Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?

08:02 SA @ Thứ Bảy - 11 Tháng Bảy, 2009

“Hiến pháp Mỹ là bản hiến pháp nổi tiếng nhất và lâu đời nhất với trên 200 năm lịch sử, trong khi các bản Hiến pháp hiện nay của Pháp, Đức, Nhật, Nga đều là những bản Hiến pháp mới mẻ và có thời gian tồn tại chưa lâu. Tôi muốn hiểu tại sao và do đâu nước Mỹ lại có được sự ổn định đó?” - Dịch giả Nguyễn Cảnh Bình.

Tên sách: HIẾN PHÁP MỸ ĐƯỢC LÀM RA NHƯ THẾ NÀO?
Dịch và giới thiệu: Nguyễn Cảnh Bình
Nxb Tri thức

---

Cùng với niềm say mê đặc biệt về hiến pháp của mình, dịch giả đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh về sự ra đời của Hiến pháp Mỹ, như một lời lý giải cho rất nhiều người có cùng mối băn khoăn.

Vậy Hiến pháp Mỹ đã được làm ra như thế nào? Nó được làm ra trong những cuộc tranh luận nảy lửa tưởng như không có lối thoát và những mối bất đồng sâu sắc, bởi những bộ óc vĩ đại có một không hai trong lịch sử, và bằng một tinh thần mà người ta khó có thể tìm một tính từ nào thay thế ngoài cách gọi – “tinh thần Mỹ”.

Đó là sự tôn trọng đặc biệt lẫn nhau, thừa nhận những quan điểm hoàn toàn khác biệt, chấp nhận và cùng thỏa hiệp để đi tới lợi ích chung cuối cùng.

Tranh luận

Quá trình hình thành nên bản Hiến pháp là quá trình các đại biểu đề xuất phương án – mọi người đều có quyền bày tỏ tối đa chính kiến của mình, dù là hoàn toàn khác biệt – bỏ phiếu và đi đến thống nhất.

Người đọc có thể tìm thấy trong cuốn sách những lập luận trái ngược nhau về “Phương án Virginia”“Phương án New Jersey”– các mô hình nhà nước liên bang được đề cử, về sự bình đẳng của các tiểu bang tại Quốc hội, nguyên tắc của nền cộng hòa, bầu chọn, nhiệm kỳ và sự tái cử của Tổng thống...

Đọc qua những cuộc tranh luận này, cảm nhận được “tinh thần Mỹ” trong việc thể hiện quan điểm cá nhân và nguyên tắc đi đến đồng thuận, độc giả có thể tự kiến giải vì sao người Mỹ lại có thể đưa ra một mô hình nhà nước “ít khiếm khuyết nhất” vào giai đoạn lịch sử sống còn như vậy.

Lịch sử phải thừa nhận những bộ óc tham gia Hội nghị lập hiến là vĩ đại. Nhưng làm thế nào để những sự vĩ đại có thể “cộng lại” được với nhau? – Đó mới chính là điều làm nên sức mạnh và thành công của Hội nghị này.

“Những người con của thánh thần”

Nguyễn Cảnh Bình, sinh năm 1972, bắt đầu tập trung nghiên cứu viết cuốn "Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?" từ năm 2000.

Anh đã tìm thấy kho tài liệu online lưu giữ đầy đủ, chính xác và chi tiết về mọi vấn đề liên quan tới soạn thảo và phê chuẩn bản Hiến pháp, bao gồm cả những văn bản viết tay, những cuộc thảo luận và những bức thư của chính khách đương thời, những bài báo tán thành và phản đổi.

Cuốn sách này được chọn lọc dịch từ những phần điển hình nhất trong vài tác phẩm cơ bản là cuối Elliot"s Debate, cuốn Farand"s Record, cuốn Debates in the Federal Convention of 1787 của Madison và cuốn Federalist Papers.

Ngoài ra, tác giả lược dịch tiểu sử những chính khách Mỹ đã tham gia Hội nghị Lập hiến 1787 để bạn đọc nắm được bản chất quan điểm và những đóng góp của họ cho lịch sử nước Mỹ.

