vật lý học và hóa học nghiên cứu cái gì. Vì vậy, khi định nghĩa các khoa học này nẩy sinh vòng lẩn quẩn. Vật lý học là khoa học về hình thức vận động vật lý, còn hình thức vận động vật lý thì đó lại là những khía cạnh trong sự vận động của các nguyên tử và các phân tử là cái được nghiên cứu bởi vật lý học. Và về hóa học cũng có thể nói mutatismitandis như vậy.

Thực tế trên chứng tỏ rằng cần thay đổi không chỉ những chi tiết cụ thể mà ngay chính cả nguyên tắc phân loại. Còn một lý do khác nữa, quan trọng hơn nhiều để phải thay đổi. Điều này gắn liền với việc xuất hiện và thừa nhận, tuy có vấp phải sự chống đối của nhiều người, môn điều khiển học với tính cách một khoa học hoàn toàn đáng kính, xứng đáng có vị trí trong khung phân loại khoa học. ở Liên Xô, điều này diễn ra vào giữa những năm 50, sau việc công bố hàng loạt bài viết chủ yếu mang tính triết học và toán học bênh vực điều khiển học [7, 8, 9]. Nhưng than ôi! Nó vẫn không có được chỗ đứng trong khung phân loại khoa học theo các hình thức vận động. Thêm vào đó, điều khiển họcđã phá vỡ cách phân chia này. Người ta buộc phải đồng thời xếp nó vừa vào các khoa học về giới tự nhiên vô cơ, vừa vào các khoa học về giới tự nhiên hữu cơ cũng như vào các khoa học về xã hội.

Nhưng B. M. Kedrov vẫn cất công tìm kiếm chỗ đứng cho điều khiển học. Ý tưởng này được trình bầy chi tiết nhất ở tập cuối của bộ sách gồm ba tập [6, tr. 309 - 320]. ở đây muốn nói tới việc phát hiện ra một hình thức vận động mới - vận động điều khiển học. Đây là các quá trình điều khiển, đòi hỏi hàng loạt vận động tương tác với nhau, có định hướng xác định. Cũng như bất kỳ hình thức vận động nào khác, vận động điều khiển học cũng có vật mang vật chất "hoàn toàn xác định" của mình. Đó là "cấu tạo xác định, tức là cơ thể sống, là xã hội, bộ não người, những máy móc do con người chế tạo ra, rất khác nhau về nội dung chất lượng của mình bởi chúng được tạo ra từ các chất liệu khác nhau" [6, tr. 314]. Hình thức vận động điều khiển học có đặc điểm là "nó không tác động trực tiếp đến các giác quan chúng ta" [6, tr. 314]. Nó tương tự như hình thức vận động cơ học lượng tử và hoạt động tư duy. Đó là hình thức vận động rất phức tạp và vì thế ở đây sự lệ thuộc của hình thức vận động vào tính chất vật mang vật chất của nó thể hiện rõ nét và mạnh mẽ hơn [6, tr. 315].

Phương thức đưa điều khiển học vào bảng phân loại dựa theo các hình thức vận động vừa nêu đã gặp phải sự phản đối của nhiều người. Đó cũng là điều tự nhiên. Những người sáng lập điều khiển học từng nhấn mạnh tính độc lập của các quan hệ điều khiển học đối với thực thể vật chất. Việc sử dụng khái niệm hình thức vận động với đối tượng của điều khiển học cũng không thể coi là có lý hơn so với việc dùng khái niệm hình thức vận động toán học để xác định đối tượng của toán học. Có thể cố hiểu một cách khiên cưỡng toán học như là cái đệm của cơ học nhưng với điều khiển học, thì không thể quan niệm như vậy được.

Chỉ có thể khắc phục những trở ngại trên bằng cách xem xét lại một cách phê phán ngay chính tư tưởng về sự phân loại khoa học dựa theo các hình thức vận động. Như Djankov B. [10, tr. 78], đã nhận xét trong phát biểu của Polikarov A. tại Hội thảo triết học quốc tế năm 1958 có đặt vấn đề rằng, sự phối hợp và phụ thuộc của các hình thức vận động của vật chất không phải là nguyên tắc đủ để phân loại khoa học, rằng nó chỉ có tính chất cá biệt. Kedrov không đúng khi tuyệt đối hóa nguyên tắc này, xem nó như là nguyên tắc duy nhất và đủ để xây dựng khung phân loại các khoa học. Phải đi tìm những căn cứ để bổ sung thêm.

Những căn cứ như vậy đã được đưa ra trong bài viết của chúng tôi năm 1961 [11]. Có thể phân tất cả mọi khoa học thành ba kiểu.

Kiểu thứ nhấtgồm những khoa học về các vật chất nào đó, không phụ thuộc vào chỗ chúng có những thuộc tính gì và nằm trong các mối quan hệ tương tác như thế nào. Chẳng hạn, ở thế kỷ trước có thể cho rằng vật lý học nghiên cứu phân tử, đi tìm các thuộc tính của chúng và cũng như vậy, hóa học nghiên cứu nguyên tử, thiên văn học - các thiên thể, sinh học - các cơ thể sống v...v. Thiên văn học và sinh học, mặc dù đã có rất nhiều thành tựu, có lẽ ở thế kỷ XX, vẫn giữ nguyên đối tượng của mình, nhưng lại không thể nói như vậy về vật lý học và hóa học. Sự khác nhau giữa hai khoa học này được xác định không phải bằng ranh giới giữa các lớp khách thể xác định mà bằng các khác biệt giữa các tập hợp thuộc tính được chúng quan tâm. Vật lý học thì nghiên cứu tập hợp thuộc tính này còn hóa học thì nghiên cứu tập hợp thuộc tính kia, không phụ thuộc vào việc những thuộc tính này bộc lộ ra ở đâu - ở nguyên tử hay ở phân tử. Điều đó có nghĩa, đây là những ngành khoa học về các thuộc tính xác định chứ không phụ thuộc vào các lớp sự vật. Ta rất dễ dàng nhận thấy một thực tế đáng chú ý.

Còn định nghĩa các khoa học thuộc kiểu thứ hai sẽ có được từ vế đầu của định nghĩa về các khoa học thuộc kiểu thứ nhất bằng phép biến đổi đối ngẫu - thay khái niệm sự vật bằng khái niệm thuộc tính và khái niệm thuộc tính thành khái niệm sự vật.

