Về điều bí ẩn trong “thế giới hàng hoá” của Marx

10:48 SA @ Thứ Tư - 11 Tháng Mười Một, 2009

Bộ Tư bản của Karl Marx[*] mở đầu bằng câu: “Trong những xã hội do phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chi phối thì của cải biểu hiện ra là một “đống hàng hoá khổng lồ”, còn từng hàng hoá một thì biểu hiện ra là hình thái nguyên tố của của cải ấy. Vì vậy, công cuộc của chúng ta bắt đầu bằng việc phân tích hàng hoá” (TBI/1 tr. 51). Một câu khởi đầu đơn giản, tưởng không có gì quan trọng, nhưng ai đã đọc Marx nhiều lần đều nhận thấy tiềm ẩn ở đây một bản nội dung rút gọn của lý luận mácxít về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa cùng với số phận lịch sử của nó.

Nhân cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lần này, khi đọc lại Marx, tôi muốn dừng lại câu dẫn trên đây để tìm hiểu rõ hơn thực chất của cái vật thể được ông gọi là “hình thái nguyên tố của của cải” tạo dựng nên xã hội tư bản, qua đó tập trung làm sáng tỏ vấn nạn cần được nêu ra ngay từ đầu để mọi thảo luận về học thuyết Marx có thể đi xa hơn: trong một thế giới tràn ngập hàng hoá, với mọi người, hàng hóa chỉ là những vật thể hữu dụng “tự nhiên” trong đời sống hàng ngày, nhưng qua phân tích và sự diễn tả của Marx, tại sao cái vật thể tầm thường ấy lại hiện ra với rất nhiều điều “khó hiểu”, “kỳ quái”, đến độ có thể gọi là “bí ẩn”, “siêu hình”?

Câu hỏi này không thể không dẫn đến một câu hỏi khác: trong lý giải của Marx, đâu là nguồn gốc sâu xa gây ra sự “khó hiểu” của vật thể được gọi là “hình thái nguyên tố” làm nên sự giàu có về mặt vật chất cho xã hội tư bản? Khai triển ý nghĩa của vấn nạn ấy người ta phải hiểu như thế nào về cái gọi là tính đặc trưng mácxít của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa với tư cách là một hình thái lịch sử đặc thù? Và qua vấn nạn mácxít về sự bí ẩn của hàng hoá trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đó, chúng ta có thể hiểu thêm được gì về những “bí ẩn” nằm ngay trong chính bản thân sự suy tưởng của Marx về lịch sử, về bản chất xã hội của con người, những điều mà Marx đã gợi ra cách đây hơn cả một thể kỷ rưỡi, nay vẫn còn gây ra tranh cãi?

Giá trị, đại lượng giá trị, thời gian lao động xã hội cần thiết, sức sản xuất

Để bắt đầu tìm hiểu những vấn đề phức tạp nói trên, chúng ta hãy cùng với Marx hình dung trước mặt mình có hai món hàng do hai người làm ra và dự định đem trao đổi với nhau. Trước khi trao đổi chúng ta được cho biết rằng theo quan điểm kinh tế cổ điển của Adam Smith, hàng hoá là do lao động khổ nhọc tạo ra, và ở Marx thì điều này hàm nghĩa đó là một hình thái lao động sản xuất trực tiếp, thứ lao động tạo ra những sản phẩm vật chất có thể cảm nhận bằng giác quan, đối tượng nghiên cứu của kinh tế học. Trừ những trường hợp riêng biệt, nguyên tắc của trao đổi là ngang giá, hai bên đều có lợi, mình cần cái mình không có mà không bị thiệt thòi. Muốn như vậy thì phải tìm ra một chuẩn mực chung giữa hai hàng hoá để làm cơ sở cho cuộc trao đổi đó.

Chuẩn mực chung đó là gì? Trong trao đổi đơn giản, Marx cho rằng nếu đó là sự chi phí sức lao động tính bằng độ lâu (durée) về thời gian của các loại lao động riêng biệt thì trong xã hội mà sự trao đổi hàng hoá đã trở thành hiện tượng “chi phối”, phổ biến, sự chi phí về sức lao động đó đã biểu hiện như một hình thái đồng nhất, trừu tượng mang ý nghĩa của một bản thể xã hội gọi là giá trị. Không có cái bản thể chung quy định cho hình thái giá trị này làm cơ sở thì việc trao đổi hàng hoá sẽ trở nên tuỳ tiện, không thể bảo đảm được nguyên tắc ngang giá, có lợi cho các đối tác trên phạm vi toàn xã hội.

Trong một xã hội của sản xuất và trao đổi hàng hoá, giá trị có thể xem như là một thứ linh hồn, vô hình, không ai thấy được, nhưng lại có khả năng điều khiển mọi chuyển động của cái hình thái xã hội ấy. Từ cách nhìn sự vật ở những dáng vẻ bên ngoài của nó, người ta cho rằng khái niệm giá trị là viễn vông, không giúp gì cho việc tính toán sản xuất (vì trong thực tế chỉ có giá cả), nhưng với Marx điều đó không đúng: không ai có thể thấy linh hồn của người bên cạnh mình, nhưng người ta vẫn có thể thông qua những biểu hiện hành vi, ứng xử để lần dò. Marx cho đó chính mới là công việc của những người làm khoa học: từ những biểu hiện của sự vật, người ta có thể tìm ra yếu tính của nó (đi từ giá cả để hiểu giá trị).

Vấn đề đặt ra ở đây là hãy xét xem thực thể của giá trị là gì? Với Marx khái niệm đó không phải là cái ý nghĩa tâm lý mưu cầu lợi ích của từng cá nhân (trong sản xuất lẫn tiêu thụ) mà, từ sự cấu tạo của nó, nó là một bản thể xã hội, là một hình thái lao động trừu tượng đã chưng cất lên từ tất cả các loại lao động dị biệt, dù khéo léo hay đơn giản, được tổng hợp, trung bình hoá thành một hình thái đồng nhất, hình thành “trong những điều kiện sản xuất bình thường của xã hội, với một trình độ thành thạo trung bình, một cường độ lao động trung bình” (TBI/1, tr. 56), kết tinh lại trong hàng hoá dưới hình thái “lượng thời gian lao động” và được gọi là “thời gian lao động xã hội cần thiết”.

Một tính chất khác cũng đã được Marx nhấn mạnh để làm rõ hơn nội dung của cái có thể gọi là “sức lao động xã hội” này: nó hoàn toàn tuỳ thuộc vào sức sản xuất của mỗi xã hội cụ thể, diễn ra trong các điều kiện về phát triển nhất định nào đó của sự phát triển về sản xuất xã hội (ta có thể hiểu đó là trình độ khoa học, kỹ thuật, quản lý, sáng tạo, phát minh, tổ chức điều hành…) mà mang chất lượng khác nhau. Qua sự trình bày của Marx thì sức sản xuất của lao động của một xã hội càng lớn thì thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra một vật phẩm nào đó sẽ càng nhỏ, sức lao động bỏ ra càng ít, trái lại nếu sức sản xuất của xã hội đó càng yếu, thì khối lượng lao động kết tinh trong vật phẩm càng lớn, giá trị của nó càng lớn, sức lao động bỏ ra càng nhiều.

Giá trị là một khái niệm nền móng trong học thuyết Marx về sự vận động của lao động trong xã hội tư bản, không khởi đầu từ thực thể này, thì không thể lĩnh hội được bản chất của chế độ tư bản thông qua những phạm trù kinh tế học thường nghiệm của nó.

Giá trị và giá trị sử dụng trong hàng hoá

Ai có chú ý đến vấn đề giá trị lao động trong lý luận của Adam Smith đều biết tuy có nhắc đến khái niệm giá trị sử dụng, nhưng khái niệm này đã bị bỏ qua để chỉ nhấn mạnh khái niệm giá trị trao đổi trong quan hệ hàng hoá. Marx cũng tập trung tìm hiểu khái niệm đó (và cho đó là hình thái biểu hiện của giá trị) nhưng lại cho rằng người ta không thể hiểu được thực chất của giá trị nếu tách rời khỏi khái niệm đi chung với nó là giá trị sử dụng, cả hai cùng tồn tại và cần được phân tích để bổ sung cho nhau: trong khi hình thái giá trị trong hàng hoá được xem là trừu tượng, phi tự nhiên thì giá trị sử dụng lại chính là hình thái tự nhiên, cụ thể của nó, là mục đích cuối cùng trong chu kỳ lưu chuyển của hàng hoá.

Trong phân tích của Marx, hai hình thái gíá trị nói trên cùng tồn tại trong hàng hoá nhưng trong quá trình trao đổi, hình thái giá trị sử dụng đã bị tạm thời gạt hẳn sang một bên để giá trị trồi lên làm tròn chức năng trao đổi ngang giá của nó với những món hàng khác, và trong khi tập trung làm tròn chức năng này, theo cách nói của Marx, hàng hoá đã không còn giữ được “một nguyên tử nào về giá trị sử dụng” cả (TBI/1, tr.55). Giá trị bây giờ đã trở thành một thực thể hoàn toàn trừu tượng trong vận động, một hình thái phi vật thể, không bị ràng buộc gì với cái gánh nặng vật chất của giá trị sử dụng đã kéo trì nó xuống mặt đất. Nó tự tạo ra một con đường đi độc lập cho nó.

Nhưng cũng chính từ sự thoát ly của giá trị trong trao đổi mà Marx ghi nhận tính chất mâu thuẫn nội tại trong bản thân sự tồn tại của hàng hoá: sự mâu thuẫn giữa giá trị sử dụng và giá trị (biểu hiện thành giá trị trao đổi). Sự mâu thuẫn này chính là sự mâu thuẫn giữa tính chất trừu tượng, đồng nhất, phi tự nhiên của giá trị trong trao đổi hàng hoá với tính chất tự nhiên, cụ thể, muôn màu muôn vẻ của giá trị sử dụng chứa đựng trong bản thân nó. Người ta đổi hàng hoá để khai thác giá trị sử dụng có ích của nó, nhưng người ta không thể nào có được giá trị sử dụng ấy nếu không thông qua giá trị. (Không có mua qua bán lại thì không có hàng để tiêu dùng).

Hình thái ngang giá trong trao đổi giữa các hàng hoá như vậy đã tạo ra một sự đối lập từ nguồn gốc: giá trị sử dụng đã trở thành hình thái biểu hiện của cái đối lập với nó là giá trị. Ngoài ra còn là một hình thái đối lập thống nhất khác nữa: lao động cụ thể (hình thành trên giá trị sử dụng) đã biểu hiện trong cái đối lập với nó là lao động trừu tượng (kết tinh trong giá trị). Cần phải lưu ý đặc biệt những mâu thuẫn nội tại nói trên trong hàng hoá, những mâu thuẫn này đã bị những nhà kinh tế cổ điển bỏ qua, không đếm xỉa gì tới thì đối với Marx đã được khai thác triệt để trong phân tích làm tiền đề giải thích toàn bộ những mâu thuẫn đối kháng trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Trong Tư bản, những mâu thuẫn đó đã được Marx ghi nhận tiên khởi như “tính chất hai mặt của hàng hoá”, từ đó sau khi phân tích đã dẫn đến một nhận xét rất đáng lưu ý sau đây: đó là tính chất mà ông gọi là “tính chất bí ẩn của hình thái ngang giá” khi các hàng hoá được trao đổi với nhau – nhận xét này sẽ giúp chúng ta hiểu hiện tượng mà Marx sẽ gọi là “tính bái vật giáo của hàng hoá”. Hàng hoá là một vật, bản thân của nó là một giá trị, giá trị này chỉ có được trong trao đổi với một hàng hoá khác, nhưng một cách biểu kiến người ta không thấy được đó là kết quả do mối quan hệ trao đổi tạo ra mà chỉ thấy giá trị ấy tự bộc lộ trong mối quan hệ đó nên tưởng rằng cái hàng hoá được trao đổi đó tự nhiên có được một hình thái ngang giá, có thể trao đổi trực tiếp được.

