Đông Tây Nam Nữ

06:41 CH @ Thứ Tư - 06 Tháng Ba, 2019

1.
Không có gì thể hiện sự khinh bỉ đàn bà sâu sắc như tệ sùng bái gái trinh của đàn ông một số nước châu Á, đặc biệt là Việt Nam và Trung Quốc. Ngẫm nghĩ về việc săn trinh những cô gái trẻ để lấy đỏ trong làm ăn, tôi từng sa vào những thắc mắc: Trinh tiết đàn bà giúp được gì cho business? Tăng nguồn đầu tư chăng? Phá trinh một em xong thì trúng tuyển công chức chăng? Mấy em gộp lại thì đủ trúng thầu một cầu vượt? Hay tổng thể và hoành tráng hơn, bao nhiêu cái trinh hùn vào thì giúp được một đại gia khám phá triết lí mở đường cho kinh doanh thành đạt, kiểu “nền dân chủ cà phê” chẳng hạn?

Đương nhiên không có câu trả lời khả dĩ nào mà không xúc phạm đến lí trí bình thường. Nên một thời gian dài tôi lí giải hiện tượng này theo hướng những tín điều u minh, về bản chất hoàn toàn giống việc tranh đoạt ấn Đền Trần, cướp hoa tre Hội Gióng. Cửa Phật, cửa Thánh, cửa Mẫu, hay cửa mình của chị em đều là chỗ để đặt niềm tin vào tài lộc do các thế lực siêu nhiên ban phát theo quota. Nhưng nếu đã thế thì vì sao các đấng mày râu không đeo cái chiến lợi phẩm trinh nữ ấy như bùa hộ mệnh ở cổ? Sao không dâng lên bàn thờ?

Song siêu nhiên hóa hay tâm linh hóa cái màng trinh không chỉ là ngớ ngẩn, mà trước hết là lãng mạn rởm. Đằng sau hiện tượng sùng bái mấy giọt máu này không có gì huyền nhiệm mà thuần túy là một phép tính lạnh lùng [1]. Nó bắt nguồn từ tập quán đàn ông đi nhà thổ để giải đen. Họ tin rằng toàn bộ sự xui xẻo trong mình sẽ theo dòng tinh trùng mà xả ra. Sau cơn mây mưa họ sẽ được tẩy trần, sạch dơ dớp nhớp nhúa của vận hạn.

Nhưng vì sao họ chọn gái điếm chứ không phải vợ hay người yêu để phục vụ sứ mệnh ấy? Rất đơn giản: Cái mà họ xả ra cũng là cái mà họ trút vào người đàn bà. Vận đen, theo niềm tin của họ, tuần hoàn bất diệt trong nhân gian, không tự nhiên sinh ra và không tự nhiên mất đi, chỉ chuyển từ người này sang người khác. Người khác tất nhiên không thể là người thân của họ. Đằng sau sự thản nhiên trút tất cả vận rủi của bản thân vào một cô gái làng chơi để tẩy rửa mình cho vận hên ấy là một triết lí vụ lợi trắng trợn và một văn hóa khinh miệt phụ nữ vô tận. Thân thể đàn bà là bãi chứa xú uế của đàn ông.

Các cô gái nhà chứa sẽ làm gì khi chìm trong cái biển nhầy nhụa rủi ro phun ra từ khách hàng đó? Câu hỏi này đám đàn ông coi việc chơi đĩ để giải đen cũng bình thường như đi nhậu hiển nhiên không bao giờ đặt ra. Nhưng họ biết rõ sức chứa có giới hạn của một người đàn bà đã nhận vô vàn trận xả xui trong cuộc đời bán thân của mình. Đã bão hòa. Rót một giọt đen thêm vào đó là vòng tuần hoàn nói trên có thể đổi hướng. Họ điên tiết. Khả năng đụng phải vài ba thằng cha khác xả xui cùng một lỗ là rất lớn. Họ khát khao một cái lỗ mới toanh. Còn nguyên niêm phong. Nơi họ không phải gặp một thằng cha nào khác. Nơi họ là kẻ đầu tiên xả như chưa bao giờ được xả. Đến đây, cuộc săn trinh gái trẻ bắt đầu và trẻ đến đâu dường như cũng không đủ. Không phải để lấy đỏ như tôi ngớ ngẩn tưởng. Mà để giải đen với hiệu ứng cao nhất và chất lượng đáng tin cậy nhất, thậm chí có thể chữa lành Aids.

