Về một nền kinh tế - văn hóa “chia sẻ”

12:31 CH @ Chủ Nhật - 14 Tháng Mười, 2018

Khi người dân chưa được chia sẻ thông tin

Bản công bố kết quả cuộc khảo sát về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI 1)Public Administration Performance Index) cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2016) có những điểm nổi bật như sau: Mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ hành chính công của Chính phủ cũng như sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đã tăng lên đáng kể; đánh giá của người dân về các dịch vụ y tế công lập năm 2016 tích cực hơn so với những năm trước đây, điều này phần lớn là do tác động của các chính sách mới về y tế được quy định trong Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi) có hiệu lực từ tháng 01 năm 2016. Nhưng qua khảo sát người dân về quá trình tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2011 cho thấy, sự tham gia trực tiếp của người dân ở các cấp cơ sở còn hạn chế. Đến nay, nghĩa là sau nhiều năm thực hiện PAPI, người dân vẫn chưa hài lòng về công tác thu hồi đất và bồi thường thu hồi đất, việc tiếp cận quyền sử dụng đất của người dân còn nhiều bất cập. Trong năm 2016, vấn đề người dân tỏ ra quan ngại nhất là vấn đề đói nghèo, tiếp đó là các vấn đề về môi trường, tham nhũng, việc làm, tranh chấp ở biển Đông… Đánh giá của người dân về hiện trạng tham nhũng và nhận hối lộ thông qua trải nghiệm thực tế các dịch vụ công cho thấy, bức xúc của người dân chủ yếu tập trung ở hai lĩnh vực: xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và đi khám chữa bệnh ở bệnh viện công tuyến quận huyện. Chỉ số về việc kiểm soát tham nhũng trong khu vực công năm 2016 tiếp tục đà sụt giảm của năm 2015, người dân đều cho rằng cần phải có “lót tay”, “bôi trơn” để có thể xin được việc làm tại khu vực công, để học sinh trường tiểu học công lập được thầy cô quan tâm hơn.

Khảo sát PAPI cho thấy tới 80% người dân không biết về quy hoạch đất đai ở xã phường nơi họ sinh sống. Chuyên gia của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), ông Jairo Acuna Alfaro cho biết, đất đai luôn là vấn đề được người dân quan tâm nhiều nhất. Tới 90% người được hỏi hài lòng về các thủ tục hành chính đơn giản như khai tử, kết hôn, hộ khẩu… Nhưng một thủ tục mà phần lớn người dân không hài lòng là những thủ tục liên quan đến đất đai: Người dân phàn nàn rất nhiều về sự không công bằng, không công khai minh bạch hay về thái độ phục vụ của công chức liên quan đến thủ tục đất đai. Ngoài ra, một tỷ lệ phần trăm khá lớn người dân nói rằng họ phải đưa phong bì khi làm thủ tục giấy tờ liên quan đến đất đai.

Chúng ta biết rằng thông tin chính là nguồn cơn của những khoản lợi nhuận bất chính. Vì dụ như có quy hoạch, có chính sách mới về một khu vực nào đó mà dân không biết, rồi những ai nhờ có địa vị để “biết” mà không chia sẻ, đều có thể có tư lợi do đầu tư vào đấy!

