Tình dục không còn là chuyện riêng của mỗi nhà

02:23 CH @ Thứ Sáu - 09 Tháng Mười, 2009
Hội nghị lần thứ 7 Hiệp hội Nghiên cứu Quốc tế về Tình dục, Văn hóa và Xã hội vừa được tổ chức tại Hà Nội tháng Tư vừa qua với chủ đề “Sự trong sáng và Tình dục: Mâu thuẫn giữa Chuẩn mực xã hội và Thực tế cuộc sống” đã gây được sự chú ý không chỉ của những nhà nghiên cứu mà của nhiều giới khác.

Hơn 500 tham luận của các nhà nghiên cứu với nhiều nội dung khác nhau: Sự đa dạng của tình dục trong toàn cầu hóa; Tôn giáo và tình dục; Tình dục trong thế giới ảo; Tình dục trong các hoạt động kinh tế; Giáo dục tình dục trong gia đình, cộng đồng… và 30 chương trình hội thảo chuyên đề đã được gửi đến đăng ký tham dự hội nghị. Trong đó 201 tham luận cá nhân đã được lựa chọn để trình bày, 71 tham luận khác được duyệt để trưng bày.

Tác giả của sự kiện này là tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội - một phụ nữ dịu dàng, nhỏ nhắn và vô cùng nhiệt huyết trong công việc, một cựu nữ sinh viên khoa tâm lý xã hội học Trường đại học Tổng hợp Lomonosov Moscow danh tiếng thuở nào.

* Đâu là động cơ khiến bà nghiên cứu về tình dục? Tình dục có phải là vấn đề lớn của xã hội chúng ta hiện nay hay không, thưa bà?

- Tôi nghiên cứu về tình dục vì tình dục là một trong những hoạt động sống quan trọng nhất của con người nhưng lại rất ít được nghiên cứu từ góc độ xã hội. Lý do nó ít được nghiên cứu liên quan đến quan niệm của chúng ta về tình dục. Hiện nay có hai quan niệm phổ biến về việc nghiên cứu tình dục mà tôi đều không đồng ý.

Quan niệm thứ nhất liên quan đến quan điểm lý thuyết khoa học cho rằng tình dục là một bản năng tự nhiên của con người nên chẳng cần phải nghiên cứu, vì dù sao cũng không thể thay đổi gì, con người thế hệ này sang thế hệ khác vẫn cứ làm theo bản năng của mình. Quan niệm thứ hai liên quan đến khía cạnh đạo đức cho rằng tình dục là một điều riêng tư, là dục vọng thấp kém của con người, không nên bàn luận đến một cách cởi mở, càng không nên thảo luận công khai.

Theo tôi, tình dục không phải là bản năng tự nhiên mà là sản phẩm xã hội. Bằng chứng là cách chúng ta suy nghĩ và hành xử về tình dục khác hẳn với cách mà thế hệ cha ông chúng ta suy nghĩ và hành xử. Thế hệ trẻ ngày nay lại hành xử và suy nghĩ khác xa với chúng ta (những người ở độ tuổi 45-50 ngày nay).

Nếu tình dục là bản năng tự nhiên thì nó phải bất biến với thời gian, thời nào con người cũng sẽ xử sự như vậy. Nhưng vì tình dục là sản phẩm xã hội nên nó thay đổi theo thời gian, bị quy định bởi các yếu tố văn hóa, xã hội, kinh tế và chính trị. Cần nhấn mạnh rằng tình dục không phải là điều thấp kém không đáng để luận bàn công khai. Ngược lại, tình dục là một phần quan trọng của cuộc sống, chẳng kém gì kinh tế, chính trị…

Một con người dù thành đạt về công danh địa vị, dù giàu có về tiền bạc nhưng đời sống tình dục nghèo nàn, bất hạnh chắc chắn không dám tự cho mình là người hạnh phúc. Tình dục không xấu mà chỉ có những cách ứng xử xấu trong tình dục, ví dụ cưỡng ép, bạo lực, vô trách nhiệm…

Cũng như ăn uống, ai cũng cho là ăn uống quan trọng với cuộc sống con người nhưng chẳng ai tán thành những kẻ ăn uống tham lam, thô lỗ, bạ gì ăn nấy không nghĩ đến hậu quả cho bản thân, gia đình và xã hội.

