Ánh lửa của trí tuệ

11:35 SA @ Chủ Nhật - 25 Tháng Giêng, 2009

“Nói “không” với cái xấu, cái ác là cần thiết nhưng quan trọng không phải là những cái “không” mà làm ra một cái “có”; trên cơ sở cái “có”, hãy tập trung vào xây dựng một chiến lược phát triển giáo dục cho thế kỷ 21. Đừng chần chừ! Mất thời gian là mất tuyệt đối”.

Vẫn cung cách ấy, quyết liệt rạch ròi, giáo sư Hồ Ngọc Đại khẳng định: “Những đứa trẻ của thế kỷ 21 không phải là những đứa trẻ của thế kỷ 20. Chúng đi xe hiện đại, sử dụng điện thoại di động hiện đại, sử dụng Internet siêu tốc và máy vi tính hiện đại. Ngay cả đồ chơi và trò chơi chúng cũng không còn chơi những đồ chơi và trò chơi của các thế kỷ trước. Do đó, chúng rất cần được hưởng nền giáo dục hiện đại, nội dung hiện đại, phương pháp hiện đại thì ngược lại, chúng đang bị “nhốt” trong cái lồng quá cũ và được “nhồi nhét” kiến thức theo phương cách cũ. Tóm lại, trẻ em hôm nay cần một nền giáo dục khác. Rồi vẫn sự quyết liệt có phần bỗ bã ấy, bạn tôi ưu tư: “Loạn trường đại học, loạn giáo sư, loạn tiến sĩ… Cái cần “nổi loạn” nhất là sự nổi loạn của tư duy thì lại trì trệ, lại không dám, chỉ biết cam chịu”.

Chính vì chuyện “nổi loạn” này mà cần nhắc lại đây một kỷ niệm của buổi chiều trung du ấy. Trong một tâm trạng buồn, tôi rủ Đại, mượn cớ về thăm một bạn học cũ từ những năm 1951-1954 giờ về hưu ở trường làng, kiếm sống nhờ nghề đoán số tử vi, xem bói và viết sớ ở Đền Hùng, để lang thang vùng Đoan Hùng, Vũ Ẻn. Xe bon giữa những rừng cọ đồi chè tuyệt đẹp, im lặng đắm mình trong cảnh sắc trung du, chợt bừng tỉnh bởi ríu rít tiếng cười, lao xao ồn ào giọng nói của đám trò nhỏ tan trường chạy ùa từ ngõ xóm ra đường cái. Hồ Ngọc Đại yêu cầu cho xe dừng từ lúc nào giữa đám chim sẻ rừng ấy.

Nhìn Hồ Ngọc Đại mái tóc cũng đã bạc chẳng kém tôi là bao, đang đứng giữa tụi nhỏ ríu ra, ríu rít vì nhận được người quen, đứa níu tay, đứa kéo áo, Đại cười sung sướng, kính cận nhòe ướt, tôi bất giác cũng rút khăn tay lau mắt. Khi đã ngồi trong xe tiếp tục cuộc hành trình giữa hoàng hôn của núi đồi Phú Thọ, Đại giải thích cho tôi về cuộc hội ngộ kỳ thú ấy. Thì ra, bọn trẻ nhớ mặt anh. Nhớ “thầy giáo sư có đeo kính làm gì to lắm” nhưng sau khi dự giờ dạy của lớp “thực nghiệm công nghệ giáo dục CGD" lại đá cầu với chúng ở sân trường tiểu học heo hút này.

Tôi bỗng bật ra một câu không ra đầu, ra đũa “Cậu thế là sướng”! Và để giải thích, tôi nhắc lại với Đại: “Cậu nhớ tớ đã trả lời câu hỏi của cậu cách đây ngót hai chục năm: dứt khoát từ chối những cái chức vụ ấy, đừng dại mà nhận, dây vào những cái đó sẽ làm hỏng sự nghiệp của cậu”. Đại cười hề hề, thoải mái và hồn nhiên: “Ừ, quả có thế. May thật”! Rồi sau đó, chúng tôi lại đắm mình trong tư tưởng vừa chợt gợi ra. Trong thâm tâm, tôi vẫn tự thấy mình không đủ tài, không đủ bản lĩnh như Đại để ký cược toàn bộ cuộc đời cho sự nghiệp vì những thiên thần trẻ thơ này, đeo đuổi công cuộc nghiên cứu thực nghiệm công nghệ giáo dục theo triết lý “vì hạnh phúc ngay hôm nay của con em chúng ta, mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui”. Thành bại thì chưa rõ ngay được, nhưng cao quý và thanh khiết thì tôi cảm nhận được tự đáy lòng khi phải chứng kiến những ô trọc bẩn thỉu của những bon chen được khoác cho cái áo sặc sỡ của những ngôn từ thanh cao!.