Những cơ hội kinh doanh chưa bình đẳng

Chúng ta đã phê phán rất nhiều về tình trạng bất bình đẳng giữa những thành phần kinh tế mà trong đó thành phần kinh tế quốc doanh hưởng khá nhiều những ưu đãi, từ xin cấp đất, vay vốn ngân hàng đến các thứ thủ tục khác… Người ta cũng đã chứng minh hiệu quả thấp của khu vực Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN); quá tính toán về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư theo chỉ số ICOR, DNNN cần từ 8 đến 9 USD mới sinh ra được 1 USD tăng trưởng; trong khi ở khối tư nhân chỉ từ 2,5 USD đến 4 USD là đã sinh ra được 1 USD tăng trưởng. Thậm chí nhiều DNNN mất cả vốn như các công ty thuộc Tập đoàn Hóa chất Vinachem, Tập đoàn Hàng hải Vinashin, hay hàng loạt công ty thuộc Tập đoàn dầu khí PetroVietnam… với số tiền lỗ và thất thoát lên đến hàng chục ngàn tỷ. Còn nếu như có doanh nghiệp tư nhân nào được tạo cơ hội thì phần nhiều chỉ là sân sau hay “cánh hẩu” của một DNNN hoặc một nhân vật nào đó thuộc các tổ chức lớn hơn như các Bộ, Cục… Thế nên các dự án BOT đều “chỉ định thầu” mà không đấu thầu, gây rất nhiều bức xúc trong dư luận. Các cơ hội kinh doanh vì thế mở ra cho Doanh nghiệp tư nhân hầu như hẹp đến mức… không chen vào được! Gần đây, Thủ tướng và Quốc hội kêu gọi “cởi trói” cho thành phần kinh tế tư nhân bằng cách loại bỏ các quy trình, các loại giấy phép chằng chịt lên con số hàng nghìn! Nhưng vấn đề là những người thực thi có thật lòng muốn không? Hay còn tiếc vì đó là mảnh đất màu mỡ của cơ chế Xin – Cho. Chúng ta biết rằng muốn nhập một mặt hàng thuốc Tây, chẳng hạn, phải qua rất nhiều khâu cấp phép và nhiều tầng bậc, và doanh nghiệp tự hiểu phải biết “lễ độ”. Vậy là có những sản phẩm không đủ chất lượng vẫn lọt được! Con lạc đà vẫn đủng đỉnh qua lỗ kim hàng ngày trước mắt chúng ta mà không ai chặn! Người dân muốn làm ăn chân chính và đi trên “đại lộ” thông thoáng trong một cơ chế minh bạch. Nếu như người nắm giữ quyền lực không biết chia sẻ nỗi khó khăn của Doanh nghiệp, làm sao có thể đạt được sự đồng thuận vì sự nghiệp chung là sự phồn vinh của đất nước?

Phác họa chân dung một nền kinh tế chia sẻ

Chúng ta cứ công bố GDP hàng năm tăng trưởng 6 – 7% hay những con số nghe rất “hoành tráng” như xuất khẩu hàng tỷ USD thủy sản hay hàng triệu tấn dầu thô, nhưng nếu người dân chỉ thấy vật giá leo thang, nhất là giá cả giá xăng tăng thì thử hỏi “họ hưởng được gì trong cái bánh tăng trưởng ấy!”. Có nhà kinh tế vội mừng khi Uber vào Việt Nam, đem theo một mô hình quản lý tiên tiến, một lối khai thác thị trường nhanh, gọn, tiện lợi và nhất là rẻ… cho người đi xe taxi. Ai cũng vui mừng và thế là chỉ trong thời gian ngắn đã có hàng chục ngàn xe Uber xuất hiện, từ anh tài xế taxi bỏ công ty mua xe tự lái, cho đến anh công chức có xe riêng, trên đường về “chia sẻ” với người đi cùng đường với mình, kiếm thêm thu nhập, hay một ông chủ nào đó bỏ tiền mua vài chiếc xe thuê người lái. Kết quả là các hãng taxi truyền thống mất hàng nghìn nhân viên như Mai Linh mất 6.000 tài xế, VinaSun mất gần 8.000 người… Nhưng nền kinh tế, ngoài việc người dân được đi xe giá rẻ (ngoài giờ cao điểm), có thật sự được lợi chăng? Ở một góc nào đó, có thể hiểu đó là một dạng kinh tế “chia sẻ” ở cấp thấp, nhưng nếu đi vay ngân hàng, lăn lưng làm trả lãi hàng tháng, thì người tài xế cũng khó hưởng niềm vui trọn vẹn! Không như Grab, một hãng công nghệ khác tương tự Uber, đề xuất loại hình Grab Bike , đem lợi ích cũng có nhưng trả giá bằng cả mồ hôi và máu của tài xế trong các cuộc xung đột dai dẳng với xe ôm “truyền thống”! Chưa kể việc họ làm chỉ đóng góp cho sự tăng trưởng của các công ty chuyên quản lý bằng phần mềm từ nước ngoài vào. Thế nên, “chia sẻ” không đồng nghĩa với “Uber hóa” mọi dịch vụ. Tương tự, ứng dụng phần mềm mua hàng trên mạng “Lazada” (một mô hình thu nhỏ của Amazon) đem lại tiện lợi cho người mua nhưng vô tình làm người ta lười biếng đến các trung tâm mua sắm hay điện máy. Và ở nước ngoài người ta đã cảnh báo sự “tàn sát” của Amazon đối với hàng chục nghìn siêu thị, cửa hàng tạp phẩm… trong một tương lai không xa! Hơn nữa mô hình này cũng chỉ “chia sẻ”, tạo việc làm cho một số người, trong khi số đông đang bán hàng tại các cửa hàng siêu thị… có nguy cơ thất nghiệp!