Ở Việt Nam, hai quan niệm tôi vừa nêu lên là những lý do chính làm cản trở các nghiên cứu về tình dục. Có người cũng muốn nghiên cứu về tình dục nhưng lại sợ bị gán cho là “ham” tình dục quá. Tôi không sợ ai nghĩ như vậy về mình. Càng khó càng làm tôi thấy cần phải nghiên cứu.

Việc thiếu các nghiên cứu về tình dục đã ngăn cản chúng ta hiểu và giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến tình dục, không có cơ sở để xây dựng các chương trình giáo dục về tình dục cho cả thanh thiếu niên cả lẫn người lớn, đồng thời phải đối mặt với những đe dọa đến từ HIV/AIDS và các bệnh tật liên quan đến tình dục, đối diện với những bất ổn trong đời sống vợ chồng…

* Từ góc độ một tổ chức nghiên cứu xã hội, bà nhận xét thế nào về những chuẩn mực cũng như sự thay đổi trong hệ thống khái niệm được coi là truyền thống ở Việt Nam?

- Nếu chúng ta gọi chuẩn mực là cái khung thì cái khung bây giờ quá chật hẹp với cuộc sống. Trong khi chúng ta vẫn cứ đề cao sự trong trắng, sự trinh tiết của phụ nữ và vẫn cho tình dục trong hôn nhân mới là tình dục đúng đắn thì thực tế lại cho thấy thanh niên quan hệ tình dục trước hôn nhân rất nhiều, sống thử trở nên phổ biến, chuyện ngoại tình ngoài hôn nhân không ít…

Ngày trước, thanh niên mặc quần ống loe, để tóc dài có thể bị rạch quần, cắt tóc; trước nữa phụ nữ ngoại tình bị gọt đầu, bôi vôi, bêu riếu khắp làng… ở một số nước khác thì bị ném đá đến chết. Liệu bây giờ có thiết chế nào dám làm những điều đó hay không? Cuộc sống thay đổi, những quan niệm của mọi người cũng cởi mở và khoan dung hơn, do vậy, cái khung về chuẩn mực cũng phải được thay đổi để làm sao những chuẩn mực tốt đẹp ấy không là rào cản đối với mỗi cá nhân, không xâm phạm quyền tự do của mỗi cá nhân.

Tuy nhiên, tự do bao giờ cũng có giá, hay bất kể chúng ta làm cái gì chúng ta cũng phải trả giá, do vậy, mỗi người trước khi làm gì đều phải cân nhắc xem cái giá mình trả sẽ thế nào… để quyền (tự do) ấy phải hướng tới một xã hội tốt đẹp, có giá trị chung.

* Thống kê từ các bệnh viện phụ sản cho thấy phần lớn các ca nạo phá thai rơi vào lứa tuổi 17 - 18. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một thực trạng không tốt. Bà nghĩ sao?

- Tôi biết trong số những bạn chưa lập gia đình phải nạo thai có nhiều bạn còn rất trẻ. Tôi rất tiếc về điều đó. Tôi cho rằng đó là một thực trạng đáng buồn. Tôi nghĩ xã hội mà cụ thể hơn là các bậc phụ huynh và nhà trường phải là những người chịu trách nhiệm về thực trạng này. Các bạn trẻ chỉ có lỗi vì họ trẻ. Còn người lớn có lỗi vì lảng tránh trách nhiệm giáo dục kiến thức và kỹ năng cho họ. Tôi tin rằng một khi tình dục được thảo luận một cách công khai, cởi mở thì sẽ làm giảm đi con số các cô gái trẻ phải đi nạo thai.

* Thực tế là cuộc sống thay đổi và tự nó cũng đã có những điều chỉnh nhất định: Đó là quan niệm về tình dục đã cởi mở hơn và người ta nhìn nhận những trường hợp “vượt khung” một cách khoan dung hơn như bà nói. Bên cạnh đó, tình dục - vốn được xem là chuyện rất riêng tư, là chuyện của mỗi nhà - vậy có cần thiết phải can thiệp...?