Kiểu thứ ba - đó là những khoa học về các mối quan hệ xác định, không lệ thuộc vào việc những sự vật nào nằm trong các mối quan hệ đó. ở đây chúng ta có kết quả biến đổi đối ngẫu vế thứ hai của định nghĩa đầu khi "sự vật" được thay bằng "quan hệ" và "quan hệ" thành "sự vật". Thí dụ kinh điển về khoa học thuộc kiểu này là toán học. Toán học thuần túy có đối tượng của mình là các hình không gian và các quan hệ định lượng của thế giới hiện thực [1, tr. 43]. ở đây chỉ ra hai kiểu quan hệ với tư cách là đối tượng nghiên cứu của toán học. Thứ nhất - các mối quan hệ không gian, thứ hai - các mối quan hệ định lượng. Toán học hiện đại đang chuyển sang nghiên cứu các kiểu quan hệ trừu tượng hơn, song vẫn là khoa học về các mối quan hệ.

Và điều khiển học cũng thuộc các khoa học kiểu này. Nó nghiên cứu quan hệ điều khiển và các mối quan hệ khác gắn với nó, không phụ thuộc vật mang vật chất cụ thể của những mối quan hệ này. Việc khám phá vật mang vật chất mới của mối quan hệ điều khiển có thể đáng quan tâm về mặt thực tiễn, nhưng không hề thay đổi đối tượng của điều khiển học.

Sự phát triển của khoa học đang thể hiện xu thế rõ nét là chuyển từ các khoa học kiểu thứ nhất sang các khoa học kiểu thứ hai và thứ ba. Như vậy, tư tưởng về sự phát triển không bị loại ra khỏi khung phân loại khoa học, mà lai mang ý nghĩa mới. Các giả thuyết triết học tự nhiên về sự phát triển của giới tự nhiên đang được thay thế bằng những chứng cứ khoa học học hiển nhiên. Ranh giới giữa các khoa học kiểu thứ nhất và kiểu thứ hai và thứ ba không phải bao giờ cũng rạch ròi. Có thể có các phương án trung gian khi các tập hợp thuộc tính và các tập hợp quan hệ nhất định được nghiên cứu chủ yếu là trong các đối tượng xác định. Có thể tranh luận xem vật lý học và hóa học hiện đại thuộc phương án thứ hai hay phương án trung gian.

Vì khái niệm quan hệ là cơ sở của khái niệm cấu trúc nên lập trường của B. Djankov rất gần gũi với quan điểm trên, cho rằng cái mà các khoa học như toán học, điều khiển học, logic học hình thức và phép biện chứng nghiên cứu không phải các hình thức vận động đặc thù của vật chất, mà là các cấu trúc đặc thù của thực tế vật chất [10]. ở đây chúng tôi chỉ có thể nêu nhận xét rằng không phải bao giờ cũng có thể nói đến tính chất vật chất của hiện thực. Còn bàn đến lôgic hình thức thì cái thực tế mà logic học hình thức nghiên cứu, có tính chất ý niệm, và toán học cũng như phép biện chứng, thì đều nghiên cứu bất kỳ thực tế nào, tức là ở đây, các mối quan hệ được nghiên cứu hoàn toàn không liên quan tới tính chất của các khách thể tương ứng. Có lẽ cũng có thể nói như vậy về điều khiển học, mặc dù ở đây vấn đề có phức tạp hơn một chút.

Tư tưởng phân định ranh giới các ngành khoa học tùy theo khuynh hướng của chúng định nghiên cứu sự vật hay thuộc tính và quan hệ đã được hưởng ứng rất tích cực trong công trình của A. Polikarov [12]. Trong những công trình tiếp theo của mình [13, 14, 15] ông sử dụng tư tưởng này để đề ra hệ thống phân loại khoa học của mình. ở đây nó là căn cứ xuất phát để phân loại. Còn việc phân chia khoa học thành khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng thì dựa theo căn cứ khác.

Các khoa học về sự vật, độc lập với các thuộc tính và các mối quan hệ của chúng được A. Polikarov gọi là các khoa học cụ thể, khác với các khoa học về các thuộc tính hoặc quan hệ, là cái thuộc về lớp các khoa học trừu tượng. Các khoa học trừu tượng đôi khi còn được gọi là các khoa học hình thức [14, tr. 144, 15, tr.714]. Thuộc vào các khoa học cơ bản trừu tượng có lôgic học, toán học, điều khiển học, tin học. Các khoa học ứng dụng trừu tượng - đó là toán học ứng dụng, điều khiển học kỹ thuật. Các khoa học cơ bản cụ thể bao gồm thiên văn học, vật lý học, địa chất học, sinh học (các khoa học tự nhiên) và tâm lý học, ngôn ngữ học, xã hội học, kinh tế học, luật học, sử học (các khoa họC xã hội).

Điều quan trọng là việc phân chia các khoa học ra thành tự nhiên và xã hội chỉ áp dụng đối với các khoa học cụ thể, nhưng đến nay vẫn được áp dụng rộng rãi. Việc phân chia các khoa học thành 3 loại: xã hội (nhân văn), tự nhiên và kỹ thuật được coi như triệt để. Nhưng điều đó, như ta thấy qua cách phân chia do A. Polikarov đề nghị, lại là một sai lầm lớn. Kỹ thuật không bao quát mọi khoa học cụ thể có tính ứng dụng. Thuộc số này phải kể đến y học, giáo dục học, các khoa học nông nghiệp.

Đối tượng của các khoa học cụ thể được A. Polikarov gọi là đối tượng tự nhiên, còn đối tượng của các khoa học trừu tượng là đối tượng nhân tạo.

Đây là điểm chúng tôi muốn phản bác. Sự thống nhất liên kết các thuộc tính khác nhau mà vật lý học hoặc hóa học hiện đại khảo sát cũng có tính tự nhiên không kém gì sự thống nhất của thực thể duy nhất - nguyên tử hoặc phân tử. Có thể nói mutatis mutandis như thế về các mối quan hệ được khảo sát trong khuôn khổ toán học hoặc điều khiển học. Ngay bản thân thuật ngữ khoa học cụ thể đối lập với khoa học trừu tượng cũng chưa thật rõ ràng. Có lẽ ở đây chỉ có thể nói về những kiểu trừu tượng khác nhau. Vật lý học khi nghiên cứu (ở thế kỷ trước) phân tử đã trừu xuất khỏi mọi thuộc tính và quan hệ là những cái được xem là gắn liền với nguyên tử và vì thế được liệt vào phạm vi giải quyết của hóa học. Và cuối cùng, vì nhiều lý do đã nêu ở trên, không thể xếp vật lý học và hóa học hiện đại vào các ngành khoa học được gọi là cụ thể được. Theo chúng tôi, có thể coi cùng lắm đó cũng chỉ là các khoa học kiểu trung gian, các khoa học này đang có xu thế biến thành các khoa học về các tập hợp thuộc tính xác định.

