Vẫn theo kiểu của nền kinh tế quản lý tập trung

06:42 CH @ Thứ Năm - 28 Tháng Mười, 2010
Nếu coi thực tiễn là thước đo của chân lý, thì vụ Vinashin chính là một căn cứ không thể bác bỏ, để không chỉ đoạn tuyệt với vai trò chủ đạo, chi phối của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bằng ý chí quyền lực nhà nước, mà quan trọng hơn, trả nó về đúng chức năng kinh doanh độc lập của nó.

Vai trò chủ đạo của DNNN không phải xa lạ, đã được khẳng định trong lý thuyết của nền kinh tế quản lý tập trung, từng thực hiện tại Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu cho đến lúc sụp đổ bởi nguyên nhân kinh tế của chính nó, còn ở ta buộc phải đổi mới bằng cách phát triển kinh tế nhiều thành phần, nhưng tới nay vẫn giữ quan điểm kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo.

Quan điểm này bất chấp thực tế: Vinashin được dựng lên như một mô hình kỳ vọng làm “quả đấm thép” cạnh tranh thế giới bị đổ vỡ, và khối DNNN ngốn tới 50% tổng đầu tư xã hội, nhưng hiệu quả kinh tế thấp nhất, chỉ làm ra 31,5% tổng doanh thu doanh nghiệp toàn quốc (năm 2008), thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ chiếm 7% tổng thu ngân sách nhà nước, và tạo ra chỉ 4,4% việc làm toàn xã hội.

Doanh nghiệp nhà nước Việt Nam: không giống ai

Không phải chỉ ta mới có DNNN mà ở mọi nước trên thế giới đều có. Nhưng khác hẳn với doanh nghiệp họ hoàn toàn độc lập, bình đẳng với bất kỳ doanh nghiệp thuộc thành phần nào, DNNN ta vốn là con đẻ của nền kinh tế quản lý tập trung, được lập ra để hoàn thành kế hoạch phân bổ từ trên xuống như pháp lệnh và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận của chính nó. Do nguyên tắc thống nhất lãnh đạo chính trị và kinh tế, nên đại hội Đảng bộ Vinashin nhiệm kỳ 2005 – 2010 đã ra nghị quyết “xác định từ nay đến năm 2015 huy động được nguồn vốn khoảng 40.000 tỉ đồng đầu tư. Phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển, khai thác và chế biến dầu khí, hải sản, dịch vụ biển”. “Đảng uỷ Vinashin phối hợp hội đồng quản trị chỉ đạo tổng giám đốc và ban điều hành tổng công ty”. “Chủ tịch tập đoàn bổ nhiệm các tổng giám đốc các công ty con sau khi có ý kiến của Đảng uỷ” (Tạp chí Xây dựng Đảng online – 15.2.2007). Vậy là DNNN gánh cả chức năng chính trị và chịu sự chi phối của chính trị.

Về mặt nhà nước cũng vậy, Vinashin không độc lập mà đặt dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, từ bổ nhiệm nhân sự đến phê duyệt kế hoạch, vốn là điều không được phép ở các nước kinh tế thị trường đầy đủ, bởi chức năng của Thủ tướng là hành pháp, chứ không phải cấp trên của doanh nghiệp. Quyền lực nhà nước được định nghĩa là quyền lực công, sử dụng vào kinh doanh đồng nghĩa áp đảo doanh nghiệp thành phần khác, vi phạm nguyên lý cạnh tranh bình đẳng của nền kinh tế thị trường.
Ta vẫn muốn dùng quyền lực nhà nước để làm kinh tế – vốn là bản chấtcủa nền kinh tế quản lý tập trung, chứ không chịu để cho quy luật thịtrường điều chỉnh – là bản chất của nền kinh tế thị trường.

Về cơ cấu nội tại, khác với các nước, DNNN ta coi chủ nhân là cán bộ công nhân viên chức, họ không phải người làm thuê, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, và sự phối hợp của các đoàn thể. Ban giám đốc không làm theo hợp đồng mà được bộ nhiệm, hưởng lương theo chức danh chính quyền. Nghĩa là, DNNN cơ cấu và hoạt động như một đơn vị hành chính, một cấp nhà nước với đầy đủ các mối quan hệ nội tại, giữa dân (công nhân viên chức), chính quyền (cán bộ lãnh đạo), và Đảng (Đảng uỷ). Trong khi đó, DNNN trong nền kinh tế thị trường đầy đủ sinh ra chỉ để kinh doanh, nhà nước phải đảm bảo tính độc lập kinh doanh cho nó, chỉ mỗi công đoàn đại diện người làm thuê được phép hoạt động.