- Chúng ta phải xem xét vấn đề tình dục ở phạm vi rộng hơn. Nó liên quan đến tất cả mọi vấn đề của xã hội: Kinh tế, giáo dục, tôn giáo, khoa học công nghệ… Thực tế cho thấy, các hình thức thể hiện về tình dục của các cá nhân khác nhau hiện nay đa dạng như thế nào: Tình dục trên Internet, tình dục vị thành niên, tình dục đồng tính nam, đồng tính nữ, bạo lực tình dục (BLTD).

Vậy các thiết chế xã hội cũng như mỗi cá nhân phải ứng xử như thế nào để xã hội tốt hơn? Chúng ta hiểu thế nào về BLTD trong gia đình, cách can thiệp ra làm sao? Nếu các cơ quan như tòa án, công an và các đoàn thể cho rằng đó là vấn đề của gia đình thì tất nhiên thủ phạm không bao giờ bị xử lý và phụ nữ mãi mãi là nạn nhân của BLDT. Trong một xã hội mà nhiều phụ nữ bị BLTD triền miên như vậy thì có là xã hội văn minh hay không? Trách nhiệm của nhà nước đặt ra như thế nào? Thái độ của các cơ quan hành pháp như thế nào để giải quyết các vấn đề như vậy?

Hay như các nguy cơ về tình dục của các phụ nữ từ khu vực nông thôn bị đô thị hóa, ra thành phố kiếm việc. Ai sẽ là người lo bảo vệ họ nếu các thiết chế nhà nước không nhìn ra các nguy cơ: Bán dâm, BLTD… và xa hơn nữa là sức khỏe tình dục (HIV/AIDS…) của họ. Công ăn việc làm và vấn đề tình dục của những người lao động nhập cư cũng phải được quan tâm như nhau để có những chính sách tốt, kèm theo đó là một hệ thống dịch vụ: Can thiệp, giáo dục, cung cấp thông tin, điều trị bệnh… Rõ ràng tình dục không còn là chuyện riêng của mỗi nhà nữa.

* Như vậy, có vẻ như vấn đề chính sách xã hội cũng có tác động không nhỏ tới đời sống tình dục của mỗi cá nhân và ngược lại, thưa bà?

- Chính xác. Ta hãy xem chính sách của các nhà nước tác động thế nào đến mỗi cá nhân. Chính sách về xuất khẩu lao động chẳng hạn. Chúng ta chỉ nghĩ họ là những người lao động kiếm tiền, nước gửi đi và nước nhận cũng không bao giờ nghĩ rằng họ cũng có một đời sống tình dục. Chẳng hạn, trước khi đi làm với thời hạn 3, 4 năm, người lao động phải cam kết: Không được có quan hệ tình dục, không được tiếp khách nam… nếu vi phạm có thể bị cắt hợp đồng hoặc phạt tiền. Đó là chưa kể đến đời sống tình dục của những người (vợ, chồng) ở lại.

Chính sách liên quan đến những người có HIV không rõ ràng sẽ dẫn đến tình huống nhiều nhân viên y tế cho rằng bệnh nhân không nên có quan hệ tình dục, không nên có con… Như vậy là bất công, bởi người có HIV cũng gần giống như người bị ung thư. Nhưng có ai kỳ thị và khuyến cáo bệnh nhân ung thư là không nên quan hệ tình dục không?

Chính sách giáo dục cũng vậy, chương trình dạy giới tính thử nghiệm vẫn chỉ đi vòng vòng xung quanh. Trẻ không được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như tâm lý nên để lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Hay như chính sách ngăn cản nhập cư của một số nước giàu, chính sách một con của một số nước dẫn đến việc nhiều phụ nữ các nước lân cận bị buôn bán sang đó làm mại dâm hoặc làm vợ. Chính sách đô thị hóa khiến nông dân mất đất, mất việc làm, nhập cư ra thành phố với rất nhiều nguy cơ nói ở trên…

* Ở nước ta, chương trình giáo dục giới tính đang được thử nghiệm từ lớp 5 nhưng vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng lứa tuổi ấy là quá sớm và ngay cả các thầy cô được phân công dạy môn học ấy cũng rất e ngại và lúng túng…

- Tôi có hỏi lại một số người quen biết trước những bức xúc của họ về tình hình giáo dục giới tính trong nhà trường rằng: Các vị có để ý đến con các vị tò mò muốn khám phá bản thân từ lúc mấy tuổi không? Từ 3 tuổi đã có trẻ hỏi “Em bé ở trong bụng mẹ chui ra từ đâu?”. Vậy thì lớp 5 có là quá sớm?