2.
Hồi tôi lấy chồng, một anh bạn nhà văn chân thành chúc mừng rằng: “Hoài may mà có thằng Tây khuân đi, chứ ở nhà thì ế.” Tôi chưa bao giờ lọt vào dù chỉ vòng ngoài cùng của tấm bia sắc đẹp mà đàn ông mê bắn. Đi cạnh chồng ở Hà Nội, tôi đã quen nghe bình luận ngay trước mũi rằng bọn Tây có cái gu kì cục, thiếu gì gái Việt đẹp mà chọn toàn những cô không ra gì. Nên khi nghe anh bạn nói thế tôi chỉ lo cho anh, lỡ lời rồi phải nói tiếp đúng điều mình nghĩ thì thật bất tiện. Nhưng lời giải thích sau đó không đến nỗi khó nuốt. Anh bảo, đàn bà thông minh như tôi thì bố thằng nào dám sờ đến.


Phụ nữ Việt Nam thế kỷ 21. Hình minh họa.

Tôi thầm cảm ơn anh vì chữ dám tế nhị. Thực tế không được nhã nhặn như thế. Thực tế là đàn ông Việt Nam không phải không dám, mà họ tránh xa những người đàn bà có nhiều hơn một phút tư duy trong đầu. Sau bao nhiêu thử thách của 200.000 năm tiến hóa cùng nhân loại cộng thêm extra bonus 4014 năm văn hiến riêng, đích hôn phối của đàn ông Việt đã hoàn toàn được xác định. Đó là một thiên thần xinh xắn, tóc dài, da trắng ở cả những chỗ hay bắt nắng và hệ thần kinh trung ương cũng trắng triệt để, làm lụng luôn tay, ngoan cả ngày lẫn đêm, hiền lành, hi sinh, chịu khó chịu thương và trên hết là chịu đựng. Không có tài khoản riêng. Không có ý kiến riêng. Không có nguyện vọng riêng. Đấy là gói basic. Tùy nhu cầu có thể đặt thêm các khoản phụ trội khác như biết đẻ con trai, tận tụy với nhà chồng, hết lòng vì sự nghiệp làm vợ và làm mẹ… Tôi đáp ứng được không đầy năm phần trăm lí tưởng ấy. May mà có thằng Tây khuân đi.

Đàn ông Việt Nam là một chủng loại đặc biệt chăng? Câu hỏi này, dù thế nào, dứt khoát nên trả lời phủ định. Trừ những cơn thỉnh thoảng lại giống, trở về thời bầy đàn cắn xé vì một tảng thịt, một góc hang, một con cái, thì hiện tại tôi thấy họ có nhiều điểm chung với giới mày râu khắp thế giới đấy chứ. Họ cũng chiếm đa số trong các câu lạc bộ quyền lực, các danh sách triệu phú và các thống kê tội phạm. Họ cũng hói, cũng liệt dương, viêm tinh hoàn, rối loạn tuyến tiền liệt và bụng càng ngày càng phệ. Họ cũng chia sẻ hai sở thích nổi bật của đàn ông mọi châu lục: những bộ ngực đàn bà đồ sộ và những chiếc xe hơi khổng lồ. Với vóc dáng nhỏ xinh nhất hành tinh, giữa những chiều kích cực đại ấy trông họ bất giác giống một bức hí họa. Nhưng can họ là vô ích, sự điên rồ này họ cũng chung với anh em bất kể giống nòi: chỉ đàn ông mới nhầm lẫn giữa size và độ lớn. Chỉ đàn ông mới có thể mắc chứng vĩ cuồng.


Phụ nữ Việt Nam thế kỷ 21. Hình minh họa.