Grab một mô hình kinh doanh dựa trên chia sẻ tài nguyên đi lại, giao thông

.

Trước đây đã có thời chúng ta chủ trương Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương nghiệp, mô hình sơ khai của”Kinh tế chia sẻ” nhưng vì cách làm lạc hậu, thủ tiêu tinh thần cạnh tranh nên thất bại. Nếu gây dựng lại trong tinh thần kinh tế thị trường đúng nghĩa, chấp nhận cạnh tranh và có tổ chức giám sát thì có kết quả tốt hơn. Mô hình Làng Nghề, Hiệp Hội cho từng loại mặt hàng có thể được nghiên cứu tổ chức lại một cách hiệu quả, sao cho mọi người dân đều có tiếng nói trển tinh thần cởi mở, dân chủ và minh bạch trong mọi quyết định. Một ví dụ cho thấy chúng ta không thể phát triển du lịch mạnh mẽ vì thiếu sự liên kết giữa những đối tác cùng tham gia như các hãng hàng không, các khách sạn, resorts, các đơn vị vận chuyển… Hãy nhìn sang Thái Lan, họ bán tour rất rẻ. Vì sao? Vì họ đoàn kết, chia sẻ lợi nhuận bằng cách tương nhượng giảm giá thu hút du khách và phát triển kinh doanh các sản phẩm khác để tăng doanh thu.

Nền tảng văn hóa cho kinh tế chia sẻ

Nền tảng cao nhất là đem lại hạnh phúc cho người dân. “Nếu nước độc lập mà dân không có tự do hạnh phúc, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh mục tiêu tối hậu của cách mạng vào ngày 7-10-1945 như vậy. Đến nay, chúng ta vẫn tự hào đang thực hiện kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng thật ra cụm từ ấy vẫn chưa định hình trong thực tế vì những đặc quyền mà DNNN còn đang hướng như đề cập ở trên là rất nhiều. Trong lúc cần những bước chuyển đổi mạnh mẽ để thay đổi diện mạo đất nước thì Việt Nam vẫn nằm trong những nước “đang phát triển” ở mức thấp do GDP chỉ hơn 2.000 USD/ đầu người! Trước đây có lúc chúng ta khước bỏ kinh tế tư bản để rồi bây giờ lại phải quyết liệt đòi hỏi để được công nhận là nước đã có nền kinh tế thị trường! Và vì ưu tiên các thành phần kinh tế không hợp lý nên chúng ta vô tình hay cố ý tạo điều kiện cho “quốc nạn” tham nhũng có đất sống và sinh sôi! Hệ quả sau cùng là sự suy thoái của đạo lý xã hội. Nên ý niệm “chia sẻ” không có, các doanh nghiệp cạnh tranh vô tổ chức, thiếu chỉ đạo, phát sinh tình trạng làm gian làm giả! Và đã có những nhà kinh tế mô tả chúng ta đang ở vào tình trạng kinh tế tư bản thân hữu hay chỉ là giai đoạn đầu của Chủ nghĩa Tư bản phiên bản 1.0. Trong khi các nhà lý luận của chúng ta vẫn băn khoăn rằng liệu đến cuối thế kỷ XXI này Chủ nghĩa Xã hội có xây dựng xong được không? Xin thưa, chúng ta đã thấy thấp thoáng, nhưng không phải ở Trung Quốc hay Việt nam mà rất xa, đâu đó ở những nước Bắc Âu nơi xu thế xã hội chủ nghĩa đang manh nha trong việc phân bố phúc lợi xã hội, như Thụy Sĩ đã đề nghị cấp tiến hàng tháng cho dân xài (khoảng 2.700 EURO, nhưng bị chính người dân từ chối!).

Phần lớn nhân loại đang ở trong thời kỳ Chủ nghĩa Tư bản 2.0. Gần đây trong tác phẩm “Chủ nghĩa tư bản phiên bản 3.0” , Peter Barnes nhận xét rằng khác biệt chủ yếu giữa phiên bản 2.0 và phiên bản 3.0 là trong phiên bản 3.0 có thêm khu vực công sản.


Chủ nghĩa tư bản 3.0, Peter Barnes, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Đình Huy, Nhà xuất bản Trẻ (2007)

.