Tất cả bắt đầu từ quan niệm, mà quan niệm lại bắt đầu từ chuẩn mực. Chuẩn mực đó lại được bắt đầu từ gia đình, nhà trường, xã hội. Từ nhỏ đến lớn, lúc nào cũng được nghe nói tình dục là vấn đề cấm kỵ, là đáng xấu hổ và không phải chuyện mang ra giữa bàn dân thiên hạ để mà nói. Vậy thì khi tất cả mọi người vẫn in hằn những chuẩn mực ấy trong đầu thì có cách gì để nói về nó một cách khoa học, tự nhiên. Quan niệm chưa được thay đổi thì vấn đề vẫn sẽ tù mù như hiện nay - đối với cả người học lẫn người dạy.

* Vậy theo bà phải làm thế nào?

- Lại phải nói đến chính sách thôi. Những người có chuyên môn, các cơ quan khác nhau, thậm chí cả hội cha mẹ học sinh phải cùng bàn bạc, nghiên cứu, bởi một mình Bộ GD-ĐT cũng sẽ không làm nổi. Không thể nói: “Giáo dục giới tính nhé”, nhưng chẳng ai làm gì và đợi bỗng dưng có một chương trình giáo dục khoa học, phù hợp từ trên trời rơi xuống. Phải đầu tư, phải có người lao tâm khổ tứ để nghiên cứu xây dựng.

Tại sao đầu tư vào chuyện khác lại sẵn sàng bỏ tiền tỉ vào, còn đầu tư cho một chương trình giáo dục lại không muốn mất một xu nào cả? Ai cũng kêu, gia đình, nhà trường, xã hội… đều kêu nhiều trẻ bây giờ hư quá. Nhưng chẳng ai làm gì. Đôi khi không phải do không có kiến thức mà do không biết phải dạy dỗ bảo ban như thế nào.

Cứ lần lữa rồi mọi việc cũng sẽ qua, nhưng qua như thế nào hay để lại những hậu quả đáng tiếc? Hoặc nếu trẻ may mắn không sơ sẩy gì thì nó cũng không có cơ hội để trang bị kiến thức đầy đủ, hoàn thiện hơn, để có cuộc sống tốt hơn. Tất nhiên, nói thì dễ nhưng làm không đơn giản chút nào. Nhưng vẫn phải có ai đó bắt đầu chứ…

* Thực trạng các cô dâu Việt ở nước ngoài là một đề tài Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) đang tìm hiểu. Bà có thể nói rõ hơn về đề tài này?

- Chính phủ một số nước cho phép nhập khẩu cô dâu để giải quyết các vấn đề nhân khẩu học của họ: Mất cân bằng giới tính, người già không có ai chăm sóc… Việt Nam cũng có những vấn đề về mất cân bằng, thừa thiếu chỗ này chỗ khác. Ở một số vùng, phụ nữ cũng muốn có một tương lai tốt đẹp hơn, hoặc chí ít là giải bài toán đói nghèo cho gia đình. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Nhà nước cho hàng trăm ngàn người ra đi như thế…

Chúng tôi nghiên cứu để chỉ ra rằng, những chính sách của các nhà nước đã làm gì cho những cô dâu ấy, khi họ đã góp phần giải bài toán về nhân khẩu học cho nước đến và bài toán về đói nghèo cho nước đi? Các nước họ đến đã có những chính sách gì hỗ trợ cho những cô dâu này chưa? Có hỗ trợ dạy tiếng cho họ chưa? Có coi họ là những công dân của chính nước họ hay chưa? Các nước cử đi phải có chính sách thế nào đó để kiểm soát được những đường dây môi giới phạm pháp; phải có chính sách để hỗ trợ cho những người không may phải quay trở về: Nhập hộ khẩu thế nào, khai sinh và cho con đi học ra làm sao…

Nhìn ở một góc độ rộng hơn, chúng ta sẽ thấy những quan niệm truyền thống đã rất bất công với những cô dâu ấy bởi thái độ coi thường, đôi khi là khinh miệt. Họ chấp nhận lấy chồng xứ người không đơn giản là vì ham cuộc sống nhàn nhã sung sướng, có nhiều tiền như nhiều người vẫn nghĩ.