Việc sử dụng các khái niệm trừu tượng và cụ thể thay thế cho "sự vật", "thuộc tính" và "quan hệ" đã thu hẹp sự đa dạng của những phương án có thể tính tới khi đưa ra sự phân loại. Như vậy, chẳng hạn sẽ không còn các khoa học kiểu trung gian nữa, và sự khác biệt đôi khi khá quan trọng giữa các khoa học về thuộc tính và các khoa học về quan hệ cũng biến mất.

Ý nghĩa của mỗi khung phân loại sẽ tăng lên tùy thuộc mức độ có thể sử dụng nó để dự báo bước phát triển tiếp theo. ở trên đã nói tới xu thế chuyển từ các khoa học về sự vật sang các khoa học về thuộc tính và quan hệ. Còn có một xu thế khác nữa, đó là phân thể. Một khoa học duy nhất trước kia nay phân ra thành một tập hợp các khoa học riêng lẻ. ở đây đặt ra một câu hỏi thú vị là: kiểu của ngành khoa học ban đầu nay phân ra thành nhiều mảnh liệu còn giữ lại không? Dù không xem xét kỹ vấn đề này, song nhìn chung, chúng tôi cho rằng đó là trường hợp điển hình. Những khoa học nghiên cứu các lớp sự vật theo đà phát triển của chúng, nay được phân nhỏ ra theo hình mẫu này hay khác là tùy thuộc vào mức độ tính chỉnh thể của các bộ phận của đối tượng nghiên cứu hoặc các thuộc tính và quan hệ được đặc biệt quan tâm. Chẳng hạn, địa lý học đương nhiên được phân thành địa lý đất liền và địa lý biển. Tiếp đó xuất hiện cả một lớp các khoa học về biển. Lớp này càng phong phú, càng đa dạng thì khung phân loại khoa học chung càng dễ vận dụng. Thí dụ, các khoa học về biển lại có thể phân ra thành ba phân lớp [16]. Một số thì thuộc về địa lý Hải dương Thế giới, nghiên cứu hải dương toàn thế giới với tất cả tính đa dạng về thuộc tính và quan hệ của nó. Một số khác thuộc ngành hải dương học nghiên cứu các tập hợp thuộc tính xác định của môi trường biển, các quá trình và hiện tượng diễn ra trong Hải dương Thế giới. Đó là các ngành vật lý biển, địa chất biển, địa vật lý biển v...v. Cuối cùng, nhóm các khoa học thứ ba có thể gọi tên là "quản lý hải dương" bao gồm toàn bộ những ngành khoa học liên quan với việc nghiên cứu các mối quan hệ kinh tế, sinh thái - kinh tế, chính trị và các quan hệ khác trong lĩnh vực quản lý các hiện tượng của Hải dương Thế giới. ở đây có các bộ môn được hình thành trong vòng 10 - 15 năm trở lại đây như kinh tế Hải dương, sinh thái biển [17], xã hội học biển, luật biển v...v. Chúng tôi nhận thấy rằng cơ cấu các khoa học về Hải dương Thế giới cũng giống như cơ cấu của các ngành khoa học nói chung. Có thể xem cái này là mô hình cho cái kia.

Phải thừa nhận rằng, việc chia thành ba kiểu khoa học như trên, nếu không tính tới các khoa học kiểu trung gian, không phải bao giờ cũng cho phép mô tả tương đối tương hợp một khoa học nào đó. Đôi khi cấu trúc vẽ ra giống như việc gọt chân cho vừa giầy. Để sơ đồ của chúng ta mềm dẻo hơn phải tính đến khả năng bổ sung thêm nhiều điều. Điều này được nói đến trong công trình [18]. ở đây các phạm trù "sự vật", "thuộc tính", "quan hệ" được sử dụng để giải thích các thủ pháp nghiên cứu khoa học khác nhau. Mỗi thủ pháp như vậy đều được xác định bởi trật tự chuyển từ phạm trù này của tam thức nói trên sang các phạm trù kia.

Cách nghiên cứu đơn giản nhất, tiêu biểu cho cấp độ nhận thức kinh nghiệm, là tư duy chuyển từ chỗ ghi nhận một số sự vật sang xác định các thuộc tính, các quan hệ của chúng giữa các sự vật này.

Cấp độ nghiên cứu tiếp theo, cao hơn, đòi hỏi xác định các quan hệ không phải trực tiếp giữa các đối tượng, mà là giữa các thuộc tính của chúng. Kiểu nghiên cứu như vậy dẫn tới, chẳng hạn, định luật Bojl - Mariott thể hiện mối quan hệ giữa các thuộc tính của khí lý tưởng.

Kiểu thủ pháp thứ ba đòi hỏi chuyển từ sự vật sang mối quan hệ giữa các sự vật và sau đó làm rõ các thuộc tính của những mối quan hệ đó.

Điểm chung của các kiểu thủ pháp này - xuất phát điểm - từ sự vật chuyển sang các thuộc tính và mối quan hệ. Còn ba kiểu dưới đây giống nhau bởi ý tưởng ở đây đi ngược lại, từ thuộc tính trở về sự vật và mối quan hệ.

Kiểu thủ pháp thứ tư có nghĩa là thích ứng với tập hợp thuộc tính đã định trước để tìm ra những vật mang vật chất của chúng và xác định các mối quan hệ giữa những thuộc tính này. Đó chính là việc tìm tòi những vật mang vật chất của các thuộc tính về nhiệt, điện, từ trong vật lý học .

Kiểu thứ nămgiả định rằng các mối quan hệ được xác lập không phải trực tiếp giữa các thuộc tính mà là giữa các khách thể mà trong đó các thuộc tính này thể hiện.

Kiểu thứ sáu. Điểm xuất phát là các thuộc tính cho trước. Tiếp đó là tìm ra mối quan hệ thỏa mãn thuộc tính này và sau đó là tìm các sự vật mà mối quan hệ đã tìm được biểu hiện trong đó. Thủ pháp này thể hiện phương thức điển hình để xây dựng hệ thống [19].

Ba kiểu thủ pháp cuối được bắt đầu từ mối quan hệ cho trước.

Kiểu thứ bẩy - các mối quan hệ cho trước được giải thích một mặt - dựa trên sự vật, mặt khác - dựa trên các thuộc tính của chúng. Thông thường, trong những trường hợp như vậy, sự vật được đồng nhất với thuộc tính của chúng. Chúng ta thường gặp tình huống này chẳng hạn, khi ứng dụng các phương trình mô tả các quá trình này hay khác.

Kiểu thứ tám - mối quan hệ được giải thích dựa trên một vài khách thể và sau đó người ta khảo sát các thuộc tính của những mối quan hệ này. Thủ pháp như thế tiêu biểu cho quá trình toán học hóa nhận thức khoa học, khi các mối quan hệ được giải thích bằng các khách thể toán học rồi sau đó tìm hiểu các thuộc tính của những khách thể - mô hình này.