Nói một cách khác, người ta không thấy được cái bản thể chung về lao động xã hội, trừu tượng của hàng hoá, căn cứ vào đó để trao đổi mà lại chỉ dựa vào hàng hoá với tư cách là một vật thể biểu hiện để cho rằng bản thân vật thể ấy tự nhiên có được cái thuộc tính có thể trao đổi trực tiếp. Marx cho rằng trầm trọng hơn khi cái bí mật của hình thái ngang giá này đã bị coi như không còn được chú ý nữa khi giá trị của hàng hoá đã xuất hiện ra dưới hình thái hoàn chỉnh của nó là tiền – hình thái ngang giá phổ biến của hàng hoá đã đạt đến cấp độ trừu tượng mang tính chất thuần ý niệm, có thể tự thân vận động độc lập với sản xuất trong lưu thông.

Lao động tư nhân và quan hệ sản xuất

Qua hình thái giá trị nội tại trong hàng hoá, với tư cách là một hình thái vật thể hoá giá trị, một câu hỏi đặt ra: tại sao các vật phẩm tiêu dùng bao hàm giá trị sử dụng lại trở thành hàng hoá? Câu trả lời của Marx là: “chỉ vì chúng là sản phẩm của những lao động tư nhân được tiến hành một cách độc lập với nhau” (TBI/1, tr. 98). Như vậy xét về mặt quan hệ xã hội giữa những người sản xuất ra hàng hoá thì một xã hội bao gồm những tư nhân độc lập với nhau đã là điều kiện tiên quyết để hình thành xã hội hàng hoá.

Trong xã hội trao đổi hàng hoá phổ biến, những tư nhân này đã không còn là những người đem hàng hoá dư thừa của mình trao đổi lấy hàng hoá khác để tiêu dùng mà đã trở thành những nhà chuyên làm hàng hoá để trao đổi, cũng vì đó tính chất giá trị của hàng hoá đã được coi là mục đích ngay từ đầu. Tính có ích của hàng hoá vẫn tồn tại nhưng đã trở thành sự có ích cho người khác, chứ không phải cho người sản xuất ra sản phẩm. Tính có ích cụ thể này cũng bị gạt hẳn sang bên trong quá trình trao đổi cho nên hình thái giá trị trừu tượng trong hàng hoá đã có thể vận động theo một đường đi phi vật thể, chuyển vận khắp nơi theo cái sức đẩy tự thân của nó.

Tách rời khỏi sự ràng buộc của giá trị sử dụng, tách rời khỏi những giao tiếp cụ thể của những người làm ra sản phẩm để tiêu dùng, hàng hoá vật thể hoá của giá trị đã trở thành đại diện cho những người sản xuất, và những người sản xuất bấy giờ chỉ cần quan hệ với nhau thông qua những hàng hoá-vật thể ấy như những đại biểu cho mình. Khái niệm “quan hệ xã hội về sản xuất” trong kho từ vị của Marx đã xuất hiện theo một ý nghĩa rất đặc biệt trong xã hội hàng hoá: nó chỉ mối quan hệ của những tư nhân sản xuất độc lập với nhau và chỉ quan hệ với nhau dưới hình thái của một “quan hệ xã hội của những sản phẩm lao động”. Trong xã hội hàng hoá đó

“Tính bình đẳng của các loại lao động của con người mang hình thái giá trị của những sản phẩm lao động; thước đo những lao động cá thể bằng thời gian mang hình thái đại lượng giá trị những sản phẩm lao động; cuối cùng những quan hệ của các người sản xuất, ở đó những tính cách xã hội của lao động của họ tự bộc lộ, mang hình thái một quan hệ xã hội của những sản phẩm của lao động” (TBI/1, tr. 97).

Ý nghĩa câu dẫn trên là gì?

“Những quan hệ của những người sản xuất ở đó tính chất xã hội của lao động của họ tự bộc lộ”: ở đây là quan hệ giữa những người sản xuất trong hình thái xã hội mà ta có thể hiểu theo lôgích ngược lại, một hình thái xã hội phi hàng hoá, trong hình thái này tính chất xã hội của họ bộc lộ ra một cách tự nhiên; điều đó có nghĩa bất cứ lao động nào cũng mang tính chất xã hội, tính chất xã hội này đã biểu hiện một cách trực tiếp nơi những chủ thể sản xuất. Ý nghĩa: yếu tính lao động xã hội biểu hiện trực tiếp nơi những chủ thể lao động cá biệt.

Những quan hệ sản xuất nói trên, trong xã hội hàng hoá đã “mang hình thái một quan hệ xã hội của những sản phẩm của lao động”. Nếu trong xã hội phi hàng hoá, sản phẩm phụ thuộc vào con người để khi giao tiếp đối mặt trực tiếp với nhau thì trong xã hội hàng hoá, sản phẩm đã trở thành một vật thể trung gian qua đó con người quan hệ với nhau không cần biết nhau là ai. Mối quan hệ sản xuất cụ thể giữa người và người trước đó nay đã thay bằng mối quan hệ gián tiếp của những sản phẩm. Ý nghĩa: yếu tính lao động xã hội biểu hiện thông qua những vật thể trung gian giữa những nguời sản xuất cá biệt.

Tính chất đặc biệt của mối quan hệ sản xuất này có được vì được đặt trên hai điều kiện:

1)Tính bình đẳng của các loại lao động của con người mang hình thái giá trị của những sản phẩm lao động: Hình thái tự nhiên của lao động của con người biểu hiện ra ở những chi phí khác nhau về sức lao động trong các loại lao động khác nhau – trong xã hội hàng hoá tất cả đã được quy về một bản thể chung, một thứ lao động đồng nhất, trừu tượng, biểu hiện thành hình thái giá trị. Vì trừu tượng, giá trị không thể trông thấy được nhưng đã quy định mọi lưu thông vận động của hàng hoá.

2) Thước đo những lao động cá thể bằng thời gian mang hình thái đại lượng giá trị những sản phẩm lao động: Các hình thái lao động khác nhau về chất có thể đo bằng thời gian lao động cụ thể, tức là độ dài riêng biệt của sự chi phí sức lao động làm cho những sản phẩm khác nhau về chất thì trong xã hội hàng hoá, thước đo ấy đã biểu hiện thành một hình thái đại lượng giá trị, tính bằng thời gian lao động xã hội cần thiết (trung bình, tuỳ theo sức sản xuất…) để tạo ra sản phẩm trao đổi.

Những quy định xã hội khác nhau

Qua những gì đã phân tích, chúng ta thấy những mâu thuẫn trong hàng hoá chính là mâu thuẫn giữa hình thái tự nhiên và cụ thể (trong giá trị sử dụng) với cái hình thái phi tự nhiên và trừu tuợng của nó biểu hiện trong giá trị (dưới hình thái giá trị trao đổi). Những mâu thuẫn ấy quy cho cùng có thể hiểu chính là sự mâu thuẫn giữa xã hội hàng hoá mang tính đặc thù, lịch sử với cái hình thái xã hội phi hàng hoá mang tính tự nhiên của loài người. Nội dung nhu cầu căn bản của sự sống con người, một trao đổi về chất của con người với tự nhiên, một thứ lao động có ích, căn bản cho sự tồn tại của con người đã được Marx nhắc đi nhắc lại nhiều lần ngay trong Tư bản:

“Ở đâu mà nhu cầu buộc người ta phải có quần áo thì ở đấy người ta đã may quần áo trong suốt mấy nghìn năm trước khi có người trở thành thợ may. Nhưng dù đó là áo hay vải, hay nói chung bất cứ một thứ yếu tố nào của cái vật chất không có sẵn trong thiên nhiên, thì bao giờ nó cũng do một thứ sản xuất đặc biệt, có mục đich tạo nên bằng cách làm cho những vật chất khác nhau trong thiên nhiên thích ứng với những nhu cầu nhất định của con người. Do đó, với tư cách là kẻ sáng tạo ra giá trị sử dụng, là lao động có ích, thì lao động là một điều kiện tồn tại của con người không phụ thuộc vào bất kỳ hình thái xã hội nào, là một sự tất yếu tự nhiên vĩnh cửu làm môi giới cho sự trao đổi chất giữa con người và tự nhiên, tức là cho bản thân sự sống của con người” (TBI/1, tr.61)

Tính chất phổ quát của lao động mang tính nhân loại ấy đã được Marx mô tả rõ hơn về mặt nội dung:

“Đầu tiên, dù các loại lao động có ích có khác nhau như thế nào, đó là một hiện tượng sinh lý nghĩa là chúng là chức năng của cơ thể con người, mỗi chức năng dù bản chất và hình thái thế nào, chủ yếu là sự tiêu phí về não, thần kinh, cơ bắp…Thứ hai, đối với cái tạo ra cơ sở cho sự quy định có tính định lượng về giá trị, tức là sự kéo dài của sự chi phí đó, hoặc đại lượng của lao động thì đã có sự khác biệt rõ ràng giữa đại lượng và chất lượng của nó. Trong mọi trạng thái xã hội, thời gian lao động chi phí để sản xuất ra các phương tiện sinh sống tất yếu buộc phải là một vật thể có ích cho con người dù không có ý nghĩa như nhau trong các quá trình phát triển khác nhau. Và cuối cùng, từ lúc con người lao động qua lại với nhau thì lao động của họ đã đảm nhận một hình thái xã hội.” (TBI/1, tr. 97)

Rõ ràng là trong quy định xã hội cần thiết “cho bản thân sự sống của con người”, “không phụ thuộc vào bất kỳ hình thái xã hội nào”, con người chỉ sản xuất ra những sản phẩm tiêu dùng trực tiếp cho nhau chứ không sản xuất ra hàng hoá như một vật thể chỉ với mục đích trao đổi bởi vì những giá trị sử dụng không thể đối diện với nhau như hàng hoá. Trong sự quy định xã hội ấy vẫn có phân công lao động nhưng, như trong xã hội thời cổ, sản phẩm không trở thành hàng hoá. Chỉ trong xã hội hàng hoá có sự khác nhau về chất giữa các lao động độc lập với nhau, giữa những chủ thể sản xuất độc lập với nhau mới phát triển thành một hệ thống phân công lao động xã hội nhiều ngành ở đó những sản phẩm của những lao động tư nhân độc lập với nhau và không phụ thuộc vào nhau mới đối diện với nhau như những hàng hoá (TBI/1, tr.61).

Xét về mặt lập luận của Marx, chúng ta cần ghi nhận điều sau đây: tất cả những thuộc tính phổ quát về lao động nói trên đều có thể tìm thấy trong hình thái sản xuất hàng hoá như một hình thái biểu hiện đặc thù, nhưng do hình thái sản xuất này là một hình thái đặc thù cho nên tính chất phổ quát ấy cũng đã biểu hiện ở đó dưới một hình thái đặc thù – cái biểu hiện bên ngoài đã trở thành đối lập với cái yếu tính bên trong của nó. Cũng chính vì vậy mà Marx đã phát hiện ra hình thái mâu thuẫn khác tiềm ẩn trong trao đổi hàng hoá: “lao động của những tư nhân mang hình thái của cái đối lập với nó là lao động mang hình thái xã hội trực tiếp”. Nói cách khác mối quan hệ giữa những tư nhân độc lập trong xã hội hàng hoá thực chất cũng là mối quan hệ xã hội do cái xã hội hàng hoá ấy quy định: hình thái biểu hiện tư nhân trong lao động ở đây vẫn mang nội dung xã hội của lao động nhưng dưới hình thái đối lập.

Quy luật giá trị, tiền và tư bản

Tất cả những tính chất trừu tuợng và mâu thuẫn chứa đựng trong sản phẩm lao động mang hình thái hàng hoá trong xã hội hàng hoá, khi đi vào chu kỳ lưu thông trên thị trường tư bản chủ nghĩa đã được Marx cô đọng lại trong một quy luật nền móng và gọi là “quy luật giá trị”: từ hình thái trừu tượng trong trao đổi, lưu thông, giá trị khi biểu hiện thành hình thái cụ thể của nó là đại lượng giá trị thì chính đại lượng giá trị ấy sẽ điều tiết quan hệ trao đổi hàng hoá đó, chứ không phải là ngược lại (TbI/1, tr. 87). Tính chất trừu tượng, tự động của giá trị dưới hình thái đại lượng giá trị đã giữ vai trò chi phối thị trường.

Điều này bộc lộ khá rõ rệt khi giá trị biểu hiện thành hình thái tiền tệ. Theo sự phân tích của Marx, từ hình thái giá trị kết tinh của lao động trong trao đổi đơn giản, bước sang những hình thái trao đổi mở rộng, một hàng hoá nào đó có thể xuất hiện đại diện cho một hình thái ngang giá chung, hình thái này từ chỗ tìm được một chất liệu thích hợp quý hiếm để đại diện (vàng, bạc…) về sau có thể vượt lên trên mọi vật thể cụ thể để trở thành hình thái tiền trên danh nghĩa, tiền trên ý niệm (tiền giấy, tín dụng…).

