Khổng giáo luận

10:50 SA @ Thứ Hai - 02 Tháng Mười Một, 2009

Đời nay là đời thế giới đại đồng. Tuy người trong bốn bể chưa được hẳn như lời thánh nhân dạy, biết coi nhau như anh em, nhưng mà các bậc in thức trong thiên hạ, dẫu khác đời, khác nước, khác giống, khác nòi cũng đã hiểu nhau, cảm nhau, và những lẽ phải giữa đời, dù ở Đông phương mà ra hay Tây phương mà lại, không có ai bụng thiện mà không chịu công nhận. Ngày nay các hiền triết của Thái Tây, người phương Đông ta đã biết trọng; bậc thánh nhân của Đông á ta, người Tây cũng biết kính. Cứ theo công lệ tiến hóa, sự tiến hóa bao giờ cũng bắt đầu tự người trên, rồi dần dần xuống người dưới, thời ngày nay những người thượng lưu trong thiên hạ đã có cái tư tưởng đại đồng như thế chắc mai sau cũng sẽ có ngày các dân tộc không đến nỗi hiềm thù ghen ghét như bây giờ nữa. Đó là một sự mong mỏi chung của những người có bụng với đời vậy.

Ngày ấy gần xa thế nào, bây giờ chưa thể biết được. Nhưng nhờ sự học vấn mỗi ngày một rộng một thâm, người Đông phương với người Tây phương mỗi ngày một am hiểu nhau hơn, chắc cũng có lợi cho sự tiến hóa chung được nhiều vậy.

Gần đây các học giả Âu châu dụng công nghiên cứu về văn minh học thuật của Á Đông nhiều lắm. Thường đọc sách vở của các nhà ấy, thấy nhiều người thật là có lòng cảm phục những bậc hiền triết của Đông phương ta. Trong Nam Phong đã có dịch một bài luận về Khổng Phu tử của bác sĩ Chavanes. Mới đây lại được đọc một quyển sách của giáo sư Hovelaque nói về nước Tàu, trong sách có một thiên bàn về Khổng giáo hay lắm, xin lược dịch ra đây để cống hiến các học giả nước nhà. Đọc bài này thời biết người Âu đã hiểu rõ, và cảm phục cái tinh thần của phương Đông ta biết bao nhiêu. Người phương Tây còn biết thế, huống người nước mình sống bởi tinh thần ấy, họ lại không biết chuộng sao? Nhất là các hàng tân học trong nước, vì khinh bỏ chữ Nho, không biết đâu mà dò xét các cổ điển của nước nhà, nên coi gương đó, kíp mà hồi đầu, kẻo muộn vậy.

***

“Nước Tàu sở dĩ là nước Tàu là nhờ có một cái cổ điển rất là tinh tế, rất là kĩ càng, làm luật phép cho cả mọi người trong nước phải theo, và phàm chế độ, chính thể, lễ giáo, phong tục trong nước, đều do đấy mà ra cả. Cổ điển ấy không phải nhờ thần quyền thưởng phạt, và từ thượng cổ đến giờ không hề thay đổi gì cả. Hiện nay vẫn còn là nền gốc rất vững vàng bền chặt, không chuyển động di dịch, cho cuộc sinh hoạt cả dân Tàu. Đời nọ qua đời kia, cái nghĩa lớn vẫn y nhiên, duy cách giải thích, cách ứng dụng có khác nhau một đôi chút mà thôi: chính Khổng Phu tử là người đại biểu rất rõ rệt cho cái cổ điển ấy, tự mình cũng không từng đổi mới gì cả. Gốc đạo của ngài là ở lòng tôn cổ, ngài tin rằng phàm những lễ phép của cổ nhân đã đặt ra là rất mực khôn ngoan, rất mực tốt đẹp, người đời sau chỉ nên theo đúng như thế mà ăn ở. Cả đạo học ngài, cả thân thế ngài, chẳng qua là một bài chú thích, một bài chứng minh cho những phép tắc luân lí của người trước đã đặt ra tự bao giờ đến giờ.