Do Vinashin cấu trúc như một cấp nhà nước, khi đổ vỡ muốn tìm nguyên nhân thì không thể từ Vinashin, mà phải từ thể chế nhà nước quyết định nó. Bởi ban giám đốc rốt cuộc cũng chỉ là người thừa hành. Họ phải xin ý kiến Đảng uỷ, Thủ tướng. Đến lượt Đảng uỷ và Thủ tướng cũng phụ thuộc các cấp Đảng và nhà nước liên quan. Không thể tìm ra một ai chịu trách nhiệm hoàn toàn với sự sụp đổ của nó như ở các nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ, bởi đơn giản họ không được toàn quyền, ngay cả khi bỏ chiếc áo vai trò chủ đạo của nó.

Nguyên nhân từ thể chế

Tuy vậy, không ít nhà khoa học, nhà lập pháp, hành pháp ở ta vẫn không thấy được nguyên nhân từ thể chế, để xoá bỏ hẳn cơ chế quản lý kinh tế tập trung đối với DNNN vốn là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ Vinashin và sự bất lực của các DNNN, mà vẫn cố tìm nguyên nhân cá nhân, để bảo vệ mô hình đó. Đến chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền cũng cho rằng, nguyên nhân sụp đổ Vinashin là do “không có cơ quan nhà nước nào làm đầu mối, chịu trách nhiệm chính, mà bị phân khúc, chia cắt... Phải chỉ ra một cơ quan có chức năng chịu trách nhiệm chính... mới có chỗ để quy kết trách nhiệm”. Nghĩa là vẫn muốn dùng quyền lực nhà nước để làm kinh tế – vốn là bản chất của nền kinh tế quản lý tập trung, chứ không chịu để cho quy luật thị trường điều chỉnh – là bản chất của nền kinh tế thị trường.

Việc thay đổi tư duy trên quả khó, bởi người ta không chịu chấp nhận tính độc lập kinh doanh của DNNN cùng thực tế đó trên thế giới, cứ nghĩ cái gì của nhà nước, thì nhà nước phải và được quyền chỉ huy, bảo lãnh. Ở các nước, doanh nghiệp của nhà nước, hay của bất cứ ai, đều được coi là nơi kinh doanh sinh lợi nhuận trả cho người góp vốn và là nơi lao động tạo ra giá trị, trả lương cho nhân công, được hiến định. Mọi doanh nghiệp bất kể của ai, vì vậy hoàn toàn độc lập tự do như công dân, không có cấp trên, bình đẳng cùng chung sự điều chỉnh của văn bản luật áp dụng cho loại hình của nó, không phân biệt chủ sở hữu. Loại hình cơ bản mà nhà nước tham gia là doanh nghiệp cổ phần hoặc trách nhiệm hữu hạn. Doanh nghiệp cổ phần độc lập với cả chủ góp vốn, do giám đốc toàn quyền điều hành và làm đại diện, chịu trách nhiệm chế tài trước pháp luật đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp, làm việc và trả lương theo hợp đồng ký kết có thời hạn với chủ góp vốn. Chủ tịch hội đồng quản trị là người đại diện cho chủ sở hữu có chức năng bảo đảm lợi ích của chủ góp vốn, thuê và giám sát ban giám đốc thực hiện các điều khoản trong hợp đồng đã ký kết, chứ không phải cấp trên. Tuy tổng giám đốc độc lập thật, không có cấp trên, nhưng không phải là vua, mà phải chịu sự điều chỉnh của mọi văn bản lập pháp có liên quan, được giám sát bởi các cơ quan thi hành luật pháp. Họ phải phát hiện được sai phạm của doanh nghiệp, nếu không chính họ phải chịu trách nhiệm về hậu quả doanh nghiệp gây ra, nhất là với thuế vụ, kiểm toán, quản lý thị trường, bảo vệ người tiêu dùng…

Hiến pháp Đức, chẳng hạn, còn quy định: thủ tướng, các bộ trưởng, thứ trưởng không được phép làm giám đốc bất cứ doanh nghiệp gì, và không được tham gia hội đồng quản trị mà không có chuẩn thuận của quốc hội – đó cũng chính là giải pháp thực hiện nguyên lý tách rời quản lý nhà nước ra khỏi quản trị kinh doanh. Nếu Vinashin hoạt động trong môi trường như thế thì tổng giám đốc chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự sụp đổ của nó, giống như tổng thống, thủ tướng phải chịu trách nhiệm với đất nước họ, chẳng phải tìm kiếm đâu.