Chúng tôi đã có cuộc khảo sát một làng ở vùng Đông Bắc đất nước, nơi có rất nhiều phụ nữ lấy chồng ngoại quốc. Nhà ngói mọc lên như nấm, nam thanh niên nhuộm tóc vàng, dùng điện thoại đời mới nhất, đi xe máy nghênh ngang ngoài đường. Trong khi đó, họ có biết đâu cuộc sống của những người chị gái, em gái của họ ở xứ người luôn phải đứng trước những nguy cơ như thế nào…

* Theo quan sát của bà, những nghiên cứu của ISDS cũng như những nghiên cứu khác của các tổ chức tương tự đã có ảnh hưởng nhất định nào đến các chính sách xã hội chưa?

- Sau những nghiên cứu về kỳ thị và phân biệt đối xử với những người có HIV của ISDS, nhiều tổ chức tương tự hình thành và tham gia nghiên cứu đã góp phần tạo ra những thay đổi đáng kể. Năm 1995 chúng ta mới chỉ có pháp lệnh phòng chống HIV/AIDS. Năm 2006 được nâng lên thành luật và có những quy định rất cụ thể không được phân biệt, kỳ thị với người HIV như thế nào; quyền được khám chữa bệnh ra làm sao…

Hoặc như những nghiên cứu về tình dục đồng tính nam cũng mang lại những thay đổi đáng kể, trước đây công chúng nghĩ về nhóm người này như những người bệnh hoạn, xấu xa, đáng xa lánh. Nhưng giờ đây, ngay cả Nhà nước cũng có những chính sách để hỗ trợ, bảo vệ họ. Cụ thể là Chỉ thị 54 của Ban Bí thư trung ương (năm 2005).

* Những lĩnh vực mà ISDS đang nghiên cứu rất rộng, nhắm vào các mục tiêu như: Vận động chính sách và tư vấn về các vấn đề phát triển xã hội của Việt Nam; chia sẻ thông tin về các vấn đề xã hội… Vậy, cách nào để ISDS có thể đạt được mục tiêu ấy, thưa bà?

- Chúng tôi đang cố gắng bằng những nghiên cứu của mình để đưa ra số liệu chứng minh được rằng thực tế cuộc sống thay đổi, chúng ta cũng phải thay đổi, nếu không sẽ phải đối diện với các vấn đề A, B, C… Nếu mình cứ nói thay đổi đi mà lại không đưa ra được bằng chứng nào thì cũng chả thuyết phục được ai. Vừa nghiên cứu và tìm cách sử dụng nghiên cứu ấy để thuyết phục mọi người.

Tôi biết rằng quá trình ấy rất lâu, nhiều khi cuộc đời mình không được nhìn thấy sự thay đổi ấy, nhưng vẫn cần phải làm vì chả có ai làm cả. Trong những nỗ lực nhằm góp phần làm thay đổi suy nghĩ của mọi người, ngoài việc đưa ra những bằng chứng thuyết phục, chúng tôi còn tham gia giảng dạy.

Đã ba năm nay, chúng tôi đã phối hợp với Học viện Báo chí Tuyên truyền để giúp giảng viên lồng ghép các nội dung về tình dục và sức khỏe tình dục đã được nghiên cứu vào chương trình giảng dạy. Khi làm chúng tôi cũng nghiên cứu về báo chí rất nhiều và thấy rằng, đôi khi báo chí không phản ánh đúng căn nguyên của các hiện tượng xã hội.