“Thời đại ngài sống (tự năm 551 đến năm 470 trước Giato) có thể cho là cái trình độ thứ nhì trên đường tiến hóa của dân Tàu. Trình độ thứ nhất là buổi mới đặt ra phép tắc; trình độ thứ nhì này là buổi những phép tắc ấy mới thật là thành hình. Khổng Phu tử chẳng qua là chắt lọc những tư tưởng của tiền nhân mà giải thích cho người đời hiểu rõ. Ngài tự đem mình làm gương, ngài tự tóm tắt cái đạo khôn ngoan của người trước thành những câu cách ngôn rất giản dị và rất rõ ràng, để dạy cho kẻ đồng bào biết cách ăn ở trên đời thế nào là hay thế nào là tốt, khác nào như soạn cho cả quốc dân một bộ sách giáo khoa luân lí vừa vắn tắt, vừa tiện dụng vậy. Ngài là cái tiếng nói, ngài là cái lương tâm của nước Tàu tự mấy mươi đời về trước đến bấy giờ mới cất tiếng lên, mới rõ rệt ra vậy. Đến đời sau vua nhà Tần đốt sách, muốn tiệt hết những dấu vết đời trước, mà không thể làm tắt được cái tiếng của ngài, tiếng ấy thành như cái tiếng của thiên cổ về trước truyền cho thiên cổ về sau, ngài nghiễm nhiên thành một vị thần cả nước Tàu muôn đời thờ phụng, vì trong các sách bị đốt, duy có sách ngài là giữ được. Nhân đó ngài thành một ông thày dạy học tuyệt luân, ông Thánh sư của cả một dân tộc vậy. Một người oai đức không kém gì một ông thần ông thánh khiến cho cả một dân một nước phải nghe theo, chắc hẳn là một bậc thiên tài. Nhưng mà ngài sở dĩ trở nên thế, chỉ là bởi ngài ưa lẽ phải chăng, mến điều ngay thẳng, thiết tha về luân thường, thế đạo. Đạo ngài không có gì là huyền bí, không có gì là mờ đục như các tôn giáo khác. Đạo ngài là nhân đạo, không phải là thần đạo, lấy trí tuệ làm tiêu chuẩn, lấy xã hội làm mục đích; theo đạo ngài thời cái đức lớn ở đời không phải là lòng sùng bái một vị thần xa xôi tịch mịch ở đâu đâu, chính là lòng yêu mến kẻ đồng loại ở ngay quanh mình. Không có gì là siêu việt, không có gì là thần bí cả. Ngài lấy rằng ở đời chỉ có người ta mà thôi; làm người phải tận tụy với kẻ đồng loại mình, chứ không phải phụng sự một vị thần linh nào; ngoài cái đạo làm người, không còn tôn giáo nào nữa; cái cứu cánh của đời người chỉ là sống làm người thế nào cho được điều hòa êm ái. - Ngài bảo học trò rằng: “Chưa biết sự sống là gì, nói đến sự chết làm chi?” Lại dạy rằng: “Không nên tin những đạo dị đoan”. Lại dạy rằng: “Người ta không cần phải bận lòng về việc lai sinh: không phải thờ phụng, không phải cầu nguyện ông thần nào”. - Lại nói rằng: “Cứ sống làm người cho phải đạo, ấy là cầu nguyện thần minh đó”. “Cứ ăn ở cho phải đạo, không cần phải cầu nguyện gì. Người quân tử chỉ nguyện ăn ở cho phải đạo mà thôi. Người nào ăn ở tốt thời không phải sợ trời, không phải sợ người, không phải sợ mình. Họa phúc là ở việc làm xấu hay tốt mà thôi”.