Hội nghị Lập hiến được triệu tập ngày 25 tháng 5, 1787, trong một bối cảnh những người dân Mỹ vừa trải qua một cuộc chiến tranh kéo dài, cam go và tàn phá, chỉ vừa mới bắt đầu giai đoạn phục hồi kinh tế từ đống đổ nát. Những kích động chính trị đã trở nên không thể kiểm soát được. Tư tưởng phe cánh, bè phái, chủ nghĩa địa phương… Trong tâm trí nhiều người, cuộc sống, sự tự do và thịnh vượng không hề được đảm bảo.

55 đại biểu có mặt tại cuộc họp là những nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước, những người thông minh, kiệt xuất và có uy tín lớn lao. Thomas Jefferson, người sau này là Tổng thống thứ ba với 2 nhiệm kỳ của nước Mỹ, đã viết: “Đó thực sự là cuộc quần tụ những người con của thánh thần”.

Tướng Tổng tư lệnh Washington làm chủ tọa Hội nghị, không hề có một bài tranh luận nào, nhưng chỉ riêng sự có mặt cùng với uy tín to lớn của ông cũng đủ để mang lại một không khí trang nghiêm và bảo đảm sự thành công trong Hội nghị.

Hầu hết các đại biểu đều là những cá nhân kiệt xuất – một thế hệ tài năng, quả cảm, thông minh và chính trực mà nhân dân Mỹ sau này gọi là Founding Fathers (những người cha lập quốc).

Rất nhiều người trong số họ còn rất trẻ, 20 người dưới tuổi 40. “Cha đẻ bản Hiến pháp” James Madison khi đó mới 36 tuổi.

Và những người từ chối kí …

Một trong những điều thú vị bậc nhất mà người đọc có thể tìm kiếm trong cuốn sách này, là ba chính khách xuất sắc Gerry, Randolph và Mason – những người có công lớn trong sự hình thành bản Hiến pháp này, lại từ chối kí.

Nhưng ngay cả trong hành động từ chối đó, cũng có lý do của một người có trách nhiệm cao cả đổi với dân chúng và đất nước, thể hiện sự mong muốn về một chính quyền tốt đẹp hơn.

“Tôi khinh thường việc giấu giếm các lý do cho việc từ chối đặt chữ kí của tôi” – Edmund Randolph, người đưa ra những nét đầu tiên về chính quyền liên bang viết. Và đây là một trong những lí do khiến ông không đặt bút kí và văn kiện này:

“Nếu kí tên vào bản Hiến pháp này, tôi sẽ không thể đề nghị bất cứ điều sửa đổi nào”. Hay: “Tôi lo sợ về những sai sót trong văn bản này hơn mọi sai lầm lớn lao trong bất kỳ văn bản nào khác vì văn bản này quy định những lợi ích cơ bản nhất của chúng ta… Nếu kí tên vào văn bản này, tôi sẽ phản bội lại mọi điều tôi từng mong ước”.

Nhưng bản thân Hiến pháp không phải là quan trọng nhất

Ngày 17 tháng 9, 1787, cho đến tận giờ phút được thông qua, văn kiện này vẫn còn là nỗi băn khoăn giữa chính “những người cha đẻ”.

Bài phát biểu của Benjamin Franklin trong ngày ký kết bản Hiến pháp mở đầu bằng đoạn: “Tôi thừa nhận rằng lúc này, có nhiều điểm trong bản Hiến pháp này, tôi không thể chấp nhận. Nhưng tôi không chắc rằng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận nó. Tôi đã sống đủ lâu để hiểu rằng chúng ta không nên dựa quá nhiều vào sự phán xét của chính bản thân mình”.

Và: “Tôi đồng ý với bản Hiến pháp này với mọi lỗi lầm nếu có, bởi tôi nghĩ rằng chúng ta cần một chính quyền chung".

Nhưng cuối cùng, bản thân Hiến pháp Mỹ không phải là một điều quan trọng nhất. Điều quan trọng là, nước Mỹ đã vận hành nó trong “trạng thái kế thừa” trong suốt hơn 200 năm qua. Nó được gìn giữ không phải bởi vì nó toàn bích, mà bởi vì người Mỹ đã sử dụng nó với một tinh thần, mà ta khó lòng tìm được một từ tính từ nào thay thế - tinh thần Mỹ.

Tinh thần đó, độc giả có thể cảm nhận được bắt đầu từ cuốn sách này – “Hiến pháp Mỹ đã được làm ra như thế nào?”