Bên cạnh đó, dù phản ánh một cách khách quan nhất thì cũng khó tránh khỏi lồng quan điểm chủ quan của tác giả vào bài báo. Do vậy, nhà báo phải làm sao có những quan điểm khách quan và khoa học để ngăn chặn được tiêu cực và thúc đẩy phát triển xã hội. Đó là lý do để chúng tôi hợp tác với học viện.

* Theo bà, các nước phát triển khác có gặp những vấn đề xã hội tương tự?

- Các vấn đề tương tự đều có thể xảy ra ở bất kỳ nước nào nhưng ở những cấp độ khác nhau do chính sách xã hội khác nhau và do vậy biểu hiện cũng khác nhau. Ví dụ, ở Mỹ người ta quan tâm nhiều hơn đến quyền của những người đồng tính; tình dục trong tôn giáo; giáo dục tình dục… Ở Việt Nam nghiên cứu về vấn đề người đi, nhưng một số nước ở châu Âu lại nghiên cứu về người đến (nhập cư)…

* Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện rất thú vị này.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Quan niệm mới về người trẻ và tình dục

    12/11/2019Tuấn Anh thực hiệnGS Barte Nhi (Việt kiều tại Pháp) là nhà trị liệu tâm lý học và tình dục hàng đầu của Pháp. PV SVVN đã có dịp trò chuyện cùng GS Barte Nhi khi ông về Hà Nội tổ chức hội thảo Văn hóa và sự cân bằng tinh thần...
  • Tình dục: Truyền thống hay phi truyền thống?

    01/07/2019Hoàng ĐìnhTheo quan niệm truyền thống, quan hệ tình dục và khoái cảm tình dục đến từ tình yêu và hôn nhân được ca ngợi. Gần đây, các nhà nghiên cứu đưa ra một kết luận thuần túy khoa học nhưng có thể gây “sốc”…
  • Sách & Sex

    16/11/2017Phan AnKhi nghe phong phanh rằng người viết bài này sắp đi Hội chợ, ông bạn nằng nặc xin đi theo. Người viết bài này rất ngạc nhiên vì ông bạn vốn không bao giờ quan tâm đến đối tượng của Hội chợ mà nay lại cứ đòi đi. Hóa ra ông bạn nghe nhầm Hội chợ sách thành Hội chơi... sex....
  • Lịch sử - văn hóa và sex trong văn chương

    26/11/2015Nguyễn HòaSự có mặt một cách bất thường của sex trong đời sống văn chương vài năm gần đây đã được lý giải qua những nguyên cớ khác nhau, nhưng tựu trung, những người tán thưởng đều vô tình (cố tình?) lẩn tránh việc còn cần phải xem xét sex từ các quy chiếu văn hóa...
  • Tình yêu và tình dục

    18/04/2014Sưu tầmTình yêu quá nhiều lần bị lép vế trước tình dục. Nó dày công vun xây những tình huống lãng mạn tuyệt vời và rồi đùng một cái tình dục ló mặt ra làm lâu đài tình linh thiêng kia tan ra như bong bóng xà phòng...
  • Tình dục của con người

    04/03/2014Nguyễn KiênNhững đề xướng “cách mạng tình dục”, “Giải phóng tình dục” hay “lành mạnh hoá” đời sống tình dục”…tất cả những điều đó chỉ có thể được coi là đúng và có lợi cho sự phát triển nhân cách con người, khi liên hệ tình dục được quan niệm đầy đủ về ba mặt sinh hoc - tâm- lý - tâm linh. Làm ngược lại, liên hệ tình dục sẽ bị phá hỏng và tệ hại hơn, sẽ làm hỏng cả nhân cách con người.
  • Khuynh hướng tính dục trong sáng tác văn học gần đây

    14/07/2013Nguyễn Đình Tú...tôi nhận thấy văn trẻ vài năm trở lại đây nổi bật lên ba khuynh hướng sau: Thứ nhất, Lạ hóa, được hiểu là trong tác phẩm có các yếu tố kỳ ảo, hoang đường, lạ, phi lý, dị biệt…; Thứ hai, Tính dục, là các yếu tố sex được sử dụng khá đậm nét trong tác phẩm; Thứ ba, Bình dân hóa, thuộc về khuynh hướng này, xin được hiểu là những tác phẩm đề cao giá trị giải trí”...
  • Đừng lảng tránh khi nói về… “chuyện ấy”