Muốn hiểu cho rõ tôn chỉ của đạo Khổng mà chỉ trích ra những lời cách ngôn của Khổng Phu tử như trên, chắc là không đủ mà hiểu được, vì làm thế tựa hồ như coi Khổng giáo là một vài luân lí thực nghiệm mà thôi. Đạo Khổng không phải thế mà thôi, đạo Khổng còn hay hơn nữa. Đạo Khổng là đem cái chính lí của người ta mà ứng dụng ra việc đời, là quyết đoán rằng dẫu thuộc về tính tình cũng duy chỉ có một chữ “lí” (la raison) là đủ làm hướng đạo cho người, không đến nỗi sai lầm cho lắm. Cứ đó thời Khổng Phu tử cũng là thuộc vào giống các bậc hiền triết cổ của Hi Lạp như Socrate, Aristote, Epicure, Sénèque; lại về cận đại thời có giống như Montaigne, Descartes, Locke, Montesquieu, Voltaire, Goethe, Auguste, Comte, là những tay cự phách trong phái triết học duy lí của Âu châu. Nhưng mà Phu tử tuy trọng lí, mà cũng biết trọng tình, ngài có cái cảm tình rất là dồi dào, cảm tình ấy chính là lòng bác ái. Chính ngài xướng lên trước nhất câu: “Việc gì tự mình không muốn, chớ làm cho người; việc gì tự mình muốn, nên làm cho người”. - Lại câu: “Người ta trong bốn bể, đều là anh em cả”.

“Những lời nói của Thánh nhân, không thể kể cho hết được. Lời nào cũng có cái ý nghĩa ngay thẳng và đầy đủ như thế cả. Lời nào cũng là những lời cao thượng khôn ngoan, và lời nào cũng là những lời nhân từ dung thứ cả. Học trò ngài nói tóm đạo ngài bằng một câu này: “Đạo Phu tử ta chỉ gồm ở hai chữ trung, thứ mà thôi, đối với mình trung, đối với người thứ” thật là đúng lắm. Lại giọng ngài nói ôn hòa và khiêm tốn biết bao nhiêu! Ngài thường nói: “Người quân tử không vì thiên hạ không biết đến mình mà buồn. Chỉ buồn vì mình không biết người ta mà thôi”. Lại nói “Người quân tử không vì người ác mà bỏ lời nói phải”. Lại có câu: “Tôi đã biết gì chưa? Thật tôi chưa biết gì. Nhưng mà gặp người hỏi tôi điều gì, người ấy dẫu rất ngu hèn, tôi cũng cùng người bàn lẽ, không dám sót gì”. Ngài không những là một nhà luân lí khôn ngoan, có bụng bác ái nhân từ, ngài lại là nhà tâm lí sáng suốt nữa. Như có câu nói rằng:”"Lúc nghèo khó giữ được khỏi căm hờn lại khó hơn lúc phú quý giữ được khỏi kiêu căng”. Ngài rất mực khôn ngoan mà cũng rất mực sáng suốt. Chính ngài đã nói trước nhất câu này: “Cái gì biết, biết rằng mình biết; cái gì không biết, biết mình không biết; thế mới thật là biết.” Tưởng lời Socrate nói cũng không mấy câu được thâm trầm thế. Ngay ngày nay được mấy người là hiểu rõ câu ấy? Còn bao nhiêu năm, bao nhiêu đời nữa, nhân loại mới thực hành được cái câu cách ngôn của ông Thánh nước Tàu ấy đã xướng lên tự hai mươi lăm thế kỉ đến giờ?

“Theo ý ngài, sự học chân chính là học để sửa mình. Người quân tử học sửa mình, không phải là mong ở trời giúp, nhưng là học trong khi giao tiếp với người đời, cũng không phải là trầm tư mặc tưởng một mình, chính là xem xét những kẻ đồng loại; vì cái chỉ đạo là đạo đời, người ta có thành đạo ấy mới thật là người. Ngài nói: “Có ba cái đức ở đời; một là cẩn thận mà sáng suốt, hai là thương yêu đủ mọi người, ba là bền lòng mà vững chí; ba đức ấy khác nào như cái cửa ngõ cho người ta vào đường chính đạo vậy. Người ta phải sửa mình cho hoàn toàn mới mong làm được trọn đạo”. Epictète nước Hi Lạp, Marc-Aurèle nước La Mã, dễ không cảm sâu về cái giá trị làm người, quyền tự do người ta, bằng ngài; như ngài có câu rằng: “Có thể bắt ông tướng bỏ quân được nhưng không thể bắt người ta bỏ lòng theo đạo”.