Gần đây có phong trào chị em so sánh trai Việt với trai ngoại quốc, đặc biệt là trai Tây. Tôi cũng biết vài phụ nữ Việt lấy chồng Đức ở đây, người tự hào thằng Tây nhà tao hiền lắm, người khoe Tây nhà em cực chăm chỉ, Tây nhà mình dễ nuôi, Tây nhà tớ trung thành…, nghe tuy hơi giống người ta khen một con ngựa, thêm kích thước, độ bền, độ khỏe nữa thì thành quảng cáo cái máy xúc, nhưng trong đó có một sự thật nho nhỏ là khá nhiều đàn ông Tây hiện đại đang được trang bị những đức tính mà khá nhiều đàn ông Việt hiện đại không phải là không sở hữu mà không thèm sở hữu. Hiền lành, chăm chỉ, chí thú gia đình, chung tình…, những phẩm chất đàn bà chán ngắt. Dù nói chung không biết mình là ai, đứng ở vị trí nào, đàn ông Việt luôn biết chắc một điều: mình là thằng đàn ông, đứng cao hơn đàn bà ít nhất dăm bảy bậc.


Phụ nữ Việt Nam thế kỷ 21. Hình minh họa.

3.
Thật ra chẳng có điều gì khác nhau giữa trai Tây và trai Việt, trừ quỹ đạo chuyển động. Đàn ông phương Tây phần lớn hoàn toàn đơn giản: họ sống ở thế kỉ 21, tuyên ngôn ở thế kỉ 21, tư duy ở thế kỉ 21, cảm xúc ở thế kỉ 21, yêu đương ở thế kỉ 21, lấy vợ ở thế kỉ 21. Đàn ông Việt Nam phức tạp hơn gấp bội: sống ở thế kỉ 21, tuyên ngôn ở thế kỉ 30, tư duy ở thế kỉ 19, cảm xúc ở thế kỉ 18, yêu đương ở thế kỉ 20 và lấy vợ ở thế kỉ 15. Điều đáng kinh ngạc là phần lớn phụ nữ Việt Nam trong cùng một ngày chịu được chừng ấy niên đại.

(Phạm Thị Hoài, ngày 8-3-2014)

[1]Phần lớn mớ tín điều đỏ đen chẳng những dai dẳng tồn tại mà còn ngày càng thịnh hành trong xã hội Việt Nam cũng thế, thoạt nhìn thì rắc rối bí ẩn lắm, tưởng phải thuộc làu pho văn hóa dân tộc mới cắt nghĩa nổi, nhưng thực ra chỉ dựa trên những cảm nhận nhập nhằng, tùy tiện, không thể không gọi là ngây ngô. Cái mâm ngũ quả ngày Tết chẳng hạn: nặng trĩu ý nghĩa và biểu tượng, nào ngũ phúc, ngũ hành, nào ngũ thường, ngũ giới, nào năm mầu, năm phương, nào tổ tiên, nào phong thủy. Vậy mà rốt cuộc thì miền Bắc nhất định bày cam và chuối, miền Nam lại sợ hai thứ đó như hủi, chỉ vì chuối gần với chúi nhủi, cam mang vạ từ quýt làm cam chịu. Miền Nam cúng bằng mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung để cầu vừa đủ xài sung. Không lâu nữa người ta sẽ cúng bằng quả bí, để theo âm business.

Nguồn:Pro&Contra
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Phận đàn bà ngày nay

    04/03/2019BS. Nguyễn Khắc ViệnThế nào là phận? Phận đàn ông, phận đàn bà, phận làm con, làm tôi, làm vua; đó là cái phận mà cuộc sống trong xã hội dành cho mỗi người. Có thân phận, bổn phận, danh phận, chức phận, phận sang, phận hèn, và nếu có ngẫu nhiên chen vào là số phận...
  • Người đàn bà trong xã hội “An Nam”

    07/03/2018Hữu NgọcPhong trào đòi nam nữ bình quyền trên thế giới xuất phát từ Pháp với Cách mạng 1789. Từ đó, các cuộc đấu tranh nổ ra khi nơi này, lúc nơi khác. Phong trào đã đạt được những kết quả toàn vẹn lần đầu tiên ở các nước Bắc Âu vào cuối thế kỷ 20. Thí dụ như ở Đan Mạch, nam nữ hoàn toàn bình đẳng, không những do pháp luật và những biện pháp cụ thể của nhà nước, mà cả ở trong phong tục tập quán và tâm lý xã hội.
  • Sự giáo dục đàn bà con gái

    10/03/2016Phạm QuỳnhTừ xưa thế giới là của riêng của đàn ông, từ nay thế giới là của chung cả đàn bà. Đàn bà tuy không làm những sự nghiệp lớn lao, biến cải mặt địa cầu, nhưng ảnh hưởng trong gia đình, trong xã hội, đằm thắm mà sâu xa biết dường nào!
  • Thời đại "đàn bà con gái"