Vì thế, tôi hay nghĩ đến Đại như nghĩ đến một công việc mình ấp ủ mà không có điều kiện đeo đuổi, còn vì có lẽ mình thấp hơn Đại nửa cái đầu về tri thức để thực hiện khát vọng sự nghiệp của mình, và rồi chỉ hồi hộp dõi theo hành trình của bạn. Cái hôm nhận được tin từ Hà Nội cho biết Đại phải cấp cứu tại bệnh viện vì một ca bệnh hiểm nghèo, tim tôi như có bàn tay ai bóp chặt, nước mắt trào ra, tôi cứ nghĩ đến điều gì. Thằng này mà ra đi thì cái sự nghiệp nó đeo đuổi khó có người gánh thay, nhất là lúc đất nước cần những cái đầu như nó. Càng nghĩ càng rối ruột, ngồi trước máy tính định viết lăng nhăng cái gì đấy cho quên nỗi lo mà kính cứ nhòe đi chẳng sao bấm được con chữ. May mà sự căng thẳng ấy chỉ kéo dài một buổi, tiếng Đỗ Nhân từ Hà Nội: “Ổn rồi, thằng Đại sống rồi”. Đến lúc này tôi mới bật khóc, nước mắt giải tỏa nỗi lo. Hơn nửa thế kỷ, tình bạn giữa chúng tôi quý hơn nhiều thứ trên đời. Nhưng riêng với Hồ Ngọc Đại, tôi còn dành một khoảng kính trọng vì bản lĩnh và sự nghiệp mà Đại đeo đẳng, mặc dù tôi hiểu khá rõ nhược điểm của bạn tôi, mà tôi thì nửa đường đứt gánh, chỉ còn đóng góp cho giáo dục, cái nghề tôi yêu quý một cách gián tiếp. Cho nên, cứ gặp các trò nhỏ là tôi lại nghĩ đến Đại.

Ví như cái lần tôi bất chợt gặp các cháu nhỏ ngồi sưởi bên ngọn lửa được nhóm lên cuối chân đèo khi xe tôi vượt qua Cổng Trời từ Mèo Vạc về Đồng Văn vào buổi chiều mù sương mà ánh nắng chỉ còn vẽ nên một đường viền mờ nhạt bên sườn núi phía trước nơi có con sông Nho Quế huyền ảo uốn lượn bên dưới. Dừng xe hỏi chuyện, biết các cháu là học trò lớp ba, lớp bốn, đi học vào buổi sáng để buổi chiều đi chăn bò, các cháu ngồi sưởi, đợi cho bò gặm nốt ít cỏ trước khi lùa về. “Nó học giỏi nhất ở đây đấy, mình nó lớp bốn thôi”, chỉ vào một bé gái trùm chiếc khăn xanh đã bạc màu, một bé trai đội chiếc mũ nồi đen có mấy lỗ thủng vừa cười vừa nói.

Thế chừng nào mới lùa bò về, nhà cháu ở tận đâu?”, tôi hỏi cháu. “Đấy, kia kìa”, bé gái trả lời. Theo hướng tay và ánh mắt của cháu, tôi nhìn xuống những mái nhà lờ mờ trong sương chiều dưới thung lũng thấp thoáng ánh đèn khi mờ khi tỏ. Con sông Nho Quế thơ mộng chỉ còn là một vệt uốn lượn thấp thoáng mà ráng chiều chẳng rọi tới được. Ngọn lửa sưởi của các cháu nhóm giữa đường đèo sao mà xao xuyến. Không nói nổi lời từ biệt các cháu, tôi rút vội chiếc bút máy cài trên túi áo rồi đặt nhẹ vào tay bé gái. “Không lấy đâu, không lấy đâu”, bước vội về phía tiếng còi xe đang giục vì đoạn đường về huyện Đồng Văn còn xa, tôi chỉ kịp nghe tiếng vọng của bé gái. Xe chạy, ngoái nhìn lại, các cháu đã đứng chụm lại cả giữa đường nhìn theo trong mù sương của núi rừng Hà Giang. Đến bao giờ tôi mới gặp lại được các cháu bé nhỏ đáng yêu của tôi mà tôi đã có dịp viết trên tuần báo Văn Nghệ năm nào.