Kiểu thứ chín - mối quan hệ khởi đầu được ghi nhận, sau đó đi tìm các thuộc tính thỏa mãn quan hệ này, tiếp nữa là đi tìm sự vật là những vật mang vật chất của những thuộc tính này. Thủ pháp như vậy quyết định một phương thức khác để xây dựng hệ thống, đối ngẫu với thủ pháp thứ sáu [19]. Thí dụ điển hình cho thủ pháp nghiên cứu như vậy là quá trình xây dựng bảng hệ thống tuần hoàn các nguyên tố của Mendeleev D. I. đã được Kedrov B. M. xem xét một cách rất chi tiết [20].

Vậy cách phân kiểu các thủ pháp nghiên cứu khoa học như trên với việc phân loại khoa học vận dụng như thế nào? Rõ ràng ở đây không có sự đồng nhất. Trước hết ngay trong khuôn khổ của một khoa học có thể sử dụng những thủ pháp khác nhau. Song có thể phân loại khoa học theo những thủ pháp có ưu việt hơn. ở trên đã dẫn ra một vài ví dụ về khoa học với những thủ pháp nghiên cứu tương ứng là tiêu biểu. Cái quan trọng hơn, theo chúng tôi, lại ở sự không tương ứng khác. Cùng một thủ pháp nghiên cứu khoa học có thể sử dụng ở nhiều khoa học khác nhau. Sự khác nhau của các khoa học trong trường hợp này có thể diễn đạt bằng hai phạm trù cái xác định và cái bất định. Nhờ những phạm trù này, người ta nêu lên được đặc trưng các sự vật, các thuộc tính và quan hệ quy định trình tự các bước đi trong thủ pháp khoa học. Mỗi thủ pháp đều có tám bước hình thức khả dĩ và như vậy có cả thẩy 9 x 8 = 72 bước. Tuy nhiên, hoàn toàn không phải tất cả các bước đi này đều phản ánh tình huống nhận thức thực tế. Ví dụ, nếu như trong thủ pháp thứ nhất chúng ta sẽ coi các thuộc tính và các quan hệ cũng như các khách thể ban đầu - đối tượng của nghiên cứu - là bất định thì rốt cuộc chúng ta sẽ không thể có được tri thức.

Chúng tôi xin liệt kê ra các bước thực hiện mà mỗi bước đều quyết định kiểu hiện có hoặc có khả năng có trong thực tế của các ngành khoa học. Mặc dầu số lượng các kiểu như vậy thấp hơn con số 72 rất nhiều, song việc liệt kê chúng cũng giúp chúng ta thấy được sự đa dạng phong phú hơn so với những gì đã được xem xét ở trên.

Chúng tôi đánh số mỗi khoa học bằng hai loại chữ số. Số thứ nhất - số La Mã - là số hiệu thủ pháp, số thứ hai - số ả rập - là số hiệu kiểu hình khoa học trong khuôn khổ thủ pháp đó.

I.1. Các khoa học về sự vật đã xác định với những thuộc tính và những mối quan hệ bất định. Đây chính là kiểu đã được phân tích ở trên như là các khoa học về sự vật hoặc về các hình thức vận động tương ứng với chúng.

I.2. Các khoa học nghiên cứu những thuộc tính khác nhau của các khách thể đã cho và những mối quan hệ kiểu đã xác định giữa chúng. Thí dụ là một số phương án của các lý thuyết đã được toán hóa đang sử dụng bộ máy toán học sẵn có và lẽ tất nhiên có thể chỉ nghiên cứu các mối quan hệ nằm trong phạm vi khách thể mà chúng quan tâm, cần xử lý, nhờ bộ máy toán học này. Ngành toán kinh tế là như vậy.

I.3. Đối ngẫu với cái ở trên, đó là các khoa học nghiên cứu những mối quan hệ khác nhau của miền đối tượng đó nhưng ở đây chỉ xét kiểu đã ghi nhận của các thuộc tính . Đặc biệt, trong tình huống này có các khoa học chỉ quan tâm đến những thuộc tính của miền khách thể đã cho cần được đo đếm. Đó chẳng hạn là lý thuyết thông tin hay một khoa học hoàn toàn mới trắc lượng nghệ thuật [21].

I.4. Các khoa học kiểu này khảo sát các sự vật, các thuộc tính và quan hệ đã ghi nhận. Những khoa học như vậy thường xuất hiện nhờ sự tương tác của hai khoa học mà một khoa học đưa lại khách thể còn khoa học kia đưa lại phương pháp mà thông qua nó ghi nhận các thuộc tính và quan hệ cần nghiên cứu. Chẳng hạn, vật lý sinh học nghiên cứu các khách thể sinh học nhưng nó chỉ xem xét các thuộc tính, các mối quan hệ của những khách thể này có thể nghiên cứu bằng những phương pháp vật lý . Toán ngôn ngữ lại là ví dụ khác của khoa học thuộc kiểu này. ở đây có thể gồm logic toán, phỏng sinh học và nhiều khoa học khác nữa.

II.1. Các khoa học miền đối tượng đã nêu ra và nghiên cứu thuộc tính bất kỳ nào của các đối tượng nằm trong miền này và các mối quan hệ bất kỳ nào giữa những thuộc tính này. So với các khoa học kiểu I.1. thì ở đây nét đặc trưng là mức trừu tượng hóa cao hơn. Các mối quan hệ được xác lập không phải giữa các đối tượng xuất phát ban đầu, mà giữa các thuộc tính của chúng. Có thể liệt, chẳng hạn, ngôn ngữ học đại cương vào các khoa học kiểu này. Chúng nghiên cứu loạt khách thể đã xác định - từ và câu của ngôn ngữ tự nhiên. Bất kỳ thuộc tính nào của các đơn vị này cũng được ngôn ngữ học đại cương quan tâm, nhưng nó không nghiên cứu các quan hệ giữa những đơn vị ngôn ngữ lẻ, điều này thuộc thẩm quyền của từ vựng học mỗi ngôn ngữ cụ thể. Song ngôn ngữ học đại cương lại nghiên cứu các mối quan hệ khác nhau giữa các thuộc tính của các đơn vị ngôn ngữ.

II.2. Các khoa học thuộc kiểu này khác với các khoa học trên ở chỗ tại đây xem xét các mối quan hệ kiểu đã xác định chặt chẽ. Có thể xếp vào khoa học kiểu này, ví dụ như ngôn ngữ học cấu trúc theo quan niệm của Shaumjan S. K. là bộ môn nghiên cứu các quan hệ giữa những đặc trưng ngôn ngữ này hay khác được xem xét chỉ trên bình diện của một mô hình xác định [22].