“Mà trong khi dốc lòng theo đạo ấy không có một chút tư kỉ gì, không có lạnh nhạt, bao giờ cũng vui vẻ ôn hòa, ung dung êm ái; bao giờ cũng tiêm tất mà vẫn cao thượng. Chính là sự hành động tự nhiên của một người chính nhân quân tử, lại là một người nho nhã phong lưu. Đạo này không có biết người ẩn sĩ cô độc, khinh đời mà cố lánh xa đời. Khổng Phu tử cho ghét đời là hèn, khinh đời là dại. Người ta đã sinh ra đời cùng phải sống với người đời, coi như anh em, giúp cho thành đạo. Dẫu người đời có khờ dại, cũng không nên quá trách bị. Chính người quân tử sinh ra cũng chửa được hoàn toàn, và suốt đời thường cũng còn chỗ khuyết điểm. Không nên cậy mình là đã biết cả, cũng không nên tự cao là đạo mình mới. Không có đạo gì là đạo mới cả duy chỉ có cái gương xử thế của các bậc hiền nhân quân tử đời xưa đời nay bày ra cho mình bắt chước mà noi theo thôi. Ngài nói rằng: “Ta không phải là người sinh ra đã biết. Ta là người yêu mến cổ nhân, muốn noi học cho bằng cổ nhân”. Học trò ngài nói rằng: “Phu tử ta có bốn điều không mắc: không có ý riêng, không có quả đoán, không có cố chấp, không có vị kỉ”. Có thể nói thêm rằng Phu tử ở đời cũng không có mong mỏi hão, không có thương tiếc hoài, không lo mà cũng không sợ, không có hoặc bị những sự mơ màng. Lão tử có câu nói rằng: “Người làm ác cho mình, mình phải làm lành cho người”. Phu tử đối lại: “Thế người làm lành cho mình thời mình trả lại làm sao?” “Người ta làm lành, phải làm lành lại; người ở ác phải nên ở lại cho công bình”. Công bằng ngay thẳng, không một lời nói nào, không một việc làm nào của ngài là không có cái ý vị ấy. Ngài không tự cao rằng không có nết xấu gì của người thường. Lòng cảm động tự nhiên, ngài không hề ngăn cản. Ngài cũng biết ưa rượu ngon, ưa sắc đẹp, duy không thái quá mà thôi, vì cái gì thái quá là ngài ghét cả. Ngài lại ưa những đồ cổ đẹp, và thứ nhất là ưa âm nhạc; duy có cái bụng hiểu nhạc ấy là hơi có vẻ thần bí mà thôi. Ngài cũng thích thơ. Nói tóm lại, phàm những tinh hoa về tinh thần hình sắc, không gì là ngài không biết mến chuộng. Ngài thật là một người tuyệt phẩm “văn minh” mà “văn minh” một cách ung dung êm ái, không có gì là khắc khổ miễn cưỡng. Nói về tình hữu ái, không ai có những lời cảm động như ngài. Học trò yêu của ngài là thày Nhan tử; ngài nói về thày Nhan tử có câu rằng: “Y không giục ta nói, ta nói gì y cũng ra dáng bằng lòng”. Một hôm Phu tử bảo thày Nhan rằng ngài tưởng thày bị giặc giết chết, thày Nhan đáp lại rằng: “Phu tử còn sống, con đâu dám chết!” Còn nhiều những lời khác nữa, có ý vị vô cùng, khác nào như những bông hoa đẹp, mùi thơm còn phảng phất đến muôn đời vậy. “Ngài thật là một người trọn vẹn, một bậc quân tử tuyệt luân, không còn ngờ được nữa. Ngài là người, nên ngài không muốn tránh một việc gì trong phận sự làm người. Ngài còn muốn tự mình thực hành, hơn là muốn làm thày dạy người, vì ngài biết rằng làm người phải dấn thân vào việc đời, biết rằng sự thực còn hiệu lực hơn là lời nói, và làm dân trong nước phải hết bổn phận với quốc gia. Ngài không thể dung được kẻ lười biếng; ngài nói: “Những kẻ cả ngày chỉ biết một việc ăn uống, không biết dùng trí khôn vào việc gì xứng đáng hơn, rõ nghĩ mà thương thay? Dẫu không có việc gì làm, cũng còn nghề lái đò kia. Sao không làm ngay nghề ấy, còn hơn là ngồi không vô ích?” Trong sách Trung dung có tả bậc thánh nhân như sau này: Bậc chí thánh trong thiên hạ có đủ thông minh duệ trí để cai trị muôn dân; có đủ khoan dụ ôn hòa để dung nạp mọi người; có đủ phát cường cương nghị để làm trọn bổn phận; có đủ tề trang trung chính để giữ được tự trọng; có đủ văn lí mật sát để phân biệt phải trái. - Lại có câu nói rằng: “Nhân, nghĩa, lễ, trí, là bốn đức lớn trong trời đất”. – Khổng Phu tử thật là đủ bốn đức đó, chính mình thực hành được bốn đức, lại lấy lời dạy mà truyền cho cả nước Tàu.