Câu hỏi ấy cứ ong ong mãi trong tôi cũng hệt như hôm nào cũng trong chuyến đi dài ấy, một buổi trưa tháng tư nắng gắt ở tận cùng xóm Đất Mũi, đang loay hoay bên tấm panô lớn ghi dũng chữ “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mũi Cà Mau” để tìm một thế đứng chụp bức hình kỷ niệm, tôi bắt gặp một chú bé Đất Mũi. Đây rồi, nơi “ngón chân cái của Tổ quốc chưa khô bùn vạn dặm”, biểu tượng tuyệt vời trong ngữ ảnh của văn Nguyên Tuân từng ghi đậm trong tôi từ mấy chục năm trước khi đất nước còn bị chia cắt, tôi bắt gặp đúng “nhân vật” mong ước. Như từ một vũng bùn chui lên, chú bé lấm lem từ đầu đến chân với một xâu cá cầm tay, chỉ có đôi mắt xếch là ngời sáng. “Bác chụp hình cháu đấy à, có cho cháu hình không?”.

Chắc chắn phải gửi hình cho cháu”, tôi đáp, “nhưng cháu phải cho địa chỉ, nhà cháu ở đâu”. Chú bé ngước mắt “kia kìa”. Theo ánh mắt cháu, khuất sau những lùm cây xa tít, có những nóc nhà nhô lên. “Nhưng cứ gửi về trường cháu, có mình thầy giáo ở đấy, bưu điện vẫn mang thư và báo về cho thầy. Chiều nào cháu chẳng ở đấy để nghe thầy kể chuyện và đọc báo”. Tôi tiếc là không còn đủ thời gian để theo cháu về gặp thầy giáo kính yêu của cháu, nhưng qua câu chuyện của cháu bé lớp ba này, tôi hiểu ông thầy ấy đó ghi dấu ấn đậm như thế nào trong tâm hồn cháu. Với giọng trìu mến chân thành, cháu nói về thầy giáo của mình ở tận đẩu tận đâu xa lắm về đây dạy học, thầy ở một gian nhà nhỏ áp lưng với phòng hiệu trưởng, thầy yêu chúng nó lắm. Xem ra bọn trẻ quấn quýt thầy giáo của mình suốt ngày, không chỉ ở buổi lên lớp.

Ghé vào tai tôi, cháu nói khẽ “Chỗ cá này, lát nữa cháu sẽ lén để vào cái rổ, lấy chậu úp lên, cạnh bể nước, chứ đưa cho thầy, thầy mắng cho đấy”. Một cảm xúc dâng trào thắt chặt trái tim tôi. Chao ôi, có món quà 20 tháng 11 nào đẹp bằng xâu cá của cậu bé Đất Mũi này vừa ngụp lặn dưới bùn để có nó đem biếu thầy, mà “biếu lén”. Đột nhiên, tôi nhớ đến đốm lửa bên chân đèo Cổng Trời - Mèo Vạc, nhớ đến ánh mắt đen láy của cô bé lớp bốn vùng cao, cố hình dung xem cô giáo của cháu ra sao và chắc cô cũng được các trò nhỏ quây quần thương quý như cậu trò nhỏ Đất Mũi và các bạn của cháu đối với thầy giáo quý yêu của chúng đây kia.

Nâng niu, khơi động và bồi đắp những tình cảm trong sáng kết tụ trong ánh lửa ấm sáng của trí tuệ và tình người ấy đã hun đúc nên cái đạo làm người vốn là nét rất đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc khiến cho người thầynghề thầy giữ một vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Đó chính là điểm tựa để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Và rồi tôi nhớ đến bạn tôi, Hồ Ngọc Đại, một trái tim dành trọn cho sự nghiệp giáo dục và một cái đầu không hề nhỏ đầy ắp những ý tưởng táo bạo để vượt lên trước cái hiện thực mênh mông của thực trạng giáo dục với la liệt những bằng khen, giấy khen, huân chương, học hàm học vị và những lời xưng tụng.