Barnes cho thấy chủ nghĩa tư bản – tựa như một máy tính – hoạt động nhờ một hệ điều hành. Hệ điều hành hiện nay trao quá nhiều quyền hành cho những Công ty chỉ lo tối đa hóa lợi nhuận xâu xé công sản và phân phát hầu hết lợi nhuận cho một thiểu số rất nhỏ. Còn Chính phủ - trên lý thuyết có nhiệm vụ bảo vệ công sản – lại thường xuyên trở thành công cụ của chính các Công ty đó. Barnes đề nghị một hệ điều hành đã được chỉnh sửa – Chủ nghĩa tư bản Phiên bản 3.0 – để bảo vệ công sản. Phát kiến lớn nhất của ông chính là quỹ tín thác công sản, một thực thể pháp nhân theo cơ chế thị trường có thẩm quyền hạn chế việc sử dụng các công sản khan hiếm thu tiền thuê và trả cổ tức – dưới hình thức tiền mặt và lợi ích sử dụng – cho tất cả mọi người. Trong quan điểm của Barnes, một loạt quỹ tín thác công sản sẽ thể chế hóa các nghĩa vụ của chúng ta đối với các thế hệ tương lai, người dân và thiên nhiên. Một khi được hình thành, các quỹ tín thác đó sẽ sử dụng thị trường và quyền sở hữu để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người.

Thay vì chỉ có một động cơ – tức là khu vực tư nhân do các Công ty thống trị - hệ điều hành kinh tế đã nâng cấp của chúng ta sẽ hoạt động bằng hai động cơ; một động cơ để tối đa hóa lợi nhuận, động cơ kia để bảo tồn và phát huy công hữu.


Peter Barnes, tác giả cuốn sách "Chủ nghĩa tư bản 3.0"

.

Hai động cơ cùng hoạt động này – gọi là khu vực Công ty và khu vực Công sản – sẽ tiếp sức và kiềm chế nhau. Một cái lo cho mặt “tôi” của chúng ta, còn cái kia phụ trách mặt “chúng ta”. Khi đó quyền lợi của “tôi” và quyền lợi của “chúng ta” sẽ cân bằng với nhau; và để đặt được sự cân bằng này các Chính phủ phải nỗ lực rất nhiều.

Tác giả đề xuất một số quyền sở hữu mới, và những thể chế mới để bằng cách nào đó có thể mở rộng khu vực công sản. Một số đề xuất cụ thể là:

  • Một loại những quỹ tín thác hệ sinh thái để bảo vệ không kkkhí, nước, rừng và môi sinh
  • Một quỹ đầu tư tập thể để thanh toán cổ tức cho mọi người công dân Mỹ - mỗi người một cổ phần
  • Một quỹ tín thác để cấp vốn khởi nghiệp cho mọi trẻ em
  • Một quỹ chia sẻ rủi ro về y tế cho một người
  • Một quỹ quốc gia dựa trên phí bản quyền để hỗ trợ nghệ thuật địa phương

Barnes cho rằng công sản – những tạo phẩm của thiên nhiên và xã hội mà chúng ta cùng thừa kế và có bổn phận giữ gìn cho con cháu – đang bị phong tỏa. Chủ nghĩa tư bản phiên bản 2.0 đã toàn cầu hóa với sự thao túng của các Công ty đang nhanh tay phung phí di sản chung này. Nay Peter Barnes đưa ra một giải pháp: bảo vệ công sản bằng cách trao cho công sản những quyền sở hữu và những thể chế quản lý hữu hiệu.

Chính phủ - thay mặt cho nhân dân – sẽ nhanh chóng củng cố công sản, giao quyền sở hữu mới cho các quỹ tín thác công sản, xây dựng cơ sở hạ tầng công sản và tạo nên một giai cấp mới gồm các đồng sở hữu chủ đúng nghĩa. Tác giả cũng biết rằng thành công không đến ngay ngày mai mà là một con đường dài, rất dài phía trước. Nhưng phải thắp lên một ngọn đèn, để mọi người thấy được loại hệ thống chúng ta sẽ xây dựng, khi có cơ hội và việc xây dựng hệ thống như vậy là một quá trình kéo dài hàng thập kỷ.