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cộng hòa và dân chủ

    20/10/2010Dr. Mortimer, J. AdlerMột nền cộng hòađơn giản là kiểu chính quyền hiến định trong đó những người nắm quyền là do các công dân chọn lựa. Một chính quyền hiến định là một chính quyền mà trong đó tổ chức căn bản và các bộ phận của nó được luật pháp xác lập. Đó là một chính quyền của luật pháp hơn là một chính quyền của những con người cụ thể nào đó...
  • Cải cách Hiến Pháp ở Trung Quốc

    28/08/2010Nguyễn Trần BạtTrong đời sống
    quốc tế hiện đại, tự do không còn là quyền chính trị mà đã trở thành
    quyền phát triển và nó gắn liền với các cuộc cạnh tranh toàn cầu. Nếu
    không có tự do thì năng lực cá nhân, năng lực xã hội không được giải
    phóng và do đó, năng lực phát triển của dân tộc cũng không được giải
    phóng. Khi năng lực phát triển không được giải phóng thì năng lực cạnh
    tranh sẽ giảm...
  • Xã hội công dân và xã hội dân sự: từ Arixtot đến Hêghen

    08/05/2009Trần Tuấn PhongBài viết phân tích tư tưởng của Arixtốt về cộng đồng chính trị - một khái niệm được coi là khởi thuỷ của khái niệm xã hội công dân/xã hội dân sự sau này. Đồng thời, phân tích tư tưởng về xã hội dân sự trong thời cận đại qua một số đại biểu điển hình. Đặc biệt, tác giả đã làm rõ sự kế thừa và phát triển của Hêghen đối với quan điểm của Arixtốt về xã hội công dân.
  • Một năm hội nghị Diên Hồng Hungary

    20/04/2009Biên soạn: TS. Nguyễn Quang ATiêu đề của cuốn sách có thể gây hiểu lầm. Hội nghị Diên Hồng là một sự kiện lịch sử Việt Nam diễn ra vào thời Trần với sự tham gia của hơn 200 nhân sĩ, sao lại có hội nghị Diên Hồng ở Hungary? Sao lại kéo dài cả một năm? Đúng là tên của cuốn sách không khéo, nhưng nó muốn gợi ý một quá trình tương tự đã xảy ra ở Hungary khoảng một năm trời từ giữa 1989 đến đầu 1990. Quá trình diễn biến hoà bình từ chế độ chuyên chế sang chế độ dân chủ.
  • Mô hình giám sát chính quyền bằng tư pháp ở Mỹ

    17/12/2005Đặng Minh TuấnVi hiến là những tình huống có thể gặp trong thực tiễn. Ở nhà nước pháp quyền, quan trọng là phải tìm ra các biện pháp để giới hạn và chống lại sự lạm quyền hay lộng quyền của Nhà nước mà xâm phạm đến các quyền con người. Bài viết tìm hiểu về mô hình giám sát chính quyền bằng tư pháp tại Mỹ...
  • Sách "Bàn về khế ước xã hội"

    06/07/2005Bàn về khế ước xã hội” cũng đề cập những vấn đề nêu trên nhưng đi theo hướng tư duy hoàn toàn khác: Nếu như Montesquieu muốn khám phá cái “trật tự, cái quy luật trong mớ hỗn độn các luật pháp ở mọi xứ sở và mọi thời đại” thì Rousseau lại cố gắng tìm kiếm trong cái “trật tự dân sự có hay không một số quy tắc cai trị chính đáng, vững chắc, biết đối đãi với con người như con người”;
  • Sách "Bàn về tinh thần pháp luật"

    06/07/2005Hai tác phẩm: “Bàn về tinh thần pháp luật” (1748) của Montesquieu và “Bàn về khế ước xã hội” (1762) của Rousseau ra đời, trở thành bộ đôi tác phẩm có ý nghĩa khai sáng về quan điểm pháp chế, vạch ra định hướng xây dựng xã hội công dân, nhà nước pháp quyền, mở đường cho tư duy xã hội Pháp đi tới cuộc đại cách mạng tư sản năm 1789. Nhiều quan điểm trong hai tác phẩm này đã trở thành những nguyên tắc pháp lý chi phối sâu sắc đến sự phát triển của nhà nước và pháp luật hiện đại.
  • xem toàn bộ