Rất ngẫu nhiên mà có sự kết hợp hình ảnh các cháu bé ở hai đầu đất nước, từ Lũng Cú Hà Giang đến Đất Mũi Cà Mau trong câu chuyện tình cờ. Nhưng cái tình cờ ngẫu nhiên ấy lại nói về “nền giáo dục cho 100% dân cư”, một khái niệm Hồ Ngọc Đại đưa ra nhằm khẳng định một nguyên lý giáo dục mới, thay cho nền giáo dục chỉ dành cho 5% dân cư. Thế là từ câu chuyện các cháu bé với thầy cô của chúng lại dẫn đến câu chuyện rất lớn về nguyên lý giáo dục.

Hình ảnh các cháu bé vừa phải đi chăn bò vừa đi học, và “cô giáo dưới xuôi” lên dạy các cháu, cứ như lời thách thức thầm lặng và sống động của sự chuyển đổi nguyên lý giáo dục, từ nền học vấn dành cho số ít người trở thành nền học vấn cho 100% trẻ em đến tuổi học trong thời đại của cách mạng thông tin và kinh tế tri thức.... Đây không chỉ là chuyện của Việt Nam. Sự khủng hoảng về nguyên lý và phương pháp của hệ thống giáo dục và đào tạo đang là vấn đề của hầu hết các quốc gia. Thì chỉ cần đọc khuyến cáo của Tổng thống Pháp trong thư gửi các thầy giáo nhân ngày khai giảng năm ngoái là có thể bắt gặp điều đó: “Điều chúng ta cần làm, ấy là đặt nền tảng cho những nguyên lý của nền giáo dục thế kỷ thứ 21, những nguyên lý không còn có thể dừng lại ở trình độ những nguyên lý của hôm qua, lại càng không sao thỏa mãn được với những nguyên lý có từ hôm kia”.

Chắc rồi phải thay chiếc bút tặng cháu bé chăn bò ở cuối chân đèo từ Mèo Vạc về Đồng Văn vào buổi chiều mù sương dạo ấy bằng chiếc máy tính cầm tay thôi! Tuy cháu bé của tôi còn mặc áo vá, vừa buổi học buổi chăn bò bên sườn đèo mù sương lạnh buốt, nhưng chính cháu đang sống trong thời đại của Internet nối mạng toàn cầu. Và đúng như ai đó đã cảnh báo: “Liệu chúng ta có đủ dũng cảm để phi cấu trúc hóa cơ chế cứng nhắc hiện tại dù biết nó từng vận hành tốt trong quá khứ. Chúng ta thường chấp nhận phán quyết từ quá khứ và sa vào tình trạng chây ì, cho rằng đã cố gắng hết sức cho tới khi yêu cầu thay đổi lớn đến mức buộc chúng ta phải bước qua những ranh giới quen thuộc lâu nay. Đã đến lúc đó rồi”. (Tạp chí Harvard Business Online).

Cái “cơ chế cứng nhắc đó” là gì nhỉ khi vào năm học này cả nước có gần 22 triệu học sinh, sinh viên, chiếm hơn 1/4 dân số (mầm non gần 3,4 triệu, tiểu học có 6,7 triệu, trung học có 9,3 triệu, trung cấp chuyên nghiệp khoảng 710 nghìn, cao đẳng và đại học khoảng 1,6 triệu). “Đã đến lúc đó rồi”, phải đặt 22 triệu những người sẽ là và đang là chủ thể của xã hội mới vào trong bối cảnh của nền văn minh trí tuệ và kinh tế tri thức đang giữ nhịp cho đời sống hiện đại của thế kỷ XXI. Hồ Ngọc Đại có lý khi nói một cách “cực đoan” rằng: “Phải coi thế kỷ 20 ra đi như một kẻ đột tử mà không thể “ăn bám” vào nó thêm nữa. Do đó, thế kỷ 21 phải tự lo liệu thân mình. Đây là hai thế kỷ hoàn toàn khác nhau về bản chất”.