Chừng nào chưa từ bỏ tư duy của nền kinh tế quản lý tập trung, không chủ động tạo ra khung pháp lý kinh tế thị trường đầy đủ, thì chừng đó không thể thay đổi được bản chất cố hữu trước kia của DNNN, vốn là một trong những nguyên nhân từng làm sụp đổ Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, và đừng kỳ vọng bất cứ “quả đấm thép“ nào, nếu không muốn trở thành nạn nhân của chính nó. (Ở đây chưa bàn đến động cơ cố níu giữ DNNN theo cơ chế cũ của các nhóm lợi ích đặc quyền đặc lợi cố kết với nó, đang là trở ngại nặng nề nhất cho công cuộc đổi mới nhằm đuổi kịp thế giới hiện nay. Cũng chưa kể quan niệm vẫn coi công hữu là đặc trưng của CNXH, trong khi thế giới hiện chỉ dùng nó để đánh giá mức độ đầy đủ của nền kinh tế thị trường, nhằm áp thuế chống phá giá rất bất lợi cho những nước như ta, lẽ ra cần sáng suốt, tìm cách tránh).
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chuyện con ve và đàn kiến

    06/10/2019Alan Phan*Cơ chế chính trị đã tạo nên một tầng lớp ve giàu có, đầy quyền lực và tham lam trong việc rút tỉa mòn cạn các của cải tài nguyên đã do sức lao động của đàn kiến nghèo, thua kém từ các vùng quê tạo nên.....
  • Công - tư phải rạch ròi

    15/09/2016TS Phạm Duy NghĩaBờ biển rộng bao la, đó là giấc mơ ngày xưa của những người thạo văn chương. Thoát khỏi cổ chai trong truyện cổ tích, cái bóng tư hữu lan trùm lên phố phường, đồng ruộng, rừng núi và bờ biển; dưới bàn tay mầu nhiệm của thị trường, đất nước liền một dải biến hóa thành hàng chục triệu ô thửa của những ông chủ cũ và mới đang dần dần lộ diện...
  • Doanh nghiệp nhà nước không đủ năng lực đóng vai trò chủ đạo

    03/03/2014Vũ Thành Tự AnhDự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành TƯ Đảng khẳng định mọi thành phần kinh tế đều được coi trọng, đồng thời thừa nhận rằng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực nhà nước thấp hơn so với khu vực tư nhân, nhưng vẫn tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Câu hỏi đặt ra là liệu kinh tế nhà nước có đủ năng lực để đóng vài trò chủ đạo này hay không?
  • Độc đoán, chuyên quyền làm đắm con tàu lớn (...)

    22/10/2010Chí TùngCon tàu lớn (...) quyết định làm theo ý mình**) là một việc cố ý làm trái với chỉ đạo của Chính phủ...
  • Kinh tế tư nhân vẫn còn mờ nhạt trong cương lĩnh

    13/10/2010Phạm HuyênMột chiến lược về xây dựng, phát triển doanh nghiệp doanh nhân, thể hiện vai trò của khu vực này trong phát triển kinh tế cần được thể hiện rõ ràng hơn trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng...
  • 60 triệu đô la và tháng 12

    12/10/2010Hải LýTrong suốt tháng 8 và 9-2010 Crédit Suisse Singapore, công ty đứng ra thu xếp cho tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin vay 600 triệu đô la Mỹ với lãi suất Libor cộng 1,5%/năm vào năm 2007, đã liên tục gửi thư cho Vinashin yêu cầu giải thích, cung cấp, hoặc làm rõ thông tin về tình hình kinh doanh cũng như tái cơ cấu và khả năng trả nợ của tập đoàn...
  • Vinashin và lỗ hổng tài chính

    16/09/2010Anh VũSau khi Tập đoàn Vinashin không còn khả năng trả nợ, người ta mới giật mình, đặt câu hỏi: ai đã quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn vốn của Vinashin? Nếu quản lý, giám sát tốt, chắc chắn sẽ không dẫn tới tình trạng như hiện nay...
  • xem toàn bộ