“Khổng Phu tử vẫn thường nói đi nói lại: đạo ngài không có gì là mới lạ, không có gì là huyền bí cả. Ngài nói: “Ta chỉ thuật sách cũ, ta có làm sách mới đâu”. Ngài lại bảo học trò: “Các anh tưởng thày có đạo gì mầu nhiệm, muốn giấu các anh. Không? thày không giấu gì các anh cả. Thày không làm gì là không nói cho các anh biết hết”. Mà thật thế, Khổng Phu tử chẳng qua là một người gồm được hết cái cổ điển của một nước và biết diễn giải ra rõ ràng cho đời sau vậy. Ngài chỉ biên tập những sách cũ, sửa sang tóm tắt lấy cái tinh túy của những Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Nhạc. Ngài tin rằng phàm sự sáng láng, sự khôn ngoan là ở tiền nhân mà ra cả; nhân loại nhiều người chết hơn người sống, và nhất cử nhất động của ta là có tiền nhân chỉ định cả. Quá khứ đã làm thay hiện tại, thời ta phải lẳng lặng mà nghe tiếng đời trước, cẩn trọng mà theo để làm gương. Khổng Phu tử chính là cái tiếng của đời trước nước Tàu truyền lại cho muôn đời về sau, tiếng rõ ràng gióng giả, như tiếng hiệu lệnh cho cả một dân tộc phải theo vậy. Ngài cố giữ cho dân khỏi quên những cổ lễ trong nước, cho dân biết nhớ đến linh hồn tổ tiên. Ngài nói: “Phải cúng tế tổ tiên như tổ tiên còn ngồi đó; phải phụng sự quy thần như quỷ thần ở trên đầu”. Ngài hiểu rằng lễ không phải là cái hình thức hư không, thực là có tinh thần ý nghĩa. Như để tang chẳng qua là biểu hiện lòng thương xót; cổ nhân đặt ra lễ tang để nhắc cho người ta biết thương xót, ngày nay ta để tang cũng phải theo một ý ấy. Lễ có thể ví như những cái bình đẹp, trong đựng một thứ dầu thơm, rất quý giá: là tình cảm của người ta. Lễ là hình thức sán rạn rực rỡ của nghĩa vụ vậy.