Các cô giáo, thầy giáo là người đang đứng ở trung tâm của những biến đổi lớn lao nhất của thế kỷ XXI, vì rằng sự thay đổi lớn nhất của thế kỷ này sẽ là sự thay đổi về tri thức, về hình thức và nội dung, về ý nghĩa của tri thức, về trách nhiệm của tri thức, đặc biệt là về những đặc điểm của con người có giáo dục. Không có những con người có giáo dục đó, sẽ không thể nào có một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh mà chúng ta hướng tới.

Vậy thì ai quyết định đặc điểm ấy nếu không phải là các cô giáo, thầy giáo đáng kính của chúng ta! Chính vào lúc này, tôi lại nhớ đến Đại, nhớ đến công việc mà Đại đã làm và đang làm, nhớ đến sự nghiệp giáo dục mà chúng tôi đã gắn bó, nhớ đến những niềm vui và nỗi buồn của người làm nghề dạy học trong nỗi suy tư nghề nghiệp. Quả là Đại đúng: các cô giáo, thầy giáo chỉ có thể thực hiện được sứ mệnh cao quý của mình khi vượt ra khỏi cái thực trạng “làm giáo dục bằng kinh nghiệm, bằng thói quen, bằng mò mẫm, thậm chí không loại trừ bằng lợi ích của một nhóm người mà không xây dựng cho mình một nền tảng lý luận để phát triển giáo dục. Vì không có lý thuyết nên không có cách làm thực tiễn phù hợp với lý thuyết đó. Và do đó, không biết phải bắt đầu từ đâu, thực hiện điều đó như thế nào”.

Sòng phẳng và rành rẽ, Đại giải thích: “Nếu bậc học tiểu học là cơ hội cuối cùng để duy trì, gìn giữ bản sắc dân tộc thì ở bậc đại học lại là cơ hội đầu tiên để hòa nhập, hội nhập quốc tế. Một chương trình tiểu học không cần phải giống nước nào và cũng không cần nơi nào công nhận thì ngược lại, chương trình đại học phải là chương trình quốc tế và bằng cấp phải được thế giới thừa nhận. Một bằng tốt nghiệp đại học chỉ dùng ở “tiêu thụ nội địa” là một bằng đại học “trâu ta ăn cỏ đồng ta”, chỉ có sức để kéo cày chìa vôi thôi”.

Ấy vậy mà, có một sự thật đắng cay: cái cày chìa vôi có từ thời nhà Lý cách đây gần một nghìn năm vẫn còn hữu dụng trên các cánh đồng của thời nông thôn, nông nghiệp Việt Nam đang trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa, đặc biệt là trên các thửa ruộng bậc thang vùng núi đá ở Hà Giang và nhiều tỉnh miền núi phía Bắc! Nhưng không thể đem cái cày chìa vôi ấy vào trong tư duy về nguyên lý giáo dục của thời đại của nền văn minh trí tuệ. Khi mà con người bắt đầu thổi hồn vào những vật vô tri vô giác gồm những thanh nhỏ của trí tuệ, liên kết chúng lại thành một sân chơi toàn cầu và nối kết trí tuệ của họ thành một hệ thống, thì cái gì sẽ xảy ra? Đây là sự kiện lớn nhất, phức tạp nhất và kỳ lạ nhất trên trái đất....

Với việc đan dệt những sợi dây trí tuệ từ kính và sóng radio, loài người bắt đầu nối kết tất cả các khu vực, tất cả các quá trình, tất cả các khái niệm thành một hệ thống khổng lồ. Từ nền tảng mạng lưới trí tuệ phôi thai đó ra đời một nền tảng hợp tác mới cho nền văn minh mới đòi hỏi một nguyên lý giáo dục mới. Điều quan trọng nhất cần suy nghĩ là sự quá độ sang nền văn minh trí tuệ trên cơ sở công nghệ thông tin có một ý nghĩa sâu sắc về mối quan hệ biện chứng giữa xã hội loài người và giới tự nhiên cũng như mối quan hệ giữa con người với con người, tức là mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Và chỉ có thể hiểu được ý nghĩa sâu sắc về quan hệ biện chứng đó khi khẳng định vai trò của con người, nhân tố quyết định của mọi thành tựu. Chính ở đây cần làm nổi rõ lên vai trò quyết định của giáo dục-đào tạo và sứ mệnh cao cả của người thầy giáo.