II.3. Đã ghi nhận một nhóm khách thể cũng như các thuộc tính của chúng, song mối quan hệ giữa những thuộc tính này vẫn chưa xác định được. Chẳng hạn, trong giải phẫu học và sinh lý học người và động vật người ta chỉ nghiên cứu các khách thể đã xác định chứ tuyệt nhiên không phải tất cả mọi thuộc tính của chúng mà chỉ lớp nào đó của chúng không bao gồm, chẳng hạn, như tính tôn giáo, nhưng mọi quan hệ giữa các thuộc tính của lớp này đều đáng quan tâm. Thuộc kiểu này còn có tâm lý học, địa chất học và một số ngành khác.

II.4. Khác với kiểu các khoa học trên, ở đây cũng ghi nhận cả các quan hệ giữa những thuộc tính cần nghiên cứu. Sự ghi nhận này diễn ra trong quá trình toán học hóa mà nhờ nó các khoa học kiểu II.3. được chuyển thành các khoa học kiểu II.4.

III.1. Trong các khoa học kiểu này, các sự vật được cho trước, và mọi quan hệ giữa chúng cũng như mọi thuộc tính của những mối quan hệ này đều được tìm hiểu. Nhưng các khoa học kiểu này không khảo sát các thuộc tính của chính các khách thể và không khảo sát các thuộc tính của những mối quan hệ này. Chúng tôi không tìm ra được ví dụ về khoa học kiểu này song không hề có cơ sở để phủ nhận rằng về mặt nguyên tắc, một khoa học như vậy là có thể có.

III.2. ở đây ghi nhận các sự vật, các mối quan hệ của chúng và các thuộc tính của những quan hệ này. Các khoa học liên quan tới việc ứng dụng các đề xuất hình thức này hay khác trong một lĩnh vực nội dung nhất định thường thuộc vào kiểu này. Chẳng hạn, việc sử dụng lý thuyết nhóm trong lĩnh vực vật lý học ghi nhận miền đối tượng, kiểu đã xác định của các mối quan hệ cần tìm hiểu, cụ thể đó là các mối quan hệ lý thuyết nhóm, và các thuộc tính đã xác định của những mối quan hệ này.

III.3. Khác với trường hợp trên, ở đây xem xét bất kỳ mối quan hệ nào nhưng chỉ ghi nhận một số thuộc tính mà qua lăng kính của chúng nghiên cứu những mối quan hệ này. Chẳng hạn, đó là trường hợp lý thuyết mô hình được phát triển trong các công trình của A. Tarskij và A. I. Mal,cev [23] . Khái niệm mô hình, tập hợp ban đầu, tức miền đối tượng, được coi là cái cho trước. Sau đó xem xét mọi mối quan hệ trong miền đối tượng này, song chỉ trong khuôn khổ những thuộc tính cho phép sử dụng các phương pháp của lý thuyết mô hình.

IV.1. ở đây các thuộc tính đã được xác định. Phải đi tìm các mối quan hệ giữa các thuộc tính và đi tìm những vật mang thuộc tính. Có thể liệt vào đây các bộ môn toán ứng dụng nghiên cứu một kiểu thuộc tính xác định, chẳng hạn như giải tích véc tơ ứng dụng. ở đây người ta tìm hiểu các mối quan hệ giữa các thuộc tính đã chọn ra và đi tìm cách giải thích qua các khách thể.

IV.2. ở đây các thuộc tính và các quan hệ giữa chúng đã được xác định. Chỉ còn là miền khách thể - những vật mang các thuộc tính này là bất định. Đây là nét đặc trưng cho trường hợp triết học ứng dụng kiểu phép biện chứng của tự nhiên. Nó chỉ ghi nhận những thuộc tính quan trọng đối với bản thân mình với những quan hệ giữa những thuộc tính này cũng được xác định trong khuôn khổ của nó. Chẳng hạn như - "cái tinh thần" - "cái vật chất". Trong qúa trình ứng dụng người ta đi tìm những vật mang thuộc tính.

IV.3. ở đây xuất phát điểm là các thuộc tính đã xác định. Những vật mang chúng cũng đã xác định. Cái cần tìm là các mối quan hệ khác nhau giữa các thuộc tính này. Không tìm ra được ví dụ thích hợp để chứng minh.

IV.4. Khác với trường hợp trên, cái được xác định cũng là những quan hệ giữa các thuộc tính không tìm được thí dụ thích hợp để chứng minh.

V.1. Khoa học này quan tâm đến mọi quan hệ giữa mọi khách thể bởi những khách thể này có một số thuộc tính đã được ghi nhận từ trước. Ngành lão khoa là như vậy nếu như quan niệm nó không phải như là khoa học về nhưng người cao tuổi hiện vẫn sống mà như là khoa học về sự lão hóa nói chung. Như vậy, loạt khách thể mà nó quan tâm sẽ khá bất định.

V.2. Khác với trường hợp trên, ở đây phải xác định cho thật rõ ràng cả lớp các quan hệ mà ngành khoa học lão khoa quan tâm. Ngành lão khoa toán hóa có thể xếp vào đây.

V.3. ở đây cả các thuộc tính cần nghiên cứu lẫn các khách thể mà trong đó những thuộc tính này thực hiện cũng như các mối quan hệ giữa các khách thể đều được xác định rạch ròi. Thí dụ cho những đề xuất như vậy là ngành xác định niên đại các sự kiện lịch sử với tư cách một ngành khoa học.

VI.1. Thuộc tính được ghi nhận. Tiếp đấy, người ta nghiên cứu các mối quan hệ khác nhau có thuộc tính này và các khách thể khác nhau mà trong đó các quan hệ này biểu hiện. Nếu như lấy việc "lập hệ thống" làm thuộc tính được ghi nhận thì có thể coi lý thuyết chung về hệ thống (LTCHT) là một ngành khoa học như vậy. Lý thuyết này xem xét các phương thức cấu thành hệ thống trên những bản thể khác nhau mà như vậy chúng vẫn là bất định. Những giải pháp xây dựng LTCHT (của Ludwig von Bertalanffy, M. Mesarovich, Ju. Urmancev v...v.) khác nhau ở các phương thức quan niệm một cách hệ thống về khách thể, tức các mối quan hệ thỏa mãn thuộc tính đã ghi nhận. Mỗi giải pháp cụ thể của LTCHT đều xác định mối quan hệ này. Còn nếu như coi LTCHT là một thứ siêu lý thuyết, nghiên cứu các phương án xây dựng LTCHT cụ thể khác nhau thì cũng như bản thể, mối quan hệ sẽ vẫn là bất định. Như vậy, LTCHT với tư cách là một siêu lý thuyết, sẽ thuộc vào kiểu các khoa học VI.1.