Dưới hình thái thuần tuý ý niệm này, trong lưu thông, tiền với tư cách là đại diện cho giá trị, đã có điều kiện để tách khỏi mọi ràng buộc với những quy trình sản xuất để chuyển từ hình thái này sang hình thái khác “nhưng không bao giờ mất đi trong cuộc vận động ấy, và như vậy là nó biến thành một chủ thể tự động.” [TBI/1, tr. 201]. Tự động, đó cũng là một khái niệm mà Marx đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần để chỉ định tính chất tự bành trướng, tự vận động, thoát khỏi mọi toan tính chủ quan của con người, nhất là khi tiền đã được tập trung vào tay những chủ thể tư nhân để biến thành tư bản, sử dụng trong việc đầu tư để sản xuất và tái sản xuất.

Trong trường hợp này với tư cách là tư bản, tiền đã lưu thông như một mục đích “tự nó” trong cuộc vận động không ngừng để làm tăng thêm giá trị cho tư bản và như vậy đã làm cho sự vận động của tư bản trở thành sự vận động “không giới hạn” (TBI/1, tr. 199). Đoạn văn sau đây của Trần Hải Hạc đã mô tả tính chất tự thân vận động của tiền như sau:

“Với sự phát triển của tư bản cổ phần hoá và sự hình thành của thị trường chứng khoán, tư bản tách đôi và tồn tại dưới hai mặt: một mặt là “tư bản thật” là tư bản đầu tư trong quá trình sản xuất và lưu thông hàng hoá ; mặt kia là “tư bản giả” là tư bản biểu hiện trong chứng khoán có giá, tức cổ phiếu và trái phiếu. Về danh nghĩa, tư bản giả là “bản sao” của tư bản thật, song giá trị của tư bản giả không tuỳ thuộc vào giá danh nghĩa của chứng khoán, mà vào giá mua bán của nó trên thị trường. Thị trường chứng khoán này mang tính chất đầu cơ theo nghĩa nó phản ánh những dự đoán về biến đổi lên xuống của tỷ suất lợi tức và mức cổ tức có thể thu được trong tương lai : thị giá chứng khoán hình thành từ hoạt động mua bán của những người tìm kiếm chênh lệch thị giá. Cho nên tổng số tư bản giả có thể lớn hơn hay thấp hơn nhiều lần tổng số tư bản thật. Tư bản giả có tuần hoàn riêng, không phụ thuộc vào tuần hoàn của tư bản thật, và hình như có thuộc tính tự nhiên tăng giá trị một cách độc lập với quá trình thật tạo ra giá trị thặng dư. Từ đó mà chủ nghĩa tư bản hình thành một nền kinh tế ảo tách rời hoàn toàn nền kinh tế thực, và – ngoài những thời điểm “bong bóng xà phòng” vỡ tung – tư bản chứng khoán trở nên vật thần bí được xã hội sùng bái nhất [Trần Hải Hạc: “Học thuyết Marx, Đảng Cộng sản Việt Nam và vấn đề bóc lột””, Thời Đại Mới số 8, 2003 ].

Phải nói về khái niệm giá trị thặng dư rất quan trọng được nhắc đến, bởi vì thực chất đó chỉ là sự phát triển lôgích của khái niệm “giá trị” hàng hoá đã phân tích ở trên khi từ những quy định xã hội của hình thái sản xuất vật phẩm tiêu dùng chuyển sang hình thái sản xuất hàng hoá để trao đổi. Trong những hình thái xã hội trước tư bản chủ nghĩa vẫn có tình trạng bóc lột lao động thặng dư của một lớp người này với những lớp người khác, nhưng sự bóc lột ấy đã diễn ra theo phương thức tước đoạt sản phẩm cụ thể hoặc thời gian tiêu phí sức lao động cụ thể chứ không diễn ra dưới hình thái giá trị trừu tượng như trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Trong xã hội này, sức lao động của con người đã trở thành một thứ hàng hoá có thể mua được trên thị trường (gọi là thị trường lao động) mà những đơn vị tư nhân sản xuất (cá thể hoặc tập đoàn) kết hợp với tư bản (biểu hiện ở đây là tư liệu sản xuất) để tạo ra lao động thặng dư dưới hình thái giá trị. Ở đây không phải chỗ để chúng ta đi sâu vào những phương thức khai thác lao động thặng dư (tuyệt đối và tương đối) mà chỉ muốn nhấn mạnh đến tính chất tước đoạt dưới hình thái trừu tượng đã phân tích: đó là sự bòn rút sức lao động mà những chủ thể sản xuất đã mua và sử dụng như một sức chi phí đồng nhất, để làm tăng lên một cách “tự động” và “không giới hạn” đại lượng giá trị đã vật thể hoá trong tư bản. Và đó chính là phương thức bóc lột lao động theo “quy luật giá trị” riêng biệt của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Những tính chất cốt tử của chủ nghĩa tư bản

Những tính chất ấy bây giờ đã có thể bộc lộ tổng hợp qua những gì Marx đã trình bày về khái niệm “quan hệ xã hội”, thể hiện trong cơ chế sản xuất đặc thù về hàng hoá và mối quan hệ của cơ chế ấy với những chủ thể sản xuất gắn liền với nó.

Có thể khẳng định cơ chế sản xuất ấy chính là sự mô tả đảo ngược lại về mặt ý nghĩa cái ẩn dụ bàn tay vô hình mà những nhà kinh tế cổ điển đã coi là hiệu nghiệm để tăng của cải tổng thể hàng năm cho một dân tộc. Cơ chế đó đã vận hành theo những quy luật của riêng nó, tự động tạo ra động lực, tự động tăng trưởng không cần đến sự can thiệp bằng ý chí chủ quan của con người. Marx đã khai triển tính chất đặc biệt đó của cơ chế thị trường để nhắc đi nhắc lại không ngớt những hành vi “không ý thức” của những chủ thể sản xuất suốt trong quy trình sản xuất hàng hoá.

Điều này biểu hiện ngay trong công việc trao đổi giản đơn khi những người sản xuất tư nhân không hề nhận thức được – nhưng trong thực tế thì vẫn hành động như vậy – rằng “những sản phẩm của họ là ngang hàng với nhau với tư cách là những giá trị, nên họ coi những lao động khác nhau của họ là ngang hàng với nhau với tư cách là lao động của con người” (TBI/1, tr.100). Giá trị ở đây như vậy đã được thừa nhận một cách vô ý thức để làm cơ sở cho hành động trao đổi. Ngay cả khi tính chất giá trị của sản phẩm được khẳng định qua những đại lượng giá trị, những đại lượng này thay đổi không ngừng cũng đưa đến hậu quả tương tự: không tuỳ thuộc vào nguyện vọng, dự kiến và hoạt động của những người trao đổi sản phẩm, điều đó đã khiến họ xem những “ hành vi xã hội của bản thân họ mang hình thái hành vi của những vật thể, chúng điều khiển họ thay vì bị họ điều khiển” (TBI/1, tr. 101).

Những chủ thể sản xuất với tư cách là những con người xã hội, bằng lao động, khách thể hoá sức sáng tạo của bản thân, tự biểu hiện trong những sản phẩm do mình làm ra, những con người đó trong cơ chế hàng hoá đã trở thành những đinh ốc của một guồng máy không những không cần con người điều khiển mà còn điều khiển lại con người. Sự cân bằng tự động của thị trường mà những nhà kinh tế cổ điển coi như một tiền đề mang đến hiệu quả không cần đến mọi hình thức can thiệp bên ngoài, đối với Marx thực tế chỉ là tác dụng của những cuộc cạnh tranh thông qua sự cọ xát nội tại của quy luật giá trị, kết quả đưa đến sự cân bằng xảy ra với những người đảm nhiệm sản xuất “như một thứ quy luật tự nhiên mù quáng”, tự nó tìm được cách triệt tiêu những sai lệch và đi xuyên qua những biến động ngẫu nhiên của nền sản xuất vô chính phủ (TBIII/2, tr. 512).

Quyền lực của nhà tư bản trong cơ chế đó không phải là quyền lực của con người mà là quyền lực của một hiện thân nhân cách (personnification) của tư bản. Là sản phẩm của quan hệ hàng hoá tư bản chủ nghĩa, họ đã bị cơ chế sản xuất ấy tước hết nhân cách để trở thành một hình thái vật thể mang dáng vẻ nhân cách. Họ đã mất đi hoàn toàn những hào quang trước đây của những người chủ xã hội mang mặt nạ những lãnh chúa chính trị và thần quyền thời tiền tư bản chủ nghĩa để trở thành những đại biểu vật thể hoá cho một hình thái xã hội vô danh, mù quáng chạy theo giá trị trừu tượng, tự thân (tiền) để định nghĩa vị trí thống trị của mình.

Vấn đề vai trò của những cá nhân với tư cách là con người đã mang ý nghĩa của những sinh thể lệ thuộc vào những quy định xã hội một cách hoàn toàn vô ý thức. Trong xã hội phi hàng hoá, cá nhân là biểu hiện của xã hội một cách trực tiếp, nên không tách rời cái cuống rún xã hội của nó. Trong xã hội tư sản cá nhân bị tách khỏi cộng đồng, trở thành những cá nhân biệt lập, tự trị, sản xuất ra hàng hoá, qua trao đổi hàng hoá xác lập mối quan hệ xã hội với nhau. Hàng hoá cùng với cái định chế sản xuất hàng hoá đã trở thành một thứ trung gian ngăn cản mối quan hệ trực tiếp giữa những cá nhân. Tính chủ thể của những tư nhân độc lập, có ý thức và tự do để chọn lựa ý nghĩa cho hành động của mình, trong cơ chế ấy chỉ là ảo tưởng.

Những mâu thuẫn sinh tử trong chế độ tư bản

Những mâu thuẫn trong phương thức sản xuất hàng hoá đã chứa đựng trong chính cái tế bào tạo nên xã hội hàng hoá. Bản thân hàng hoá đã là biểu tượng của một hình thái xã hội lịch sử đặc thù. Tính chất bình đẳng về lao động chứa đựng trong nó chính là dấu tích của một thời kỳ mà khái niệm bình đẳng giữa người và người đã trở thành bình thường “đối với định kiến của nhân dân”. Nó ra đời trong thời kỳ quan hệ trao đổi của con người đã mở rộng khỏi những khu biệt của các địa phương tự trị. Nó cũng chứa đựng tiềm năng của một sức sản xuất (bao hàm trình độ khoa học, phát minh) đã bước qua các phương thức thủ công để trở nên một nền sản xuất cơ giới hùng mạnh, có điều kiện thuận lợi tích tụ vốn liếng để đưa sản xuất lên mức phát triển phổ biến.

Nhưng cũng trong hình thái đặc biệt đó, hàng hoá đã chứa đựng những mặt đối lập tiềm tàng để dẫn tới những cơn co giật, khủng hoảng định kỳ. Ngoài những so le về thời gian giữa mua và bán, sự thiếu đồng bộ, cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ (đưa tới sản xuất thừa), ngoài sự thoát ly khỏi thực tế dưới hình thái “tiền tệ-ý niệm” để giá trị bay vào những cuộc đầu tư hư ảo (kinh tế “bong bóng”), Marx đã khai thác một cách triệt để cái mâu thuẫn đối lập giữa giá trị sử dụng với giá trị, biểu hiện cho sự mâu thuẫn đối lập giữa lao động cụ thể với lao động trừu tượng, để phát triển thành sự mâu thuẫn giữa lao động với điều kiện lao động, trong đó con người chỉ đóng vai trò những đại biểu nhân cách cho những mâu thuẫn đối lập của lao động với tư bản.