    01/08/2009Khánh PhươngVấn đề tình dục từ lâu vẫn bị coi là “việc nội bộ” và được thay thế bằng từ rất ý tứ - “chuyện ấy”. Nhưng, ngay cả những vấn đề về “chuyện ấy” cũng thường bị lảng tránh hoặc không nói tới là cơ hội để bi kịch gia đình phát sinh. Muôn vàn những vấn đề lại xuất phát từ những sinh hoạt tưởng như rất nhỏ- chuyện ấy. Đã đến lúc, chúng ta cần thay đổi…
  • Thế Giới Tính Dục

    28/06/2009Tính dục, cũng như tất cả mọi thứ trên đời, một cách trọng đại nó là một bí nhiệm. Điều mà Henry Miller đề cập đầy cảm hứng và suy tưởng trong cuốn sách này là sự nhìn thấy sự hiện diện, khám phá sức bay bổng kỳ diệu và vai trò của tính dục trong đời sống ngày càng nhiều âu lo, thống khổ. Làm thế nào đạt tới sự hợp nhất, tự do nội tại? Có nhất thiết phải căng thẳng với những thiên kiến luân lý tôn giáo đạo mạo? Có quả thật là trong đời sống con người, giữa thánh và kẻ phạm tội có rất ít sự chọn lựa?
  • Tình dục đẹp... phong phú hơn những gì ta thường nghĩ

    20/06/2009BS. Đào Xuân DũngTình dục bao giờ cũng tồn tại ở bản thân nó 2 mặt đối lập, vừa say đắm, lãng mạn nhưng cũng vừa mang dấu vết động vật một cách đáng ngờ.
  • Sex với những xúc cảm thiêng liêng

    06/06/2009Văn GiáNhững ngày vừa qua, và hiện giờ vẫn chưa hẳn đã chấm dứt, báo giới rộ lên câu chuyện về vấn đề sex trong văn chương. Mỗi người luận giải một cách. Người khắt khe theo lập trường đạo đức truyền thống thì phê phán. Người cởi mở theo tinh thần tân tiến thì tung hô. Lại có người theo phái trung dung, không ra giọng cấm đoán hay ủng hộ, chỉ kêu gọi không lạm dụng sex, không phản lại đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc... Đây là một vấn đề không dễ bàn. Là kẻ vào cuộc muộn, tôi xin góp thêm một vài suy nghĩ riêng.
  • Văn chương tính dục - adua hay tất yếu

    18/03/2009Vũ HuyềnSự xuất hiện bất thường của sex trong văn học gần đây đã làm tốn không ít giấymực của báo chí và gây khá nhiều tranh cãi trong công chúng, khiến người không muốn quan tâm cũng phải quan tâm.
  • Tản mạn về văn hóa tình dục

    04/03/2009Thúy ÁiKhi con người ngày càng văn minh, cuộc sống được nâng cao về mọi phương diện thì mọi sinh hoạt của chúng ta cũng được nâng cao lên tầm văn hóa... Ngày nay, người ta nhắc nhiều đến văn hóa ứng xử, văn hóa nơi công cộng, văn hóa từ chức và cả văn hóa tình dục, một sinh hoạt quan trọng của con người...
  • Khi sinh viên “vùi mình” vào game, vào sex…

    29/08/2008Theo B.H (PhuNuNet)Càng ngày càng có nhiều bạn trẻ trong đó không ít là sinh viên bị ám ảnh bởi quan niệm “trẻ không chơi, già hối hận” và lao vào những cuộc chơi bạt mạng thâu đêm suốt sáng. Không phải họ đang tận dụng tuổi trẻ, họ đang liều lĩnh, phí phạm tuổi xuân thì đúng hơn...
  • Cách mạng tình dục thầm lặng ở Việt Nam

    03/03/2008“Một cô gái sống với bạn trai nhưng giấu gia đình, những thiếu nữ viết blog về tình yêu và các đôi trai gái tìm những góc kín đáo trong công viên khi đêm xuống”, hãng tin Reuters mô tả.
  • xem toàn bộ