VI.2. Thuộc tính và mối quan hệ thỏa mãn nó được ghi nhận. Chỉ có bản thể là bất định. ở đây bao gồm các dị bản của LCTHC đã nhắc đến ở trên.

VI.3. Thuộc tính và mối quan hệ thỏa mãn nó và những vật mang mối quan hệ này được ghi nhận. Đó là các hệ thống riêng thuộc miền đối tượng cụ thể này hay khác . Chẳng hạn như lý thuyết về các hệ thống sinh học, lý thuyết về các hệ thống xã hội, ký hiệu học v...v.

VII.1.Ghi nhận mối quan hệ mà tiếp theo được giải thích trên một miền các đối tượng và thuộc tính bất định. ở đây có điều khiển học, toán học với tư cách khoa học về các quan hệ định lượng và các khoa học khác ở trên đã nói với tư cách là những khoa học về các quan hệ. Nhưng chỉ có một bộ phận trong chúng, còn số khác thì đúng hơn nên liệt vào các kiểu dưới đây.

VII.2. Mối quan hệ đã ghi nhận được xác lập giữa những đối tượng đã xác định. Các khoa học có đặc tính này, theo chúng tôi là hình học, nó nghiên cứu các quan hệ đã xác định giữa các thuộc tính không gian đã xác định chứ không phải trong các khách thể bất định.

VII.3. ở đây ghi nhận ra các mối quan hệ và miền đối tượng. Còn các thuộc tính mà giữa chúng các quan hệ này xác lập, có thể có những đặc tính khác nhau. Để thí dụ, có thể nêu lý thuyết về các phương trình vật lý toán học. Các phương trình đưa ra một số quan hệ đã định hình cho phép có những cách giải thích rất khác nhau về các biến số tham gia vào thành phần của chúng. Tuy nhiên, tất cả những giải thích này đều phải gắn với các khách thể vật lý, tức với miền đối tượng đã xác định.

VII.4. ở đây tất cả đều đã được ghi nhận. Mối quan hệ đã xác định được kiến giải qua các thuộc tính đã xác định ở miền đối tượng đã xác định. Khả năng này, rõ ràng là phi hiện thực vì ở đây không có ưu thế cơ bản được tạo ra bởi việc nghiên cứu các mối quan hệ - đó là khả năng kiến giải các khách thể mới.

VIII.1. Mối quan hệ đã ghi nhận được thực hiện ở miền khách thể bất định và sau đó người ta nghiên cứu mọi thuộc tính của chúng. Khoa học nghiên cứu các thuộc tính của các ngành khoa học được toán học hóa chắc có thể được xây dựng nên bằng cách thức như vậy.

VIII.2. Khác với kiểu trên, ở đây người ta nghiên cứu không phải các thuộc tính bất kỳ mà chỉ các thuộc tính đã ghi nhận. Có thể các bộ môn khoa học như vậy là các phân loại của các khoa học thuộc kiểu trên.

VIII.3. ở đây ghi nhận không phải các thuộc tính, mà là miền đối tượng. Ví dụ có thể là lý thuyết toán hóa tri thức nhân văn hoặc điều khiển học trong các khoa học nhân văn.

VIII.4. Tất cả đã được ghi nhận. Người ta nghiên cứu các quan hệ đã xác định trong miền khách thể đã xác định và nghiên cứu các thuộc tính đã xác định của những khách thể này. Không tìm được các ví dụ. Thủ pháp cuối cùng, thủ pháp thứ chín, như ở trên đã lưu ý, đối ngẫu với thủ pháp thứ sáu để biến đổi thuộc tính - quan hệ. Điều đó có nghĩa, trong số hai thủ pháp thì việc mô tả thủ pháp này là suy ra từ việc mô tả thủ pháp kia bằng cách thay thuật ngữ "quan hệ" bằng "thuộc tính" và ngược lại. Tương ứng, chúng ta có hai cách định nghĩa khái niệm đối ngẫu nhau về hệ thống. Thủ pháp thứ sáu đưa tới định nghĩa hệ thống như là khách thể trong đó thực hiện mối quan hệ với thuộc tính đã ghi nhận từ trước. Thủ pháp thứ chín đưa tới định nghĩa hệ thống như là khách thể trong đó thực hiện các thuộc tính với mối quan hệ từ trước. Việc luận chứng chi tiết cho những định nghĩa này với tính cách điều khái quát về những điều do các tác giả khác nhau đưa ra đã được trình bày trong những công trình đi trước [24, 25, 26].

Điều quan trọng là các định nghĩa khái niệm đối ngẫu nhau về hệ thống lại bổ khuyết cho nhau. ở đây có thể nói về sự khái quát độc đáo nguyên tắc tính bổ sung của N. Bor [27]. Rất logic khi giả định rằng loại tính bổ sung này sẽ xẩy ra với những phương hướng khoa học có những đặc trưng đối ngẫu với các phép biến đổi đã chỉ ra. Nếu như vậy thì để nêu ví dụ về những ngành khoa học mà các đặc trưng của chúng nhận được từ sơ đồ IX chúng ta cũng sẽ nhận được các đặc trưng giống như từ sơ đồ VI.

IX.1. Quan hệ được ghi nhận. Tiếp theo là tìm hiểu những thuộc tính khác nhau nằm trong mối quan hệ này và những khách thể khác nhau mà trong đó những thuộc tính này được thực hiện. Chúng ta sẽ coi "tính thống nhất, quy định lẫn nhau" chính là mối quan hệ đã được ghi nhận. Thường là các tập hợp thuộc tính khác nhau khi nằm trong mối quan hệ này, là cái đảm bảo tính hệ thống của các khách thể được xem xét. Thường thì người ta chọn những thuộc tính như tính toàn vẹn, tính phức tạp, tính tầng bậc. Nhưng cũng có thể chọn những thuộc tính khác nữa. Bộ môn khoa học khảo sát những tập hợp này và sự thực hiện của chúng qua các khách thể khác nhau chính là lý thuyết chung về các hệ thống với tính cách là một siêu lý thuyết. Còn quan niệm đối ngẫu về nó so với quan niệm trên lại là một việc khác.

IX.2. Nếu các thuộc tính cấu tạo hệ thống đã ghi nhận được thì chúng ta sẽ có được một lý thuyết chung về hệ thống cụ thể, ví dụ như của Ludwig von Bertalanffy hoặc của Ju. Urmancev.

IX.3. Nếu như ngay cả các bản thể cũng được ghi nhận thì chúng ta có các lý thuyết cục bộ về hệ thống, ví dụ lý thuyết về các hệ thống sinh học, lý thuyết về các hệ thống xã hội, ký hiệu học v...v.