Xã hội công bằng, dân chủ và văn minh mà chúng ta đang hướng tới, sự công bằng trước hết và quan trọng nhất là công bằng về cơ hội để chiếm lĩnh được tri thức. Hiện nay, khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng doãng ra, sự phân tầng xã hội ngày càng rõ, là một khía cạnh của động lực thúc đẩy kinh tế theo quy luật nghiệt ngã của phát triển. Nhưng điều ấy lại đang là một thực tế bức xúc. Phải vượt qua thực tế nghiệt ngã này bằng sự tỉnh táo và nghiêm cẩn. Những nóng vội, duy ý chí muốn đốt cháy giai đoạn để rồi phải trả giá quá đắt, vẫn còn là bài học nóng hổi: chủ nghĩa bình quân chỉ có thể chia đều sự nghèo khổ chứ không thể chia đều cho người nghèo sự giàu sang.

Nhưng cùng với sự xác lập quan điểm đó, lại phải thấy rằng, một trong những bất bình đẳng xã hội sâu xa nhất, tệ hại nhất phải kiên quyết phấn đấu để giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ dần, đó là sự bất bình đẳng về cơ hội thăng tiến của bất cứ ai trong xã hội mong muốn, và có ý chí vươn lên. Đất nước ta vẫn đang là một nước nghèo, mức sống của đại bộ phận cư dân vẫn còn quá vất vả. Tước bỏ của con em nhà nghèo việc học, chính là xóa bỏ hoặc làm thui chột khát vọng và ý chí vươn lên đó, cũng tức là tước bỏ cơ hội thăng tiến xã hội của đông đảo con em dân nghèo trong xã hội.

Khi tước mất cơ hội ngồi vào ghế đại học của các thanh niên nông dân đã vượt qua được ngưỡng phổ thông thì điều đó sẽ là gì nếu không phải là làm thui chột và triệt tiêu sức bật vốn tiềm ẩn ở chính cái nôi của văn hóa dân tộc? Mà xem ra, tiềm năng và khát vọng chiếm lĩnh tri thức từ học vấn được hấp thu trong bậc học phổ thông được nuôi dưỡng trong những mái tranh nghèo của làng quê lam lũ dường như mãnh liệt hơn hoặc ít ra cũng không kém trong những căn biệt thự tiện nghi, và dứt khoát là hơn hẳn những chàng trai, cô gái trong trang phục sành điệu đang ăn sống nuốt tươi những cặn bã của văn minh chưa kịp tiêu hóa.

Chúng ta đang chứng kiến sự bất công xã hội nặng nề trong lĩnh vực này mặc dầu những cố gắng của ngành giáo dục và đào tạo, của Nhà nước và xã hội là rất đáng trân trọng, song e vẫn còn cách khá xa những đòi hỏi của phát triển. Tuy nhiên, thành bại của sự nghiệp giáo dục và đào tạo không chỉ do nó mà còn do hệ thống lớn hơn mà giáo dục và đào tạo chỉ là một hệ thống nhỏ nằm trong đó. Chẳng hạn như, tạo ra sự bình đẳng về cơ hội thăng tiến để cho những ai có ý chí vươn lên đều có thể thực hiện thì không thể chỉ là công việc của hệ thống giáo dục và đào tạo mà là tùy thuộc vào trình độ kinh tế và cách phân phối lợi ích trong xã hội nhằm bảo đảm sự công bằng trong cống hiến và hưởng thụ, trong đó hàm chứa cả sự ưu tiên dồn góp cho những tài năng nổi trội có điều kiện phát triển.

Một tiền đề không thể thiếu là những thể chế bảo đảm được quyền tự do dân chủ cơ bản cho mọi công dân và mỗi cá nhân, tạo được môi trường cởi mở cho sự trao đổi, tuyển lựa; một không gian đủ rộng cho hoạt động của mỗi cá nhân, trước hết là hoạt động của tư duy. Đó chính là cái điều mà bạn tôi bỗ bã đòi hỏi: “Cái cần “nổi loạn” nhất là sự nổi loạn của tư duy thì lại trì trệ, lại không dám, chỉ biết cam chịu”. Xin ai đó an tâm về thuật ngữ “nổi loạn” của Hồ Ngọc Đại. Đó là một thuật ngữ mà nhà triết học Hêghen dùng để nói về biện chứng của sự phát triển mà Ph.Ăngghen mượn để khẳng định rằng “mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hóa”. Nếu bạn tôi có "xúc phạm" thì chính là "xúc phạm" cái "đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hóa". Kính cạnh hơn thì nói rằng phải quyết liệt đấu tranh với cái cũ đã suy tàn nhưng đang được tập quán thần thánh hóa để đổi mới tư duy về giáo dục và đào tạo nói riêng, nhưng cái riêng đó chỉ có được khi có sự đổi mới nói chung của cái toàn thể mà trong đó giáo dục chỉ là một bộ phận.