“Đối với tôn giáo gia đình là một chế độ rất cổ, ngài cũng công nhiên nhận cả. Tôn giáo ấy gốc ở chữ hiên, ngài cũng lấy hiếu làm gốc cho xã hội. Ngài cho rằng người sống với người chết, vẫn có liên lạc nhau; người ta ở đời vừa có nghĩa vụ đối với người sống, vừa có nghĩa vụ đối với người chết; đối với người chết phải kính phải thờ, đối với người sống phải dung phải thứ. Sự lễ nhượng cũng không phải chỉ là cái hình thức bề ngoài, tức là một nghĩa vụ tôn nhân loại, mà lại vừa là lòng tự tôn của người ta nữa. Hình dung chỉnh tề, nét mặt tươi tỉnh, dáng bộ khiêm tốn: lời nói dịu dàng, xuất ra bề ngoài như thế là bởi trong lòng cũng được bình tĩnh điều hòa. Giữ cho bề ngoài có lễ nhượng, không những đối với người cuộc giao tế được êm vui, mà đối với mình giữ gìn cũng phải cẩn thận lắm mới được; người không biết tự chủ, không có can đảm, cũng khó mà giữ được.

“Nói tóm lại, Khổng Phu tử là một nhân vật kiện toàn cao thượng, vừa biết khắc kỉ (stoicien), mà lại vừa biết lạc thiên (épicurien). Ngài là một người trí tuệ siêu quần, biết yêu người, biết mến đức, lại biết làm cho người ta cũng yêu người, cũng mến đức như mình. Nhưng một người mà khiến được cho cả một dân tộc vâng theo, khiến được một phần tư nhân loại coi làm một ông thánh sư tự hai mươi lăm thế kỉ đến giờ, thời đó là một sự kì lạ, cổ kim mới có là một. Loài người từ xưa đến nay không có một người nào có ảnh hưởng vừa sâu xa, vừa lâu dài như vậy. Thế lực ngài trong xã hội nước Tàu có thể cho là một hiện tượng rất li kì trong lịch sử thế giới, cũng không phải là quá vậy. Vì phải biết rằng nội trong các tôn giáo, duy có đạo ngài là không thiệp đến thần quyền. Đạo ngài là một nền triết học, ở trong không có một phần nào là thuộc về thần bí cả. Đạo ngài chỉ trọng về nghĩa lí, dạy cách cư xử ở đời. Các đạo khác thời đặt ra những sự huyền hoặc vô lí, hay là những chuyện dữ tợn ghê gớm, để mê hoặc, để dọa nạt người đời, mà mong chinh phục lấy lòng người. Đạo Khổng tuyệt nhiên không có gì như thế. Đạo Khổng không có nạt người, mà cũng không hề dối người, không biết sự thưởng phạt họa phúc là gì. Đạo Khổng là đạo công nhiên chính trực, ngay thẳng thực thà, là đạo thuần túy của người ta dốc lòng thờ nhân loại vậy (le cute tour human de l'humanité). Kẻ tín đồ quy y về đạo là tự mình lí phục tình ưng, không gì cưỡng ép. Đạo này cũng như đạo khác, muốn thật cho có sinh hoạt, cốt ở trong tâm não người ta. Nhưng cũng như đạo khác, lâu ngày thành ngưng trệ, chỉ còn có hư văn, không còn tinh thần nữa; những kẻ chuyên nghề giảng đạo, thường lại là những kẻ chỉ mong lợi dụng. Tuy vậy, cái tôn chỉ đạo từ xưa đến nay vẫn có người theo, vẫn có người hiểu, vẫn còn ích lợi cho người đời nhiều lắm.