Như vậy, có thể phân ra 29 lớp khoa học mà một vài lớp trong số đó, vào một thời điểm nào đó, có thể còn bỏ trống. Số này không nhiều. Theo chúng tôi, hợp lý là có thêm những bổ sung chi tiết hơn để làm cho các khoa học ngày càng đa dạng thêm về kiểu loại. Những bổ sung đó trước hết liên quan đến khái niệm tính bất định. Có thể lưu ý rằng khi ở trên đã nói về các khách thể (các thuộc tính, các mối quan hệ) bất định thì tính bất định này không phải bao giờ cũng được hiểu cùng một nghĩa. Đôi khi đó chỉ là một khách thể nào đó, chưa biết đến, nhưng chắc chắn không phải là tùy tiện, không phải bất kỳ. Đó là những khách thể có thể là những vật mang quan hệ điều khiển được nghiên cứu trong điều khiển học.

Còn các khách thể có thể được trình bày với tính cách là các hệ thống lại là một vấn đề khác. Đó chính là loại các khách thể bất kỳ, tùy chọn. Nếu chỉ đơn thuần phân biệt tính bất định và tính tùy chọn thì chúng ta có thể có nhiều kiểu khoa học hơn rất nhiều so với số đã nêu trên. Vấn đề này được xem xét trong công trình [28]. ở đó đưa ra cách hình thức hóa khác đối với các thủ pháp nghiên cứu khoa học và chỉ ra rằng mỗi thủ pháp trong số đó có thể đưa ra 729 kiểu khoa học. Việc sử dụng bộ máy ngôn ngữ - hình thức mô tả sẽ tạo ra điều kiện để phát triển cả cách phân loại này và sẽ mô hình hóa chính ngày càng chính xác hơn những nét đặc trưng của tri thức khoa học.

Để kết luận, chúng tôi xin lưu ý rằng cách phân loại các nghiên cứu khoa học trên đây được xây dựng theo một trong các sơ đồ của cách tiếp cận hệ thống được thể hiện qua thủ pháp thứ sáu. Thuộc tính cấu thành hệ thống - quan niệm sự phân loại với tính cách là một hệ thống - là sự phản ánh tương hợp các đặc điểm tiêu biểu của các kiểu hình nghiên cứu khoa học và tri thức khoa học. Sau đó là bước xây dựng cấu trúc hình thức thỏa mãn quan niệm này và cuối cùng đi tìm bản thể tức là các khoa học, các phương hướng khoa học, là các lý thuyết khoa học cụ thể làm căn cứ thể hiện của cấu trúc này. Như vậy, thuật ngữ "cách tiếp cận hệ thống" được sử dụng ở nhan đề bài viết phản ánh một chiến lược nghiên cứu xác định dựa trên một lý thuyết hệ thống tương ứng.

Chúng tôi xin lưu ý rằng chiến lược này có khả năng kết hợp rất linh hoạt với các cách tiếp cận có tính truyền thống hơn [29].



Sách báo tham khảo

1. Engels, Fr. Herrn Eugen Duhrings Umwalzung der Wissenchaft. Marx/ Engels. Gesamtausgabe, Moskau. 1935.

2. Engels, Fr. Dialektik der Natur. Marx/ Engels, Gessamtausgabe, Moskau. 1935.

3. Kedrov B. M. Engels và khoa học tự nhiên. Phần thứ tư. M., OGIZ, 1947.

4. Kedrov B. M. Phân loại khoa học. Phần I. M., Nhà xuất bản Trường Đảng cao cấp và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, 1961.

5. Kedrov B. M. Phân loại khoa học. Phần II. M., Nauka, 1965.

6. Kedrov B. M. Phân loại khoa học. Tiên đoán của K. Marx về nền khoa học của tương lai. M., Mysl,, 1985.

7. Ljapunov A. A., Sobolev S. L., Kitov A. I. Những nét cơ bản của điều khiển học .- "VF", 1965, N0 4.

8. Kol,man. Điều khiển học. M., Znanie, 1965.

9. Uemov A. I. Nội dung hiện thực của các vấn đề điều khiển học.. Tư liệu khoa học của trường Đại học sư phạm quốc gia Ivanovsk. Tập 8, Ivanovo, 1956, tr. 166 - 199.

10. Djankov B. Về đối tượng của khoa học và nguyên tắc phân loại khoa học - Bản tin của Viện Triết học. T. VII, cuốn 2/ 1962, tr. 56 - 82.(Bun)

11. Uemov A. I. một số xu thế trong bước phát triển các khoa học tự nhiên và vấn đề phân định. - VF, 1961, N0 8, tr. 66 - 75.

12. Polikarov A. Những vấn đề phương pháp luận chung đối với các khoa học tự nhiên .- Thông báo của Viện Triết học. T. VIII, cuốn 1.

13. Polikarov A. Klassifizierungstypen der Wissenschaften .- Wissensschaftliche Zeitschrift der Karl - Marx - Universitat. Leipzig. 1968. Geselschafts und Sprachưissenschaftiche Reihe. Hefl 5, S. 565 - 568.

14. Polikarov A. Phương pháp luận nhận thức khoa học. Nxb. Khoa học và nghệ thuật, 1973, tr. 138 - 158.(Bun)

15. Polikarov A. Những vấn đề nhận thức khoa học nhìn từ góc độ phương pháp luận. Nxb. Khoa học và nghệ thuật, 1977, tr. 107 - 123.(Bun)

16. Stepanov V. N., Uemov A. I. Xây dựng khung phân loại khoa học về đại dương .- Thông báo của Hội Địa lý toàn Liên bang, 1987, N0 4, tr. 337 - 342.

17. Meleshkin M. T. Những vấn đề sinh thái của đại dương thế giới. M., Kinh tế học, 1981.

18. Uemov A. I., Valenchikr. Phân định kiểu hình tri thức khoa học hình thức và vấn đề về sự thống nhất của tri thức khoa học .- Triết học và khoa học tự nhiên. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày sinh Viện sỹ B. M. Kedrov. M., Nauka, 1974, Tr. 133 - 151.

19. Uemov A. I. Phân tích logic cách tiếp cận hệ thống đối với các khách thể và vị trí của nó trong các phương pháp nghiên cứu khác .- Các nghiên cứu hệ thống. Niên giám năm 1969. M., 1696, tr. 80 - 96.