    06/03/2015Thời Trang TrẻLà đàn ông, ai cũng biết tai hoạ kinh khủng nhất đối với thế giới đàn ông là gì. Xếp hạng nhất là tai hoạ: nam giới phải phục tùng phụ nữ...
  • 'Trường học cho các bà vợ' - cuốn sách dạy sex, sự ích kỷ cho phụ nữ

    23/06/2014Lâm ThuKhông chỉ là một tác phẩm văn học, tiểu thuyết của nhà văn Ba Lan có tác dụng như liều thuốc tâm lý, giúp phụ nữ hiểu về bản thân và yêu mình hơn...
  • 'Làm phụ nữ Việt khó hơn phụ nữ Mỹ'

    27/05/2014Lam ThuLấy cuốn sách "Xuyên Mỹ" làm nền, nữ nhà văn chia sẻ quan điểm về các vấn đề của phụ nữ như cân bằng gia đình và công việc trong buổi trò chuyện diễn ra tối 21/5...
  • Đàn bà bốn mươi

    26/03/2014Trang HạTôi nghĩ thầm, không lẽ có một thứ gọi là sự-buồn-chán đang lây lan trong những người đàn bà thành thị, tóc đúng kiểu, váy áo hợp màu, nhìn từ vẻ ngoài đều rất hạnh phúc, yên ổn, công việc và gia đình đều tốt?
  • Đàn bà là gì?

    07/03/2014Nguyễn Việt HàĐàn bà đương nhiên chỉ giản dị hoặc là vất vả mẹ hoặc là tần tảo chị. Họ cũng có thể là cần mẫn vợ hoặc là bạc bẽo người tình. Họ đôi khi tài sắc vẹn toàn như Thuý Kiều, lại có lúc thỉnh thoảng xấu xí ít học như thị Nở...
  • Phút nói thật về…đàn bà!

    01/03/2014Với những cuộc tình khi thăng hoa bay bổng lên tận chín tầng mây xanh; lúc tuyệt vọng tưởng chừng đã sa chân xuống tận chín tầng địa ngục thì nỗi ám ảnh về phụ nữ càng hằn sâu da thịt, xuyên qua ký ức lẫn thời gian. Tôi quan niệm rằng, cứ trình bày hết những suy nghĩ về phụ nữ ắt có nhiều thú vị cho chính mình và người bạn đọc...
  • Chuyện đàn bà

    08/08/2013Giả Bình AoNgày xưa, đàn bà có nết là những kỹ nữ có tiếng tăm lừng lẫy. Thời ấy, kỹ nữ là vật phụ thuộc sống nhờ đàn ông, song đã trở thành kỹ nghệ cao cấp thông thạo cầm, kỳ, thi, họa, lại cũng là những người tự do nhất, sống bình đẳng với đàn ông, cho nên có nết nhất. Ngày nay, đương nhiên không cần phải hy sinh bản thân, không cần phải sống giữa bùn nhơ mà chẳng hôi tanh mùi bùn như bông sen, không cần phải qua vực thẳm máu và nước mắt. Đàn bà có khí chất, có phong độ mỗi ngày một đông...
  • Văn chương trải nghiệm đàn bà

    30/07/2008Ngô BenLessing được xem là biểu tượng của phong trào bình đẳng giới. Những trang viết của bà thấp thoáng những trải nghiệm từ cuộc sống riêng với 2 lần kết hôn rồi ly dị, có 3 đứa con…
  • Đàn bà là khổ?

    31/05/2008Hà ThịLàm đàn bà đã khổ, làm đàn bà Việt Nam càng khổ. Lý do kể ra thì nhiều, đất nước mấy nghìn năm phong kiến lạc hậu, thế nên tâm lý trọng nam khinh nữ tồn tại có lẽ cả nghìn năm nữa may ra mới hết. Rồi chiến tranh liên miên nhiều đời, từ đời cụ của cụ sang đời bà đời mẹ chúng em, đàn bà Việt Nam chẳng lúc nào đó thời gian làm đàn bà một cách an nhàn, để mà trau dồi tam tòng tứ đức, sửa sang công hạnh ngôn dung...
  • xem toàn bộ