Rút cục thì đó là đổi mới tư duy của mỗi con người trong thời đại mà mỗi cá nhân đối diện với thách đố của thời đại, và thời đại đứng trước những thách đố của mỗi cá nhân. Những cá nhân đó bao gồm các cháu bé của tôi bên ánh lửa đốt lên để xua tan buốt giá của sương muối bên đèo đoạn dốc Mèo Vạc–Đồng Văn, hay chú bé vùng Đất Mũi, nơi “ngón chân cái của Tổ quốc chưa khô bùn vạn dặm” kia, rồi những cô giáo và thầy giáo kính yêu của các cháu. Tư duy họ đổi mới nhờ được khởi động bằng đầu óc và bản lĩnh của những người dám suy nghĩ và dám hành động như những Hồ Ngọc Đại và những đồng nghiệp, chiến hữu của anh đang dấn thân trong ngành giáo dục và đào tạo. Trong họ đang nhen nhúm, ấp ủ để rồi thổi bùng lên ngọn lửa trí tuệ của thời đại. Không xa xôi gì lắm đâu, đó là ánh lửa các cháu bé đốt lên để sưởi ấm bên dưới Cổng Trời ở Hà Giang mà tôi từng ngồi sát vào để được xua bớt đi cùng các cháu cái giá lạnh của sương muối vào buổi hoàng hôn buốt giá. Đó là ánh lửa của ngọn đèn le lói dưới thung lũng mờ sương có dòng sông Nho Quế uốn lượn, ánh đèn của cô giáo dưới xuôi lên dạy các cháu. Đó là ánh lửa trong tim những Hồ Ngọc Đại và đồng nghiệp của anh đang giục giã những đổi mới trong sự nghiệp giáo dục-đào tạo nhằm đáp ứng những đòi hỏi phát triển của đất nước. Ánh lửa trí tuệ.

Ngọn lửa mà người bạn đáng kính đã quá cố, giáo sư Cao Xuân Hạo, đòi hỏi khi anh cố đính chính lại cách dịch mấy câu thơ của Nadim Hítmét:

Nếu tôi không cháy lên
Nếu anh không cháy lên
Thì làm sao
Bóng tối
Có thể trở thành
Ánh sáng?

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Trách nhiệm

    30/09/2010Hồ Ngọc ĐạiAi cũng thật bụng nghĩ, mình phải chịu trách nhiệm trước cấp trên: Đúng rồi, ai cũng phải chịu trách nhiệm trước cấp trên, chỉ có điều ai ấy là ai. Ví dụ, ai ấy là tôi, một cán bộ Nhà nước, thì cấp trên trực tiếp của tôi là thủ trưởng cơ quan...
  • Cải cách giáo dục Việt Nam

    27/12/2008Nguyễn Trần BạtCó thể nói, câu chuyện tưởng như không bao giờ hết tính thời sự và luôn được bàn nhiều trong xã hội Việt Nam vẫn là cải cách giáo dục. Đấy là một dấu hiệu tốt cho thấy sự quan tâm của toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Nhưng nhìn ở góc độ khác...
  • Cần sự nổi dậy của tư duy giáo dục

    22/12/2008Bùi Hoàng Tám (Thực hiện)Loạn trường đại học, loạn giáo sư, loạn tiến sỹ… là thực trạng buồn của giáo dục Việt Nam. Thế nhưng, cái cần “nổi loạn” nhất là sự nổi loạn của tư duy thì lại trì trệ, lại không dám, chỉ biết cam chịu - GS. TSKH Hồ Ngọc Đại bày tỏ.
  • Giáo dục Việt Nam, đã đến lúc rồi đó!