Xét trên tổng thể của cơ chế hàng hoá thì sự đối lập này mới đóng vai trò quyết định đối với sự tồn vong của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vì nó đụng chạm trực tiếp đến sự tồn tại của đời sống con người. Từ sự trao đổi giản đơn dẫn đến sự hình thành nên cái cơ chế sản xuất hàng hoá trừu tượng, tự động bành trướng xảy ra bên ngoài ý thức con người, biểu hiện trong mối quan hệ xã hội tư bản chủ nghĩa, với Marx, là sự phát triển của cái cơ chế sản xuất đi ngược lại tất cả những tiền đề về bản chất con người với tư cách là những chủ thể của những sản phẩm tự mình sáng tạo ra, sự mâu thuẫn trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chính là sự mâu thuẫn giữa cụ thể và trừu tượng, giữa cá nhân và xã hội, giữa máy và người, giữa cái biểu hiện hư ảo và cái yếu tính đích thực. Đó chính là mối quan tâm xuyên suốt quá trình suy tưởng của Marx về lịch sử của con người.

Trong cái cơ chế sản xuất hàng hoá tư bản chủ nghĩa ấy, không có ai còn được là người vì tất cả đều đã trở thành những cái máy cục bộ phục vụ cho một cái máy tổng thể. Nhưng dù sao thì trong guồng máy ấy, những nhà tư sản với tư cách là hiện thân của tư bản, tuy chỉ là những cá nhân độc lập hư ảo, tồn tại bấp bênh trong cạnh tranh (có thể phá sản), họ vẫn đứng về phía hưởng lợi vì giữ được vị trí ông chủ của toàn bộ quy trình sản xuất. Trái hẳn với những công nhân đảm nhiệm công việc sản xuất trực tiếp: trong guồng máy sản xuất đó, sức lao động thặng dư của họ đã bị khai thác dưới hình thái giá trị trừu tượng, làm phình ra một cách “vô giới hạn” cho tư bản vốn cũng là thành quả lao động của bản thân họ, cho nên trong cơ chế sản xuất đó, tính chất người của họ đã bị triệt tiêu, dù mức sống của họ có được nâng cao đến thế nào đi nữa – trong bất cứ tình trạng sức sản xuất nào, bất cứ sự thắng lợi nào trong đấu tranh mà họ đã giành được từ chủ tư bản.

Với lý luận về giá trị thặng dư của Marx, công nhân là đại biểu nhân cách cho lao động làm ra tất cả của cải cho chế độ tư bản, nhưng vai trò của họ trong guồng máy sản xuất tư bản chủ nghĩa đã bị hạ xuống những nô lệ mới cho một hình thái bóc lột của thời đại cơ giới, một thời đại bị bao phủ khắp nơi bởi tính chất lạnh lùng phi nhân tính của nó. Công nhân được nuôi sống chỉ để duy trì sự tồn tại của mình giống như việc nhà tư bản cho cỗ máy của họ ăn dầu, ăn mỡ để có thể vận hành. Cùng một ý đó, Marx diễn tả bằng một hình ảnh khác cũng gây ấn tượng như vậy:

“Bằng việc mua sức lao động, nhà tư bản đã kết hợp bản thân lao động với tư cách là một chất men sống vào những yếu tố chết cấu thành sản phẩm, cũng thuộc về hắn ta. Theo quan điểm của hắn, quá trình lao động chỉ là việc tiêu dùng thứ hàng hoá mà hắn đã mua, tức là sức lao động, nhưng hắn chỉ có thể tiêu dùng được sức lao động đó với điều kiện là đem các thứ tư liệu sản xuất kết hợp với sức lao động ấy. Quá trình lao động là một quá trình diễn ra giữa những vật mà nhà tư bản đã mua, giữa những vật thuộc về hắn. Vì vậy, sản phẩm của quá trình đó thuộc về hắn, hoàn toàn cũng giống như sản phẩm của quá trình lên men trong hầm rượu nho của hắn” (TBI/1, tr. 240).

Trong xã hội hàng hoá tư bản chủ nghĩa, bản thể giá trị trong hàng hoá như vậy đã bao hàm những mâu thuẫn gay gắt giữa lao động và tư bản. Tất cả những biện luận của Marx về chủ nghĩa tư bản tổng thể đều xoay quanh mối quan hệ giữa C ( tư bản) và v (sức lao động) – dù cho mối quan hệ ấy diễn ra là C=c+v (Tư bản ban đầu=tư liệu sản xuất+chi phí cho sức lao động) hoặc hoặc C’=c+v+m (Tư bản sau khi lưu thông=tư liệu sản xuất+chi phí cho sức lao động+giá trị thặng dư). Có thể cho rằng tất cả cuộc vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là sự vận động đối nghịch, thống nhất giữa C và v. Chính từ mối quan hệ C và v ấy Marx đã đưa ra rất nhiều biện luận về những chuyển hoá, những biểu hiện khác nhau trong quá trình vận động của tư bản (giá trị thặng dư chuyển hoá thành lợi nhuận…), từ đó giả định hàng loạt những bất ổn dẫn đến chỗ tự huỷ (thí dụ như quy luật gọi là “tỷ suất lợi nhuận có xu hướng giảm xuống”).

Nhưng cũng chính vì vậy mà tất cả đều dồn hết vào cái mâu thuẫn căn bản mà chúng ta đã biết là mâu thuẫn về mặt con người trong một cơ chế sản xuất máy móc, phi nhân tính: con người cụ thể trong lao động cụ thể, lao động sáng tạo những sản phẩm có ích cho bản thân đời sống, hiện thân nơi những công nhân với tư cách là con người, sẽ vùng lên đòi lại những gì mà phương thức sản xuất hàng hoá tư bản chủ nghĩa đã lấy mất của mình, sau đó sẽ thừa kế tất cả những thành tựu của phương thức sản xuất ấy để tạo ra một hình thái xã hội mới, ở đó sẽ không còn có sự đối lập giữa tư bản và lao động, những quy định xã hội không còn sản sinh ra cơ chế hàng hoá cản trở mối quan hệ trực tiếp giữa những con người với tư cách là những chủ thể sản xuất nữa. Cái chìa khoá lịch sử trong lập luận của Marx vì thế cũng chính là cái khả năng chuyển hoá của xã hội hàng hoá với tư cách là một hình thái lịch sử.

Một hình thái xã hội sinh thành sau đó có mang tính hiện thực hay không, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa có sụp đổ từ những nền móng của nó hay không, giai cấp xã hội hiện thân cho lao động có tập hợp lại giải thoát những điều kiện lao động phi nhân tính hay không, ở đây không phải chỗ để chúng ta bàn luận mà qua đó chỉ muốn làm hiển lộ cái lôgích mà Marx đã sử dụng để đi tới những giả định về sự giải phóng chung cuộc của lao động đối với sự thống trị của tư bản: tất cả đã bắt đầu trong sự mâu thuẫn giữa giá trị sử dụng và giá trị, nội tại trong bản thân hàng hoá, mâu thuẫn ấy cũng chính là mâu thuẫn giữa các quy định xã hội khác nhau về lao động: lao động với tư cách là thuộc tính của con người chủ thể của sản phẩm mình làm ra đối lập với hình thái lao động biểu hiện cho sự đánh mất tính chủ thể của con người đối với sản phẩm trong điều kiện phương thức sản xuất hàng hoá đã giữ vai trò “chi phối” quá trình phát triển của lịch sử.

Bái vật giáo hàng hoá

Sự mô tả cái lôgích của xã hội hàng hoá tư bản chủ nghĩa theo quan điểm của Marx cũng bao hàm ý nghĩa là sự phê phán của ông từ nền móng đối với sự tồn tại của những quy định xã hội đã nâng đỡ cho xã hội hàng hoá, và sự phê phán ấy cũng đương nhiên nhắm vào những thứ lý luận tư sản biện hộ cho hình thái xã hội hàng hoá đó.

Đối với những ý kiến về giá trị lao động của những nhà kinh tế cổ điển Marx xem đó là “khoa học”, vì họ đã nhìn ra được rằng “quy định đại lượng giá trị bằng thời gian lao động là sự vận động ẩn dấu sau sự vận động biểu kiến của giá trị tương đối của các hàng hoá”. Marx cho rằng đó là một bước tiến về lý luận nhưng đẩy vấn đề đi tới nữa là không dễ dàng vì theo ông, trong khi lưu thông, hàng hoá đã tạo ra tính chất vững chắc mang hình thái tự nhiên, bất di bất dịch của nó. Muốn phân tích khoa học thì phải đi từ hiện tượng biểu hiện truy ra yếu tính. Nghĩa là phải từ phân tích giá cả hàng hoá dẫn đến xác định đại lượng của giá trị, từ biểu hiện chung bằng tiền của hàng hoá dẫn đến chỗ cố định được tính chất giá trị của hàng hoá.

Nhưng cũng chính từ những khó khăn đó, Marx đã nêu ra tính chất nửa vời trong phát kiến nói trên của những nhà kinh tế cổ điển: do “tuyệt nhiên không phá tan được cái vỏ vật thể bên ngoài của tính vật chất xã hội của lao động” ( TBI/1, tr. 100), nên những nhà kinh tế cổ điển đã không thể nào vượt qua khỏi những khó khăn khi đối diện với cái hình thái hoàn chỉnh của thế giới hàng hoá biểu hiện thành tiền, nó đã “ che giấu tính chất xã hội của các lao động tư nhân vào đằng sau lưng các vật, và do đó che giấu cả những quan hệ xã hội của những người lao động tư nhân” trong khi đó thì đáng lẽ ra cần “phải bóc trần những quan hệ ấy” (TBI/1, tr.102).

Điều bí mật mà Marx gợi ra ở đây và cho rằng kinh tế cổ điển không khám phá được chính là “cái tính chất xã hội đặc thù của lao động xuất hiện như là tính chất vật thể của bản thân các sản phẩm” mà nội dung không có gì khác hơn là “mối quan hệ xã hội của các lao động tư nhân tiến hành một cách độc lập” đàng sau giá trị của hàng hoá. Nhưng dù bị giới hạn kinh tế cổ điển vẫn mang ý nghĩa một tiến bộ về nhận thức, điều đó không giống với tình hình của đông đảo những người đảm nhiệm sản xuất trong xã hội hàng hoá, trong xã hội này, mối quan hệ xã hội tư nhân mà ta đang nói tới là do chính họ làm ra, nhưng lại xuất hiện trong ý thức của họ như “một hình thái kỳ ảo của các vật”, tức là hình thái của những cái ảo mà sự múa may tự động của chúng đã làm cho người ta tưởng là thực.

Marx đã nói đến “tính chất bái vật giáo của hàng hoá” để chỉ tình trạng ấy và chúng ta thấy ông đã sử dụng hàng loạt những thuộc tính đi kèm lặp đi lặp lại nhiều lần như: thần bí, kỳ lạ, siêu hình, bóng ma, kỳ quái, đám mây mù v.v… đầy ấn tượng để diễn tả. Ý nghĩa của những khái niệm ấy là gì trong lập luận của Marx về xã hội hàng hoá? Để làm sáng tỏ điều này Marx viết:

“Muốn tìm được một sự tương đồng, chúng ta buộc phải nhờ đến những vùng sương phủ của thế giới tôn giáo. Trong cái thế giới này, những sản phẩm của bộ óc con người xuất hiện như những thực thể được ban cho sự sống, chúng thiết lập quan hệ giữa chúng với nhau lẫn với loài người. Cũng giống như vậy trong thế giới của hàng hoá với những sản phẩm do bàn tay con người tạo ra. Tôi gọi đó là tính chất bái vật giáo nó gắn kết bản thân nó với sản phẩm của lao động, ngay khi những sản phẩm này được sản xuất ra như những hàng hoá và như vậy là không tách rời khỏi sự sản xuất ra hàng hoá” (TBI/1, tr. 98).

Qua sự so sánh trên đây, chúng ta có thể hình dung cái vật thể vật chất hoá cho mối quan hệ xã hội sản xuất hàng hoá chính là một vật thể không có sinh mệnh tự thân mà chỉ là sự hiện thể hư ảo của một thực thể khác, tuy không thấy được nhưng lại mang ý nghĩa một bản thể mà chúng ta đã biết: đó chính là cái quan hệ xã hội có nội dung đặc biệt là “mối quan hệ xã hội của các lao động tư nhân tiến hành một cách độc lập đàng sau giá trị của hàng hoá”. Những nguời sản xuất trong xã hội hàng hoá, bằng gíác quan của mình, chỉ thấy được hình thái hàng hoá tự trị vận động như một thực thể tự nhiên đại biểu cho toàn bộ thế giới hàng hoá, không cần biết (vì không thấy được) cái đàng sau, cái yếu tính của nó là gì.