Chúng ta sẽ có người nghĩ Barnes viển vông chẳng? Thật ra Barnes cũng chỉ nghĩ đến một mô hình kinh tế bình quân, cân đối và chia sẻ giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên. Vậy chẳng phải trước đây hàng nghìn năm, Đức Phật khi dạy về lục hòa đã từng đề cập đến sự “chia sẻ” đấy sao? Hãy thử đọc lại sáu điều Đức Phật dạy:

  1. Hãy chung sống với nhau một cách hòa hợp, hãy chung lưng đấu cật, đùm bọc nhau, chứ không nên dùng vũ lực để đàn áp nhau (Thân hòa đồng trú)
  2. Hãy nói năng với nhau một cách dịu dàng, hòa nhã; nếu có điều gì thắc mắc cần bàn cãi, thì cũng phải bàn cãi trong ôn hòa, lễ độ (Khẩu hòa vô tranh)
  3. Hãy nuôi dưỡng ý tốt đẹp đối với nhau, hãy trau dồi đức hỷ xả; đừng bao giờ thù hiềm, ganh tỵ nhau (Ý hòa đồng duyệt)
  4. Hãy giữa đúng giới luật như nhau, hãy lấy kỷ luật làm đều. Vô kỷ luật thì không một đoàn thể nào có thể tồn tại được (Giới hòa đồng tu)
  5. Hãy giãi bày những sự hiểu biết, những ý kiến của mình cho người chung quanh. Người thông hiểu nhiều, phải có bổn phận chỉ bày cho người hậu tiến và dắt họ đi kịp mình (Kiến hòa đồng giải)
  6. Hãy chia đồng đều tài lợi thu thập được cho những người cùng sống chung với mình, để mọi người đều được thỏa mãn, vui vầy. Lợi hòa cùng chia cân nhau (Lợi hòa đồng quân)

Lịch sử xung đột xã hội, phân chia giai cấp, cũng do vì thiếu tinh thần “Lợi hòa đồng quân”. Hiện nay hố phân cách giàu nghèo tại Việt Nam đang ngày một sâu. Nếu không “chia sẻ”, bất công xã hội dễ tăng lên, gây manh động trong những người thu nhập thấp!

Sâu xa hơn, Phật dạy giàu sang phú quý trong nhân gian như hạt sương đọng trên cành hoa, nay trên vai người này mai trên áo người khác. “Có tài lợi, nên tùy phận chia sớt cho nhau”. Đó là nền tảng văn hóa của kinh tế chia sẻ hay Chủ nghĩa Lục hòa 1.0.

Ghi chú:

1) PAPIđược thực hiện do sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP). PAPI được xây dựng từ kết quả của cuộc khảo sát trên phạm vi cả nước, người dân tham gia trả lời phỏng vấn, đề cập 6 nội dung: sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng, thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Mỗi người, mỗi ngày tạo ra 5 USD để tăng trưởng kinh tế

    07/06/2018Nguyễn Tất ThịnhHàng ngày những người trong tuổi lao động đang hoạt động trong tâm thế bất mãn, u sầu, xung đột, đối phó, vị kỉ…Thiếu tình yêu với lao động và khả năng hành động cùng nhau vượt khó. Chúng ta không thể nói hay, không thể đấm ngực nếu lao động của chúng ta không thể quy ra được bằng tiền...
  • Tổ chức kinh tế trong thời đại mới

    16/05/2018Nguyễn Tất ThịnhTrong thời đại chúng ta đang chứng kiến ( công nghệ 4.0 cuốn theo sự thay đổi lan toả sâu rộng, triệt để mọi điều ...) và sẽ tiếp được chứng kiến, nổi bật 5 tính chất...
  • Phải thoát cả về nhận thức lẫn kinh tế

    04/05/2016Bích Ngọc (thực hiện)Nếu mạnh mẽ, độc lập thì không dễ gì bị ai gây sức ép. Phải tìm lối thoát cả về nhận thức lẫn kinh tế là việc đương nhiên...
  • Bóc Lột ngoài kinh tế

    30/04/2016Nguyễn Trần BạtSuy đến cùng, bóc lột ở thời nào cũng đều kéo dài kiếp sống lầm lũi, kém phát triển của cả tầng lớp dân chúng nghèo khổ trong xã hội. Đích cuối cùng của chúng ta không phải là chống lại bóc lột, mà là chống lại chính sự bần cùng hóa con người. Nói cách khác, chúng ta phải giải phóng con người ra khỏi đời sống kém phát triển và tạo không gian tự do sáng tạo để họ có thể phát huy hết năng lực của mình...
  • Kinh tế tư nhân và các giá trị chân chính của nó

    23/03/2016Nguyễn Trần BạtThực ra kinh tế nhà nước hay kinh tế tư nhân không bao giờ là mục đích của nhân loại, nó chỉ là phương tiện để con người phát triển kinh tế, phát triển xã hội. Trong quá trình phát triển của mình, kinh tế tư nhân ngày nay đã trở thành một phương tiện cực kỳ hiệu quả để phát triển kinh tế, xã hội...
  • Amartya Sen: Lương tâm của kinh tế