“Song cứ bình tĩnh mà luận, Khổng giáo đối với nước Tàu không phải là hoàn toàn lợi ích. Đây tôi chỉ nói về tôn chỉ đạo, không xét đến phái nhà Nho làm sai nghĩa đạo, hai nước Tàu những thế nào. Đạo Khổng tuy đã làm cho văn minh nước Tàu được bền chặt thật, nhưng cũng làm cho tính cách người Tàu thành nhỏ hẹp đi nhiều; người Tàu sinh trưởng trong đạo Khổng, không hề có cái lòng hoài vọng cao xa, không hề có cái trí cảm giác huyền diệu; phàm những sự gì ra ngoài lí trí, siêu việt lẽ thường, không biết mà cảm tưởng đến. Ở Nhật Bản thời đạo Khổng chỉ hay mà không hại, vì ngoài đạo Khổng đã có đạo Phật và đạo Thần (shintoisme), lấy những lẽ huyền diệu thần bí để cảm những phần cao thâm u ẩn trong lòng người, đối với đạo Khổng chỉ là một đạo thực hành thực tiễn, chỉ biết phần lí trí mà không biết đến cảm tình của người ta. Ở nước Tàu thời không thế: ở Tàu đạo Khổng thịnh quá, làm cho những đạo cao thâm siêu việt như đạo Lão, đạo Phật không thể nào bồng bột lên được hoặc biến thành ra những thuyết bí mật của số ít người cao thượng hoặc mớ dị đoan của kẻ hạ dân ngu xuẩn, Khổng Phu tử là sản nhi của Bắc phương nước Tàu. Đạo ngài còn khuyết là không kiêm được cái tinh thần của Lão, Trang ở Nam phương, của Thích-già ở Ấn Độ, tinh thần này là cảm giác những cái gì đó ở ngoài hình sắc, ở trong linh tính, những cái gì thuộc về cõi thần bí, những cái gì mắt không thấy, tai không nghe, trí không giải, mà tâm hồn mơ màng tưởng vọng. Nếu Khổng giáo vừa có tinh thần ấy, lại vừa có quan niệm về nhân sinh, về vũ trụ như trên kia đã giải, thời thật là một đạo hoàn toàn. Nhưng nếu thế thời nước Tàu không phải là nước Tàu nữa, mà Khổng Phu tử cũng không phải là ông thánh nhân nước Tàu vậy”.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Về số phận của Nho giáo

    02/09/2016Hồ Sĩ QuýCũng như những thập niên trước ở Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore hay Hồng Kông, Nho giáo và văn hóa Nho giáo hiện vẫn giữ vai trò và vị thế của mình một cách tự nhiên trong đời sống. Chúng là sản phẩm của bản thân đời sống, được bảo tồn và duy trì lặng lẽ trong đời sống, theo những quy luật mà người ta không dễ can thiệp một cách cảm tính. Và do vậy, khi cần, chúng sẽ phát huy tác dụng theo quy luật tất nhiên của đời sống. Số phận của Nho giáo trong thế kỷ XXI, về căn bản, do đời sống xã hội quy định./.
  • Nghiên cứu nho giáo Việt Nam trong bối cảnh khu vực và thời đại

    29/09/2013Phó GS Phan Văn CácNho gia vốn quy giá trị nhân sinh thành giá trị xã hội, cho rằng con người phải có trách nhiệm nhất định đối với gia đình, xã hội, đất nước và cả thế giới: đó là lí tưởng cuộc đời và lẽ sống của mỗi người...
  • Học “lễ”?

    03/10/2009Nguyễn Ngọc LanhNhiều lý do khiến cần bỏ “tiên học lễ”, nhưng lý do bao trùm và cơ bản là nó thể hiện một triết lý giáo dục quá cũ kỹ, lạc hậu. Cần minh định rằng, bản thân “tiên học lễ” không có lỗi gì (cũng như cái cối xay lúa thời xưa không có lỗi gì), nhưng nó không còn vai trò tích cực như dưới thời phong kiến và văn minh nông nghiệp nữa. Trong khi đó xã hội cần những con người có suy nghĩ độc lập. Xã hội, dù ở thế kỷ XXI nếu còn nặng căn phong kiến, thì “tiên học lễ, hậu học văn” vẫn còn được luyến tiếc.
  • Khổng tử và Khổng giáo

    11/08/2009Phạm QuỳnhDường như lúc này đây là giai đoạn khó khăn nhất trên con đường dài kể từ sau ngày từ giã cõi trần của vị hiền triết già Châu Á. Trong suốt gần hai nghìn năm trăm năm ông ngự trị trên tâm trí và lương tri của bộ phận đông đúc và dày đặc nhất của nhân loại - tôi có hơi phân vân khi nói là trên trái tim họ, chưa bao giờ ông bị đem ra tranh cãi, phê phán ác liệt như những ngày này, ngay cả so với thời Trang Tử và các học giả của trường phái Lão giáo chĩa vào ông những mũi tên gay gắt nhất.
  • Phạm Quỳnh - Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932