Với hình ảnh cái màn sương phủ trong tôn giáo diễn đạt tính chất bái vật giáo của hàng hoá, Marx đã nêu lên tính chất nghịch lý hàm chứa trong cái bí ẩn, siêu hình của hàng hoá: là một vật thể cụ thể, lĩnh hội được bằng giác quan nhưng thực tế đó chỉ là sự biểu hiện huyễn hoặc của một thực thể trừu tượng không thấy được nhưng mang tính bản chất là mối quan hệ xã hội tư nhân trong sản xuất và trao đổi: tính chất cụ thể có thể thấy được của hàng hoá vì vậy chỉ là sự cụ thể hư ảo vì đã bị trừu tượng hoá khỏi cái yếu tính có ý nghĩa tổng thể về xã hội dựa trên đó nó mới biểu hiện được như một cụ thể đích thực. Chúng ta hiểu tại sao trong điều kiện bị tuyệt đối hoá đó, hàng hoá đã trở thành một bái vật, có sức mạnh ma thuật tác động và sai khiến lại con người.

Làm sao để giải thoát ra khỏi cái “đám mây mù” che phủ lên cái bái vật ấy khiến cho nó phải bộc lộ bản chất đích thực trước ý thức của chúng ta ? Để làm được công việc giải hoặc này, Marx đề nghị chúng ta rời khỏi mảnh đất xã hội hàng hoá để chuyển sang một số hình thái sản xuất khác trong đó có hai hình thái đã xuất hiện trong quá khứ có thể quan sát được:

Một là hình thái xã hội thời trung cổ ở đó lao động là diêu dịch (corvée, compulsory labor). Trong xã hội này “mối quan hệ lệ thuộc cá nhân cấu thành cơ sở xã hội, nên lao động và sản phẩm không phải mang một hình thái hư ảo khác với sự tồn tại hiện thực của chúng” (TBI/1, tr. 104). “Ở đây hình thái xã hội trực tiếp của lao động chính là hình tháí tự nhiên của nó, là tính đặc trưng của nó, chứ không phải là tính phổ biến của nó như trong một xã hội dựa trên cơ sở sản xuất hàng hoá” (TBI/1, tr. 104). Thời gian lao động sản xuất ra sản phẩm là sự chi phí một lượng lao động nhất định sức lao động của cá nhân. “Dù cho những cái mặt nạ đặc trưng mà con người thời trung cổ đã mang trong khi quan hệ với nhau được đánh giá như thế nào, các quan hệ xã hội giữa người và người trong trong lao động vẫn cứ biểu hiện ra ở đây như là những quan hệ cá nhân của bản thân họ, chứ không phải nguỵ trang thành những quan hệ xã hội của các vật của các sản phẩm lao động” (TBI/1, tr. 104).

Một hình thái sản xuất khác là nền sản xuất gia trưởng nông thôn. Ở đây, những sản phẩm khác nhau là kết quả của lao động gia đình chứ không phải hàng hoá. Có sự phân công tự phát để thực hiện những công việc tự nhiên và sự tiêu phí lao động cá nhân ở đây được đo bằng thời gian thể hiện tính quy định xã hội của các công việc: lao động cá nhân được quan niệm như những khí quan của một sức lao động chung trong một hình thái lao động được xã hội hoá một cách trực tiếp (TBI/1, tr.105). Trong những hình thái sản xuất này, cá nhân vẫn là những đơn vị đặc thù nhưng là những cá nhân mang tính xã hội, một thành phần của một tổng thể xã hội chứ không phải là những cá nhân độc lập không có thực chất, quan hệ với nhau qua các vật thể trung gian để thể hiện tính xã hội của mình.

Ngoài một số hình thái thuộc về quá khứ, Marx cũng hình dung ra một hình thái sản xuất giả định và gọi đó là “liên minh những người tự do”, ở đây những cá nhân mang tính cộng đồng, từ đầu góp phần lao động riêng vào một sức lao động xã hội duy nhất, qua hoạt động đó khẳng định vị trí cá nhân của mình.

Trong hình thái xã hội này, tư liệu sản xuất là của chung, những cá nhân tiêu phí sức lao động cá nhân một cách tự giác, coi đó là một sức lao động xã hội duy nhất. Lao động cá nhân diễn ra theo tính quy định trên quy mô xã hội chứ không phải quy mô cá nhân.Tất cả những gì của cá nhân đều thuộc cá nhân, được quyền tiêu dùng trực tiếp những sản phẩm làm ra. Nhưng do toàn bộ các sản phẩm cá nhân làm ra từ bản chất là sản phẩm xã hội, cho nên ngoài phần trích ra làm tư liệu sản xuất, phần còn lại sẽ chia cho cộng đồng như tư liệu sinh hoạt. Sự phân chia này thay đổi tuỳ theo cơ cấu sản xuất xã hội, tuỳ theo trình độ phát triển, nhưng theo nguyên tắc lấy thời gian lao động làm tiêu chuẩn. Việc phân phối thời gian này sẽ theo một kế hoạch xã hội “quy định một cách đúng đắn giữa các chức năng lao động khác nhau và các nhu cầu khác nhau”. Mặt khác, thời gian lao động sẽ là chuẩn mực để đo phần tham gia của cá nhân vào lao động chung, căn cứ vào đó thu nhận sản phẩm tiêu dùng (TBI/1, tr. 106).

Tính chất trực tiếp của mối quan hệ giữa người sản xuất trong những hình thái xã hội kể trên đã biểu hiện thật rõ ràng và tất cả đều có thể xem như những xã hội phi hàng hoá – không thể nào hiểu nào khác đi về mặt lôgích của văn bản –, trong những hình thái xã hội này, quan hệ lao động nào cũng mang tính xã hội, nhưng quan hệ lao động trong xã hội phi hàng hoá là quan hệ xã hội trực tiếp giữa bản thân họ chứ không phải nguỵ trang qua những quan hệ xã hội của các vật do họ làm ra. Tính chất độc lập của những cá nhân ở đây chính là sự biểu hiện trực tiếp cho yếu tính xã hội vì đó cũng đã mang ý nghĩa của cái đặc thù biểu hiện trực tiếp cái phổ quát, không phải thông qua những hình thái biểu hiện bị trừu tượng hoá làm thành một hình thái trung gian che dấu ý nghĩa đích thực và cụ thể về tính chất độc lập của những cá nhân ấy.

Khoa học hay triết học?

Chủ nghĩa Marx có phải là một khoa học? Qua những gì mà chúng ta đã phân tích thì khó có thể coi chủ nghĩa Marx là một khoa học hiểu theo nghĩa là kết quả nghiên cứu về mối liên hệ thực nghiệm của những hiện tượng, ở đây là những hiện tượng xã hội, trong đó những sự kiện kinh tế đã được đưa lên hàng chính diện như Marx đã thể hiện trong Tư bản: việc phê phán lý luận kinh tế chính trị (cổ điển và tầm thường) và phê phán xã hội hàng hoá tư sản đã bao hàm mục đích lật ngược lại cái lôgích về sự tự thân vận động và phát triển của nó từ đó suy ra một số luận điểm định hướng khả dĩ thay thế nó một cách triệt để về mặt lịch sử.

Xét về mặt phương pháp, thực chất của cái định hướng thay thế ấy hoàn toàn chỉ là những suy lý lôgích về những tiềm thể có thể trở thành hiện thực, không tự thân tồn tại mà đòi hỏi hàng loạt những điều kiện giả định về vận động và thời gian. Nếu chủ nghĩa tư bản cứ lầm lũi dấn mình vào cái quy luật giá trị mang tính chất cơ giới như đã giả định thì tất yếu cái đà dẫn tới chung cuộc như Marx đã vạch ra cho nó là không tránh khỏi. Nếu việc khai thác lao động thặng dư của công nhân cứ diễn ra như cách những ông chủ hiện thân của tư bản đã tiến hành theo kiểu vắt cạn sức lao động của công nhân vô độ như đối với những robot thì tất yếu điều đó sẽ làm trỗi dậy ý thức về nhân phẩm trong bản thân công nhân với tư cách là con người để họ vùng dậy phá tan bộ máy xã hội hàng hoá tư bản chủ nghĩa đã biến họ thành máy như có thời họ đã từng phá những cỗ máy mà các ông chủ tư bản đã giao cho họ vận hành.

Có thể nói cái cách đề cập, phê phán, dự báo của Marx về những hiện tượng kinh tế, xã hội, chính trị trong xã hội hàng hoá tư sản đã vượt khỏi ngưỡng cửa của những hiện tượng thường nghiệm để đi vào những cái vĩ mô và ở đây chính là những hình thái kinh tế-xã hội (đã và sẽ) thay thế nhau diễn ra trong lịch sử. Về mặt này người ta có thể tìm thấy ở Marx nhiều điểm tương đồng với công việc của những nhà thiên văn khi thiết lập những mô hình vũ trụ: dù mô hình nào thì tất cả đều khởi đầu từ một số hiện tượng quan sát được để giả lập ra những hình thái chuyển hoá hoặc vận động (thí dụ như mối liên hệ giữa hiệu ứng Doppler với lý thuyết Big Bang nguyên sơ…) nhưng không hề mang nội dung tất định hoặc được xem đã thành chân lý.

Thật ra sự so sánh ấy có phần không thích hợp lắm vì phương pháp tư duy của Marx rất khác xa với phương pháp của những nhà thiên văn học: ông cố tìm một nguyên lý trừu tượng nào đó xuyên qua những sự kiện quan sát hơn là từ những sự kiện đưa ra những giả thuyết. Đối tượng quan sát của ông lại là thế giới con người, là cái thế giới ông sống với nó, thấm đẫm những yêu ghét, phẫn nộ, bất bình, hy vọng… Trong từng dòng chữ của ông, chỗ nào cũng toát ra những điều cần phải có cho xã hội con người, để con người được sinh tồn trong một thế giới mang tính nhân văn. Những gì mà ông phản bác lại cái thế giới hiện tồn không phải cái gì khác là sự lật ngược để đi tìm một thế giới bên kia hàng hoá, một xã hội hậu kì của thời “tiền sử”, nơi đó con người có điều kiện để trở về được với bản chất của mình, khẳng định mình như chủ thể của những vật thể mình sáng tạo ra.

Sự suy tưởng về một hình thái xã hội cần có cho con người đó đã bộc lộ thật rõ khi Marx phê phán lý luận của kinh tế tư bản chủ nghĩa trong hai chương cuối cùng của bộ Tư bản của ông. Trong những chương sách này, ông đã tập trung vào việc phê phán lý luận kinh tế tư sản gọi là “những yếu tố sản xuất” (tư bản–lợi tức, ruộng đất–địa tô, lao động–tiền công) để khẳng định một lần nữa thật minh bạch quan điểm của ông về lao động tạo ra thế giới con người.

Marx cho rằng “tư bản” không phải là một vật mà là một quan hệ xã hội được biểu hiện trong một vật và đem lại cho vật đó một tính chất xã hội đặc thù. Đó là những tư liệu lao động đã chuyển hoá thành tư bản, những sản phẩm kết quả của hình thái khai thác lao động thặng dư bị độc chiếm. Tư bản là một hình thái xã hội nhất định bị thần bí hoá. “Đất” là giới “tự nhiên vô cơ”, không thể tạo ra giá trị thặng dư mà chỉ tạo ra giá trị sử dụng. Cũng như lao động, đất nằm trong quá trình lao động chung đối với mọi phương thức sản xuất và là yếu tố vật chất của mọi quá trình sản xuất không có liên quan gì với hình thái xã hội của mọi quá trình sản xuất. Đất trở thành tư hữu cũng chỉ là kết quả của độc chiếm mang tính chính trị, quyền lực.

Còn “lao động”, điểm then chốt trong lý luận của Marx đã được lập lại và nói rõ là “sự hoạt động sản xuất của con người nói chung, nhờ nó mà con người thực hiện sự trao đổi chất với giới tự nhiên; sự hoạt động đó không những không mang một hình thái xã hội nào và bất cứ một tính quy định nào, mà đơn thuần thể hiện ra trong sự tồn tại tự nhiên của nó, độc lập với xã hội, đứng ngoài xã hội; và với tư cách là biểu hiện của sự sống và khẳng định của sự sống, nó là chung với cả con người, chưa phải là con người xã hội, lẫn con người đã có được một tính quy định xã hội nào đó” (TBIII/2, tr. 432, Chương XLVIII, “Công thức tam vị nhất thể ”). Quan niệm lao động “biểu hiện sự sống” này, Marx nhắc đi nhắc lại nhiều lần, và cũng căn cứ vào đó nhiều lần để phê phán xã hội hàng hoá phi tự nhiên biến sức lao động thành công cụ cơ giới là hết sức rõ ràng.