20. Kedrov B. I. Kết cấu vi mô của một phát minh vĩ đại. M., 1970.

21. Ký hiệu học và nghệ thuật lượng. Ju. M. Lotman và V. M. Petrov chủ biên. M., Thế giới, 1972.

22. Shaumjan S. K. Ngôn ngữ học cấu trúc. M., 1968.

23. Mal,cev A. I. Các hệ đại số học. M., Nauka, 1970.

24. Những vấn đề về phân tích hình thức các hệ thống. M., Vyshaja shkola, 1968.

25. Logic và phương pháp luận của các nghiên cứu hệ thống. Kiev - Odessa. Vyshaja shkola, 1977.

26. Uemov A. I. Cách tiếp cận hệ thống và lý thuyết chung về các hệ thống. M., Mysl,, 1978.

27. Komarchev V. A., Kosssharskij B. D., Polikarov G. A., Uemov A. I. Tính bổ sung. Quan niệm, thái độ, nguyên tắc? - Nguyên tắc tính bổ sung và phép biện chứng duy vật. M., Nauka, 1976, tr. 92 - 101.

28. Uemov A. I. Những khía cạnh hình thức của việc hệ thống hóa tri thức khoa học và các thủ pháp để phát triển nó .- Phép phân tích hệ thống và tri thức khoa học. M., Nauka, 1989, tr. 95 - 141.

29. Uemov A. I., Barabash U. S., Kovriga E. S. Phân loại và mã hóa các nghiên cứu khoa học về đại dương thế giới .- Sinh thái học đại dương thế giới. Kiev, Viện kinh tế, VHLKH Cộng hòa Xô viết Ukraina, 1981, tr. 43 - 50.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sự phát triển của nhân loại trong quan hệ với tri thức

    07/10/2016Bùi Quang MinhBài viết này mô tả sự kiến tạo kiến thức của loài người trong ngữ cảnh "chuỗi" biến đổi lớn về văn hoá và nhận thức xảy ra trong quá khứ và dự báo tương lai...
  • Tiếp cận một số vấn đề về nhận thức khoa học

    07/01/2015TS. Bùi Mạnh HùngLý luận nhận thức được coi là học thuyết về khả năng nhận thức của con người, về sự xuất hiện và phát triển của nhận thức cũng như về con đường, phương pháp nhận thức…Từ trước đến nay,vấn đề nhận thức luôn là một trong những bộ phận cơ bản của khoa học triết học. Hiện tại, vấn đề nhận thức khoa học vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung và phát triển nhằm giúp cho con người ngày càng hoàn thiện hơn những tri thức của mình về bức tranh thế giới hiện thực..
  • Sự hình thành bản thể luận văn hóa

    10/11/2014TS. Đỗ Minh HợpCó thể phân biệt ba giai đoạn cơ bản trong tiến trình phát triển của bản thể luận - bản thể luận tự nhiên (cổ đại), bản thể luận nhận thức (cận đại) và bản thể luận văn hoá (hiện đại). Không có ý định đi sâu vào đề tài này, chúng tôi chỉ muốn nêu bật sự khác nhau cơ bản giữa ba hình thức này của bản thể luận...
  • Tư duy hệ thống và đổi mới tư duy

    26/03/2014GS. TSKH. Phan Đình DiệuThế kỷ 20 vừa đi qua và những thành tựu khoa học to lớn mà loài người đạt được trong thế kỷ đó đã làm đảo lộn nhiều hiểu biết vốn có của chúng ta về những vấn đề cơ bản như không gian và thời gian, vật chất và vũ trụ, sự sống và con người, rồi tiếp đến là kinh tế và xã hội... Từ những hiểu biết mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau dần dần đã hình thành một quan điểm mới, một tư duy mới về thiên nhiên cũng như về xã hội của chúng ta...
  • Khoa học cứng và khoa học mềm

    03/12/2010Laurent Mucchielli, Đặng Mộng Lân dịchKhoa học cứng và khoa học mềm: khác nhau về đối tượng giữa khoa học về tự nhiên và các khoa học về con người và xã hội, nhưng cùng một phương pháp tiến hành...
  • Đặc điểm của tiếp cận hệ thống trong xã hội học

    27/10/2005... điểm xuất phát quan trọng của việc nghiên cứu xã hội học chính là nghiên cứu con người cá nhân trong tương tác nhóm cộng đồng xã hội với tất cả tính hệ thống và hoàn chỉnh của nó. Cấu trúc xã hội, hành vi xã hội trong tương tác người với người... là những dấu hiệu đặc thù. Đến lượt nó những nhóm và cộng đồng xã hội lại tương tác với nhau tạo thành một kết cấu chỉnh thể của một xã hội. Xã hội học nghiên cứu những quy luật và tính quy luật chi phối mối quan hệ và liên hệ tạo thành tổng thể xã hội này...
  • Tổng - tích hợp lý thuyết, một trào lưu mới của tiến trình phát triển xã hội học

    20/10/2005Tô Duy Hợp...Hành vi con người rất phức tạp và nhiều chiều cạnh, và rất khó có khả năng rằng một quan điểm lý thuyết có thể bao trùm tất cả các khía cạnh của nó. Tính đa dạng trong tư duy lý luận cung cấp nguồn ý tưởng phong phú mà chúng ta có thể rút ra trong nghiên cứu, và nó kích thích năng lực sáng tạo là vô cùng cần thiết đối với tiến bộ trong công tác xã hội học...
  • Thử nêu mấy nét chủ yếu của phong cách tư duy khoa học hiện đại

    24/08/2005Phạm Duy HảiMột số ngành khoa học phi cổ điển đầu tiên đã ra đời từ cuối thế kỷ 19, song khoa học hiện đại chỉ thực sự ra đời do cuộc cách mạng vĩ đại trong khoa học tự nhiên đầu thế kỷ XX. Mở đầu là thuyết lượng tử, đến thuyết tương đối, và đặc biệt là cơ học lượng tử. Các lý thuyết khoa học vĩ đại này đã làm thay đồi căn bản lối suy nghĩ về tự nhiên và hình thành một phong cách tư duy khoa học mới, gọi là phong cách phì cổ điển...
  • Cấu trúc của các cuộc cách mạng khoa học

    05/07/2005Nguyễn Quang A dịchTiểu luận này là báo cáo được xuất bản đầy đủ đầu tiên về một công trình khởi đầu được hình dung ra gần mười lăm năm trước. Khi đó tôi là một nghiên cứu sinh về vật lí lí thuyết sắp hoàn thành luận văn của mình. Một sự dính líu may mắn với một cua thử nghiệm dạy khoa học vật lí cho người không nghiên cứu khoa học đã lần đầu tiên đưa tôi đến với lịch sử khoa học. Tôi hoàn toàn ngạc nhiên, rằng việc tiếp xúc với lí thuyết và thực hành khoa học lỗi thời đã làm xói mòn triệt để một số quan niệm cơ bản của tôi về bản chất của khoa học và các lí do cho thành công đặc biệt của nó.
  • xem toàn bộ