    29/11/2008GS Tương Lai"Đã đến lúc đó rồi!” - "Phải đặt 22 triệu những người đang và sẽ là chủ thể của xã hội mới vào trong bối cảnh của nền văn minh trí tuệ và kinh tế tri thức đang giữ nhịp cho đời sống hiện đại của thế kỷ XXI." - Giáo sư Tương Lai có bài viết suy ngẫm về sự thay đổi tư duy trong giáo dục Việt Nam nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
  • Dám hỗn *)

    19/05/2008GS. TS. Hồ Ngọc ĐạiTất cả cách ứng xử thông thường đều đúc kết từ kinh nghiệm sống thường ngày, vì sự an toàn cho cuộc sống trước mắt, ngay lập tức, với một lựa chọn đơn giản nhất: đúng – sai, nên – không nên. Xin bình tâm nghĩ lại coi: Những điều cấm ấy không sai, nhưng đã hẳn là đúng?
  • Chuyện cô hàng xóm của tôi

    10/10/2005Hồ Ngọc ĐạiNếu chỉ có một giá trị sử dụng không thôi, thì nó không thể là hàng hoá. Tôi sản xuất hàng hoá là làm ra giá trị sử dụng cho người khác, để thoả mãn nhu cầu của người ấy, rồi buộc người ấy phải “đổi lại" cho tôi cái gì và sự trao đổi ấy phải có một căn cứ vững chắc, độc lập, công bằng, dân chủ, tự do, bình đẳng... đó là giá trị...
  • "Nút cổ chai" và "cửa thoát" của giáo dục

    24/12/2003Ngày 23/12, Bộ GD-ĐT và báo Nhân Dân tổ chức hội thảo "Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo" với sự tham gia của các GS có uy tín và lãnh đạo một số trường ĐH, Sở GD-ĐT. Tại đây, các đại biểu đã đưa ra kiến nghị và đề xuất "cứu" trước những bức xúc về chất lượng giáo dục gần đây...
  • Thêm một tiếng chuông cảnh báo

    23/12/2003Chủ đề cuộc hội thảo do Báo Nhân Dân và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 23.12 là một câu hỏi rất lớn và bức xúc hiện nay: "Làm thế nào để nâng cao chất lượng GDĐT?"...
  • Phải thay cách làm giáo dục

    21/12/2003Đây là bài phát biểu của GS-TSKH Hồ Ngọc Đại tại hội thảo “Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo?” với chủ đề: tiếp tục giải quyết mâu thuẫn lớn giữa yêu cầu vừa phát triển qui mô, vừa phải đảm bảo chất lượng với điều kiện hạn hẹp về nguồn lực, do Bộ Giáo dục - đào tạo và báo Nhân Dân phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 23-12-2003...
  • Hoàn toàn mới: Thực nghiệm giáo dục

    11/11/2003Giáo sư Hồ Ngọc Đại kể chuyện thực nghiệm giáo dục với các bạn Văn Nghệ Trẻ vì dễ chia sẻ những chuyện lãng mạn như thế với bạn trẻ...
  • Càng cải cách... càng tệ hại

    11/09/2003Hồ Ngọc ĐạiCuộc “đổi mới giáo dục” đang triển khai thực chất là một cuộc cách mạng “lén” đã không hề đem lại bất cứ cái mới nào về ý tưởng và công nghệ mà càng tệ hại hơn...
  • Bình thường hoá đời sống nhà trường

    13/02/2003Đời sống nhà trường hiện đại cần được diễn biến một cách bình thường, phù hợp với đời sống bình thường của cả 100% dân cư. Do đó, từ quan niệm đến triển khai thực tiễn, những nhà làm luật không nên phỏng theo nền giáo dục cũ, không nên căn cứ vào kinh nghiệm của thế hệ mình, không nên có những ảo tưởng xa vời... để đề ra Điều nay, Chương nọ.
  • Đổi mới giáo dục cần bắt đầu từ đổi mới kiểu tư duy

    11/02/2003"Dạy học hướng vào người học" còn gọi là "dạy học lấy chủ thể học sinh làm trung tâm" được coi là thành tựu của Âu - Mỹ. ở ta, một số lý thuyết và mô hình giáo dục của nước ngoài đã và đang được nghiên cứu và ứng dụng. Việc học tập những thành tựu giáo dục lành mạnh tiên tiến của nớc ngoài là cần thiết, nhưng kinh nghiệm cho hay rằng, một nền giáo dục vững chắc của một đất nước là một nền giáo dục biết tự đứng trên đôi chân của mình.
  • xem toàn bộ