Tha hoá hay không tha hoá?

Với sự tổng kết trên đây thì câu hỏi chủ nghĩa Marx có phải là một triết học về lao động hay không có lẽ cũng đã có cơ sở để trả lời. Qua chính những gì Marx đã trình bày. Lao động là bản chất của con người, con người định nghĩa mình bằng lao động, lao động tạo ra xã hội, điều đó con người có được từ buổi sơ khai, khi thoát khỏi thế giới tự nhiên để hình thành nên thế giới văn hoá. Trong xã hội hàng hoá tư bản chủ nghĩa, lao động cũng tiếp tục công việc vĩnh cửu đó nhưng lại diễn ra trong những điều kiện lao động đặc thù ở đó lao động bị biến thành một thứ nô lệ của thời đại cơ giới, bị khai thác như một công cụ phát triển vũ bão về lực lượng sản xuất nhưng lại biến cả xã hội thành một guồng máy, ở đó con người và quan hệ giữa những con người đã bị hạ trật xuống hàng vật thể.

Có thể gọi đó là một thế giới mà lao động của con người đã bị “tha hoá” kéo theo sự “tha hoá” của bản thân con người hay không? Câu hỏi này đã được giới nghiên cứu về Marx, bao gồm các quan điểm khác nhau (marxien, marxiste, marxisant, marxologue … đủ loại) tranh luận từ bao lâu rồi đến nay vẫn chưa ngã ngũ, xoay quanh tiêu điểm nêu ra là: mối quan hệ giữa Marx “trẻ” với Marx “già” là thế nào, liệu có thể lấy những gì trong Marx trẻ để làm nên cái cốt tuỷ cho chủ nghĩa Marx hay là tạo ra một thứ lý luận gọi là đoạn tuyệt hoàn toàn giữa Marx trẻ với Marx già và coi Marx già mới thật sự là Marx, một thứ Marx đã trưởng thành, chín chắn, hoàn toàn cắt đứt với quá khứ duy tâm để trở thành thật sự “duy vật” và “khoa học” v.v… ?

Về mặt học thuật, vấn đề cực kỳ phức tạp, tôi không có ý gợi ra để bàn luận mà chỉ nhân đó đưa ra những gì đã suy nghĩ được trong tìm hiểu để trả lời cho những câu hỏi đã nêu ở trên. Tôi cho rằng dù Tư bản tiêu biểu cho sự phát triển chín muồi của Marx về chủ đề phê phán chế độ tư bản, với những khái niệm mới, những cách diễn đạt mới, nhưng không hề có sự “đoạn tuyệt mang tính khoa học luận” với những gì Marx đã suy nghĩ từ thời còn trẻ vào những năm 1843-1844 (đặc biệt với Bản thảo kinh tế chính trị 1844): trước sau giữa hai thời kỳ suy tưởng vẫn có một sự tiếp nối liên tục về nguồn cảm hứng lẫn dự phóng căn bản. Rõ rệt là trong Tư bản vào năm 1867 và sau đó, Marx đã loại trừ hầu hết cái cách lập luận tư biện cũ, không trực tiếp sử dụng khái niệm “tha hoá” để diễn giải sự kiện công nhân bị vật thể hoá trong cơ chế sản xuất hàng hoá, nhưng điều đó cũng hoàn toàn không có nghĩa là nội dung của khái niệm “tha hoá” không còn chi phối một cách quyết định những sự kiện kinh tế mà Marx đã tập trung mô tả và diễn giải ý nghĩa của chúng.

Ý nghĩa ấy đã bộc lộ trong cái cách thức Marx phê phán những phạm trù kinh tế tư bản chủ nghĩa, quanh co nhưng theo dấu vết của nó chúng ta vẫn có thể nhận ra những cơ sở tiềm ẩn, dàn trải khắp nơi, khởi nguồn từ cái biện chứng tinh thần mà Marx đã thừa kế của Hegel và đã bị dựng đứng lại (TBI/1, tr. 28) theo hướng thực tiễn để giải thích tình trạng lao động bị vong thân thành máy, thành vật trong hình thái sản xuất hàng hoá vận hành theo quy luật giá trị. Để hiểu được điều này, cần phải nhớ rằng Marx đã nhiều lần minh định: chỉ có từ một hình thái xã hội khác, đối lập với xã hội hàng hoá chúng ta mới giải mã được cái “chữ tượng hình” của vật thể bị sùng bái, để sau đó mới có thể nhận ra được tình trạng lao động bị điều kiện lao động “chống lại” như thế nào (TBIII/2, tr. 513) và trong điều kiện lao động ấy, dưới con mắt của những cá nhân độc lập hư ảo, mọi thứ mới có thể trở thành “tự nhiên” như thế nào.

Chính cái biện chứng tinh thần của Hegel đã giúp Marx tìm ra một điểm tựa nguồn cội mang tính “vĩnh cửu” tự thân của con người [in itself / An-sich] để lao động có ý thức, khi đi ra khỏi bản thân tự thể hiện [out of itself / Anderssein], gặp điều kiện biến lao động thành hàng hoá, thì mới có thể thức tỉnh ra tình trạng bị tha hoá, để từ đó có thể hồi tưởng lại cái tiềm thể nội tại của mình, theo đó lần ra được dấu vết của quê hương cũ để trở về [in and for itself / An-und-für-sich]: nếu không có một tiêu điểm, một cái nôi xuất phát quy chiếu cố định mang tính bản chất để làm nền, ở đây là một hình thái xã hội chưa thành hàng hoá, phi hàng hoá thể hiện trong một quy định xã hội chưa làm con người tha hoá thì cuộc dấn thân của lao động vào thế giới hàng hoá sẽ là vong thân vĩnh viễn, con người sẽ đánh mất bản chất của mình vĩnh viễn.

Ngay trong cái xã hội tha hoá này, mối quan hệ giữa yếu tính (hoặc bản chất/essence) và biểu hiện (hoặc hiện tượng/apparence) trong biện chứng của Hegel đã giúp Marx thăm dò đến tận được chiều sâu của mối tương quan quy định giữa giá trị và những biểu hiện của nó: giá trị được xem là yếu tính của quan hệ trao đổi, yếu tính đó sẽ biểu hiện ra những hình thái khác nhau tuỳ theo những bước đi trong diễn trình vận động của nó (giá trị trao đổi, đại lượng giá trị, giá cả, tiền, giá trị thặng dư…). Cái phương pháp truy tìm yếu tính (bản chất) qua những biểu hiện để lý giải ý nghĩa rốt ráo về yếu tính của hiện tượng, Marx nói rõ là ông đã lấy lại của người thầy của ông là Hegel (TBI/1, tr. 28), hoàn toàn ngược lại với cách tiếp cận mô tả và tìm ra những mối quan hệ thường hằng giữa các hiện tượng trong các khoa học hiện tượng và thực chứng.

Tuy vậy cái biện chứng của Hegel đã bộc lộ rõ hơn hết trong cách đặt và lý giải của ông về lý do xuất hiện của xã hội hàng hoá trong quá trình “trở thành” của lịch sử: từ sự tự do đơn giản ở thời bán khai, kinh qua tình trạng nô lệ thời chuyên chế, văn minh, cuối cùng trở về thời kỳ khởi thuỷ với nội dung của một nền tự do đích thực, hoàn thiện, nâng cao hơn. Hiển nhiên với Marx, đó không phải là cái biện chứng của Tinh thần tuyệt đối tự phóng thể ra thế giới hiện thực như một cuộc phiêu lưu để rồi sau đó sẽ thu về trong tình trạng viên mãn, trưởng thành. Marx tuyên bố ông đã thanh toán cái lương tri triết học của mình với Hegel, nhưng đó không phải là sự phủ nhận hư vô mà chỉ là sự đảo ngược lại để mang cho biện chứng ấy một nội dung thực tiễn, biểu hiện trong lao động của con người với những cuộc đi ra khỏi bản thân mà chúng ta đã biết: con người định nghĩa mình bằng lao động, nhưng trong sự phóng thể, làm ra sản phẩm trong cơ chế hàng hoá, sản phẩm của lao động đã trở nên xa lạ và thống trị lại con người, làm cho con người trở thành đồ vật – và trước tình trạng ấy muốn thu hồi lại bản chất của mình, con người không thể trông cậy vào sự tự giác của Tinh thần mà phải tiến hành một cuộc cách mạng tiêu diệt cái điều kiện lao động đã làm cho lao động trở thành nô lệ.

Rõ ràng với Marx bây giờ, Hegel không còn là ảnh hưởng của thời 1843-1844, nhưng cái cảm hứng về một thứ bản thể nguồn cội tự trở về với mình sau một cuộc hành trình đi ra thế giới hiện thực, vẫn còn là của Hegel, chứ không phải ở đâu khác. Không thể diễn giải cách nào khác đi những điều rất hiển nhiên Marx đã trình bày ngay trong Tư bản của ông.

Số phận thăng trầm

Đọc lại Marx lần này, tập trung vào việc phân tích cái tế bào hàng hoá cấu tạo nên phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, qua những khái niệm, những phạm trù biện luận của ông, tôi vẫn thấy không có sai biệt nhiều so với những gì tôi đã suy nghĩ cách đây hơn 15 năm.

Những gì Marx mô tả trong những tác phẩm của ông về đối tượng mà ông nghiên cứu vẫn là những biểu hiện cố hữu của chủ nghĩa tư bản từ lúc phát sinh cho đến ngày nay: sự phát triển vũ bão của lực lượng sản xuất, của cải vật chất dồi dào, khoa học kỹ thuật đột phá vượt bậc, các quy trình liên lạc, thông tin mở rộng, nhất thể hoá mối quan hệ giữa các địa phương, dân tộc, sự hình thành những đô thị lớn cắt đứt với xã hội cổ truyền, cơ chế thị trường tự động vận hành đi chung với quyền tư hữu tài sản, sự cạnh tranh sinh tồn cực kỳ gay gắt, triết lý đồng tiền chi phối đời sống, chủ nghĩa vật chất thực dụng, quyền lực và tài sản tập trung vào một thiểu số những cá nhân hoặc tập đoàn chóp bu giàu xụ chi phối xã hội, thao túng nhà nước, bên dưới là đông đảo những người làm công, những từng lớp lao động không có tư liệu sản xuất, cuộc sống tuỳ thuộc, bấp bênh, bất an… tất cả hợp lại là một thứ chủ nghĩa tư bản vận động qua những chu kỳ xen nhau giữa phát triển và suy thoái, khủng hoảng.

Một thứ chủ nghĩa tư bản với tính chất như vậy không thể không cần được cải tiến, thay đổi, nhất là đối với những từng lớp lao động phải chịu thiệt thòi nhiều nhất. Không phải bằng những khẩu hiệu ảo tưởng về “đạo đức” mà là một cấu trúc mới cho nó về mặt hình thái.

Nhưng qua những biểu hiện hiện thực gay gắt trên trên đây, Marx đã thổi vào một biện chứng vận động mới làm cho thứ chủ nghĩa tư bản đó mang một sinh mệnh được quy định theo cái viễn cảnh triết học tổng hợp của ông: một phương thức nô lệ hoá lao động dưới hình thái trừu tượng, vận hành như một cỗ máy vô tri giác, thu hút lao động con người như thu gom vật liệu, chạy theo sự tăng trưởng của cải vật chất một cách vô độ, mù quáng. Phương thức sản xuất đó chứa đựng tất cả những thuộc tính của chủ nghĩa tư bản, nhưng là một thứ chủ nghĩa tư bản đã được cấu trúc lại xung quanh khái niệm giá trị, tượng hình thành vật thể hàng hoá, biểu tượng của lao động bị tha hoá thông qua hình thái giá trị thặng dư bị tước đoạt một cách “tự động” và “không giới hạn”.