    05/03/2016GS. Trần Hữu DũngĐa số người ngoài ngành (và cả nhiều người trong ngành) thường nghĩ đến kinh tế như một khoa học giúp hoạch định những chính sách để quản lý, để phát triển, để tăng trưởng, để bình ổn. Những người có thiên kiến này sẽ ngạc nhiên khi đọc Amartya Sen, nhà kinh tế gốc Ấn Độ, người được trao tặng giải Nobel Kinh tế năm 1998. Ông là người châu Á đầu tiên được Nobel về ngành này...
  • Nhân cách, nhân phẩm, kinh tế, kinh doanh

    28/02/2016Tôn Thất Nguyễn ThiêmCách vận hành kinh tế và kinh doanh ở ta có vẻ tụt hậu khá nhiều so với các trào lưu tiên tiến hiện đại trên thế giới lẫn so với chí nguyện ngàn xưa của tổ tiên. Lý do cơ bản là tố chất nhân luân ngày càng mờ nhạt, chỉ còn lại những toan tính lạnh lùng, vô cảm, vừa ngắn hạn vừa cục bộ…
  • Những ẩn dụ của chủ nghĩa tư bản

    04/04/2015Đỗ Minh TuấnMỗi dân tộc, mỗi cá nhân đều mắc bẫy trong những ẩn dụ riêng, vướng mắc vào những mạng lưới ý nghĩa mà những cộng đồng, những cá thể tự giăng mắc cho mình, ở đó, nó vừa cảm thấy cuộc đời trở nên có ý nghĩa và đầy sinh khí, lại vừa thấy chật chội và tù túng muốn cải cách, đổi thay...
  • Đã đến lúc châu Á viết lại chủ nghĩa tư bản

    23/03/2014Chandran Nair (Quốc Thái dịch theo FT)Thành công của chủ nghĩa tư bản dựa trên sự tàn phá trong thế kỷ XX đã gây ra cuộc khủng hoảng của thế kỷ XXI: thảm họa biến đổi khí hậu, hủy hoại môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Châu Á đang ở trung tâm cuộc khủng hoảng này.
  • Cuộc khủng hoảng tư tưởng của chủ nghĩa tư bản phương Tây

    16/07/2011Joseph E. StiglitzTôi là một trong số những người từng hi vọng rằng cuộc khủng hoảng tài chính sẽ dạy cho người Mĩ (và cả một số người khác nữa) bài học về sự kiện là cần phải có nhiều công bằng hơn, nhà nước phải can thiệp nhiều hơn, và phải có sự cân bằng hơn giữa nhà nước và thị trường.
  • Chủ nghĩa tư bản thân hữu

    20/10/2010TS. Nguyễn Sĩ DũngNhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), TS Nguyễn Sĩ Dũng có bài bàn về chủ nghĩa tư bản thân hữu, một thứ quan hệ có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia...
  • 7 đại xu hướng 2010 - Sự Vươn Lên Của Chủ Nghĩa Tư Bản Có Ý Thức

    05/01/2010Bảy xu hướng lớn làm thay đổi công việc, đầu tư và cuộc sống của bạn. Chúng ta đang đón nhận một sự thay đổi trong kinh doanh – nhìn nhận một cách sâu xa thì đó là thành tựu của công nghệ thông tin và chính trị toàn cầu...
  • Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản

    29/09/2008Minh Bùi tổng hợpQuyển "Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản" của Max Weber, đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng, và cho đến nay có lẽ là quyển được đọc và thảo luận nhiều nhất trong ngành xã hội học. Tác phẩm này trở thành một tài liệu giáo khoa không thể thiếu trong các phân khoa học xã hội ở các đại học trên thế giới. Trong công trình này, Weber đi tìm nguồn gốc của sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản cận đại Âu châu nơi ethos và nền đạo đức khổ hạnh duy lý Tin Lành...
  • Chủ nghĩa tư bản phiên bản 3.0

    11/03/2008Nguyễn Đình Huy dịchTrong Chủ nghĩa tư bản Phiên bản 3.0, Peter Barnes biện hộ cho cộng sản một cách thẳng thắn và dứt khoát. Đây là một cuốn sách cần thiết về một chủ đề hệ trọng... (Bill McKibben)
  • xem toàn bộ