    08/08/2009Cái văn bản Phạm Quỳnh mấy chục năm qua đã thoát hình hài trần thế để được thoả sức yêu cái đẹp thiên giới, nơi đó không còn triết học và thực dụng, không còn lo âu và toan tính, không còn ảo tượng và vỡ mộng. Văn bản đó sẽ để lại trong lòng người những tác phẩm như thế nào đây? Điều đó hoàn toàn là của riêng bạn đọc. Mấy lời giới thiệu phiến diện này cũng chỉ là một trong vô vàn tác phẩm mà thôi.
  • Phạm Quỳnh (1892 - 1945)

    29/06/2009Một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu...
  • Phật - Nho - Lão

    22/06/2009Thu San Nguyễn Thế HùngNếu xem văn hóa là một công cụ phát triển kinh tế, thì tích Kim đa văn hóa sẽ là công cụ cho phép chúng ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Điều kiện để sáng tạo đa văn hóa là chúng ta phải sáng tạo ra các sản phẩm mang bản sắc Việt mà vẫn có các nét quyến rũ của một nền văn hóa khác.
  • Nghĩa vụ là gì?

    02/06/2009Phạm QuỳnhTiên nho có câu: “Muốn nhập môn đạo Khổng Mạnh, trước hết phải biết cách phân biệt điều nghĩa điều lợi.” Tiên nho gọi điều nghĩa, tức ta gọi là nghĩa vụ; tiên nho gọi điều lợi tức là quyền lợi. Hai cái quan niệm về nghĩa vụ quyền lợi thực là cái chốt của luân lý vậy. Nghĩa với lợi quan hệ thế nào, đó là một vấn đề rất trọng, người ta dù ở đời nào nước nào, cũng phải xét đến. Vì giải vấn đề ấy, tức là giải nghĩa đời người vậy.
  • Khổng giáo với nền khoa học kỹ thuật Trung Hoa

    15/06/2007Chu HảoẢnh hưởng của Khổng giáo giải thích vì sao TrungQuốc chưa bao giờ là mạnh trong khoa học, đặc biệt là trong các ngành khoa học trừu tượng. Ông cho rằng, Khổng giáo chỉ dạy cho người ta nghệ thuật tìm chỗ đứng của mình trong tôn ti đẳng cấp xã hội đã được định hình sẵn, chứ không khuyến khích người ta tìm tòi, sáng tạo...
  • “Nhân” trong luận ngữ của Khổng Tử

    17/08/2006Lê Ngọc AnhNho giáo ra đời vào thế kỷ VI trước công nguyên do Khổng Tử là người sáng lập. Tại quê hương của Nho giáo đã từng có lúc rộ lên "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng", nhưng thực tế đã chứng minh, cuối cùng thì Nho giáo vẫn là học thuyết có sức sống lâu bền nhất...
  • Bàn về Đạo - Lý - Tính

    31/05/2006Đ.H.LCũng như các trường phái triết học cổ điển khác của phương Tây, hễ có lập luận triết lý tất yếu phải có quan niệm về các nguyên lý và nguyên nhân của sự sinh hóa trong vũ trụ, nội dung triết học của Nho giáo cũng có xuất phát điểm lấy cái Lý làm gốc với quan niệm: Thiên địa vạn vật nhất thể...
  • Đạo Khổng còn hợp với thời nay không?

    26/11/2005Nguyễn Văn NghệGần đây, trong mối giao lưu và hội nhập ngày càng được đẩy mạnh với các nước trong khu vực, nhiều học giả đã quay trở lại với việc đánh giá vai trò của Nho giáo trong xã hội Việt Nam thời hiện đại. Bài viết sau giúp bạn đọc tổng hợp một số ý kiến của các học giả nước ngoài, và quan diểm của một số nhà nghiên cứu Việt Nam...
  • xem toàn bộ