Trong phân tích của Marx, hàng hoá do đó đã hàm chứa tất cả yếu tính huyễn hoặc và trừu tượng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Một mặt là kết quả của lao động phổ biến của con người, hàng hoá mang lại những tiện ích, sự giàu sang cho xã hội nhưng mặt khác là kết quả của lao động bị tha hoá, nó là hiện thân cho một guồng máy xã hội trong đó những người sản xuất trực tiếp đã trở thành những nô lệ của thời hiện đại. Vì thế có thể hình dung sự vận động của cái đống hàng hoá tràn ngập xã hội tư bản như là biểu hiện vật thể sự vận động của lao động bị tha hoá: sự dồi dào về của cải trong xã hội chỉ mang ý nghĩa của một thứ chủ nghĩa vật chất trống rỗng về nhân tính. Đó là tính đặc trưng nhưng cũng lại là tính lịch sử của hình thái xã hội hàng hoá tư bản chủ nghĩa: sự phát triển tột bậc về vật chất của nó cũng chính là sự đối lập tột bậc của nó với tính chủ thể xã hội của con người.

Viễn cảnh giải phóng những người lao động từ đó tất yếu cũng bao hàm nội dung giải phóng toàn nhân loại mà sinh mệnh đã bị cột chặt vào một quy trình sản xuất biến mọi quan hệ xã hội thành những quan hệ vật thể. Và đó cũng là triết học của Marx về tính lịch sử của xã hội hàng hoá tư bản chủ nghĩa, giả định sự phát triển của xã hội hàng hoá đã đạt tới đỉnh điểm tất yếu phải chuyển hoá về chất. Trước sự khai thác lao động tàn khốc vào giai đoạn ban đầu của chủ nghĩa tư bản, do tin tưởng vào dự đoán của Marx về sự diệt vong cận kề của hình thái kinh tế xã hội này, và cũng do những bức xúc về lý luận cần thiết cho các cuộc đấu tranh thực tiễn, trong phong trào chống tư bản đã xuất hiện những thể nghiệm đem tư tưởng của Marx vào thực hành, nhầm lẫn những giả định lôgích trong hệ thống của ông với những định luật tự nhiên, có thể dàn ra thành một cương lĩnh phát triển, coi đó như “cẩm nang” hành động, cố làm cho được bất chấp sự mù mịt của thời gian, những hy sinh vì ảo tưởng, cuối cùng không dẫn đến đâu ngoài sự sụp đổ như một ngôi nhà cao tầng không có chân móng.

Trước tình thế ấy, chủ nghĩa Marx đã bị đưa ra trước toà án tư tưởng và bị coi là tội phạm gây ra mọi sai lầm, đặc biệt là về chính sách bạo lực chuyên chính do chế độ toàn trị nhân danh Marx thực hiện. Với những nạn nhân trực tiếp của chế độ đó thì nội dung của sự phản ứng là tiếng nói “không” khẩn thiết với đói nghèo và thiếu tự do, vì vậy trước mắt họ con đuờng duy nhất cần chọn lựa chỉ có thể là cái ngược lại với những gì mà chế độ toàn trị đã nhân danh Marx để thực hiện, và điều đó cũng có nghĩa là khi phủ nhận Marx thì đương nhiên phải trở về với chủ nghĩa tư bản, bất kể thứ chủ nghĩa tư bản nào. Hoàn toàn không khó giải thích khi trong thực tế đã nẩy sinh xu hướng vồ vập, săn đón vô điều kiện các thứ chủ nghĩa tự do cực đoan, xưa nay quyết liệt chống Marx bằng cách dựa vào những thứ lý lẽ thời Chiến tranh Lạnh, đồng hoá Marx với các chế độ gọi là “xã hội chủ nghĩa hiện thực” nhân danh Marx nói trên.

Với xu hướng thực dụng này, nội dung thực sự trong học thuyết Marx không được đặt ra để phê phán nghiêm chỉnh về mặt văn bản, phương pháp tư duy, những luận điểm dự báo giả định về sự vận động của lịch sử, những ý hướng tich cực và hợp lý còn có thể giữ lại… vì vậy những bài học về sự tiếp thu ý thức hệ vội vã và giáo điều trong quá khứ với những hậu quả tai hại của nó đã không được quan tâm và bị bỏ qua thật dễ dàng, từ đó mở đường cho việc lặp lại những sai lầm cũ về mặt chọn lựa tư tưởng hệ theo chiều đảo ngược cũng khá dễ dàng: một thứ chủ nghĩa tự do cực đoan được giới thiệu ồn ào, cổ vũ cho sự ra đời một mô hình thị trường rừng rú, biện minh cho một cung cách làm ăn chụp giật, vô trách nhiệm… tràn lan vào tất cả mọi lĩnh vực của đời sống…

Về phần những người theo chủ nghĩa tự do cực đoan thì sau một thoáng hả hê vì loại bỏ được kẻ thù không mấy khó khăn, sau đó là một thoáng lo ngại về nguy cơ có thể rơi vào tình thế một con chó lười biếng nằm phơi nắng ở một vĩa hè nào đó do không còn đối tượng chiến đấu, họ liền nhanh chóng nắm lấy thời cơ, mở một cuộc phản công chiến lược, giành quyền thống trị về mặt nhà nước qua đó thao túng tư tưởng và xã hội, thực hiện một đường lối phiêu lưu theo hình mẫu bá quyền cũ bằng chiến tranh và bạo lực, theo đuổi chính sách bong bóng tiền tệ buông thả, bất chấp những thành quả mà những chủ trương kềm chế thị trường, những chính sách xã hội đã đạt được suốt một thời kỳ dài đã qua...

Nhưng tình hình không diễn ra theo mong mỏi: chỉ một thời gian không lâu, nó đã đưa nền kinh tế toàn cầu rơi lại vào một cơn khủng hoảng tổng thể, quy mô và cường độ không kém những năm 30 của thế kỷ trước.

Marx có thể giúp gì cho chúng ta hôm nay?

Sau nhiều lần bị xua đuổi, trừ tà, bóng ma của Marx bỗng được triệu hồi, bộ Tư bản được tái bản ở nhiều nước, những trang sách của ông lại được mở ra, dò tìm một số câu chữ nào đó có thể phụ giúp chủ nghĩa tư bản vượt qua những cơn co giật. Thật sự thì xu hướng khai thác Marx một cách thực dụng này không phải là mới mẻ lắm. Trước đây một số tác giả không theo Marx nhưng vẫn nhìn ra được trong trước tác của ông những phê phán mang tính xã hội học, dựa vào đó chủ nghĩa tư bản có thể nhận thức lại bản thân. Chúng ta hẳn còn nhớ một số khái niệm xuất hiện một thời, ảnh hưởng một cách nào đó từ Marx, gián tiếp hay trực tiếp, nhưng gần đây đã bị sự tấn công của các xu hướng tân bảo thủ lùa vào một góc nào đó của ký ức, như thị trường-xã hội, chủ nghĩa tư bản-nhà nước, chủ nghĩa tư bản-tham gia, chủ nghĩa tư bản-nhân dân, nhà nước phúc lợi, dân chủ xã hội, chủ nghĩa xã hội dân chủ v.v…

Tuy thế khi nhìn vấn đề từ điểm phát sinh, nội dung của những khái niệm nói trên không hẳn đều ảnh hưởng từ Marx; ít nhiều chúng đã bao hàm ngay trong tư duy của những người khai sinh ra lý luận cho chủ nghĩa tư bản hiện đại từ những ngày khởi đầu: không thể để cho bàn tay vô hình lộng hành như một cỗ máy vô chủ thể, chỉ có thể coi thị trường như thị trường về mặt kinh tế chứ không cho phép mở rộng thị trường thành thị trường về mặt xã hội, có nghĩa là không thể biến thị trường thành một cơ chế văn hoá khiến con người trở thành những hiện thân nhân cách cho cỗ máy làm tiền mù quáng – điều mà Marx đã chứng minh bằng cách đẩy đến tận cùng hậu quả nhân sinh theo quan điểm riêng biệt của ông. Xét về mặt này, người ta vẫn có thể rút ra từ hệ thống phản biện của ông nhiều gợi mở điều chỉnh quan trọng.

Việc khai thác Marx theo chiều hướng trái ngược cũng đã diễn ra. Ở đây không cần nói đến hiện tượng một số chính quyền độc tài từng mạo danh Marx nay cũng nhân cơ hội này lợi dụng Marx một lần nữa để theo đuổi con đường gọi là “tiến lên” của họ. Điều đáng quan tâm hơn chính là thái độ của những nạn nhân của cơn khủng hoảng lần này: họ muốn tìm đến những trang sách của Marx, nhờ giải thích hộ những điều “khó hiểu” mà họ vẫn phải chịu đựng hết thế hệ này đến thế hệ khác. Những lớp trí thức thiên tả nay lại có cơ hội tính đến việc phục hồi một phong trào chống tư bản rộng rãi – như một khẩu hiệu được dương lên: Capitalism Doesn’t Work! ; những mộng tưởng về một xã hội phi hàng hoá, đưa con người ra khỏi tình trạng vong thân, đây đó cũng được khơi lại không kém phần hào hứng. Những hiện tượng nói trên là dễ hiểu: nội dung gây tranh cãi trong sách vở của Marx không quan trọng bằng việc Marx mở ra cho mọi người hy vọng về một “thế giới khác” vượt qua được những khắc nghiệt trong sự kiếm sống hàng ngày.

Điều đó không thể không dẫn chúng ta đến câu hỏi rốt ráo sau đây: xét về phương diện thực tiễn, học thuyết Marx có thể làm gì trước khát vọng thay đổi của thời đại ngày nay? Nếu gạt sang một bên những cách khai thác thực dụng hoặc cảm tính để đi sâu vào cơ sở lý luận của Marx về mặt triết học, không ai có thể trông chờ vào bất cứ một sự dễ dàng, đơn giản nào như trước đây cho những câu trả lời có thể có. Nếu chỉ căn cứ vào những nhận xét đây đó của Marx trong Tư bản về việc tập hợp những người công nhân tiến hành những cuộc “đấu tranh giai cấp” đòi giảm giờ làm việc, cải thiện đời sống thì việc đó không cần đến học thuyết của ông. Còn nếu mục đích của sự tập hợp ấy được xem là phương tiện để hình thành một giai cấp hiện thân cho lao động chống lại tư bản, tạo dựng nên một “tương lai hợp nhất con người” thì đó vẫn chỉ là suy lý lôgích. Đẩy vấn đề đi đến cùng thì những luận giải của Marx về cái gọi “bí ẩn”, “siêu hình” ẩn chứa trong hình thái vật thể hoá cho quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã không xé toang được màn sương phủ lên cái xã hội hàng hoá mà chỉ làm cho nó trở nên dày đặc hơn vì những tư biện về bản chất con người và lịch sử của ông.

Trong khi đó thì cái phương thức sản xuất tạo ra của cải xã hội mà ông phê phán vẫn đang tồn tại một cách “tự nhiên” với những bất toàn cố hữu của nó. Lý luận của Marx đã tô thật đậm nhu cầu phải thay đổi chủ nghĩa tư bản về mặt hình thái, nhưng cái vương quốc của lao động đặc trưng nhân loại mà ông cho là có thể phục hồi để thay thế thế giới hàng hoá, ở đó sẽ có sự hoà giải vĩnh viễn cho cá nhân và xã hội, không còn sự phân liệt giữa thực tại và lý tưởng, giữa biểu hiện và yếu tính, xét từ cái gốc tư duy hình thành nên nó, thực sự chỉ là một giấc mơ triết học đơn thuần. Trong cuộc đấu tranh gian nan của những người lao động để khẳng định quyền sống của mình, tích cực nhất thiết tưởng chỉ nên coi những suy tưởng mácxít đó như một ý hướng nhân bản để vươn tới nhiều hơn là những nguyên lý căn cứ vào đó phấn đấu thực hiện như một cương lĩnh kinh tế chính trị cụ thể. Điều có thể chắt lọc lại được trong hệ thống tư tưởng của Marx sau hơn một thế kỷ thử thách với thực tiễn có lẽ chính là ở đó.

Tháng 5-2009

L.P


Chú thích

[*] Bộ Tư bản sử dụng trong bài viết này là bản tiếng Việt, được cho biết đã chuyển từ bản tiếng Đức (Berlin, 1962), gồm 3 tập, do Nhà xuất bản Tiến bộ (Matxcơva) và nhà Nhà xuất bản Sự thật (Hà nội) ấn hành. Tập thứ nhất, gồm 2 phần (1 và 2), xuất bản năm 1984, dẫn trong bài sẽ được ghi chú trong ngoặc đơn: (TB I/1 hoặc 2, tr…). Tập thứ hai, xuất bản 1985. Tập thứ ba, gồm 2 phần (1 và 2), xuất bản năm 1986, 1987, dẫn trong bài sẽ được chú trong ngoặc đơn: (TB III/1 hoặc 2, tr…). Những trích dẫn từ bộ Tư bản nói trên, đã được tác giả bài viết này đối chiếu với một số bản tiếng Anh và tiếng Pháp trên mạng (như Library Economics Liberty, Marxits.org…), khi gặp một số chữ hoặc câu không rõ nghĩa hoặc bị nghi ngờ không chính xác, đã được sửa chữa hoặc dịch lại. Một số khái niệm hoặc thành phần câu được viện dẫn cũng đã được tác giả nhấn mạnh (bằng chữ in nghiêng không có trong nguyên bản) mục đích chỉ để lưu ý tầm quan trọng của chúng với người đọc.

Một số tài liệu tham khảo cập nhật chọn lọc

Martin Albrow & Colin Bradford, “The crisis is more than economics”,http://www.laviedesidees.fr/The-crisis-is-more-than-economics.html

Raymond Aron: Le marxisme de Marx [những bài giảng của Aron về chủ nghĩa Marx, chủ yếu ở Đại học Sorbonne vào năm 1962, do Jean-Claude Casanova và Christian Bachelier tập hợp, chú thích], Editions De Fallois, Paris, 2002

Ian Bremmer: “State Capitalism Comes of Age, The End of the Free Market?”, Foreign Affairs May/June 2009 http://www.viet-studies.info/kinhte/state_capitalism_comes_of_age.htm

Congrès Marx International: Cent ans de marxisme – Bilan critique et prospectives, Presses Universitaires de France, Paris, 1996

Trần Hữu Dũng: “Thử đoán chính sách kinh tế của Barack Obama”, Diễn Đàn 5-1-2009, http://www.viet-studies.info/THDung/THDung_ThuTuMy_ChinhSachObama.htm

Francis Fukuyama: La fin de l'histoire et le dernier homme, Paris, Flammarion, 1992, (nguyên bản The End of History and the Last Man, The Free Press, New York, 1992)

Francis Fukuyama: “Thinking about the Future of American Capitalism”, American Interest 13 March 2009 http://www.viet-studies.info/kinhte/thinking_about_the_future_of_capitalism.htm

Alex Grant: “ Why Capitalism Does Not Work”, Youth for International Socialism, December 30, 2001, http://www.newyouth.com/archives/editorials/capitalism_doesnt_work.asp

Bernard Guerrien: Dictionnaire d’Analyse Economique – microéconomie, macroéconomie, théorie des jeux, etc, La Découverte, 2002, Nguyễn Đôn Phước dịch: Từ điển Phân tích Kinh tế, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2007

Tran Hai Hac: Relire “le Capital”, Editions Page deux, Tome I &Tome II, 2003

Trần Hải Hạc: “Học thuyết Marx, Đảng Cộng sản Việt Nam và vấn đề bóc lột”, Thời Đại Mới số 8, 2003 http://www.tapchithoidai.org/TD8_THHac.pdf

F. A. Hayek: The Road to Serfdom (1944); Phạm Nguyên Trường dịch: Đường về nô lệ, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2008; Đinh Tuấn Minh hiệu đính và giới thiệu; Lữ Phương viết thay lời bạt: “Vấn đề tri thức trong ‘trật tự tự phát’ của Hayek”, sửa chữa và bổ sung bài đã đăng trên tạp chí Thời Đại Mới số 14, tháng 7 năm 2008 (http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai14/200814_LuPhuong.htm)

G.W.F. Hegel: Bách khoa thư các khoa học triết học I – Khoa học lôgíc (tiếng Đức 1830), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Nxb Tri thức, Hà nội, 2008

Karen Horn: “Why Adam Smith Still Matters”, Standpoint.online, April 2009. http://www.standpointmag.co.uk/node/1069/full

Michel Husson : “Pourquoi une théorie de la valeur?”, Cahiers de critique communiste, 2004,

http://hussonet.free.fr/mandel05.pdf

Hussian/ Bajani : “Marx's Theory of Value – Two Rival Interpretations”,http://www.arasite.org/mxval.htm

Tamela Ice : “Alienation and Estrangement in Hegel’s”, http://journal.ilovephilosophy.com/

Leszek Kolakowski: Histoire du marxisme, Tome I, [Olivier Masson dịch từ tiếng Đức], Fayard, 1987

Leszek Kolakowski: “Althusser’s Marx”,http://thesocialistregister.com/index.php/srv/article/view/5334

Geoff Mulgan: “After Capitalism”, Prospect April 2009, http://www.viet-studies.info/kinhte/after_capitalism.htm

Leo Panitch: “Thoroughly Modern Marx”, Foreign policy, May /June 2009, http://www.foreignpolicy.com/story/cms.php?story_id=4856

Hendrik Patroons: “Aliénation, chosification et fétichisme”,http://www.lcrlagauche.be/cm/index.php?com_sectionnav&view=article&Itemid=53&id=490

Pierre Salama – Tran Hai Hac: Introduction à l’économie de Marx, La Découverte, Paris, 1992

Robert J. Samuelson: “American Capitalism Besieged”, Washingtonpost.com, Monday, March 23, 2009, http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2009/03/22/AR2009032201507.html

Lucien Sève: “Marx contre-attaque”, Le monde diplomatique, Décembre 2008, http://www.monde-diplomatique.fr/2008/12/SEVE/16612

Wikipedia: “Labor Theory of Value”,http://en.wikipedia.org/wiki/Labour_theory_of_value

Wikipedia: “Hegelianism”,http://en.wikipedia.org/wiki/Hegelianism

Alan Wolfe: “Obama vs. Marx”, The New Republic, April 01, 2009, http://www.tnr.com/politics/story.html?id=e050da85-7d49-46da-80fc-d9168c0faec7

Matt Yglesias: “When it comes to Marx, there’s no time like the present”,http://books.foreignpolicy.com/posts/2009/05/04/when_it_comes_to_marx_theres_no_time_like_the_present

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giá trị lao động và giá trị tri thức

    01/05/2017Trần Quân Tuyền (GS, TS Viện khoa học xã hội Trung Quốc)Trong bài viết này, tác giả đã đưa ra sự phân tích và luận chứng khoa học để, một mặt, phê phán quan điểm của phương Tây cho rằng lý luận giá trị lao động của C.Mác đã không ý nghĩa, mặt khác chứng minh một cách thuyết phục lý luận giá trị thặng dư của C.Mác không hề lỗi thời, mất tác dụng...
  • Tư tưởng của các triết gia vĩ đại

    01/09/2009William S. Sahakan - Mabel. SahakanQuyển sách này được dịch từ nguyên bản tiếng Anh "Ideas of the Great Philosophers" của William S. Sahakian , Trưởng Khoa Triết Trường Đại Học Suffolk và Mabel Lewis Sahakian, giảng viên Triết tại Trường Đại Học Northeastrn. Hai học giả nói trên (cả hai đều là Tiến sĩ triết học ) đã dày công biên soạn và tóm lược hàng trăm luận thuyết triết học phương Tây của hàng chục triết gia vĩ đại , tính từ trước thời của Socrates cho đến thời đại ngày nay.
  • Đạo đức tin lành và tinh thần chủ nghĩa Tư bản của Max Weber

    23/07/2009Trần Hữu Quang - Bùi Văn Nam SơnQuyển sách mà độc giả đang cầm trên tay bao gồm công trình chính là "Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản" mà Max Weber viết vào năm 1904-1905 (in trong "Archiv für Sozialwissenschaft und Sozialpolitik", tập XX, 1904, quyển 1, tr. 1-54, và tập XXI, 1905, quyển 1, tr. 1-110), và có sửa chữa, bổ sung vào năm 1920.
  • Karl Marx dưới con mắt của một trí thức Đông Âu

    20/05/2009Kornai JánosTôi e rằng tất cả những gì có thể nói về Karl Marx đã được viết cả rồi. Hàng ngàn bài báo, bài nghiên cứu và hàng trăm cuốn sách đã được xuất bản trong đó có thể thấy đủ mọi thứ từ ca tụng cuồng nhiệt, phân tích khách quan, đến căm thù giận dữ. Cái tôi có thể thêm vào kho tài liệu mênh mông này chỉ là quan điểm cá nhân mà từ đó tôi xem xét công trình của Marx...
  • Sự Bí ẩn của Tư bản

    23/04/2009Hernando de SotoHernando de Soto là một học giả người Peru, một nhà hoạt động thực tiễn vĩ đại, ông tự hào là người từ Thế giới Thứ ba. Ông và các cộng sự của ông phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp của những người nghèo, đấu tranh và, quan trọng hơn, vạch ra cho các chính phủ nên cải cách hệ thống pháp luật ra sao để mang lại lợi ích, trước hết là những cơ hội, cho những người nghèo. Phát hiện mang tính cách mạng của ông là những lí giải về nguồn gốc của tư bản, vạch ra rằng hệ thống quyền sở hữu và các luật và thể chế liên quan chính là môi trường sống của tư bản, là các cơ chế, các quá trình biến các tài sản thành tư bản, duy trì cuộc sống của tư bản và tăng cường năng lực của nó để làm ra của cải ngày càng nhiều hơn...
  • Sức sống của triết học Mác trong xã hội hiện đại

    09/09/2008Nguyễn Thế NghĩaBản chất khoa học và cách mạng của triết học Mác được thể hiện trước hết ở thế giới quan và phương pháp luận của triết học Mác là kim chỉ nam cho hoạt động nhận thức và cải tạo xã hội. Thứ hai là sự thống nhất hữu cơ giữa lý luận và thực tiễn là nguyên tắc nền tảng của triết học Mác. Thứ ba, triết học Mác là sự thống nhất giữa tính mở, tính phát triển của hệ thống lý luận và tính ổn định của lập trường duy vật biện chứng và những phương pháp luận cơ bản của nó. Đó là những giá trị vĩnh hằng của triết học Mác...
  • Karl Marx - người dốc sức làm sáng thêm cuộc đời

    05/05/2008Thụy Anh (từ LB Nga)Tinh thần và trí tuệ của nhà chính trị, triết gia, nhà kinh tế học vĩ đại của nước Đức và nhân loại, người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học... vẫn còn sống mãi cho đến hôm nay...
  • Chủ nghĩa tư bản phiên bản 3.0

    11/03/2008Nguyễn Đình Huy dịchTrong Chủ nghĩa tư bản Phiên bản 3.0, Peter Barnes biện hộ cho cộng sản một cách thẳng thắn và dứt khoát. Đây là một cuốn sách cần thiết về một chủ đề hệ trọng... (Bill McKibben)
  • Những giá trị vĩnh hằng từ di sản Engels

    30/11/2007Thụy Anh (từ LB Nga)Nhà tư tưởng lỗi lạc Friedrich Engels là một trong những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản, và, như V.I. Lenin đã nói, sau Karl Marx, ông là "nhà bác học tuyệt vời, người thầy của chủ nghĩa vô sản hiện đại trong thế giới văn minh"...
  • Quan điểm của C.Mác về sự phát triển của hệ thống máy móc và ý nghĩa của nó đối với nền kinh tế tri thức

    30/09/2006Đỗ Thế TùngVào thời đại của C.Mác, mới chỉ cómột vài nước đang xây dựng nền kinh tế công nghiệp, chưa xuất hiện kinh tế tri thức. Nhưng những điểm mà C.Mác rút ra từ việc phân tích sự phát triển của hệ thống máy móc rất phù hợp với những đặc trưng cơ bản của kinh tế tri thức hiện nay...
  • Quan niệm của Các Mác về sự vận động lịch sử của Cái Đẹp trong một số hình thái kinh tế

    07/07/2005Nguyễn Thu NghĩaMột trong những kết luận quan trọng được C.Mác rút ra từ quá trình nghiên cứu về cái đẹp tất yếu này sinh trong tiến trình phát triển của lịch sử. Quy luật của cái đẹp không "nhất thành biết biến" từ một hình thức lao động, một hình thái xã hội nào. Cái đẹp có quy luật phổ biến từ thực tiễn thẩm mỹ. Ở mỗi hình thái xã hội nào, quy luật ấy có sự vận động và biểu hiện khác nhau....
  • xem toàn bộ